Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


“Mẹ đến để nói cho các con biết là Thiên Chúa hiện hữu, và Người yêu thương các con.” 

Chương 2

LÚC KHỞI ĐẦU

Tôi đăm đăm nhìn xuống cái băng vidéo để trên đầu gối tôi mà phát sốt cả ruột, vì phải chờ Terri, vợ tôi, lo cho con cái ngủ xong, rồi cả hai cùng xem chung một lượt. Tôi đã đọc xong một quyển sách người ta tặng cho tôi cùng lúc với băng cassette, nên cũng biết được đại khái câu chuyện: tại một ngôi làng nhỏ bé miền núi nước Nam Tư, người ta kể lại có Đức Nữ Trinh Maria, Thân Mẫu Chúa Giêsu Kitô, đã hiện ra cho một nhóm thiếu niên từ tháng 6 năm 1981, và vẫn còn tiếp tục hiện ra mỗi chiều tối từ đó đến nay.

Mỗi chiều tối ư?... Nếu thật như vậy thì sao? Nếu đó không phải là trò lường gạt, là ảo giác tập thể, hoặc một chuyện mơ mộng kỳ quặc của một dân tộc đầy ảo tưởng và mê tín thì sao? Và nếu thật sự có một hiện tượng thuần túy tôn giáo đang xảy ra trong ngôi làng nhỏ bé có cái tên (Medjugorje)(2) khó đọc này thì sao? Thôi thì ít ra, việc này có thể sẽ cung cấp một câu chuyện thú vị cho một mục của tờ báo hằng tuần của tôi. Đó là điều tôi quan tâm hơn cả.

- “Terri, em xong chưa?” Tuy hỏi như vậy, nhưng tôi biết chắc là nàng chưa xong việc đâu. Tôi nghe tiếng Kennedy, đứa con trai năm tuổi của chúng tôi đang vòi mẹ nó một ly nước uống theo thường lệ mỗi tối. Còn Rebecca, em gái nó, thì đã ngon giấc.

Terri đáp: “Em lỡ hứa kể chuyện cho con nghe, đợi em vài phút nữa, em sẽ ra!” Chắc là phải hơn 20 phút cơ đấy! Tôi thầm nghĩ như vậy mà buồn cười. Terri là một người mẹ yêu thương, chăm sóc con cái. Tôi tự hỏi Kennedy có biết được là nó may mắn lắm không! Dĩ nhiên, cả tôi nữa, tôi cũng may phúc lắm chứ! Nàng là điều tốt đẹp nhất đã xảy đến cho đời tôi. Trải qua cảnh gia đình tan vỡ, đau đớn ê chề sau 14 năm chung sống với vợ trước, sinh được bốn đứa con, tôi hết hi vọng thoát khỏi cái hầm tăm tối đang bao quanh đời sống tình cảm tôi - thì chính lúc đó, Terri đến với tôi.

Terri cũng muốn biết cái gì đang xảy ra tại ngôi làng bé nhỏ đó, tuy vì những lý do khác. Nếu cái gì đó có thật, và nó tạo ra những đổi mới trên thế giới, thì ắt sẽ có ảnh hưởng trên con cái chúng tôi.

Chúng tôi có nghe nói về hiện tượng đó lần đầu tiên trong một lớp học Kinh Thánh ngày Chúa nhật, tại nhà thờ Luterô của chúng tôi. Tôi là một giảng viên của một trong hai lớp học dành cho người lớn. Thỉnh thoảng, tôi cho học viên tự chọn một đề tài để học. Chương trình học hoạch định sẵn ở trường thường khô khan và khó giảng giải, và đa số học viên trong lớp là những cặp vợ chồng trẻ và người độc thân, họ thích thay đổi đề tài. Riêng lớp học cuối tháng 10 năm 1985, tôi ra cho họ một bài làm hơi khác thường: họ hãy sưu tầm những câu chuyện, hoặc tin tức, hoặc những tư liệu khác có liên can đến phép lạ trong thời hiện đại.

Khá nhiều học viên đã làm bài ở nhà, nên việc thảo luận hôm ấy rất sôi nổi. Lúc sắp tan lớp, Becky Ginley, một cô bạn của Terri, phát biểu: “Này các bạn, có chuyện này hay lắm, các bạn có nghe nói gì về việc đang xảy ra tại Nam Tư không? Ở đấy có một ngôi làng bé tí mà người ta đồn rằng Đức Trinh Nữ Maria đang hiện ra với sáu đứa trẻ, đến nay đã hơn bốn năm rồi.”

Tất cả lớp học nhìn chòng chọc vào cô. Becky cười hớn hở, vì thấy mình vừa gây được ngạc nhiên nơi chúng tôi. Đối với tôi, nói “ngạc nhiên” ở đây là quá nhẹ, để tả những gì tôi đang cảm nhận. Là một nhà báo viết mục xã luận, tôi thật khó mà tìm được cho mỗi tuần một vấn đề mới mẻ và thú vị. Tôi linh cảm chuyện này sẽ rất giật gân. Vả lễ Giáng Sinh lại đang đến gần: quả là lúc thuận lợi, vì là thời điểm duy nhất mà dân chúng chợt nghĩ đến Đức Nữ Trinh; vào dịp lễ Giáng Sinh, khi làm hoặc đến bên máng cỏ, người ta thấy có Người quỳ bên Chúa Hài Nhi Giêsu. Riêng tôi, chưa bao giờ tôi quan tâm đến Người.

