Đức Mẹ
Anh chị em rất thân mến trong Chúa Kitô và Mẹ Maria.
 
Mùa hè năm 1980, tôi đã đến thăm một gia đình Công Giáo Việt Nam định cư tại miền Tây Hoa Kỳ. Trước kia, gia đình này là một gia đình Công Giáo sùng đạo. Nhưng sau khi sang Hoa Kỳ được 1 năm, đã nghe lời dụ dỗ của Mục sư Tin Lành, bỏ đạo Công Giáo để gia nhập Tin Lành giáo.
Câu hạch xách đầu tiên của gia trưởng này, tôi đố anh chị em biết về vấn đề gì đấy?
 
Đó là hai câu phản đối, mà ý nghĩa chung quy chỉ là một.
 
Câu thứ nhất: Tại sao người Công Giáo lại phải yêu mến Đức Mẹ?
Và câu thứ hai: Người Công Giáo thờ Đức Mẹ. Đó là trái luật Thánh Kinh.
Nghĩa là: Tin Lành chĩa mũi giùi vào Đức Mẹ.
Gia chủ còn trưng các câu Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, để minh chứng cho lập luận đặc mùi Tin Lành Thệ phản.
Tôi cũng xin gia chủ và hai người con, một trai, một gái đã trưởng thành, lấy Kinh Thánh, mở trang diễn tả Chúa Cứu Thế đã giáng sinh để tấn công lại.
 
Tin Lành rất hãnh diện vì họ rất tôn kính sùng mộ Chúa Giêsu Kitô, mà danh từ riêng của họ gọi là Đấng Christ.
Tin Lành giáo và Công Giáo giống nhau về một điểm: Nhận biết, tôn thờ và yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, bên Tin Lành quen gọi là Cứu Chúa của họ.
 
Chúng ta tôn kính, thờ phượng và yêu mến Chúa Kitô, đó là điều hợp tình, hợp lý, thật là chính đáng, phải đạo làm con.
Thế nhưng, nếu là một người con có hiếu với cha mẹ, thì ngoài việc tôn kính hiếu thảo ra, con cái còn phải bắt chước cha mẹ nữa. Bắt chước các nhân đức và tính tốt của các ngài.
 
Đối với Chúa Kitô cũng thế, ngoài việc tôn thờ yêu mến, chúng ta còn phải bắt chước gương sáng và việc làm của Ngài.
Một điểm đầu tiên và cần thiết bắt buộc chúng ta phải bắt chước Chúa là tôn kính, mến yêu Đức Mẹ.
 
Chúng ta phải tôn kính yêu mến Đức Mẹ như Chúa Kitô.
 
Chúng ta lại phải tôn kính yêu mến Chúa Kitô như Đức Mẹ.
Lý do I:
 
Chúng ta phải yêu mến tôn kính Đức Mẹ, vì chính Chúa Kitô đã để gương lại cho chúng ta.
 
Anh chị em có biết không, trước khi mở chương trình cứu chuộc loài người sa đọa, Thiên Chúa đã phác họa ra nhiều phương cách:
 
a. Chúa có thể tuyên bố một câu: Ta tha hết các tội lỗi Adam Evà và cả con cái miêu duệ từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Tức thì tội lỗi nhân loại được tẩy xóa ngay. Nhưng Thiên Chúa đã không làm như thế.
 
b. Hoặc Thiên Chúa có thế sai một vị tiên tri, hay một sứ giả, rảo quanh trái đất, để ban ơn tha tội cho mọi người. Nhưng Thiên Chúa cũng không xài giải pháp đó.
 
