Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


PHẦN 4

Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.

CHƯƠNG 13

CÁCH CƯ XỬ TRONG KHI ĐƯỢC YÊN ỦI THIÊNG LIÊNG VÀ CẢM GIÁC

Thiên Chúa tiếp tục duy trì sự sinh tồn của vũ trụ theo một nhịp thăng trầm biến đổi, lúc ngày lúc đêm, xuân qua hạ, hạ sang thu, thu tới đông rồi đông trở về xuân. Ngày nay không giống ngày mai hay ngày nào khác. Có ngày mây phủ, ngày mưa, ngày ráo, ngày gió. Thay đổi ấy là một vẻ đẹp của vũ trụ. Con người cũng vậy, theo lời cổ nhân thì họ là vũ trụ thu nhỏ, họ cũng không ở luôn mãi trong một trạng thái. Cuộc sống trôi trên trần thế như làn nước uốn lượn trong muôn ngàn xao động, lúc thì nâng lên tận mây xanh hy vọng, lúc lại ghìm xuống vực thẳm sợ hãi, lúc lượn bên phải đầy ủi an, khi liệng bên trái tràn u buồn. Chẳng có ngày nào, giờ nào giống giờ nào.

Đây là một lời căn dặn quan trọng : trong cảnh đổi thay không ngừng đó, cần nhất phải tự tạo cho mình một sự bình tĩnh tâm hồn thường xuyên và không thể lay chuyển. Dẫu cho muôn sự quay cuồng và sao dời vật đổi quanh ta, phần ta vẫn bất di dịch, luôn nhìn lên Chúa, hướng về Ngài và ao ước được Ngài. Dù con tàu hướng mũi phía nào, tiến về đông hay sang tây, xuôi nam hay ngược bắc, nương theo ngọn gió nào đẩy cánh buồm đi, có một cái không hề thay đổi đó là chiếc kim địa bàn luôn chỉ sao Bắc Hải và hướng Bắc. Mọi sự đảo lộn nháo nhào không riêng quanh ta, mà ngay trong ta nữa, nghĩa là dù hồn ta có buồn hay vui, êm ái hay cay đắng, bình an hay rối bời, tươi sáng hay tối tăm, bị cám dỗ hay được an nhàn, toại chí hay khó chịu, bị khô khan hay được an ủi, nóng chảy hay sương mát… luôn luôn và mãi mãi trái tim, tâm trí, ý chí ta, là địa bàn của ta, phải luôn hướng thẳng về tình yêu Thiên Chúa, là Tạo Hóa, là Đấng Cứu Chuộc, là của độc nhất và cao quý nhất của nó : Thánh Tông Đồ viết : “Sống hay chết, ta thuộc về Thiên Chúa. Ai sẽ phân lìa ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa được?” (Rôma 14, 8.). Không, không bao giờ có gì có thể tách ta ra khỏi tình mến ấy, dù gian truân, khắc khoải, sự chết, sự sống, đau đớn hiện thời, lo sợ rủi ro tương lai, các trò xảo trá quyến rũ của ma quỷ, an ủi cao rộng hay vực thẳm u sầu, lúc sốt sắng hăng say, lúc khô khan chán ngán… không gì có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thánh mà nền tảng là Chúa Giêsu Kitô.

Cái quyết định tuyệt đối không bao giờ rời Thiên Chúa, bỏ yêu mến Ngài sẽ hóa thành cán cân thăng bằng để giữ hồn ta trong tình trạng bình tĩnh giữa mọi xao động không thể tránh của cái kiếp phù sinh này. Loài ong chợt thấy gió lộng nơi đồng nội liền bám chắc vào hòn đá để khỏi bị cuồng phong cuốn đi ; hồn ta cũng vậy, nhất quyết bám chắc vào tình yêu Chúa, nên luôn yên hàn vững chãi giữa mọi thăng trầm của yên ủi hay u buồn, thiêng liêng cũng như thế tạm, bên ngoài cũng như bên trong.

Ngoài nguyên tắc tổng quát đó, ta cần thêm vài điểm riêng biệt nữa.

