Patrick Latta 59 tuổi là một người giầu có, nổi tiếng, danh vọng sống với vợ là Nancy ở Canada. Họ sống không hề nghĩ tới Thiên Chúa. Không nghĩ tới đạo đức. Nhưng nhờ một sứ điệp Mễdu đã dẫn dắt họ về với Chúa Giêsu và các bí tích. Họ tìm thấy vùng trời Mễdu là một nơi an bình, yêu thương. Họ nói: “Chúng tôi đã đứng hai chân trên cửa địa ngục mà không biết. Đức Mẹ đã cứu cuộc đời chúng tôi và cuộc đời con cái chúng tôi…”
Sau đây là bài chia sẻ của Patrick Latta.
Tôi là người buôn bán xe hơi; nhà cửa địa ốc. Tôi cưới vợ ba lần. Hai lần ly dị đều là lỗi ở tôi vì tội ngoại tình. Cuộc đời tôi chỉ biết lo làm giầu nhưng chưa bao giờ biết cầu nguyện là gì. Suốt 25 năm tôi chưa hề bước chân tới nhà thờ.
Tôi có bốn người con: hai của bà vợ trước, hai của bà sau. Tôi đã làm tiêu tan cuộc đời các con tôị, đứa nào cũng hư hỏng. Thằng con lớn hỏi tôi: “Ba nói cho con biết về Thiên Chúa.” Tôi rút ra tờ giấy $20.00 và nói: “Đây là Thiên Chúa, đi kiếm một xấp như thế này con sẽ kiếm được bao nhiêu Thiên Chúa mà con mong muốn.”
Thằng con út học trường St. Michael ở Vancouver Island. Một ngày kia nó gọi về hỏi: “Nhà trường hỏi ai muốn rửa tội thì ghi tên, con phải làm sao?” Tôi trả lời: “Con muốn làm gì thì làm, quyền của con.” Tôi không có can đảm nói cho nó biết sự thật về đức tin, cũng chẳng có can đảm bảo nó vô đạo Công Giáo. Nó tự rửa tội một mình, trong khi tôi là người Công Giáo. Cái đó có phải là điều hãnh diện không?
Tôi gặp Nancy 16 về trước, nàng là một luật sư. Chúng tôi không có một ý tưởng nào về lương tri đạo đức. Sau hai tháng chúng tôi sống chung không cưới hỏi.
Sống với Nancy 7 năm, một hôm nàng nói với tôi: “Em nghĩ mình nên làm đám cưới.” Tôi trả lời, “Rất tốt, tiến hành đi. Thật tuyệt vời đó.” Tôi chẳng gọi điện thoại cho linh mục hoặc nhà xứ mà gọi mướn một chiếc trực thăng để bay lên đỉnh núi Whistler Bristish Columbia cử hành đám cưới trên đó.
Đó là một ngày thật đẹp; nắng thật hồng; tuyết phủ kín trên ngọn núi trắng phau; cảnh núi rừng thật hữu tình và thơ mộng. Viên phi công là rể phụ.. Mọi thủ tục, nghi lễ ngoài đời được diễn tiến tốt đẹp dưới bầu trời trong xanh, nhưng không có một lời cầu nguyện nào cả. Thế giới như tách biệt hẳn với loài người… Sau đó cũng có tiệc tùng rất lớn dưới chân núi trong khách sạn Whistler. Chúng tôi đã làm đám cưới. Hôm sau ra về.
Nhưng sáu tuần sau, tôi đi làm về thấy Nancy ngồi khóc sướt mướt. Tưởng có chuyện gì xảy ra trong sở làm, tôi hỏi thì nàng trả lời: “Em không cảm thấy mình đã làm đám cưới.” Tôi nói: “Em nói gì, cái gì là không đám cưới? Em có biết tiền máy bay hết bao nhiêu không?” “Không! Nhưng chúng ta không làm trong nhà thờ; mẹ em chẳng tới.” Tôi la lên: “Trời ơi! Dẹp cái chuyện nhà thờ đi, chuyện đó không bao giờ xảy ra nữa.” Nancy một mực nói: “Nhưng mẹ em đã chẳng tới và chúng ta đã chẳng tới nhà thờ.” Tôi bực mình: “Nancy ơi, không đời nào anh muốn làm đám cưới trong nhà thờ nữa đâu. Anh đã làm đám cưới trong nhà thờ 20 năm trước rồi ly dị. Sau đó, anh lại cưới vợ năm anh 32 tuổi nhưng không phải trong nhà thờ và lại ly dị. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra.” Nancy nói: “Em phải đi gặp Đức Giám Mục, để em đi gặp Đức Giám Mục ở Vancouver..” Nancy khăng khăng đòi đi gặp Giám Mục để xin làm phép chuẩn.