c. Hay là Thiên Chúa giáng trần với một con người phi thường, hoặc mặc một thân xác đã trưởng thành để thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào cha mẹ, rồi đi khắp nơi truyền giảng chân lý Phúc Âm cho nhân loại. Thế nhưng, Chúa Kitô đã không làm như vậy.
Thiên Chúa Ba Ngôi đầy uy quyền, đầy thông sáng và khôn ngoan đã chọn một giải pháp đơn sơ, thông thường, bình dị, giống hệt con người, tức là lệ thuộc vào một người Mẹ. Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc xác loài người trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Ngài đã náu mình trong đó suốt chín tháng trời, sống nhờ khí huyết và hơi thở của bà Mẹ. Sau khi sinh, đã để cho bà Mẹ nuôi dưỡng săn sóc, đúng hệt câu tục ngữ Việt Nam: "Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm". Nhưng không phải Chúa Giêsu chỉ lệ thuộc vào người Mẹ trong thời gian thơ ấu, mà suốt ba mươi năm trường, Ngài luôn luôn ở bên người Mẹ. Ngài đã nhận lấy Trinh Nữ cưu mang sinh hạ Ngài làm Mẹ. Và người Trinh Nữ được diễm phúc Chúa đặc tuyển đó là ai? Thưa chính là ĐỨC MẸ MARIA.
Trong ba năm thoát ly gia đình để đi giảng đạo, Đức Mẹ vẫn theo sát bên Con, và theo tình hiếu thảo đậm đà của Chúa Cứu Thế, có lẽ Ngài đã nhiều lần dẫn các Tông đồ về thăm lại ngôi nhà mà Ngài và Mẹ đã sinh sống 30 năm.
Như thế, anh chị em đã thấy rõ điều chân thật này:
Từ trời xuống thế gian để cứu chuộc nhân loại, Chúa Kitô đã qua con đường Maria để đến với nhân loại.
Thì cũng một đường lối đó, chúng ta muốn về Trời với Chúa Ba Ngôi, cũng phải qua con đường Maria.
Lý do II:
 
Xét về bản tính nhân loại, Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta một bà mẹ. Đó là khối Tình Yêu. Đó là tổ ấm của chúng ta. Thì về mặt siêu nhiên, thuộc đời sống thiêng liêng vĩnh cửu, chúng ta cũng cần có một bà mẹ để bảo vệ, săn sóc và hướng dẫn chúng ta chiến đấu với ma quỉ, vững bước trở về Nhà Cha trên trời. Thiên Chúa khôn ngoan sáng suốt vô cùng đã ban Đức Trinh Nữ Maria làm Mẹ thiêng liêng, Mẹ phần linh hồn của chúng ta.
 
Người mẹ phần xác dù yêu thương con mấy, một ngày kia cũng phải lìa con để về bên kia thế giới. Nhưng người Mẹ thiêng liêng Mẹ phần linh hồn hằng theo sát chúng ta suốt cuộc sống tạm ở trần gian mà cả trong cuộc sống vĩnh cửu đời sau nữa.
Lý do III:
 
Chúng ta phải hết lòng tôn kính mến yêu Đức Mẹ, vì Đức Mẹ là Đấng Trung Gian, ban phát các ơn của Thiên Chúa.
Giáo Hội Công Giáo hợp với các thánh Giáo phụ, nhất là thánh Bênađô và thánh Bernađinô, đã đồng thanh quả quyết rằng: "Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa nhân loại đã thông ban muôn ơn phúc cao cả nhiệm mầu cho Đức Mẹ Maria, và để Mẹ được toàn quyền quyết định: muốn ban phát cho ai, khi nào, cách nào và ban phát bao nhiêu là tùy ý Mẹ" (Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ, trang 37, No 25).
 
Như thế là: "Tất cả các ơn Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại đều phải qua tay Đức Mẹ Maria".
 
Anh chị em thân mến!
 
Sống trên đời đầy gian lao thử thách và đau khổ này, chúng ta cần rất nhiều ơn Chúa cả về phần xác lẫn phần hồn. Vậy muốn lãnh nhận được các ơn Chúa, bắt buộc chúng ta phải đến Đức Mẹ. Càng tôn sùng kính yêu Đức Mẹ, chúng ta càng được Đức Mẹ ban phát các ơn của Chúa cho chúng ta.
 
Anh chị em hãy nhớ kỹ lời thánh Gioan Đamascênô quả quyết rằng: "Lòng thành thực sùng kính mến yêu Đức Mẹ Maria là một khí giới linh thiêng Thiên Chúa chỉ ban cho những linh hồn được tiền định cứu rỗi mà thôi" (Thành Thực Sùng Kính Đức Mẹ, trang 51, No 41).
QUỶ CA TỤNG ĐỨC MẸ
 
Xin anh chị em hãy lắng nghe câu chuyện sống động sau đây:
 
Tại thành Marcasona nước Pháp, thời thánh Đaminh còn sống, có một chàng thanh niên khô đạo, đã cả dám ngạo mạn khinh chê phép lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ dã truyền cho thánh Đaminh phải cổ võ giáo dân thi hành. Chúa đã để cho y bị quỉ ám để tỏ rõ uy quyền Đức Mẹ.
 
