BÀ LÀ AI ?
CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.
[BBT] Mạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.
Chương 11
NGÔI LÀNG
Khi máy bay bắt đầu nghiêng qua phía chúng tôi, chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Dubrovnik, phong cảnh dãy núi Hercegovina của miền Trung Nam Tư hiện ra thật ngoạn mục. Lần đầu tiên trong chuyến bay mới thấy máy bay bị chao đảo, nhưng vì ai cũng phấn khởi biết mình sắp đến nơi nên chẳng quan tâm. Trong vài phút nữa, chúng tôi sẽ ra khỏi máy bay và lên xe buýt về điểm cuối của hành trình.
Qua tìm hiểu, tôi được biết những người dân Croát đầu tiên đã di dân đến bờ biển Dalmatia vào thế kỷ thứ 6, theo bước triệt thoái của quân đội La Mã chiếm đóng. Họ là một dân tộc sống bằng nghề nông đến từ miền Tây Nam, mà sau này gọi là Ukraina, và cùng với họ là các linh mục thừa sai dòng Phan Sinh. Cũng tiến vào đất này là những người Serbi theo Chính Thống giáo Đông phương - một sự pha trộn (tôn giáo) vốn rất chóng tàn và hời hợt trong thời trung cổ. Những cuộc đụng độ xảy ra thường xuyên giữa các tông phái Kitô giáo Đông phương và La Mã, cuối cùng, đã bị dẹp tan bởi những người xâm lăng đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ áp đặt Hồi giáo trên mọi xứ sở họ chiếm đóng. Đến thế kỷ 16, họ đã kiểm soát hầu hết bán đảo Balkan và chiếm cứ vùng này trong ba thế kỷ kế tiếp. Những cuộc thanh trừng đẫm máu của Balkan được lừng danh khắp nơi quả không sai.
Bản đồ miền Trung Nước Nam Tư (cũ), kể từ 1996 gọi là Bosnia-Herzegovina. Làng Mễ Du ở dưới cuối, mé phải. Băng qua biển Adriatique sang bên kia là nước Ý
|
Như cha Svetozar, người Croát, sinh trưởng tại Bosnia Herzegovina, về sau đã kể: “Khi quân Thổ đến xứ đạo của tôi năm 1525, các vị Thừa sai Phan Sinh đã có mặt rồi. Tại đó có hai Nhà thờ và 12 linh mục. Bảy vị thoát được, còn năm vị kia bị tử hình, xác họ bị vứt xuống sông Neretva.
“Các Kitô hữu trốn ra khỏi vùng và sống ẩn nấp, không có được một cái gì (nâng đỡ về mặt tôn giáo) suốt ba trăm năm. Có lẽ một hoặc hai lần trong một năm, các linh mục kín đáo đến những nơi có giáo hữu, để dâng lễ, rửa tội trẻ em, dạy chúng đôi chút hầu duy trì lòng tin. Bất cứ khi nào người Thổ phát hiện ra những cuộc tụ họp này, họ đều giết sạch.
“Lúc tôi còn bé, hằng năm mẹ tôi thường đến một trong các nơi ấy để cầu nguyện, kính viếng. Bà thường để tôi ngồi gần đó trong khi bà vừa cầu nguyện, vừa lết quanh nơi ấy bằng đầu gối. Bây giờ mỗi khi nghĩ đến điều đó, tôi nhận ra là trong cuộc đời và sự trọn niềm sống đạo của mẹ tôi có toàn bộ lịch sử của dân tộc chúng tôi. Đó là lịch sử lòng tin của chúng tôi, của sự chiến đấu cho việc sống còn của lòng tin ấy, vốn chỉ chấm dứt khi quân Thổ ra đi.”
