Sau một cuộc điều tra thật dài, bắt đầu từ năm 1892, mãi tới năm 2004, Đức Gioan Phaolô II mới phong chân phúc cho vị nữ tu Dòng Augustinô người Đức tên là Anne Catherine Emmerich. Bà vừa là người được ngất trí, vừa được in năm dấu như Thánh Phanxicô Assisi. Ngay từ lúc nhập tu viện Agnetenberg, Dulmen, bà đã có những sức mạnh lạ lùng, tiên đoán trước cả 12 năm ngày Napoleon bị hạ bệ. Bà chẩn đúng bệnh bất cứ ai đến xin giúp đỡ và cho thuốc giúp họ khỏi bệnh. Cả hai ủy ban đạo đời cũng không tìm thấy bất cứ điều gì dối trá trong các thành tích kỳ diệu của bà.
Điều kỳ diệu hơn nữa là bà được thị kiến cuộc đời của Đức Mẹ và cuộc đời của Chúa Giêsu từ đầu đến cuối. Chính các thị kiến của bà đã dẫn những nhà thám hiểm Kitô Giáo tìm ra căn nhà của Đức Mẹ tại Êphêsô, và đã gợi hứng cho Mel Gibson sản xuất cuốn phim nổi tiếng gần đây “The Passion of Christ”.
Các thị kiến ấy được thi sĩ nổi danh Clemens Brentano ghi lại và cho phổ biến, mà cuốn đầu nói về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Các thị kiến này bao gồm những hình ảnh hết sức sống động khiến người đọc hết sức say mê. Cũng chính nét sống động này đã giúp các nhà thám hiểm tìm ra ngôi nhà Đức Mẹ trước khi ngài lên trời tại Êphêsô, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, dù cả Emmerich lẫn Brentano chưa bao giờ thăm viếng nơi đó; vả lại nơi đó, lúc ấy, chưa được khai quật. Dù Giáo Hội chưa công nhận chính thức tính chân thực của ngôi nhà, nhưng năm 1896, Đức Lêô XIII đã viếng thăm ngôi nhà này; năm 1951, Đức Piô XII tuyên bố nó là Nơi Thánh; Đức Phaolô VI viếng nó năm 1967, Đức Gioan Phaolô II viếng nó năm 1979 và Đức Bênêđíctô viếng nó năm 2006, coi nó như một đền thánh.
Dù không dựa vào các thị kiến này để phong chân phúc cho bà, mà dựa vào lối sống gương mẫu, anh hùng của bà, Toà Thánh vẫn coi các trước tác ghi lại các thị kiến ấy như “một lời công bố Tin Mừng phi thường để phục vụ ơn cứu rỗi”.
Nhân dịp Tuần Thánh năm 2011, chúng tôi xin lược dịch phần thị kiến nói về việc Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua và việc Người lập phép Thánh Thể. Trước khi vào chính thị kiến, cũng nên nói qua: ta sẽ gặp một số dị biệt so với trình thuật của Tin Mừng. Chân phúc Emmerich thấy các biến cố quanh Bữa Tiệc Ly theo thứ tự sau đây: Chiên vượt qua được sát tế và được chuẩn bị tại phòng tiệc ly; Chúa Giêsu đọc một diễn từ nhân dịp này (các thực khách mặc theo lối du hành, đứng mà ăn thịt chiên cũng như các thức ăn theo luật; ly rượu được trình cho Chúa Giêsu 2 lần, nhưng Người không uống nó lần thứ hai; phân phối ly rượu cho các tông đồ, Người nói với họ: Thầy sẽ không uống sản phẩm này của cây nho… Rồi các ngài ngồi xuống; Chúa Giêsu nói về tên phản bội; Thánh Phêrô sợ có thể là mình; Giuđa nhận mẩu bánh đã chấm của Chúa, dấu chỉ là chính hắn; chuẩn bị rửa chân; Thánh Phêrô không muốn chân mình được rửa; rồi tới việc lập Thánh Thể: Giuđa có hiệp lễ, sau đó mới rời căn phòng; các thứ dầu được thánh hiến, và Chúa cho chỉ thị về chúng; Thánh Phêrô và các tông đồ khác được thụ phong; Chúa Giêsu ban huấn từ cuối cùng; Thánh Phêrô phản đối cho hay sẽ không bao giờ bỏ Người; rồi Bữa Tiệc Ly kết thúc.
Thứ tự này xem ra có vẻ đi ngược với trình thuật Mátthêu (26:29) và Máccô, trong đó, câu: Thầy sẽ không uống sản phẩm này của cây nho… xẩy ra sau khi truyền phép. Nhưng thực ra, trong trình thuật Luca, nó cũng xẩy ra trước. Ngược lại, những gì liên quan tới tên phản bội Giuđa đều xẩy ra trước truyền phép, giống Mátthêu và Máccô, nhưng Luca lại để chúng về phía sau. Thánh Gioan, người không thuật lại lịch sử việc lập Thánh Thể, đã cho hiểu là Giuđa rời phòng Tiệc Ly ngay sau khi Chúa Giêsu trao cho hắn mẩu bánh đã chấm. Nhưng theo các soạn già Tin Mừng khác, xem ra Giuđa “rước lễ” dưới cả hai hình; một số giáo phụ như Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô Cả, Thánh Lêô Cả, cũng như truyền thống Giáo Hội Công Giáo nói chung cũng nghĩ vậy… Thành thử phải kết luận rằng các tác giả thánh chỉ chú trọng tới trình thuật như một toàn bộ, không chú trọng tới thứ tự các chi tiết. Và thị kiến của chân phúc Emmerich cũng thế.
Chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua
Chân phúc Emmerich thị kiến đầy đủ các chi tiết từ lúc các Tông Đồ lo chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua. Ngày 13 tháng Nisan (Thứ Năm Tuần Thánh), Chúa Giêsu cho vời Phêrô, Giacôbê và Gioan và cho các ông hay mọi chi tiết liên quan đến việc chuẩn bị cho bữa ăn Vượt Qua và sai các ông vào Giêrusalem, gặp người đàn ông mang vò nước. Chân phúc Emmerich cho hay: các tông đồ từng biết người này vì năm trước, anh ta đã chuẩn bị bữa Vượt Qua cho Chúa Giêsu tại Bêtania.
“Tôi thấy hai Tông Đồ leo về hướng Giêrusalem, dọc theo một khe núi, tới phía nam Đền Thờ, và theo hướng bắc núi Sion. Trên sườn phía nam của ngọn núi nơi có Đền Thờ, có một số dẫy nhà; và hai vị bước đối diện những căn nhà này, theo dòng một con suối cắt ngang. Khi họ tới đỉnh Núi Sion, là đỉnh cao hơn núi Đền Thờ, họ quay về hướng nam, và ngay ở khoảng đầu một con dốc nhỏ, họ gặp người đàn ông đã quen biết; họ đi theo và nói với người này như Chúa Giêsu đã truyền. Người này rất hài lòng về lời lẽ của hai vị và trả lời rằng một bữa ăn tối đã được đặt và được chuẩn bị tại nhà anh ta (có lẽ bởi Nicôđêmô), nhưng anh không biết là cho ai, nên rất vui khi biết đó là Chúa Giêsu. Người đàn ông này tên là Heli. Anh ta là em rể của Giacari ở Hêbron, người mà tại nhà ông năm trước, Chúa Giêsu từng công bố cái chết của Gioan Tẩy Giả. Anh ta chỉ có một con trai làm thầy Lêvi và là bạn của Thánh Luca, và 5 cô con gái không kết hôn. Hàng năm, anh ta cùng đầy tớ lên Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua, thuê một căn phòng và chuẩn bị bữa Vượt Qua cho những người không có bạn bè ở trong Thành để cư ngụ với. Năm nay, anh ta thuê một căn phòng vốn thuộc quyền của Nicôđêmô và Giuse người Arimatêa. Anh ta chỉ cho hai tông đồ địa điểm căn phòng”.