Gia nhân dẫn chàng thanh niên đến thánh Đaminh, xin ngài trừ quỷ. Thánh nhân dạy đem anh ta đến nhà thờ. Và trước mặt đông đảo giáo dân, ngài hỏi ma quỷ lớn tiếng:
- Trên thiên đàng, đừng kể Thiên Chúa Ba Ngôi, còn Đấng nào mày sợ hơn cả?
Tên quỷ la hét, tru trếu ghê rợn, chứ nhất định không nói.
 
Thánh Đaminh truyền cho hắn phải nói ra sự thật.
 
Hắn miễn cưỡng chỉ xin được nói nhỏ vào tai thánh nhân mà thôi. Nhưng thánh Đaminh không chịu. Ngài liền sấp mình xuống đất nài xin Đức Mẹ dùng quyền phép bắt quỉ phải xưng thú công khai.
Ma quỉ tinh khôn và xảo quyệt đáo để. Hắn giả đò khiêm nhượng nói với thánh nhân rằng:
 
- Chúng tôi là kẻ dối trá, ngài đừng tin. Xin ngài hãy nhờ các Thiên Thần là những kẻ thật thà trả lời cho ngài biết.
 
Thánh Đaminh đâu có chịu thua ma quỉ. Ngài lại sấp mình xuống trước toà Đức Mẹ, nài van Mẹ dùng quyền phép bắt ma quỉ phải xưng thú ra, để giáo dân biết rõ.
 
Tức thì Đức Mẹ thân hiện, cầm roi đánh tên quỉ, bắt buộc hắn phải thú ra. Bấy giờ hắn kêu la rống hét có vẻ hằn học tức tối với Đức Mẹ, rồi nói to tiếng công khai rằng:
 
"Tất cả mọi người hãy lắng tai mà nghe: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có quyền phép gìn giữ, bảo vệ những ai tôn kính Ngài khỏi sa hỏa ngục. Ai sùng kính yêu mến Ngài thật tình thì thoát khỏi tay chúng tao. Mỗi lời Bà ấy xin cùng Thiên Chúa thì thần thế và hiệu nghiệm hơn mọi lời các Thánh. Ai sắp mất linh hồn sa hỏa ngục mà kêu tên Maria, thế nào cũng được cứu giúp. Nếu không có Bà Maria giúp đỡ, che chở, thì đạo Công Giáo đã phải vô cùng khốn đốn, khó lòng mà đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của chúng tao. Bà ấy ban cho những ai siêng lần chuỗi Mân Côi được khỏi mọi sự dữ, được ơn ăn năn thống hối mọi tội lỗi và được về thiên đàng". (Cố Lương, Sách Tháng Đức Bà, trang 38-40).
Anh chị em rất thân mến,
 
Giờ đây, chúng ta hãy đề cập đến câu phản đối thứ II.
 
Đa số anh chị em Tin Lành cho chúng ta là: Thờ Đức Mẹ.
 
Không, trăm lần không, ngàn vạn ức triệu lần không. Công Giáo chúng ta không thờ Đức Mẹ.
 
Động từ tôn thờ, hay là thờ phượng chỉ qui về Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất mà thôi.
 
Thỉnh thoảng một đôi khi chúng ta nghe mấy người Công Giáo bình dân, ít học nói: "Mua một tượng, chuộc một tượng Đức Mẹ về thờ" là họ dùng sai danh từ, nhưng tận thâm tâm họ không hiểu sai như vậy.
Cũng như những câu dân Việt Nam năng dùng là: "Thờ cha kính mẹ" hoặc "Thờ ông bà". "Đạo thờ ông bà". Chữ thờ ở đây có nghĩa là tôn kính. Mặc dầu họ nói thờ cha mẹ, thờ ông bà, nhưng tận thâm tâm, họ vẫn tin có Thượng Đế, có ông Trời, có Đấng Tối Cao, Ngài cai quản vũ trụ, Ngài cao cả hơn hết thảy ông bà, cha mẹ. Người Việt Nam chúng ta, mặc dù dùng sai danh từ: Thờ ông bà, nhưng không bao giờ kể ông bà cha mẹ như là Chúa Tể, là Thượng Đế, là Đấng Tối Cao.
 
