Thánh Thần

 

 

Thực tế, tất cả những gì tốt lành chúng ta có về vật chất hay tinh thần đều là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Thí dụ như ánh nắng mặt trời, không khí, thân xác, linh hồn chúng ta, thân nhân, láng giềng, loài vật, cây cỏ, sông núi v.v.. bất cứ một ơn huệ hay ơn sủng nào kể từ ơn cứu chuộc và sự sống đời đời cho chí ơn nâng đỡ chúng ta để thông hiệp với anh em trong đức tin. (Rm5,15-16; 6,23; 11,29).

Còn đặc sủng là một ơn huệ tốt lành do tình thương của Thiên Chúa ban xuống cho con người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Như vậy, đặc sủng hàm ý một ơn huệ đặc biệt, đôi khi còn phi thường nữa, dưới đây sẽ nói rõ hơn.

Trong các Dụ Ngôn, Chúa Giêsu có nói về "những nén vàng" hay "yến bạc" chủ giao cho tôi tớ, chúng ta có thể hiểu chúng là như các đặc sủng hay ơn huệ đặc biệt được ban cho mỗi người. (Mt 25,14-30; Lc 19,12-27)

Trong cuộc sống chúng ta thường nói một người có đặc sủng là vì họ có một đặc tính hoặc phẩm cách nào đó lôi cuốn kẻ khác tới với con người của họ.

NHỮNG ƠN HUỆ CỦA THÁNH LINH CHIA RA LÀM HAI LOẠI

1. Loại thứ nhất được coi là có mục đích thánh hoá bản thân người thụ lãnh: đó là 7 ơn huệ được trình bày ở sách ngôn sứ Ysaia 1:2-3: Ơn khôn ngoan, Ơn hiểu biết, Ơn Lo Liệu. Ơn Sức Mạnh. Ơn Thông minh. Ơn Đạo Đức. Và Ơn kính sợ Thiên Chúa.

2. Loại thứ hai, chính xác gọi là đặc sủng, là những ơn huệ đặc biệt Thiên Chúa ban xuống cho ta để phục vụ người khác cũng như phục vụ Giáo Hội1, ngoại trừ đặc sủng 'Tiếng Lạ', vì thường 'kẻ nói Tiếng Lạ thì tự xây dựng cho chính mình' (1Cor 14,4).

Một số những đặc sủng ấy được Thánh Phaolồ liệt kê trong 1Cor.12. Đó là 9 đặc sủng: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết (hay trí tri), đức tin, chữa lành, phép lạ, nói tiên tri, ơn biện phân các thần khí, nói các tiếng lạ và giải thích tiếng lạ. (1Cor 12,4-10)

NHỮNG TÁC VỤ CỦA THÁNH LINH

Thêm vào 9 đặc sủng này, có những đặc sủng thuộc thừa tác vụ của các Tông đồ, ngôn sứ, tấn sĩ (thày dạy) và quản trị, mời xem 1Cor 12,28-31.

Những đặc sủng thuộc tác vụ khác được liệt kê trong Rm 12,6-8; Ep 4,11 và 1Pl 4,10-11. Tất cả có chừng 20 đặc sủng và tác vụ.

Những ơn huệ đặc bịêt này đã được Tiên Tri Gioen tiên báo (xem Ge 2,28), và được Chúa Giêsu hứa ban cho các kẻ tin: "Đây là dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân Danh Thầy họ sẽ trừ được quỉ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống phải thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe." (Mt 16,17-18). Lời hứa này của Chúa đã được thực hiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem. (Cv 2,4), và sau đó, khi Giáo Hội đã bành trướng, thì ở Samaria (Cv 8,18), ở Xêdarê ( Cv 10,46), ở Êphêsô (Cv 19,6), ở Rôma (Rm 12,6-8), ở Galáxia (Gl 3,5), và một cách ấn tượng hơn cả là ở Côrintô (1Cor 12 và 14). Sự lạm dụng những đặc sủng đã len lỏi vào Giáo đoàn Corintô này, khiến Thánh Phaolô phải bàn giải cách sâu rộng trong Thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn ấy. Thánh Phaolô dạy rằng những "ơn huệ thần thiêng" này xuất phát từ Chúa Thánh Linh, Đấng linh động thân thể của Hội Thánh; và chức năng của chúng thì đa dạng giống như những chức năng trong thân thể con người vậy, và mặc dù được ban cho những cá nhân, nhưng chủ đích là để mưu ích cho toàn cộng đồng: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, song là vì ích chung" (1Cor 12)

BẨY ƠN HUỆ NHẰM THÁNH HÓA THỤ LÃNH NHÂN (Is 11,2-3)

1. Ơn Khôn Ngoan: Ơn này giúp chúng ta dứt mình ra khỏi thế giới vật chất xa hoa phù phiếm, để chúng ta thích thú và chỉ yêu chuộng những gì thuộc về thiên đàng, ví dụ nó giúp chúng ta hiểu và sống niềm vinh dự được Thiên Chúa là Cha chúng ta, và chúng ta là con của Ngài, hoặc được Chúa Giêsu yêu chúng ta đến đỗi đã chịu chết trên thập giá vì chúng ta, và mến thương chúng ta đến nỗi luôn chờ đợi chúng ta hằng ngày trong phép Thánh Thể, ẩn mình trong bánh và rượu để nuôi sống chúng ta mỗi ngày bằng tình yêu của Ngài.

Thực tế có 3 thứ khôn ngoan là: khôn ngoan tự nhiên, khôn ngoan do học tập, và khôn ngoan trực tiếp từ Thiên Chúa ban do tác động đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Cả ba đều là ơn huệ của Thiên Chúa, nhưng cái thứ ba được quí chuộng hơn cả, đó là sự khôn ngoan của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Giuse, Abraham, Moisen, các Thánh Tông Đồ, Thánh Phaolồ...

2. Ơn Hiểu Biết: là ơn giúp chúng ta thấu hiểu các chân lý trong đạo theo mức cần thiết cho cuộc đời chúng ta. Hiểu biết và sống giá trị của việc cầu nguyện, của đức tin, đức cậy, đức mến; Hiểu biết và sống với Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần, với tha nhân, các tạo vật của Thiên Chúa, và biết những cạm bẫy của ma quỉ.

3. Ơn Lo Liệu: Đây là ơn được sự tinh khôn siêu nhiên, cho ta khả năng thấy và chọn lựa đúng đắn những gì đem đến vinh quang cho Thiên Chúa, mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho Hội Thánh...