Phòng tiệc ly nằm ở phía nam Núi Sion, không xa Lâu Đài Đavít đã đổ nát và là nơi cư ngụ của các tướng sĩ gan dạ của Đavít ngày trước. Trước khi xây Đền Thờ, Hòm Bia Giao Ước từng được đặt khá lâu tại đây và “dấu tích của nó vẫn còn được nhận ra trong căn phòng phía dưới. Tôi cũng thấy Tiên Tri Malaki trốn dưới mái căn phòng này và chính tại đây, ngài viết các lời tiên tri liên quan tới Phép Thánh Thể và Hy Lễ của Lề Luật Mới”.
Rồi các môn đện tới nhà của ông già Simêong, người đã qua đời, nhưng các con trai của ông còn sống tại đó. Họ đều là môn đệ trong bí mật của Chúa Giêsu. Các môn đệ nói với một trong số họ. Anh này ra chợ súc vật và mua đem tới phòng tiệc ly 4 con chiên. “Vào buổi chiều, tôi thấy anh ta tại phòng tiệc ly, bận bịu chuẩn bị Chiên Vượt Qua”.
“ Tôi cũng thấy Phêrô và Gioan tới lui một vài nơi trong thành để đặt mua một số đồ. Tôi thấy hai vị đứng trước cửa một căn nhà tọa lạc tại phía bắc Núi Canvariô, nơi các môn đệ của Chúa Giêsu thường hay cư ngụ, và căn nhà này của Seraphia (sau này có tên là Vêrônica)… Chồng bà, một thành viên của hội đồng, thường vắng nhà vì việc làm ăn, mà dù có ở nhà, thì bà cũng ít được gặp ông. Bà là một phụ nữ gần bằng tuổi Đức Mẹ, và có liên hệ với Thánh Gia từ lâu; vì khi Con Trẻ Giêsu ở lại Giêrusalem 3 ngày sau ngày lễ, chính bà đã cung cấp thực phẩm cho Người”.
Trong số vật dụng các môn đệ nhận được từ căn nhà này là chiếc chén đặc biệt qúy giá mà Chúa Giêsu sẽ dùng khi lập Phép Thánh Thể. Chân Phúc Emmerich bảo rằng chiếc chén này “bề ngoài coi hết sức kỳ diệu và đầy mầu nhiệm. Nó từng được giữ lâu đời tại Đền Thờ trong số những đồ vật qúy giá rất cổ xưa, không ai biết nguồn gốc của nó ra sao”. Lâu đời, người ta quên khuấy cả nó. Tình cờ một tư tế khám phá ra nó trong số các đồ vật phế thải, ông đem bán cho người chuyên mua đồ cổ. Rồi Seraphia mua được. Chúa Giêsu từng sử dụng nó nhiều lần khi cử hành các ngày lễ.
Bà cũng bảo rằng: chiếc chén này trước đây vốn của Menkixêđê. Vị thượng tế này đem nó theo mình từ đất Semiramis vào đất Canaan, sử dụng nó để dâng hy lễ khi ông dâng bánh và rượu nho trước mặt Ápraham, và sau đó, để lại cho vị tổ phụ này. Chén ấy cũng đã được bảo toàn trong Thuyền Nôê.
Chúa Giêsu lên Giêrusalem
Vào buổi sáng, khi các tông đồ đang bận chuẩn bị Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem, thì Chúa Giêsu, lúc ấy đang ở Bêtania, nói lời từ giã đầy xúc động với các phụ nữ thánh thiện, với Ladarô, và với Mẹ Thánh của Người, và cho họ một vài nhắn nhủ sau cùng. Tôi thấy Chúa chúng ta đàm đạo riêng với Mẹ của Người, cho Mẹ của Người hay Người đã sai Phêrô, người tông đồ của đức tin, và Gioan, người tông đồ của đức mến, đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Khi đề cập tới Mađalêna, người phụ nữ sầu buồn thái quá, Người cho hay tình yêu của bà lớn thật, nhưng hơi chút con người quá, và về điểm này, nỗi sầu buồn đã làm bà mất tự chủ. Người cũng nói tới các ý đồ của tên phản bội Giuđa… Hắn lại đã bỏ Bêtania để đi Giêrusalem, lấy cớ là đi trả các món nợ đã đến hẹn. Nhưng thực ra, suốt ngày, hắn đi tới đi lui gặp các người Biệt Phái, hết người này đến người nọ, sau cùng mới đạt được thỏa hiệp. Hắn được chỉ cho gặp các binh lính có nhiệm vụ bắt Chúa Giêsu… Tôi thấy rõ mọi ý đồ xấu xa và mọi suy nghĩ của hắn. Bình thường hắn rất hoạt bát và sốt sắng, nhưng những đức tính này đã bị chết ngạt bởi lòng hà tiện, tham vọng và ganh tị, những dục vọng mà hắn không bao giờ cố gắng kiểm soát…
Khi Chúa cho Mẹ Thánh của Người biết mọi điều sẽ xẩy ra, Mẹ của Người khẩn khoản xin được cùng chết với Người. Nhưng Người khuyên Đức Mẹ nên tỏ ra bình tĩnh trong cơn đau buồn hơn các phụ nữ khác, cho Đức Mẹ hay: Người sẽ trỗi dậy và nói rõ tên nơi Người sẽ hiện ra với Đức Mẹ. Đức Mẹ không khóc nhiều nhưng nỗi sầu của ngài thì không ai tả cho xiết được, và có một điều gì đó gần như khủng khiếp trong ánh mắt đầy ưu tư của ngài. Chúa chúng ta, trong tư cách người con yêu dấu, cám ơn Đức Mẹ về mọi niềm yêu thương Đức Mẹ đã dành cho Người, rồi ôm hôn Đức Mẹ thật thắm thiết…
Vào khoảng 12 giờ trong ngày, Chúa Giêsu và 9 tông đồ từ Bêtania lên đường đi Giêrusalem, theo sau là 7 môn đệ, là những người xuất thân từ Giêrusalem và vùng lân cận, ngoại trừ Nathanien và Sila… Các phụ nữ thánh thiện sau đó mới lên đường.
Chúa Giêsu và những người đồng hành băng qua Núi Cây Dầu, theo ngả thung lũng Giosaphát, tới tận Núi Canvariô. Trong suốt hành trình này, Người không ngừng dạy dỗ mọi người. Người cho các Tông Đồ hay cho tới lúc này, Người cho họ bánh và rượu, nhưng hôm nay, Người sắp ban cho họ Mình và Máu Người, trọn con người của Người: mọi sự Người có và mọi sự Người là. Khi Người nói, sắc diện của Chúa mang một nét cảm kích đến nỗi trọn linh hồn Người xem như được thoát thành hơi thở qua làn môi. Người như mòn mỏi vì yêu ta và những mong đến giây phút được hiến thân cho nhân loại. Các môn đệ của Người không hiểu Người, nên nghĩ rằng Người đang nói về Con Chiên Vượt Qua. Không lời nói nào có thể giải thích thỏa đáng tấm tình yêu và lòng nhịn nhục vô bờ được phát biểu trong các diễn từ sau cùng này của Chúa chúng ta tại Bêtania, và trên đường Người tới Giêrusalem.
Bẩy môn đệ trước đây từng theo chân Chúa tới Giêrusalem thì lần này không đi tới đó cùng với Người, nhưng đem các y phục hành lễ cho Bữa Vượt Qua tới phòng tiệc ly, và sau đó trở lại nhà của Bà Maria, mẹ Thánh Máccô. Khi Thánh Phêrô và Thánh Gioan mang chiếc chén tới phòng tiệc ly, tất cả y phục hành lễ đã có sẵn ở phòng ngoài rồi, do các môn đệ và một số người đồng hành mang tới. Họ cũng đã treo các tấm vải xếp nếp lên tường, mở rộng các cánh cửa sổ cao ở hai bên, và treo ba cây đèn. Thánh Phêrô và Thánh Gioan, sau đó, tới Thung Lũng Gioasaphát để mời Chúa Giêsu và các tông đồ. Các môn đệ và bằng hữu, tức những người cũng tổ chức Lễ Vượt Qua tại phòng tiệc ly, thì đến sau.
Bữa Vượt Qua Sau Cùng
Chúa Giêsu và các môn đệ ăn Chiên Vượt Qua tại phòng tiệc ly. Các vị được chia thành 3 nhóm. Chúa Giêsu ăn Chiên Vượt Qua với 12 Tông Đồ tại chính phòng tiệc ly; Nathanien và 12 môn đệ khác ăn tại một trong các phòng bên cạnh, còn Eliacim (con trai Clêôpát và Maria, con gái Hêli) trước đây vốn là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, cùng với 12 người nữa ăn tại một phòng bên cạnh khác.
Ba con chiên được sát tế cho họ trong Đền Thờ, còn con thứ tư thì được sát tế ngay tại phòng tiệc ly, và là con được Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ ăn. Giuđa không biết tình thế ấy, vì còn đang mải mê âm mưu phản bội Chúa. Anh ta chỉ trở lại trong giây lát trước bữa ăn, và sau khi con chiên đã được sát tế. Cảm động nhất là khung cảnh sát tế con chiên được Chúa Giêsu và các Tông Đồ của Người ăn; khung cảnh này diễn ra tại gian ngoài của phòng tiệc ly. Các tông đồ và môn đệ đều có mặt và cùng hát Thánh Vịnh 118. Chúa Giêsu nói đến một thời kỳ mới đang khởi đầu. Người cho hay: hy lễ của Môsê và hình ảnh Chiên Vượt Qua sắp sửa tiếp nhận sự nên trọn của chúng, nhưng cũng chính vì vậy, con chiên phải được sát tế y hệt như cách đã sát tế ngày xưa tại Ai Cập, và họ sắp sửa được thực sự thoát khỏi nhà nô lệ.
Các đồ đựng và vật dụng khác được chuẩn bị, rồi các người phụ việc đem vào một con chiên con rất xinh, đầu đội một vòng hoa, mà người ta đã mang tới cho Đức Mẹ tại căn phòng ngài cư ngụ cùng với các phụ nữ thánh thiện khác. Người ta trói lưng con chiên vào một tấm ván bằng một sợi dây vòng quanh thân nó. Điều này làm tôi nhớ đến cảnh Chúa Giêsu bị trói vào cột đá và bị đánh đòn. Con trai ông Simêong giữ chặt đầu con chiên; Chúa Giêsu dùng đầu con dao vạch một đường nhỏ vào cổ chiên, sau đó, đưa con dao cho con trai ông Simêong để anh ta kết thúc việc sát tế. Rõ ràng Chúa Giêsu cực chẳng đã mới gây ra vết thương, nên Người làm hành vi đó rất nhanh, mặc dù sắc diện Người rất nghiêm trọng, và phong thái Người khiến người ta kính phục. Máu chiên chẩy vào một chiếc chậu. Các người phụ việc mang tới một nhành hương thảo. Chúa Giêsu nhúng nhành này vào máu chiên. Rồi Người tiến tới cửa phòng, lấy máu ấy bôi lên cột cửa và ổ khóa rồi để nhành hương thảo đã nhúng máu lên trên cửa. Sau đó, Người nói với các môn đệ, cho họ hay: thiên thần diệt sinh sẽ đi qua, còn họ cứ an tâm thờ phượng ở trong phòng. Khi chính Người, Chiên Vượt Qua thực sự được sát tế, một thời đại mới và một hy lễ mới sẽ bắt đầu và sẽ kéo dài đến ngày tận thế.
Sau đó, các vị tiến qua phía kia của căn phòng, gần khu vực lò nấu nơi trước đây vốn đặt Hòm Bia Giao Ước. Người ta đã đốt lửa tại đây. Chúa Giêsu nhỏ một ít máu trên lò sưởi, cung hiến nó làm bàn thờ; số máu còn lại và mỡ béo được ném vào lửa bên dưới bàn thờ. Sau đó, Chúa Giêsu, có các Tông Đồ đi theo, bước quanh phòng tiệc ly, vừa đi vừa hát các thánh vịnh và cung hiến phòng này làm Đền Thờ mới. Trong suốt thời gian này, các cửa ra vào đều được đóng kín. Trong khi ấy, con trai ông Simêong đã hoàn tất việc chuẩn bị con chiên. Anh thọc một chiếc gậy qua mình nó, cột hai chân trước vào một chạc cây, rồi kéo hai chân sau dọc theo chiếc gậy. Trông nó thật giống Chúa Giêsu trên thánh giá. Rồi người ta đặt nó vào lò nướng cùng với 3 con chiên khác đem từ Đền Thờ về.
Các Con Chiên Vượt Qua của người Do Thái đều được sát tế ở tiền đình Đền Thờ, nhưng ở nhiều chỗ khác nhau, tùy theo người ăn chúng giầu, nghèo hay là người ngoại quốc. Chiên Vượt Qua của Chúa Giêsu không được sát tế ở Đền Thờ, nhưng mọi điều khác đều được thi hành hoàn toàn theo luật. Chúa Giêsu một lần nữa lại nói với các môn đệ, cho họ hay con chiên chỉ là một hình ảnh, Người mới thực sự là Chiên Vượt Qua vào ngày hôm sau…
Khi Chúa Giêsu đã kết thúc các giáo huấn của Người liên quan đến Chiên Vượt Qua và ý nghĩa của nó, thì giờ đã đến, vả lại Giuđa cũng vừa trở về, thế là các bàn được dọn lên. Các môn đệ mặc quần áo di hành đã để sẵn ở phòng ngoài, gồm giầy, áo thụng màu trắng trông giống như áo sơ-mi, áo khóac, ngắn về phía trước, dài về phía sau, tay áo rộng và được cuộn lên và họ cột chặt áo sống của họ ngang thắt lưng. Mỗi nhóm vào bàn của mình; hai nhóm môn đệ ở phòng bên cạnh, còn Chúa chúng ta và các Tông Đồ của Người thì ở phòng tiệc ly. Các vị cầm gậy trong tay, và từng hai vị một tiến vào bàn, mỗi vị đứng vào một chỗ dành riêng…
Đây là một chiếc bàn hẹp, cao hơn đầu gối chừng nửa bộ Anh (foot); hình thù nó giống như chiếc móng ngựa, và đối diện với Chúa Giêsu, ở phần nửa vòng cung phía trong, có một khoảng trống để người giúp việc đem đồ ăn vào. Theo trí nhớ của tôi, các thánh Gioan, Giacôbê Tiền, và Giacôbê Hậu ngồi bên phải Chúa Giêsu; sau các vị là Thánh Barthôlômêô, và chính góc là Thánh Tôma và Giuđa Iscariốt. Các thánh Phêrô, Anđrê và Thađêô ngồi bên trái Chúa Giêsu; sau đó là Thánh Simong, và ở góc là 2 thánh Mátthêu và Philíp.
Chiên Vượt Qua được trưng trên một chiếc đĩa đặt ở giữa bàn. Đầu nó tựa trên 2 chân trước vốn được cột vào chạc gỗ, 2 chân sau được kéo thẳng ra, và đĩa này được bày biện thêm những nhánh tỏi. Bên cạnh đó, có đĩa thịt nướng Vượt Qua, rồi một đĩa gồm nhiều thứ rau xanh cân đối với nhau, và một đĩa khác gồm nhiều bó rau đắng nhỏ, trông giống các thứ dược thảo có mùi thơm. Đối diện với Chúa Giêsu cũng còn một đĩa gồm nhiều thứ dược thảo khác, và một đĩa thứ hai chứa một thứ nước chấm hay nước uống mầu nâu. Trước mặt các thực khách là một số ổ bánh tròn chứ không phải đĩa, và các vị dùng dao cắt bằng ngà.
Sau lời cầu nguyện, người quản tiệc đặt con dao để cắt thịt chiên lên bàn trước mặt Chúa Giêsu. Người đặt một ly rượu trước mặt mình, rồi đổ rượu đầy vào 6 chiếc ly khác, mỗi ly đặt giữa 2 Tông Đồ. Chúa Giêsu làm phép rượu rồi uống, còn các Tông Đồ thì cứ 2 vị uống chung một ly. Sau đó, Chúa tiến ra cắt thịt chiên; các Tông Đồ lần lượt trình các mẩu bánh của mình để nhận phần thịt. Các vị ăn vội vàng, dùng dao bằng ngà tách thịt ra khỏi xương là chất sẽ được thiêu sau đó. Các vị cũng ăn tỏi và rau xanh một cách vội vã, sau khi nhúng chúng vào nước chấm. Đến lúc này, các vị vẫn đứng, chỉ hơi tựa nhẹ vào lưng ghế. Chúa Giêsu bẻ một trong các ổ bánh không men, dấu đi một phần, rồi chia phần kia cho các Tông Đồ. Một ly rượu nữa đã được đem tới, nhưng Chúa Giêsu không uống ly này. Người nói: “Các con hãy cầm lấy chén này và chia nhau, vì Thầy sẽ không uống sản phẩm này của cây nho, cho tới ngày Thầy cùng các con uống rượu mới trên nước Cha Thầy” (Mt 26:29). Khi đã uống rượu xong, các vị hát một thánh vịnh; rồi Chúa Giêsu cầu nguyện hay giảng dạy, và sau đó, các vị rửa tay. Và rồi ngồi xuống.
Chúa chúng ta xẻ thịt con chiên thứ hai, là con chiên đã được mang tới chỗ các phụ nữ thánh thiện cư trú, nơi hiện các vị cũng đang ngồi bàn. Các Tông Đồ dùng thêm một ít rau và rau diếp. Sắc diện Chúa Cứu Thế của chúng ta mang một nét thanh thản và suy tư thật khó tả, cao cả hơn là tôi từng thấy xưa nay. Người khuyên các Tông Đồ quên hết mọi âu lo của họ. Đức Mẹ cũng thế, khi ngồi cùng bàn với các phụ nữ khác, trông ngài thật bình yên và thanh thản. Lúc các phụ nữ tới gần, đụng nhẹ vào khăn che mặt để xin ngài quay về hướng họ và nói với họ, các cử động của ngài cũng nói lên một thái độ tự chủ và một tình thần bình thản rất dịu dàng.
Khởi đầu, Chúa Giêsu âu yếm và bình thản chuyện trò với các môn đệ, nhưng sau đó không lâu, Người trở nên nghiêm nghị và buồn rầu mà phán: “Thật, Thầy bảo thật với các con, một trong các con sắp phản bội Thầy… Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26:21, 23). Rồi Chúa Giêsu phân phối rau diếp cho các Tông Đồ bên cạnh Người, vì chỉ có một đĩa rau diếp mà thôi, rồi Người trao cho Giuđa, kẻ ngồi gần như đối diện với Người, để hắn phân chia cho những người khác. Khi nói tới kẻ phản bội, một tin khiến mọi Tông Đồ đều lo sợ, Chúa Giêsu chỉ nói rằng: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy…” nghĩa là “một trong nhóm 12 đang ăn và uống với Thầy, một trong những kẻ Thầy đang cùng ăn bánh”. Chứ Người không chỉ thẳng Giuđa cho người khác thấy qua những lời lẽ ấy; vì kiểu nói “giơ tay chấm chung một đĩa” vốn được dùng để chỉ mối liên hệ bằng hữu và thân mật nhất. Tuy nhiên, Người muốn cảnh cáo Giuđa, kẻ vào chính lúc ấy đang thực sự giơ tay chấm chung một đĩa với Chúa Cứu Thế của chúng ta… Chúa Giêsu nói tiếp: “Đã hẳn, Con Người phải ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn’.
Các Tông Đồ hết sức bối rối, và hết người này tới người khác lên tiếng hỏi: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” vì quả tình các vị biết rõ mình hoàn toàn không hiểu được lời lẽ của Người. Thánh Phêrô quay về hướng Thánh Gioan, từ phía sau Chúa Giêsu, và ra hiệu cho Thánh Gioan hỏi xem kẻ phản bội là ai, vì, sau khi bị Chúa quở nhiều lần, ngài sợ có khi Chúa ám chỉ mình chăng. Thánh Gioan ngồi bên tay phải Chúa Giêsu, và vì mọi người tựa trên cánh tay trái của mình và chỉ dùng tay phải để ăn, nên đầu của ngài rất gần với ngực Chúa Giêsu. Ngài tựa vào lòng Chúa và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy Thầy?” Tôi không thấy Chúa máy môi nói với Thánh Gioan “Đó là kẻ Thầy trao mẩu bánh đã chấm”. Tôi không biết có phải Người nói nhỏ với Thánh Gioan hay không, nhưng vị thánh này hiểu rõ khi Chúa Giêsu chấm mẩu bánh được bọc bằng rau diếp và âu yếm đưa cho Giuđa, kẽ cũng từng hỏi: “Lạy thầy, chẳng lẽ con sao?”. Chúa Giêsu yêu thương nhìn anh ta, và trả lời anh ta một cách chung chung. Đối với người Do Thái, cho ai mẩu bánh đã chấm là dấu chỉ tình bằng hữu và tin tưởng; trong dịp này, Chúa Giêsu ban mẩu bánh ấy cho Giuđa, mục đích nhờ thế mà cảnh cáo anh ta, chứ không muốn cho người khác thấy tội lỗi của anh ta. Nhưng tâm hồn Giuđa chỉ bừng bừng một nỗi giận hờn, và trong suốt bữa ăn, tôi chỉ thấy một khuôn hình nhỏ thó đầy khiếp hãi ngồi dưới chân hắn, đôi khi leo lên tận trái tim hắn. Tôi không thấy Thánh Gioan nhắc lại điều ngài nghe biết từ Chúa Giêsu, nhưng nỗi sợ của ngài rõ ràng đã tan biến.
Rửa chân
Rồi các vị rời khỏi bàn ăn, và trong khi các vị xếp lại y phục như vẫn thường làm trước khi tham dự lời cầu nguyện long trọng, người quản tiệc cùng các người phục dịch khác tới khiêng bàn ăn đi. Đứng giữa các Tông Đồ, Chúa Giêsu nói một lúc lâu với các vị một cách hết sức long trọng. Tôi không tài nào nhắc lại nguyên văn các lời lẽ của Người, nhưng tôi nhớ: Người nói về nước của Người, về việc Người đi về cùng Cha của Người, về điều Người để lại cho họ khi sắp sửa bị điệu đi…
Người cũng dạy dỗ họ ít điều về đền tội, xưng thú tội lỗi mình, ăn năn và công chính hóa.
Tôi cảm thấy các lời giáo huấn này có ý nhắc đến việc rửa chân, nên tôi thấy các Tông Đồ đều nhìn nhận tội lỗi mình, ăn năn vì chúng, ngoại trừ Giuđa. Huấn từ của Chúa Giêsu khá dài và long trọng. Kết thúc rồi, Chúa Giêsu sai Thánh Gioan và Thánh Giacôbê Hậu đi lấy nước từ phòng ngoài, đồng thời sai các Tông Đồ sắp xếp chỗ ngồi thành nửa vòng tròn. Chính Người ra phòng ngoài, nơi Người cột ngang lưng một khăn lau. Trong lúc ấy, các Tông Đồ đấu láo với nhau và bắt đầu đoán phỏng xem ai là người lớn nhất, vì Chúa đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng Người sắp lìa xa họ và nước của Người sắp sửa gần tới rồi, nên họ cảm thấy vững tin như mới trước ý nghĩ Chúa đã có những kế hoạch bí mật, và giờ đây Người đang nói tới một chiến thắng trần thế vốn là của họ vào giờ phút sau cùng.
Giữa lúc đó, ở phòng ngoài, Chúa Giêsu bảo Thánh Gioan lấy một chiếc chậu, còn Thánh Giacôbê thì lấy một chiếc bình đầy nước. Với các vật dụng ấy, các vị theo Người vào phòng trong, nơi người quản gia đã để sẵn một chậu trống khác.
Trở lại với các môn đệ với một cử chỉ hết sức khiêm hạ như thế, Chúa Giêsu lên tiếng nói với họ mấy lời trách móc về việc các vị tranh luận với nhau. Người cho các vị hay chính Người cũng chỉ là người phục dịch và Người bảo các vị ngồi xuống để Người rửa chân cho. Bởi vậy, các vị ngồi xuống theo cùng một thứ tự như lúc ở bàn ăn. Chúa Giêsu đi tới từng vị một, đổ nước lên chân từng vị từ chậu nước mà Thánh Gioan mang theo, rồi lấy khăn mà Người vốn gài ở thắt lưng mà lau chân cho các vị. Tác phong của Chúa Giêsu hết sức âu yếm và dịu dàng khi khiêm nhường dưới chân các Tông Đồ.
Khi đến lượt Thánh Phêrô, vì khiêm nhường, ngài cố gắng ngăn không cho Chúa Giêsu rửa chân mình. Ngài kêu lên: “Lạy Thầy, Thầy mà rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu đáp: “Điều Thầy làm, bây giờ con không hiểu đâu, nhưng sau này, con sẽ hiểu”. Tôi thấy như Chúa nói riêng với ngài: “Này Simong, con đáng được Cha Thầy mạc khải cho con Thầy là ai, Thầy từ đâu tới, và Thầy đi đâu, chỉ có con đã minh nhiên tuyên xưng điều đó, bởi thế, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội Thầy trên con, và các cửa hoả ngục sẽ không chống lại được nó. Quyền lực của Thầy sẽ ở với những kẻ nối nghiệp con cho đến ngày tận thế”.
Chúa Giêsu trình diện Thánh Phêrô cho các Tông Đồ khác mà nói rằng: khi Người không còn ở bên các vị nữa, thì Thánh Phêrô giữ vị trí của Người bên cạnh các vị. Thánh Phêrô thưa: “Thầy sẽ không bao giờ rửa chân con!”. Chúa trả lời; “Nếu Thầy không rửa chân con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Thấy vậy, Thánh Pherô kêu lên: “Lạy Thầy, không những chân con, mà còn cả tay và đầu con nữa”. Chúa trả lời: “Ai đã sạch rồi, thì chỉ cần rửa chân mà thôi, vì đã sạch cả rồi. Các con sạch, nhưng không phải tất cả”.
Những lời cuối cùng ấy, Người có ý ám chỉ Giuđa. Trước đó, Người từng nói tới việc rửa chân như một biểu tượng cho việc thanh tẩy tội lỗi hàng ngày, vì chân, luôn luôn tiếp xúc với đất, nên lúc nào cũng dễ bị dơ bẩn, ngoại trừ được chăm sóc cẩn thận.
Việc rửa chân này có tính thiêng liêng và được dùng như một loại tha tội. Thánh Phêrô, do lòng sốt sắng, chỉ thấy trong cử chỉ này một hành vi quá tự hạ mình của Thầy Chí Thánh; ngài đâu có biết rằng để cứu rỗi ngài, Chúa Giêsu còn hạ mình hơn nữa vào ngày hôm sau để chấp nhận cái chết nhục nhã trên thánh giá.
Lúc Chúa Giêsu rửa chân cho Giuđa thì việc này là một cử chỉ yêu thương và cảm động nhất; Người cúi khuôn mặt thánh thiêng của Người xuống phía chân tên phản bội; rồi bằng một giọng nhỏ nhẹ, Người khuyên hắn trở lại với chính con người mình, vì hắn vốn là tên phản bội không một chút niềm tin suốt một năm qua. Giuđa tỏ ra chẳng thèm lưu ý gì tới lời lẽ của Người, quay qua nói chuyện với Thánh Gioan, khiến Thánh Phêrô tức giận quát lên: “Ê Giuđa, Thầy đang nói với ngươi mà!”. Lúc ấy, Giuđa mới ấp úng thưa với Chúa một câu mơ hồ, đại loại như: “Thưa Thầy, xin Trời ngăn cấm!”. Những người khác không để ý tới việc Chúa nói với Giuđa, vì Người nói rất nhỏ, không cố ý để các vị nghe thấy. Vả lại, các vị cũng đang bận lo mang giầy vào. Trong suốt cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu không lúc nào buồn rầu một cách sâu xa như lúc đứng trước sự phản bội của Giuđa. Cuối cùng, Chúa Giêsu rửa chân cho Thánh Gioan và Thánh Giacôbê. Rồi Người lại nói về lòng khiêm nhường, cho các vị hay: người lớn nhất trong các vị phải là người phục dịch các vị, và từ nay trở đi, các vị phải rửa chân cho nhau. Rồi Người mặc áo vào. Các Tông Đồ cởi bỏ y phục mà họ đã mặc khi ăn Chiên Vượt Qua.
Lập Phép Thánh Thể
Theo lệnh Chúa, người quản gia lại đặt bàn ăn. Lần này, ông ta đặt cao hơn một chút; rồi, sau khi đã đặt bàn ở giữa phòng, ông ta để lên đó một bình đầy rượu nho, và một bình khác đựng nước. Thánh Phêrô và Thánh Gioan tới phía phòng gần lò nướng lấy chiếc chén mà hai vị đã đem từ nhà Seraphia về, vẫn còn được bọc kỹ. Hai vị cùng đem chiếc chén ấy tới như thể đang rước nhà tạm, rồi đặt nó trên chiếc bàn trước mặt Chúa Giêsu. Một chiếc đĩa hình bầu dục đã để sẵn ở đó, với ba chiếc bánh không men nhỏ sinh sắn mầu trắng đặt trên một miếng vải, bên cạnh nửa ổ bánh Chúa Giêsu đã để lại trong bữa Vượt Qua, và cũng có một bình đựng rượu và nước, và 3 chiếc hộp, một hộp đầy thứ dầu đặc, hộp thứ hai đựng dầu loãng và hộp thứ ba để trống.
Thời trước, người ta có thói quen để mọi người cùng bàn ăn cùng một ổ bánh và uống cùng một chén rượu vào cuối bữa ăn, để qua đó, biểu lộ tình bằng hữu và tình anh em, cũng như để chào đón và chia tay nhau. Tôi nghĩ Sách Thánh hẳn chứa đựng một điều gì đó về chủ đề này.
Vào ngày Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nâng thói quen này (vốn chỉ có ý nghĩa biểu tượng và hình ảnh nghi thức) lên hàng bí tích thánh thiện nhất. Một trong những lời buộc tội trước mặt Caipha, nhân dịp Giuđa phản bội, là họ cho rằng Chúa Giêsu đã đưa ra một điều mới lạ cho các nghi thức Vượt Qua, nhưng Nicôđêmô lấy Thánh Kinh mà chứng minh rằng đây là một thói quen từ nghìn xưa.
Chúa Giêsu ngồi giữa Thánh Phêrô và Thánh Gioan. Các cửa đều đóng kín, và mọi sự diễn ra một cách hết sứ mầu nhiệm và đường bệ. Khi chiếc chén được lấy ra khỏi vỏ bọc, Chúa Giêsu lên tiếng cầu nguyện và nói với các Tông Đồ một cách hết sức long trọng. Tôi thấy Người giải thích cho các vị ý nghĩa của Bữa Tiệc Ly và trọn bộ nghi lễ, và tôi buộc phải nhớ tới cảnh linh mục đang dạy người khác cách đọc Thánh Lễ.
Sau đó, Người kéo một mảnh gỗ có rãnh từ tấm ván trên đó có đặt các chiếc bình, và lấy một miếng vải trắng vốn dùng để bọc chiếc chén, phủ lên cả tấm ván lẫn mảnh gỗ. Sau đó, tôi thấy Người nâng chiếc đĩa tròn, mà Người vốn đặt trên mảnh gỗ kia, lên khỏi chiếc chén. Sau đó, Người lấy các ổ bánh không men ở bên dưới chiếc khăn vốn bọc lấy chúng và đặt chúng trên tấm ván trước mặt Người; rồi Người lấy một chiếc lọ nhỏ hơn ra khỏi chiếc chén, và sắp 6 chiếc ly nhỏ bằng thủy tinh ở hai bên chiếc lọ này. Rồi Người chúc lành ổ bánh và cả dầu nữa, sau đó, Người nâng chiếc đĩa có đựng các ổ bánh lên, trong đôi tay Người, ngước mắt lên trời, cầu nguyện và dâng tiến, rồi đặt chiếc đĩa xuống bàn trở lại, và che nó đi một lần nữa. Sau đó, Người cầm lấy chiếc chén, nhờ Thánh Phêrô đổ vào đó ít rượu, và thánh Gioan thì đổ vào ít nước, được Người làm phép trước… sau đó, Người làm phép chiếc chén, nâng nó lên với lời cầu nguyện… rồi đặt nó xuống bàn trở lại.
Thánh Gioan và Thánh Phêrô đổ chút nước lên hai bàn tay của Người… Người cho một ít nước đã được đổ lên tay Người vào một chiếc muỗng nhỏ, mà Người lấy ra từ phía dưới chiếc chén, và đổ lên tay hai vị. Sau đó, bình nước được chuyền quanh bàn để tất cả các Tông Đồ cùng rửa tay trong đó. Tôi không nhớ có phải đó là thứ tự chính xác của các nghi thức này hay không; tôi chỉ biết rằng các nghi thức này nhắc tôi nhớ đến hy lễ thánh của Thánh Lễ Mixa một cách hết sức rõ ràng.
Trong khi ấy, Chúa Chí Thánh mỗi lúc mỗi dịu dàng và yêu thương hơn trong cách đối xử; Người cho các Tông Đồ hay: Người sắp sửa ban cho các vị mọi điều Người có, nghĩa là toàn thân Người. Xem như Người đã hoàn toàn được tình yêu biến đổi. Tôi thấy Người sáng láng hẳn lên, giống như chiếc bóng đầy ánh quang. Người bẻ ổ bánh thành nhiều mẩu nhỏ rồi đặt chúng trên chiếc đĩa. Sau đó, Người lấy một góc của mẩu bánh thứ nhất và thả nó vào trong chén. Lúc Người đang làm việc đó, tôi thấy như Đức Mẹ đang rước Thánh Thể một cách thiêng liêng, dù ngài không hiện diện ngay trong phòng tiệc ly. Tôi không rõ việc ấy xẩy ra thế nào, nhưng tôi nghĩ tôi thấy Đức Mẹ bước vào nhưng không đụng chân xuống đất. Ngài tiến về phía Chúa Giêsu để tiếp nhận Thánh Thể; sau đó, tôi không thấy Đức Mẹ nữa. Buổi sáng, tại Bêtania, Chúa Giêsu từng nói với Đức Mẹ rằng Người sẽ giữ Lễ Vượt Qua một cách thiêng liêng với Đức Mẹ. Người còn ấn định cả giờ giấc để Đức Mẹ sẵn sàng cầu nguyện, hầu có thể tiếp nhận Chiên Vượt Qua một cách thiêng liêng.
Chúa lại cầu nguyện và giảng dạy; lời lẽ thoát ra từ môi miệng Người giống như lửa và ánh sáng, đi thật sâu vào tâm hồn các Tông Đồ, ngoại trừ Giuđa. Người cầm lấy chiếc đĩa có mấy mẩu bánh và nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn: này là Mình Thầy sẽ được ban cho các con”. Người giang rộng bàn tay phải của Người như muốn chúc phúc, và trong khi làm như vậy, một luồng ánh sáng chói lọi từ Người phát ra, lời của Người sáng láng, bánh đi vào miệng các Tông Đồ cũng trở nên một vật sáng láng, ánh sáng dường như thấu suốt và bao quanh các vị, chỉ một mình Giuđa là vẫn tối tăm. Chúa Giêsu trao bánh trước nhất cho Thánh Phêrô, sau đó là Thánh Gioan (1) rồi Người làm hiệu cho Giuđa tới gần. Như thế, Giuđa là người thứ ba lãnh nhận Bí Tích Đáng Tôn Thờ, nhưng lời của Chúa xem ra bị miệng tên phản bội cho ra rìa, và do đó chúng đã trở lại với chính Tác Giả Thần Linh của chúng. Tôi bối rối trong tinh thần khi thấy cảnh tượng ấy đến nỗi không còn biết phải diễn tả tâm tư mình như thế nào. Chúa Giêsu nói với hắn: “Việc con làm, hãy làm mau đi”. Rồi Chúa ban Bí Tích Cực Thánh cho các Tông Đồ khác. Các vị tiến lên từng 2 vị một.
