Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 38

LỜI KHUYÊN CÁC NGƯỜI KẾT BẠN

“Hôn phối là một bí tích cao trọng, tôi có ý chỉ về Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội” (Êphêsô 5, 32). Nó quý trọng đối với mọi người, nơi mọi người và trong mọi sự, nghĩa là trong mọi phần. Với mọi người, vì các người đồng trinh cũng phải tôn trọng cách khiêm cung. Nơi mọi người, vì nó thánh thiện nơi các người nghèo, cũng như người giàu. Trong mọi sự, vì nguồn gốc, mục đích, ích lợi, hình thức cũng như chất thể nó đều thánh. Đây là nơi ương trồng hạt giống đạo Chúa Kitô, nó sẽ tung các tín hữu ra đầy mặt đất, để làm đủ số các kẻ được chọn trên trời. Bởi thế nên bảo toàn hôn nhân là vấn đề tối ư quan trọng đối với quốc gia, vì đây là nguồn của mọi dòng suối khác.

Chớ gì Chúa Giêsu được mời đến dự mọi hôn nhân như đã dự đám cưới thành Cana, chắc hẳn rượu an ủi và chúc lành sẽ không bao giờ còn thiếu nữa. Tại sao thường chỉ có một chút rượu lúc đầu, là vì đáng lẽ mời Chúa Giêsu, người ta lại mờ A-đô-nis, và thần vệ nữ [1] đến thay vì Đức Mẹ. Ai muốn có những con cừu non và vằn như của Gia-cóp (sách Sáng Thế 30, 32) phải đem đến cho chúng những chiếc đũa nhỏ nhiều màu. Ai muốn thành công trong hôn nhân, phải đặt trước mặt mình sự thánh thiện và cao trọng của bí tích ấy vậy. Nhưng thường thay vì sự đó, ta chỉ thấy diễn ra muôn ngàn bừa bãi, phóng túng : nào vui chơi, nào tiệc tùng, nào ăn nói… Có lạ gì nếu hậu quả đáng tiếc !

Tôi khuyên vợ chồng hãy yêu nhau, như Chúa Thánh Thần đã cặn dặn nhiều trong Kinh Thánh. Hỡi các đôi vợ chồng, nếu chỉ khuyên các người : “Hãy yêu nhau với tình ái tự nhiên”, thì chưa đủ, vì đôi chim gáy cũng yêu được. Hoặc nói : “Hãy yêu nhau với tình ái nhân loại”, thì cũng chưa đúng, vì các người ngoại giáo vẫn làm. Nhưng tôi nói, tiếp lời thánh Tông Đồ cả : “Chồng phải yêu vợ như Chúa Giêsu Kitô yêu Hội Thánh. Còn vợ phải yêu chồng như Hội Thánh yêu Đấng Cứu Chuộc mình vậy” (Êphêsô 5, 25).

Chính Thiên Chúa đã đem Evà làm vợ cho tổ tiên Adong. Thì hỡi các bạn, chính Ngài dùng tay vô hình mà thắt buộc cái dây Thánh Hôn Phối của bạn lại, và đã ban người này cho người kia. Vậy tại sao các bạn lại không yêu đương nhau với tình yêu thánh siêu phàm ?

Hậu quả đầu tiên của tình yêu ấy là kết hợp bất khả phân ly hai trái tim bạn. Nếu người ta dán hai mảnh gỗ thông lại với nhau, mà keo lại mịn thì hai miếng ấy gắn chặt với nhau đến nỗi phải chẻ ra mới rời nhau được. Thiên Chúa đã lấy máu Ngài mà kết hợp chồng với vợ, nên sự kết hợp ấy chặt chẽ đế nỗi hồn có lìa khỏi xác của họ chứ họ không lìa nhau. Sự kết hợp nơi đây không nói trước hết về thể xác, nhưng về tâm hồn, về tâm tình và về tình yêu.

