Công Giáo Khắp Nơi

Đêm thứ bẩy này, 11 tháng 9 năm 2010, linh quan của Cha Thánh Gioan Bosco sẽ đến sân bay Cựu Kim Sơn, điểm đặt chân đầu tiên của các con cái Ngài, cách đây hơn 100 năm, trong bước khởi đầu công cuộc xây dựng tỉnh Dòng Salêdiêng Don Bosco tại Hoa Kỳ. Đây là một biến cố trọng đại và mang đậm ý nghĩa, nhằm chuẩn bị cho dịp kỷ niệm đệ nhị bách chu niên sinh nhật của Cha Thánh Don Bosco (1815—2015), một thời điểm đáng ghi nhớ mà các con cái Ngài trên khắp thế giới đang nô nức hân hoan hướng tới. Trong khi nghênh đón linh quan của Cha Thánh, thiết tưởng không có gì tốt đẹp hơn là nhìn lại và nghiền ngẫm về nét bí nhiệm trong sự thánh thiện của vị tông đồ giới trẻ mà danh tiếng đã vang lừng không chỉ trong dòng lịch sử của Giáo hội gần hai trăm năm qua, mà hiện nay còn rất linh hoạt qua các công cuộc giáo dục và truyền giáo của các con cái Ngài trên khắp năm châu. Đó là nét thần bí được cô đọng trong câu nói rất đơn sơ, nhưng đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc đời của Cha Thánh, và tất nhiên, cũng trở thành châm ngôn để đời cho từng người con đã một lần dấn bước theo Ngài: “Da mihi animas, coetera tolle—Xin cho tôi các linh hồn, còn các sự khác xin hãy lấy đi.” Văng vẳng đâu đây lời Chúa cảnh báo: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”(Luca 9:25; Mt. 16: 24-27; Mc 8:34-38)

Đây là bản văn trích từ sách “DON BOSCO - NHÂN CÁCH VÀ SỰ THÁNH THIỆN” của LM Pietro Brocardo, SDB, được anh em Salêdiêng Việt Nam dịch thuật theo bản Anh ngữ: “Don Bosco deeply human and deeply holy” của Abraham Kadaplackel, Don Bosco Publications, Madras. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi để thêm lòng ngưỡng phục một vị thánh đã trọn đời hy sinh vì phần rỗi các linh hồn.

Nguyễn Kim Ngân

xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx


Những lời vua Sôđôma nói với Abraham: “Xin ông cho tôi lại những nhân mạng, còn của cải xin ông cứ giữ lấy” (St 14,21) đã được Don Bosco chuyển dịch lại dựa theo một truyền thống lâu đời rằng: “Lạy Chúa, xin cho con các linh hồn, còn mọi sự khác xin lấy đi.”

Từ chìa khóa trong câu văn này là “các linh hồn,” một danh từ đã được nền văn chương Kitô giáo từ nhiều thế kỷ dùng để chỉ về yếu tố linh thiêng, được định chỗ trong thời gian nhưng bất tử, giữa cứu rỗi và án phạt đời đời, giữa tội và ân sủng, giữa Giêrusalem và Babilon, giữa Thiên Chúa và Satan” (P. Stella).

Don Bosco viết: “Nếu các con cứu được linh hồn mình, mọi sự đều tốt đẹp, và các con luôn được hạnh phúc, bằng không các con sẽ mất linh hồn, thân xác, Thiên Chúa và thiên đàng, và rồi sẽ bị án phạt đời đời.” Ngày nay chúng ta có một nhãn quan bao quát hơn về định mệnh con người và những thực tại nhân loại. Dù sao, theo ngôn từ thời đại, Don Bosco đã vạch ra cho người ta thấy đúng hướng họ phải theo. Ngài lâp đi lập lại cho mọi người rằng: con người được dựng nên không phải cho thế giới này, rằng con người là một nhân chứng cho mối căng thẳng và niềm hy vọng của tương lai đang đón chờ họ, chúng ta có thể tin tưởng nghe theo lời ngài. Ngài có lý khi nói rằng khát vọng thâm sâu nhất, lời kinh tha thiết nhất của ngài là xin cho “các linh hồn được cứu rỗi” và được bảo đảm nước Trời.