1. Lòng đạo đức không ở tại nỗi vui sướng, ngọt ngào yên ủi, cảm thấy trong trái tim, làm ta trào lệ hay thở than và gây cho ta cái cảm giác khoan khoái thú vị khi làm các việc đạo đức. Không, Philôtê, cái đó không phải là lòng đạo đức. Vì có nhiều linh hồn được những ngọt ngào yên ủi ấy, song vẫn là những tâm hồn xấu nết lắm, và vì thế, chẳng có tình mến Thiên Chúa thật, huống hồ là lòng đạo đức chân chính. Sao-lô tìm giết Đavít, Đavít trốn lánh sang sa mạc xứ En-ga-đi. Sao-lô đuổi theo, một lần kia đi vào một động đá trong đó Đavít và các tùy tùng đang náu thân. Đavít có thể nhờ dịp Sao-lô một thân một mình mà báo thù dễ dàng ; nhưng đã để Sao-lô toàn tính mạng, hơn nữa không muốn làm cho ông ấy sợ. Đến sau, khi để cho Saolô ra khỏi hang rồi, Đavít mới lên tiếng gọi và trình bày cho thấy sự trong sạch vô tội của mình bằng cách cho Saolô biết lúc nãy ông đang ở trong tay mình mà mình chẳng giết. Thấy vậy, Saolô làm gì để tỏ lòng cảm mến Đavít ? Ông gọi Đavít là con, ông khóc lóc và tuyên xưng lòng khoan hậu của Đavít, rồi cầu xin Thiên Chúa cho Đavít, đồng thời cũng báo trước sự nghiệp vinh quang sau này của Đavít và xin Đavít thương đến con cháu mình sau này (Sách Samuel 1, đoạn 24). Saolô chẳng tỏ ra hiền từ và dịu dàng lắm sao ? Ấy thế mà ông đâu có đổi lòng, ông vẫn chẳng thôi bắt bớ Đa-vít dữ dằn như trước. Nhiều người, lúc suy ngắm lòng nhân lành và cuộc tử nạn Chúa Cứu Thế, thì thấy xúc cảm mủi lòng, thở than não nùng, trào lệ thương cảm, cầu xin và cảm ơn cảm động lắm, đến nỗi người ta cho họ có lòng đạo đức cao sâu. Nhưng khi gặp thử thách, lúc ấy người ta mới thấy lòng đạo đức kia như mưa rào mùa hạ ào ào đổ xuống rồi chảy đi mà không thấm vào lòng đất và chỉ làm nảy các loại nấm. Những giọt nước mắt và những nỗi yên ủi kia rơi trên quả tim hư nết mà không thấm vào trong thì chẳng có ích lợi gì. Ngọt ngào yên ủi mà làm chi, khi hạng người đó chẳng đền trả một xu nhỏ về của cải họ đã lấy bất công, chẳng từ bỏ một đam mê tội lỗi nào của họ, cũng chẳng muốn chịu phiền toán nhỏ nào để phục vụ Chúa mà họ đã cảm động khóc thương. Như thế, các tâm tình tốt kia chỉ giống như loại nấm thiêng liêng, chúng chẳng những không là lòng đạo đức thực sự, mà thường lại còn là mưu mô của địch thù xúi dại người ta ham thích các yên ủi mềm yếu đó, làm họ toại chí thoả lòng rồi, không cần tìm lòng đạo đức đức chân chính và vững vàng. Lòng đạo đức chân chính là việc của ý chí vững bền, cương quyết, mau mắn và tích cực hoạt động để thi hành điều ta biết là đẹp lòng Chúa.

Một đứa bé khóc oà khi thấy người ta cầm dao lể máu của mẹ nó, nhưng lúc ấy, nếu mẹ nó xin quả táo hay chiếc kẹo nó cầm nơi tay, nó cũng chẳng cho. Các kiểu đạo đức tình cảm của ta cũng tương tự như vậy ! Thấy cạnh sườn Chúa bị đâm thủng tới tim, chúng ta khóc lóc thương xót. Ôi Philôtê, khóc sự thương khó đau đớn và cái chết của Cha Ta và Đấng Cứu Chuộc ta là điều phải lắm. Nhưng tại sao không dâng hiến thật cho Ngài quả táo nghĩa là quả tim ta, tức là tình yêu độc nhất mà Chúa Cứu Thế thân mến hằng tha thiết xin ta ? Chớ chi ta trao phú cho Ngài những tâm tình, những cái cảm xúc, những thỏa thích nho nhỏ mà Ngài muốn diệt trừ khỏi lòng ta mà không được, vì đó là kẹo của ta đó, kẹo mà ta thèm hơn là khao khát ơn huệ thiêng liêng của Ngài. Ôi, tình mến của ta là những thứ tình mến của con nít tuy êm ái, song yếu đuối, nham nhở chẳng đi đến đâu. Lòng đạo đức không do ở những xúc động, những ngọt ngào ấy, nhiều khi chỉ do bẩm tính yếu mềm dễ cảm xúc trước những ấn tượng người ta gây nên, đôi khi còn do chính kẻ thù ta gây nên trong trí tưởng tượng ta.

