Làm Sao Đọc Phúc Âm Mà Không Mất Đức Tin

LÀM SAO ĐỌC PHÚC ÂM MÀ KHÔNG MẤT ĐỨC TIN

Do Anne Nguyễn chuyển ngữ từ cuốn “Comment lire l'Evangile sans perdre la foi” của tác giả Alberto Maggi.


Chương 17 : Thiên Chúa hút máu người
Mc 11:12-25; 12:38; 13:2

Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bêtania, thì Đức Giêsu cảm thấy đói. Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả; "Đời đời không còn ai ăn trái của mày nữa!" Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

 

Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những người bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giêsu. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. Chiều đến, Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi thành.

 

Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài đã thấy nó chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: "Kìa Thầy xem cây vả Thầy rủa đã chết rồu!" Đức Giêsu nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: Dời chỗ đi, nhào xuống biển!, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều ấy sẽ được ban cho. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu nguyện và xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.

Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.

 

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đôồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại và nói: "Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để mà sống."

 

Đang khi Đức Giêsu ra khỏi Đền Thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy xem: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật!" Đức Giêsu đáp: "Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ." Mc:12:38-13:2

 

Để hiểu phúc âm, điều quan trọng là phải biết các kỹ thuật đặc biệt trong văn chương dùng để cấu trúc câu chuyện, nhất là những đoạn không thể hiểu được hay hoàn toàn bị xuyên tạc. Để cấu trúc bản văn, các thánh sử thường dùng lược đồ và cơ cấu đáp ứng với các nguyên tắc chính xác của nghệ thuật viết văn phổ biến hồi đó. Một trong những cơ cấu kể chuyện được các thánh sử hay dùng là "tam đoạn." Trong nghệ thuật, tam đoạn là một bức tranh gồm một phần chính và hai phần hai bên: những gì vẽ ở hai bên chỉ có ý nghĩa khi nó liên kết với những gì ở trong phần chính.

Cây vả và hang ổ của trộm cướp.

 

Một trong những việc làm lạ lùng và vô nghĩa của Đức Giêsu là đã lên án cây vả có tội vì không có trái trong một mùa không phải là mùa vả (Mc 11:12-14. 20-22). Nếu tách khỏi bối cảnh, chắc chắn đoạn này có thể làm cho người ta nghi ngờ tình trạng tâm lý mất quân bình của Đức Giêsu. Theo cấu trúc tam đoạn, đoạn Đức Giêsu nguyền rủa cây vả là một trong hai phần hai bên, nó chỉ có ý nghĩa khi liên kết với phần chính, đó là việc Đức Giêsu vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Mc 11:15-19)

Trong phần đầu của tam đoạn (Mc 11:12-14), thánh sử viết khi Đức Giêsu đi tìm trái vả, "chỉ thấy lá thôi". Cây vả cho ảo tưởng: bề ngoài sum suê ẩn giấu sự tuyệt sản hoàn toàn của nó. Lý do không có trái, mà các thánh sứ nhấn mạnh bằng câu "vì không phải là mùa vả", liên hệ với lời đầu tiên Đức Giêsu nói trong phúc âm này: "Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào tin mừng." (Mc 1:15) Cùng với cây nho, cây vả là một trong những cây tượng trưng cho dân Ít-ra-en: "Cây vả là nhà Ít-ra-en." (1V 5:5; Hs 9:10) Thiên Chúa đã làm một hiệp ước với Ít-ra-en: nếu dân tộc nghe lời người giảng dạy, thì chính người sẽ bảo vệ họ, và đời sống của những người Do Thái, sáng láng vì công chính và thánh thiện, phải làm cho dân chúng chung quanh mình thấy Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa thật (Đnl 6:7).

Nếu về mặt áp bức và bạo lực, Ít-ra-en cũng không tệ gì hơn các dân tộc lương dân, thì thái độ không trung tín với Thiên Chúa đã làm tình trạng này nặng hơn, bởi vì họ nhân danh Thiên Chúa để làm các việc bất công. Đến để đòi hỏi thành quả của giao ước này, Đức Giêsu thấy Ít-ra-en đã biến thành nơi chốn của bất công và vô luân, nơi mà "ngay tiên tri lẫn tư tế đều là vô đạo, ngay nơi Nhà Ta, Ta cũng đã gặp thấy sự dữ của chúng" (Gr 23:11). Không phải "mùa" trái, làm cho tất cả sự quan tâm của Thiên Chúa đối với dân Người trở thành vô hiệu, các tiên tri cũng đã cay đắng xác nhận rằng: "Người trông nó sẽ sai trái, nhưng nó lại sinh nho dại? Người trông có được minh chính, nhưng này manh tâm; thay vì nghĩa dày, thì này những ai oán." (Is 5:2-7) Cho nên Đức Giêsu thất vọng trước giao ước này, cũng như cây vả không trái, từ nay nó thành vô dụng. Trong một phần khác của tam đoạn (Mc 11:20-21), người ta thấy những gì Đức Giêsu đã loan báo: "cây vả đã chết khô tận rễ."