Tôi hỏi Becky: “Cô nghe chuyện đó ở đâu vậy?”

- “Do một người bạn Công giáo.”

- “Công giáo mắc mớ gì với chuyện này?”

- “À, anh biết chứ, loại chuyện này thường xảy ra trong Giáo Hội Công giáo.”

- “Thế sao?”

Cô nhìn thẳng vào tôi: “Anh chưa bao giờ nghe nói đến Fatima hoặc Lộ Đức à?”

- “Không, tôi...”

Đúng lúc ấy, chuông hiệu tan lớp vang lên, mọi người đổ xô ra cửa. Tôi lớn tiếng vói theo khi họ đang ra về: “Này các bạn, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này tuần sau nhé!” Tôi vội vàng hỏi Terri xem Becky có thêm tin tức nào nữa về vấn đề này không. Vì cô ấy vội đi đón hai đứa con cô gởi ở vườn trẻ, chúng tôi chạy dọc hành lang đuổi theo sau cô ấy.

- “Becky, đợi một phút đi!” Terri gọi cô ấy, “Chúng tôi lấy thêm tin tức ở đâu?”

Becky nhìn đồng hồ, cắn môi như để nhớ lại: “Chị có biết Mary Jeffcoat không?”

- “Có.” Mary là một nữ ủy viên Hội Đồng thành phố, trước kia phụ trách giao tế công cộng của một trong những bệnh viện tại địa phương, và chúng tôi quen biết cô qua công việc báo chí.

- “Được rồi.” Becky vừa nói vừa lùi xe. “Mary là người đã nói với tôi về chuyện đó, tôi nghĩ cô ấy có nhiều thông tin hơn.”

- “Thông tin nào?”

- “Chẳng hạn vidéo hay vài quyển sách. Thôi, tôi vội phải đi đây. Gọi điện cho tôi.” Nói xong, cô vội vã chạy đến nhà trẻ.

Suốt trên đường về nhà và cả lúc nọ lúc kia trong ngày, Terri và tôi trao đổi với nhau về cuộc hiện ra vừa mới nghe được. Tôi thấy đây là một câu chuyện thật thú vị. Tôi đã phác họa trong đầu một đầu mối... Một phép lạ thời hiện đại có thể đang xảy ra tại một làng quê ở Nam Tư, đúng vào lúc chúng tôi chuẩn bị mừng phép lạ Chúa Giáng Sinh. Chỉ có điều một đề tài tôn giáo vớ vẩn như thế có thể gây hại đến uy tín nhà báo của tôi.

Chiều hôm đó, Terri gọi điện cho Mary Jeffcoat. “Ngày mai, sau giờ làm việc, cô ấy sẽ mang băng vidéo đến đây cho chúng ta mượn, kèm theo luôn quyển sách của cô nói về chuyện đó nữa.”

Từ trái: Lm. Bob Faricy (S.J), thị nhân Marija Vicka, Sơ Lycy Rooney, thị nhân Ivanka, Jakov, Lm. Tom Forrest (CSsR/DCCT), 25/09/1982

Qua ngày sau, tính hiếu kỳ nghề nhà báo của tôi lên đến cực độ. Tôi muốn đọc sách đó ngay khi vừa chạm đến nó. Sách không dày lắm - chỉ 98 trang thôi - do một linh mục Công giáo, Robert Faricy, và một nữ tu, Lucy Rooney, cùng biên soạn, tường thuật về những ngày đầu của việc hiện ra tại Mễ Du. Cả Terri cũng muốn đọc. Giống như mấy đứa trẻ giành nhau một đồ chơi mới, chúng tôi tranh nhau xem ai được đọc trước. Đến phiên tôi, tôi ngấu nghiến nó chỉ trong hai tiếng đồng hồ.

Trên vùng núi Hercegovina miền Trung nước Nam Tư, khoảng một giờ lái xe dọc bờ biển Adriatique, có một ngôi làng nhỏ đến nỗi không thấy có tên trên hầu hết bản đồ. Những tin tức đăng tải sau ngày 25-6-1981 xem ra có kể đến một cộng đồng nông thôn nhỏ, với khoảng 400 gia đình Croatia. Hôm ấy, khi mặt xế bóng, một loạt biến cố xảy đến, làm thay đổi hẳn lịch sử của ngôi làng và vùng phụ cận - và có lẽ cả thế giới.

Ivanka Ivankovic, 15 tuổi, và bạn em, Mirjana Dragicevic, 16 tuổi, sau khi đã làm việc ở mấy mảnh ruộng xong, bèn cùng nhau thả bộ trên con đường đất bên cạnh thôn Bijakovici, dọc theo chân đồi Podbrdo. Trên đường về nhà, Ivanka bỗng nhiên ngước mắt nhìn lên, và giật mình khi thấy trên sườn đồi hình bóng chói sáng của một phụ nữ đứng giữa một vầng ánh sáng chói lòa. “Mirjana, nhìn kìa! Gospa (nghĩa là Đức Bà) đó!”, em kêu lớn tiếng mà không biết mình đang nói gì.

