LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN
Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.
Chương 12 : Người giàu và bán hết
Mc 10:17-22
Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: « Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? » Đức Giêsu đáp: « Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ. » Anh ta nói: « Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ. » Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta, và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: « Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy bán đi những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. » Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cái.
Cái gì đã ngăn không cho người đàn ông này đạt được tình trạng sung mãn của thân phận con người, nếu ông ta đi theo lời loan báo của Đức Giêsu, lời mà các thánh sử gọi là « Tin Mừng »? Người ta chỉ từ chối một hạnh phúc hoàn hão khi được đề nghị có một điều gì hấp dẫn hơn. Điều hấp dẫn « tốt nhất », mà các thánh sử nhận biết nằm trong an sinh mà xã hội cống hiến cho con người, để trao đổi lại, con người phải hoàn toàn thuần phục vào ba quyền lực: quyền lực kinh tế, tôn giáo và chính trị. An sinh của con người được xây dựng trên ba quyền lực này.
Kẻ thù số một của Thiên Chúa, và đối thủ muôn đời của Người, như Đức Giêsu gọi, đó là « Thần Tài », trong phúc âm, đó là thần tượng tượng trưng cho việc thần thánh hóa của cải. Vị thần-tài này, với duyên dáng không cưỡng lại được, mà đứng trước nó mọi người sẵn sàng nghiêng mình, quyến rũ con người, lôi cuốn con người trước viễn ảnh hạnh phúc do sự tích tụ của cải đem đến (Mt 6:24). Trên thực tế, cũng như tất cả thần tượng, ngụy thần dối trá này đánh lừa con người và phản bội những ai tôn nó lên làm vật thờ phượng. Thay vì đem đến hạnh phúc như đã hứa, nó hủy diệt những ai tôn thờ nó. Vua Achab, do lòng tham lam thúc đẩy chiếm lấy vườn nho của Nabot, bị tiên tri Êlia cáo buộc là người « bán » (1V 21:20.25) các của cải mà ông tưởng ông có được. Các tiên tri giảng dạy cho con người biết, con người trở thành cái mà con người yêu thích: « Chúng đã hiến mình cho đồ ô nhục và chúng đã trở thành đồ kinh tởm như những thần chúng yêu mến. » (Hs 9:10; Jr 2:5) Trên thực tế, khát khao chiếm giữ đưa con người đến việc chiếm giữ (« bán mình ») thay vì dùng của cải trở thành người phục vụ mình.
Các thánh sử kể đến một đoạn chứng tỏ rõ ràng, bằng cách nào con người thích ở trong bất hạnh với của cải dồi dào, hơn là ở trong hạnh phúc mà có ít của cải. Đoạn phúc âm thánh Mác-cô (10:17-22) cho thấy « một nhân vật » rõ ràng đang lo lắng tột độ: ngay khi anh ta thấy Đức Giêsu, anh bắt đầu chạy đến Người và « quỳ xuống ». Trong phúc âm thánh Mác-cô, chỉ có một người bị quỷ ám (Mc 5:6) và « nhân vật vô danh này » chạy; chỉ có những người cùi và « nhân vật vô danh này » quỳ gối trước mặt Đức Giêsu (Mc 1:40). Khi đặt câu chuyện người cùi và người bị quỷ ám trước câu chuyện này, hẳn thánh sử đã để người đọc trên chính lộ để hiểu được câu chuyện này.
Việc dùng động từ « chạy » và « bắt đầu quỳ gối » tổng hợp lại một cách có chủ đề ba đoạn này, cho thấy các nhân vật bị lo lắng xâm chiếm một cách không thể chịu được, đẩy họ vi phạm trước công chúng các quy luật xã hội. Đúng thế, bên Phương Đông, người ta không vội vã, chạy là một thái độ đáng chê trách. Cũng như người cùi bị xem là người bị Thiên Chúa phạt và ruồng bỏ vì tội lỗi của họ (Ds 12:9-10) và người bị quỷ ám là người bị giam hãm trong tính hung bạo của mình (họ thường xuyên tự đánh mình bằng các hòn đá), « một người », chạy đến gặp Đức Giêsu, « quỳ xuống trước mặt Người » chứng tỏ cho thấy, anh ta cũng bị xa Chúa, anh ta là nô lệ của một quyền lực thống trị anh, làm cho anh trở thành tù nhân và hủy diệt anh. Sau khi đã tạo mong chờ cho độc giả, vào đoạn kết thúc câu chuyện, thánh Mác-cô mới bật mí bản sắc của « một người », khi nhắc đến đăïc tính duy nhất làm cho anh có thể được nhận diện: giàu có.
