Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


“Hãy coi trọng những sứ điệp Mẹ ban cho các con. Mẹ đã ở lại lâu như thế này là để giúp các con thực hành các sứ điệp...”

Chương 17

THỜI GIAN HỌC HỎI

Sáng hôm sau, tôi thức giấc vào khoảng 9 giờ, ánh nắng chói chang, thời tiết nóng ấm và làn gió hiu hiu chào đón tôi. Trời hôm ấy quá đẹp, đủ đẹp để xua tan tâm trạng u ám của tôi lúc ấy. Được trở lại thật thú vị! Tôi yêu đời sống đơn sơ của dân chúng ở đây và sự công khai dấn thân sống tận tình cho Thiên Chúa của họ. Và đây cũng là một dịp thư giãn - ít ra tạm thời - để thoát khỏi mọi nỗi lo âu của thế giới đang vây quanh mình. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy mình có lỗi - là tự cho rằng mình đến đây để làm việc với cha Svet, ngờ đâu chỉ để phát hiện mình không có gì làm trong chín ngày tới. Tôi thở dài, quyết định sẽ lao đầu vào việc sửa bản thảo của cha cho đến khi ông trở lại. 
 
Cái cảm tưởng “bị ở không” tan nhanh khi ngày bắt đầu sáng hẳn. Tôi tìm ra người đàn ông đã hứa dành cho tôi một phòng nếu tôi trở lại Mễ Du. Ông tên Primo, chủ một tiệm giặt ủi tại Citluk. Vì căn nhà ông xây để cho thuê phòng chưa hoàn tất, nên ông mời tôi ở nhà ông như một người khách. Khi tôi lắc đầu, cố đòi trả tiền phòng, ông miễn cưỡng chấp nhận, với điều kiện tôi trả cho con trai của ông, vì tôi sẽ sử dụng căn phòng của cậu ta. 
 
Xong việc đó thì đã đến lúc tôi phải tới Nhà xứ để gặp cha Svet. Ông hẹn tôi vào giờ trưa, nhưng vốn biết giờ giấc co giãn của ông linh mục bí ẩn này, tôi đã tới sớm hơn khoảng 45 phút. Tìm thấy một băng ghế nhỏ kê bên bậc cấp dẫn vào Nhà xứ, tôi ngồi xuống thoải mái; rồi trong nửa giờ kế tiếp, tôi vùi đầu vào việc sửa chữa bản thảo của cha Svet. Bỗng nhiên, dòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt khi nghe thấy tiếng một phụ nữ trẻ hỏi với giọng Anh: “Ông viết gì đấy?” 
 
Tôi nhìn lên thì thấy một thiếu nữ tóc vàng chưa đến 20 tuổi, ngồi vắt vẻo ở đầu băng bên kia đang đăm đăm nhìn tôi: “À, tôi đang viết sách về Mễ Du. Cô từ nước Anh phải không?” 
Cô cười: “Dĩ nhiên là không. Ông chưa bao giờ nói chuyện với một người Úc à? Vậy ông từ Mỹ đến, phải không?” 
 
Tôi mỉm cười ấp úng: “Cô nói đúng, người Mỹ chúng tôi dễ bị lộ diện thật!” 
 
- “Tôi tên Tanya, còn ông?” 
 
- “Wayne.” 
 
Cô lại cười lớn: “Tôi sẽ gọi ông là John Wayne, tên một ngôi sao điện ảnh.” 
 
Bị thu hút bởi cô gái người Úc này, tôi ngồi nghe say sưa những câu chuyện không dứt của cô. Thỉnh thoảng, cô cũng hỏi tôi về công việc và lý do tại sao tôi đến đây. Cô không dễ gì chờ cho tôi trả lời xong một câu, nhưng cứ chen vào một câu hỏi khác hoặc tiết lộ thêm một chi tiết giật gân mới về đời tư của cô.

cha Slavko Barbaric

Cô mới 16 tuổi, và đã ở lại Mễ Du gần hai tháng dưới sự chăm sóc của cha Slavko Barbaric, một trong những vị linh hướng của các thị nhân. Đúng mốt các thiếu niên choai choai tiêu biểu, Tanya kể chuyện cô bị nhiễm ma túy từ khi mới 13 tuổi, và phải đi bệnh viện bảy lần để cai nghiện trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao cô đến đây. Thay vì trở lại nhà thương sau khi lên cơn ghiền lần cuối, cô đã năn nỉ mẹ để được đến Mễ Du, nơi cha Slavko - với một học vị về tâm lý học và đã thiết lập một chương trình tư vấn cho những người trẻ có vấn đề - đã đồng ý trị liệu cho cô. 
 