Hậu quả thứ nhì của tình yêu ấy là sự trung tín bất khả xâm phạm đối với nhau. Ngay xưa con dấu thường được khắc ngay vào nhẫn tay người có chức quyền, như Kinh Thánh cũng cho biết. Vậy đây là ý nghĩa bí nhiệm của nghi lễ hôn phối : Bởi tay linh mục, Hội Thánh làm phép nhẫn, rồi trao cho chồng trước hết, như để chứng tỏ Hội Thánh đóng dấu vào trái tim bởi Bí Tích ấy, ngõ hầu không bao giờ tên hay tình ái của một người đàn bà nào khác còn xâm trái tim ấy bao lâu người vợ Chúa ban cho mình còn sống. Sau đó chồng xỏ nhẫn vào ngón tay vợ để nàng hiểu rằng, không bao giờ trái tim mình còn được yêu người đàn ông nào khác, bao lâu chồng mình còn sống, người chồng mà Chúa Giêsu vừa ban cho nàng.

Hậu quả thứ ba của hôn nhân là sinh sản và dưỡng dục con cái. Hỡi vợ chồng Công Giáo, đây là một vinh dự lớn lao cho các bạn ! Thiên Chúa muốn tăng số các linh hồn có thể đời đời chúc tụng và ngợi khen Người, nên đã cho các bạn cộng tác vào việc lớn lao tạo thành thân xác, trong thân xác đó Ngài sẽ tạo dựng và ban cho một linh hồn hằng sống.

Người chồng hãy giữ luôn một tình yêu dịu dàng, bền bỉ và tha thiết đối với vợ. Người phụ nữ đã được rút từ sườn gần bên trái tim của người đầu tiên, chính là để nàng được chồng yêu thương cách thiết tha âu yếm. Các nhược điểm, yếu đuối, tật tàng, bệnh hoạn hoặc xác hoặc tinh thần của vợ không thể làm bạn khinh miệt họ chút nào, trái lại, gợi bạn đến tình thương cảm dịu dàng và yêu đương. Vì Thiên Chúa đã dựng nên họ như thế, ngõ hầu lụy phục bạn, cho bạn càng được thêm danh giá và tôn trọng, và dù có họ ở bên làm bạn đường, bạn vẫn là đầu và ở trên. Còn người vợ, hãy yêu mến âu yếm, song là tình yêu tôn trọng và kính nể đối với người chồng mà Thiên Chúa đã ban cho bạn. Vì chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên một phái nam mạnh mẽ và uy thế, và đã muốn người phụ nữ lệ thuộc người nam, xương do xương họ, thịt bởi thịt họ mà ra, và người nữ do một xương sườn phía dưới tay người nam mà ra, là để tỏ rằng, người nữ phải ở dưới cánh tay và sự hướng dẫn của chồng. Toàn là Kinh Thánh căn dặn rõ ràng cho bạn sự tùng phục đó, song sự tùng phục đã được nên nhẹ nhàng không những khi sách Thánh dạy bạn tùng phục trong yêu thương mà còn truyền cho chồng phải thi hành quyền họ với tất cả tình thương hiền từ và êm ái.

Thánh Phêrô viết : “Chồng hãy cư xử gượng nhẹ với vợ như là người mỏng dòn yếu đuối hơn, và hãy tôn trọng danh giá họ” (1Pr 3, 7).

Nhưng nếu tôi thúc giục các bạn càng ngày càng yêu nhau khắng khít hơn, các bạn cũng coi chừng kẻo nó đi quá hóa ghen tương. Vì đôi khi thấy trong quả táo mềm chín nhất lại có sâu, thì trong tình yêu nồng thắm và gắn bó nhất của đôi bạn lại nảy ra sự ghen tương. Ghen tương sẽ phá hư hỏng bản chất của tình yêu đi, vì dần dà nó gây ra cãi cọ, bất thuận và ly hôn. Đã hẳn ở đâu tình yêu nhau được xây trên nền nhân đức chân thật, ở đấy không bao giờ có ghen tương. Vì thế, ghen tương là dấu chính xác về một tình yêu giác cảm, xác thịt, thô kệch, nó chỉ sinh sôi nảy nở ở chỗ nào nhân đức còn lỏng lẻo, hoặc hay thay đổi và không đáng tín cẩn. Dó đó lấy ghen tương để đề cao tình yêu thì thật là hãnh diện kỳ quặc, dù ghen tương cho đi là dấu một tình yêu lớn mạnh, ít ra nó chưa phải dấu của tình yêu tuyệt hảo, trong trắng và hoàn bị. Vì một tình yêu hoàn bị đòi phải tin chắc vào đức độ của người yêu, thế mà ghen tương là còn nghi ngờ về đó.

