Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 13 : Quần xà lỏn của các tư tế
Ga 8: 1-11

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? " Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "

Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "

Thỉnh thoảng có một vài hình ảnh ngược nhau về Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Ngược nhau do phản ảnh khác nhau về văn hóa, thiêng liêng, hoàn cảnh của hàng chục tác giả khác nhau, các bài viết xong được gom lại trong Thánh Kinh và được gọi là “Lời Chúa”.

Đọc lần đầu Thánh Kinh sẽ thấy hai khía cạnh không đồng bộ về Thiên Chúa: một là “Đấng Tạo Dựng” và một “Nhà Lập Pháp”. Đấng Tạo Dựng say sưa với việc tạo dựng và mỗi lần làm xong, không ngớt khen “tốt... rất tốt” (St 1). Nhà Lập Pháp thì gắn biển “cấm” (Lv l1). Đấng Tạo Dựng nâng phẩm giá tạo vật mình lên cho xứng với Lời của mình trong một bản tình ca “táo bạo”:

Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, đẹp quá !
Lưng ong uốn mềm như chiếc vòng trang sức
Rốn em tựa chung rượu tròn chẳng bao giờ cạn.
Bụng em như lúa mì vun lên đầy ắp, hoa huệ bao quanh.
Bộ ngực khác nào cặp nai tơ,
Cặp nai sinh đôi của nai mẹ.

(Dc 4: 1-5; 7: 2-4)

Nhà Lập Pháp thì biên luật tỉ mỉ chi tiết từng loại vải, từng chiều dài quần xà lỏn của các vị tư tế: “may quần đùi bằng vải gai... quần sẽ che thân từ ngang lưng đến vế” (Xh 28: 42).


Chúa Tạo Dựng thì yêu cuộc sống. Chúa Lập Pháp thì làm cho cuộc sống không sống được. Ngày đầu tiên thì mọi sự đều torng sạch (Tt 1: 15). Qua ngày thứ nhì thì mọi sự đều nhuốm tội. Đấng Tạo Dựng muốn nâng con người lên ngang tầm với ông. Nhà Lập Pháp thì muốn tránh xa nó. Chúa Tạo Dựng thì đi tìm những con người giống ông. Nhà Lập Pháp thì đi tìm những đối tượng vâng lời ông. Như thế được giống Thiên Chúa làm con người được phát triển, đưa nó đến được sự phong phú của tự do; vâng lời làm cho con người lo lắng và không được bình thản. Tuân theo đạo một cách cố chấp làm phân chia những người không giữ đạo và tạo thế đứng cao cho người giữ đạo. Giống được Thiên Chúa làm mọi người gần nhau và cùng thúc giục nhau phục vụ.

Đứng cùng hàng với các tiên tri, dứt khoát Chúa Giêsu đứng phía Chúa Tạo Dựng, ngược với Nhà Lập Pháp và các vị đại diện, nhưng Chúa Giêsu còn đưa sự nhận biết về Thiên Chúa lên một tầm mức sâu xa hơn khi giới thiệu Thiên Chúa là “Cha”, Đấng không bằng lòng đứng bên ngoài, nhưng vì tình yêu, Người cho chính sự sống của Người cho nhân loại. Một tình yêu không gò bó vào đáp trả của con người nhưng tự hiến mình mãi mãi để ban truyền sự sống. Với thái độ này của Chúa Giêsu, thể hiện rõ rệt mục đích của Chúa Tạo Dựng, hướng về từng người Chúa gặp hoặc Người đem họ đến gặp Chúa, “làm phép rửa cho họ”, có nghĩa là nhúng họ trong tình yêu thật của Chúa Cha.

Khéo bỏng tay

 

Trong phúc âm, đa số hình ảnh các nhân vật nam thì tiêu cực. Chính các đồ đệ cũng tự cho mình là mê muội và chống đối Chúa. Cả đến bữa ăn cuối cùng, sau khi đã chịu lễ, thay vì tạ ơn, họ còn cãi nhau dữ dội xem ai là người quan trọng nhất: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.” (Lc 22: 24) Ngược lại, tất cả hình ảnh hai mươi nhân vật phụ nữ trong phúc âm đều tích cực, ngoại trừ bà mẹ nhiều tham vọng, “mẹ của các con ông Dê-bê-đê” (Mt 20: 20-28) và bà Hê-rô-đi-a, người đàn bà ngoại tình và sát nhân (Mt 14: 1-11). Các người đàn bà trong phúc âm thường được giới thiệu như những phụ nữ đón nhận và hiểu Chúa Giêsu đầu tiên, theo thứ tự thời gian và theo phẩm chất. Từ mẹ của Chúa, cao cả không những vì đã sinh ra Chúa mà còn trở nên đồ đệ của con mình, cho đến bà Maria Mác-đa-la, chứng nhân đầu tiên và người đầu tiên loan báo Chúa sống lại.