Một khi đã bắt đầu nói, Tanya có vẻ như bị buộc phải tuôn ra hết chuyện của đời cô. Cô nói càng nhanh càng tốt, và thỉnh thoảng mới ngưng lại để đánh giá mức độ khủng hoảng trong đời tư gia đình cô. Tôi bị sốc, nhưng cố gắng không để cho cô thấy. Cha mẹ cô đã xa nhau, mẹ cô ngẫu nhiên lại là người Croát - sống trên một hòn đảo nhỏ ở vùng ven biển Adriatique, gần thành phố Split, quản lý một khu du lịch; trong khi cha cô sống và làm việc tại Úc. Hơn một năm nay, cô không được gặp cha. 
 
Tanya đã sống khá lâu tại Nam Tư, nên nói thạo tiếng Croát. Cô được có mặt trong phòng hiện ra nhiều lần, quen biết các thị nhân, và cảm thấy mình đang được chữa khỏi ma túy với những rối loạn tình cảm gây ra bởi nghiện ngập, bằng cách lưu lại Mễ Du trong thời gian dài. 
 
Câu chuyện đang tuôn ra ào ào của cô bị ngắt quãng, khi có một thiếu phụ khác đến với chúng tôi. “Ô, đây là Kathleen, bạn tôi; chị cũng là người Mỹ.” Tanya giải thích: “Chúng tôi ở cùng phòng, và chị giúp cha Slavko chăm sóc tôi.” Rồi quay sang Kathleen: “Và đây là người bạn Mỹ mới của tôi, tên John Wayne. Ông ấy là một nhà văn.”

Kathleen (bên trái), trong một buổi dự hiện ra của Đức Maria với thị nhân Marija (giữa) bên Hoa Kỳ. Kathleen đi theo làm thông dịch viên cho Marija.


Kathleen có vẻ dè dặt, dò xét tôi trước khi nói quá nhiều chuyện. Nhưng chỉ sau ít phút, Kathleen đã thư giãn và bắt đầu kể đôi chút về đời cô và hoàn cảnh đã đưa cô đến Mễ Du. Tôi để ý thấy cô đi chân không, nhưng trước khi tôi hỏi tại sao, Tanya đã tuôn ra là Kathleen đang làm tuần chín ngày ăn chay với bánh mì và nước lã, và đi chân không để đền tội một cách đặc biệt. Tôi thầm nghĩ: vậy là hơi quá đáng. Trong chuyến đi lần trước, tôi đã gặp nhiều người mà tôi xếp vào loại lập dị, cuồng tín, hoặc khùng điên. Phản ứng đầu tiên của tôi là xếp Kathleen vào loại đó. Làm như muốn khẳng định điều ấy, cô còn có nét đồng bóng, tóc để xõa xuống đến eo. Kathleen lớn tuổi hơn Tanya, tôi đoán trên dưới 30 tuổi, sinh trưởng ở Miami, bang Florida. Mới đây, cô chuyển qua sống ở Thụy Sĩ, và bây giờ, theo lời yêu cầu của cha Slavko, cô ở lại phục vụ với tư cách người chị lớn của Tanya. Trách nhiệm của vai trò này, cộng thêm lòng nhân ái thiên phú của cô đã sớm làm tôi phải xét lại những đánh giá ban đầu của mình.  
 
Câu chuyện giữa chúng tôi đột ngột chấm dứt, khi cha Svet xuất hiện trên đầu thềm: “A, Wayne, chào anh! Bây giờ tôi đã sẵn sàng, chúng ta có nhiều việc lắm. Anh vào đây đi, chúng ta bắt đầu.” 
 
Ông cũng chào hai cô bạn tôi nữa, và qua cuộc trao đổi, rõ ràng là ông biết họ. Tôi nhìn đồng hồ: 12 giờ 40. Thôi, không sao, tôi đã được thời gian nói chuyện thoải mái với Tanya và Kathleen. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau chiều hôm ấy ở lùm cây nhỏ trước mặt Nhà thờ. 
 
