Tài Liệu Khác

 

Nhiều linh hồn bị sa hỏa ngục là vì…

“Hôm nay con được một Thiên Thần đưa vào vực thẳm hỏa ngục. Đó là một nơi của cực hình khốn khổ; nó lớn lao và dữ dội khủng khiếp biết là chừng nào! Những loại cực hình con được trông thấy đó là: cực hình thứ nhất tạo nên hỏa ngục đó là mất Chúa; cực hình thứ hai là lương tâm đời đời than khóc; cực hình thứ ba là thân phận của con người không bao giờ đổi thay nữa; cực hình thứ bốn là lửa sẽ nung nấu linh hồn nhưng không bao giờ hủy diệt linh hồn, một thứ khổ đau khủng khiếp, vì nó là ngọn lửa hoàn toàn thiêng liêng bốc lên bởi cơn giận của Thiên Chúa; cực hình thứ năm là bóng tối tăm tùy thuộc và một mùi nghẹt thở kinh khủng, và cho dù tối tăm mù mịt như thế các ma quỉ và các linh hồn bị trầm luân vẫn trông thấy nhau cùng tất cả mọi sự dữ của nhau và của mình; cực hình thứ sáu là liên lỉ ở bên Satan; và cực hình thứ bảy là kinh hoàng tuyệt vọng, thù ghét Thiên Chúa, những lời nói ghê tởm, nguyền rủa và lộng ngôn.

Có những cực hình đặc biệt nhắm vào những linh hồn riêng biệt. Có những cực hình về những thứ giác quan. Mỗi một linh hồn phải chịu đựng những khổ đau khủng khiếp và khôn tả, liên quan tới cách thức họ phạm tội. Có những hang động và những hầm hố của cực hình là nơi xẩy ra những hình thức khổ đau quằn quại khác nhau. Con chết ngất trước cảnh tượng của những cực hình này nếu uy quyền toàn năng của Thiên Chúa không nâng đỡ con. Chớ gì tội nhân biết rằng họ sẽ bị cực hình đời đời kiếp kiếp, nơi những giác quan họ dùng để phạm tội. Con viết điều này theo lệnh của Chúa, để không một linh hồn nào có thể chữa mình nói rằng không có hỏa ngục, hay không người nào đã từng ở đó nói rằng chưa có ai cho biết nó như thế nào.

Con là nữ tu Faustina, theo lệnh Chúa truyền, đã viếng thăm các vực thẳm hỏa ngục để có thể nói với các linh hồn về nó và chứng thực về sự hiện hữu của nó. Giờ đây con không thể nói về nó; nhưng con được lệnh Chúa viết nó ra. Ma quỉ cảm thấy tràn đầy hận thù với con, nhưng chúng phải vâng phục con theo lệnh Chúa. Những gì con viết chỉ là một bóng mờ của những gì con đã thấy. Thế nhưng con nhận thấy một điều là hầu hết các linh hồn ở đó là những ai không tin rằng có hỏa ngục. Khi con tỉnh lại, con khó có thể thản nhiên không rùng mình hoảng sợ. Các linh hồn chịu khổ ở đó kinh hoàng khủng khiếp là chừng nào! Bởi thế con thiết tha nguyện cầu hơn nữa cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải. Con không ngừng nài xin tình thương của Thiên Chúa đoái đến họ. Ôi Chúa Giêsu ơi, con thà bị sầu đau cho tới tận thế, quằn quại với những khổ đau thượng thặng, còn hơn là xúc phạm đến Chúa bằng một tội nhỏ mọn nhất”. 

(Ngày 20/10/1936, Chị Thánh Faustina - Nhật Ký, khoản 741, những chỗ in nghiêng và đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh)

Thực tại hỏa ngục cũng đã được tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy ở phần thứ nhất của Bí Mật Fatima. Thật vậy, Mẹ Maria hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần thứ ba vào trưa ngày 13-7-1917ở điểm hẹn hằng tháng là  Đồi Cova da Iria trên một cây sồi, với dấu báo là những tia chớp như sắp sửa có mưa. Đức Mẹ hiện ra với chiếc áo trắng và rực sáng hơn pha lê phản ánh mặt trời. Lucia lớn nhất thân thưa cùng Mẹ rằng:

- Bà muốn con làm gì?

- Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 tháng tới, Ta muốn các con tiếp tục cầu kinh Mân Côi hằng ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi mà cầu cho hòa bình thế giới cũng như chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con thôi.

- Thưa Bà, xin Bà nói cho chúng con biết Bà là ai! Xin Bà hãy làm một phép lạ để mọi người tin rằng Bà đã hiện ra với chúng con.

- Các con hãy nhớ đến đây hằng tháng. Tới tháng 10, Ta sẽ nói cho chúng con Ta là ai và Ta muốn gì, Ta cũng sẽ làm một phép lạ cho mọi người thấy mà tin... Hãy hy sinh cầu cho các tội nhân và sau mỗi một hy sinh các con hãy nói: (Con dâng hy sinh này) "Lạy Chúa Giêsu, vì yêu Chúa và để cầu cho tội nhân ăn năn thống hối cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ".

