Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II:

10) Thông dự vào thiên tính

Thư thứ nhì của thánh Phê-rô:  2 Pr 1: 4

Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đĩ, anh em được thơng phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thốt khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.

 

Câu trên của thư thánh Phê-rô lại càng gần khái niệm về một đời sống có ý thức của khoa tâm lý chuyển bản vị hơn nữa. Đây cũng là câu mà rất nhiều nhà chú giải vấp khi họ cho câu này nhuốm triết lý Hy Lạp hơn là có tính cách kitô. Nó thể hiện một cố gắng chuyển đạt sứ điệp kitô trong môi trường triết lý và văn hóa Hy Lạp: “Thật vậy, Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian. Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái. Thật vậy, nếu anh em có những đức tính ấy và có dồi dào, thì anh em sẽ không trở nên những người chẳng làm gì và chẳng làm gì được để biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” (2 Pr 1: 3-8).

Ở đây sự cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô được mô tả trong  ngôn ngữ trực tri, thờ kính huyền bí như một ơn của Chúa; nơi Đức Giêsu Kitô mà chúng ta được hưởng bản chất thần thánh. Đối với người Hy Lạp, họ đã quen với khái niệm xem con người có mối giây liên hệ bà con với thần thánh. Tác giả bức Thư Thứ Nhì của thánh Phê-rô cũng cho chúng ta thấy chúng ta cũng tham dự một phần vào bản tính Thiên Chúa duy nhất nhờ ơn Chúa Giêsu Kitô. Các Giáo Phụ cũng lặp lại và nhấn mạnh chính chúng ta, qua sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô, cũng được thần thiêng hóa. Thần thiêng hóa con người qua Đức Giêsu Kitô là một điều tốt cho chúng ta. Nó làm cho chúng ta thỏa lòng có một đời sống thật, một đời sống sùng kính, giúp chúng ta tìm được một thái độ đúng đối với Chúa và với người khác, giúp chúng ta biết kính sợ đứng trước huyền bí của Thiên Chúa trong việc tạo dựng của ngài. Với bản tính thần thánh, chúng ta được tham dự vào đời sống Chúa Kitô và nhận được sức mạnh từ Người, một sức mạnh giúp chúng ta thoát khỏi ô nhiễm của một thế giới đầy nhục dục. Rất nhiều người cho chữ này có nghĩa luân lý.

Cuộc gặp gỡ của tôi với khoa khoa tâm lý chuyển bản vị đã giúp tôi học và xem những lời này như lời dẫn đến con đường tự do. Ai sống có ý thức, kết hiệp được với con người nội tâm của mình, nơi Chúa ở trong lòng mình, ai ý thức bản chất thần thánh của mình họ sẽ thoát khỏi bị cám dỗ nhục dục, khỏi vênh vang, khỏi phi lý, khỏi trống rỗng, khỏi thất bại, khỏi xuống cấp trong cuộc sống thật. Ho không bị ham muốn lôi cuốn, không cần chiếm giữ tất cả những gì họ thấy. Họ không còn muốn có được tất cả những gì có thể có. Họ có thể dấn thân trên cuộc sống mà Chúa cho họ, không nhòm ngó những gì người khác có. Bởi vì họ hoàn toàn có mặt, bởi vì họ sống với cặp mắt trong sáng, họ có cuộc sống sâu đậm và không cần gì khác.

 Đối với quyền lực của ham muốn tột độ, tự do không phải là một nỗ lực tu luyện vượt bực nhưng là kinh nghiệm mới của đời sống thiêng liêng. Và đó cũng là quan điểm của khoa tâm lý chuyển bản vị, tâm lý gia Fadiman nói: “Các thói quen không lành mạnh và các nhu cầu có vẽ như bắt buộc sẽ dần dần mất hết sức mạnh của nó khi người ta cảm nhận được những kinh nghiệm do nhân cách mình được thay đổi, tạo cho mình một sự hài lòng rất sâu đậm.” Thầy Eckhart xác nhận quan điểm của bức Thư Thứ Nhì của thánh Phê-rô đối với ham muốn cực độ: “Tâm hồn sẽ không an nghĩ cho đến khi nào nó thấy rõ tất cả những gì không thuộc về Chúa và cho đến khi nào nó có được tự do. Tự do là không tùy thuộc vào một cái gì và không gắn bó vào một cái gì. Tâm hồn đầy tự do là tâm hồn ở trên cao tất cả những gì không thuộc về Chúa và không gắn bó một cách tột độ vào tạo vật cũng như vào chính mình.”

Nói về bản chất  thần thánh mà qua Chúa Giêsu Kitô chúng ta được thông dự không có nghĩa là giữ một khoảng cách với sứ điệp Thánh Kinh về ơn cứu độ; cũng không phải như ông Kaemann nói “kitô giáo rơi vào thuyết nhị nguyên của Hy Lạp”. Đây là một cách giải thích sứ điệp Thánh Kinh trong ngôn ngữ thần bí của nền văn hóa tôn kính tri trực và huyền nhiệm. Bức Thư Thứ Nhì của thánh Phê-rô là bài viết sau cùng nhất của Tân Ước, có thể được viết vào các năm 120 -125. Thần học thiên tính hóa loài người được các Gáo Phụ dùng, từ Clément d’Alexandrie và Origène đến Anastase. Cứu chuộc đích thực, giải phóng đích thực theo các Giáo Phụ là có được sức mạnh của Chúa Kitô và thiên tính của Người. Trong thiên tính của Chúa Kitô, chúng ta dự phần vào đời sống đích thực, một đời sống không thể bị hủy diệt, dù cả cái chết. Trong thiên tính của Chúa Kitô, chúng ta giải thoát được lo âu về cái chết, một lo âu gặm nhắm và xoi mòn đời sống con người.

--- o0o ---