Ông dẫn tôi vào một văn phòng nhỏ bên kia cái sảnh nối với phòng hiện ra. Vội đóng cửa lại, ông nói: “Đây là một chỗ rất tốt, làm việc không bị quấy rầy.” Tôi hỏi ông: “Cha Svet, cha có biết hai người đó không?” 
 
- “Ồ, biết chứ, Kathleen ở đây giúp chúng tôi bằng đủ mọi cách có thể, còn Tanya - em này có nhiều vấn đề lắm. Anh hãy cẩn thận trong liên hệ với nó.” 
 
- “Nghĩa là thế nào?” 
 
Ông cân nhắc cẩn thận từng lời: “Tanya rất cần được giúp đỡ. Em có nhiều khó khăn riêng tư. Nhiều lúc, em rất vui vẻ, dễ chịu, lúc khác em lại rất khó tính. Cứ thận trọng, đừng để mình liên can quá nhiều. Em được cha Slavko giúp đỡ rất nhiều.” Ông mỉm cười: “Thôi, đừng lo lắng về chuyện ấy. Nào, ta xem anh đã làm đến đâu rồi!” 
 
Trong ba giờ sau đó, chúng tôi duyệt lại những gì tôi đã làm trên bản thảo của ông. Ông cũng hỏi tôi tại sao tôi lại thay đổi hoặc thêm vào một vài đoạn trong đó. Được làm việc với người đàn ông thánh thiện dễ nể này, nên lúc đầu tôi cứ ngần ngại không dám nói nhiều; nhưng cuối cùng, hết căng thẳng và quên hết mọi sự, tôi chỉ còn biết đến công việc trước mắt chúng tôi thôi. 
 
Khi chúng tôi duyệt xong phần đã làm, ông đứng dậy, đặt tay trên vai tôi cười rạng rỡ: “Tuyệt thật! Chắc chắn là chúng ta có thể làm việc chung với nhau - đúng như tôi đã biết.” 
Tôi quá phấn khởi, không nói nên lời. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là chín ngày tới, tôi sẽ đến ở Mễ Du, tiếp tục việc biên tập, sau đó ông sẽ đưa tôi về giáo xứ của ông ở Konjic, khoảng hai tiếng rưỡi lái xe, về hướng bắc, và gần Sarajevo. Tôi sẽ ở tại Nhà xứ đó một tuần, ban ngày không bao giờ được mạo hiểm đi ra ngoài, để cảnh sát không biết tôi đang ở đấy. Suốt thời gian ấy, chúng tôi sẽ duyệt lại bản thảo từng hàng một. Còn bây giờ, ông sẽ không gặp lại tôi cho đến ngày 25 tháng 6 năm 1986, là ngày kỷ niệm giáp năm thứ năm Đức Maria hiện ra. Ông còn nói: “Chúng ta sẽ lên đường đêm hôm sau để khỏi bị người ta để ý.” 
 
Khi nói tạm biệt nhau, tôi hơi khó chịu vì cái lối sắp đặt vụng trộm này: dính líu vào một sự cố quốc tế là điều tối kỵ đối với tôi bấy giờ. Nhưng công việc là trên hết. Cha Svet vẫy tay chào và lái chiếc xe nhỏ màu trắng ra khỏi bãi đậu xe của Nhà xứ. Khi đó, tôi đã lén liếc quanh để xem có ai đang rình chúng tôi không. Chưa có gì, nhưng tôi bắt đầu có cảm tưởng mình là một gián điệp quốc tế. 
 
Chiều hôm đó, tôi gặp Tanya, Kathleen và một cô gái khác dưới lùm cây trước mặt Nhà thờ. Họ đang hát, còn Kathleen đệm đàn guitar. Nhìn thấy tôi, Tanya rối rít ngoắc tôi đến nhập bọn, và tôi đã làm theo. Với lời cảnh giác của cha Svet vang lên trong đầu, tôi thắc mắc sao mà cô gái có vẻ hạnh phúc và an bình này lại có thể có những vấn đề khủng khiếp như vậy. 
 