- “Xạo”, cô bạn khoát tay đáp lại với vẻ bất cần, và không thèm nhìn, “Tại sao Gospa lại hiện ra cho chúng ta?” Rồi em tiếp tục rảo bước về nhà, nhưng Ivanka rất xúc động, xin bạn tin là mình có thấy cái gì đó thật. Khi hai em đến gần nhà của Milka Pavlovic, 13 tuổi, thì đúng lúc em này đi ra ngoài để lùa cừu về. Ivanka xin cả hai bạn trở lại với em, để xem thử bóng người phụ nữ còn đó không, và khi các em đến chỗ Ivanka đã thấy Bà, thì cả Mirjana và Milka cũng được thấy nữa.

Ngay đó, các em gặp Vicka Ivankovic, non 17 tuổi, một bạn thân của hai em nói trên, cũng đang đi tìm các bạn. Thấy các bạn từ trên đường vẫy tay gọi rối rít, em chạy đến nhập bọn ngay. Khi nghe các bạn nói là chúng đã thấy Đức Mẹ, em đâm hoảng sợ và bỏ chạy, trong lòng không khỏi thắc mắc tại sao các bạn có thể đùa với một việc thánh thiêng như vậy.

Nhưng do hiếu kỳ, em trở lại một lúc sau đó, dẫn theo hai bạn trai đang lượm táo trên đường, Ivan Dragicevic, 16 tuổi, và Ivan Ivankovic, 20 tuổi (không một em nào trong bọn trẻ có họ hàng với nhau; nhiều người dân trong làng có tên họ giống nhau). Ivan nhỏ bỏ chạy, nhưng Ivan lớn ở lại và cũng được thấy cái gì đó, mà sau này cậu tả là “một vật gì trắng toát đang quay”. Phần Vicka, sau khi quay trở lại thì đã được thấy rõ hiện tượng xảy ra, nên có thể nói rõ hơn. Em mô tả rằng: Bóng người phụ nữ hiện ra ấy mặc áo xám dài lóng lánh bạc, mái tóc đen, màu da trắng nhạt, tay đang bế một em bé và ra dấu bảo các em lên đồi, tiến đến gần hơn, nhưng các em quá sợ, không dám nhúc nhích. (Trừ dịp lễ Giáng Sinh ra, đây là lần độc nhất Bà hiện ra với Thánh Tử của Người).

Một vài em trong bọn trẻ bắt đầu khóc, mấy em kia thì cầu nguyện. Chúng ở lại cho đến lúc trời tối, và sương đêm bắt đầu nhẹ rơi. Về đến nhà, các em kể lại những gì đã xảy ra cho cả gia đình nghe. Các em bị quở mắng và bị chế nhạo, cha mẹ các em sợ hàng xóm gọi con mình là quân nói láo. Chị của Vicka trêu: “Chắc tụi nó thấy đĩa bay!”

Hôm sau, khi đã xong công việc đồng áng, các em cảm thấy một sự nôn nóng bên trong thúc đẩy trở lại đồi, tuy không phải tất cả các em đều đi được. Mẹ của Milka, không dám tin nơi con mình, nên đã đưa em đến một cánh đồng xa để làm việc hôm ấy; khi em muốn đi theo các bạn trở lại chỗ đó thì đã ở quá xa rồi. Khi những em khác ghé nhà Milka để rủ em cùng đi, thì chị của em là Marija, 17 tuổi, nói là Milka không có ở nhà. Vì vậy, các em yêu cầu Marija cùng đi. Jacov Colo, mới 10 tuổi, có họ với Milka và Marija, cũng có mặt ở đó, được Marija thúc giục, em liền nhập bọn luôn.

Ivan Ivankovic, lớn tuổi hơn các em khác nhiều, thì cho rằng đi xem “thị kiến” chỉ dành cho con nít, nên cậu này từ chối không chịu trở lại. (Mấy ngày sau đó, cậu trở nên vững tin và tiếc đã bỏ không đi trở lại. Sau đó ít lâu, cậu bị bắt và bị giam tù hai tháng vì tội đi lên đồi, chống lại lệnh cảnh sát cấm các trẻ “thị nhân” và dân chúng không được làm như vậy). Còn cậu Ivan nhỏ kia cùng đi với các thị nhân, chắc là xấu hổ vì đã bỏ chạy ngày hôm trước. Một số dân làng đi theo bọn trẻ xa xa, để xem “tin đồn” Đức Mẹ hiện ra có thực hay không.

Khoảng một lát sau sáu giờ chiều, “Bóng người” lại hiện ra, ra dấu mời các em đến gần. Lần này, các em làm theo lời. Đúng ra, bọn trẻ đã leo lên đồi tới chỗ ấy với một tốc độ đáng kinh ngạc, và khi đến gần “Bóng người”, các em quỳ gối xuống. Một số dân làng đi theo xem, cố chạy theo các em, nhưng không tài nào theo kịp. Họ thuật lại là đã thấy sáu thiếu niên đó đăm đăm nhìn vào một cái gì đó ở cao hơn chỗ các em một chút, độ mấy thước. Bọn trẻ bắt đầu đọc kinh “Lạy Cha” như Vicka đã giải thích sau đó: “Chúng tôi không biết làm gì khác.” Lần viếng thăm thứ hai này kéo dài khoảng 15 phút, trong khi đó, “Bóng người” tỏ mình ra là: “Trinh Nữ Maria Hồng Phúc”.