Nếu bạn là chồng, muốn vợ bạn trung tín, hãy dạy vợ bạn bài học đó bằng gương sáng. Thánh Grê-gô-riô Na-điăng nói : “Còn mặt mũi nào để đòi vợ phải sống trinh bạch đang khi bạn sống phóng đãng ? Làm sao đòi họ cái mà bạn không cho họ ?” Bạn muốn vợ thanh tịnh, bạn hãy ăn ở thanh tịnh với họ, như lời Thánh Phaolô nói “Mỗi người hãy giữ thân mình trong sự thánh thiện”. Còn nếu trái lại, bạn dạy cho vợ những điều phóng túng, chẳng lạ gì bạn phải xấu hổ vì mất họ. Còn người vợ, danh dự các người gắn liền với đức thanh khiết và đoan trang, hãy lo bảo vệ vinh quang ấy cách ráo riết đừng để chút buông tuồng hư hốt nào làm mờ vẻ sáng đẹp của thanh danh các người.

Các bạn hãy e sợ bất cứ một vi phạm nhỏ. Đừng cho phép ai nói tán tỉnh, dụ dỗ với mình. Ai đến khen sắc đẹp và duyên dáng bạn, bạn phải nghi ngờ kẻ ấy. Vì kẻ khen một món hàng mà hắn không thể mua được, thì thường hắn bị cám dỗ đánh cắp lấy. Mà nếu đang khen bạn, lại thêm lời khinh miệt chồng bạn, kẻ ấy xúc phạm bạn quá mức rồi đó. Vì đã rõ là hắn không chỉ muốn làm bạn hư đi nhưng còn coi bạn như đã hỏng một nửa rồi, nên cuộc vận động của hắn đã xong được một nửa khi bạn đâm ngán người chồng bạn. Phụ nữa xưa cũng như nay có thói quen đeo những hạt ngọc làm hoa tai, vì thích nghe tiếng chúng chạm nhau lanh canh, như lời văn hào Pli-nô nói : Song phần tôi khi đọc thấy I-da-ác, tôi tá trung trực của Thiên Chúa, gửi biếu nàng Rê-bếch-ca trinh bạch những chiếc hoa tai để làm bảo chứng tình yêu của người, tôi nghĩ rằng : đồ trang sức bí nhiệm ấy có nghĩa là : điều trước tiên mà người chồng phải đối với vợ, và người vợ phải trung tín giữ cho chồng, là lỗ tai, ngõ hầu không có lời nào khác, tiếng nào khác lọt vào, ngoài cung giọng êm ái đáng yêu của những lời thanh tịnh và nết na, là những viên ngọc quí trong Phúc Âm vậy ; vì ta nên nhớ luôn : người ta đầu độc linh hồn bởi nói vào tai, cũng như đầu độc thân thể bởi ăn vào miệng.