Nhân vật vô danh này có « nhiều của cải », một thành ngữ mà các thánh sử muốn mô tả các địa chủ: thánh Mát-thêu và Luca tả « một người » « rất giàu » (Mt 19:22; Lc 18:23; 12:19). Theo lẽ thường tình, yếu tố này cho con người được an toàn tối cao, thì dưới mắt các thánh sử, lại là điều dẫn con người đến lo âu tột độ. Lo lắng của « một người » có « nhiều của cải » do bất an, không tin tưởng mình « có được sự sống đời đời làm gia nghiệp ». Trong phúc âm, những người duy nhất lo đến đời sống ngày sau là những người có được đời sống đầy đủ ở thế gian: những người giàu có, những người đi tu muốn họ cũng được sống tốt đẹp và trong an toàn ở đời sau cũng như ở đời này (Lc 10:25; 18:18). Trong phúc âm thánh Mác-cô, cũng như trong phúc âm thánh Mát-thêu và Luca, rất hiếm khi Đức Giêsu nói đến đời sống vĩnh cửu, chỉ khi nào theo lời đòi hỏi thúc bách của ai đó đang lo lắng, Đức Giêsu mới trả lời.
Đấng Thiên Sai không đến để loan báo làm sao « có được sự sống đời đời » nhưng để giảng dạy làm sao xây dựng « nước Thiên Chúa ». Do đó, Người đột ngột trả lời câu hỏi này. Nếu người đối thoại chỉ lo lắng duy nhất một việc là thừa hưởng đời sống vĩnh cửu, thì họ đã hỏi lầm người. Tuy nhiên, Đức Giêsu nhắc lại giáo lý: muốn vào đời sống vĩnh cửu, chỉ cần giữ các điều răn.
Năm điều răn cọng một
Khi nêu ra cho « một người » những điều răn để có đời sống đời đời, Đức Giêsu không nhắc đến những điều răn đối với Thiên Chúa: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người, chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ, giữ ngày Chúa Nhật. Đối với Đức Giêsu, ba điều răn này dành riêng cho người do thái, mà việc tuân giữ bảo đảm cho quốc gia này « tình trạng » là dân được chọn, và cũng là điều không phải là không cần thiết để được « cứu rỗi ». Người tái khẳng định năm điều răn thiết yếu, có giá trị cho tất cả mọi người, dù Do thái hay lương dân, tin hay không tin, và nhắm đến thái độ công chính căn bản trong các liên hệ với người anh em: « không giết người, không ngoại tình, không ăn cắp, không làm chứng dối, thảo kính cha mẹ. » Để hiểu tầm quan trong của hai điều răn cuối cùng này, chúng ta phải hiểu trong bối cảnh thời đó. « Không làm chứng dối » không đơn giản là « không được nói dối. » Làm « chứng dối » là buộc tội bất công mà theo đó người bị cá buộc có thể bị án tử hình (Đnl 19:18). « Thảo kính » cha mẹ không phải chỉ duy nhất « kính trọng » hay « vâng lời » mà còn phải trợ giúp tài chánh, bởi vì con cái phải nuôi dưỡng cha mẹ, và nghèo nàn bị xem như một sỉ nhục: « Nội dung của làm vinh danh cha là gì? Nếu không phải là việc nuôi dưỡng người cha, ăn mặc cho người.” (Hc 3:1-16)
Giữa năm điều luật nêu ra, Đức Giêsu đã rất khéo léo thêm vào một điều luật khác dựa trên nội dung đã có từ trước của sách Đệ nhị luật: « Ngươi sẽ không xử tệ với người nghèo khó bần cùng và ai đang cơn túng thiếu. Ngày nào, ngươi trả công cho nhân viên ngày đó, trước khi mặt trời lặn. » (Đnl 24:14) Đức Giêsu đặt điều răn này trước điều răn thảo kính cha mẹ: bổn phận đối với gia đình không miễn trừ bổn phận đối với người khác, những người làm công, mà trong trường hợp này, Đức Giêsu nhắc lại cho người có « nhiều của cải » nhớ tài sản của anh có được có thể do gian lận ( xem Gc 5:4). « Nhân vật » của chúng ta trả lời một cách chiến thắng: « Thưa Thầy, tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ! » Bây giờ, anh cảm thấy thoải mái hơn. Trong một thoáng chốc, cơn lo lắng qua đi. Anh ta, một người hoàn toàn tuân giữ lề Luật từ khi còn nhỏ. Anh rất giàu, nhưng cũng rất mộ đạo. Vả lại, mộ đạo không phải là một chuyện khó khăn đối với người giàu: khi người ta ăn no, thì người ta dễ sinh ra ước muốn biết ơn, nhiều ít có tính cách dị đoan, đối với Đấng mà người ta nhận biết đó là nguồn gốc che chở cho mình. Làm sao « nhân vật » giàu có, mộ đạo, lại lo lắng về đời sống đời đời như vậy? Câu trả lời của Đức Giêsu nói rõ lý do: « Đức Giêsu nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: « Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. » Đức Giêsu cất đi sự an toàn hão huyền của một người đàn ông giàu có và mộ đạo: « Anh chỉ thiếu có một điều! »