Về nhà, các em vẫn lại bị quở mắng nữa, nhưng nhờ lời chứng của dân làng, các em bị quở mắng nhẹ thôi. Họ vẫn biết mấy trẻ này không phóng đại hoặc bày trò phỉnh gạt, và nhất định chúng không hề nói láo về một điều mà chúng cho là rất thánh thiêng. Nếu chúng nói là chúng thấy cái gì đó, ấy là chúng đã thấy thật, mặc dầu người khác không thấy.

Tin đồn lan truyền khắp năm thôn của giáo xứ Mễ Du, nhất là loan tin về một hiện tượng phi thường chưa từng nghe biết. Chiều hôm sau, hằng ngàn người kéo lên trên đồi cùng với mấy trẻ. Hầu như họ đến từ khắp nơi, có người từ xa như thị trấn Ljubuski và thành phố Mostar, cách đấy đến nửa tiếng đồng hồ xe chạy.

Vào ngày thứ ba, có một luồng ánh sáng rực rỡ xuất hiện trên đồi và chỉ đường cho sáu thị nhân đến nơi diện kiến với “Gospa” (Đức Bà, theo tiếng bản xứ). Những người khác thấy được ánh sáng, nhưng không thấy được cái gì ở bên trong ánh sáng đó. Milka cũng có mặt đó nữa, mẹ em mới công nhận con bà đã nói thật, sau khi nghe biết được điều Marija chứng kiến ngày thứ hai. Nhờ Marija nài nỉ, bà cho phép Milka đi, để em cũng được thấy nữa. Nhưng, tiếc thay, hôm ấy em không được thấy “Gospa” nữa, kể từ ngày đó đến nay.

Lần này, cả sáu em dạn dĩ hơn, nhờ kinh nghiệm các ngày trước, nên đã đưa ra nhiều câu hỏi với Bà hiện ra: Tại sao Bà đến với làng các em? Tại sao lại hiện ra với các em? Và Bà muốn gì ở dân làng này?

- “Ta đến đây vì ở đây có nhiều người tin chân thật”, đó là câu đáp của Bà. “Ta đến để nói với các con là Thiên Chúa hiện hữu, và Người yêu thương các con. Những ai không thấy được Ta như các con, hãy tin như các con.”

Jacov thuật lại có hơi khác một chút. Theo em, lý do Bà đến là để mọi người được có bình an và hòa giải với nhau. (Tôi nhận thấy đáng tin ở chỗ sáu thị nhân không lặp lại cùng một câu chuyện giống hệt nhau từng chữ một. Quả thật, cứ xét theo tính cách độc lập của trẻ vào lứa tuổi đó, nếu lời tường thuật của các em giống nhau in đúc, thì tôi lại cho là đáng nghi ngờ).

Cha Jozo Zovko lúc đó là chánh xứ Mễ-Du

Đến ngày thứ tư, nhà cầm quyền sở tại đóng ở thị trấn Citluk đã được báo động; tình hình đã vượt tầm kiểm soát. Họ cho mời sáu em đến trạm cảnh sát, ở đấy, các em bị tra vấn gắt gao, rồi được khám bệnh bởi một bác sĩ - ông này tuyên bố các em là những thiếu niên hoàn toàn bình thường và mạnh khỏe. Thất vọng, sau đó, chính quyền cho mời Cha Xứ nhà thờ Thánh Giacobê tại Mễ Du, là cha Jozo Zovko, dòng Phan Sinh. Ngài vừa đi giảng tĩnh tâm ở Zagreb về. Họ cảnh báo cha là việc tụ tập trên đồi phải chấm dứt, và họ buộc cá nhân cha phải chịu trách nhiệm. Nói cho cùng, Nam Tư là một nước Xã hội Chủ nghĩa, chính thức không công nhận có Thiên Chúa. Tuy vậy, họ là một đảng Cộng sản “sáng suốt, tiến bộ”, nên các sinh hoạt tôn giáo đều được phép cử hành trong khuôn viên nhà thờ, có đăng ký ngày giờ và thời gian. Những phép rộng ấy không có nghĩa là dung túng cho các cuộc biểu dương tập thể quần chúng tự động tụ họp trên đồi.

Cha Jozo trấn an họ là cha cũng không kém quan ngại hơn họ về các biến cố gây kích động kia, đã xảy ra trong thời gian cha đi vắng. Ngài không nói với họ là đã hỏi chuyện bọn trẻ, cũng không đứng ra như người bầu chữa, nhưng ngài lắng nghe, tìm sơ hở nào đó để dẹp chuyện này. Nghe đâu có một em trong nhóm mang ma túy về làng từ một thành phố ở xa (Mirjana sống ở Sarajevo và chỉ về nghỉ hè tại Mễ Du), cha nghi bọn trẻ bị ảo giác do ma túy, và một khi chúng đã bị nhiễm như thế, thì không còn biết làm gì hơn là tiếp tục chơi trò ấy.

Cha Zrinko Cuvalo, phụ tá cha Jozo, tỏ ra nghiêm khắc hơn đối với các em trong những cuộc tra hỏi. E ngại có thể có một trò bịp bợm đang âm mưu nơi đây, cha trở nên rất cứng rắn; so sánh với tai họa không kể xiết có thể xảy đến - cho làng mạc, cho đức tin và cho Giáo Hội Nam Tư - thì sự cực khổ tâm lý tạm thời của sáu thiếu niên đâu có quan trọng gì. Vì vậy, cha tra hỏi đi tra hỏi lại các em, lúc từng đứa một, lúc khác chung một lượt sáu đứa. Ngài không cần giấu diếm về sự hoài nghi và tính nóng nảy, với chủ tâm khiêu khích để chúng nói ngược nhau.

Một linh mục Phan Sinh thứ ba, vừa mới đến lúc xảy ra các sự kiện ở Mễ Du, ông đưa ra một giải pháp triệt để hơn: đem cả sáu đứa ra trừ tà; nhưng hai linh mục kia bác bỏ đề nghị này. Sáng kiến đó ư?... quả thật là quá nghiêm khắc. Cho dù bọn trẻ có phạm lỗi thế nào đi nữa, chúng đâu có bị quỷ ám! Ý kiến này cuối cùng cũng được vị linh mục thứ ba này nghe theo, sau khi ông được tiếp xúc trực tiếp với sáu em. Cả ba linh mục, một khi ý thức được trọng trách đang đè nặng trên vai, liền tiến hành điều tra cách cẩn thận. Chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng thế giới, chính phủ và Giáo Hội đều qui trách nhiệm vào ba vị này.

Qua tất cả các việc đó, sáu trẻ vẫn bình chân như vại trong lời chứng của mình. Tại Citluk, buổi chiều, lúc sắp đến giờ “Hiện ra”, các viên chức chính quyền phái một bác sĩ khác, tên Darinka Glamuzina, đến quan sát tình hình trên đồi. Họ tin tưởng rằng bác sĩ này, một người tự xưng mình là vô thần, đang phục vụ trong đội Cứu thương, khi trở về cơ quan có thể mang về một báo cáo, cho phép họ dựa vào đó mà chặn đứng trọn bộ vụ việc này ngay lập tức.

Buổi chiều, lúc mặt trời sắp lặn, dân chúng đã tụ tập đông nghịt trên đồi, ngàn ngàn lớp lớp người. Mấy thị nhân đi riêng rẽ từng người và mất hút trong đám đông, chẳng mấy chốc biến thành một đại hí trường. Marija được cha Zrinko đi kèm. Cha vận thường phục, vì không muốn để chính quyền phát hiện (đây là lần đầu tiên một linh mục địa phương đi lên đồi). Khi em thấy ánh sáng đặc biệt, liền chạy lên đồi theo đến chỗ ánh sáng. Các em khác chắc cũng thấy như vậy, vì chẳng bao lâu, chúng gặp được Marija và bắt đầu cầu nguyện.

Theo lời các quan sát viên đứng cách sáu em thị nhân khoảng mấy bước, thì bỗng nhiên, cùng một lúc, kinh nguyện các em lúc ấy dừng lại. Các em ngây ngất trước một hiện tượng mà chỉ có các em thấy được. Mỗi em hình như đang hỏi chuyện với “Bà hiện ra”, có lúc em này nói chồng lên em kia, vậy mà mỗi em đều tiếp nhận được câu đáp cho riêng mình, khiến chúng rất phấn khởi. Một trong các câu hỏi ấy là: Bà có điều gì muốn các em chuyển lại cho các linh mục không?

- “Các linh mục hãy tin mạnh mẽ và giữ vững lòng tin của mình”, đó là câu trả lời mà về sau đã được kể lại.

Sau cuộc “thị kiến”, những người chứng kiến thuật lại là bác sĩ Glamuzina đã vội vã chạy xuống đồi, nét mặt lộ ra một vẻ xúc động sâu xa. Bà từ chối lập bản báo cáo và không muốn dính dáng gì đến vụ hiện ra nữa. Một trong sáu em thị nhân cho biết lý do: bà ấy đã táo tợn yêu cầu các em xin cho bà ấy “chạm” đến “Bà hiện ra”, mà các em bảo là đã được diện kiến. Một trong các em hỏi: “Bà có cho phép bà bác sĩ chạm đến không?” “Bà” đáp: “Hãy để bà ấy tiến lên chỗ này. Luôn mãi sẽ có những Giuđa không có lòng tin.”

Ngày thứ năm của cuộc hiện ra nhằm ngày Chúa nhật. Cha Jozo vẫn giữ thái độ hoài nghi, đã không đề cập gì đến các hiện tượng xảy ra trên đồi Podbrdo trong bài giảng của ngài. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tuân giữ đức tin theo kiểu truyền thống. Nếu cha có ý đưa ra một lời cảnh báo, thì cũng chẳng có ai để ý, vì chiều tối hôm ấy, dân chúng tụ tập trên đồi đông hơn bao giờ hết. Có thể nói là tất cả mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em cư ngụ trong vòng mấy chục cây số quanh đó đều có mặt.