Nancy về nhà tối đó với tờ giấy tiêu hôn trong tay. Tôi nói: “Nancy, chuyện đó không thể được, anh không làm được. Anh biết em là một luật sư giỏi, nhưng..” Nancy ngắt lời: “Vợ cũ của anh đã làm thủ tục này từ 20 năm trước rồi. Anh có tự do mà. Em có lá thư của Đức Giám Mục để chúng ta có thể làm đám cưới trong nhà thờ.” Tôi nói: “Chúa ơi, đó là chuyện cần sao?” và tiếp: “Được rồi, đi đi, đi chọn lấy một nhà thờ đi.”
Nancy về nhà ngày hôm sau thái độ thật cứng rắn nói: “Em đã kiếm được nhà thờ để làm đám cưới rồi.” Tôi nói: “Ok, nhà thờ nào vậy?” Nàng trả lời: “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đó là một nhà thờ của các cha dòng Phan Xinh người Croa-át.” Nàng tiếp: “Nhưng anh phải đi nói chuyện với cha Jerry..” Tôi nói: “Ok, ok, ok” Các bạn có biết khi một người buôn bán xe hơi nói ok, ok… không? Cái đó chỉ trên đầu môi chót lưỡi thôi. Và tôi cũng đi gặp linh mục Jerry: “Thưa cha, Nancy gọi điện thoại cho cha nói muốn làm đám cưới trong nhà thờ.” Ngài nói: “Tôi biết, nhưng tôi phản đối vì anh đã hai lần ly dị. Có hai người vợ trước, 4 đứa con và Nancy thì chưa bao giờ có chồng. Tôi không muốn dự phần vào chuyện này..” Tôi nói: “Ok, tạ ơn Chúa.” Tôi về nhà nói với Nancy: “Đây là lời của cha Jerry: ngài không muốn dự phần vào chuyện này.” Nancy nói: “Anh trở lại đó nói chuyện lại với ngài đi…” Tôi trở lại và ngài nói: “Anh năn nỉ như vậy tôi sẽ làm cho anh, nhưng anh phải xưng tội và trở về với các bí tich, với đức tin.” Ngài bắt tôi phải đi xưng tội, con cái phải nuôi nấng dạy dỗ theo luật Công Giáo. Tôi than: “Chúa ơi! Con đã bỏ đạo 25 năm rồi bây giờ bắt con xưng tội thì phải mất 3 tháng để xưng hết mọi tội.” Tôi hứa với ngài đủ chuyện nhưng không có gì trong đáy tim tôi. Cha Jerry nói: “Ông phải xưng tội và những đứa con nào chưa được rửa tội thì chúng phải vô đạo.” Tôi trả lời: “Được rồi cha ơi, con hứa, con hứa..”
Thế rồi, chúng tôi làm đám cưới trong nhà thờ. Một cái đám cưới rất đẹp. Cha mẹ Nancy đều tới dự. Nhưng tôi vẫn không cầu nguyện; vẫn không đi lễ Chúa Nhật. Vẫn không có gì đánh động được tôi. Tôi có chiếc tầu đi biển không cần đi lễ; có xe hơi, không cần lần chuỗi. Những ngày lễ Noel, hai vợ chồng đi Hạ-Uy-Di hoặc đi Mễ-Tây-Cơ chơi.
Một Giáng Sinh nọ, Nancy bảo tôi: “Em muốn chúng ta đi dự lễ nửa đêm.” Tôi trả lời: “Ok, đi.” Nhưng tôi chẳng đi vì còn bận bầu bạn với những chai rượu nồng. Chẳng có gì thay đổi được trái tim sắt đá chai lì của tôi cả.
Trong thời gian đó, những đứa con của tôi tự mình xin rửa tội.
Một ngày kia thằng con út không được trở lại trường. Tôi gọi điện thoại hỏi: “Có chuyện gì xảy ra, nó đã làm gì?” Nhà trường trả lời: “Nó say sưa mỗi ngày, và dính líu tới ma túy.’ Tôi giật mình la lên: “Thằng này mới 15 tuổi, bà nói nó dính líu tới ma túy, tôi không biết gì tới vấn đề này.” Đầu giây bên kia vang lên: “Ông nghe cho kỹ, trường này không muốn nó trở lại đây nữa.” Thật là kinh hoàng. Nó không được trở lại trường, tôi không biết phải làm sao nữa? Nó về nhà, và các bạn biết là một đứa sì ke ma túy thì như thế nào rồi. Nó giống như một đứa mới ngủ dậy. Bông tai thì lủng lẳng, tóc tai thì bù xù dài thòng, quần thì rộng thùng thình.