2) Các tâm tình ngọt ngào ấy nhiều khi rất tốt và hữu ích. Chúng kích thích tâm hồn thêm khao khát, củng cố tâm trí, và dặm thêm nét vui vẻ và hoan lạc thánh thiện vào lòng đạo đức vốn đã cần mẫn ; làm tăng vẻ đẹp và đáng mến cho các hành động ngay cả bên ngoài. Đó là cái thi vị thiêng liêng, như Đavít nói : “Ôi Chúa, lời Chúa thật êm ngọt trong miệng con ! Thơm ngon hơn mật ong trong miệng !” (Ca vịnh 118, 103). Đã hẳn, một chút yên ủi nhỏ của lòng đạo đức còn quý hơn tất cả các vui thú trần tục. Sữa, nghĩa là các ơn huệ của Bạn Tình Thánh, thì ngon ngọt cho hồn hơn rượu khoái lạc say sưa nhất của thế gian. Ai đã nếm thử, sẽ coi các yêu ủi khác chỉ là mật đắng, gừng cay. Như kẻ ngậm cam thảo, vị ngọt ngào làm họ không còn thiết ăn uống gì nữa, thì người Thiên Chúa đã cho nếm mana trên trời là các ngọt ngào và yên ủi bên trong, sẽ không còn mong ước hay thèm khát các yên ủi của trần gian, để bắt mùi, để đem tâm trí vào đây. Đó là những món khai vị cho ta được nếm trước những sự dịu ngọt bất diệt mà đời sau mà Thiên Chúa ban cho hồn tìm kiếm Ngài. Đó là những viên kẹo ngon Ngài ban cho trẻ nhỏ để thí dỗ chúng ; là thứ nước bổ huyết Ngài đưa uống để tăng sức mạnh. Đôi khi còn là những bảo đảm trước về phần thưởng đời đời của ta.

Người ta truyền tụng lại rằng A-lịch-sơn Đại-đế đang ngự thuyền trên biển cả, đã theo làn hương thơm ngào ngạt mà gió lùa tới làm tinh thần ông phấn chấn và ban thêm cam đảm cho các thủy thủ, nhờ đó ông là người đầu tiên khám phá xứ Ả-rập phì nhiêu. Trên biển đời tạm này nhiều khi ta cũng được hưởng ngọt ngào, yên ủi báo trước những khoái lạc của quê hương thiên đàng mà ta ước vọng trông chờ.

3) Có khi con sẽ nói, vì có những sự an ủi cảm giác tốt lành và do Thiên Chúa gửi đến, mặt khác cũng có những an ủi vô ích, có hại và nguy hiểm do tính tự nhiên hoặc do kẻ thù mang đến, như thế làm sao phân biệt cái xấu hay cái vô ích với cái tốt ? Đây, Philôtê rất thân mếm, một nguyên tắc chung cho các tâm tình và thị dục của hồn ta là : xem quả thì biết cây. Tim ta là cây, các tâm tình và thị dục là cành, và các công việc hay hành động là hoa quả. Trái tim tốt sẽ sinh tâm tình tốt, tâm tình và thị dục tốt trổ sinh nơi ta hiệu quả và hành động tốt. Nếu các sự ngọt ngào, êm ái và yên ủi làm ta thêm khiêm nhường, kiên nhẫn, dễ bảo, bác ái và thương xót hơn với đồng loại, sốt sắng hơn trong việc hãm dẹp các tà dục và xu hướng xấu, bền vững hơn trong việc đạo đức, mềm dẻo dễ dạy hơn đối với người ta phải tuân phục đơn sơ hơn trong đời sống : thì chắc mười mươi là chúng do Thiên Chúa mà đến. Nhưng nếu những ngọt ngào ấy chỉ đánh động tình cảm ta còn làm ta hay ganh tị, chua cay, chi ly xét nét, nóng nảy, bướng bỉnh, kiêu hãnh, tự phụ, cứng cỏi với đồng loại, và tưởng mình đã là ông thánh bà thánh rồi, nên ta không muốn nhận hướng dẫn, sửa dạy, thì không còn hồ nghi gì những cái yên ủi ấy là giả trá và nguy hiểm. Cây lành chỉ có thể sinh quả tốt. 