Luôn luôn là linh mục, trọn vẹn là linh mục.

Câu “xin cho con các linh hồn” là niềm say mê, là nỗi ám ảnh, và là khoa bí nhiệm của ngài. Khoa bí nhiệm này qui vào tâm điểm là Thiên Chúa và Chúa Kitô, nhưng nó cũng là hệ quả trực tiếp của tư cách ngài là linh mục, người được gọi và tách riêng ra trên bình diện bản thể, để cộng tác với Chúa Kitô trong việc phục vụ phần rỗi. Chúng ta không thể nghĩ về Don Bosco ngoài tư cách là “Linh mục Bosco.”

Thời niên thiếu của ngài là gì nếu không phải là chuẩn bị cho chức linh mục, một sự chuẩn bị tự ý, đầy quyết tâm và bền bỉ? “Tôi phải sớm trở nên linh mục - ngài tự nhủ - để sống với thanh thiếu niên và để giúp đỡ chúng”. Và cuộc đời của ngài là gì nếu không phải là thực hiện lời thề hứa của ngài khi còn niên thiếu?

Ngài muốn là hình ảnh hoàn hảo nhất, sự trung gian bí tích sáng ngời nhất của Chúa Kitô linh mục, Đấng là trung gian duy nhất và hiện thực nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài không bao giờ nao núng khi nghĩ tới trọng trách của chức linh mục. Luôn luôn là linh mục, trọn vẹn là linh mục và không là gì khác.

Ngài thường nói: “Linh mục thì luôn luôn là linh mục và phải tỏ ra như thế trong mọi lời nói của mình,” “Ai trở thành một linh mục thì phải là một linh mục thánh thiện.” Từ “linh mục” không mấy được ưa chuộng vào thời ấy, vì các bà mẹ tốt lành ở Torino thường vẫn dạy con cái họ đừng gọi là “linh mục” mà gọi là “ông cố”. Vì tên gọi linh mục bị một số người khinh bỉ. Ấy thế mà chữ linh mục được lập đi lập lại đến bảy lần trong lời mào đầu cho cuộc đối thoại giữa Don Bosco và Bộ trưởng Bettino Ricasoli tại Florence tháng 12 năm 1866: “Thưa ngài Bộ trưởng, xin ngài nhớ cho rằng Don Bosco là linh mục ở bàn thờ, linh mục ở tòa cáo giải, linh mục ở giữa thanh thiếu niên. Ông ta là linh mục ở Torino thế nào thì ông ta cũng là linh mục ở Florence như thế đó, linh mục tại nhà của dân nghèo, linh mục nơi cung điện vua chúa.”

Cái ý nghĩ vẫn còn đậm nét khi nói về linh mục đó là ý nghĩ về một con người cao sang, đóng kín trong thế giới riêng của mình và trong nhà thờ. Don Bosco thì ngược hẳn. Ngài tỏ ra mình là một tiền hô cho linh mục, hoàn toàn hiến thân cho sứ mệnh, mở rộng trước hơi thở của Thần Khí trong lịch sử, hòa mình vào trong xã hội và với đồng loại, sẵn sàng phục vụ hết mọi người, nhưng nhất là trẻ em và người nghèo. Nơi ngài không hề có phân rẽ giữa đời sống thiêng liêng và đời sống mục vụ.

Ngài xác tín sâu xa rằng một linh mục chỉ tự thánh hóa và tự cứu rỗi mình xuyên qua việc thi hành thừa tác vụ và sứ mệnh chuyên biệt của mình. Niềm xác tín ấy tỏa sáng nơi một ít những lời tuyên bố cô đọng và mạnh mẽ của ngài: “Tài sản của linh mục không là gì khác ngoài các linh hồn.” “Linh mục không lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục một mình, nhưng bao giờ cũng kéo theo các linh hồn mà mình đã cứu được hay để mất.”

“Mỗi lời linh mục nói ra phải là muối của sự sống đời đời cho mọi người và ở mọi nơi. Bất cứ ai đến gặp một linh mục, lúc ra về cũng phải mang theo được một sứ điệp nào đó có ích cho linh hồn mình.” “Linh mục không được có mối quan tâm nào khác ngoài những mối quan tâm của Chúa Kitô.”