Trong khi đó thằng con kế cũng say sưa ngày đêm. Nó cao cỡ 6 feet 4, chơi môn banh bầu dục, và đã gia nhập với môn banh này. Một tối về nhà tôi hỏi nó: “Cái gì đây? “Rượu.” “Tao tưởng mày gia nhập đám chơi banh?” “Tụi con có một quán rượu trong câu lạc bộ. Chơi xong, tụi con uống vài chai bia..”
”Đứa con gái lấy chồng ở với nhau được hai năm rồi ly dị. Cám ơn Chúa tôi có được đứa cháu ngoại. Tôi chẳng bảo nó cầu nguyện, chẳng bảo nó đi lễ, chẳng bảo nó nên trở về với chồng con nó. Tôi đưa cho nó cái thẻ tín dụng nói: “Đi kiếm thằng khác.” Nó làm theo lời tôi, sau đó lại bỏ nhau. Nó nói: “Nếu ba làm được con cũng làm được.” Đó là những chuyện tôi đã làm gương cho nó. Tôi cưới vợ rồi ly dị, cưới vợ rồi ly dị.. Lối sống của chúng tôi là vậy.
Paul, thằng con lớn ở cách tôi chừng 10 miles nhưng cả năm chẳng bao giờ tôi thấy mặt nó. Tôi không biết nó ở đâu. Nếu công việc làm ăn của tôi tốt thì đó mới quan trọng đối với tôi. Bằng không, không có chuyện gì quan trọng hơn cả. Không chút ăn năn, tôi tự bào chữa: “Gia đình nào mà chẳng vậy; gia đình nào mà không có những phiền toái của nó. Đời mà!”
Trong đời tôi chưa bao giờ cầu nguyện cho con cái, cũng như chưa bao giờ đem chúng tới nhà thờ dù chỉ một lần. Chúng tôi chỉ biết có lối sống vật chất.
Tôi và Nancy có một công ty địa ốc buôn bán nhà cửa và buôn bán xe hơi. Chúng tôi sống cuộc sống sang giầu, nay đổi nhà này, mai đổi nhà khác.
Rồi một ngày kia, có một bì thơ xa lạ từ vùng trời Nam Tư bay tới. Tôi hỏi: “Cái gì thế này hả Nancy?” Nàng đáp: “Cái đó của cậu em, nó nói: ‘có 6 thanh thiếu niên ở Mễdu được nhìn thấy Đức Mẹ.” Tôi sửng sốt: “Em nói gì, thấy Đức Mẹ? Bây giờ là thời đại gì?” Nói xong tôi bỏ bì thơ lại trên nóc tủ lạnh chẳng cần mở ra coi.
Và rồi chúng tôi lại dọn tới một căn nhà khác, lớn hơn, đồ sộ hơn. Nancy đưa bì thư đó cho tôi và bảo: “Đọc cái này đi người chồng lạc giáo của tôi ơi. Anh quăng cái này đi tức là quăng cái linh hồn của anh đi đó.” Tôi nói: “Đưa anh coi, để coi nói gì trong đó.” Tôi mở ra coi, và sứ điệp đầu tiên đập vào mắt tôi: ‘Lần cuối Mẹ kêu gọi con hãy ăn năn trở lại.” Hàng dưới viết thêm: ‘Mẹ tới để nói cho con hay là Thiên Chúa thật sự hiện hữu.” Đọc xong mấy hàng đó, tôi đứng như trời trồng. Nước mắt tuôn xuống như mưa. Sứ điệp đó đã đi thâu trái tim tôi, xuyên qua linh hồn tôi. Tôi tin sứ điệp này trong tíc tắc không mảy may nghi ngờ. Tôi không hề hỏi ai viết những sứ điệp này hay hỏi họ là ai, và từ đâu tới? Tôi nói những sứ điệp này là sự thật, tôi tin họ ngay. Tôi bảo Nancy: “Tại sao em không cho anh biết chuyện này? Tại sao không cho biết cái sứ điệp này chứ? Nancy ơi, những đứa trẻ đó nói thật đấy, đây không phải là chuyện thần tiên của Cindirella, cũng chẳng phải chuyện đọc cho con nít buổi tối đâu. Họ nói thật đấy.” Và, nước mắt tôi vẫn không ngừng tuôn rơi.