Sau đó, tôi được biết cô gái thứ ba là người Đức, tên Agnès, trước kia cũng đã đến Mễ Du với nhiều rối loạn tâm lý cũng như với đôi chân tàn tật làm cô chỉ đi được nhờ cặp nạng. Cô này cũng vậy, cô cũng từng được cha Slavko chăm sóc, ông đã cho phép cô có mặt ở “gian phòng” ấy, trong một lần Đức Mẹ hiện ra. Cô kể lại là cô đã được chữa lành ngay lập tức, và cô đã bỏ lại cặp nạng trong phòng hiện ra, rồi đi ra một mình không cần người đỡ. Sau khi trở về Đức, cô đến cho bác sĩ khám. Ông này đã công nhận cô không còn triệu chứng gì của bệnh, và công bố cô hoàn toàn khoẻ mạnh. 
 
Lần này, tôi thấy được nhiều điều về Mễ Du hơn lần trước. Bên cạnh những hiện tượng thiêng liêng và phép lạ, cùng với những trường hợp cải hối thống thiết, còn có nhiều điều hơn nữa đang xảy ra theo nhiều mức độ. Cũng phải kể đến những đấu tranh, bất mãn - và thất bại. Không phải ai tới đó cũng đều được thay đổi về phần thiêng liêng. Và tất nhiên, không phải bệnh nhân nào đến đây cũng được chữa lành. Thực vậy, cái làng Mễ Du nhỏ bé này, trên nhiều phương diện, không khác gì lắm với thị trấn Myrtle Beach của tôi. Tốt có, xấu có; theo nghĩa rộng, nó là một tiểu vũ trụ của thế giới, chỉ khác một điều là nó được biến đổi do phép lạ của sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc. 
 
Đa số những người đến Mễ Du cũng giống như các cô gái tôi vừa mới gặp kia. Họ có vấn đề, và đến để tìm ra giải pháp kỳ diệu cho các vấn đề đó. Agnès đã tìm ra giải pháp cho vấn đề của cô, nhưng Tanya vẫn còn tìm kiếm và hi vọng, cũng như hằng ngàn người khác đã đến đây cùng với một ý nguyện như vậy. Tôi nhớ lại lời của anh Frank Fiamingo, bệnh nhân bại liệt đã đi cùng chúng tôi trong chuyến tháng năm. Lúc đó, tôi có hỏi anh ấy muốn được ơn gì trong chuyến hành hương này - anh có mong được chữa lành không? Nhưng anh đã trả lời: “Tôi không đến để tìm sự chữa lành, tôi đến để tìm điều mà anh và mọi người khác đang tìm: cho những lý do riêng và để được bồi dưỡng về phần thiêng liêng.” 
 
Trước khi Tanya và Agnès phải đi vì có hẹn, Tanya đã buộc tôi hứa vào hôm sau chúng tôi sẽ gặp nhau nói chuyện tiếp. Khi tôi cũng đứng dậy ra về, Kathleen tỏ vẻ muốn ở lại thêm một lát nữa. Cô hỏi: “Tanya có nói gì với ông về quá khứ của nó không?” 
 
Tôi kể cho cô ấy nghe câu chuyện buổi sáng giữa tôi và Tanya, không sót một điểm nào. “Được!” rồi cô tiếp: “Vấn đề của nó không phải chỉ là nghiền (ma túy). Nó còn uống rượu nữa - và nhiều thứ khác. Tuần đầu ở đây, Tanya nằm liệt giường vì quá bệnh. Tanya bị bất an tối đa, vì vậy, cha Slavko yêu cầu tôi ở với nó và để mắt đến nó. Tôi chỉ muốn ông biết như thế, và xin ông nên rất cẩn thận với nó. Tanya có khả năng khiến người khác quyến luyến mình rất nhanh và rất mạnh.” 
 
Tôi bảo đảm với cô là tôi sẽ giữ khoảng cách trong tiếp xúc với em ấy. Vả lại, tôi còn nhiều việc phải làm cho quyển sách của cha Svet, cũng như những nghiên cứu cho công việc của tôi. Kathleen gây ấn tượng nơi tôi. Chẳng phải có nét đồng bóng như tôi tưởng, cô gái Mỹ sống xa quê này là một người đầy lòng nhân ái. Điều trước đây tôi xem như là một lối chay tịnh và đền tội cuồng tín, hóa ra chỉ là một sự đáp ứng bình thường của cô - cái cách cô nói “Xin vâng” với Chúa. Cô đang sống sứ điệp mà Đức Trinh Nữ Maria đang mang đến cho Mễ Du, và sự vâng phục của cô còn đầy đủ hơn sự vâng phục của tôi. Từng ấy dủ để đánh bạt những cảm tưởng đầu tiên sai lầm của tôi về cô. 
 
