Công Giáo Khắp Nơi

Anh chị em thân mến,

1. Từ buổi đầu, tôi đã ao ước đặt triều đại Giáo Hoàng của tôi dưới sự phù trì đặc biệt của Mẹ Maria. Hơn thế nữa, tôi đã thường xin toàn thể cộng đồng tín hữu hãy làm sống lại kinh nghiệm của Phòng Trên Gác, nơi các môn đệ "chuyên cần cầu nguyện cùng với.. . bà Maria thân mẫu Đức Giêsu" (Cv 1,14). Trong thông điệp đầu tiên "Redemptor hominis" (Đấng Cứu Độ con người), tôi đã viết rằng chỉ trong một bầu khí sốt sắng cầu nguyện, chúng ta mới có thể "nhận được Thánh Thần đến trên chúng ta và do đó nên chứng nhân của Đức Kitô 'cho đến tận cùng của thế giới', như những vị đã ra đi từ Phòng trên Gác tại Giêrusalem trong ngày lễ Hiện Xuống" (số 22).

Giáo Hội trở nên ý thức hơn rằng Giáo Hội là "mẹ" như Đức Maria. Như tôi đã nói đến trong Sắc Chỉ"Incarnationis mysterium" (Mầu Nhiệm Nhập Thể) vào dịp Đại Năm Thánh 2000, Giáo Hội là "nôi nơi Đức Maria đặt Chúa Giêsu và tín thác Ngài cho sự thờ phượng và chiêm ngắm của muôn dân" (số 11). Giáo Hội có ý tiếp tục trên con đường linh đạo và truyền giáo này, cùng với Đức Trinh Nữ, Ánh Sao của Tân Phúc Âm Hóa, là rạng đông bừng sáng và sự hướng dẫn chắc chắn bước đi của chúng ta (x. "Novo Millennio ineunte" Khởi đầu Ngàn Năm Mới, số 58). 

Đức Maria và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trong Năm Mân Côi

2. Tháng Mười Năm ngoái, khi bước vào năm thứ 25 triều Giáo Hoàng của mình, tôi đã loan báo một Năm đặc biệt, gần như một sự liên tục thiêng liêng của Năm Thánh, sẽ được thánh hiến cho sự tái khám phá Kinh Mân Côi, một kinh quá thân thiết với truyền thống Kitô Giáo. Đó là một năm được sống dưới ánh mắt của Đấng mà, theo chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, với tiếng "Xin Vâng" của Bà, đã hiện thực hóa ơn cứu độ nhân loại, và cũng là Đấng từ trời cao tiếp tục phù hộ cho những ai chạy đến cùng Bà, đặc biệt trong những lúc khó khăn của cuộc sống. 

Tôi mong rằng Năm Mân Côi là một dịp thuận lợi cho các tín hữu trên tất cả các đại lục đào sâu ý nghĩa của ơn gọi Kitô Giáo của họ. Nơi trường học của Đức Trinh Nữ và theo mẫu gương của Người, mỗi cộng đoàn sẽ dễ có hơn hoạt động "chiêm niệm" và truyền giáo của chính mình.

Khánh Nhật Truyền Giáo, được diễn ra ngay cuối Năm Đức Mẹ, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ đem lại một động lực mạnh mẽ cho dấn thân truyền giáo của Giáo Hội. Lòng cậy trông nơi Đức Maria, cùng với việc lần chuỗi Mân Côi hàng ngày và sự suy niệm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, sẽ nhấn mạnh rằng sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cần được nuôi dưỡng trước hết bằng lời cầu nguyện. Thái độ "lắng nghe", được nhắc nhở qua việc lần chuỗi Mân Côi, đem người tín hữu đến gần Đức Maria, Đấng "hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng." (Lc 2:19) Việc siêng năng suy gẫm Lời Chúa khiến chúng ta sống "trong sự hiệp thông sống động với Đức Giêsu, có thể nói được là, qua con tim của Mẹ Ngài" ("Rosarium Virginis Mariae" -Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 2) 

Một Giáo Hội chiêm niệm hơn: tôn nhan Đức Kitô được chiêm ngưỡng hơn

3. "Cum Maria contemplemur Christi vultum!" (Cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Kitô) Những lời này thường đến trong đầu: chiêm ngưỡng "gương mặt" Đức Kitô cùng với Mẹ Maria. Khi chúng ta nói đến "gương mặt" Đức Kitô, chúng ta đề cập đến sự đồng hình dạng với loài người, nơi đó vinh quang muôn đời của Con Duy Nhất của Cha rạng ngời (x. Ga 1,14): " Vinh quang Thiên Chúa chói ngời trên tôn nhan Đức Kitô" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 21). Chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Kitô dẫn đến một sự quen thuộc nội tâm xâu xa hơn với mầu nhiệm của Ngài. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu với con mắt đức tin thúc đẩy ta tiến đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu nói: " Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9). Với Kinh Mân Côi, chúng ta tiến bước trên hành trình mầu nhiệm này "trong tâm tình thông hiệp với, và theo trường học của, Mẹ rất thánh Người" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 3). Thực vậy, Đức Maria đã biến mình thành thầy dậy và người hướng dẫn cho chúng ta. Dưới tác động của Thánh Thần, Mẹ giúp chúng ta đạt được "sự quả quyết" khiến các tín hữu dám thông truyền cho người khác kinh nghiệm của họ về Chúa Giêsu và niềm hy vọng đã thúc đẩy họ (x."Redemptoris missio"- Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc, số 24). 

Chúng ta hãy luôn nhìn đến Đức Maria, một mẫu gương không đâu bằng. Tất cả những lời của Tin Mừng được vang vọng cách ngoại thường trong linh hồn Mẹ. Đức Maria là một "kỷ niệm" chiêm niệm của Giáo Hội, đang sống với lòng ao ước được kết hợp sâu xa với Tân Lang, để có một ảnh hưởng rộng lớn hơn trong xã hội chúng ta. Làm sao chúng ta phản ứng lại trước các vấn đề lớn lao như thống khổ của những kẻ vô tội, hay những bất công được thực hiện với sự bất cần ngạo nghễ? Trong trường học yên lặng của Đức Maria, Mẹ chúng ta, người tín hữu học cách nhận ra - nơi "vẻ yên lặng bên ngoài của Thiên Chúa"- Ngôi Lời, Đấng âm vang trong yên lặng ơn cứu độ của chúng ta. 

Một Giáo Hội thánh thiện hơn: tôn nhan Đức Kitô được bắt chước và yêu mến hơn

4. Qua phép rửa tội, tất cả các tín hữu được mời gọi nên thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý "Lumen gentium" (Ánh sáng Muôn Dân), công đồng Vatican II nhấn mạnh rằng ơn gọi nên thánh phổ quát bao gồm trong lời mời gọi mọi người tiến đến sự trọn hảo của lòng bác ái.

Sự nên thánh và sứ mạng truyền giáo là những khía cạnh bất khả phân ly của ơn gọi dành cho mọi người đã chịu phép rửa. Cam kết trở nên thánh thiện hơn được liên kết chặt chẽ với sứ mạng truyền bá thông điệp cứu độ. Trong thông điệp "Redemptoris missio" (Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc), tôi đã nhắc lại rằng "Mọi tín hữu được mời gọi đến với sự thánh thiện và sứ mạng truyền giáo" (số 90). Trong khi chiêm niệm những mầu nhiệm Kinh Mân Côi, người tín hữu được khích lệ theo Chúa Kitô và thông phần sự sống của Ngài để có thể nói như Thánh Phaolô rằng: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi." (Gal 2,20). 

Nếu tất cả mầu nhiệm Kinh Mân Côi hình thành trường học của sự thánh thiện và ý thức truyền giáo, những mầu nhiệm Sự Sáng làm giảm nhẹ những khía cạnh đặc biệt của "phản ứng" đối với Tin Mừng. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa trên sông Giôđăng nhắc nhớ rằng những người đã chịu phép rửa tội đã được chọn để trở nên "những người con trong Con" (Êphêsô 1,4; x. Giáo Hội và Thế Giới, số 22). Tại tiệc cưới Cana, Đức Maria mời gọi những gia nhân hãy lắng nghe Lời Chúa cách vâng phục: "Hãy làm những gì Ngài bảo với các anh" (Ga 2,5). Công bố Nước Trời và mời gọi hoán cải là một ủy thác rõ ràng cho mọi người theo đuổi con đường nên thánh. Trong sự Biến Hình của Chúa Giêsu, người đã chịu phép rửa cảm nhận được niềm vui đang chờ đón mình. Khi suy niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, người ấy quay lại thường xuyên Phòng Trên Gác, nơi Thầy chí thánh để lại cho các môn đệ Ngài gia tài quý giá nhất: chính mình Ngài trong Bí Tích trên bàn thờ. 

Trong một nghĩa nào đó, chính những lời mà Đức Trinh Nữ công bố tại Cana đã tạo ra cơ sở Thánh Mẫu Học cho các mầu nhiệm Sự Sáng. Thật vậy, việc công bố Nước Trời đã gần đến, lời mời gọi hoán cải và thương xót, việc Biến Hình trên Núi Tabor và việc lập phép Thánh Thể có một âm vang đặc biệt trong lòng Đức Maria. Đức Mẹ hướng mắt nhìn về Đức Kitô, ghi nhớ mọi lời của Ngài và chỉ cho chúng ta thấy cách trở nên môn đệ đích thật của Con Mẹ. 

Một Giáo Hội truyền giáo hơn: tôn nhan Đức Kitô được công bố hơn

5. Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, chưa bao giờ Giáo Hội có được quá nhiều khả năng để công bố Đức Giêsu như bây giờ. Vì thế, Giáo Hội ngày nay được mời gọi để làm cho tôn nhan Tân Lang của mình được tỏa sáng với sự thánh thiện rạng ngời hơn của mình. Trong nỗ lực không dễ dàng này, Giáo Hội biết mình được Mẹ Maria tiếp sức. Giáo Hội "học hỏi" từ Mẹ để nên "đồng trinh", thánh hiến hoàn toàn cho Hôn Phu, là Đức Giêsu; và nên "một người mẹ" của nhiều con cái mà Giáo Hội dẫn đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.

Dưới cái nhìn chăm chú của Mẹ mình, Giáo Hội triển nở như một gia đình sống động với sự tuôn đổ mạnh mẽ của Thần Khí, và trong khi chấp nhận những thách đố của Tân Phúc Âm Hóa, suy niệm về tôn nhan đầy lòng thương xót của Đức Giêsu nơi những anh chị em, đặc biệt nơi những người nghèo khó và quẫn bách, nơi những người xa lạ với đức tin và Tin Mừng. Cách riêng, Giáo Hội không ngại kêu lên với thế giới rằng "Đức Kitô là đường, là Sự Thật, và là sự Sống" (Ga 14,6). Giáo Hội không ngại hân hoan công bố rằng "Tin Mừng, mà trung tâm và toàn bộ nội dung là con người Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới." (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 20)

Điều cần thiết là phải chuẩn bị những nhà truyền giáo có khả năng và thánh thiện. Nhiệt tình của các Thánh Tông Đồ không thể bị yếu đi, đặc biệt trong sứ mạng truyền giáo "muôn dân". Kinh Mân Côi, nếu được tái khám phá và trân trọng hoàn toàn, sẽ là một khí cụ tuy thông thường nhưng đầy hiệu quả sư phạm và linh đạo để đào tạo Dân Chúa tham gia canh tác trên cánh đồng hoạt động tông đồ mênh mông.

Một ủy nhiệm cụ thể

6. Nhiệm vụ thi hành sứ mạng truyền giáo sống động cần phải tiếp tục là một nhiệm vụ nghiêm chỉnh và liên tục của mọi người đã chịu phép rửa và của mọi cộng đồng trong Giáo Hội. Cố nhiên, các Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo có một vai trò cụ thể và đặc biệt và tôi cám ơn họ vì đã quảng đại thi hành nhiệm vụ của mình.

Tôi muốn đề nghị cùng tất cả anh chị em là hãy nhiệt thành đọc Kinh Mân Côi, cách riêng tư cũng như nơi cộng đoàn, để nhận được nơi Thiên Chúa những hồng ân mà Giáo Hội và nhân loại đang đặc biệt cần đến. Tôi mời gọi mọi người hãy thực thi điều này: trẻ con, người lớn, trẻ già, các gia đình, các giáo xứ, và các cộng đoàn tu sĩ. 

Trong nhiều ý chỉ, tôi không muốn quên ý chỉ về hòa bình. Chiến tranh và bất công có nguồn gốc nơi những con tim "chia rẽ". "Bất cứ ai thông phần trong mầu nhiệm của Đức Kitô - và đây rõ ràng là mục đích của Kinh Mân Côi - học biết bí mật của hòa bình và biến nó thành dự phóng của đời mình" (Tông Thư Kinh Mân Côi Đức Maria, số 40). Nếu Kinh Mân Côi được cùng theo nhịp bước với đời sống chúng ta, kinh ấy sẽ trở nên một khí cụ mạnh mẽ cho việc xây dựng hòa bình trong tâm tư con người, trong gia đình và giữa các dân tộc. Với Mẹ Maria, chúng ta có thể đạt được mọi điều từ Đức Giêsu Con Mẹ. Được Đức Mẹ ủng hộ, chúng ta không ngần ngại dâng hiến chính chúng ta cho việc công bố Tin Mừng đến tận cùng thế giới. 

Với những tình cảm này, tôi trìu mến ban phép lành cho anh chị em.

Từ Vatican ngày 12 Tháng Giêng Năm 2003, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
+ Gioan Phaolô II