4. Ơn Sức Mạnh: Chúng ta nhận lãnh sức mạnh và can đảm để vượt qua mọi chướng ngại và khó khăn xảy tới trong lúc ta thi hành các bổn phận người có đạo, giúp chúng ta chống trả với thế gian, ma quỉ và nhất là những xu hướng xấu của xác thịt.

5. Ơn Thông Minh: Chỉ cho chúng ta thấy con đường phải theo Chúa và những nguy hiểm phải tránh để khỏi mất nước Thiên Đàng.

6. Ơn Đạo Đức: Ơn này gây ra nơi chúng ta lòng tin tưởng thâm sâu vào Thiên Chúa như đứa con thảo, và làm cho chúng ta chấp nhận trong vui vẻ và yêu tất cả những gì liên quan đến việc phụng sự Thiên Chúa, chẳng hạn như là cử hành phụng vụ, lãnh các bí tích, viêc đọc kinh cầu nguyện...

7. Ơn Kính Sợ Thiên Chúa: Giúp chúng ta biết tôn kính Chúa trên hết mọi sự, và làm cho chúng ta sợ hãi tất cả những gì xúc phạm tới Ngài. Thiên Chúa thì thánh thiện và đầy Lòng Thương Xót, nhưng Ngài cũng là Đấng Công Chính: Nếu có sự ác quỉ trên Thiên Đàng, thì chắc chắn Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa. Sự "kính" và "sợ" Thiên Chúa giống như cái chân ga và chân đạp thắng trong chiếc xe. Nếu không có chân ga thì chiếc xe không thể chạy được, nhưng cũng không ai dám chạy nếu không có thắng xe.

Đặc sủng và nhân đức :

Các ơn huệ của Chúa Thánh Thần là những sự tốt lành ở cấp bậc cao hơn các nhân đức : Nhân đức giúp ta dễ dàng đi theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của lẽ phải, trong khi các ơn huệ của Chúa Thánh Thần có chức năng làm cho ý chí chúng ta tuân theo Thánh Ý, và ngoan ngoãn nghe theo những soi sáng của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta chăm chú nghe tiếng nói của Thiên Chúa, và khiến ta yêu thích những gì thuộc về Ngài, và trung thành tuân theo ân sủng hiện tại Chúa ban xuống cho đúng thời đúng buổi.

CHÍN ĐẶC SỦNG ĐỂ PHỤC VỤ, 1Cor 12:

Chín đặc sủng của Chúa Thánh Thần được mô tả trong 1 Cor 12 là những đặc sủng – cùng với sự "nghỉ ngơi trong Thần Khí" và việc "trừ tà" – được sử dụng nhiều nhất bởi các thành viên của Phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Những đặc sủng này dành để phục vụ cộng đoàn, ngoại trừ đặc sủng 'tiếng lạ', là đặc sủng giúp riêng cho cá nhân (1 Cor 14,4). Chín đặc sủng này được nhắc tới ba lần trong 1 Cor 12,8-12;28-30, còn đặc sủng nói tiên tri, nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ, thì đặc biệt được đề cập trong 1Cor 14.

Đoạn cuối của 1Cor 12, Thánh Phaolồ thúc hối chúng ta "tha thiết tìm cho được những ơn huệ cao trọng hơn", và cuối cùng thánh nhân "bày tỏ cho chúng ta một con đường siêu việt", sẽ được trình bày ở chương 13 sau đó, tức là Đức mến / Bác ái.

CHÍN ĐẶC SỦNG TRONG 1COR 12 CÓ THỂ CHIA LÀM 3 HẠNG:

1. Đặc sủng về tâm trí (đầu):
- Ơn khôn ngoan
- Ơn hiểu biết
- Ơn biện phân các thần khí

2. Đặc sủng về hành động (tay):
- Đặc sủng chữa lành
- Đặc sủng làm phép lạ
- Đặc sủng đức tin, (đức tin có thể dời núi, Mt 21,21; Mc 11,22-23)

3. Đặc sủng về ngôn ngữ (miệng):
- Đặc sủng tiên tri
- Đặc sủng tiếng lạ
- Đặc sủng giải thích tiếng lạ

1. Ơn Khôn Ngoan (1Cor 12,8):

Ơn khôn ngoan là ơn quan trọng nhất, cũng như ơn khôn ngoan là ơn đầu trong 7 ơn Chúa Thánh Thần nhằm thánh hóa ta (Is 11,2). Nó là một "lời", một phát biểu, một sự diễn tả, chúng ta phải nói mới có được. Đó là đặc sủng chính trong thừa tác vụ của các Tông đồ, và cũng là tác vụ đầu tiên trong các danh sách của 1Cor 12,28.29.

Đa số những bài giảng của Chúa Giêsu đều là Lời Khôn Ngoan: Bài giảng trên núi, diễn từ về bánh Hằng Sống, diễn từ trong Bữa Tiệc Ly, bài giảng về thời tận cùng (Mt 5,24; Ga 6,13). Tất cả những bài giảng này đều nhằm ban cho ta sự khôn ngoan, để biết những mầu nhiệm (bí mật) của Thiên Chúa, giúp chúng ta sống cuộc mạo hiểm tuyệt diệu của đời làm Kitô hữu. Vì người có đặc sủng là như vậy, Kitô hữu là như vậy, không hơn không kém. Bất cứ một nhà giảng thuyết nào cũng phải được coi là người nói lời khôn ngoan.

2. Lời Hiểu Biết (lời trí tri) (1Cor 12,8):

 

Đây cũng là một 'lời', một phát biểu, chúng ta phải nói mới có. Trong các sách Tin Mừng không mấy khi dùng tới nó nhưng nó gây ấn tượng mạnh : Thiên Chúa ban cho một người được sự hiểu biết đặc biệt về một cá nhân, hoặc về một hoàn cảnh nào đó mà ngoài ra không có cách chi biết được, trừ phi Thiên Chúa mặc khải cho.

Khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samari: "Chị có tất cả năm đời chồng rồi, và người đang sống với chị bây giờ không phải chồng của chị' "Hãy tới mà coi có một người đã nói tất cả những gì tôi đã làm, Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?" (Ga 4,18.28).

