SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 3
Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.
CHƯƠNG 39
ĐỨC LIÊM CHÍNH TRONG TÌNH CHĂN GỐI
Cuộc sống chăn gối của vợ chồng phải tinh tuyền, như thánh Tông Đồ nói, nghĩa là không vương dâm đãng hay các vết dơ phàm tục nào khác. Cho nên, hôn nhân đã được thiết lập trước tiên trong địa đàng nơi không bao giờ có sự buông tuồng phóng túng của dục tình hay điều gì bất chính.
Giữa các khoái lạc hôn nhân với khoái lạc trong sự ăn uống có đôi điểm giống nhau : cả hai cùng là chuyện của thân xác, dù cái trên vì tính cách thô bạo của chúng, nên được gọi là khoái lạc xác thịt.
Đây tôi sẽ giải nghĩa về các khoái lạ mà tôi không thể nói được bởi những cái mà tôi có thể nói được.
1) Ăn là để bảo tồn mạng sống. Ăn để nuôi dưỡng và bảo tồn mạng sống là điều tốt, thánh thiện và buộc làm, thì sự sống chung của vợ chồng trong hôn nhân để sinh sản con cái tăng số nhân loại cũng là điều tốt và rất thánh. Đó là mục tiêu chính của hôn nhân.
2) Ăn uống không để sống mà thôi, song còn bảo vệ mối bang giao giữa đồng loại với nhau, vì thế là điều hợp lý và ngay chính. Cho nên, trong hôn nhân, sự vui thú chính đáng của hai vợ chồng trong hôn nhân cũng được thánh Phaolô gọi là một bổn phận. Bổn phận ấy to tát đến nỗi, ngài không cho phép một người bỏ qua, ngay cả vì lý do làm việc đạo đức mà không có sự ưng thuận tự do và hữu ý của người kia. Chính vì đó mà tôi đã nói về điều này trong chương bàn về sự rước lễ. Huống hồ người ta lại bỏ qua bổn phận ấy chỉ vì những căn cớ nhân đức giả tạo, hay vì giận dữ, khinh bỉ nhau !
3) Kẻ ăn uống vì tình nghĩa bang giao thì phải ăn uống cách vui vẻ thoải mái chứ không vì miễn cưỡng, cố gắng tỏ ra ăn ngon lành, thì bổn phận chung sống của hai vợ chồng cũng phải thi hành luôn luôn cách trung thành, chân thật, trong ước nguyện có con cái, dù đôi trường hợp người ta không được cái hy vọng ấy.
4) Ăn uống, không vì hai lý do đầu hết, song chỉ để đã thèm cũng còn được, tuy không đáng khen lắm. Để thoã mãn giác quan mà thôi thì không đủ lý do làm cho việc nên đáng khen, song đủ để được miễn chấp.
5) Ăn uống, mà không để đỡ đói, song vì tham lam quá là điều đáng trách, nhiều hay ít tùy theo sự quá độ ít hay nhiều.
6) Ăn uống quá độ không chỉ vì ăn nhiều, song còn trong cách thức ăn. Phi-lô-tê thân mến, mật hoa ngon ngọt, bổ dưỡng cho ong là chừng nào, ấy thế mà cũng có thể tai hại, làm ong sinh bệnh, như bệnh trệ bụng nếu chúng hút quá nhiều mật trong mùa xuân. Đôi khi còn làm chúng mất mạng nữa như khi cánh và đầu chúng dính đầy mật. Quả thật đời sống chung của vợ chồng tự nó thánh thiện, lương chính và đáng khuyến khích và ích lợi cho xã hội như thế mà đôi trường hợp lại gây nguy hiểm cho đôi bạn, vì làm cho họ sinh bệnh bởi tội nhẹ, khi đi hơi quá mức, khi khác lại gây tang tóc cho họ bởi tội trọng, như khi công cuộc mà thiên nhiên lập ra để nhắm sự sinh con cái lại bị ngăn chặn và phá hủy. Trong những trường hợp này, tội luôn là nặng, còn tùy người ta phá hoại trật tự ấy nhiều hay ít mà tội thêm phần quái gở. Vì việc sinh dựng con