Khoảng 18g40, cuộc hiện ra bắt đầu. (Tuy địa điểm hiện ra lần này lần khác có thể thay đổi, nhưng giờ giấc vẫn luôn giữ nguyên). Sau này, khi được phỏng vấn, các thị nhân thiếu niên thuật lại một trong những câu các em hỏi “Bà” là: “Thưa Bà kính mến, tại sao Bà không hiện ra trong nhà thờ để mọi người có thể thấy Bà?” Câu đáp của Bà, theo một thị nhân kể lại sau này, thì cũng y như lời Con Bà đã phán: “Phúc cho ai không thấy mà tin...”

Kể từ ngày đó, hàng triệu khách hành hương luôn luôn kéo nhau lên đồi nơi Đức Maria hiện ra những ngày đầu, để tưởng niệm hồng ân Mẹ trên trời đến viếng đoàn con dưới thế để kêu gọi họ quay trở về với Thiên Chúa và hoà giải với tha nhân.

Sáng thứ hai tại Citluk, nhà cầm quyền triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Hiện nay đã có báo cáo về những phép lạ chữa lành: nào là một em bé bại liệt được khỏi và đi được, nào là một người mù được sáng mắt, và nhiều tật bệnh nhỏ khác đã được lành. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng. Nếu cứ để tiếng đồn về hiện tượng ấy loan ra, nhà cầm quyền sẽ cảm thấy không kiểm soát nổi đoàn lũ dân chúng sắp tràn đến ngôi làng bé xíu này. Một lần nữa, họ cho vời mấy trẻ thị nhân đến, và lần này, họ đưa các em đến phân khoa tâm thần của bệnh viện ở Mostar. Chắc chắn là đến đó, các em sẽ được chẩn đoán là có bệnh ảo giác, hoặc bị một thứ loạn óc nào khác. Nhưng, lần này nữa, người ta khẳng định các em lành mạnh, không bệnh tật, và các em được trả về nhà.

Chiều hôm ấy, các đường lộ nhỏ hẹp dẫn đến làng Mễ Du bị tắc nghẽn suốt nhiều dặm. Hằng hà sa số người tìm đường leo lên đồi. Khi các thị nhân đến gần, dân chúng đổ xô đến bu quanh các em, khiến cậu Marinko Ivankovic, nhà ở bên kia đường gần nhà Marija, phải hô hào dân làng nắm tay nhau thành một vòng tròn vây quanh các trẻ, để cho các em có chỗ cầu nguyện. Như đã thành thói quen trong những ngày trước, các em bắt đầu đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, khi còn đang đọc nửa chừng, cuộc hiện ra bắt đầu. Một trong những câu hỏi lần này là: “Bà sẽ còn tiếp tục hiện ra với các em bao lâu nữa?”

Câu đáp của Bà quả thật rất bất ngờ: “Lâu bao nhiêu tùy các con muốn.” Sáng hôm sau, hai phụ nữ trong làng, là nhân viên xã hội của Nhà nước, đến bằng xe hơi, mời các em đi du ngoạn. Vì đã từng quen biết các bà ấy, nên các em chấp nhận đi chơi một ngày thoải mái. Nhưng khi gần tới giờ “hiện ra”, các em trở nên băn khoăn và đòi trở về đồi. Hai nữ nhân viên xã hội chỉ cười và tiếp tục cho xe chạy, làm như họ không hiểu gì hết. Đoán được âm mưu, các em dọa sẽ nhảy ra khỏi xe, nếu họ không dừng xe lại để cho các em xuống. Hai bà vội vàng cho ngừng xe lại bên lề đường.

Vừa khi xuống xe, tất cả các em, kể cả hai phụ nữ nhân viên xã hội, liền thấy một bầu ánh sáng từ phía đồi tiến đến gần họ. Mấy trẻ quỳ xuống cách xa lề đường một quãng ngắn, rồi bắt đầu nói chuyện một hồi lâu với “Đấng hiện ra”.

Hoàn toàn bị rung động bởi bầu ánh sáng và bởi chứng kiến tận mắt việc hiện ra, hai nhân viên xã hội đưa các em trở về nhà. Ngày hôm sau, họ đệ đơn xin thôi việc và sau đó dời chỗ ở khỏi vùng này.

Bây giờ, chính quyền trở nên cứng rắn và quyết định không cho hội họp trên đồi với nhân vật siêu nhiên nào đó. Nếu bọn trẻ muốn làm trò hề, chúng cứ việc làm ở nhà thờ; nhưng chúng phải kín đáo, để người khác không bị lôi cuốn vào việc điên khùng của chúng. Tình hình càng trở nên khó khăn: dân chúng bỏ công ăn việc làm để đi lên đồi, không còn ai thiết tha lao động nữa. Cả vùng đều tê liệt. Nhà cầm quyền thông báo thẳng thừng: nếu bọn trẻ không chấp hành, gia đình các em sẽ bị rắc rối. Trong một nước Xã hội chủ nghĩa, chính quyền kiểm soát giấy phép hành nghề và mọi thứ khác, các thị nhân biết rõ sự đe dọa này không phải nói suông.

Nhưng hôm sau, thứ tư, một tuần sau lần hiện ra đầu tiên, chính quyền đột nhiên thay đổi ý kiến, ra lệnh chấm dứt ngay cái trò điên rồ đó đi. Họ sai cảnh sát đến Mễ Du để bắt giam các em thị nhân.