Bản dịch « chỉ còn thiếu một điều » làm cho người ta nghĩ Đức Giêsu khen « anh thật đáng khen, hãy cố gắng làm thêm một chuyện, và anh sẽ được thưởng. » Trong biểu tượng các con số của Do thái, khi nói đến một đơn vị là một con số, nếu mất một là mất tất cả, là không còn gì (người mục tử có 100 con chiên, anh ta mất một, là xem như anh không còn gì: « 00 ») và người đàn bà có mười xu mà mất một, thì cũng xem như bà không còn gì (Lc 15:4.8) Thay vì nhận biết công lao của người giàu có mộ đạo và khen ngợi anh, Đức Giêsu cho anh thấy anh thiếu tất cả, bởi vì dù cho anh giàu có, dù cho anh mộ đạo, thì hai điều này cũng không làm cho anh có hạnh phúc (trong phúc âm thánh Mát-thêu, đương sự có ý thức về các thiếu sót của mình, nên hỏi: « Con còn thiếu gì? » (Mt 19:20). Cách Đức Giêsu nhận xét phát sinh từ cái nhìn của Đấng Tạo Dựng Người-Thiên Chúa « không nhìn theo dáng vẻ bề ngoài » (1Sm 16:7) nhưng nhìn bằng con mắt của quả tim. Trong khi con người nhìn sự giàu có và ham muốn giàu có, cái nhìn của Thiên Chúa cho thấy cái khốn cùng và tỏ lòng thương hại: « Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi; nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương nghèo khổ, đui mù, trần truồng! » (Kh 3:17). Đức Giêsu đề nghị người đàn ông giàu có, lo lắng, hãy đặt lòng tin tưởng vào Thiên Chúa bằng cách lo cho hạnh phúc người khác. Như thế mới cho phép Đức Chúa Cha lo lắng đến hạnh phúc của anh ta.
Với người thiếu tất cả, Đức Giêsu đề nghị họ nên đăït lòng tin vào Thiên Chúa, để cuối cùng, họ có thể hát lên theo thánh vịnh: « tôi không thiếu gì » (Tv 23:1). Quên mình là con đường mà mọi người có thể đi và cho phép mỗi người trở nên giống Đức Kitô, Đấng « vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo vì anh em » (2Cr 8:9), và để thực hiện trọn vẹn và đạt được lý tưởng mà Đấng Tạo Dựng đã muốn cho con người: quyền trở nên con Thiên Chúa (Ga 1:12). Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu không phải lúc nào cũng thoải mái. Chính trong lo lắng tột độ mà người giàu có đến gặp Đức Giêsu, và anh đi về « sa sầm nét mặt, buồn rầu ». Anh muốn đến gặp Đức Giêsu để có thêm nữa, nhưng Đức Giêsu lại khuyên anh nên cho thêm nữa. Anh quay về với Đức Giêsu để biết làm cách nào có được sự sống đời đời, nhưng, ngay từ bây giờ, Đức Giêsu mời anh tham dự vào đời sống của con Thiên Chúa. Trở ngại để đi đến đời sống sung mãn của Đức Giêsu là của cải; và lý do sự buồn bã của anh, là vì anh có quá « nhiều của cải ».
Trong cộng đoàn của những người tin vào Chúa, Đức Giêsu không nhận một người giàu có nào, (người giàu là người có của) nhưng chỉ nhận những người vương giả như Người (người vương giả là những người cho). Như thế, sau cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, người cùi được lành (Mc 1:42) người bị quỷ ám có được tinh thần lành mạnh (« Anh ta ra đi, và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh » (Mc 5;20), người giàu, vì từ chối từ bỏ của cải của mình, tự chọn hiến thân mình một lần nữa cho thần-tài, thích ở trong trạng thái lo lắng, buồn bã và sầu não, nhưng giàu có. Đức Giêsu đã đề nghị anh ta sống một chiều kích không có giới hạn: « anh sẽ được một kho tàng trên trời ». Người giàu, « nô lệ cho của cải của mình, thay vì làm chúa tể của cải này » (Ambroise), đã thích chân trời chật hẹp và gò bó, chỉ tin vào những gì mình sờ mó được: tiền bạc, của cải. Đức Giêsu trừ quỷ ám dễ hơn là trừ thần tài ám, như « con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa » (Mc 10:25). Trong tất cả phúc âm, chỉ có người giàu là nhân vật duy nhất từ chối lời mời gọi đi theo Đức Giêsu.