Nói xong, Đức Mẹ lại mở tay ra như hai lần trước. Lần này tia sáng thấu qua trái đất làm cho 3 Thiếu Nhi Fatima thấy một biển lửa, ma qủi và các linh hồn dưới hình người cháy đen và đỏ rực như những cục than hồng, đang ngoi ngóp và phập phồng, rên rỉ và nghiến răng.

- Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi tội nhân khốn nạn rơi xuống. Để cứu các tội nhân khốn nạn, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu những điều Mẹ dạy được thi hành thì nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình…

Kết thúc Bí Mật Fatima ngày 13/7/1917, Mẹ Maria đã kêu gọi các em Thiếu Nhi Fatima đọc Lời Nguyện Mân Côi Fatima chúng ta vẫn đọc sau mỗi chục kinh cho đến nay, đó là câu:

"Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn".

Phải, vấn đề ở đây là cầu nguyện cho phần rỗi các tội nhân, kèm theo hy sinh chỉ cho họ nữa, bằng không, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc hư đi của họ, như Mẹ Maria đã khẳng định vào lần hiện ra thứ 4 ngày  19/8/1917 như sau:

“Hãy cầu nguyện thực nhiều và hy sinh cho tội nhân; nhiều linh hồn sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh cầu cho họ”.

“Số người được cứu độ ít lắm phải không?”

Để trả lời cho vấn nạn được một người đặt ra cho mình rằng: “Lạy Thày, số người được cứu độ ít lắm phải không?” (Lk 13:23), Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hãy gắng mà vào qua cửa hẹp. Tôi bảo cho anh chị em biết là có nhiều người cố vào mà không được...” (Lk 13:24). Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu không trả lời hay cũng có thể nói là chưa trả lời dứt khoát là ít người được cứu độ, tức nhiều người bị hư mất đời đời, bị sa hỏa ngục. Người chỉ minh định là vấn đề được cứu độ là một việc khó khăn, phải cần đến ơn Chúa, chứ tự mình con người không thể nào tự cứu độ. Đó là lý do Người đã phán: “nhiều người cố vào mà không được”, và ở câu 27 Người đã dứt khoát là “Ta không biết các người”, thành phần ở ngay câu trước đó là câu 26 đã thưa cùng Người về tình trạng họ sống gần gũi thân tình với Người rằng: “Chúng tôi là những người đã ăn uống với Thày và Thày đã giảng dạy chúng tôi nơi phố xá”. Đó, dù Kitô hữu Công giáo chúng ta có “ăn uống với Thày”, ở trong trường hợp của chúng ta có thể hiểu là việc chúng ta năng xưng tội rước lễ, và có được “Thày đã giảng dạynơi phố xá”, ở trong trường hợp của chúng ta có thể hiểu là chúng ta được công khai nghe giảng dạy trong Thánh Lễ hay trong các buổi tĩnh tâm chung v.v., chúng ta vẫn chưa chắc được cứu độ, trái lại, còn bị hư đi là đằng khác, còn bị Chúa hoàn toàn và phũ phàng phủ nhận rằng: “Ta không biết các ngươi!”

Vậy thì quả thực, căn cứ vào chiều hướng này, chiều hướng con người không thể tự cứu được mình này, thành phần theo tự nhiên, như Chúa Giêsu khẳng định với Nghị Viên lão thành Nicôđêmô đến gặp người ban đêm rằng: “chuộng tối tăm hơn ánh sáng” (Jn 3:19), thành phần như Người cũng đã phải than lên trước 3 môn đệ thân tín nhất của Người đang mê man thiếp ngủ không còn biết trới đất đâu nữa, vào chính lúc Sư Phụ Thần Linh vô cùng đáng kính đáng mến của các vị bị bắt đi rằng: “Tinh thần thì mau mắn nhưng bản chất lại bạc nhược” (Mt 26:41), có thể nói rằng Chúa Giêsu đã “không dám” vạch trần sự thật cứu độ hết sức nghiệt ngã rằng: “Đúng, con số người được cứu độ thì ít ỏi lắm!”. Phải chăng đó là lý do đã làm cho Người phải than lên: “Linh hồn Thày buồn đến chết được” (Mt 26:38), đến “đổ mồ hôi máu nhỏ xuống đất” (Lk 22:44)?

Người cũng đã than thở với một trong các thụ khải viên của mình vào hậu bán thế kỷ 20 là Bà Magarita người Bỉ trong Thông Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gửi Đạo Binh Hồn Nhỏ rằng: “Hỡi con gái của Cha ơi, con có biết cái thảm bại của một Vị Thiên Chúa là gì không? Đó là Người không thể cứu được hết tât cả mọi người bằng Hy Sinh của Người” (18-5-1970); “Những ý nghĩ của Cha (ở trên đồi Gôngôta) là những ý nghĩ thương hại và thương xót. Họ không biết rằng, chỉ bằng một cử chỉ là Cha đã có thể hủy diệt họ đi rồi. Cha để cho họ tha hồ thỏa tay hành khổ Cha, vì trong thâm tâm của Cha, Cha đã chấp nhận Hy Sinh theo ý muốn Cha của Cha. Thế nhưng, nỗi sầu khổ của Cha đã tăng lên gấp bội, vì Cha đã biết rằng, cho dù Cha có để cho mình bị hành hình đến như vậy, Cha vẫn không sao cứu được tất cả mọi con cái của Cha, và đối với nhiều người, Hy Sinh của Cha sẽ trở thành luống công vô ích” (Thứ Sáu Tuần Thánh 30-3-1972).