Khi Chúa Giêsu nói với ông Nathanen, "Trước khi Philiphê gọi anh, anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Chúa nói không nhiều nhưng Nathanen đã rất phấn khởi nên đã đáp lại: "Lạy Thầy, Thầy chính là Con Thiên Chúa, Thầy chính là vua Israen!" (Ga 1,48-49)

Thánh Phêrô nói với vợ chồng Khanania và Xaphira một lời trí tri khi họ làm một điều bề ngoài có vẻ tốt, đó là tặng một số tiền cho Hội Thánh: "Khanania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất? Khi đất còn đó thì nó chẳng còn là của anh sao? Bán nó đi rồi thì anh chẳng có quyền giữ trọn số tiền bán đó sao? Sao anh lại rắp tâm làm chuyện quấy? Anh đã lừa dối không phải chúng tôi mà lừa dối Thiên Chúa."...và kết quả rất ấn tượng là cả hai vợ chồng ấy ngã xuống chết tức khắc. (Cv 5).

Trong một buổi họp của cộng đoàn đặc sủng Thánh Linh, lời trí tri cũng tác động mạnh mẽ. Lời đó nói thế này: "Ở đây có một người đạo Mô-mân (Mormon) nay được chữa lành cánh tay trái !". Khi anh ta ra ngoài, anh giơ được cánh tay trái đã bị liệt từ 20 năm nay cho mọi người thấy, vừa la lớn vừa khóc. Và rồi anh trở thành người Công Giáo. Trong buổi họp nhóm Thánh Linh bữa đó, đấy là câu chuyện làm phấn khởi nhất. Tất cả mọi người đều ca tụng Chúa với niềm vui không tưởng tượng được.

3. Biện Phân Các Thần Khí (1Cor12,10)

Đây là một đặc sủng quan trọng vì nó giúp chúng ta phân biệt thần khí tốt với thần khí xấu, tiên tri thật với tiên tri giả. Vì Satan có thể giả dạng làm một thiên thần sáng láng. Bởi vậy không ngạc nhiên gì khi bộ hạ của nó trá hình thành những người thừa tác viên cứu độ. (2Cor 11,14-15). Chúa Giêsu đã cảnh cáo chúng ta 3 lần khi những ngày cuối sẽ có rất "nhiều" tiên tri giả, Kitô giả, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. (Mt 24,4;11-24). Coi chương 2Pl 2 và 2Tm 3.

Một thần khí xấu có thể tiêu diệt cả một nhóm cầu nguyện hay cả một cộng đồng, một giáo xứ Kitô giáo. Satan có thể giả mạo bất cứ một đặc sủng nào của Chúa Thánh Thần... Hiện nay có rất nhiều Giáo Hội Kitô giả, nhiều cuộc hiện ra giả cho nên ơn biện phân các thần khí là đặc sủng rất cần cho chúng ta ngày nay.

Lời khuyên của tôi là: Muốn biện phân thần khí một cách tốt nhất thì nên nghe theo các chỉ dẫn của linh mục, của vị mục tử và giám mục của bạn. Các ngài có thể sai, nhưng nếu bạn nghe theo lời khuyên của các ngài, Thiên Chúa sẽ ở với bạn. Các ngài sẽ phải trả giá cho những lầm lỗi đó, nhưng phần bạn sẽ được yên lành, và Thiên Chúa sẽ chúc phúc cho bạn vì bạn đã vâng lời.

4. Đặc Sủng Chữa Lành (1Cor12,9):

 

Đây cũng là một đặc sủng đặc biệt. Mỗi Kitô hữu, mỗi kẻ tin vào Đấng Kitô đều có đặc sủng này, như chính Chúa Giêsu Kitô đã hứa: "Những dấu lạ này sẽ đi theo những ai có lòng tin...họ đặt tay trên những người bệnh thì người này sẽ được lành." (Mc16,17-18). Lời hứa này không chỉ dành cho những thánh nhân, hay cho những ai quyền cao chức trọng trong Hội Thánh, hay cho người uyên bác về Thánh Kinh hay thần học, nhưng cho "những ai có lòng tin", nghĩa là cho bất cứ một Kitô hữu nào, tức là cho bạn đó. Như vậy từ nay khi bạn đi viếng người bệnh, hãy đặt tay trên họ, nhân Danh Chúa Giêsu, và bạn sẽ thấy phép lạ.

Bất kỳ Kitô hữu nào, hay linh mục nào đều có quyền năng chữa lành hơn bất cứ một tên phù thủy hay thày pháp, bởi vì những kẻ này hành động nhờ quyền phép ma quỉ; nhưng Kitô hữu nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng đáng tiếc là biết bao Kitô Hữu không biết dùng quyền năng này. Bạn hãy thực hành đi, hãy làm nhân Danh Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu đã thi hành tác vụ quan trọng này trong thời sứ vụ của Ngài. Đó là lý do tại sao ta thấy đoàn lũ đông đảo dân chúng kéo nhau đi theo Chúa (Mt.4:23-25; Ga.6:2). Và mỗi lần Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi giảng Chúa đều ban cho họ, cho tất cả nhóm họ, lệnh truyền này: "Hãy trừ quỉ và chữa lành cho người bệnh tật." (Mt10,1.8; Lc 9,1; 10,9.17; Gc 5,15)... Và các môn đệ đã làm, và họ đã thành công lớn. (Cv 5,12-16; 8,6-8; 19,11-12).

 Đặc sủng được gọi là "các ơn huệ" (số nhiều), bởi vì rất nhiều Kitô hữu sẽ thực hành việc chữa lành, bởi vì có quá nhiều bệnh tật cần được chữa lành, và vì có nhiều cách để làm như: Đặt tay, xức dầu với dầu thánh, dùng nước phép, dùng xương thánh, hoặc Thánh Giá hay chỉ cần cầu nguyện, v.v... Có khi Chúa dùng các bác sĩ, y tá, nhà thương để chữa lành. Vậy ta hãy cầu nguyện cho người bệnh nhân Danh Chúa Giêsu, và hãy để cho Ngài làm việc chữa lành đó.

5. Đặc sủng làm Phép Lạ (1Cor12,10)

Đây là đặc sủng khác với đặc sủng chữa lành ở chỗ nó không tùy thuộc vào luật tự nhiên. Ngược lại, nó là một việc xảy ra vượt trên sự tự nhiên, hoặc ngược với sự tự nhiên. Đây là một "việc kỳ diệu", một "việc quyền năng", do quyền năng của Thiên Chúa thực hiện vượt trên năng lực của bất cứ một định luật vật lý nào có thể làm.

Chúa Giêsu đã cho 3 người chết sống lại, và trong lịch sử của Đạo Công Giáo, có ghi nhận 400 người đã được ơn sống lại. Chúa Giêsu đi bộ trên mặt nước hai lần. Trong lịch sử Giáo Hội trên 100 người đã làm được vậy. Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều, và cả trăm lần xảy ra giống vậy trong Hội Thánh.

