Người Chủ Chăn

Chuyển dịch từ Le berger de mon troupeau, La trousse du berger của Maryse Dumas và Roger Groleau, Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo tại địa phận Sherbrooke, Québec

Phần 3. Đời Sống Tinh Thần Và Tư Cách Của Người Chủ Chăn 

 

3.1 Sứ mệnh của người chủ chăn

Sứ mệnh của người trưởng nhóm là :

1) chiến đấu vì đức tin
2) giữ sự hiệp nhất trong tinh thần khiêm nhường và hạ mình
3) công bố mạnh dạn về một Đức Kitô đã chết và nay đã khải hoàn phục sinh
4) công bố những kỳ công sống động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội hôm nay.

3.2 Những yếu tố căn bản cần phải có của một người chủ chăn tốt

1) Sự đổi mới

Người trưởng nhóm cần phải trải qua kinh nghiệm đổi mới trong Chúa Thánh Thần, kinh nghiệm của sự gặp gỡ mật thiết với Thiên Chúa, và phải chọn Chúa Giêsu là Thiên Chúa duy nhất và là Đấng Cứu Độ.

2) Phép Rửa trong Thánh Thần

Thật là rất khó mà giải thích cho người khác nếu chính người lãnh đạo chưa từng sống kinh nghiệm của ngày Lễ Ngũ Tuần.


3) Lời Chúa

Một người chủ chăn tốt phải biết dùng thời giờ mình có để đọc và suy gẫm thường xuyên Lời Chúa. Phải biết làm quen với Kinh Thánh và biết những đoạn quan trọng nhất nằm ở trong sách nào để tiện việc trả lời cho bất cứ câu hỏi nào của những người tham dự buổi họp.

4) Đức tin

Nếu không có đức tin, người trưởng nhóm không thể nào tiếp tục rao giảng Lời Chúa và công bố một Chúa Giêsu đang sống được.


« Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. » (Dt 11,1)


5) Cầu nguyện

Đương nhiên sự cầu nguyện và suy niệm không thể nào thiếu được. Nếu không có hai điều này, chúng ta không thể nào vâng theo lời chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu : trước mỗi quyết định hoặc buổi rao giảng nào, Ngài cũng lánh mặt để cầu nguyện riêng với Chúa Cha.


Sự cầu nguyện giúp giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi những mệt mỏi và gánh nặng trong ngày. Cầu nguyện cũng giúp chúng ta đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, và qua đó, chúng ta sẽ dễ dàng thi hành đúng theo Thánh Ý Ngài hơn.


Chúng ta cần cầu nguyện mỗi ngày cho buổi họp nhóm, cầu nguyện cho những người mà Thiên Chúa sẽ chọn, cầu nguyện cho ban tổ chức cũng như những người tham gia.


« Tất cả những gì anh em lấy lòng tin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được những gì anh em xin. » (Mt 21, 22)


Thánh Jean Chrysostome cũng đã nói : « Người nào cầu nguyện thì đã lãnh nhận được những ân huệ lớn lao trong việc cầu nguyện trước khi thấy điều mình xin được Thiên Chúa nhận lời. Cầu nguyện giúp giảm bớt căng thẳng của tinh thần, giúp hạ những cơn giận dữ đang bừng cháy, xua đuổi ganh tị, dập tắt những tham vọng, giảm bớt và làm khô héo đi những ham muốn của cải trần gian, và cuối cùng, cầu nguyện giúp tâm hồn chúng ta được sự bình an thư thản.


6) Đức ái

Phải thi hành sứ vụ được giao phó trong tinh thần yêu thương vô vị lợi.


« Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả. » (1Co 13,4-7)


7) Năng tham dự các Bí Tích

Các Phép Bí Tích là dấu hiệu tuyệt vời nói lên tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Năng chịu các Phép Bí Tích sẽ giúp cho trái tim khô héo của chúng ta được triển nở trong trái tim đầy yêu thương của Chúa Kitô. Bí Tích là suối nguồn nuôi sống linh hồn chúng ta và là sức mạnh của chúng ta.


8) Sự chuyên cần

Người trưởng nhóm và ngay cả những người được bổ nhiệm bởi một sứ vụ nào đó phải bảo đảm sự có mặt thường xuyên của họ trong các buổi cầu nguyện. Sự chuyên cần trong đường hướng mục vụ này rất là quan trọng.


9) Sự học hỏi và tăng trưởng trong đời sống tâm linh

Mỗi một người chủ chăn phải luôn có tinh htần học hỏi và trao dồi về đời sống tâm linh đề bảo đảm cho sự tăng trưởng tốt đẹp. Điều này rất quan trọng cho sự tiến triển của nhóm cầu nguyện.