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, nếu nhân loại chúng ta, sau nguyên tội, đã trở nên mù quáng, mà còn biết khôn ngoan muốn tất cả những gì có lợi cho mình và dùng tất cả mọi phương tiện hay nhất để đạt được mục tiêu lợi lộc tối đa nhất cho mình khi làm bất cứ chuyện gì, thì phải nói làm sao về Thiên Chúa, Đấng vô cùng khôn ngoan thượng trí và toàn năng, Đấng đã dựng nên loài người là để cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài, mà chẳng lẽ lại hoàn toàn thất bại, mà lại chịu thua Satan cùng bọn ngụy thần cũng là thành phần tạo vật của Ngài hay sao? Đó là lý do, cũng qua cùng nữ thụ khải viên trên đây, Chúa Giêsu đã bày tỏ tất cả tâm can của mình ra rằng: “Khi Cha bị đóng đanh trên Thánh Giá như một tội nhân chỉ vì yêu, lẽ nào Cha lại chỉ được ôm lấy khoảng không trống rỗng” (15/10/1966); “Hỏa ngục chỉ thu nhặt được những cặn bã xấu nhất của nhân loại. Con hãy tin rằng trước khi đành bỏ cho hỏa ngục một linh hồn, Cha đã thử dùng mọi phương thế theo lòng thương xót của Cha, để cứu rỗi linh hồn ấy...!” (4/10/1967). Vậy, Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và toàn năng sẽ làm như thế nào để cứu các linh hồn, để thực hiện dự án và lời hứa của mình về thân phận vô vàn linh hồn được cứu rỗi, chứ không phải là ít, khi Ngài phán với tổ phụ Abraham rằng: “Ta sẽ làm cho con cháu của ngươi nhiều như sao trời cát biển” (Gen 22:17, 32:13; 41:49).

Ở trường hợp Chị Thánh Faustina, Chúa đánh động chị, và nhờ lời cầu nguyện của chị mà nhiều linh hồn đã được cứu rỗi, đến nỗi đã làm cho ma quỉ căm tức chị, muốn hủy diệt chịđi, như chịđã thuật lại trong Nhật Ký – Lòng Thương Xót Chúa Trong Hồn Con ở những khoản sau đây:

Ngày 16/12/1936. Thiên Thần bổn mạng của con giục cao cầu nguyện cho một linh hồn nào đó, và đến sáng con biết được có một người đàn ông hấp hối bắt đầu vào chính lúc ấy. Chúa Giêsu cho con biết điều này một cách đặc biệt khi có ai cần đến lời cầu nguyện của con. Con đặc biệt biết được khi nào một linh hồn hấp hối cần con cầu nguyện cho. Điều ấy hiện nay càng thường xuyên xẩy ra hơn trước”. (820)

Nhất là hiện nay, lúc con đang nằm nhà thương, con cảm thấy có một mối hiệp thông nội tâm với người hấp hối đang cần con cầu nguyện khi cơn hấp hối của họ bắt đầu. Chúa cho con được lạ lùng giao tiếp với người hấp hối! Vì điều này thường xẩy ra hơn mà con có thể kiểm chứng sự việc xẩy ra vào đúng giờ con cầu nguyện cho họ. … Con cứ cầu nguyện cho đến khi con cảm thấy bình an trong tâm hồn, nhưng không phải bao giờ cũng dài cùng một thời lượng như nhau; vì đôi khi chỉ cần một kinh ‘Kính Mừng’ là con cảm thấy bằng an rồi... Đôi khi con phải cầu cả chuỗi kinh thương xót mới cảm thấy bình an. Con cũng thấy rằng nếu con cảm thấy buộc phải cầu nguyện lâu hơn, tức là cảm thấy lòng con cứ bồn chồn bất an, thì linh hồn ấy đang trải qua một cuộc chống chọi nặng nề và một cơn hấp hối cuối cùng lâu dài hơn… Đây là cách con kiểm chứng về giờ giấc xẩy ra chính xác, đó là con có một chiếc đồng hồ, và con nhìn xem bấy giờ là mấy giờ. Ngày hôm sau, khi họ nói với con về cái chết của người nào đó thì con hỏi họ xem đã xẩy ra vào lúc mấy giờ, và đã xẩy ra vào đúng giờ đó cũng như về cả thời lượng cơn hấp hối kéo dài nữa”. (835)