Tuy nhiên, giữ khoảng cách với Tanya thì dễ nói hơn là làm. Sáng hôm sau, trong giờ Lễ, em lại ngồi cạnh tôi, hỏi tôi em ngồi gần có được không. Tôi nói tất nhiên là được. Sau đó, Kathleen cho tôi hay là từ lâu, đây là lần đầu tiên Tanya dự Lễ tiếng Anh. Cô đề nghị để cô nói với Tanya là tôi có nhiều việc phải làm và em cần để tôi yên, nhưng tôi từ chối. Tôi cho cô thấy những lúc chúng tôi quây quần bên nhau rất giúp ích cho Tanya, và Kathleen cũng đã phải công nhận. 
 
Suốt mấy ngày tiếp theo, sau những giờ nỗ lực làm việc trên bản thảo của cha Svet, tôi cũng có dịp nói chuyện với Tanya về các vấn đề của em ấy. Cha Svet rất đúng khi nói: nhiều lúc em như là một thiên thần, những lúc khác lại khó mà tin được thái độ thay đổi ngược ngạo của em. Em ưa làm hoặc nói nhiều điều cố ý để chọc tức tôi, và hay ghen tức kiểu trẻ con những khi tôi nói chuyện với người khác. 
 
Điều này đặc biệt đúng với nhóm Trung Tâm Hòa Bình, vốn đã đến vài ngày trước đó. Sơ Margaret lại một lần nữa làm hướng dẫn viên về mặt thiêng liêng với sự trợ giúp của Rose Finnegan, người luôn luôn lạc quan. Cha mẹ của Maureen Thompson: ông John và bà Maryam với cô em gái Sheila cũng có mặt trong nhóm. Đây thật là một tuần lễ đoàn tụ và dễ chịu, vì không có người Mỹ nào ở đây, cho đến khi nhóm Trung Tâm Hòa Bình tới. Tôi đặc biệt thích thú những lúc ở cùng với cha mẹ và em gái của Maureen, và tôi đã để vào đó khá nhiều thời gian - thời gian mà trước đó đã dành cho Tanya. 
 
Một chiều kia, sơ Margaret, sau khi nghe tôi tóm lược tình trạng của Tanya, đã đề nghị tôi mời em ấy, sau Thánh Lễ chiều đi dùng cơm tối với cả nhóm tại khách sạn Citluk, để cho em làm quen và thoải mái với nhóm người Mỹ ấy. Tôi hỏi ý kiến Kathleen trước, và Kathleen hỏi ý cha Slavko. Theo lời yêu cầu của cả nhóm, trước đó, tôi có đến gặp cha Slavko vào buổi sáng, vì cha cũng muốn biết anh chàng người Mỹ nào đã làm quen được với cái gánh nặng trẻ tuổi này của ông. Giờ đây, hài lòng vì thấy những tiếp xúc của tôi với Tanya đã nâng đỡ em, nên ông cho phép em đi cùng tôi - với điều kiện phải về nhà lúc 10 giờ đêm. 
 
Bữa ăn tối đã là một dịp gặp gỡ thú vị cho mọi người tham dự. Tanya vui vẻ như trước, vì đã thật sự mê hoặc cả nhóm một cách nào đó. Chúng tôi giống như một gia đình đối với em, và tôi nhận ra gia đình có lẽ là cái mà cô gái bất hạnh này cần hơn hết. Để giữ lời hứa với cha Slavko, tôi đưa Tanya về nhà đúng giờ, rồi trở lại Citluk đón sơ Margaret để chở chị về nhà trọ ở ngoài Mễ Du. Lúc quay về lại Citluk, tôi thấy hai cô gái đang nhảy múa trên đường bỗng hiện ra trước đèn xe; nhận ra một trong hai cô là Tanya, tôi ngừng xe. Khi thấy tôi, em cũng sửng sốt không kém. “Tanya, em làm gì ở đây? Em biết luật của cha là phải về nhà lúc 10 giờ mà!” 
 
Bị bắt gặp tại trận, và không muốn mất mặt trước bạn bè, em trả lời giận dữ: “Tôi cóc cần luật với lệ của cha già đó! Tôi đủ lớn để làm những gì tôi muốn!” 
 