Chuyện Thiên Chúa hiện hữu tôi đã được nghe từ miệng các sơ dạy từ lúc tôi 6-7 tuổi. Ký ức gợi lại tất cả, tất cả đều hiện về trong óc tôi. Tôi tự nhủ: “Chúa ơi, đây là sự thật, Thiên Chúa có thật.” Tôi đã xô Chúa ra khỏi đời tôi. Cái sứ điệp đó đã đốt cháy trái tim giá lạnh của tôi, linh hồn tôi. Tôi không bỏ được cuốn sách xuống, tôi đọc từng sứ điệp trong cuốn sách đó cả trăm lần. Nhưng sứ điệp duy nhất ăn sâu trong trí tôi vẫn là sứ điệp: “Lần cuối Mẹ kêu gọi con hãy ăn năn trở lại.” Và dưới là hàng chữ: ‘Hội nghị Đức Maria sẽ được tổ chức tại Oregon tháng 05, 1991.’ Tôi không biết hội nghị Đức Maria là gì vì bỏ đạo đã 25 năm, nhưng tôi biết có một cái gì đó có liên quan tới cái sứ điệp của tôi. Tôi cho nó là những sứ điệp cho riêng tôi, lời mời gọi riêng tôi. Tôi nói với Nancy: “Nancy, mình phải đi dự buổi hội nghị này, nó rất quan trọng, anh chắc chắn nó có liên quan đến những sứ điệp của anh.” Nancy lo lắng cho việc làm ăn nhưng tôi bảo cứ giao cho thư ký và người quản lý trông coi.
Tôi bảo thằng con út: “Con phải đi dự buổi hội nghị này.” Nó cằn nhằn: “Con không cần biết là ba đi dự cái gì đó..” Tôi cắt lời: “Ba không biết nó như thế nào nhưng con phải đi…” Tôi bỏ nó vô trong chiếc xe Van. Chúng tôi đi chung với người em vợ xuống Oregon.
Tới đó là tối Thứ Sáu, nhà thờ và sân trường đã đông nghẹt người dự. Tôi đậu xe vô bãi.. Lôi ra cuốn sứ điệp nắm trong tay, gặp người đầu tiên tôi hỏi: “Ông có biết cái sứ điệp này của tôi không, sứ điệp ‘Lần cuối Mẹ kêu gọi ăn năn trở lại?’ Người đàn ông vỗ đầu tôi: “Biết chứ, chúng tôi biết từ 10 năm nay.” Tôi lập lại: “Mười năm nay?” Người kia trả lời: “Vậy ông là người mới trong đàn.” Lúc đó tôi nghĩ mình đang trên trời cao vì ai ai cũng nói về cái sứ điệp của mình. Ai cũng nói tới sứ điệp mà tôi tin là sự thật. Không ai tranh cãi với tôi là sứ điệp giả.
Trong buổi hội nghị bữa đó toàn những tên tuổi mà tôi không hề biết như Wayne Weible, một nhà báo cũng là một người Tin Lành được ơn trở lại đã bỏ hết về làm việc cho Mẹ. Tôi chẳng biết linh mục Steve Barham là ai. Roberta Salazar, người chuyên cổ động cho việc lần chuỗi Mân Côi. Linh mục Ken Robert. Linh Mục McGinithy từ Ireland. Bà luật sư kiêm nhà văn, Jan Connel, trong cuốn ‘Thị kiến của những đứa trẻ’..v.v. Tất cả những nhân vật này đều là những người hăng say làm việc cho Mẹ. Tôi nói với Nancy: “Nancy, anh nghĩ chúng mình đụng độ rồi đó. Tất cả những người này đều nói về sứ điệp này..”
Tối đó cha Ken Robert mời mọi người ngày mai thứ Bẩy tới dự thánh lễ chữa lành. Tôi nói: “Mai có lễ chữa lành, chắc là đặc biệt lắm, chúng ta phải có mặt ở đó 7 giờ 30.” Tôi chẳng hiểu ‘Thánh Lễ chữa lành’ là gì, tôi nghĩ đó là một danh từ mới, nhưng tôi cũng thúc hối mọi người đi dự buổi lễ đó vì tôi nghĩ, có một cái gì đó rất quan trọng đối với tôi.
Ngày hôm sau, tôi đi kiếm thằng con út nhưng kiếm không ra. “Chúa ơi, nếu Ngài cho con $100 con cũng không thể kiếm được thằng con này, chắc nó đang say sưa bên lon bia rồi, ai mà biết nó ở đâu.” Nhưng tôi kiếm được người em của Nancy và chúng tôi đi kiếm ghế ngồi.