Ở giữa hai đoạn nói về cây vả, thánh sử lồng vào việc Đức Giêsu lên đền thờ (Mc 11:15-19). Đoạn này có phụ đề "Đức Giêsu đuổi con buôn khỏi Đền Thờ"; nhưng Đức Giêsu không những chỉ đuổi các người buôn bán: mà đuổi luôn cả các người mua ("Người bắt đầu đuổi những kẻ mua bán trong Đền Thờ"). Hành động của Đức Giêsu không nhắm làm thanh sạch đền thờ, nhưng loại bỏ việc cúng tế. Cho nên Người hành động dữ dội đối với thị trường buôn bán thiêng liêng và Người ngăn cản việc chuyên chở các đồ vật cần thiết cho việc cúng tế. Không còn của dâng, Đức Giêsu đánh thẳng vào nguồn sống của đền thờ, cũng như cây vả không còn nhựa sống, sẽ "khô tới tận rễ." Cây vả héo hon là đền thờ, dấu hiệu tượng trưng cho một thể chế đạo đức, mà với tất cả nét huy hoàng của dinh thự thần thánh, các cuộc lễ thiêng liêng, các đồ trang trí thiêng liêng, các chén bát thiêng liêng che giấu hoàn toàn sự vắng mặt của Thiên Chúa.

Ở nơi mà tất cả mọi sự đều thánh thiện này, không còn chỗ cho một thánh duy nhất: cho người, sự thật họ không cảm thấy luyến tiếc gì bởi vì người đã được thay thế bằng một địch thủ hữu ích hơn, đó là "Thần Tài", thần-trục lợi. Đền Thờ nơi được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc, được Đức Giêsu tuyên bố nó đã bị biến thành "sào huyệt của bọn cướp." Thành ngữ này mô tả nơi chốn bọn trộm cướp dấu của cướp được, nhắc lại lời thóa mạ chống lại đền thờ và việc cúng tế mà ngày xưa tiên tri Giê-rê-mia dùng để loan báo việc phá hủy hoàn toàn đền thờ: "cái nhà này, Nhà trên đó danh Ta đã được kêu khấn, phải chăng nó là hang trộm cướp trước mắt ngươi? (...) nhân vì các ngươi đã làm tất cả các điều ấy, nhân vì Ta đã nói đi nói lại với các ngươi từ sớm mà các ngươi không nghe. Ta gọi mà các ngươi đã chẳng đáp, thì ngôi nhà trên đó danh Ta đã được kêu khấn và các ngươi đã tin cậy, chỗ thánh Ta đã ban cho các ngươi như cho cha ông các ngươi, Ta sẽ làm cho nó điều Ta đã làm cho Si-lô." (Gr 7:11-14) Những nhà cầm quyền tôn giáo đã biến nơi thánh thành hang ổ trộm cướp, họ không cần đi ra ngoài để tước của cải của các nạn nhân: nạn nhân mau mắn tự chạy đến, tin rằng đó là điều tốt cho họ, bị tước của để làm vinh danh Chúa (và ruột tượng của những vị thượng tế).

Bà góa và những kẻ hút máu

 

Lần duy nhất mà Đức Giêsu nguyền rủa trong phúc âm, đó là đoạn nói về cây vả, và lần duy nhất trong phúc âm thánh Mác-cô, Đức Giêsu nói ra những lời lên án tận gốc chống một người, đó là lời thóa mạ những luật sĩ "sẽ bị kết án nghiêm khắc" (Mc 12: 40). Lời nguyền rủa và lên án cùng một lúc nhắm đến thể chế tôn giáo, đại diện là đền thờ, và các luật sĩ, mà giáo điều của họ biện minh cho ý đồ của họ, tạo ra sợi dây nối sự kiện cây vả và đoạn phúc âm được biết dưới phụ đề: "Đồng xu của bà góa." Đoạn này, cũng được cấu trúc theo tam đoạn, mà phần đầu là việc Đức Giêsu tố cáo các luật sĩ "nuốt hết tài sản của các bà góa" (Mc 12:38-40); phần chính là bà góa dâng của lễ (Mc 12:41-44); và phần cuối là loan báo sự hủy diệt đền thờ (Mc 13:1-2).