Chúa Giêsu nâng chiếc chén bằng hai quai của nó lên ngang tầm mặt của Người, và đọc các lời truyền phép. Trong khi làm như thế, trông Người hoàn toàn được biến hình, hết sức sáng láng, dường như hoàn toàn biến đổi thành điều Người sắp ban cho các Tông Đồ. Người cho Thánh Phêrô và Thánh Gioan uống từ chiếc chén Người cầm trong tay, sau đó, đặt nó xuống bàn. Thánh Gioan đổ Máu Thánh từ chiếc chén qua các ly nhỏ hơn và sau đó được Thánh Phêrô trao cho các Tông Đồ, cứ hai vị uống chung cùng một ly. Tôi nghĩ, nhưng một cách chắc chắn, rằng: Giuđa cũng tham dự phần này. Tuy nhiên, hắn không trở về chỗ của mình, mà lập tức rời khỏi căn phòng. Các Tông Đồ chỉ nghĩ rằng Chúa Giêsu trao cho anh ta một nhiệm vụ nào đó cần làm. Anh ta ra đi không kịp cầu nguyện cũng như thực hành bất cứ việc tạ ơn nào, và từ đó, bạn hẳn thấy rõ ta sẽ tội lỗi xiết bao nếu quên không tạ ơn sau khi tiếp nhận của ăn hàng ngày hay sau khi dự phần vào Bánh Ban Sự Sống Của Các Thiên Thần. Trong suốt bữa ăn, tôi luôn thấy khuôn hình nhỏ thó đầy khiếp sợ, với chiếc chân như bộ xương khô, luẩn quẩn cạnh Giuđa, nhưng khi hắn ra tới cửa, tôi thấy 3 tên qủi vội vã bao quanh hắn; một tên nhập vào miệng hắn, tên thứ hai giục hắn đi nhanh, còn tên thứ ba thì đi trước hắn. Trời đã sang đêm, nhưng ba tên này như chiếu sáng cho hắn, nên hắn phóng đi như một tên điên.
Chúa Giêsu đổ một ít Máu Thánh còn sót lại trong chén vào một chiếc lọ nhỏ mà tôi đã nói tới, rồi đặt mấy ngón tay của Người lên chiếc chén, trong khi Thánh Phêrô và Thánh Gioan đổ nước và rượu lên trên mấy ngón tay của Người. Khi đã làm xong, Người bảo hai vị uống lần nữa từ chiếc chén, còn bao nhiêu đổ vào các ly nhỏ hơn để phân phối cho các Tông Đồ khác. Rồi Chúa Giêsu lau chén, đặt trong đó chiếc lọ nhỏ có đựng Máu Thánh dư, đặt trên miệng chén chiếc đĩa có chứa các mẩu bánh đã truyền phép. Rồi Người đậy chiếc chén trở lại, gói gọn và đặt nó giữa 6 chiếc ly nhỏ. Sau Phục Sinh, tôi có thấy các Tông Đồ rước lễ những phần còn lại này của Bí Tích Đáng Tôn Thờ.
Tôi không nhớ có thấy chính Chúa Giêsu ăn và uống các yếu tố được truyền phép này, mà tôi cũng không thấy Menkixêđê, khi dâng bánh rượu, có nếm những thứ này. Tôi vốn được biết tại sao các linh mục rước chúng, dù Chúa Giêsu không rước chúng (2).
Trong nghi thức thiết lập Thánh Thể, mọi hành động của Chúa Giêsu đều tỏa ra một sự long trọng và trật tự không thể nào diễn tả được, mọi cử chỉ của Người đều hết sức uy nghi. Tôi thấy các Tông Đồ ghi chép mọi sự xuống cuộn giấy mà họ luôn mang theo người. Trong các nghi thức này, nhiều lần tôi thấy các vị cúi đầu chào nhau, cùng môt cách như các linh mục của chúng ta ngày nay.
Những căn dặn và truyền phép riêng
Chúa Giêsu còn căn dặn riêng các Tông Đồ nhiều điều; Người bảo các ông phải duy trì Bí Tích Cực Thánh như thế nào để tưởng nhớ Người, cho đến tận thế; Người dạy các vị những hình thức cần thiết để sử dụng và thông truyền bí tích ấy, và các vị phải dạy dỗ và công bố mầu nhiệm này như thế nào; cuối cùng, Người bảo các vị khi nào phải tiếp nhận những gì còn sót lại từ Bánh Rượu đã truyền phép, khi nào phải cho Đức Mẹ rước lễ, và các vị phải truyền phép như thế nào, sau khi Người sai Đấng An Ủi Thần Linh đến với các vị. Rồi Người nói tới chức linh mục, đến việc xức dầu thánh, và việc chuẩn bị Dầu Thánh Hiến (Chrism) và các Dầu Thánh khác (3). Người có ba chiếc hộp, hai chiếc chứa hợp chất dầu và cam lồ (balm). Người dạy các ông phải làm hợp chất này ra sao, phải xức trên những phần cơ thể nào và vào dịp nào. Tôi nhớ: Người có nhắc tới trường hợp không được ban Phép Thánh Thể; có lẽ, điều Người nói có liên quan tới Phép Xức Dầu Sau Hết, vì trí nhớ tôi về điểm này không được rõ ràng lắm. Người nói tới nhiều loại xức dầu khác nhau, cách riêng việc xức dầu tấn phong vua. Người bảo rằng: ngay những ông vua xấu xa, nhưng nếu được xức dầu, đều nhờ đó mà lãnh nhận được những quyền lực đặc biệt. Người cho chất mỡ và dầu vào chiếc hộp rỗng rồi trộn chúng lẫn với nhau, nhưng tôi không thể nói chắc có phải Người làm phép dầu vào chính lúc này hay lúc truyền phép bánh thánh.
Rồi tôi thấy Chúa Giêsu xức dầu cho Thánh Phêrô và Thánh Gioan, hai vị mà trước đây Người từng đổ nước chẩy ra từ chính đôi tay của Người và được Người cho uống từ chính chén thánh. Sau đó, Người đặt tay lên vai và đầu hai vị trong khi hai vị chắp tay và bắt chéo hai ngón cái của mình, đầu cuí thật sâu trước mặt Người. Tôi không dám chắc liệu các vị có qùy hay không. Người xức dầu ngón cái và ngón trỏ cả hai bàn tay của hai vị và đánh dấu bằng dầu thánh trên đầu hai vị. Người cũng bảo rằng: dấu này sẽ ở lại mãi trong hai vị cho đến ngày tận thế.
Thánh Giacôbê Hậu, Thánh Anđrê, Thánh Giacôbê Tiền, và Thánh Bartôlômêô, cũng đều được thánh hiến. Tôi cũng thấy Chúa đặt quanh cổ Thánh Phêrô một dây “stôla” trong khi đối với các vị khác, Người đặt nó từ vai phải qua vai trái. Tôi không biết việc này được thực hiện lúc lập phép Thánh Thể, hay chỉ lúc xức dầu này.
Tôi hiểu rằng qua việc xức dầu này, Chúa Giêsu thông truyền cho các vị một điều gì đó hết sức chủ yếu và siêu nhiên, vượt ngoài khả năng diễn tả của tôi. Người nói với các vị rằng khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần rồi, các vị có nhiệm vụ phải truyền phép bánh và rượu, và xức dầu các Tông Đồ khác. Sau đó, tôi được biết: vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã đặt tay lên các Tông Đồ khác, và một tuần sau đó, cũng đã đặt tay trên một số môn đệ khác. Sau Phục Sinh, Thánh Gioan ban Bí Tích Đáng Tôn Thờ cho Đức Mẹ lần đầu tiên. Biến cố này được mừng trọng thể như một lễ hội giữa các Tông Đồ. Lễ hội này nay không còn được kính trong Giáo Hội trên trần gian nữa, nhưng tôi thấy nó vẫn được cử hành trên Giáo Hội chiến thắng. Trong vài ngày sau Lễ Ngũ Tuần, tôi chỉ thấy Thánh Phêrô và Thánh Gioan truyền Phép Thánh Thể, nhưng sau đó, các Tông Đồ khác cũng cử hành phép này.