Thánh Lễ bắt đầu, tất cả mọi nghi thức cũng bình thường thôi nhưng khi tới nghi thức Thánh Hiến bánh rượu, cha Robert ngừng lại và cầm micro thúc giục mọi người: “Cha muốn mọi người hãy làm một điều rất đặc biệt tối nay là dâng con cái mình lên cho Trái Tim Đức Mẹ.” Câu nói đó lại làm cho tôi bật khóc sướt mướt: ‘Dâng con cái cho Trái Tim Mẹ?’ Tôi nói: “Chúa ơi! Thật là tư tưởng hay không tưởng được. Con cái của con đều hư hỏng, đứa thì ma túy, đứa thì ly dị, đứa thì rượu chè be bét.” Tôi đứng dậy giang hai tay ra, nước mắt vẫn tuôn tràn. Nancy tưởng tôi mất trí, nàng lo sợ: “Chúa ơi! chuyện gì đó đang xảy ra cho chồng con.” Tôi năn nỉ: “Mẹ ơi, con cầu khẩn Mẹ hãy chấp nhận những đứa con của con. Xin làm mẹ chúng vì con chưa bao giờ là cha mẹ chúng cả. Con van nài Mẹ. Con chưa bao giờ rửa tội cho chúng. Chưa bao giờ cầu nguyện với chúng. Chưa làm một chuyện gì có nghĩa đối với chúng trong cuộc đời con. Lạy Mẹ, xin hãy cứu lấy bày con của con, con xin Mẹ…” Nước mắt đau khổ vẫn tuôn rơi không dứt. Đây là những lời thánh thiện tha thiết nhất thốt ra tự đáy lòng tôi trong suốt cuộc đời của tôi. Tôi cầu xin Mẹ chấp nhận lấy con tôi vì tôi không biết phải làm sao để thay đổi cuộc đời chúng nó. Đối với bản thân tôi, giờ thì không có gì cứu vãn nổi tình thế này ngoại trừ Chúa ra. Vì cả đời tôi đã chẳng bao giờ cầu nguyện cho chúng nó. Khi chúng lỡ lầm tôi đã chẳng biết khuyên nhủ bảo ban.
Thánh Lễ với cha Ken Robert tối đó thật sự đã thay đổi cuộc đời chúng tôi. Từ đó, chúng tôi bắt đầu sống sứ điệp của Mẹ. Những gì Mẹ đòi hỏi như lần hạt mỗi ngày. Ăn chay Thứ Tư và Thứ Sáu bằng bánh mì và nước lã. Đọc sách Thánh Kinh. Xưng tội một tháng một lần. Tôi nghĩ đó là những điều vô cùng khó khăn đối với tôi. Tôi không thể làm nổi. Tôi bắt đầu ăn chay nhưng nửa đêm tôi đi mò tủ lạnh…Nhưng cũng từ đó phép lạ bắt đầu xảy ra. Tôi đã cố gắng hết mình để làm theo những gì Mẹ đòi hỏi như thương yêu tha nhân, bố thí v.vv...
Tôi không cần bảo con cái lần hạt hay giục chúng đi lễ. Thiên hạ xì xầm: ‘Thật đúng là hoa trái của Mễdu. Hoa trái của một người tin vào sứ điệp.’ Và rồi, đứa con út tự rửa tội lấy một mình đang theo học trong chủng viện Rôma; những đưa kia đều trở nên những người tốt lành thánh thiện. Từ lời tôi kêu van: ‘Mẹ ơi, xin chấp nhận bầy con của con.’ Và Mẹ đã nói: ‘Mẹ đã nghe lời con.’
Tôi tự thú, con người tôi đã một lần hai chân đứng trên cửa địa ngục mà không biết: một con người phạm đủ mọi tội lỗi xấu xa trên trát đất; một con người đầy lỗi lầm. Đây là lời tôi thốt lên: “Lạy Mẹ Nữ Vương Hòa Bình. Con cám ơn những sứ điệp của Mẹ. Ôi Chúa Giêsu. Con cám ơn Mẹ của Chúa mỗi ngày. Mẹ đã cứu các con của con, Mẹ đã cứu chúng con. Con xin chúc tụng Mẹ cho tới giờ sau hết của đời con.”
Đối với tôi, Nancy như một thiên thần từ trời xuống trong đời tôi. Tôi yêu nàng. Khi tới ngày kỷ niệm hôn nhân của chúng tôi. Nàng viết cho tôi : “Anh nhớ ngày đám cưới của chúng mình trên đỉnh núi Whistler không? Chúng mình đã không có lấy một lời cầu nguyện..Hôm nay là ngày kỷ niệm năm thứ 15 của chúng mình, người chồng yêu quí của em. Khi Thiên Chúa tạo dựng ra anh trong quyền năng và Lòng Thương Xót vô cùng của Ngài. Ngài ban anh cho em như một kho tàng trân quí, một kho tàng để giữ. Em chúc tụng Chúa và cám ơn Ngài đã tỏ cho thấy tình yêu của Ngài qua con người của anh…”
Chúng tôi dọn qua Mễ du sống từ 6 năm về trước. Chúng tôi không còn địa vi, danh vọng tiền tài nhưng có Chúa, Đức Mẹ là tất cả cho chúng tôi.