“Ở tận cốt lõi, những mối quan tâm của Chúa Kitô, Đấng mặc khải và tôn thờ Chúa Cha, Đấng cứu chuộc nhân loại, chính là “Vinh quang Thiên Chúa” và “phần rỗi loài người.” Và đây lại chính là những gì Don Bosco hằng quan tâm lo lắng suốt cả cuộc đời. Lòng ngài chỉ ao ước cứu rỗi và thánh hóa các linh hồn.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ám chỉ điều đó trong bài diễn văn đọc cho các thành viên Tổng Tu Nghị XXII ngày 4 tháng 4 năm 1984: “Điều quan trọng là phải nhấn mạnh và luôn ý thức rằng khoa sư phạm của Don Bosco chứa đựng một năng động lực và một viễn tượng có tính chất cánh chung sâu xa. Điều cốt yếu Chúa Giêsu hằng lập đi lập lại trong Phúc âm, đó là “vào Nước Thiên Chúa.”

Vào Nước Thiên Chúa có nghĩa là chiếm được ơn cứu rỗi vĩnh cửu. “Cứu rỗi linh hồn mình” và cộng tác vào việc “cứu rỗi các linh hồn” là những câu mà Don Bosco thường lập đi lập lại cho các học sinh, các tu sĩ Salêdiêng và hết mọi người, dù thuộc giới bình dân hay thượng lưu. “Cha nhắc nhở các con là hãy lo cứu rỗi linh hồn mình.”

Cảnh tượng Chúa Giêsu, Đấng mục tử nhân hậu, đến trần gian để qui tụ và cứu vớt các con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi, thúc đẩy Don Bosco tiêu hao đời mình cho giới trẻ thời ngài, đặc biệt giới trẻ nghèo khổ nhất, bị bỏ rơi và gặp nguy hiểm trầm luân nhất.

Trong thâm tâm, Don Bosco lúc nào cũng chỉ nghĩ tới việc cứu rỗi các linh hồn, nhất là những linh hồn được Chúa trao phó cho ngài. Nó là “hạt nhân cốt yếu và bó buộc, là nền tảng sâu xa nhất của đời sống nội tâm, của việc ngài đối thoại với Thiên Chúa, của nỗ lực ngài làm trên bản thân mình, của công việc ngài làm trong tư cách một tông đồ được gọi và chọn để cứu rỗi giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi” (P. Stella).

“Lạy Chúa, xin cho con các linh hồn, mọi sự khác xin Chúa lấy đi,” là câu phương châm Đaminh Saviô đọc được trong phòng Don Bosco, cho thấy rõ điều ngài muốn nhấn mạnh trong các quyết tâm ngài đã làm vào dịp tĩnh tâm chuẩn bị lãnh chức linh mục: “Tôi luôn sẵn sàng chịu đau khổ, làm việc, hạ mình trong mọi sự, một khi phần rỗi các linh hồn đòi hỏi”. Thực thế, trái tim ngài đã luôn luôn đập theo nhịp của câu: “Xin cho con các linh hồn” (E. Viganò).

Yếu tố hợp nhất

Đây là sức mạnh hợp nhất cả đời sống ngài: ngài sống vì nó và cho nó. Những gì ngài làm trong tư cách là nhà giáo dục, mục tử, văn sĩ và Đấng sáng lập dòng, đều chứng tỏ điều trên. Điều đó còn được minh chứng bởi những câu nói đầy xác tín nơi miệng ngài: “Các thiếu niên đến ở nguyện xá, cha mẹ và các ân nhân gởi chúng đến với chúng ta để chúng được hưởng một nền giáo dục,.. . Nhưng Thiên Chúa gởi chúng đến để chúng ta làm việc cho linh hồn chúng và để chúng có thể tìm được ở đây con đường dẫn tới phần rỗi đời đời. Vì thế chúng ta phải coi mọi sự khác như là phương tiện để đạt mục đích của chúng ta: đó là làm cho chúng trở nên tốt lành và cứu rỗi được linh hồn mình.” “Mọi nghệ thuật đều quan trọng, nhưng nghệ thuật của tất cả mọi nghệ thuật chính là cứu rỗi các linh hồn. Chỉ có điều đó mới đáng kể.” “Mọi phí tổn, mọi mệt nhọc, mọi phiền hà, mọi hy sinh, tất cả đều không có nghĩa lý gì khi chúng ta cứu giúp các linh hồn cho Thiên Chúa.” Ngài thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứ để chúng con chịu đựng những thánh giá, mạo gai, bách hại đủ thứ, miễn là chúng con có thể cứu rỗi linh hồn người khác và linh hồn mình.” “Tình yêu của cha (đối với chúng con) - ngài nói với các thợ thủ công tại Valdocco - được đặt nền trên lòng ao ước của cha là cứu rỗi linh hồn chúng con, vì tất cả đã được mua chuộc bằng bảo huyết của Chúa Kitô Giêsu, và chúng con yêu mến cha là bởi vì cha đang cố gắng dẫn đưa chúng con trên đường đi tới phần rỗi đời đời.” Ngay trong cơn hấp hối, giữa các cơn ác mộng của ngài, người ta cũng thấy ngài lăn lộn, vỗ tay và la to: “Chạy, chạy nhanh lên và cứu những đứa trẻ ấy... Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin hãy cứu vớt chúng!” Thậm chí Ngài còn nói: “Giả như cha lo lắng cho phần rỗi của mình bằng cách lo cho phần rỗi kẻ khác, thì chắc chắn cha sẽ cứu được linh hồn mình.”

Như nhà nghệ sĩ cảm thấy đau khổ khi không thể dùng ngôn ngữ nhân loại để diễn tả cái trực giác say mê của tâm hồn, Don Bosco cũng than phiền rằng ngài không thể diễn tả được đầy đủ ý tưởng cứu rỗi các linh hồn đúng như ngài đã trải nghiệm và đích thân sống: “Ôi! - ngài thốt lên - Giá mà cha có thể diễn tả cho các con điều cha cảm nghiệm. Ngôn từ thì quá nghèo nàn và giới hạn, mà đề tài lại quá cao siêu và quá quan trọng.”

Các cố gắng, các tổ chức của ngài, việc sáng lập Tu hội Salêdiêng và Tu hội Con Đức Mẹ Phù hộ, hội các Cộng tác viên, tất cả chỉ nhắm một mục đích tối thượng này mà thôi. “Mục đích duy nhất của nguyện xá là để cứu rỗi các linh hồn.” “Đối với các hội viên, tu hội này không có mục đích nào khác ngoài việc kêu mời họ hiệp nhất tinh thần để hoạt động cho vinh quang cao cả Chúa và phần rỗi các linh hồn,” theo lời khích lệ của thánh Augustinô: “Làm việc cho phần rỗi các linh hồn là công việc linh thiêng.” Ngài thêm: “Đây là mục đích cao qúy nhất chúng ta có thể nghĩ đến, đây phải là hơi thở triền miên của người Salêdiêng.” Don Rua đã có thể tuyên bố một cách chắc chắn tuyệt đối trong án phong thánh: “Ngài không hề tiến một bước, nói một lời, không hề khởi sự một sáng kiến nào mà không phải là vì phần rỗi giới trẻ, ngài để mặc người khác thu tích của cải, tìm kiếm lạc thú, và chạy theo danh vọng, lòng ngài không có gì khác ngoài các linh hồn. Câu Ngài nói: “Xin cho con các linh hồn, mọi sự khác xin lấy đi” - không chỉ là một lời nói suông mà là cả một hành động.”

Don Albera, người đã sống lâu năm bên cạnh Don Bosco, cũng khẳng định: “Động cơ của cả cuộc đời Don Bosco là làm việc cho các linh hồn, cho tới khi ngài hoàn tất nghi lễ hiến dâng chính bản thân mình... Có thể bảo rằng: Cứu rỗi các linh hồn chính là lẽ sống duy nhất của ngài.”