cái là mục đích chính và đầu tiên của hôn nhân, nên không bao giờ người ta có thể tự ý phá hủy hay ngăn trở cái diễn tiến tự nhiên của nó được, dù có đôi khi vì duyên cớ hay vì ngăn trở tự nhiên nào khác, việc thụ thai không xảy ra, như trường hợp son sẻ hay lúc đang có mang rồi. Trong những trường hợp này, ăn ở với nhau vẫn được coi là chính đáng, thánh thiện miễn là vẫn tôn trọng định luận điều hành công cuộc sinh sản. Không có một căn cớ nào có thể cho phép vi phạm định luật về mục đính chính của hôn nhân. Hành động đê tiện, quái gỡ của Ô-năng làm trong việc vợ chồng thật là một trọng tội trước mặt Thiên Chúa20 như sách thánh ghi lại trong sách Sáng Thế, đoạn 38. Và dù có đôi người lạc đạo thời nay những người đáng trách ngàn lần hơn những hạng khuyển nho xưa (mà trong thư gửi bổn đạo Ê-phê-sô, Thánh Hiê-rô-ni-mô nói đến) muốn cắt nghĩa rằng, chỉ có cái ý xấu của tên Ô-năng khốn nạn đó là làm mất lòng Chúa thôi. Nhưng Thánh Kinh nói khác, và dạy chắc chắn rằng, chính hành động hắn làm là đáng ghét, ghê tởm trước mặt Thiên Chúa 21.
7) Một dấu báo hiệu tâm hồn tiểu nhân, đê hèn là mơ nghĩ đến ăn uống trước giờ dùng cơm. Tệ hơn nữa, nếu sau đó hắn lại thích nghĩ đến cái vui thú lúc ăn cơm, đem lời nói và ý tưởng mà gợi lại trong tâm trí những cảm giác vui khoái khi ăn miếng nọ miếng kia lúc nãy. Thật như người ta nói, trước bữa thì đem nướng tâm trí lên cho thèm, sau bữa thì gởi hồn đê mê trong đĩa chả đĩa thịt. Những hạng người này chỉ đáng làm cái thùng rửa bát trong bếp, “Họ tôn cái bụng họ làm Chúa”, như lời thánh Phaolô nói (Philíp 3, 19). Người trọng danh dự chỉ nghĩ đến bữa cơm khi ngồi ăn. Sau bữa họ rửa miệng rửa tay để không còn dấy mù vị gì. Vợ chồng Công Giáo nhìn gương đó mà tránh trầm mình trong lạc thú xác thịt mà theo bậc sống họ được dùng. Nhưng khi đã qua, họ hãy tẩy rửa trái tim và tâm tình ngay, để tâm trí hoàn toàn tự do, thảnh thơi mà thi hành các hoạt động khác tinh sạch và cao siêu hơn22.
Lời khuyên nhủ sau đây nhằm giúp thực hành một đạo lý tốt đẹp mà thánh Phaolô dạy các tín hữu Côrintô : “Thời giờ vắn vỏi từ nay ai có vợ kể như không có” (1Cor 7, 29). Theo Thánh Grê-gô-ri-ô, người có vợ mà kể như không có là người cùng chung hưởng thú vui thể xác với vợ nhưng không vì đó mà lại quên nhãng các hướng vọng siêu nhiên. Điều nói đây về chồng thì cũng áp dụng cho vợ. Thánh Tông Đồ nói thêm : “Người sử dụng thế gian nầy hãy như không sử dụng” (1Cor, 31).
Ta hãy dùng các sự vật trần gian tùy theo địa vị bậc sống mình, song dùng sao mà không để tâm trí mình sa lầy trong đó song vẫn tự do luôn và nhanh chóng phụng sự Thiên Chúa y như không dùng vậy. Theo lời thánh Ao-gu-ti-nô : con người mắc một tật xấu tai hại này, là muốn hưởng thụ cái họ chỉ được phép sử dụng và trái lại chỉ muốn sử dụng cái họ phải hưởng thụ. Ta phải hưởng thụ các sự thiêng liêng, mà chỉ dùng các vật thể xác. Nếu cái dùng mà đổi thành cái hưởng, thì linh hồn có lý tính cũng sẽ hóa thành hồn thô kệch đầy thú tính. Tôi cho là đã nói hết các điều cần nói, và mong rằng đã hiểu hết các ý tưởng mà tôi nói thoáng qua.