Sau đây Nancy có vài lời chia sẻ với quí vị:
Mỗi lần được nghe một nhân chứng về Lòng nhân từ Chúa trong cuộc sống. Tôi không thể không vui mừng vì Thiên Chúa thật sự mỉm cười với chúng tôi, không phải vì chúng tôi xứng đáng để Chúa đổ ơn xuống trên cuộc đời chúng tôi. Chỉ vì tình yêu của Ngài vô biên và Lòng Thương Xót của Ngài vô bờ bến.
Nhớ lại Giáng Sinh trước khi sứ điệp gửi tới cho chúng tôi. Tôi cầu nguyện với Ngài: “Lạy Chúa con chỉ muốn một điều là được biết Chúa, con chỉ muốn được gần Chúa và đem chồng con tới gần Chúa.” Thời điểm đó tôi hoàn toàn sống xa Chúa, xa các bí tích của Giáo Hội.
Tôi đã bỏ không xưng tội bởi vì tôi sống xa các bí tích. Tôi sống theo lối sống ‘thời mới’ nhưng tôi không nhận thức được điều đó bởi vì tôi bị đui bởi lối sống này, lầm lạc bởi lối sống này… Tôi và Patrick tranh luận hằng giờ, và anh ấy nói: “Thiên Chúa không hiện hữu”. Nếu Thiên Chúa hiện hữu tại sao để cho con người đau khổ. Điển hình là gia đình tôi. Dọn hết từ nhà này qua nhà khác. Sống theo ý riêng mình và làm tất cả những gì mình muốn. Con cái chúng tôi sống rạn nứt khổ đau, chúng tôi không biết làm cách nào để giúp chúng bởi vì chính chúng tôi không thể giúp chúng tôi được làm sao có thể giúp cho con cái.
Khi bì thư của cậu em tôi từ vùng trời Nam Tư gửi tớí, tôi mở ra, thấy nó… Trong Thánh Kinh, Chúa nói hạt giống rơi trên đường bị chim ăn mất. Đây đúng như điều đã xảy ra cho tôi. Tôi đọc sứ điệp đó, tôi hiểu Mẹ đang nói gì... Tôi không nghi ngờ mảy may gì về điều đó. Ngay giây phút đọc những hàng chữ: “Mẹ kêu gọi các con hãy hoán cải vì đây là lần cuối…” trái tim tôi đóng lại giống như lời kêu gọi đó cho ai khác, bởi vì tôi đã hoán cải, đã được rửa tội và thêm sức, tôi đi lễ một năm một lần. Tưởng tượng coi tôi đui mù cách nào trong khi tôi là một người Công Giáo, sống xa các bí tích, xa sự thật, xa Giáo Hội.
Với những sứ điệp đó, tôi biết đó là sự thật nhưng không nghĩ nó áp dụng cho tôi. Cha Jozo thường chia sẻ những sứ điệp này: “Đức Mẹ kêu gọi những người vô tín hoán cải…” Nhưng sứ điệp kế tiếp Mẹ nói: “Không, Mẹ kêu gọi tất cả các con hoán cải..” Tôi không hiểu gì trong thời gian đó. Coi lại sứ điệp đó tôi mới thấy mình đui mù. Tôi cứ nghĩ nó dành cho Patrick, và tôi đưa cho chồng tôi. Nhưng anh ấy không đọc. Tưởng tượng tới sự hư hèn trong trái tim, sự đui mù của con tim, đó là điều tôi đã làm. Tôi cầm sứ điệp đưa cho Patrick và nói: “Ông chồng vô thần của tôi ơi. Hãy làm những gì anh muốn vì đó là linh hồn của anh đó.”