Tôi cố thuyết phục để em thấy mình sai, và ở đây, em đang được cha coi sóc, nhưng Tanya không thèm nghe. Em còn báo cho tôi biết tôi không được bảo em phải làm gì cả. Tôi cố lờ đi câu em nói làm tôi đau lòng: 
 
- “Thôi lên xe đi, tôi lại đưa em về nhà.” 
 
- “Không! Chúng tôi đang vui vẻ, tôi sẽ ở lại đây!” 
 
- “Ô kê! Muốn làm gì thì làm!” tôi trả lời cộc lốc rồi lái xe đi luôn. Làm sao mà cũng một cô gái dịu dàng, dễ thương, mới vừa làm cho cả nhóm Trung Tâm Hòa Bình cảm thương và thích thú ấy lại có thể trở thành hỗn láo, nổi loạn - nhất là đối với tôi như vậy? Những buổi nói chuyện nhiều khi vui vẻ cũng như đôi lúc giận dữ giữa chúng tôi đã tạo nên một mối liên hệ cha-con chân thành. Còn bây giờ thì tôi không biết thời gian tôi dành cho em vừa qua có ích lợi gì không. 
 
Thêm một bất ngờ nữa đến với tôi trong đêm đó. Khi trở lại nhà ông Primo, tôi gặp một khách trọ khác: một phóng viên nhiếp ảnh của tờ Time thuộc văn phòng châu Âu. Anh đến để làm phóng sự về buổi lễ kỷ niệm giáp năm thứ năm ngày Đức Maria hiện ra sẽ diễn ra vào ngày mai. Những vấn đề của Tanya được tạm quên. Tôi sung sướng thấy những cuộc hiện ra, cuối cùng, đã được báo chí quốc tế đề cập đến, đặc biệt từ khi biết hơn 100.000 người dự kiến sẽ có mặt tại làng. Chúng tôi nói chuyện đến khuya. Trong hơn hai tiếng đồng hồ, tôi cố gắng nhồi nhét cho anh ta càng nhiều thông tin càng tốt, thậm chí đề nghị đưa anh đi tham quan trong làng. Và ngay sáng hôm sau, tôi còn đưa anh tới nhà Vicka để chụp một số ảnh đặc biệt. 
 
Khi đang lái xe đến đó sáng hôm sau, anh nói: “Tôi muốn nói với anh chuyện này từ tối hôm qua, nhưng tôi không muốn nói ở trong nhà đó: cảnh sát đang tìm anh. Sáng hôm qua, họ đến gặp Primo, nhưng ông ta không biết khi nào anh về.” 
 
- “Cái gì?” Tôi đạp chân lên thắng, làm chiếc xe suýt lao xuống mương. “Tại sao? Họ muốn gì với tôi?” Tôi hoảng sợ, rất hoảng sợ. Anh ta mỉm cười: “Anh yên tâm đi, họ biết anh là nhà báo và họ muốn biết tại sao anh không đăng ký anh là nhà báo.” 
 
- “Tôi không thể. Tôi không muốn họ biết tôi đang làm việc với linh mục Svetozar. Mà làm sao họ biết tôi là nhà báo nhỉ?” 
 
Nhà nhiếp ảnh cười khúc khích: “À, anh lăng xăng chỗ này chỗ kia với cái máy chữ, rồi còn đặt đủ thứ câu hỏi với đủ thứ người...” Anh không cười nữa: “Này, anh không qua mặt họ được đâu. Họ có thể bắt anh để thẩm vấn với bất cứ lý do gì, nhốt anh lại ít ngày, rồi tống anh ra khỏi nước họ. Một kịch bản không tồi, phải không?” Anh ta lắc đầu: “Anh phải nhớ: anh đâu phải đang ở bên Mỹ!” 
 
Bất chợt, tôi nhận ra mình thật ngu ngốc, vì đã quá lộ liễu trong những việc mình làm. Những thái độ e dè của cha Svet đáng lý ra đã đủ cảnh giác tôi... Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao cần phải đề phòng như thế, chẳng hạn đi Konjic vào ban đêm và phải không được ló mặt khi ở lại đấy; nhưng bây giờ đã quá trễ. 
 
Tôi hỏi yếu ớt: “Tôi phải làm gì bây giờ?” Nhà nhiếp ảnh đề nghị hoặc là tôi tự đến cảnh sát đăng ký, may ra..., hoặc rời khỏi nhà ông Primo. 
 