Đức thánh Cha Pio XI đã đưa ra những nhận xét rất giá trị trong buổi tiếp kiến dành cho Đại Gia đình Salêdiêng ngày 3 tháng 4 năm 1934, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Trong buổi tiếp kiến này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa biến cố phong thánh đầy vui mừng với những giá trị của năm thánh cứu độ: “Don Bosco nói với chúng ta hôm nay “hãy sống đời sống Kitô hữu như cha đã sống và dạy chúng con.” Nhưng Ta nghĩ rằng Don Bosco đang nói những lời có ý nghĩa đặc biệt với chúng ta, những người con rất thân yêu của ngài, ngài dạy chúng con biết bí quyết đầu tiên của ngài đó là yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc. Phải nói rằng đây là một trong những ý tưởng chiếm ưu thế trong cuộc đời ngài. Ngài cho chúng ta hiểu điều đó qua phương châm “Xin cho con các linh hồn.” Bởi đó lòng yêu các linh hồn là đề tài nguyện ngắm liên lỉ của ngài, ngài không lúc nào không nghĩ tới các linh hồn, không phải nơi tự thân các linh hồn, mà nơi ý tưởng, hành động, Máu và sự chết của Đấng Cứu chuộc chí thánh. Ở đây, Don Bosco thấy được rằng các linh hồn quả là một kho tàng vô giá và khó đạt thấu. Bởi thế mới phát sinh khát vọng và lời cầu xin của ngài: “xin cho con các linh hồn.” Đây là biểu hiện của lòng ngài yêu mến Đấng Cứu chuộc, một biểu hiện nói lên rằng, xuyên qua nhu cầu may mắn của sự việc, tình yêu đối với tha nhân trở thành tình yêu đối với Đấng Cứu chuộc, và tình yêu đối với Đấng Cứu chuộc trở thành tình yêu đối với các linh hồn đã được cứu chuộc, những linh hồn được mua bằng Máu Người, nhưng không phải một giá quá đắt theo tư tưởng và phán đoán của Người.”

Các Tổng dòng và các Tu hội lớn đã diễn đạt những khía cạnh đặc trưng của đoàn sủng họ vào các câu cô đọng. Dòng Biển đức với câu “Cầu nguyện và lao động”; dòng Đa minh với câu “Chiêm ngắm và truyền đạt lại điều chiêm ngắm”; dòng Tên với câu “Vinh quang cao cả Chúa và phần rỗi các linh hồn.”

Cha E. Viganò, Bề trên Cả dòng Salêdiêng viết: “Tôi xác tín rằng không có lối diễn tả cô đọng nào lột hết được tinh thần Salêdiêng ngoài câu phương châm mà chính Don Bosco đã chọn: “Xin cho con các linh hồn, mọi sự khác xin lấy đi.” Câu này bộc lộ sự kết hợp nồng cháy với Thiên Chúa, khiến ta đi sâu vào được mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, được mặc khải trong lịch sử qua việc sai phái Chúa Con và Thánh Thần như Tình yêu vô hạn hầu cứu rỗi loài người”.

Những gì được bộc lộ từ câu phương châm và từ năng lực của đức ái mục tử, hiện thân nơi sự ưu ái dành cho giới trẻ và cụ thể hóa nơi lòng “trìu mến,” tất cả những điều đó vẫn chưa cho chúng ta hình ảnh đầy đủ về sự thánh thiện của Don Bosco.

Mối quan tâm và ưu ái lớn lao dường ấy của thánh nhân đối với các linh hồn không thể dẫn chúng ta tới kết luận rằng, đối với ngài, con người chỉ là linh hồn và linh hồn tách biệt với thân xác. Không phải thế. “Con người bao gồm hồn và xác,” và nếu linh hồn tự do, bất tử, là “hơi thở thần linh” phản chiếu “hình ảnh và chân dung Thiên Chúa”, thì thân xác chính là một “quà tặng.” Trong cuốn “Tháng Năm” của ngài, ta đọc thấy rằng “Thiên Chúa đã tạo dựng thân xác với những đặc tính kỳ diệu khiến chúng ta phải thán phục.” Don Bosco luôn luôn đề cao những giá trị của thân xác và tạo vật, tuy ngài cũng đã vạch ra mối nguy hiểm mà thân xác có thể gây ra do tội lỗi. Ngài nhắn nhủ trong cuốn “Bạn đường tuổi trẻ”: “Với những ai cho rằng không nên hãm dẹp thân xác nhiều đến thế, hãy nói rằng: Ai không chịu khổ với Chúa Giêsu Kitô thì cũng sẽ không được vui mừng hân hoan với Người.” Nhưng khi đề cập tới việc cứu rỗi linh hồn, tuy vẫn chấp nhận quan niệm nhị nguyên của thời ấy, song ngài luôn luôn nghĩ tới đứa trẻ như một nhân vị - sự cứu rỗi của đứa trẻ toàn diện, của từng đứa một, và nhờ đó dẫn tới sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại.

