Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II:

9) Sùng kính

Điều ngạc nhiên là đối với khoa tâm lý chuyển bản vị khái niệm thứ ba, khái niệm sùng kính, lại cũng là một phần của đời sống có tự do và có ý thức. Bugental, sau khi đã nói về nghệ thuật sống có ý thức và không nên ép mình đi tìm ở bên ngoài những gì làm cho mình tin tường và thỏa mãn vì mình có ý thức về đời sống nội tâm của mình, ông viết: “Tối nghĩ có một chữ mà nó lôi cuốn trên tính chủ quan không thể tả được, trên tiềm năng không thể tưởng tưởng mà trong mỗi người chúng ta ai cũng có, trên khát nguyện tìm một cái gì thật hơn, sống động hơn, trên cảm nhận sôi sục của chúng ta đứng trước thảm kịch thân phận con người, trên phẩm cách nhân vị chúng ta đứng trước các tấn công không ngừng nhưng lại không hủy diệt được chúng ta, trên cảm giác tuyệt vời lúc nào cũng tràn ngập khi chúng ta sống có ý thức, trên quyết tâm khi chúng ta muốn biết thêm về điều tuyệt vời này, điều thiết yếu cho thân phận làm người, chữ đó là chữ: Thiên Chúa. Ý tưởng chúng ta có về Chúa phát xuất từ trực giác sâu xa, của Đấng thật sự đã ở trong tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta.”

Kết hiệp với Chúa là chúng ta kết hiệp với chính nguồn suối lòng mình, một nguồn suối không bao giờ tắt cạn. Sự kết hiệp này thực sự làm chúng ta là những con người sống động. Nó là ân huệ mà phúc âm thánh Gio-an gọi là “đời sống vĩnh cửu”, đời sống thật, đời sống sung mãn. Nếu chúng ta có nền tảng xây dựng trong Chúa, nếu chúng ta sống với “lòng sùng kính”, có nghĩa là biết sợ Chúa, thì chúng ta sẽ thấy được tầm rộng lớn của thảm kịch nhân loại khi họ sống một đời sống thiếu sung mãn, sống một cuộc chạy đua theo ảo tưởng, sống liên tục làm khổ chính bản thân bởi vì họ không sống ngay thật với con người của họ. Kết hiệp với Chúa mang đến cho chúng ta một cảm giác tuyệt vời. Chúng ta sống trong Chúa và từ Chúa. Đó là phẩm cách cao cả nhất của chúng ta, giúp chúng ta giải thoát được khỏi thế lực của thế gian và cho phép chúng ta thấy được bí ẩn thân phận làm người của chúng ta.

Tiếng Hy Lạp eusebes, sùng kính, đến từ chữ sebomai, có nghĩa là chịu theo, cung kính sợ hãi trước mệnh lệnh của Thiên Chúa, thờ phượng Chúa. Triết gia Platon định nghĩa chữ eusebes là thái độ tôn kính trước các vị thần và các mệnh lệnh họ ban ra. Trong chữ này, chúng ta thấy được ý nghĩa nguyên thủy trong tiếng Hy Lạp là lòng kính sợ đứng trước nét huy hoàng cao cả của Thiên Chúa và đứng trước tất cả những gì thuộc về thần thánh. Thánh Phao-lô tránh không dùng chữ eusebes – sùng kính, trong các thư mục vụ, ông mô tả một thái độ ngay thẳng của con người đứng trước mặt Chúa là một lối sống quan tâm đến Chúa trong từng việc. Người ta có thể thực hành lòng sùng kính như một đức hạnh. Đó là nghệ thuật sống lành mạnh, hợp với các điều răn Chúa dạy, xuất phát từ sự hòa hợp theo bản chất tự nhiên là kính sợ Đấng Tạo Hóa. Trong thái độ sùng kính này, khoa tâm lý chuyển bản bị gọi là ý thức, nhận biết Chúa như một thực tại đích thực, đời sống bắt nguồn từ đời sống nội tâm, tận tâm hồn mình theo thành ngữ của triết gia Tauler khi ông nói về quê hương bên trong, quê hương có nền tảng thần thánh trong tâm hồn mình.

Như thế bức thư thánh Phao-lô gởi ông Ti-mô-thê cũng là một con đường thần bí. Con đường này cũng là con đường tự do đứng trước các ảo tưởng và các lối sống hủy hoại chúng ta.

--- o0o ---