Còn một điều nữa mà cha Svetozar thường phải nói về lịch sử của dân tộc mình:
“Những năm chịu bách hại và đau khổ ấy cũng là thời gian của ân sủng, thời gian của sự thanh tẩy và canh tân. Thời ấy nếu bạn muốn tin, bạn phải chịu đau khổ vì lòng tin ấy. Đức tin có một cái giá, và giá ấy không rẻ. Chịu đau khổ vì lòng tin quả thật đã không dễ dàng. Tuy nhiên, đó lại là - đã và sẽ là - một phúc lành cho Giáo Hội. Vì từ thời sơ khai, gương tử đạo của các Kitô hữu luôn vẫn là nguồn gốc của những cảm hứng, hướng dẫn và lãnh đạo vĩ đại.”
Nam Tư (Yougoslavia) nghĩa là “quốc gia của những người Nam Slavơ”, gồm có dân Serbi, Croat, Sloven, Montênêgrô, Maxêđôni, Hồi giáo và Bosni; và sau Đệ nhất thế chiến đã nổi lên một khối những nhóm liên kết yếu ớt, chia rẽ, gồm những bè phái luôn tranh chấp nhau.
Khi cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lớn mạnh, thì ảnh hưởng Đảng Cộng sản ở Nam Tư cũng nắm được uy thế - tuy không bao giờ vươn tới được quyền lực bằng những đảng phái chính trị của người Serbi hoặc người Croát. Vua Alexander trị vì như một nhà độc tài, đã duy trì một nền hòa bình mong manh cho đến khi ông bị ám sát năm 1934, và con trai ông lên kế vị cho đến năm 1941.
Thế rồi Đức quốc xã đến, quân đội Nam Tư không đọ sức nổi với họ, và trong vài tuần lễ, “Phe Trục” chia nhau chiến lợi phẩm - Đức quốc chiếm phần hơn, để lại Dalmatia và Montênêgrô cho người Ý.
Phong trào kháng chiến du kích thứ nhất nổ ra tại Bosnia Hercegovina, nơi có làng Mễ Du. Tuy vẫn phải đối mặt với kẻ thù chung, người Serbi và Croát không thôi sát hại lẫn nhau. Trong khi đó, ảnh hưởng của phe du kích cộng sản ngày càng lớn mạnh. Phe này đặt dưới quyền lãnh đạo của Josep Tito, người được Karl Max che chở, và bằng vũ lực, đã leo lên địa vị chóp bu của cách mạng đỏ.
Khi quân Đức triệt thoái dần dần trước sức tiến công của Hồng quân, thì trong một thành phố đã được giải phóng, chính quyền lâm thời mới thành lập đều là Cộng sản. Tuy nhiên, khi các lực lượng kháng chiến rốt cuộc vứt bỏ được thống trị của Đức quốc xã, họ vẫn hi vọng phục hồi nền quân chủ lập hiến đang lưu vong ở Anh quốc. Nhưng sự kiểm soát của cộng sản đã tỏ ra tuyệt đối. Trong một kỳ trưng cầu dân ý trên toàn quốc, Mặt trận Dân tộc của Tito đạt số phiếu tuyệt đối - một điều chẳng có gì lạ. [….] (6)
Đến đây, dòng suy nghĩ của tôi bị cắt quãng, vì máy bay bỗng chao đảo nhiều hơn. Sân bay Dubrovnik chỉ có một đường băng đủ dài cho những máy bay phản lực xuyên Đại Tây Dương, và hiển nhiên là đang có một cơn gió rất mạnh thổi trực tiếp ngang qua nó. Khi chiếc máy bay khổng lồ chồm lên và nghiêng ngả bên này bên kia, cố gắng thích nghi với cơn gió, tôi bèn liếc nhìn chung quanh - những đốt ngón tay trắng nhợt bám chặt vào thành ghế, những khuôn mặt tái mét sợ hãi hoặc choáng váng, và những túi nôn đã mở ra sẵn sàng.
Những ai không quá sợ thì đang cầu nguyện, đọc kinh cực kỳ sốt sắng. Nếu đã có những người vô tín trên máy bay khi cất cánh, thì khi những dàn bánh xe đáp đánh sầm xuống phi đạo, trên máy bay chẳng còn người vô tín nào! Vài tiếng tán thưởng yếu ớt vang lên từ phía buồng lái; nhưng chúng tôi thì vỗ tay như sấm, thở phào vì còn được sống.
Nhìn thấy lá cờ đỏ trên mấy tòa nhà cổ lỗ trong sân bay mà xe chúng tôi đang hướng tới, ý thức về sự có mặt của mình trong một nước Cộng sản bỗng nhiên thấm thía. Thật là trớ trêu, tôi nghĩ vậy, Đức Chúa đã chọn một nước theo chế độ vô thần [......] để gởi Đức Trinh Nữ Diễm Phúc tới.
Năm 1948, nước Nam Tư thấy dậy lên một niềm hy vọng khi lãnh tụ Titô đoạn giao với Stalin, thế là trong buổi đầu ấy đa số dân chúng Nam Tư hoan hô ông ta vì đã giải thoát họ khỏi thống trị của người Sô viết. Nhưng dần dà, họ nhận ra là lập trường Cộng Sản của ông ta cũng không khác gì mấy với người Sô viết. Thực tế, họ thấy chẳng có gì khác trong lối sống của họ so với những dân láng giềng như Hungari, Rumani và Bulgari. Và tôi cũng thấy vậy.
Khi máy bay dừng bánh, và người ta đem đến một cầu thang, chỉ có một người lính canh quan sát chúng tôi, một cây tiểu liên lủng lẳng ở vai. Tôi đã rất ngạc nhiên vì số lượng lớn những máy bay quân sự - máy bay trực thăng, máy bay chở lính, v.v... - cho đến lúc tôi hiểu ra rằng: chức năng cơ bản của mọi sân bay Nam Tư là quân sự.
Trong khi đợi xuống khỏi máy bay, chúng tôi được báo là không được chụp ảnh, nếu chúng tôi không muốn máy ảnh của mình bị tịch thu.
Không một nhân viên nào mỉm cười khi khám xét giấy tờ hoặc hành lý của chúng tôi, không một ai có vẻ quan tâm xem chúng tôi có thích thú đến thăm nước họ hay không. Còn những ai mang tràng hạt Mân Côi hoặc các loại ảnh tượng đều được khuyên đừng để lộ ra; họ không muốn các thứ ảnh tượng mang vào trong nước của họ, và họ sẽ giữ lại ở phi cảng rồi sẽ trả lại khi chủ nó ra về.
Cảm tưởng khó chịu của tôi lúc mới tới đã sớm tan, khi chiếc xe buýt của chúng tôi lăn bánh trên con đường ngoằn ngoèo dọc theo bờ biển ngoạn mục. Nữ tu Margaret Catherine Sims, hướng dẫn viên tinh thần của chúng tôi, đã tiếp đón chúng tôi nồng hậu không chỗ chê. Cộng tác với Trung Tâm Hòa Bình, từ hai tháng trước chị đã đến Mễ Du.
Đoạn đường đi mất ba tiếng rưỡi đồng hồ, tuy rất mệt, nhưng chúng tôi vẫn thưởng thức cảnh đẹp trên từng cây số. Biển Adriatique xanh biếc, những cụm nhà cổ hàng thế kỷ bám cheo leo trên vách đá phủ đầy cây tùng bách, những thị trấn nhỏ thu mình trong những vịnh tuyệt đẹp - mỗi khúc ngoặt lại lộ ra một cảnh khác trông đẹp như tranh. Chúng tôi lấy máy ảnh ra và bấm lia lịa.
Chúng tôi sẽ tạm trú tại các gia đình người Croát ở một thị trấn tên Citluk, cách Mễ Du trên sáu cây số. Chao ôi, rào cản ngôn ngữ! Ở đấy không một ai biết nói tiếng Anh, nếu muốn cái gì thì chúng tôi phải ra dấu. Sau khi đã gặp chủ nhà, chúng tôi vội vàng quay lại xe vì đã gần 6g40 - giờ Đức Maria hiện ra theo thường lệ.
Khoảng một nửa trong số chúng tôi đã lên xe, khi một phụ nữ còn đứng trước đầu xe bỗng kêu lên:
“Ôi Chúa ơi, nhìn mặt trời kìa!”
Nhìn theo tay bà ấy chỉ, tôi không thể nào tin vào mắt mình: mặt trời, còn một giờ nữa mới lặn, đang có một viền sáng quanh nó, làm như đang có nhật thực xảy ra, khiến chúng tôi có thể nhìn thẳng vào nó. Nhưng, thay vì bóng mờ của mặt trăng, thì đây trông giống như có cái đĩa bạc ở chính giữa.
Điều không thể tin được: chúng tôi có thể nhìn chằm chằm không chớp mắt vào mặt trời. Và cái mà chúng tôi thấy đằng sau cái đĩa bạc thì hình như đang quay. Cả cái viền sáng quanh nó cũng đang tỏa ra nhiều tia sáng đủ màu. Thật là đẹp đẽ, hấp dẫn tuyệt vời!
“Tôi khó mà tin nổi chuyện này!” tôi thầm thì với Maureen ngồi bên cạnh, mắt không rời mặt trời.
“Việc mà tôi đang làm đây là không thể được: tôi đang nhìn thẳng vào mặt trời, tức là tôi đang làm hư võng mạc vĩnh viễn. Vậy mà tôi không thấy nguy hiểm. Thực ra, tôi cảm thấy mình có thể tiếp tục đăm đăm nhìn mặt trời như vậy bao lâu tôi muốn.”
Tôi lắc đầu, không tin nổi.
- “Xem kìa!” Maureen nói, “Nó đang diễn ra cho mọi người xem, tôi muốn nói, tất cả chúng ta đều thấy!”
Khỏi nói, là tới khi chúng tôi lên hết trên xe và bắt đầu đi thì đã quá giờ hiện ra. Không can gì, tất cả chúng tôi đã quá phấn khởi, vì được chứng kiến hiện tượng (phép lạ) mặt trời sớm như vậy.
Khi còn cách ba cây số, chúng tôi trông thấy cái cột mốc thứ nhất của chúng tôi, núi Krizevac (núi Thập Giá) nổi bật từ đàng xa. Tôi nhìn ra được cây Thập Giá ở trên đỉnh và lấy làm lạ là nó trông quá nhỏ. Tôi cứ tưởng là cây Thập Giá đó sẽ nổi bật lên trên toàn thung lũng.
Khi băng qua chiếc cầu nhỏ dẫn vào Mễ Du, những tiếng kêu vui mừng nổi lên: Kia là Nhà thờ Thánh Giacôbê với hai tháp chuông song đôi, đúng y như chúng tôi đã thấy trong vô số hình ảnh và vidéo. Chúng tôi đã thật sự có mặt ở đây rồi!
Chiếc xe buýt đỗ sát bên một lùm cây ngay trước Nhà thờ. Chúng tôi chạy ào ra đến chỗ một đám đông tụ họp bên ngoài Nhà xứ sát cạnh Nhà thờ. Cuộc hiện ra ở bên trong (Nhà xứ) đã xong, nhưng đám đông còn nán lại, và chúng tôi cũng muốn chen vào đấy.
Ngay lúc đó, một cánh cửa mở ra và Marija, thị nhân trẻ vốn luôn có vẻ dè dặt và trầm tĩnh, xuất hiện. Cô đi với một vị linh mục đến phía sau Nhà thờ. Khi ngang qua bãi cỏ, đám đông ùa theo sau cô, những người gần cô nhất thì kêu lớn tiếng xin cô cầu nguyện, hoặc chỉ cố chạm vào người cô.