Thật là một cơn ác mộng cho bọn trẻ. Dân chúng bị buộc phải báo cho cảnh sát biết là họ thấy mấy trẻ đó ở đâu - khi thì ngoài đồng, lúc ở trong làng, lúc gần nhà thờ - nhưng cảnh sát tới đâu thì họ cũng đều bắt hụt. Sáu trẻ thị nhân tỏ ra rất thông thạo trong trò cút bắt nguy hiểm này. Chúng luôn bị động, chạy cúi rạp mình giữa các vườn nho để khỏi bị phát hiện, chúng chạy trốn vào rừng cây, thay đổi áo quần để đánh lạc hướng bọn người đuổi bắt chúng. Kinh nghiệm khốn khổ đó không ngờ cuối cùng lại đã dẫn các em đến nhà thờ.

Cha Jozo đang ở trong nhà thờ Thánh Giacôbê, lặng lẽ quỳ gối trước Cung Thánh cầu xin ơn soi sáng dẫn đường chỉ lối cho ngài biết phải làm gì. Như xưa kia Thiên Chúa đã phán bảo cho Abraham và Môsê trong lúc họ gặp thử thách lớn, thì nay cha cũng xin Thiên Chúa dạy cho biết phải làm gì.

Trong cảnh tĩnh mịch của ngôi nhà thờ không một bóng người, bỗng nhiên, cha nghe có tiếng nói: “Hãy ra ngoài ngay và bảo vệ lũ trẻ!” Kinh ngạc vì nghe tiếng ra lệnh rõ ràng, cha đứng dậy, đi nhanh ra cửa sau nhà thờ. Vừa mở cửa, cha thấy bọn trẻ từ góc nhà thờ chạy bán sống bán chết đến quanh cha vừa khóc vừa kêu cứu: “Cha ơi, cha cứu chúng con với!”

Cha Jozo vội vàng đưa các em vào Nhà xứ, chờ cảnh sát đến. Cha dặn các em tuyệt đối im lặng, đoạn ngài trở ra ngoài và chờ. Quả thực, ba cảnh sát viên chạy đến Nhà xứ, thở hổn hển hỏi cha: “Mới đây, ông có thấy bọn trẻ không?”

Cha đáp “Có” trong tư thế sẵn sàng bảo vệ các em với bất cứ giá nào. Nhưng thay vì nán lại một chút để hỏi cha thấy chúng ở đâu, họ lại chạy thẳng một mạch đến thôn Bijakovici, nơi các em sống. Cha Jozo đợi đến lúc họ đã đi khuất mới trở vào Nhà xứ. Sau khi trấn an các thị nhân đang khiếp vía và mệt nhoài, cha cho chúng ăn uống tí gì đó.

Sau đó, lúc chiều hôm, cuộc hiện ra đã xảy ra tại Nhà thờ Thánh Giacôbê, có đông dân làng tụ họp theo lời yêu cầu của vị mục tử của họ. Nếu có chút hoài nghi nào còn sót lại trong lòng cha Jozo về sự xác thực của sự kiện hiện ra, thì giờ đây được đánh tan ngay: bởi cha cũng được thấy Đức Trinh Nữ đúng hệt như các em đã thấy. Từ đó trở đi, cha trở thành người bênh vực chủ chốt cho sự kiện hiện ra, lập trường đó sau này đã khiến cha phải trả giá 18 tháng tù khổ sai, vì đã dám từ chối đóng cửa Nhà thờ để ngăn chận hiện tượng này.

Cha Jozo quyết định hiến cho dân chúng một điều quan trọng hơn mọi thứ khác: ngài sẽ làm thêm một Thánh Lễ lúc sáu giờ chiều hôm ấy, và ngài nhờ cha Zrinko hướng dẫn việc lần hạt trước Thánh Lễ. Sau đó, khi cha ra nhà thờ lại, ngài thấy nhà thờ đã đông chật người, ngay cả quanh bàn thờ cũng không còn chỗ trống. Vị mục tử mà trước kia đã rất nghi ngờ về các cuộc hiện ra, vì thấy không còn mấy ai đến nhà thờ hoặc muốn xưng tội nữa, giờ đây thì ngược lại, cha phải chật vật lắm mới có thể giơ tay lên để chúc: “Chúa ở cùng anh chị em!” Dân chúng không còn là những khán giả thụ động trước Thánh Lễ nữa; họ đã trở thành những người tham dự tích cực vào một việc thánh thiêng, có sức ảnh hưởng đến cuộc sống của hằng triệu người trên khắp thế giới.

Buổi lễ buổi chiều hôm đó đã khởi đầu cho việc thành hình một thói quen dâng lễ ban chiều hằng ngày (ở Mễ Du mãi đến ngày nay).