“Là con người thực tế, Don Bosco nhìn “giới trẻ” trong tình huống cụ thể của nó: một cá nhân được tiền định để huởng thiên đàng, nhưng đồng thời có một sứ mệnh phải thực hiện ở trần gian này; một công dân của thành phố Giêrusalem thiên quốc, được đặt giữa lòng đoàn dân lữ khách của Thiên Chúa tiến về nhà Cha, và một công dân của thành phố trần gian với mọi hệ lụy của sự tăng truởng, trưởng thành thể lý, tình cảm và văn hóa, và của việc dấn thân dần dần vào xã hội” (C. Colli).

Sự gắng sức của Don Bosco trong tư cách linh mục - nhà giáo dục và mục tử, nhằm ba mục tiêu thực tiễn sau: (1) đáp ứng những nhu cầu căn bản và vật chất của thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, cho chúng có “cơm ăn, áo mặc và nơi ở,” giúp chúng có khả năng kiếm kế sinh nhai một cách lương thiện bằng việc buôn bán hay nghề nghiệp. Ngài viết cho Bá tước Solaro di Margherita: “Với một đứa trẻ đang gặp nguy hiểm, việc tôi từ chối cho nó một mẩu bánh là tôi đã liều để nó rơi vào nguy cơ trầm trọng về linh hồn cũng như thể xác”. (2) bằng việc kiên nhẫn, giáo dục, giúp chúng trưởng thành và phát triển về phương diện con người và xã hội, để chúng trở thành những công dân lương thiện. Ngài thường nói: “Bất cứ nhà giáo dục nào quý trọng thiên chức của mình (và phải thế), họ sẵn sàng chịu mọi mệt nhọc cay đắng để đạt mục tiêu là đào luyện học sinh của mình về lãnh vực công dân, luân lý và khoa học.” (3) Nền giáo dục Kitô giáo dẫn đưa học sinh tới việc sống đạo Kitô một cách đầy xác tín và kiên trì “thiếu tôn giáo - ngài thường nói - thì không thể giáo dục giới trẻ được.” Trong hệ thống của ngài, việc đào luyện đời sống ân sủng và tình nghĩa thiết với Chúa Kitô được đẩy tới đỉnh cao của sự thánh thiện đích thực. Như đã nói, Don Bosco có công lớn trong việc “đưa sự thánh thiện vào thế giới của việc giáo dục,” theo nghĩa là ngài đã “triển khai nền sư phạm Kitô giáo, biến nó thành nguồn mạch phát sinh sự thánh thiện cho giới trẻ” (E. Viganò). Cậu bé Đaminh Savio là thiếu niên đầu tiên từng được tôn phong là vị thánh hiển tu trong lịch sử Hội thánh và là hoa quả của một phương pháp sư phạm.

Như cha P. Braido đã vạch ra một cách thông suốt, ba mục tiêu nói trên, vốn đã được thể hiện một cách cụ thể và đồng thời trong công trình giáo dục của Don Bosco, thực ra không là gì khác ngoài một mục tiêu duy nhất, tối thượng, luân lý, tôn giáo và siêu nhiên, bao gồm những yếu tố chi phối cá nhân và cả xã hội. Khoa bí nhiệm “xin cho con các linh hồn” là sự pha trộn đậm đà giữa sự phát triển nhân bản và tiến bộ thiêng liêng với sự nhấn mạnh rất đặc biệt trên khía cạnh tôn giáo. Công đồng đã tái khẳng định sự hòa hợp nội tại này: “Hội thánh có nghĩa vụ quan tâm tới đời sống toàn diện của con người, kể cả đời sống trần thế, vì nó gắn liền với ơn gọi siêu nhiên của con người” (Gaudium et Spes, Nhập đề).

Theo http://donboscoviet.org
09/11/10

Để chào đón linh quan Cha Thánh Gioan Bosco
đến với vùng vịnh Cựu Kim Sơn

 
Nguyễn Kim Ngân

HinhLongThuongXot