"Ngày 9 tháng 8 năm 1934. Chầu đêm vào các Ngày Thứ Năm. Con làm giờ chầu của con từ 11 đến 12 giờ đêm. Con dâng giờ chầu này để cầu cho việc hoán cải các tội nhân cứng lòng, nhất là những ai mất hy vọng vào tình thương của Chúa…” (319) “… Sau giờ chầu, khoảng nửa đường về đến phòng của con, con bị bao vây bởi một bầy chó đen bự con đang nhẩy nhót và hú lên như muốn xé con ra thành từng mảnh. Con nhận ra rằng chúng không phải là chó mà là ma quỉ. Một tên ctrong chúng giận dữ nói rằng ‘vì đêm nay ngươi đã giật khỏi chúng tao rất nhiều linh hồn mà chúng tao sẽ xé mày ra thành từng mảnh’. Con trả lời: ‘nếu đó là ý muốn của Thiên Chúa rất nhân hậu thì cứ xé ta thành từng mảnh, vị ta đáng bị như thế, bởi ta là tội nhân khốn nạn nhất trong các tội nhân, và Thiên Chúa là Đấng hằng Thánh Hảo, công chính và vô cùng nhân hậu’. Nghe thấy những lời ấy tất cả đám quỉ đồng thanh trả lời rằng: ‘Chúng ta hãy tẩu thoát, vì nó không đơn thân; Đấng Toàn Năng đang ở với nó!’ Rồi chúng biến đi như bụi, như tiếng động ngoài đường, trong khi đó con tiếp tục bình an tiến về phòng của mình…” (320)

Ngày 8 tháng 12 năm 1934. Con hiệp những đau khổ của con với những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng chúng cầu cho con và cho việc hoán cải của các linh hồn không tin tưởng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa. Bỗng chốc phòng của con đầy những hình thù đen đủi rất giận dữ thù ghét con. Một tên trong chúng nói rằng ‘Đồ khốn kiếp, ngươi và Đấng ở trong ngươi, vì ngươi đang bắt đầu hành hạ chúng tao ngay cả ở trong hỏa ngục’. Vừa khi con nói ‘Và Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’ thì những hình thù ấy liền vù vù biến khuất”. (323).

Bí quyết cứu độ của Thiên Chúa

Phải chăng Ngài luôn chơi trò 5-10-15-20-25-30-35-40-45-50 v.v. với con người, một trò chơi của trẻ con ở Việt Nam ngày xưa, một đứa lấy hai tay bịt mắt lại hay quay vào tường đọc từ 5 tới 100, cách nhau cứ 5 số như vậy, sau đó mở mắt ra đi tìm cho bằng được những đứa khác đã trốn mất trong lúc đứa này đọc tràng số cứ cách nhau 5 như thế; nếu bắt được đứa nào trước nhất thì đứa ấy lại phải đọc câu thần chú là tràng số cách 5 này cho những đứa khác trốn? Đúng thế, Thiên Chúa đã chẳng sẵn lòng chơi trò này với tổ phụ Abraham là gì, khi Ngài, sau khi tỏ cho vị tổ phụ này biết rằng Ngài có ý định hủy diệt thành Sodoma tội lỗi, đã theo đuổi cho đến cùng cuộc mặc cả của vị tổ phụ này với Ngài về số người công chính, từ 50, 45, 40, 30, 20, 10, để có thể cứu thành Sodoma khỏi bị hủy diệt nhờ số người công chính thiểu số cũng sống ở trong cùng thành ấy (xem Gen 18:16-33).

Cũng trong Cựu Ước, việc hy sinh giang tay ra cầu nguyện của một mình Moisen cũng được Thiên Chúa sử dụng như một điều kiện bất khả thiếu để giành phần thắng lợi cho chung quân Do Thái trong tận chiến giữa dân Chúa tuyển chọn với quân Amalek trong sa mạc (xem Ex 17:11). Quả vậy, theo dự án thần linh của mình, ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người “có nam có nữ” (Gen 1:26), tức đã dựng nên con người như một cộng đồng thế nào, thì khi cứu họ, Ngài cũng muốn cứu họ như một cộng đồng như thế, chứ không phải cứu riêng một cá nhân nào, như Ngài đã cứu cả gia đình Noe 8 người trong trận lụt đại hồng thủy vậy, một gia đình được cứu nhờ Noe sống công chính (xem Gen 7:1) và từ một gia đình này mọi loài cũng được cứu nữa (xem Gen 9:8-10).

Thật ra, không ai trên thế gian này, là loài người thuần túy, thậm chí cả đệ nhất tạo vật đầy ơn phúc Maria, có thể thực hiện được việc “yêu thay đền thay” theo chiều hướng cứu độ linh hồn bất tử và vô giá của con người, ngoại trừ một “Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Con Người Giêsu Kitô” (1Tim 2:5). Thế nhưng, theo dự án và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô và với Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần duy nhất, Đấng đã hóa thân làm người, đã liên kết với con người, con người cũng có thể cứu anh em mình nữa. Đó là lý do, lịch sử các thánh đã cho thấy Thiên Chúa đã tiếp tục công cuộc cứu độ các linh hồn qua các ngài. Chẳng hạn như Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, hay Thánh Faustina, v.v., những vị thánh đã cứu được rất nhiều các linh hồn bằng các việc âm thầm hy sinh chịu khổ của các vị. Thậm chí các vị linh mục, dù về linh quyền các vị ban phát ơn cứu độ qua các phép bí tích, cũng mang lại vô vàn lợi ích thiêng liêng cho đàn chiên của mình hay cho thế gian bằng đời sống thánh thiện của các vị, chẳng hạn như Cha Piô Năm Dấu hay Cha Sở Họ A Gioan Mai-Hoa Viễn-Linh (Gioan Maria Vianney).