Đàng khác, anh chị em Tin Lành trông thấy chúng ta đua nhau chạy đến Đức Mẹ, đua nhau tôn kính, yêu mến và làm vinh danh Đức Mẹ bên ngoài như trang hoàng tòa Đức Mẹ tại nhà thờ, hoặc tư gia rất lộng lẫy, đầy hoa tươi, nến cháy; hoặc tổ chức các cuộc cung nghinh Đức Mẹ rất sầm uất v.v... thì kết cho là thờ Đức Mẹ.
 
Thật sự, có người Công Gíao Việt Nam nào, cũng như Công Giáo thế giới, đã tôn sùng yêu mến Đức Mẹ mà quên Chúa, bỏ rơi Chúa hoặc tẩy chay Chúa đâu?
Trái lại, vì nhận thấy mình hèn hạ, khốn nạn, tội lỗi, không dám trực tiếp đến trước tôn nhan Thiên Chúa, nên người Công Giáo chúng ta đến cùng Đức Mẹ, nhờ Mẹ bầu cử cùng Chúa cho mình ơn này ơn khác. Giống hệt cảnh ngoài xã hội, nhiều người muốn cho công việc được mau kết quả, được nhà vua hay tổng thống mau biết đến, thì họ đã đi cửa sau, cửa tắt, tức là trực tiếp chạy đến kêu cầu bà hoàng hậu, hoặc bà tổng thống hay bà chủ tịch để nhờ bà đệ đạt nguyện vọng của mình lên cấp trên mau lẹ hơn.
Chúng ta không hề bao giờ coi Đức Mẹ là Thiên Chúa, không bao giờ tôn thờ Đức Mẹ thay Thiên Chúa. Làm như vậy, chúng ta đã trở thành rối đạo. Người Công Giáo chúng ta luôn luôn và mãĩ mãi "tôn thờ Thiên Chúa là cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình" như kinh Tin Kính chúng ta đọc với linh mục chủ tế các lễ Chúa nhật và lễ trọng. Và chúng ta cũng hết lòng tôn kính mến yêu Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa, cũng là Mẹ yêu dấu của mỗi người Công Giáo chúng ta. Ngài là Đấng giữ kho ơn phúc của Thiên Chúa để phân phát cho chúng ta.
Ngoài ba lý do đã nêu trên, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thêm các lý chứng mạnh mẽ bắt buộc chúng ta phải tôn sùng mến yêu Đức Mẹ, tôi sẽ lần lượt trình bày trong các bài giảng tiếp theo sau.
Nhưng tuyệt đối chúng ta không bao giờ tôn thờ Đức Mẹ như Chúa Tể, mà anh chị em Tin Lành, hoặc anh em thuộc các tôn giáo bạn đã hiểu lầm chúng ta.
 
Tôi cũng xin toàn thể anh chị em Công Giáo từ nay bỏ hẳn các danh từ dùng sai, dùng không đúng, gây ngộ nhận cho người khác.
 
Đó là các câu: Mua tượng Mẹ, chuộc ảnh tượng Đức Mẹ về thờ. Không phải mua về để thờ, mà để tôn kính.
Sau đây, tôi xin kể cho anh chị em nghe một câu chuyện tả rõ lòng thương của Mẹ trên các tội nhân.
CÔNG LÝ VÀ TÌNH THƯƠNG
 
Trong thời Đại Cách Mạng của nước Pháp, tức là năm 1789, tại một làng Công Giáo, dân chúng tôn sùng một pho tượng Đức Mẹ đặt một nơi tôn nghiêm đầy hoa nến. Bọn Cách mạng Pháp muốn phá hủy lòng tin nơi người Công Giáo, đã chủ trương hủy bỏ pho tượng thời danh đó. Chúng đua nhau chế nhạo, khinh dể mỉa mai việc sùng kính của giáo dân. Một đứa trong bọn, để tỏ ra mình là anh hùng hảo hớn đã đề nghị: Vứt tượng xuống giếng sâu. Giêsu Maria! Mọi người đứng đắn trong làng ghê tởm chuyện phạm thánh đó. Nhưng chúng vẫn thực hiện ý định. Tên anh hùng hảo hớn bắt tay vào việc ngay, hăng hái hơn hết mọi người, chúng khiêng thánh tượng ném xuống giếng trong khi reo hò và buông lời phạm thượng. Nhưng chẳng vui được lâu, tên đầu sỏ bị Thiên Chúa phạt mù hai mắt ngay lập tức. Hắn phải nhờ chúng bạn dắt về nhà. Dầu vậy, hắn vẫn không tỏ dấu ăn năn, mà còn chống đạo mạnh mẽ hơn nữa!
Mười năm sau, tức là năm 1799 hoà bình trở lại, tôn giáo được phục hồi và phát triển, nhưng tượng Đức Mẹ vẫn còn nằm dưới đáy giếng rất sâu. Mọi tín hữu đau lòng. Một hôm cha sở lên tòa giảng hô hào rằng:
 
"Kính thưa anh chị em! Chúng ta cần phải làm việc đền tạ Đức Mẹ, đồng thời phải đưa thánh tượng Đức Mẹ lên khỏi giếng".
 
Mọi người đồng ý. Một ngày đã được chọn. Dân chúng tụ họp đông đủ chung quanh giếng, chỉ còn thiếu cha sở. Bỗng từ xa tiến lại, cha sở tay dắt anh mù, kẻ đã chủ mưu ném tượng xuống giếng ngày xưa, đang tiến lại. Dân chúng la ó, đả đảo tên thủ phạm.
Cha sở làm hiệu cho mọi người im lặng, rồi lên tiếng nói:
 
"Anh chị em rất thân mến, người mù hôm nay đến với chúng ta đầy lòng thống hối, muốn xin chúng ta tha tội tầy trời anh đã phạm xưa. Anh đã tha thiết xin tôi tha và cũng xin anh chị em tha nữa. Anh ta cũng xin được phép chung tay với chúng ta kéo tượng Đức Mẹ lên. Chắc chắn Chúa và Đức Mẹ đã tha thứ cho anh, vì anh đã nhận tội mình và hình phạt vì tội".
 
Dứt lời cha nói, người mù cũng giơ cao hai tay, mắt tràn lệ, nài xin dân chúng tha thứ và quên đi mọi tội lỗi của anh. Lương tâm anh hằng cắn rứt suốt 10 năm nay, như lời anh thú.
Dân chúng đồng thanh hô to: "Chúng tôi quên hết, quên tất cả. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ hết".
 
Rồi người ta dắt anh mù đến sát bờ giếng, họ đưa một đầu giây kéo cho anh mù cầm. Một người leo thang xuống giếng buộc thánh tượng còn nguyên vẹn, mặc dù đã ngâm dưới nước từ 10 năm qua.
 
Sau khi buộc chặt đầu giây vào tượng, giáo dân bắt đầu hát Kinh Cầu Đức Mẹ, vừa hát vừa nỗ lực kéo tượng Mẹ lên. Thánh tượng tuy rất nặng, nhưng đã từ đáy giếng rất sâu lên tới bờ giếng an toàn.
Khi giáo dân vừa trông thấy thánh tượng Mẹ, liền vỗ tay reo hò và tung hô ầm ĩ vang dậy một góc trời. Bỗng một tiếng hô lớn át hẳn tiếng hò reo, mọi ngưòi sửng sốt im lặng, lắng nghe:
 
"Tôi đã khỏi mù! Tôi đã khỏi mù!"
Thì ra, anh chàng phạm thánh vui mừng hớn hở kêu to lên trong lúc hai gối quỳ phục bên bờ giếng, hai tay giơ cao lên trời, lòng đầy sốt sắng và cảm động.
 
Mọi người bỡ ngỡ, nhưng vui sướng tràn ngập cõi lòng. Anh mù theo đoàn người rước tượng Đức Mẹ đến nơi tôn kính cũ. Anh còn sống đạo đức sốt sắng lâu năm, để ca tụng lòng thương xót vô biên của Đức Mẹ. (Trích La Vierge Marie, trang 96).
Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ dạy chúng con biết yêu mến Chúa Kitô là Con Cưng chí ái của Mẹ như Mẹ đã yêu mến Ngài.
Chân thành cám ơn toàn thể anh chị em.
Lm. An Bình, CMC