Tình yêu và trung tín nếu luôn gắn bó keo sơn thì sẽ phát sinh tình thân mật và tin cậy, vì thế nên các thánh nam nữ đời xưa thường hay vuốt ve mơn trớn nhau trong hôn nhân, những vuốt ve thật đầy trìu mến, song thanh tịnh, âu yếu song thành tâm. Như I-da-ác và Rê-bếch-ca, là đôi vợ chồng thanh khiết nhất của thời xưa, qua cửa sổ người ta thấy hai người đang âu yếm vuốt ve nhau. Khi thấy thế dù chẳng có gì là bất chánh trong các cử chỉ kia, Vua A-bi-mê-lếch đã kết luận, họ chỉ có thể là đôi vợ chồng. Thánh cả Lu-y vừa rất nhặt nhiệm với thân xác mình, vừa rất âu yếm tha thiết với vợ, ngài hầu như bị trách là quá vuốt ve bạn mình, thực ra ngài đáng được ca tụng, vì biết tạm gác một bên hùng khí của người dũng sĩ để làm đôi việc nhỏ nhặt cần phải có để nuôi dưỡng tình yêu phu phụ. Vì những cái dấu nho nhỏ biểu lộ tình yêu ngay thật và trong trắng kia, tuy không thắt buộc trái tim người ta song cũng làm chúng gần gũi nhau hơn và cũng thêm hương cho câu chuyện ân tình.

Thánh nữ Mo-ni-ca, khi cưu mang thánh cả Ao-gu-ti-nô trong dạ đã nhiều lần dâng con cho đạo Thánh Chúa và để phụng sự vinh quang Thiên Chúa, như chính ngài sau nầy ghi chép : “Từ trong lòng mẹ, ngài đã nếm muối Thiên Chúa” (ban trong nghi lễ Rửa Tội). Đó là bài học hay cho mọi bà mẹ Công Giáo biết dâng hoa quả lòng mình cho Đấng Chí Tôn, ngay trước khi chúng sinh ra đời. Vì Thiên Chúa, Đấng nhận những lời khấn hứa buộc mình của tấm lòng khiêm nhượng dâng lên, sẽ trợ giúp những tâm tình tốt của các bà mẹ trong những lúc ấy. Bằng chứng là Tiên tri Sa-mu-ên, Thánh Tô-ma A-ki-nô Thánh An-rê Fi-xô-lê (André de Fisole) và nhiều vị khác. Mẹ thánh Bê-na-đô một bà mẹ xứng đáng với một người con như ngài, vừa sinh con ra liền lấy hai tay ôm lấy và dâng lên cho Chúa Giêsu ngay. Rồi từ đó, bà yêu con cái cách cung kính như một vật Thánh mà Thiên Chúa đã ủy thác cho vậy. Bà đã thành công phi thường trong việc giáo dục con, mà kết quả là cả bảy người con đều làm Thánh lớn. Khi trẻ sinh ra và bắt đầu có trí khôn, cha mẹ phải lo ghi vào lòng chúng sự kính sợ Thiên Chúa ? Bà hoàng hậu Blăng Ka-cắt-ti-la (Blanche de Castille) sốt sắng chăm lo gây nơi tâm hồn con là vua thánh Lu-y con bà cái tâm tình kính sợ Chúa ấy. Bà nhắc đi nhắc lại : “Con yêu dấu, mẹ mong thà con chết trước mặt mẹ còn hơn mẹ thấy con phạm một tội trọng”. Câu nói ấy khắc sâu vào tâm khảm người con Thánh ấy đến nỗi sau ngài kể lại, không có ngày nào mà ngài không nhớ đến câu của mẹ nói và ngài đem hết cố gắng để tuân giữ lời mẹ dạy. Kiểu nói thông thường, người ta nói “nhà” là để chỉ dòng dõi, và dân Do Thái xưa còn gọi giòng giống con cái là “xây nhà”. Theo nghĩa đó, ta thấy chép trong sách thánh là Thiên Chúa “xây nhà” cho các bà đỡ, người Ai Cập [2]. Do đó, ta được hiểu là : vơ vét cho gia đình được nhiều của cải thế tục không phải là cách xây dựng gia đạo tốt nhất đâu nhưng biết giáo dục con có lòng kính sợ Thiên Chúa và yêu các nhân đức. Trong việc này, đừng ngại khó nhọc, e lao tâm vì con cái là triều thiên thưởng công cha mẹ vậy.

Như thánh Mô-ni-ca đã hăng hái và kiên trường sửa trị những xu hướng xấu của thánh Ao-gu-ti-nô, đến nỗi để theo đuổi con, người phải vượt biển băng ngàn, phúc thay, phút sau cùng người đã làm cho Ao-gu-ti-nô ăn năn trở lại, thành con của nước mắt người đổ ra hơn là con của máu huyết mình đẻ ra.