Rồi Chúa chúng ta tiến hành việc làm phép lửa trong một chiếc chậu bằng thau và người ta hết sức cẩn thận không để nó thoát ra ngoài, và giữ nó gần địa điểm đặt Bí Tích Cực Thánh, tại chỗ có lò Vượt Qua ngày xưa, và lửa luôn được lấy từ đó khi cần vì các mục đích thiêng liêng.
Mọi điều Chúa Giêsu làm trong dịp này đều được làm nơi riêng tư, và được giảng dạy trong riêng tư. Giáo Hội giữ lại tất cả những gì chủ yếu trong các giáo huấn riêng tư này, và dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, đã khai triển và thích ứng chúng theo mọi đòi hỏi của mình.
Tôi không có hoài bão xác định việc liệu có phải cả Thánh Phêrô lẫn Thánh Gioan đều được phong giám mục, hay chỉ có Thánh Phêrô được phong giám mục còn Thánh Gioan chỉ được phong linh mục, hay cả bốn vị Tông Đồ được phong phẩm chức gì. Nhưng căn cứ cách Chúa chúng ta sắp xếp các dây “stôla” của các Tông Đồ, thì hình như có những cấp bậc khác nhau của việc phong chức.
Khi kết thúc các nghi thức thánh thiện này, chén thánh (mà gần đó có cả Dầu Thánh Hiến nữa) lại được tháo khăn ra, và Bí Tích Đáng Tôn Thờ được hai Thánh Phêrô và Gioan khiêng vào phần trong của căn phòng, được ngăn cách bằng một tấm màn, và từ đó, trở thành Nơi Thánh. Địa điểm nơi đặt Bí Tích Cực Thánh không xa lò Vượt Qua nói trên bao nhiêu. Ông Giuse Arimatêa và Ông Nicôđêmô có nhiệm vụ chăm sóc Nơi Thánh và phòng tiệc ly lúc các Tông Đồ vắng mặt.
Chúa Giêsu lại dạy dỗ các Tông Đồ một lúc lâu, cũng như cầu nguyện nhiều lần. Xem ra Người thường xuyên chuyện vãn với Cha trên Trời của Người, và tràn trề hứng khởi và tình yêu. Các Tông Đồ cũng tràn ngập niềm vui và sốt sắng, đặt cho Chúa nhiều câu hỏi được Người sẵn sàng trả lời. Sách Thánh hẳn chứa nhiều phần trong các bàn luận và đối thoại này. Người nói với Thánh Phêrô và Gioan nhiều điều mà các ngài có bổn phận nói lại cho các Tông Đồ khác. Đến lượt mình, các vị này phải truyền đạt cho các môn đệ và các phụ nữ thánh thiện, tùy theo khả năng hiêu biết của mỗi vị. Người có cuộc đàm đạo riêng với Thánh Gioan, vị Tông Đồ mà Người cho hay sẽ sống lâu hơn các vị khác. Người cũng nói với ngài về 7 Giáo Hội… và dạy ngài về ý nghĩa của một vài hình ảnh bí nhiệm mà theo niềm tin của tôi, có ý nói tới các thời kỳ khác nhau. Các Tông Đồ khác hơi ghen tuông đôi chút khi thấy Chúa đàm đạo riêng như thế với Thánh Gioan.
Chúa Giêsu cũng nói về tên phản bội. Người cho hay: “Hắn đang làm điều này điều nọ” và qủa thực, tôi thấy Giuđa đang làm đúng điều Chúa nói. Vì Thánh Phêrô cực lực phản đối, cho rằng mình luôn luôn trung thành, nên Chúa Giêsu nói với ngài: “Simong, Simong, này Xa tan những muốn sàng con như sàng lúa. Nhưng Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin: và khi đã hồi tâm, con sẽ củng cố anh em con”.
Một lần nữa, Chúa lại nói rằng nơi Người sắp đi, các vị không thể theo Người được. Khi Thánh Phêrô quả quyết: “Thưa Thầy, con sẵn sàng đi với Thầy cả vào nhà tù lẫn cái chết”, thì Chúa Giêsu bảo ngài: “Qủa thật, quả thật, Thầy bảo con, trước khi gà gáy 2 lần, con sẽ chối Thầy 3 lần”.
Để các Tông Đồ hay giờ thử thách đã gần các ông lắm rồi, Chúa Giêsu nói: “Khi ta sai các con đi mà không có túi tiền, hay cổ phần, hay giầy dép, các con có thiếu gì không?” Các vị trả lời: “Thưa không”. Người tiếp: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền hãy cầm lấy nó, cả cổ phần nữa, còn ai không có, thì hãy bán áo khoác mà mua lấy thanh gươm. Vì Thầy bảo thật các con, những gì đã được viết phải được nên trọn nơi Thầy: Kẻ dữ sẽ phải tính sổ. Vì những gì liên quan đến Thầy đã đến hồi kết thúc”. Các Tông Đồ chỉ hiểu các lời của Người theo nghĩa xác thịt, nên Thánh Phêrô trình cho Người xem hai cây gươm vừa ngắn vừa dầy, giống hai con dao phay. Chúa Giêsu bảo: “Đủ rồi, ta hãy rời nơi đây”. Rồi các vị hát thánh vịnh tạ ơn, xếp bàn qua một bên và bước ra phòng ngoài.
Tại đây, Chúa Giêsu gặp mẹ của Người, bà Maria Clêôpát và Mađalêna. Những vị này khẩn khoản xin Người đừng lên Núi Cây Dầu, vì có tường trình cho hay các kẻ thù của Người đang tìm cách bắt Người. Nhưng Chúa Giêsu chỉ an ủi các vị đôi lời, rồi vội vã ra đi, lúc ấy vào khoảng 9 giờ. Các vị đi xuống con đường mà Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã đi qua để tới phòng tiệc ly, và trực chỉ Núi Cây Dầu mà tiến bước…
Ghi Chú
(1) Người hiệu đính có ghi rằng: Nữ Tu Emmerich không chắc chắn là Thánh Thể đã được tiếp nhận theo thứ tự này, vì trong một dịp khác, bà thấy Thánh Gioan rước lễ cuối cùng.
(2)Người hiệu đính có ghi chú rằng: Ở đây, Nữ Tu Emmerich bỗng nhiên nhìn lên và hình như muốn lắng nghe. Một số giải thích đã được bà nói tới về vấn đề này, nhưng các lời sau đây là những lời duy nhất bà nhắc đi nhắc lại với chúng ta: “Nếu nhiệm vụ phân phối bí tích này được trao cho các thiên thần, chắc chắn các ngài cũng không dự phần vào, nhưng nếu các linh mục không dự phần vào, thì Phép Thánh Thể sẽ bị mai một, chính nhờ các vị dự phần vào mà bí tích này được duy trì”.
(3) Không ngạc nhiên gì, ít năm sau khi những sự kiện này được Nữ Tu Emmerich thuật lại, người hiệu đính có đọc trong ấn bản La Tinh cuốn Giáo Lý Rôma (Mayence, Muller), liên quan tới Bí Tích Thêm Sức, rằng theo tương truyền từ đời thánh giáo hoàng Fabianô, Chúa Giêsu, sau khi thiết lập Phép Thánh Thể, có dạy các Tông Đồ cách thức phải chuẩn bị Dầu Thánh Hiến như thế nào. Ở đoạn 54 thư thứ hai gửi các giám mục Đông Phương của mình, vị giáo hoàng này minh nhiên nói rằng: “Các vị tiền nhiệm của tôi đã tiếp nhận từ các Tông Đồ và truyền lại cho chúng tôi rằng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta, sau khi cử hành Bữa Tối Sau Cùng với các Tông Đồ và rửa chân cho họ, đã dạy họ phải chuẩn bị Dầu Thánh Hiến ra sao”.