Cuối cùng một sự ngạc nhiên đã xảy ra, người chồng đã tranh luận với tôi hằng giờ là Thiên Chúa không hiện hữu đã hỏi tôi một câu: “Em có đọc sứ điệp này không?” Tôi nhìn anh ấy đáp: “Dạ..ạ..ạ.., em đã lướt qua rồi…” Patrick nói: “Không, nếu em thật sự đọc qua những sứ điệp này rồi thì em đã chẳng như vậy. Những sứ điệp này là thật.” Tôi rất hiểu chồng tôi. Người đứng trước mặt tôi hoàn toàn là một con người khác. Và ngay lúc đó trái tim tôi mở rộng, tôi hiểu rằng Mẹ đang kêu gọi tôi hoán cải. Nhưng lúc đó vì đang sống xa vời với các bí tích, tôi ngại ngùng trở về với Giáo Hội. Nhưng Mẹ rất nhân từ. Mẹ ân cần cầm tay tôi. Mẹ dẫn dắt chúng tôi trở về với con của Mẹ. Mẹ dẫn chúng tôi về với các bí tích. Và khi Mẹ đem chúng tôi về với Con của Mẹ, Mẹ đứng cạnh bên. Thật sự không dễ gì cho chúng tôi sống theo các sứ điệp của Mẹ, rất khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng từng chút một. Chúng tôi đã phải cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ và rồi mọi sự trở nên dễ dàng hơn. Điều vui mừng là Đức Mẹ đã ban ơn cho chúng tôi để thực hành được những gì Mẹ kêu gọi.
Niềm vui của chúng tôi là được sống ở Mễdu, có sự hiện diện của những linh mục thánh thiện như cha Sledicar, cha Slavko, (thời gian đó ngài còn tại thế) cha Jozo và tất cả những linh mục dòng Phan Xinh và các sơ ở đây. Đời sống gương mẫu của họ đã đánh động chúng tôi rất nhiều. Và đời sống gương mẫu của các thị nhân. Quí vị không tưởng nổi những trách nhiệm, những khó khăn mà họ phải gánh vác. Chúng tôi sống ở đó và thấy được tất cả. Không cần biết là nửa đêm hay 5 giờ sáng, thiên hạ gõ cửa bất cứ lúc nào để xin cầu nguyện hay xin nọ kia, rồi phê phán… Tôi nghe có người nói: “Hê, Jacob ơi, cậu không nên mặc cái áo mầu hồng đó…” .
Cha Jozo thường nói sáu thị nhân này đã sanh ra trong sự nhường nhịn. Ngài nói, họ cho là chúng tôi dựng chuyện lên ngay từ lúc ban đầu. Nhưng không phải chúng tôi đã làm vậy. Đó là ân sủng của Mễdu.
Tôi muốn chia sẻ với quí vị câu chuyện của một người đàn bà ở Mỹ, ngồi xe lăn cả 12 năm. Bà tới gặp cha Jozo vào sáng thứ Hai. Và sáng thứ Bẩy trong khi tôi đang lái xe, có một người dừng xe của tôi lại và nói: “Tôi muốn nói chuyện với bà, muốn hỏi xin một bản kinh ‘Dâng Mình cho Đức Mẹ’, nhưng tôi không có bản kinh đó. Ông ta nói: “Vợ tôi bị một chứng bịnh phải ngồi xe lăn từ 12 năm nay. Ngày hôm qua tức thứ Sáu, nhà tôi leo lên núi Krizevac một mình.” Tôi nói với ông: “Đó thật là một phép lạ không thể tưởng nổi.” Ông ta nói: “Không, bà không hiểu được đâu.” Và nhìn thẳng vào mắt tôi một cách nghiêm chỉnh tiếp: “Đó không là một phép lạ vĩ đại, phép lạ vĩ đại là đức tin của tôi kìa. Bây giờ tôi tin vào Thiên Chúa, cái đó mới gọi là phép lạ vĩ đại.”
Tôi hay nghi ngờ nên tôi cũng hiểu sự nghi ngờ của quí vị. Nhưng thử tưởng tượng coi một người đàn bà đã không dùng tới đôi chân của mình trong 12 năm trời ròng rã, và bà đã đứng dậy đi lên đi xuống ngọn núi Krizevac. Mọi người ai cũng biết ngọn núi này dốc dác và khó khăn cỡ nào.
Tôi còn nhớ buổi nói chuyện của Ivan, có người hỏi anh rằng: “Đối với anh, phép lạ nào vĩ đại nhất mà anh đã thấy?’ Lúc đó tôi nghĩ: “Chà, phép lạ nào vậy kìa?” Bởi vì chúng tôi đã chứng kiến biết bao phép lạ dị thường ở Mễdu. Ivan không ngần ngại quay qua người hỏi anh: “Phép lạ vĩ đại nhất mà tôi thấy là phép lạ mặt trời quay trong trái tim con người, thay đổi con người. Vì không có phép lạ nào vĩ đại hơn phép lạ đó cả. Đó là Mễdu…”
Đã có rất nhiều người tới Mễdu vì họ rất sợ hãi ngày tận cùng của trái đất nên muốn tìm sự chở che. Họ sợ không dám có con, sợ không dám có nhà, sợ rất nhiều thứ. Có người tới đây với những thị nhân của mình. Thật đáng buồn. Đức Mẹ nói trong một sứ điệp: “Các con thân mến! Các con không cần phải lo ngày mai ăn gì, uống gì. Không cần phải lo lắng cho ngày mai. Ngày nào có cái khổ của ngày đó..” Mt chương 6.