Tuy nhiên có một nhân vật nữ đáng nghi ngờ, câu chuyện rối bù của bà như một loại “khoai nóng bỏng tay”, không một cộng đoàn kitô nào, ít nhất trong thế kỷ đầu tiên, bằng lòng để câu chuyện này vào Phúc âm của họ; các thế kỷ sau, các Giáo Phụ của Giáo Hội trong ngôn ngữ Hy-lạp đã cẩn thận kiểm duyệt. Chỉ vào thế kỷ thứ ba, mười một đoạn tai tiếng này mới tìm được chỗ dung thân trong một phúc âm không phải là phúc âm nguyên thủy và chúng phải chờ hai trăm năm sau mới được chấp nhận để đọc trong phụng vụ. Hiện nay, đoạn này có tên là “Người phụ nữ ngoại tình” ở trong phúc âm thánh Gio-an “7: 53; 8: 11). Văn phong, văn phạm và danh từ của đoạn này không làm người ta nghĩ thánh Gio-an viết mà mọi người đều đồng ý là thánh Lu-ca viết, nếu đoạn này ở phúc âm thánh Gio-an là vì nó được đem qua, nếu đoạn này đem vào đoạn Lu-ca 21: 28 thì sẽ chặt chẽ hơn và xuôi dòng hơn. Văn phong, chủ đề và ngôn ngữ là của thánh Lu-ca, thánh sử đã dựng lên một phúc âm lấy tình thương xót của Chúa Giêsu làm mô-típ lập đi lập lại trong cả cuốn phúc âm. Nhưng thái độ của Chúa Giêsu đối với người đàn bà ngoại tình bị xem là một thái độ khá nguy hiểm, có thể làm lung lay tình trạng ổn định hôn nhân của các cộng đoàn kitô và ngược với lề luật lên án phạt của chặt chẽ trong thời Giáo Hội sơ khai. Dù không một cộng đoàn nào muốn đem câu chuyện này vào trong Phúc Âm bởi vì – như thánh Âu-Tinh lo lắng viết – nó có thể làm cho “các bà vợ nghĩ rằng tội của họ sẽ không bị phạt”.

Câu chuyện xảy ra trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi thể hiện tình yêu của Thiên Chúa thì lại là nơi giăng bẫy để giết người. Chủ đề của câu chuyện buộc tội này chạm đến lựa chọn của Thiên Chúa: Chúa Lập Pháp phạt án chết cho ai không tuân giữ luật, Chúa Cha thì không gò bó tình yêu của mình theo hành động của loài người. Một Chúa giết, một Chúa cứu. Người ta dẫn đến Chúa Giêsu một “phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình”. Hôn nhân ở Do-thái có hai giai đoạn: trước hết là giai đoạn “hứa hôn”, một buổi lễ trong đó cô gái mười hai và chàng trai mười tám tuyên bố là chồng – vợ và sau đó ai về nhà đó; tiếp đó là “đám cưới” từ đó họ sống chung với nhau. Nếu tội ngoại tình xảy ra trong thời kỳ “hứa hôn” và “đám cưới” thì hình phạt là ném đá (Đnl 22: 23-24), như các kinh sư và các người Pha-ri-sêu đã bắt gặp người phụ nữ này. Còn ngoại tình sau “đám cưới” thì người đàn bà chỉ bị treo cổ! Như vậy, người “đàn bà” bị đưa tới trước mặt Chúa chỉ khoảng mười hai, mười ba tuổi là cùng. Trong một văn hóa mà các cuộc hôn nhân do gia đình quyết định, thường thường vợ chồng chỉ biết nhau vào ngày hứa hôn, ngoại tình là thường (dù không phải dễ). Các ông là người viết luật – rồi sau đó giả mạo cho đó là Lời Chúa – họ đã dự phòng chuyện này. Người đàn ông chỉ phạm tội ngoại tình nếu người đàn bà ông có quan hệ là người Do-thái và đã lập gia đình (như vậy họ tự do giao thiệp với tất cả phụ nữ độc thân hoạc lương dân), đối với người đàn bà, mọi quan hệ với đàn ông đều là ngoại tình (Đnl 22: 22-29; Lv 20: 10) Còn trường hợp nghi ngờ, họ để Chúa quyết định.