3.3 Khuynh hướng trong tâm hồn

1) Nhân Danh Chúa Giêsu

Chúng ta luôn thi hành sứ mệnh trong Danh Giêsu chứ không phải trong chính danh xưng của mình. (x Mc 16,17)


Chúng ta phải luôn luôn đi trong thẩm quyền Chúa Giêsu. Nếu vậy nhờ vào sức mình, chúng ta sẽ không làm gì được. Cần phải đặt hết niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu và khi ấy Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn và những đặc sủng cần thiết.


2) Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

Sứ vụ mà chúng ta đang làm không phải là của riêng chúng ta nhưng là của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa ban tặng cho chúng ta để chúng ta có thể ra đi phục vụ trong vườn nho của Ngài. Vì thế chúng ta phải luôn luôn ở dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để cho sứ vụ mà chúng ta đang thi hành được sinh hoa kết quả tốt đẹp.

Nếu cái tôi của chúng ta đang quyết định mọi sự, thì Chúa Thánh Thần trong chúng ta không còn tự do hoạt động được như ngài muốn nữa bởi vì Ngài đã bị chúng ta trói buộc.


Hãy để Thánh Thần hoạt động một cách mạnh mẻ trong chúng ta. Hãy để Ngài làm khơi dậy ngọn lửa bị phủ lấp dưới đống tro tàn.


Đừng dập tắt Thần khí Chúa đang cháy trong trái tim chúng ta và trong nhóm. Nghi ngờ, thói quen, hững hờ và lạnh nhạt, phê bình, sợ hãi là những điều làm dập tắt ngọn lửa Thánh Thần trong các buổi cầu nguyện.


Hãy để Chúa Thánh Thần chỉ bảo chúng ta trong mỗi việc phải làm...nếu không Chúa Gisêu đã chẳng gọi Chúa Thánh Thần là Vị Cố Vấn, là Đấng Bảo Trợ. Chính Thánh Thần là Đấng mà Chúa gởi đến để cố vấn, dạy bảo chúng ta như Chúa Giêsu đã làm ch ocác tông đồ khi xưa (x Ga 14, 16). Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng vào Ngài.


Đừng tưởng rằng sự khôn ngoan và quyền năng mà chúng ta có được là do chúng ta. Chính Thiên Chúa và chỉ mình Ngài hành động mà thôi, và chúng ta chỉ là những khí cụ của Ngài. Không phải chúng ta làm thay đổi được việc gì hay làm nên một kỳ công nào, nhưng mà là do tình yêu Thiên Chúa và Thánh Thần hoạt động torng tâm hồn chúng ta.


3) Hãy là người phục vụ

Chính Chúa Giêsu đã nói : « Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người. » (Mt 20,28)

Chúng ta cũng hãy tỏ ra có cùng một thái độ với Đức Kitô là người phục vụ cho nhà Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.


4) Hãy để cho tâm hồn trống rỗng

Để thi hành một sứ vụ nào đó trong Thánh Ý Chúa, chúng ta cần phải có một tâm hồn thật trống rỗng, cởi mở và trong sáng trước mặt Chúa.


Để có một tâm hồn trống rỗng, chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện, chiêm niệm, lãnh nhận các Phép Bí Tích, đọc Kinh Thánh.


Để cho tâm hồn chúng ta đuợc giái thoát khỏi mọi sự, chúng ta phải phó thác hoàn toàn vào Chúa quan phòng, chúng ta phải di đúng theo tinh thần của Tin Mừng, chúng ta chỉ vác lấy những Thánh giá thuộc về chúng ta thôi, chúng ta phải xử sự mọi việc trong tinh thần trách nhiệm và chính trực, chúng ta hãy cư xử và hành động theo đường lối của Chúa chứ không phải đường lối của chúng ta.


Để trở nên một người lãnh đạo tốt, tâm hồn của chúng ta phải được thực sự giải thoát bởi những cay đắng, những hận thù, những ham muốn xấu.


5) Hãy giữ trái tim trong sáng

« Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh. Miệng lọc lừa, con đẩy cho xa, môi thâm độc, con xua cho khuất. Đôi mắt con, hãy nhìn ngay phía trước, ánh mắt con, hướng thẳng trước mặt con. » (Cn 4, 23-25)


Để có thể thực sự hành động như Thiên Chúa, trái tim chúng ta phải được thánh tẩy. Con người nội tâm của chúng ta phải được giữ sạch khỏi mọi vết nhơ. Chúng ta phải hết sức cảnh giác với sự ô nhiễm của những thói hư tật xấu đến trong trái tim và trong tâm hồn chúng ta dưới bất cứ hình thức nào.