- - o O o - -
20 Tội này gọi là “hư dâm”.
21 Vấn đề điều hoà sinh sản : Tất cả đoạn nói về sống chung của vợ chồng, tác giả đã chỉ nêu những quy luật căn bản mà không đả động đến những vấn đề phức tạp mà con người, nhất là thời nay, đang vấp phải : vấn đề nhân mãn, nhà ở chật chội, sức khoẻ suy yếu của người mẹ, đồng lương eo hep của người cha, vấn đề giáo dục con cái khi quá đông v.v...… Những vấn đề này đã là những lý do chính đáng để vợ chồng có phép dùng sự điều hoà sinh sản, miễn là với những phương pháp (tự nhiên) hợp pháp. Trong việc này những phát minh của khoa học tân tiến ngày nay có thể giúp rất nhiều.
Công đồng chung Vaticanô II đã đề cập tới vấn đề này, người ta trông đợi Hội Thánh sẽ cho thêm ánh sáng. Hiện nay chúng ta biết Hội Thánh một đàng nhìn vào trật tự Thiên Chúa đã lập là vợ chồng sống chung để sinh và dưỡng dục con cái ; song cũng phải dung hoà với một chủ đích khác của hôn nhân là hạnh phúc của hai vợ chồng, mà sự chung sống là một yếu tố cần thiết, ngõ hầu qua tất cả cuộc đời yêu đương, họ nâng đỡ nhau tiến đến Chúa. Xét như thế, quan niệm đôi vợ chồng sống chung với nhau chỉ để sinh con đẻ cái là một quan niệm phi nhân (hay vô nhân đạo) ; và hơn thế, Hội Thánh cũng không bao giờ chủ trương thuyết “sinh nhiều con càng đông càng hay” vì tài năng giáo dục của cha mẹ có hạn, tiền của sức lực và phương tiện giáo dục có hạn, con người không phải là bầy súc vật đẻ ra bao nhiêu cũng được miễn là có sống. Con người cần nhiều điều kiện để thành con người xứng đáng. Cũng như ngược lại Hội Thánh luôn chống lại với chủ thuyết khoái lạc dưới mọi hình thức : khoái lạc vì khoái lạc, khoái lạc được núp dưới chiêu bài yêu đương, khoái lạc ích kỷ gạt ra ngoài những hy sinh cực nhọc phiền luỵ vì có con cái.v.v...… đang khi khoái lạc chính đáng của hôn nhân chỉ được coi như một yếu tố trợ giúp, một phần thưởng nếu có thể nói được, cho người chu toàn bổn phận thiên nhiên trao phó.
Biết như thế, một đôi vợ chồng cố gắng đại độ với Thiên Chúa trong việc sinh con cái và không đề cao khoái lạc ích kỷ trong đời họ vẫn có thể gặp khó khăn phức tạp trong các vấn đề chúng tôi đã nêu trên đầu. Để vượt qua những giai đoạn khó khăn gay cấn ấy, không chỉ nên ỷ lại vào các phương pháp khoa học (tự nhiên) hợp pháp để điều hoà sinh sản (tiếng Hội Thánh thường dùng là : “sinh sản có trách nhiệm”), song cần thiết đôi vợ chồng phải biết chuẩn bị cuộc hôn nhân và tự luyện ý chí mạnh mẽ để biết tự chủ mình, thêm vào đó một ý thức về sự tôn trọng con người của bạn đời mà tình yêu chân chính nào cũng nhất thiết phải có, đi đôi với sự hy sinh những tư lợi, ích kỷ riêng mình để tìm hạnh phúc cho bạn. Tất cả những đức tính đó chỉ có thể có được nhờ nỗ lực học hỏi và trui rèn bản thân, và nhất là nhờ siêng năng cầu nguyện, cậy nhờ vào ơn riêng biệt Thiên Chúa đã dành sẵn để ban cho đôi bạn trong Phép Bí tích Hôn phối.
Vài hàng này không thể cho phép nói hết tất cả sự phức tạp tế nhị của vấn đề, xin độc giả liên lạc với linh mục để bàn hỏi riêng. Cũng như tham khảo các sách hay bài vở Công giáo ngày nay không thiếu gì.
22 Bỏ một đoạn không thích hợp.