Trong sách Dân Số (Nb 5: 11-31), phụ nữ nào bị nghi ngoại tình sẽ bị dẫn đến thầy tư tế, ông lấy khăn che đầu của bà (chỉ những phụ nữ làm điếm mới để đầu trần) và bắt bà uống một ly nước mà ông đã bỏ “bụi dưới đất” và hòa với mực rồi ông viết vào một cuộn giấy tất cả lời cáo buộc của người chồng. Nếu người đàn bà khốn khổ này đau bụng thì đó là bằng chứng bà phạm tội và bà sẽ bị lên án: đó là Lời Chúa. Các “kinh sư và người Pha-ri-sêu” chuẩn bị giăng bẫy Chúa Giêsu. Người đàn bà bị bắt gặp đang ngoại tình, thánh sử còn nhấn mạnh “vừa tảng sáng”; theo phát ngôn nhân của Chúa, ông Mô-sê sẽ ra lệnh ném đá “những người đàn bà này.”

Chúa Giêsu sẽ ở phía nào? Dù Chúa Giêsu trả lời cách nào thì cũng vi phạm luật và sẽ mất hoặc danh tiếng, hoặc tự do của mình. Nếu đứng phía Chúa Lập Pháp, thì Chúa Giêsu sẽ mất uy tín đối với đám đông những người bên lề xã hội và những người tội lỗi đang theo Người, vì họ nghe sứ điệp đầy lòng thương xót và hy vọng của Người. Còn nếu Chúa Giêsu đi ngược với lề luật ông Mô-sê thì quân lính canh giữ đền thờ sẽ bắt Người vì tội phạm thượng, dám không tuân Lề Luật được chính Chúa đọc từng chữ một.

Chúa Giêsu trả lời bằng cách viết “trên mặt đất”, một hành vi nhắc lại lời tuyên bố của tiên tri Giê-rê-mi-a chống với những ai “lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17: 13), có nghĩa là ở giữa những người chết. Đối với Chúa Giêsu, những ai nuôi dưỡng ý tưởng chết là những người xem như đã chết. Chúa Giêsu vén mở cho thấy việc bảo vệ Lề Luật thái quá của các kinh sư và người Pha-ri-sêu chỉ để che giấu lòng hận thù muốn giết người của họ. Đứng trước lòng ngoan cố muốn buộc tội và muốn Chúa Giêsu có một thái độ, Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời hóa giải chương trình giết người của họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Thánh sử ghi chép “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.”

Cũng như trong câu chuyện bà Su-san-na, các ông “già đời” không phải là các ông già mà là các “kỳ mục” là những người có ảnh hưởng của hội đồng Do-thái, cùng với các kinh sư, các người Pha-ri-sêu, họ có uy tín và có quyền xét xử. Nhóm này thường đoàn kết với nhau khi lên án người khác nhưng lại rã đám khi đứng trước nguy hiểm sợ bị vạch mặt “họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau”. Thái độ của Chúa Giêsu, người duy nhất “nơi Người không có tội lỗi” (1 Ga 3: 5), thánh Phao-lô rất am hiểu điều này “Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu kitô , Đấng đã chết, hơn nũa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8: 34) và thánh Âu-Tinh đã mô tả một cách thần tình “chỉ còn hai thái độ mà thôi, thảm thương và thương xót, đây không phải là một thái độ lên án.” Các quan tòa dẫn người đàn bà ngoại tình đến để Chúa Giêsu lên án, Chúa Giêsu thì lại thấy người đàn bà này cần được cứu giúp.

Chúa Giêsu, Đấng “không đến để phán xét” nhưng đến để cứu (Ga 3: 17), không khiển trách người phụ nữ, cũng không kêu bà ăn năn, cũng không đòi hỏi bà xin Chúa tha lỗi: Chúa đã tha lỗi không điều kiện rồi. Với lòng tha thứ của Chúa Cha, bà đã nhận được sức mạnh cần thiết để bắt đầu một cuộc sống mới: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Trong cuộc hành hình này, Chúa Lập Pháp bị các quan tòa bỏ rơi nhường chỗ cho Chúa hợp pháp của đền thờ, một Chúa Cha thể hiện tình yêu và “không đành bẻ gãy cây lau bị dập” (Mt 12: 20), nhưng còn mang lại sức mạnh qua lòng tha thứ của Người.