- “Tôi sẽ đi! Không có vấn đề đi ra đồn cảnh sát. Tôi biết tại Mễ Du có vài chỗ tôi có thể ở mà không ai phát hiện ra.” Tôi chắc chắn là tôi sẽ được ở cùng một chỗ với sơ Margaret, nếu chỉ trong một vài ngày. 
 
Tôi chỉ muốn quay xe lại ngay và dọn đồ đi khỏi Citluk, nhưng nhà nhiếp ảnh này, người từng sống một năm tại Balan, biết rõ những trò đó, liền lắc đầu nói: “Thế là quá lộ liễu, tốt hơn nên đi vào ban đêm.” 
 
Khi chúng tôi đến nhà Vicka, anh ta muốn đi loanh quanh một mình để chụp hình, nên tôi đã để anh xuống xe và tôi trực chỉ Nhà thờ để dự Thánh Lễ. Thời gian giúp tôi bình tĩnh lại và bắt đầu sắp xếp một kế hoạch hành động. Gặp sơ Margaret gần Nhà thờ, tôi bèn kể lại những gì đang xảy ra. 
 
Chị nói bình thản: “Được rồi! Anh chỉ cần một chỗ trong một đêm, rồi ngày mai đi Konjic với cha Svet. Đương nhiên, anh có thể trọ tại chỗ tôi đang ở, và vì nhà này ở xa Nhà thờ, nên không ai biết anh ở đấy.” Rồi chị cười, tiếp: “Đừng quá lo lắng về việc ấy! Cứ nghỉ ngơi, cầu nguyện và vui hưởng ngày tươi đẹp này.” 
 
Tôi đành để chị xoay sở hoàn cảnh theo cách nhìn riêng của chị. Tôi quyết định nghe theo lời khuyên của chị. Gặp gia đình Thompson sau lễ, chúng tôi đi với nhau suốt ngày, leo đồi, thưởng thức không khí lễ hội tại quán cà phê Antonio, một tụ điểm nhỏ của nhiều người trong làng. Hồi đầu tuần, chúng tôi đã phát hiện người chủ quán cà phê này là anh ruột của thị nhân Marija, và cô em ruột là Milka cũng làm việc tại đó. 
 
Milka đã có mặt lúc Đức Maria hiện ra lần thứ nhất và chỉ được thấy Đức Trinh Nữ Diễm Phúc một lần đó thôi. Năm nay cô 18 tuổi. Đó là một thiếu nữ thon thả, nhiệt tình, khôn ngoan trước tuổi, rất được dân làng quý mến. Chúng tôi thành bạn bè ngay lập tức. Cô chỉ biết vỏn vẹn mấy câu tiếng Anh, nhưng rồi chúng tôi cũng xoay sở nói chuyện với nhau được. Có nhiều khi tôi đi với Tanya đến thăm cô, thì Tanya thông ngôn giúp. Có tư chất thông minh, học nhanh, Milka nói thông thạo tiếng Ý, nhờ tiếp xúc với khách hành hương người Ý đến đây rất đông vào những năm đầu. 
 
Tôi cảm phục Milka đã biết chấp nhận được thấy Đức Trinh Nữ chỉ có một lần duy nhất, trong khi chị cô (Marija) lại trở nên một trong sáu thị nhân. Trong cuộc phỏng vấn tôi thực hiện sau đó trong tuần, tôi hỏi cô về vấn đề này, cô nhún vai và đáp: “Được thấy một lần còn hơn là không thấy lần nào.” Không biết có bao giờ cô mong được trở thành thị nhân như cô chị ruột không? 
 
Cô cười lớn: “Ồ không! Như vậy suốt ngày tôi cứ phải tiếp chuyện các nhà báo như ông!” 
 
Tôi thấy ở Milka có một điều gì đặc biệt. Cô biết chấp nhận số phận của mình, tuy vẫn tỏ lộ ra ý muốn được là một trong các thị nhân để được nhìn thấy Đức Maria mỗi ngày; cô cố che đậy, nhưng sự thực là như vậy. Cho đến lúc tôi trở về nước, Milka đã trở thành một trong những người tôi yêu thích nhất tại Mễ Du. 
 