Các cuộc hiện ra có thể xảy ra ở bất cứ đâu, miễn là các em có mặt ở đó lúc ấy hoặc cả nhóm, hoặc từng cá nhân. Nay cha Jozo bảo các em tụ tập lại tại phòng mặc áo nhỏ, ngay bên phải bàn thờ của Nhà thờ Thánh Giacôbê. Trước kia, những người dân làng thường đi làm đến tối mới về, nay thì đến chật Nhà thờ từ năm giờ chiều. Họ nguyện cả 15 chục của Kinh Mân Côi. Sau đó còn dự nghi thức chúc lành và chữa lành. Nếu kể cả Thánh Lễ, thì nhiều người ở lại trong nhà thờ đến ba tiếng đồng hồ mỗi chiều. Thế là Mễ Du bắt đầu công trình hoán cải từ đó. Ăn năn trở lại theo con đường của Chúa Giêsu: đó là sứ điệp căn bản của Đức Maria. Người thường dạy: Con đường dẫn tới sự ăn năn trở lại là cầu nguyện, chay tịnh và sám hối. Những việc này dẫn tới sự ăn năn trở lại thật lòng và tới bình an nội tâm cho mỗi người. Thật vậy, dân làng Mễ Du giờ đây đang cố gắng sống sứ điệp này.

Nhưng niềm phấn khởi thánh thiện này không kéo dài mãi với họ: ngày 18 tháng 8, Cha Xứ của họ bị bắt, bị tố cáo xách động quần chúng dấy loạn, (có một đôi lời giải thích trong bài giảng của cha bị lên án là tuyên truyền chống Chính phủ). Đó là một hành động tuyệt vọng từ phía chính quyền, họ đưa ra biện pháp này với hi vọng dập tắt được vụ hiện ra, đã lôi cuốn dân chúng tụ tập đông đảo ở đây. Cha Jozo biết được cái gì sẽ phải xảy ra, và khi họ đến bắt, ngài đã sẵn sàng. Nhưng cả cha lẫn giáo dân không ngờ đến những chuyện sẽ xảy ra sau đó: nhà thờ bị lục soát, các đồ thánh, tượng đạo bị vứt tung tóe và đập vỡ, nhà thờ được lệnh đóng cửa.

Tuy vậy, vừa nghe tiếng chuông, thì nhà thờ đã đầy người, dân chúng cứ vờ như không hay biết gì về lệnh cấm. Một sự im lặng não nề đè nặng tâm can họ, khi họ chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát. Rồi cha Zrinko bước lên bàn thờ và thông báo cho dân chúng về việc cha Jozo bị bắt giữ, tuy nhiều người đã biết tin đó. Với giọng xúc động, cha nói với họ: “Hôm nay là ngày khốn khó nhất trong đời tôi”. Cả nhà thờ vang lên tiếng khóc.

Thánh Lễ bắt đầu, nhưng khi bài hát nhập lễ được xướng lên, mọi người đều nghẹn ngào không thốt nên lời; với các kinh nguyện khác cũng vậy. Đến khi nguyện kinh Lạy Cha, cha Zrinko đã phải mấy lần xin giáo dân lặp lại câu: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Sau Thánh Lễ, thông lệ đọc bảy kinh Lạy Cha, bảy kinh Kính Mừng và bảy kinh Sáng Danh do các thị nhân xướng lên. Thình lình, các em ngưng đọc kinh và chạy tới phòng nhỏ cạnh bàn thờ. Linh mục báo cho cộng đoàn: “Đức Mẹ gọi các em đến đó.” Tất cả đều im lặng, mọi con mắt đều hướng về cánh cửa căn phòng nhỏ ấy. Lúc sau, bé Jacov đi ra cùng với mấy em khác, tiến đến micro và nói với dân chúng: “Đức Mẹ gọi chúng cháu đến phòng đó, nơi Mẹ đang chờ chúng cháu. Mẹ bảo chúng cháu nói với quí vị đừng sợ. Mẹ muốn chúng ta hạnh phúc và lộ niềm vui trên nét mặt. Mẹ nói Mẹ sẽ che chở cha Jozo.”

Sau giây phút bàng hoàng, những tràng pháo tay nổ ra và dân chúng bắt đầu ca hát. Kinh nguyện đã xong, nhưng nhiều người còn nán lại rất lâu, không muốn rời nhà thờ.

Mễ Du còn tiếp tục đón nhận các thử thách. Nhưng về phần dân làng, thì quả thật Đức Mẹ vẫn để mắt coi sóc...

* * *

Tôi buông quyển sách trên đùi, ngước nhìn lên và lắc đầu: “Sao mà lạ lùng quá vậy!” Nghề nghiệp nhà báo đã dạy tôi: trước hết, phải biết hoài nghi và dè dặt trong phán đoán, cho tới khi thu thập được những bằng chứng khách quan cụ thể. Nhưng câu chuyện này diễn ra đến nay đã hơn bốn năm, mà lại dính dáng đến mấy đứa trẻ ít học nữa cơ chứ! Làm sao các em đó có thể bày ra một trò bịp bọm trong thời gian lâu như vậy? Thôi kệ, tôi chỉ nhắm vào câu chuyện, ngoài ra có gì đâu mà phải bận tâm?

- “Anh nè, còn đợi gì? Bỏ cuộn băng vào máy đi, để xem các phép lạ trên hết các phép lạ này ra sao!” Terri nói với nụ cười tinh nghịch, bước vào phòng lấy ghế ngồi xem.

Tôi bỏ cuộn băng vào máy. Bây giờ, chúng tôi mới tự mình xét xem vụ hiện ra ở Mễ Du là xác thực hay chỉ là chuyện bày đặt phóng đại của trẻ con.

--- o0o ---

Trở Lên Trên