Những việc làm có tính cách yêu thay đền thay, thật sự có tác dụng cứu độ được vô vàn các linh hồn tội nhân đáng thương này của các thánh, như Thánh Giang Mai-Hoa Viễn-Linh và Thánh Faustina, theo tiểu sử của các ngài cho thấy, đã làm cho ma quỉ vô cùng hận tức đến nỗi có những lúc muốn ăn tươi nuốt sống các vị. Sở dĩ việc làm của Kitô hữu nói chung, thành phần còn ơn nghĩa Chúa, ít là không mắc tội trọng và có ý xấu, cho dù là việc nhỏ mọn mấy đi nữa, như quét nhà, rửa chén v.v. cũng có công trước mặt Chúa, cũng có giá trị cứu độ, có trị yêu thay đền thay, vì Chúa Kitô sống trong họ bởi Thánh Thần của Người, tức chính Người làm những việc đó trong họ và qua họ.

Việc yêu thay đền thay của một thiểu số các linh hồn được tuyển chọn không phải chỉ mang lại lợi ích cho các tội nhân đáng thương mà thôi, thật ra, trước hết và trên hết, mang lại lợi ích thiêng liêng cho chính họ, làm cho họ được thánh hóa, được càng ngày càng nên giống Đấng Tử Giá hơn. Đó là lý do, để cứu các tội nhân đáng thương, để yêu thay đền thay, các linh hồn được tuyển chọn thường phải hy sinh bản thân mình, thường phải chịu nhiều đau khổ, thậm chí mang trên thân xác các dấu tích của Chúa Kitô, như trường hợp Cha Thánh Piô Năm Dấu. Chúa Kitô Phục Sinh nhưng vẫn còn mang trên thân xác dấu vết tử giá của Người, như Người tỏ cho các môn đệ thấy sau khi phục sinh để chứng thực rằng Người đã sống lại với các vị (xem Lk 24:40; Jn 20:27), và dấu vết tử giá của Đấng Phục Sinh ấy, Đấng ở lại cùng Giáo Hội cho tới tận thế ấy (xem Mt 28:20) ấy, trong giòng lịch sử Giáo Hội, vẫn liên tục và tiếp tục tỏ hiện nơi bản thân và cuộc đời của một thiểu số linh hồn tuyển chọn, điển hình nhất là các vị tử đạo, thuộc thành phần 5-10-15-20 của tổ phụ Abraham.

Câu Thánh Phaolô nói rằng “tôi mang trên thân xác tôi những dấu vết của Chúa Kitô” (Gal 6:17), và “tôi bù đắp nơi xác thịt tôi những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô phải chịu vì thân thể Người là Giáo Hội” (Col 1:24) quả thực là chí lý theo ý nghĩa “yêu thay đền thay” có tính cách hiệp thông cứu độ này. Có thể nói, vì các tội nhân mà một thiểu số linh hồn đã trở thành ưu tuyển và được biệt đãi trong việc gần gũi thân tình với Chúa, nhất là nên giống Người qua cuộc khổ nạn của Người, để nhờ công nghiệp của họ hợp với Người và qua thế giá của họ nơi Người, Người thương đoái thương đến các tội nhân. Như thế, trong ý định quan phòng thần linh của Thiên Chúa, tội nhân là mối lợi cho thánh nhân và thánh nhân sinh lợi cho tội nhân. Tương tự như đã xẩy ra và đang xẩy ra trong trường hợp giữa dân Do Thái và Dân Ngoại, ở chỗ, nhờ dân Do Thái cứng lòng mà Dân Ngoại đã được cứu cho tới khi đủ số Dân Ngoại thì dân Do Thái được cứu vậy (xem Rm 11:25-26).

Thậm chí Người cũng có thể sử dụng tất cả những hy sinh đau khổ của thành phần không phải là Kitô hữu nói chung và thành phần Kitô hữu Công giáo thánh thiện nói riêng nữa, để yêu thay đền thay, để cứu độ các linh hồn tội nhân đáng thương, thành phần càng không thể tự cứu mình. Chẳng hạn, Người có thể sử dụng những hy sinh của thành phần thai nhi vô tội bị sát hại trong bụng mẹ, như trường hợp các Thánh Anh Hài ngày xưa chết thay cho Hài Nhi Giêsu (xem Mt 2:13-18), hay thành phần vô tội bị sát hại bởi cả thiên tai (động đất, bão lụt, hỏa hoạn v.v.) lẫn nhân tai (chiến tranh, khủng bố v.v.), như trường hợp của một Simeon vì bất đắc dĩ phải vác đỡ thập giá của Chúa Kitô và với Chúa Kitô (xem Mt 27:32).