4) Khi ta được những ngọt ngào, yên ủi ấy, ta phải hạ mình khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa : 

a) Đừng bao giờ nói : “Ồ, tôi khá rồi !”. Không, Philôtê, những cái đó tự chúng không làm ta nên khá đâu, như tôi nói trên, lòng đạo đức không ở tại sự đó. Nhưng ta hãy nói : “Ôi Chúa tốt lành dường nào đối với kẻ trông cậy Ngài, với hồn tìm kiếm Ngài” !Ai đã ngậm đường trong miệng, không bảo là miệng mình ngọt, song đường ngọt. Dẫu các yên ủi thiêng liêng rất tốt lành và Thiên Chúa Đấng ban cho ta rất tốt lành, thì chưa chắc kẻ nhận hưởng đã là người tốt.

b) Hãy tự nhận mình còn là những trẻ nhỏ còn đang ăn sữa và những miếng đường ban cho ta kia là vì tinh thần ta còn non yếu, mỏng manh, cần nhử mồi để ham thích mến Chúa. 

c) Nhưng sau đó, ta cứ khiêm nhường nhận các ơn sủng, các ơn huẹ ấy coi là của quý trọng hết sức, không phải vì tại bản chất các ơn ấy, nhưng vì tay Chúa ban xuống lòng ta như mẹ hiền dỗ con đưa tận miệng con từng viên kẹo. Đứa trẻ nếu tinh ý, sẽ thích cái êm ái của cử chỉ chiều chuộng mơn trớn kia của người mẹ, hơn sự ngọt ngào của viên kẹo. Vậy Philôtê, được các ngọt ngào thiêng liêng là điều quý hóa, song còn quý hóa hơn ngàn lần khi tự tay yêu đương và từ mẫu Ngài, Thiên Chúa ban ơn ấy vào hồn ta.

đ) Khi đã khiêm nhường nhận lãnh các ơn hụê ấy rồi, hãy đem dùng cận thận, theo ý người ban. Vì sao Thiên Chúa ban các sự ngọt ngào ấy cho ta ? Thưa : Cốt để làm ta nên hiền từ với mọi người và đầy yêu mến đối với Chúa. Mẹ cho con kẹo là để con hôn mẹ. Vậy ta hãy tôn kính Đấng Cứu Thế đã ban cho ta bao sự ngọt ngào. Hôn Ngài, nghĩa là vâng phục Ngài, giữ giới răn, tuân theo thánh ý ngài, chiều theo ước muốn Ngài, tắt một lời, âu yếm hôn kính Ngài trong niềm vâng phục và trung tín. Hôm nào được yên ủi thiêng liêng, hôm ấy ta phải cần mẫn làm việc lành hơn và khiêm nhường hơn.

e) Ngoài ra, thỉnh thoảng nên khước từ vài sự ngọt ngào và yên ủi, để lòng ta đừng luyến tiếc chúng, đồng thời ta xác nhận rằng dẫu đã lãnh nhận trong khiêm nhường, và yêu quý những sự ấy vì Thiên Chúa đã gởi đến và vì chúng thúc giục ta yêu mến Ngài, song đó không là những cái ta tìm kiếm, nhưng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa và tình mến Ngài không tìm các yên ủi, song tìm Đấng yên ủi ; không tìm sự êm ái, song Đấng Cứu Thế êm ái, không tìm sự ngọt ngào, song chính Đấng là sự ngọt ngào của thiên đàng và trần thế. Trong tâm tình ấy, ta hãy quyết chí sống vững vàng trong tình mến Chúa, dẫu suốt đời không được chút yên ủi nào, và dù trên núi Sọ hay núi Tabô (nơi Chúa tỏ mình sáng láng) ta vẫn có thể nói : “Lạy Chúa, ở với Chúa thích lắm, dù nơi Chúa bị treo trên thập giá, hay nơi Chúa tỏ mình trong vinh quang”.

f) Sau cùng, xin dặn trước nếu thấy tràn đầy yên ủi, êm ái, nước mắt và ngọt ngào hoặc có chuyện phi thường trong đó, con hãy cặn kẽ trình lại cho vị linh hướng hầu ngài chỉ bảo cho biết phải điều hòa làm sao, phải cư xử thế nào, như lời Kinh Thánh nói : “Nếu ngươi tìm được mật ong, hãy dùng vừa đủ cho mình thôi” (Cách Ngôn 25, 16).