Các thị nhân trên thế giới kêu gọi đề phòng gạo nước cho ngày cuối, cái đó không phải là điều Chúa dạy trong Thánh Kinh. Cha Jozo thường nói, đây là thời gian của Chúa. Đây là thời gian của Mẹ. Đây là thời gian của trái đất. Và Mễdu là đại dương ân sủng. Đức Mẹ nói ngay từ lúc đầu khi mới hiện ra rằng: “Mẹ chọn các con và Mẹ cần các con…Mẹ yêu thương các con..” Cha Jozo và các linh mục ở đây cũng nói với khách hành hương rằng: “Mẹ chọn các con. Mẹ cần các con. Mẹ yêu thương các con..” Mẹ đang chờ đợi chúng ta. Mễdu là nơi tràn đầy ơn sủng nhất trên trái đất. Cha Jozo thường nói, Mễdu là nơi mà những người thánh thiện luôn ao ước được sống nơi đây. Ân sủng mà họ muốn thấy và muốn rao giảng nhưng phải sống với ân sủng đó. Sống một cách khiêm nhường.
Tôi nhớ có một người yêu cầu Maria cầu nguyện cho được khỏi một chứng bịnh nan y và bà đã được khỏi. Sau đó bà muốn làm một cái gì đó lớn lao để đáp lại ơn mà Mẹ đã ban. Maria dịu dàng nói: “Đức Mẹ không cần bà làm một việc gì lớn lao cả, bà chỉ cần làm những việc nhỏ thôi nhưng với tâm tình yêu mến.”
Thật an ủi khi Cha Svet nói: “Cầu nguyện, ăn chay và dự thánh lễ. Hãy để Thiên Chúa lên hàng đầu trong đời sống và Thiên Chúa sẽ làm phần còn lại.” Thật tuyệt vời. Vui biết bao khi biết Mẹ hằng nghe lời chúng ta. Có nhiều người sợ hãi khi nghe tới những điều bí mật. Tôi nghe một người hỏi Mirjana về 10 điều bí mật thì cô trả lời: “Đừng lo lắng làm gì những điều đó, mà hãy lo cho chính bản thân mình. Bạn phải lành mạnh trước mặt Thiên Chúa trước.” Có nhiều người sợ có con cái và Mirjana nói: “Đừng sợ hãi có con mà hãy sợ hãi không có con…Không có gì phải sợ cả. Đức Mẹ không tới để trừng phạt chúng ta. Mẹ cũng không tới để lên án chúng ta. Mẹ tới để đem chúng ta tới hy vọng, hoán cải để yêu thương.”
Cha Jozo không ngừng nói về các linh mục. Linh mục là dấu chỉ Thiên Chúa tỏ cho thấy Người không bỏ rơi chúng ta. Linh mục là một dấu chỉ Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Linh mục yếu đuối chúng ta thì mỏng dòn. Nếu chúng ta không chắp tay cầu nguyện, không cúi đầu với hai đầu gối chúng ta sẽ không thể đứng vững. Linh mục là một quà tặng vĩ đại từ Thiên Chúa cho chúng ta. Vì không có Linh Mục không thể có Thánh Lễ, không Thánh Thể.. Không linh mục không có sự cứu rỗi. Không linh mục không có bí tích hòa giải. Và bí tích hòa giải là một ân sủng vĩ đại Chúa ban cho chúng ta qua linh mục mà chúng ta thấy ở Mễdu. Nó đã đánh động thay đổi bao tâm hồn. Bởi vì khi giờ hòa giải bắt đầu, chúng ta chứng kiến các linh mục rửa tay bằng nước mắt của sự thống hối. Hãy cầu nguyện cho các linh mục.
Hiện tại biết bao người chờ đợi Mễdu được Giáo Hội chấp nhận. Cha Jozo nói: “Hỡi những người con trung thành, hãy chờ đợi khi Giáo Hội chấp nhận Mễdu.”
Câu chuyện của Patrick và Nancy sau khi hoán cải, hai vợ chồng ông đã bỏ cuộc đời giầu sang phú quí dọn qua Mễdu sống cuộc đời nghèo khó phục vụ khách hành hương từ muôn phương đổ về tìm Chúa. Nancy thì giúp cha Jozo làm thông dịch trong các buổi nói chuyện. Hiện nay thì họ không còn gì cả nhưng họ có Chúa và Đức Mẹ là gia nghiệp của họ. Họ hạnh phúc vì phần phúc này.
Thuận Hà – Marian Conference - 1998