Bỗng nhiên, tôi nhớ đến đám đông thường chạy theo Arnold Palmer ở giải thi đấu Golf Masters tại thành phố Augusta, bang Georgia. Tôi còn nhớ một cách đặc biệt, gương mặt của một cụ già đã hăng hái bước đi bên cạnh tay chơi golf ấy và xin được chữ ký của anh ta. Cụ ấy sung sướng như một đứa trẻ, khuôn mặt sáng lên - y như khuôn mặt đang sáng lên của mấy người chạy theo Marija.
Linh mục và thị nhân đi qua cửa sau vào phòng mặc áo lễ, còn đám đông quay lại cửa trước Nhà thờ để dự lễ tiếng Croát đang sắp sửa bắt đầu. Nhưng vì lý do nào đó, Maureen và tôi còn nán lại.
Thánh lễ ban chiều. Trong Nhà thờ T.Giacôbê chật cứng. Có người đã phải đi một hai tiếng đồng hồ trước để có chỗ. |
- “Nhìn kìa, nhìn kìa!” cô vừa nói, vừa thúc cùi chỏ vào tôi và chỉ tay về phía cửa sổ của phòng mặc áo lễ. Tôi nhìn - và trông thấy Marija giúp linh mục vận lễ phục vào để chuẩn bị làm lễ. Lòng tôi trào dâng một tâm tình khiêm tốn tri ân về đặc ân được chứng kiến khoảnh khắc này, cho đến khi chuông báo giờ lễ vang lên kéo tôi ra khỏi cơn mơ màng.
Vội vàng chạy vòng ra phía trước, chúng tôi thấy Nhà thờ đã chật ních người. Người ta ngồi đầy những hàng ghế và đứng chen chúc nhau theo các lối đi. Thánh lễ bắt đầu bằng một bài thánh ca tiếng Croát, và cả Nhà thờ thật sự đã rền vang tiếng hát ấy. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ tới để so sánh: đây là một Nhà thờ Báptít trong kỳ phục hưng cao độ !
Tôi cố chen vào giữa lối đi bên trái cho đến khi không còn chen được nữa. Tiếng hát của thánh vịnh bất hủ ấy vang dội trong tôi thấu tận xương tủy. Tôi để ý thấy nhiều người nước mắt lăn dài trên má. Phần tôi, tôi quá đỗi sửng sốt, không khóc được. Đến phút này, sau vụ thấy hiện tượng mặt trời quay, cây Thập Giá trên núi và việc quan sát Marija giúp linh mục mặc áo lễ chuẩn bị Thánh Lễ, tất cả mọi giác quan của tôi đều đã quá tải. Tôi chỉ biết nghĩ: Thật là quá sự mong đợi của tôi! Không một băng hình nào, không một quyển sách nào, ngay cả cha Scotti, đã chuẩn bị trước cho tôi điều này.
Rồi khi đang đứng đấy, tôi cảm thấy có người kéo tay áo tôi. Tôi nhìn xuống: một bà cụ người Croát, ít nhất cũng trên 70 tuổi, ra dấu nhường ghế cho tôi. Hoảng quá, tôi lắc đầu, nhưng bà cụ tóc bạc với khuôn mặt xạm nắng hằn vết lo âu đó cố nài. Tôi vui vẻ từ chối lần nữa, ra dấu cho bà cứ ngồi đấy.
Cuối cùng, bà nắm cánh tay tôi và ấn tôi ngồi xuống. Tôi phải mất một lúc mới hiểu ra bà đang vâng lời “Rất Thánh Đức Mẹ”, Người đã yêu cầu dân làng Mễ Du hãy biết cho đi, đặc biệt đối với các người hành hương, như Con của Người đã cho đi vậy.
Tôi làm theo như lời bà cụ đội khăn choàng và mặc áo dài đen truyền thống bảo tôi. Tôi ngồi vào chỗ của bà cụ, còn bà cụ thì đứng ở lối đi ! Tôi không thể cầm được hai dòng nước mắt tôi đang chảy dài trên đôi má.