Tối hôm lễ kỷ niệm giáp năm năm Đức Maria hiện ra lần đầu tiên là một buổi tối huy hoàng, hằng ngàn người đứng chật ních Nhà thờ và chung quanh Nhà thờ. Chiếm chỗ trên bãi cỏ sau lưng Nhà thờ, gia đình Thompsons và tôi cùng vừa lần hạt Mân Côi, vừa thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời trong cảnh hoàng hôn, với làn gió nhẹ hiu hiu thổi. Suốt ngày nay, tôi không gặp Tanya, rồi bỗng nhiên em xuất hiện, tỏ vẻ hối lỗi về những hành động em đã làm tối hôm trước. Em năn nỉ: “Xin ông vui lòng đến đây với em, em không cầu nguyện được. Em cần nói chuyện với ông.” 
 
Tôi xin kiếu các bạn khác và tìm một góc yên tĩnh dưới lùm cây xa hơn ở sau Nhà thờ để nói chuyện. Tanya bắt đầu khóc. Em và bạn gái của em hôm qua đã gặp hai thanh niên trong làng và đã ở lại với họ tới khuya - rất khuya. Bây giờ, em xấu hổ quá và không biết phải ăn nói làm sao với cha Slavko. “Cha sẽ biết chuyện này, em tin chắc như vậy! Cha sẽ đuổi em về nhà. Phải làm sao bây giờ?” 
 
- “Em phải tự thú với cha, Tanya, và chấp nhận bất cứ hành động nào của cha.” 
 
Tanya lắc đầu quầy quậy, đứng lên bỏ đi: “Không!” Tôi nhẫn nại nêu lên cho em thấy những gì mà người ta đã cố gắng giúp em và cả những gì em đã nhận được. Bây giờ, em phải chọn: hoặc đón nhận sự hỗ trợ của cha Slavko và ở lại Mễ Du, hoặc tiếp tục làm hỏng cuộc đời mình. Tôi ngạc nhiên sao tôi có thể bình tĩnh như thế. Lần nói chuyện đó không khác gì một sự la rầy, trách mắng thẳng thắn của người cha đối với đứa con gái - và lại có hiệu quả. Tanya lặng lẽ ôm chào tôi, hứa sẽ đến tự thú với cha Slavko ngay sau Thánh Lễ và chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến cho em. 
 
Chúng tôi quay lại với gia đình Thompsons và tham dự Thánh Lễ. Sau đó, Tanya chạy lại chỗ chúng tôi trên bãi cỏ, nơi chúng tôi đã tụ họp để trao đổi về những gì diễn ra trong ngày. Qua nét mặt em, tôi thấy mọi sự đã được cha Slavko giải quyết ổn thỏa. Em ào ào kể lại: “Ồ, lúc đầu cha nổi giận, nhưng cha khen em làm đúng vì đã thú tội với cha - em có nói với cha là ông đã bảo em làm như vậy - và ông thử đoán xem? Cha nói là cha chấp nhận để ông phỏng vấn như ông xin, nếu ông đến được vào buổi sáng. Và cha sẽ để cho em thông dịch! Ôi sung sướng quá!” 
 
Hài lòng vì mọi sự đã trở nên tốt đẹp cho Tanya, tôi sắp xếp để gặp em trước Nhà xứ vào lúc 9 giờ sáng. Hôm ấy thật là một ngày tuyệt vời - và cái thời gian “chín ngày không có gì để làm” này đã được lấp đầy một cách kỳ diệu. Tôi cho đây đúng là một thời gian để học tập, và khi nghĩ sâu thêm, tôi mới nhận ra: điều này đã được tiền định như vậy. 
 
Nhưng còn một vấn đề nữa: cảnh sát. Tôi hầu như đã quên bẵng chuyện đó cho đến khi lái xe trở về nhà Primo tại Citluk. Đến nơi, tôi định nói với Primo vụ đó, và nếu Primo cũng nghĩ là tôi phải đến trình cảnh sát, thì giống như Tanya, tôi cũng sẽ chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho tôi, và tôi sẽ làm theo. Chàng phóng viên nhiếp ảnh báo Time đã ra đi từ lúc chiều để ra khỏi Mostar cho kịp chuyến bay, cho nên chúng tôi chỉ có một mình. Liền đó, Primo xin kiếu để đi ngủ sớm, vì sáng mai phải ra cửa hàng sớm. Tôi về phòng, và sau một lúc lâu cân nhắc nên bỏ đi ngay lúc ấy hay đợi đến sáng mai, tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con...”

---o0o---