Chúng ta phải cẩn thận về những của ăn nuôi dưỡng trái tim và tâm hồn chúng ta, để những điều này không làm cho chúng ta bị mâu thuẩn về những Lời mà Chúa Giêsu đã dạy. Phải tránh xa mọi giáo thuyết nào không phù hợp với Lời Chúa và Giáo Hội.


Hãy năng tuyên xưng đức tin của mình nếu có thể và đặt hết niềm tin tưởng của chúng ta trong quyền năng của Lời Chúa .


Nếu tội lỗi đè nặng lương tâm chúng ta, chúng ta phải đến trước nhan Chúa, đến với Bí Tích hòa giải để được thanh tẩy và được tha thứ mọi tội lỗi.


6) Tầm quan trọng của Thánh kinh

Trong suốt đời sống công khai, Chúa Giêsu đã luôn luôn trích dẫn những lời của Ngài từ trong Sách Thánh. Điển hình, khí cụ mà Chúa Giêsu đã dùng để chống lại ma quỷ sau 40 ngày ăn chay, cầu nguyện trong sa mạc là Lời Chúa.


Nếu như chính Chúa Giêsu đã luôn áp dụng những lời từ trong Kinh Thánh, thì chúng ta cũng không ngoại lệ. Mỗi người phải có Kinh Thánh hoặc Sách Tân Ước trong mỗi buổi họp cầu nguyện... Nhiều người đã làm như vậy lúc đầu, nhưng bây giờ thì sao ?


Tầm quan trọng của Kinh Thánh không thể ngày càng lùi, nhưng ngược lại, khi chúng ta càng hiến thân trong việc đọc Lời Chúa, chúng ta càng cảm thấy cần đến sự trợ giúp và kiến thức của Lời của Thiên Chúa.


7) Phải luôn tuyên xưng

Chúng ta cần phải tin tưởng rằng Chúa Giêsu đang hoạt động trong chúng ta, với chúng ta và chung quanh chúng ta, vì thế chúng ta cần phải tuyên xưng điều này. Chúng ta không thể làm gì được nếu chúng ta cậy dựa vào chính sức của mình : « với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. » (Pl 4,13)


« Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa : thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa ; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa. » (1 Ga 4,2)


" Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian." (1 Ga 4,4)


8) Quyền hành và phục tùng

Đi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thái độ của người lãnh đạo cần phải dựa trên những nguyên tắc phục tùng và quyền hành sau đây :


* Trong buổi đặt tay cầu nguyện, chúng ta phải hành động dưới thẩm quyền của Đức Kitô và phải phục tùng theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha trên người được đặt tay.


* Chúng ta có được quyền năng trong Đức Kitô là vì chúng ta là con cái Thiên Chúa Cha và là anh em của Chúa Giêsu. Quyền hạn mà chúng ta có là để chúng ta hành động không phải cho chính chúng ta, mà la cho người có nhu cầu.


* Phải luôn luôn vâng lời người điều khiển buổi họp. Điều này không nói lên rằng chúng ta chỉ biết nhắm mắt làm theo tất cả những gì người chỉ dẫn nói, tuy nhiên phải hành động trong ơn khôn ngoan. Nếu như chúng ta nghĩ rằng người đang hướng dẫn có nói hoặc làm một điều gì đó không phải, chúng ta nên cầu nguyện cho họ và sau đó, chúng ta tìm cách nói chuyện riêng với họ về những điều chúng ta nghĩ, chứ đừng biểu lộ những bất mãn của chúng ta trước mặt công chúng.


* Người hướng dẫn trong buổi cầu nguyện là người đã được xức dầu. Và người này đã được Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng cho biết những điều cần phải làm... Nếu bạn có một điều gì mà Thiên Chúa mới mạc khải cho bạn và bạn muốn thi hành điều đó, thì trước hết bạn hãy bàn riêng với người hướng dẫn buổi cầu nguyện trước khi đề nghị trước cử tọa. Việc này sẽ tránh những hiểu lầm không hay xảy dến, tránh những chia rẻ không cần thiết và tránh làm cho những người tham dự bị mâu thuẩn về tiến trình của buổi cầu nguyện.


9) Sự khiêm nhường

Chúng ta phải phục vụ trong tinh thần khiêm nhường.


« Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. » (Pl 2,3-4)


10) Hãy có lòng thương người

Chúa Giêsu hay động lòng trắc ẩn với những người mà Ngài gặp, Ngài rất nhạy cảm với lối sống của họ. Chúng ta cũng hãy có những thái độ và tâm tình như Ngài : Ngài ghét tội lỗi nhưng Ngài lại yêu thương những kẻ tội lỗi.


« Phải tôi là một người tự do không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Với người Do Thái, tôi đã trở nên Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô, để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật. Tôi đã trở nên yếu để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.. » (1Cr 9, 19-22)


Động lòng trắc ẩn là dịp chúng ta đi đến với tha nhân và lắng nghe họ. Lòng trắc ẩn không phải là gánh lấy nỗi đau của người khác hay để nỗi khổ của họ đè nặng trên chúng ta nhưng mà là để thông cảm nỗi đau khổ của họ và dâng lên cho Chúa. Qua đó, chính Ngài sẽ giải thoát cho họ.


11) Sức mạnh

« Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những vậc thống trị thế giới tối tăm này với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa ; như thế anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. » ( Ep 6, 10-13)


« Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. » (1 Tm 1, 7)


12) Tỏa sáng

Nếu Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, chúng ta phải tỏ lộ vẻ đẹp huy hoàng của Ngài. Ánh sáng của sự hiện diện Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong trái tim chúng ta phải được thể hiện trong ánh mắt, trong cử chỉ, hành động của chúng ta. Tất cả con người chúng ta phải thở hơi thở của sự tự do được làm con cái Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta không nên khúm núm, run sợ, sợ mất mặt khi phải giơ tay, nhảy múa, ca hát chúc tụng Thánh Danh Thiên Chúa.


13) Sự cẩn mật

Trong mục vụ đặt tay cầu nguyện, có lẽ Chúa sẽ cho chúng ta biết nhiều về quá khứ của người được đặt tay hoặc những tội lỗi mà người này đã phạm hầu mưu ích cho tâm hồn họ, chúng ta hãy thận trọng và hết sức tế nhị khi nói ra những điều đó. Hãy xin ơn khôn ngoan để biết xem có nên nói ra những điều mà Chúa mới mạc khải cho mình hay không ; và nếu nói, thì khi nào là thuận tiện nhất, nơi nào là hợp lẽ nhất. Và một khi đã giải quyết xong, chúng ta không nên đem những điều chúng ta vừa biết trên người mới được đặt tay nói với những người khác.


14) Sự đón tiếp

Phải có khả năng đón tiếp và trái tim cởi mở với người khác, nhất là đối với những người mới.


Không có một trường hợp nào chúng ta có thể tự đặt mình làm quan tòa phán xét người khác. Chúng ta không có quyền đó. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng phán xét công minh sẽ xét đoán họ mà thôi.


Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Đức Kitô : chê bai tội lỗi, nhưng đón tiếp những kẻ tội lỗi.


Có thể trong cách cư xử của chúng ta qua sự tiếp đón này, chúng ta giúp được người bạn chúng ta nhận thức ra được tình yêu cao vời của Thiên Chúa và Lòng Thương Xót hải hà của Ngài. Qua đó, họ sẽ được ơn ăn năn sám hối và trở lại cùng Chúa.


15) Bình an và hiệp nhất

Chúng ta phải luôn sống trong bình an và hiệp nhất. Chúng ta hãy luôn kết hợp cùng Chúa và với những thành viên khác trong nhóm.


16) Đừng gắn bó với thành quả của công việc mục vụ

Qua Thánh Phaolô, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta phải hoàn toàn từ bỏ chính mình. Chúng ta hãy kiểm soát được những tình cảm của chúng ta. Những kết quả tốt đẹp có được từ những công việc mục vụ là những tác phẩm của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta. Ngài có thể đặt để chúng ta trong công việc này, nhưng Ngài cũng có quyền đem chúng ra khỏi. Vì thế chúng ta đừng quá gắn bó với thành quả với ý nghĩ rằng việc này là do công trình chính tay tôi làm nên.


Tóm lược

Sứ mệnh của nguời chủ chăn là làm tất cả mọi sự hầu tôn vinh Danh Chúa và làm cho ngọn lửa của ngày Lễ Ngũ Tuần ngày được lan rộng khắp nơi trong Giáo Hội.


« Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. » (Cl 3, 17)


« Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời. » (Cl 3,23)


« Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái. » (Gl 5, 6)


Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn cho chúng ta để chúng ta luôn hoàn thành sứ mệnh của mình trong ơn khôn ngoan và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.