Thật ra, muốn làm một việc gì có công trước nhan Chúa, chủ thể cần phải hội đủ điều kiện ý thức, tuy nhiên, vì là những gì được Thiên Chúa cố ý sử dụng, nên việc vác đỡ thập giá Chúa Kitô của Simêon thành Cyrênê Phi Châu đây cũng có tác dụng cứu độ theo dự án của Thiên Chúa.

Trường hợp các thai nhi cũng thế, sự sống của họ không phải là những gì vô ích. Nếu sự sống của các thai nhi vô tội còn quí hơn các loài hữu hình khác trên thế gian này (xem Mt 10:31, 6:26-34) thì bị triệt tiêu một cách vô ích như thế có hợp với ý định dựng nên của Thiên Chúa hay chăng? Nếu Lời Nhập Thể đã liên kết với chung loài người và riêng từng người thế nào Người cũng tiếp tục là “những người anh em hèn mọn nhất” của chung nhân loại và của riêng thành phần Kitô hữu như thế, đến nỗi, ai làm ơn cho “một trong những người anh em hèn mọn nhất” là làm ơn cho Người, hay ngược lại (xem Mt 25:40,45), thì quả thực sự sống của các thai nhi vô tội, vì là "thành phần anh em hèn mọn nhất" của Người được liên kết một cách nào đó với Người là Lời Nhập Thể, đã có một giá trị được Người lợi dụng trong công cuộc cứu độ của Người vậy.

Máu chiên bò trong Cựu Ước ngày xưa còn có giá trị chuộc đền và thánh hóa (xem Heb 9:13-14), huống chi mạng sống cao quí của thai nhi con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tượng tự như Ngài (xem Gen 1:26-27). Nếu "Thiên Chúa đã sai Con Người đến trần gian không phải là để kết án thế gian mà để thế gian nhờ Con mà được cứu độ" (Jn 3:17), và vì thế,  Chúa Kitô cũng thế, như Người tuyên bố: "Con Người đến là để tìm kiếm và cứu lấy những gì đã trầm hư" (Lk 19:10), thì chẳng lẽ Người coi thường giá trị của một thai nhi con người vô tội và không lợi dụng giá trị ấy cho phần rỗi của các linh hồn đáng thương về luân lý, nhờ đó, nhờ giá trị cứu rỗi của mạng sống vô tội của mình, hợp với giá Máu vô cùng châu báu của Chúa Kitô, chính linh hồn các thai nhi cũng được cứu độ.

Chưa hết, nếu cha mẹ có thể thay cho đứa con sơ sinh của mình trong việc lãnh nhận phép rửa hiệu thành của chúng thế nào, thì các tâm hồn cầu nguyện cho thai nhi bị sát hại hay/và đau đớn trước cuộc thảm sát thai nhi vô tội này, trước nhan Chúa, cũng có thể được coi như cái đau thay cho thai nhi và  của chính thai nhi, ý thức thay cho thai nhi và của chính thai nhi bị sát hại, nhờ đó, việc hy sinh của các thai nhi cũng đáng có một tác dụng yêu thay đền thay. Nếu lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Kitô đã chết, lúc Người không còn cảm thấy gì nữa, không còn ý thức nữa, vẫn là những gì thuộc về công cuộc cứu độ, chứ không phải việc Người bị đâm thâu sau khi chết ấy không được tính vào việc cứu độ của Người thế nào, thì các thai nhi vô tội chưa ý thức cũng thế, họ bị sát hại không hoàn toàn vô ích đâu.

Vả  lại, khi thấy Con Mình bị đâm như thế, chính Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá Chúa (xem Jn 19:25) đã đau niềm đau của Chúa và thay cho Chúa, như bị gươm sắc thâu qua lòng (xem Lk 2:34-35); trường hợp các thai nhi vô tội bị sát hại cũng thế, họ dù chưa ý thức nhưng vẫn được trái tim Thiên Chúa yêu thương, một trái tim tiếp tục bị đâm thâu nơi các thai nhi bị phá, nhưng vẫn có thể cảm thấy đớn đau qua con tim của những ai gắn bó với Người trong công cuộc cứu độ, trong việc phò sự sống, được Người tuyển chọn trong thành phần thiểu số 5-10-15-20, điển hình nhất là Chân Phước Giaxinta thiếu nhi nhỏ bé ở Fatima được Giáo Hội tuyên phong ngày 13/5/2000.

Một cuộc sống hy sinh cho phần rỗi các tội nhân đáng thương

Trong Đạo Binh Dàn Trận của Đức Mẹ Mân Côi Fatima, nếu Thiếu Nhi Fatima Lucia lớn nhất đóng vai trò tiền tuyến theo ơn gọi “chấp nhận mọi đau khổ” riêng của mình, và Thiếu Nhi Fatima Phanxicô đóng vai trung phong theo ơn gọi “đền tạ những xúc phạm” của mình, thì Thiếu Nhi Fatima Giaxinta đóng vai trò hậu tuyến theo ơn gọi “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” của mình.

