Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Mục Lục


Phần II:

7) Chừng mực

Sự xuất hiện ân sủng cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô giáo huấn chúng ta sống chừng mực, một từ ngữ ngày hôm nay khoa tâm lý chuyển bản vị vẫn còn dùng để kêu gọi sống có ý thức. Đó là nhận biết một thực tế đích thực, ý thức giây phút sống hiện tại và sống hết mình với nó. Nhà tâm lý học Mỹ Bugental nói: “Đa số chúng ta rất hiếm khi dùng hết năng lực của mình để chú tâm vào giây phút hiện tại. Thường thường thái độ bình thường của chúng ta được ví như người “mộng du” hay “ người nằm mơ mà vẫn mở mắt”. Ở trong tình trạng tỉnh thức chỉ là một tình trạng nhất thời và thi thoảng, nhưng đó lại là phương cách duy nhất cho chúng ta một khả năng đích thực để sống cuộc đời của mình.” Đối với ông, sự giải phóng đích thực của con người nằm trong quan hệ của con người với đời sống nội tâm của họ. Khoa tâm lý chuyển bản vị xem vai trò của nó là dọn dẹp gọn gàng miếng đất thử nghiệm trong lòng chúng ta. Ông tin chắc “một phần lớn lo âu và thiếu sót của chúng ta là do chúng ta sống như những người bị trục xuất. Chúng ta bị đuổi ra khỏi nhà, bị tống xuất ra khỏi thế giới nội tâm bằng những kinh nghiệm chủ quan.” Chỉ khi nào chúng ta tìm được mảnh đất tâm hồn thì lúc đó chúng ta mới “tham dự một cách đích thực và sáng tạo vào cuộc sống.” Bugental nghĩ rằng những người nào đã có kinh nghiệm với đời sống nội tâm sẽ rất buồn khi thấy “bao nhiêu là cố gắng vô ích hão huyền của biết bao nhiêu là người muốn trở thành con người mà họ nghĩ rằng như thế mới đúng với họ. Đối với họ, ước nguyện có một quan hệ đích thực với chính mình như tan vào tuyệt vọng; hy vọng và hoạt động của họ đầy quyết tâm phần lớn là chuyện hão huyền vì họ thiếu ý thức.”

Những người kitô đầu tiên chắc chắn đã có những kinh nghiệm như ông Bugental mô tả. Nhìn Đức Giêsu Kitô và chứng kiến sự xuất hiện nơi Người ân sủng của Thiên Chúa đã làm cho họ có ý thức phần lớn nhân loại sống bên lề cuộc sống và chạy theo đủ thú ảo ảnh cuộc đời. Phần nhân loại này là những người mộng du xoay bên này xoay bên kia, bỏ lại sau lưng họ đời sống đích thực. Chính vì vậy giáo huấn để có một đời sống chừng mực, một lương tâm thức tỉnh, một tinh thần cảnh giác, một khôn ngoan minh triết, tất cả những đức hạnh mà mọi người đều biết chúng đến từ Thiên Chúa, đó là một tiến trình quan trọng chiến đấu để có cho được phẩm cách và tự do của con người.

Với ánh nhìn gắn vào Đức Giêsu Kitô, tác giả bức thư gởi ông Ti-mô-thê đã hiểu cuộc chạy đua theo khoái lạc của xã hội La-mã thời đó không phải là một đời sống đích thực, chỉ là bề ngoài của cuộc sống. Người kitô sống trong chừng mực là người sống có ý thức. Tầm nhìn của họ có chiều sâu. Họ nhìn các nền tảng của thế gian và thấy nơi Đức Giêsu Kitô một lối sống, một nghệ thuật để có một đời sống đích thực, có ý thức, có tỉnh thức, một đời sống mà mình có mặt trọn vẹn trong cuộc sống đó. Ai sống có ý thức, liên kết với Chúa thì sẽ được tự do trước những mong chờ của thế gian. Không còn phải cố gắng vượt hạn để được tất cả mọi người yêu thương, để ứng xử theo khuôn mẫu xã hội đặt ra.

--- o0o ---