Một phép lạ vĩ đại nhất là hằng triệu người Kitô Hữu sống trong yêu thương, an bình và hoan lạc, trong khi họ không có gì cả ngoài tình yêu của Chúa. Bất kỳ ai trên trái đất đều mong muốn được yêu thương, hoan lạc và an bình: từ ông Tổng Thống, người tỷ phú, gái điếm, sì ke, thuốc phiện, những nhà điền kinh...họ không ngừng nỗ lực để đoạt được những thứ đó, nhưng đa số không thành công. Vậy mà hằng triệu người Kitô Hữu như linh mục, tu sĩ, nữ tu, giáo dân...những kẻ trắng tay không tiền bạc, không quyền thế, không danh vọng, không sang giầu lại có triền miên hoan lạc sâu xa, và yêu thương, và an bình trong cuộc sống. Và điều tuyệt diệu là sau khi họ có những thứ đó trong cuộc đời này trên trái đất, họ sẽ có thiên đàng vĩnh cửu đời sau.

6. Đặc sủng Đức Tin (1Cor 12,9):

 

Đây có thể nói là một đặc sủng quan trọng nhất trong các đặc sủng về hành động: Đặc sủng đức tin có quyền năng rời núi chuyển non được nói trong Mt.21:21: "Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: "Rời chỗ này, nhào xuống biển!", thì sự việc sẽ xảy ra như thế."

Đặc sủng đức tin sẽ làm những viêc này: Hãy rời núi hận thù, ganh tỵ, thành kiến xấu với kẻ khác, phá thai v.v..Bắt đầu một chương trình TV mới không có đồng xu dính túi; tìm kiếm chỗ ở cho hằng triệu người không nhà như Mẹ Térésa, hoặc giúp hằng triệu người giống như cơ quan từ thiện Hồng Thập Tự (Red Cross), hoặc đi hoán cải hàng ngàn người ngoại đạo Hinđu mà không cần thông thạo ngôn ngữ của họ giống như Thánh Phanxicô Xaviê đã làm; hoặc vui vẻ thi hành chức nghiệp nặng nhọc của mình; vui sống cuộc hôn nhân của mình, hay đi làm các việc tông đồ ...

Trong sách Tin Mừng có nói đến ba loại đức tin:

1. Đức tin cứu rỗi: để trở thành Kitô Hữu.

2. Hoa Trái của Đức Tin là để rèn nhân cách, lòng trung thành, trung tín. (Gl 5:23-23)

3. Đặc sủng đức tin, là lòng tin mạnh đến nỗi có quyền lực dời núi, chuyển non được.

Trong loại đức tin được coi là đặc sủng này, sách Tin Mừng trình bày cho thấy: người thì có đức tin, kẻ thì yếu tin, và kẻ thì mạnh tin.

1. Người có đức tin: là như người phong hủi, người mù, người bại liệt...đây chỉ là những người bình dân, và họ đã được chữa lành.

2. Người yếu tin: Thật kỳ lạ, trong số này thấy có các Tông Đồ, vì nhịều lần Chúa bảo họ là "những kẻ kém tin" (Mt 8,26; 14,31; 17,20; Lc 8:25)... Một lần khác Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi thì dù anh em có bảo núi này: "Rời khỏi đây, qua bên kia!: nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được." (Mt 17,20)... Mà hạt cải kia nhỏ bé như phấn bột, chỉ cần chút thôi là có cả hàng ngàn hạt giống.

3. Người mạnh tin: Cũng thật kỳ lạ vì chỉ thấy có hai người mà Chúa Giêsu bảo là có đức tin mạnh mẽ, ấy là hai người ngoại giáo, không phải người Do Thái: một người là viên Đại đội trưởng Rôma ngoại giáo trong Mt 8,10 và người thứ hai là đàn bà xứ Ca-na-an sống trong vùng ngoại biên của Israen là Tia và Sidôn nói ở Mt 15,28.

Chúng ta chỉ còn cách làm như các Tông Đồ: "Các ngài nói với Chúa: "Lạy Thày xin hãy tăng đức tin cho chúng con"... và bạn biết Chúa trả lời sao rồi (xem Lc 17,5-6)

 7. Đặc sủng Tiên Tri (1Cor 12,10, và chương 14)"

Đặc sủng Tiên Tri thật quan trọng, đã được nhắc tới 22 lần trong 1Cor 12-14 cho mọi Kitô hữu ! Khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, mỗi người Công Giáo được xưng nhận là tiên tri, tư tế và vua. Rồi lúc lãnh bí tích Thêm Sức, họ được củng cố trong chức vị làm tiên tri, làm tư tế và làm vua.

Linh mục là người thưa với Thiên Chúa về chuyện của con người, và cũng là người cầu nguyện với Thiên Chúa cho con người...Tiên tri là người nói với dân chúng về Thiên Chúa, hoặc nói những lời Thiên Chúa cho dân chúng biết. Nói tóm, ông là phát ngôn viên của Thiên Chúa cho con người.

Đây là một đặc sủng nhờ đó, qua một người, Thiên Chúa nói hay truyền đạt một sứ điệp cho một cá nhân hay cho toàn thể cộng đồng Kitô giáo. Chúa dùng một ai đó để phát biểu những ý tưởng của Ngài về tình trạng hiện tại, hoặc một dự tính của Ngài cho tương lai. Hoặc điều gì Ngài muốn cho họ biết hay cần phải lưu tâm. Đặc sủng tiên tri không ưu tiên và nhất thiết là báo trước những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai.

Chức vụ tiên tri là để xây dựng, chỉ giáo, ủi an và khích lệ cho các tín hữu của một giáo đoàn (1Cor 14,3)

Thánh Phaolồ bảo rằng một cá nhân trong giáo đoàn có thể nói tiên tri bằng các ngôn ngữ (các tiếng mới lạ) và cần được giải thích bởi một ai đó được đặc sủng giải thích này (1Cor 14,5) Lưu ý: Chúng tôi đã nhắc nhở trong lần nói về đặc sủng biện phân các thần khí rằng trong những thời cuối hết sẽ có nhiều tiên tri giả, thành thử cần phải thận trọng và sử dụng việc biện phân các thần khí.

8. Đặc sủng Tiếng Lạ gồm nhiều loại (1Cor 12,10 và chương 14):

 

Đây là một đặc sủng quan trọng, được nhắc tới 57 lần trong Tân Ước. Và là một đặc sủng mà mỗi Kitô hữu được có, như Chúa Giêsu phán: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin....họ sẽ nói được những Tiếng mới Lạ" (Mc 16,17)... "Cho những ai có lòng tin", tức là cho tất cả mọi Kitô Hữu! Các bạn có tin vào Chúa Giêsu không? Còn nữa: Đây là một đặc sủng duy nhất trong 9 đặc sủng phục vụ không phải chỉ để giúp cho tha nhân mà để "giúp cho chính mình" xây dựng thêm vững mạnh (1Cor 14,4). Thật vậy, chúng ta tất cả thường rất cần xây dựng cho chính bản thân chúng ta.

 Ít nhất có hai loại đặc sủng về tiếng lạ:

 

1. Loại đặc sủng đầu tiên: được mô tả trong 4 câu của sách Công Vụ Tông Đồ 2,4.6.8.11: "Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho", "Dân chúng kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình"... Mà những người môn đệ đang nói đó tất cả đều là người Galilê. Phép lạ vĩ đại của ngày Lễ Ngũ Tuần đã không bao giờ xảy ra lại nữa trong Giáo Hội, có không vậy? Ngôn ngữ của niềm 'vui' thì ai mà chẳng hiểu. Khi bạn yêu thương một người nào, họ sẽ hiểu bạn bất kể nói tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Tầu hay tiếng Nhật...Ngôn ngữ "niềm vui", "yêu thương", và "bình an" thì ai cũng hiểu, và có thể nói rằng đó là những phép lạ vĩ đại nhất của Kitô Hữu trong mọi thời đại.

2. Loại đặc sủng thứ hai: 'nói tiếng lạ', là một trong 9 đặc sủng của Chúa Thánh Thần được nêu ra đến 3 lần trong 1Cor12,10.28.30, và được giải thích lần nữa trong 1Cor 14,1-33, ở đó đặc sủng 'nói tiếng lạ' hay 'cầu nguyện bằng tiếng lạ' được nhắc đến 12 lần.

 'Nói tiếng lạ' là thế nào ?

 

 Lối 'Nói tiếng lạ' này tiếng Hi Lạp gọi là 'glossolalia' hay 'bập bẹ như tiếng trẻ thơ': không ai nghe ra cái gì. Bề ngoài xem ra nó ngược với chuyện xảy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng thực tế cũng giống nhau, bởi vì đó là thứ tiếng của niềm vui, yêu thương và an bình mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được.

Tôi có một bịnh nhân trúng một lô độc đắc $15 triệu. Cả nhà la lên vì vui mừng. Không cần một lời diễn tả đặc biệt nào cả, mà ai cũng hiểu được. Nói tiếng lạ cũng na ná như vậy. Ngày mà bạn sống như một người con của Chúa, đó là ngày bạn trúng số 1000 triệu bạc rồi, bởi vì người Cha của bạn là tỷ tỷ phú, Ngài có hàng ngàn triệu cho bạn, và thế là bạn sẽ hét lên vì vui mừng, không cần một lời nào rõ ràng cả, đây là những lời bập bẹ, ngọng nghịu như những lời của bé thơ, nhưng ai cũng hiểu nó muốn nói gì.

Hôm nào bạn nói được 'tiếng lạ' là ngày bạn nhận thức thấy tội lỗi đáng ghê sợ chừng nào. Tôi thấy trên TV một người đàn bà có đứa con nhỏ 8 tuổi bị vùi trong một trận tuyết lở ở Columbia. Bà ta không nói câu nào, nhưng sự đau khổ sâu thẳm của bà ai ai cũng có thể hiểu được và còn đồng cảm nữa. Tội lỗi là một sự khủng khiếp có thể xảy ra trong đời bạn hay đời con bạn, và ngày nào bạn nhận thức được điều ấy, thì không một lời nào có thể diễn tả được, mà chỉ có những tiếng rên la trong sầu muộn khổ đau, hoặc những tiếng khóc như trẻ thơ mà ai cũng hiểu.

Thánh Phaolô đã nêu ra cả hai loại: "nói tiếng lạ' và 'cầu nguyện bằng tiếng lạ' (1Cor14,14-15).

Các người Đặc sủng Công giáo tin tưởng rằng Thiên Chúa ban ơn cầu nguyện bằng tiếng lạ cho tất cả những ai kiếm tìm cái đặc sủng ấy. Người nói được thứ tiếng mới lạ đó, nói để chúc tụng Chúa, hay ăn năn sám hối, mặc dù cá nhân họ không hiểu mình đang nói gì, là bởi vì Thần Khí Thiên Chúa cầu nguyện trong trái tim họ. Thánh Phaolồ đã nói: "Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa." (Rm 8,26-27).

Mặt khác, những ai nói tiếng lạ phải cầu xin cho được ơn 'Giải Thích Tiếng Lạ', để cả cộng đoàn nhờ đó mà được hưởng ích lợi. Trong thực tế, nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ cũng tương đương như nói tiên tri. Xem 1Cor14,13.27-28.

 9. GIẢI THÍCH TIẾNG LẠ (1Cor12,10 và chương 14)

Giải thích tiếng lạ không phải là thông dịch điều mà tiếng lạ ấy nói, song là giải nghĩa. Thí dụ, một người cầu nguyện bằng tiếng lạ trong hai phút, còn người giải thích sứ điệp của tiếng lạ đó có thể chỉ làm trong vòng 10 giây.

 Khi một người nói tiếng lạ hay cầu nguyện bằng tiếng lạ trong một cuộc nhóm họp thì cũng nên có một người nào trong nhóm có thể giải thích tiếng lạ để xây dựng Giáo Hội. Nếu không, việc cầu nguyện bằng tiếng lạ chỉ xây dựng (= mưu ích) cho chính mình thôi (1Cor14,27-28). Chúng tôi đã nhắc lại trên đây những lời Thánh Phaolồ nói rằng nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ thì ngang với lời tiên tri.

TRỪ QUỈ (Mc 16,17, Mt 10,1):

Đây là một đặc sủng khác nữa của Chúa Thánh Thần, nó không có trong danh sách của Thánh Phaolồ, nhưng trong lời hứa của chính Chúa Giêsu, và được ban cho bất cứ Kitô Hữu nào: "Đây là dấu lạ đi theo bất cứ ai tin : Nhân danh Ta họ sẽ trừ được quỉ" (Mc16,17)... Nó là dấu lạ thứ nhất trong 5 dấu lạ đi theo tất cả những Kitô Hữu, "cho bất cứ ai tin vào Chúa Giêsu"! ngay cả người kém cỏi không biết đọc biết viết, chính Chúa Giêsu đã nói như thế.

Chúa Giêsu đã trừ nhiều quỉ, và mổi lần Ngài sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Ngài ban cho họ quyền năng trừ quỉ. "Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế" (Mt10,1; Lc9,1) và 'Nhóm 72 môn đệ trở về, hớn hở nói: "Thưa Thày, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỉ cũng phải khuất phục chúng con." (Lc10,17)

Bất cứ Kitô Hữu nào cũng có quyền năng xua trừ những loại quỉ ganh tỵ, kiêu ngạo. ghen tương, rượu chè, thuốc phiện, tà dâm...Khi bạn gặp một người tà giáo, đừng phí thời giờ tranh cãi với họ, chỉ việc trừ tà lạc giáo ra khỏi họ nhân Danh Chúa Giêsu, và bạn sẽ thấy chuyện lạ xảy ra.

Chúa Giêsu là Đấng quyền năng vạn lần mạnh hơn tất cả những quỉ thần hợp lại. Và một Kitô Hữu, nhất lại là linh mục hay nữ tu, thì nhờ Danh Chúa Giêsu, họ sẽ có quyền năng mạnh hơn tất cả những phù thủy của tà thần hợp lại. Vần đề là đa số những Kitô Hữu đã không sử dụng cái quyền năng họ có sẵn đó. Nhân Danh Chúa Giêsu, hãy dùng nó đi hỡi các bạn, để làm sáng danh Chúa Cha, và để mưu ích cho chúng ta, và hữu ích cho Giáo Hội.

Có ba loại ảnh hưởng của ma quỉ:

 

1. Sự cám dỗ: Đây là điều xảy ra cho tất cả mọi người, ngay cả Chúa Giêsu khi Ngài ăn chay cầu nguyện trong 40 ngày. Bạn và bạn bè của bạn cũng sẽ bị cám dỗ, nhất là những khi bạn cầu nguyện và ăn chay lâu dài như Chúa Giêsu. (Mt 4)

2. Sự ám ảnh, sự thôi thúc không kềm chế được, sự ức chế. Đây là những điều thường xảy ra, nó thôi thúc làm những việc như thủ dâm, trộm cắp, nói láo, làm tổn thương người thân hay bạn bè, đồng tình luyến ái, rượu chè, ma túy, những xung động vô lý, gây thất vọng..v.v...

Đây là tình huống một người bị những kích thích không kềm chế nổi, xúi họ thực hiện một cái gì đó mà họ biết là sai trái hay vô lý; hoặc khi khác đó là một nỗi ám ảnh không thể rũ bỏ về một tư tưởng, một hình ảnh, một cảm xúc mà họ biết đó là sai trái. Không giống như khi bị quỉ ám (hay quỉ nhập), vì người này vẫn có thể điều khiển ý muốn, vẫn có khả năng làm những hành động cố ý và họ nhận thức được là họ đang làm điều phải hay trái.

3. Quỉ nhập: Đây là trình trạng con người bị quỉ chiếm hữu mất quyền tự chủ, nên họ không có khả năng suy nghĩ hay hành động cách cố tình và hữu ý được nữa. Đa số những người tà giáo, và những người có dính líu với ma thuật huyền bí rơi vào tai hoạ khủng khiếp này. Ở trường hợp đây, những người này không thể nhận thức được mình đang sai trái. Đôi lúc, bản ngã của họ bị thay thế bởi một hữu thể xa lạ xâm nhập vào trong họ, làm chủ trong họ, nhất là khi đề cập tới một vấn đề đặc thù nào đó. Thông thường họ rất bình thường trừ phi bạn đụng chạm đến vấn đề đặc thù đó... Những lúc khác, tuy không thường xuyên, họ có thể để lộ những triệu chứng kỳ quái, chẳng hạn như cách xử sự cuồng trí, cách ăn nói không mạch lạc, những điệu bộ thể xác không kiểm soát được, có những động tác sức mạnh thể xác phi thường có thể đưa đến sự tự hủy hoại hay làm hại kẻ khác.. v...v..

Trong mọi trường hợp, phải cân nhắc kỹ càng xem những triệu chứng hoặc hành động đó có thể do những yếu tố bệnh lý tự nhiên hơn là do quyền lực siêu phàm của tà ma.

Chúa Giêsu đã trục xuất nhiều quỉ dữ, điều này đã được ghi chép trong Phúc Âm Thánh Maccô. Còn các chuyện tà ma được thuật trong Công vụ Tông Đồ 16,16 và 19,13-19 thì liên quan tới những người không phải là Kitô Hữu.

Việc trừ quỉ chính thức trong Giáo Hội rất ít khi xảy ra, và việc trừ quỉ ấy thường do các linh mục thi hành, khi đã được ủy nhiệm của Giám Mục sở tại, và sau khi đã tiến hành những cuộc tra cứu rất kỹ lưỡng cả về hai mặt tâm lý lẫn thể lý, để loại bỏ mọi nguyên nhân tự nhiên có thể đã là nguyên cớ gây ra vấn đề ấy. Kể từ năm 1972, Giáo Hội tuyên bố rằng, sẽ không còn truyền chức thánh thứ tư là chức trừ quỉ nữa.

Con Đường siêu vời của Thánh Phaolồ (1Cor13):

 

"Tôi sẽ chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả" (1Cor 12,31). Sau khi đã bàn hết 9 đặc sủng, Thánh Phaolồ chỉ cho chúng ta thấy cái mà ông gọi là "con đường trổi vượt" trong câu cuối cùng của 1Cor12,31. Và tiếp theo đó trong 1Cor 13 ông mô tả "con đường trổi vượt " ấy như sau:

Con đường trổi vượt hơn cả là "Đức mến", bởi vì "Nếu tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các Thiên Thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác chi thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn tiên tri, và biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì."

Câu 3 gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc hơn cả là: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi." Thi hành các điều ấy không phải là yêu mến. Hãy suy nghĩ điều này: Nếu bạn dùng hết tiền bạc để cho vợ con bạn cơm ăn áo mặc, nhưng rồi họ xuống địa ngục bởi vì bạn đã dạy họ con đường xấu qua cuộc đời và những hành động của bạn. Khi bạn chết rồi, vợ con bạn hét lên từ địa ngục: "Không được để cho cha tôi hay chồng tôi vô nước Thiên Đàng. Chúng tôi đang ở dưới địa ngục bởi vì ông ta đã lừa dối chúng tôi ! Bằng đồng tiền và những ảnh hưởng của ông, ông đã đẩy chúng tôi xuống hỏa ngục." Điểm quan trọng nhất của tình yêu là làm sao giúp cho những người thân của mình, bạn bè mình về thiên đàng, hay giúp họ trở nên một người rao giảng Tin Mừng, một người cộng tác với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu chuộc .

Những lời Chúa Giêsu gây ấn tượng sâu xa hơn nữa cho tôi, đó là Ngài nói: "Nhiều người" dùng Danh Ta để trừ quỉ và đã nhân Danh của Ta làm phép lạ, nhưng Ta sẽ tuyên bố với họ... Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! (mời đọc Mt7,21-23)2. 'Nhiều người' sẽ bị xuống hỏa ngục...Tôi cầu xin sao cho tôi và bạn sẽ không ở trong số 'nhiều' đó.

Đức Mến hay Bác Ái là gì? Đó là làm những điều Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta. Muốn biết lòng mến là thế nào, hãy nhìn lên cây Thánh Giá trên đồi Canvê, và đọc trong Mt25,31-46 và Mt5,38-48, và ở đây 1Cor13, chương Đức Mến của thánh Phaolồ, được đặt chen vào giữa hai chương về đặc sủng.

Thánh Augustinô nói: "Bạn có muốn trở thành Thiên Chúa không? Vậy thì hãy yêu đi, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu. (1Ga4,8.16). Bạn có muốn có lòng yêu mến không? Hãy trở nên Thiên Chúa. Hãy có Chúa Giêsu trong tim bạn và sống với tình trạng vinh hiển ấy trong từng giây phút trong ngày, bởi vì đó là cốt tủy của việc làm người Công Giáo. "Tôi không còn là tôi nữa mà Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20), và chỉ có cách đó mới trở thành yêu thương được, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

NGHỈ NGƠI TRONG THẦN KHÍ:

Trong những buổi họp của nhóm Đặc sủng Thánh Linh Công giáo, thường xảy ra một ơn huệ được gọi là: "Nghỉ ngơi trong Thần Khí". Thánh Térésa Avila thường gọi là: 'Bay trong Thánh Thần', và Thánh nhân đã được hưởng ơn ấy nhiều lần như chúng ta đọc thấy trong tiểu sử của Người.

Hiện tượng ấy xảy ra khi một người được (đặt tay) cầu nguyện cho thì người đó té xuống (và nằm nghỉ trong Thần Khí). Lần đầu tiên tôi dự một cuộc cầu nguyện của nhóm Thánh Linh. Buổi nói chuyện bữa đó nói về Thánh Thể. Cuối buổi nói chuyện, một người bạn của tôi nói: Bây giờ chúng ta đặt tay cầu nguyện cho những người này, cầu xin Chúa cho họ hiểu rõ và sống bí tích vinh quang này." Đối với tôi, không có khó khăn gì bởi vì tôi thường dành nhiều giờ cầu nguyện cho người ta, ngoại trừ việc đặt tay cầu nguyện thì tôi chưa làm cho một ai cả. Và bữa đó, tôi đã đặt tay cầu nguyện cho một người đàn ông cao 7 feet (2m14). Tôi dự tính nói rằng: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy giúp người này hiểu và sống thực tại vinh quang của phép Thánh Thể"...nhưng tôi chỉ mới nói tới chữ 'Thánh' thì cả con người cao lớn 7 feet của ông ta té ngửa xuống đất, đầu đập mạnh trên sàn nhà...Tôi nghĩ chắc ông ta thế nào cũng bị đau. Bạn tôi nói: "Đừng lo, ông ta đang nghỉ ngơi trong Thần Khí". Nhưng tôi là một bác sĩ, nên tôi đã ngồi kề bên ông cho đến khi biết chắc ông không hề hấn gì nơi đầu ông mới thôi. Ngày sau đó tôi đã gọi cho ông ta, và tuần sau đó tôi cũng gọi để biết rằng ông được an lành, không sao cả.

Trong suốt 30 năm nay, có lẽ cả ngàn người nam nữ đã được ơn Nghỉ ngơi trong Thần Khí khi tôi đặt tay cầu nguyện cho họ. Nhưng từ lần đầu tiên đó, khi cầu nguyện cho họ, tôi luôn luôn đặt tay trái mình phía sau đầu họ trong trường hợp họ té xuống. Hoặc chắc ăn hơn, tôi nhờ một người nào đó đứng đằng sau đỡ lấy họ nếu họ té. Tôi không muốn thực hành nghề bác sĩ trong những buổi họp Thánh Linh. Chúa ơi, xin tha thứ cho con, vì đức tin của con còn yếu kém.

Tôi cũng hỏi nhiều người về cảm giác của họ khi họ nghỉ ngơi trong Thần Khí, và thường họ cho biết cảm giác đó giống như Thánh Nữ Têrêsa đã mô tả trong cuộc đời của Người, trong khi họ lại chưa bao giờ đọc gì về cuộc đời của thánh nữ cả. Họ nói với tôi cảm giác lúc ấy giống như được ở trên thiên đàng, bay bổng trên không, tràn đầy niềm vui và an bình, một phút mà có cảm giác như sống cả ngàn năm, trí óc họ vẫn ý thức mọi chuyện. Đó luôn mãi là một kinh nghiệm huy hoàng không thể quên được. Có trường hợp người ta khóc lóc rất thảm thiết vì lúc đó họ cảm nhận được sự khủng khiếp của tội lỗi. Còn người khác thì cảm thấy như có ai đó kéo cái cẳng chân bị đau đã hơn 20 năm, và lúc đứng dậy thì không còn đau gì nữa. Hoặc người khác thì bịnh suyễn biến mất, hoặc ngực đau cũng tan đi, hay máu đang chảy ra được ngưng lại tức thì...và những chứng đó không bao giờ trở lại, cho dù việc chảy máu ấy đã xảy ra nhiều năm rồi.

Tôi cũng đã được kinh nghiệm sự nghỉ ngơi đó lần đầu tiên, trong ngày lễ Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor, Người cầu nguyện cho tôi là một người đàn bà khiêm tốn, và chị này cũng là lần đầu tiên dự nhóm...Trong khi chị cầu nguyện cho tôi thì tôi cũng té xấp mặt xuống đất. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: cái kính đeo mắt của tôi! Nhưng niềm vui không thể giải thích được và cái cảm giác nhẹ nhàng vô trọng lượng trong con người nó làm cho tôi quên bẳng đi cái mắt kính. Khi thời gian nghỉ ngơi đó qua đi, lập tức việc đầu tiên của tôi là nhìn xem cặp mắt kính đó như thế nào: nó không bị gì cả.

Sự nghỉ ngơi trong Thần Khí cũng xảy ra trong Thánh Kinh: Tiên Tri Đanien đã thường được điều này, hầu như trong mỗi lần ông được nhận một mạc khải, thì ông nằm giống như chết trong nhiều ngày. Và người đoạt giải vô địch chuyện đó trong Thánh Kinh là Tiên Tri Ezekien, ông té đi té lại mỗi lần thấy vinh quang Thiên Chúa. Trong sách Diễm Ca của vua Salômôn có bài, Bạn Tình Tôi:"Xin cho tôi bánh nho để tôi tìm lại sức, cho tôi táo để tôi được bồi dưỡng, bởi vì tôi đã ốm tương tư." (Dc 2,5).

GIƠ TAY LÊN CAO:

Những người đặc sủng Thánh Linh khi chúc tụng Chúa hoặc xin ơn tha thứ thường giơ hai tay lên cao. Cảnh giơ tay lên cầu nguyện được nhắc tới rất nhiều trong Thánh Kinh. (1Tim 2,8, Is 1,15, Tv 28,2; 47,2; 63,5; 77,3; 134,2; Ac 3,41)

Tôi tin rằng đây cũng là một ơn huệ. Nhưng nó đã là một vấn đề khổ sở đối với tôi. Ba mươi năm về trước, khi tôi bắt đầu làm việc với nhóm Canh Tân Đặc Sủng, đa số những lần nhóm họp như vậy tôi là người thuyết trình. Tất cả những người trong ban lãnh đạo đều là bạn bè của tôi, gồm cả linh mục và giáo dân. Cả chục lần như một, họ đều bảo tôi giơ tay lên khi chúc tụng Chúa, nhưng tôi không làm được. Tôi chúc tụng Chúa trong hân hoan và thường xuyên, nhưng không thể giơ tay lên được, bởi vì tôi cảm thấy kỳ cục hay vì tự cao không biết? Khoảng một năm sau, trong một Thánh Lễ, vị linh mục chủ tế đột nhiên nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện" và ngài giơ hai tay lên... Tôi đã thấy điều này cả trăm lần, mỗi lần đi dự thánh lễ. Nhưng thình lình, tôi chợt cảm nhận ra một điều: vị linh mục đang nói với tôi là hãy cầu nguyện với ngài, và cầu nguyện theo như cách ngài đang làm...Ngay lập tức, tôi nâng hai cánh tay lên cao với ngài và cầu nguyện với ngài.

Từ ngày đó đã 30 năm, mỗi lần vị linh mục giang tay ra cầu nguyện thì tôi cũng làm như vậy. Đa số những thành viên nhóm Thánh Linh không làm vậy trong Thánh Lễ nhưng nhiều bạn bè của tôi đã làm vậy, nhất là trong lúc đọc Kinh Lạy Cha...vì việc đó rất phù hợp với Kinh Thánh, và nếu linh mục làm vậy, và ngài xin chúng ta làm như ngài thì tại sao không làm chứ? Còn một điều nữa: nếu bạn muốn lôi kéo người ta chú ý, bạn không cần mặc quần áo sang trọng, đeo nữ trang đắt giá trong Thánh Lễ, chỉ cần giơ hai tay lên cùng một lúc với linh mục chủ tế, mọi người sẽ đưa mắt nhìn bạn ngay... Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi mắc cỡ, nhưng tôi thấy đó là điều nên làm, và các linh mục của giáo xứ tôi chưa bao giờ bảo tôi đừng làm, hoặc các linh mục trong các giáo xứ khác cũng vậy. Thực ra chưa một người nào nói gì với tôi cả, hơn nữa, thành thực mà nói, làm như vậy tôi cảm thấy sốt sắng hơn, và cùng đồng điệu với linh mục chủ tế hơn.

Nếu bạn để ý, mỗi lần vị chủ tế cầu nguyện với Đức Chúa Cha, ngài đều giang hai tay lên. Khi ngài cầu nguyện cùng Chúa Giêsu, ngài cúi đầu. Và với Chúa Thánh Thần, ngài chắp hai tay trước ngực, giống như nhiều bức ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Bởi vì thánh lễ là do quyền năng Chúa Thánh Thần thực hiện, cho nên tham dự Thánh Lễ cách năng động, thì vị chủ tế, và bạn, và tôi, chúng ta nên luôn để tay trên ngực, chứ không phải để thõng tay xuống như khi chúng ta coi những màn trình diễn trên sân khấu.

Các thị nhân:

Mọi người Công Giáo đều biết những cuộc hiện ra ở Fatima, Lộ Đức... Đó cũng là ơn huệ của Chúa Thánh Linh. Đây không phải là sự kiện bình thường trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng, nhưng đó những sự kiện xảy ra trong Giáo Hội, đặc biệt là trong thời nay. Từ năm 1900 tới 1960 đã có 25 báo cáo về những cuộc hiện ra được chuyển về Vatican. Từ năm 1960 tới nay, có trên 3000 báo cáo về những cuộc hiện ra chuyển về Vatican từ hầu hết mọi dân mọi nước trên mọi lục địa. Quả là một trận mưa ơn tràn trề. Ngợi khen Chúa.

Thuận Hà dịch


Dịch từ "gifts, charisms, and ministries of the Holy Spirit" trong www.Religion-cults.com/spirit/charisms

Chú Thích:

1 : Chính vì những đặc sủng thường có tính cách xây dựng (= mưu ích) cho cộng đoàn, cho Giáo Hội, mà người ta cũng gọi là "đoàn sủng". Và Công Đồng Vatican II đã chính thức xác nhận các đặc sủng, khi tuyên bố trong Hiến Chế Lumen Gentium ("Ánh sáng muôn dân") số 12 rằng: "Chúa Thánh Thần còn ban phát các ân sủng đặc biệt (1Cor 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau hầu mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: "Thánh Thần hiển thị trong mỗi người hầu đem lại lợi ích chung" (1Cor 12,7).

2 : Ý Chúa muốn nói là chúng ta có thể có và sử dụng các đặc sủng, song không phải vì thế mà ta là người thánh thiện để được vào thiên đàng. Chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha mới được vào thiên đàng mà thôi.

 

Trở lên trên