Thật thế, nếu Lucia thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “chấp nhận mọi đau khổ” thế nào, và Phanxicô cũng thực hiện ơn gọi hy sinh của Thiếu Nhi Fatima bằng việc “đền tạ những xúc phạm”, thì Giaxinta cũng thực hiện ơn gọi hy sinh bằng việc “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” như vậy.

Trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nếu hình ảnh Mẹ Sầu Bi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, đã ảnh hưởng đến tâm thần của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, khiến em chuyên chú vào việc đền tạ theo ơn gọi chuyên biệt của em, thì thị kiến hỏa ngục vào lần Mẹ hiện ra thứ ba 13/7/1917, đã làm cho Thiếu Nhi Fatima Giaxinta nhỏ nhất kinh hoàng khiếp đảm hết sức, đến nỗi em đã hăng say khao khát sống ơn gọi chuyên biệt của em là hy sinh “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” cùng Chúa.

Trong bài giảng phong Chân Phước cho Thiếu Nhi Giaxinta, người đã qua đời lúc gần 10 tuổi (11/3/1910-20/2/1920) tại Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5/2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về vị Á Thánh nữ trẻ nhất Giáo Hội này (ở đoạn 4) như sau: “Giaxinta đã bị kích động sâu xa bởi thị kiến hỏa ngục vào lần Đức Mẹ hiện ra 13/7, đến nỗi không một việc hy sinh hãm mình hay đền tội nào là quá sức đối với em trong việc cứu lấy các tội nhân”.Thật thế,Giaxinta thực hiện nhiều việc hy sinh với mục đích rõ ràng là để cứu các tội nhân, như chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký Thứ Nhất và Thứ Ba của chị.

“Hôm ấy chúng con đang chơi ở chỗ giếng nước con đã đề cập tới. Gần đó, có một cây nho của mẹ Giaxinta. Bà đã cắt một ít chùm để mang lại cho chúng con ăn. Nhưng Giaxinta không bao giờ quên các tội nhân cả.

Em nói:

- Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này. Chúng ta hãy dâng hy sinh này để cầu nguyện cho các tội nhân.

Rồi em cầm những trái nho chạy đi cho những trẻ em khác đang chơi trên đường đi. Em trở về mặt mày hớn hở, vì em đã thấy các trẻ em nghèo của chúng con để trao cho họ những trái nho.

Lần khác, bà dì của con gọi chúng con lại để ăn những trái vả bà mang về nhà, và thật sự là những trái ấy ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Giaxinta hớn hở ngồi xuống bên giỏ trái cây cùng với chúng con rồi cầm trái vả đầu tiên lên. Em gần ăn trái vả này thì sực nhớ lại đã nói:

- Đúng rồi! Hôm nay chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các tội nhân hết! Chúng ta phải dâng hy sinh này.

Em bỏ trái vả lại giỏ trái cây để thực hiện việc hy sinh; cả chúng con cũng bỏ những trái vả vào giỏ để cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Giaxinta đã thực hiện nhiều hy sinh như thế rất là thường, nhưng con xin thôi không kể đến nữa kẻo con sẽ không bao giờ ngừng được.

Đó là cách Giaxinta đã sống hằng ngày của mình cho đến khi Chúa gửi đến cho em chứng bệnh cúm làm em phải nằm yên ở trên giường, cả anh Phanxicô của em cũng bị nữa. Tối hôm trước khi ngã bệnh, em đã nói rằng:

- Em cảm thấy nhức đầu quá đi và rất là khát nước! Thế nhưng em sẽ không uống nước, vì em muốn chịu khổ cho các tội nhân.

Tuy nhiên, Giaxinta đã khá hơn một chút. Em thậm chí đã có thể chỗi dậy và nhờ đó có thể bỏ cả ngày ra ngồi bên giường của Phanxicô. Một lần kia em nhắn con tới gặp em lập tức. Con chạy ngay lại. Em đã nói với con rằng:

- Đức Bà đã đến gặp em. Người bảo cho chúng ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa Người sẽ đến đem anh Phanxicô về trời, và Người hỏi em rằng em có còn muốn hoán cải các tội nhân hay chăng. Em đã nói rằng có. Người bảo em là em sẽ phải đi đến nhà thương, ở đó em sẽ chịu nhiều đau khổ; và em phải chịu khổ để hoàn cải các tội nhân, hầu đền tạ tội lỗi đã phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria và vì yêu Chúa Giêsu. Em hỏi Người là chị có đi với em không. Người nói là không, và đó là những gì em cảm thấy khó nhất. Người nói rằng mẹ em sẽ đưa em đi, rồi em sẽ phải ở lại đó một mình!

Nói xong em ngẫm nghĩ một chút rồi thêm:

- Giá chị có thể ở với em nhỉ! Chỗ khó nhất đó là đi không có chị…. Thế nhưng không sao! Em sẽ chịu vì yêu Chúa, để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu cho các tội nhân cũng như cho Đức Thánh Cha.