Sau đoạn Đức Giêsu bất chợt đi vào đền thờ, các người cầm quyền hãi sợ và lo lắng "tìm cách giết người", nhưng đổ cho đám đông "ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người" (Mc1;18). Không thể khơi dậy việc tấn công cuối cùng, toàn thể Hội Đồng Công Tọa gồm các thượng sĩ, luật sĩ, và các trưởng lão, ngấm ngầm chuẩn bị chống Đức Giêsu bằng một loạt phục kích nhằm hạ uy tín và làm Người mất sự hổ trợ của dân chúng: một khi bị cô lập, họ sẽ dễ dàng loại bỏ Người hơn. Tất cả đoàn kết chống Đức Giêsu, các người cầm quyền tôn giáo và chính quyền xem Người như một phần tử nguy hiểm, họ tung ra một hiệp ước chung, quên mọi chống đối và ác cảm, những người "mộ đạo" Pha-ri-sêu cấu kết với những người "hê-rô-điên" trụy lạc (Mc12:13) - như thế có ý nói quỷ và nước thánh (quỷ là người hêrôđiên) - cho đến người phái Xa-đốc cực kỳ bảo thủ và tất cả giới trí thức đại diện là các luật sĩ (Mc 12:18-37).

Né tránh được các cạm bẫy, các trở ngại một cách khéo léo, kết quả của các việc tấn công này, Đức Giêsu lại còn tăng thêm dấu hiệu người được dân chúng hổ trợ: "Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu một cách thích thú." (Mc 12:37) Vừa đúng lúc quay về với đám đông, Đức Giêsu nói họ coi chừng các luật sĩ, hạng người dễ nhận thấy qua ba đặc tính: thay vì ăn mặc như người thường, họ "ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng", hãnh diện mặc bộ áo đạo khác biệt làm cho mọi người nhận ra họ ngay lập tức, nhất là bộ áo này cho dân chúng thấy một cách rõ ràng họ trực tiếp tiếp cận với Thiên Chúa. Nhưng bộ áo dày cộp có tác dụng làm cho họ khác người khác về sự có mặt thường xuyên của họ gần bên Chúa Cha, không che giấu được lòng tham danh vọng không đáy, ước muốn sôi sục được kính trọng và "được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng". Họ không những sống cho danh vọng và tinh thần (thể xác luôn luôn yếu), ước muốn mọi người thấy và nhận biết mình trong các cuộc lễ và "chiếm ghế danh dự trong hội đường", đi song song với việc "thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc."

Đang ăn mới thấy ngon miệng, bộ hàm nghiến ngấu của các luật sĩ được dợt để "vừa nuốt hết tài sản của các bà góa, còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ." Đó là tội ác nặng nhất mà Đức Giêsu lên án. Trong Thánh Kinh, hình ảnh bà góa (các người mồ côi và các người khách lạ) là hình ảnh thể hiện những người không được bảo bọc và nằm hoàn toàn trong tay các bạo chúa (Dt 1:17; Gr 7:6). Chính vì lý do đó mà Thiên Chúa thật sự săn sóc đến những thành phần yếu nhất trong xã hội, quyết định dành một phần của dâng cúng trong đền thờ cho những bà góa và các người mồ côi (Đnl 14:28-29). Đức Giêsu không dung thứ những người cho mình là tiếng nói chính thức của Thiên Chúa, đã không nuôi dưỡng những bà góa lại còn làm cho họ lâm vào cảnh nghèo đói. Chính lúc người đang loan báo để cho dân chúng đề phòng các vị lợi dụng danh Chúa khai thác các bà góa, thì người thấy "có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm" vào ngân hàng của đền thờ, một căn phòng đặc biệt "đầy ắp của cải, nhiều không thể tả, đến đỗi những món tiền bạc ấy thật vô phương đếm xuể." (2 Mcb 3:6)

Đó là vị thần thật sự của đền thờ! Không phải Người Cha trông nom săn sóc những người nghèo nhất, nhưng là kho tàng, thần-trục lợi, mà việc thờ cúng dã man liên tục đòi các nạn nhân vét cho đến đồng cuối cùng. Thay vì được nuôi bởi những người đóng góp cho đền thờ, bà góa còn "bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống", một quái vật nuốt chửng đồng xu nhỏ bé là cả một đời sống của người đàn bà khốn khổ này, để sau đó mửa ra trong các túi áo to lớn của các giáo sĩ và những người làm việc cúng tế. Đức Giêsu ghi nhận việc giảng dạy của mình không có hiệu quả, nó đụng với sức mạnh của một truyền thống mà các nạn nhân lại là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất và đụng với một thể chế tôn giáo mà lý do tồn tại của họ là khai thác dân chúng.

Lời Đức Giêsu không phải là lời ca tụng lòng quảng đại của bà góa nhiều cho bằng lời than phiền trước nạn nhân khốn khổ của tôn giáo, chịu những hy sinh mất mát để duy trì chân đứng cho một cơ cấu khai thác chính mình. Đức Giêsu không dung thứ được việc Người Cha, là "người bảo vệ các bà góa" (Tv 68:6), lại biến thành người hút máu họ làm cho họ trắng bệch. Do đó, trong phần cuối của tam đoạn, ngay sau đoạn này, Đức Giêsu loan báo từ nay giải pháp duy nhất có thể có được cho tình trạng này là tiêu hủy đền thờ, đền thờ đã áp bức các người nghèo: "Sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ." (Mc13: 2)