Thánh Phaolô dành cho phụ nữ phần việc chăm lo gia đình. Vì thế, nhiều người có lý mà nghĩ rằng : lòng đạo đức của vợ có ảnh hưởng trong gia đình nhiều hơn là lòng đạo đức của người chồng, vì chồng thường ít có mặt trong gia đình, nên không thể khuyên bảo và tập tành dễ dàng nhân đức cho người trong nhà.

Vua Salômôn, miêu tả hạnh phúc của gia đình nằm gọn trong bàn tay săn sóc và tài quán xuyến của người đàn bà đảm đang (sách Cách Ngôn 31, 10-31).

Trong sách Sáng Thế (25, 21) có ghi : I-da-ác thấy bạn là Rê-bếch-ca son sẻ, cầu xin Chúa cho vợ, hay nói theo kiểu người Do Thái, ông cầu Chúa đối diện với vợ, vì chồng cầu ở một bên nhà thờ, vợ ở bên kia, nhờ vậy lời cầu của người chồng đã được Chúa nhận lời. Kết hợp trong lòng đạo đức, đó là sự kết hợp lớn lao nhất, phong phú nhất giữa hai vợ chồng, và cũng là kết hợp mà hai vợ chồng phải nổ lực thực hiện. Có những quả như mộc qua, rất đắng nên chỉ ngon khi đã thành mứt. Có những quả khác, vì rất mềm, mau hư như mận, đào, chỉ có thể để lâu nếu đem dầm với đường. Người vợ cũng phải mong ước cho chồng được ngâm hay dầm vào đường của lòng đạo đức, vì đàn ông mà không có lòng đạo thì là một con vật dã man nghiêm nghị và thô bạo. Còn người chồng phải mong sao cho vợ đạo đức, vì không đạo đức, người đàn bà sẽ quá mỏng dòn và dễ sa sẩy hoặc thất đức.

Thánh Phaolô đã viết : “Chồng ngoại nhờ vợ có đạo mà được thánh hóa, còn vợ ngoại lại nhờ chồng có đạo mà được” (1Cor 7, 14), vì trong hôn ước keo sơn ấy, người này sẽ lôi kéo người kia theo mình. Còn phúc lộc nào hơn khi cả hai đều là người có đạo, họ sẽ thánh hóa nhau chừng nào trong lòng kính sợ Chúa !

Lại nữa, hai vợ chồng phải biết nhịn nhục lẫn nhau đừng để bao giờ đôi bên cùng giận dữ nhau một trật, làm sao không bao giờ ở giữa hai người có sự cãi lộn bất hòa. Con ong ruồi không thể làm tổ nơi ầm ĩ tiếng động, Đức Chúa Thánh Thần cũng không ngự trong gia đình om sòm cãi cọ.

Thánh Grê-gô-riô Na-diăng làm chứng : thời ngài, các vợ chồng thường mỗi năm mừng lễ kỷ niệm ngày hôn nhân, tôi cũng tán thành cho tập tục ấy nhập vào nước ta, miễn là đừng mừng quá long trọng, theo thói đời ăn chơi buông tuồn. Ngày đó, hai vợ chồng xưng tội, rước lễ và tận tình phó thác nơi Chúa đời sống hôn nhân dang diễn tiến của họ, đồng thời dốc lòng lại sẽ càng ngày càng thánh hóa nó hơn bằng tình yêu và trung tín với nhau, và như Thần lực Chúa Giêsu Kitô bổ dưỡng, hai người sẽ thêm can đảm lãnh nhận các phận sự của bậc sống.


[1] Hai vị thần huyền sử của Hy-lạp, thường được nói đến trong chuyện ái tình.

[2] Vì các bà đã vì kính sợ tch mà không tuân lệnh của Ác-vương Ai Cập : giết con sơ sinh của người Do Thái (sách Xuất Hành, chương 1).