Vào lúc người anh của em về trời, em đã tỏ cho anh những lời nhắn gửi này:

- Anh hãy dâng lên Chúa và Mẹ tất cả tình yêu của em nhé, và thưa với các Ngài rằng em sẽ chịu khổ bao lâu các Ngài muốn, để cầu cho các tội nhân ăn năn hối cải cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Giaxinta đã hết sức đau khổ trước cái chết của Phanxicô. Em cảm thấy vô cùng thấm thía trong lòng một thời gian dài, đến nỗi nếu có ai hỏi em đang nghĩ gì thì em đáp: ‘Nghĩ về Phanxicô. Con hy sinh tất cả để mong gặp lại anh!’ Rồi em rướm nước mắt.

Ngày kia con nói với em rằng: 

- Giờ đây chẳng còn bao lâu nữa em sẽ về trời. Thế còn chị thì sao đây!

- Tội nghiệp cho chị! Chị đừng có khóc! Em sẽ cầu thật nhiều cho chị khi em lên đó. Phần chị, đó là cách Đức Mẹ muốn chị phải sống. Nếu Người muốn điều ấy cho em, em sẽ hân hoan ở lại để chịu đau khổ hơn nữa cho các tội nhân.

Ngày Giaxinta phải đi nhà thương đã đến. Ở đó em thật sự đã phải chịu đựng rất nhiều. Khi mẹ em đến thăm em, bà hỏi em có cần gì chăng. Em nói rằng em muốn gặp con. Đây không phải là một điều dễ dàng đối với dì của con, song dì cũng đem con đi ngay khi có dịp. Vừa thấy con, em đã hớn hở ôm chầm lấy con, và nói với mẹ của em hãy đi mua đồ và để con lại với em. Con hỏi thăm em có khổ đau nhiều lắm chăng. Em đáp:

- Có chứ. Thế nhưng em dâng tất cả mọi sự để cầu cho các tội nhân cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

Thế rồi, đầy nhiệt tình, em đã nói về Chúa và Đức Mẹ như sau:

- Ôi em yêu thích được chịu khổ vì yêu các Ngài biết bao, chỉ để làm cho các Ngài hài lòng mà thôi! Các Ngài rất yêu thương những ai chịu khổ cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.

Em được trở về nhà với cha mẹ em trong một thời gian. Em có một vết thương lớn ở ngực cần phải được chữa trị hằng ngày, nhưng em đã chịu đựng không hề phàn nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào. Điều làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường xuyên và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em, những người em không thể nào tránh né được nữa.

- Em cũng dâng cả những hy sinh này nữa để cầu nguyện cho các tôi nhân ơn ăn năn hối cải.

Có lần dì của con xin con một điều “Cháu hỏi xem Giaxinta nghĩ gì khi nó lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu. Dì đã hỏi nó nhưng nó chỉ mỉm cười không nói năng gì”. Con đã hỏi Giaxinta. Em trả lời con như sau:

- Em nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ, đến các tội nhân, và đến… (em đề cập tới một số điều của Bí Mật). Em thích suy nghĩ.

Một lần nữa, Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến thăm Giaxinta, để nói với em về những thánh giá mới cùng những hy sinh mới đang chờ đợi em. Em đã cho con biết những điều ấy mà rằng:

- Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác; rằng em sẽ không thấy chị nữa, cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa, và sau khi đã chịu nhiều đau khổ, em sẽ chết cô đơn một mình. Thế nhưng Người nói rằng em không cần gì phải sợ hãi, vì chính Người đến đem em về trời.

Em đã ôm ghì lấy con mà khóc:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Chị sẽ không đến đó thăm em. Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em, vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!

Giaxinta đã chịu đựng kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn liền lấy con mà khóc nấc lên:

- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Không bao giờ được thấy mẹ em nữa, các anh của em nữa, cha của em nữa! Em sẽ không bao giờ được thấy mọi người nữa! Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một thân một mình.

Một hôm con khuyên em:

- Em đừng nghĩ đến nó nữa.

Em trả lời:

- Hãy để em nghĩ đến nó, vì càng nghĩ em càng khổ, song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các tội nhân. Dù vậy, em cũng không sao! Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa em về trời.

Có những lúc em hôn và ôm cây thánh giá mà than lên rằng:  

“Ôi Chúa Giêsu ơi! Con yêu Chúa, và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa”. Em rất thường hay nói rằng: “Ôi Chúa Giêsu! Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!”

Cuối cùng ngày em phải bỏ nhà đi Lisbon đã đến (21/2/1920). Thật là một cuộc giã biệt đoạn trường. Em đã ôm chặt lấy con rất lâu mà khóc nấc lên:

"Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa! Xin chị cầu nguyện nhiều cho em cho đến khi em về trời. Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe, dù họ có giết chị đi nữa. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều, và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân”.

Tóm lại, theo dự án và công cuộc cứu độ thần linh vô cùng huyền nhiệm của vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn 4:8,16), Đấng đã dựng nên con người là để cho họ được sống, được muôn đời hiệp thông với Ngài, Đnấg vô cùng toàn năng và khôn ngoan, thì con số được cứu độ, theo người viết này, nhiều hơn là ít, nhiều thật là nhiều, "như sao trời cát biển" trong đại dương bao la và vũ trụ bất tận của Lòng Thương Xót Chúa!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL