Trong bài này, tôi nêu lý do khiến Kitô Giáo không thừa nhận hai lạc phái: Chứng Nhân Giêhôva và Mormon. Dù quan niệm về Mẹ Maria khác với Công Giáo và Chính Thống Giáo, Anh-Em Tin Lành vẫn tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Trong khi đó, Chứng Nhân Giêhôva thì không! Còn phái Mormon lại bịa ra cuốn Tân Ước khác của Chúa Giêsu.
Tôi đã từng ''tiếp đón'' tại nhà hay ngoài đường phố nhiều người thuộc hai lạc phái vừa nêu. Họ dịch sai Lời Chúa, đổi chữ, cách hành văn của nhiều câu để ngụy biện và chỉ trích Công Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành. Dưới đây, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ ghi lại một số cách lập luận của mình để cho họ thấy rằng Kitô Hữu chúng tôi nói có SÁCH, mách có CHỨNG như sau:
Người đời thường nói: ''Hãy cho tôi biết bạn kết thân với ai thì tôi sẽ nói cho bạn rõ bạn là ai.'' Đây cũng là trường hợp của Tông Đồ Gioan được Chúa Giêsu yêu thương đậm đà, cách riêng, đặc biệt. Bằng chứng là lời mà Tông Đồ trẻ này thổ lộ gián tiếp về mình như sau: ''Trong các môn-đệ, có người ngồi sát Chúa Giê-su: Anh ta được Chúa Giê-su thương yêu. Ông Xi-mon Phê-rô ra dấu bảo anh ta: ''Hãy hỏi xem Ngài nói về ai.'' Anh ta liền nghiêng người vào ngực Chúa Giê-su và hỏi: ''Thưa Chúa, ai vậy?'' Chúa Giê-su trả lời: ''Ta chấm miếng bánh đưa cho ai thì chính là người ấy.'' (Gioan 13, 23-26; 21, 20-22)
Ngoài ra, hai trong bằng chứng khác sau đây cũng cho thấy rằng Chúa thương yêu Tông Đồ Gioan và thương ''lây'' anh ruột của Tông Đồ ấy là ông Gia-cô-bê: Ngài đưa ông Phê-rô và hai anh em họ (con của ông Zê-bê-dê) lên núi, cho họ trông thấy Ngài biến hình. Ngài cũng đem cả ba người vào tận nơi Ngài cầu nguyện ở Vườn Ghét-xê-ma-ni trước giờ Ngài nộp mình cho lý hình.
Được sống với Thầy suốt ba năm, vâng Lời Thầy trối để nêu gương cho chúng ta: ''Thưa Bà, này là con Bà. . . này là MẸ con.'', Tông Đồ Gioan đã nghe Thầy dạy, đã nhìn Thầy tắt thở..., đã ngắm vinh quang của Thầy sống lại và về Trời, nhờ đó mà quán triệt hơn nữa biết bao nhiêu điều của SỰ THẬT, SỰ SÁNG, SỰ SỐNG chính là Thầy; và, khi được rước Thánh Mẫu về nhà mình, vì ''cơm với cá như má với con'', hẳn người-con-thừa-tự-Đức-Tin này còn tham khảo ý kiến của Mẹ về Lời nhập thể và nhập thế. Đó chính là Chúa Giê-su, là Vua Muôn Đời, là TRÁI CỦA LÒNG MẸ. Vì thế, Mẹ là ''Tân Thiếu Nữ Xi-on vì Đấng Cứu Chuộc rất oai hùng đến ngự trong nhà Người!'' Mẹ là Đấng-Đồng-Công-Tế-Lễ là LỜI, dâng Ngài lên Cha. Mẹ cũng là Bà ''Eva Mới: Tân Mẫu của mọi sinh linh'', là Bà ''Mẫu Hậu'' được tôn vinh công khai hai lần trước đám đông (lần thứ nhất ở Tiệc Cưới Cana) vì Bà đã cưu mang, nuôi nấng Con Đấng Tối Cao là ''Emmanuel'': Thiên Chúa ở giữa chúng ta! (Gioan 1,14; Math.1,23) Như vậy, TĐ Gioan không như ''con chuột tình cờ sa vào hũ nếp'', mà được Thầy Chí Thánh đặt vào đúng Chỗ, đúng Người! Người đó là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng có Danh Hiệu do Thiên Chúa đặt: ''Ân Phúc Đầy! (*)'': Mẹ là Kho Tàng Ân Sủng của Thiên Chúa. Cho nên, qua Mẹ cũng là Nguồn Cảm Tác, TĐ Gioan càng khám phá thêm nhiều điều hay để viết lại cho chúng ta cùng hiểu cặn kẽ về LỜI.
Cũng muốn chống lại bè phái không chịu tin Thầy có đầy dẫy sự sung mãn như Cha, là LỜI ở trong CHA, và cũng là Thiên Chúa như Cha, Thánh nhân ''khai bút'' tuyên xưng Thầy ngay trong câu nhập đề, không nêu Thánh-Danh và Thánh-Hiệu ''Giêsu-Kitô'' dù rằng chữ ''Giêsu'' có nghĩa là ''Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc'', dù rằng chữ ''Ki-tô'' là ''Đấng Được Chúa Cha Xức Dầu, Được Sai Đi'', mà lại khẳng định Thầy là LỜI: LOGOS là ''Chìa Khóa'' mở cửa Kho Tàng Đức Tin, Sự Khôn Ngoan, Lý Trý của Thiên Chúa. LOGOS cũng chính là Thiên Chúa trong Giao Uớc Cũ và Giao Ước Mới. LOGOS là Toàn Năng xuyên qua Cũ và Mới: Kinh Thánh, được chép bằng ''Lời Tình Yêu'', là ''Sách trên mọi cuốn sách''.
LOGOS là Động Lực, là Tác Giả hướng dẫn ngòi bút của TĐ Gioan: Chỉ trong mười bốn câu đầu quá ngắn gọn, súc tích mà TĐ Gioan dùng tới mười một lần chữ ''và'', hai lần chữ ''mà'' cũng đồng nghĩa với ''và'' (trong bản của Cha Thuấn) là ''liên từ phối hợp''! Đó là Thiên Tài, Linh Khí xuyên qua bút pháp của TĐ Gioan, khiến cho ''lập luận về Lời'' càng thâm thúy, độc đáo, tuyệt vời, hấp dẫn''!
Ban đầu có Lời, và Lời ở trong Thiên-Chúa, và Lời là Thiên-Chúa.
Theo bản Hy-La, mệnh đề thứ ba như sau: ''và Thiên Chúa là Lời.'' (καὶ θεὸς ἦν ὁ λόγος – et Deus erat verbum) Nhưng, vì chủ từ (sujet / subject) và thuộc từ (attribut / subjective complement) đều ở nominatif, nhiều bản dịch theo cách: ''và Lời là Thiên Chúa.''
Trạng ngữ ''Ban đầu'' còn có nghĩa là ''lúc khởi nguyên; lúc khởi đầu''. Đó là trạng ngữ thời gian, đồng nghĩa với ''từ trước vô cùng'', tức là ''phi thời gian''! Cho nên Thiên Chúa Hằng Hữu đâu có tuổi! Thánh nhân cố ý dùng thì quá khứ ở ba mệnh đề vừa nêu là để cho người đọc thấy giới hạn của thọ tạo là Tông Đồ Gioan ''ở đây và bây giờ: hic et nunc'' khi ngài đem lòng tin mà nhìn về Cõi Xa Xăm của Đấng Có Trước Vô Cùng! Chỉ có Gioan 3-18 mới nói về Cựu Sáng Thế và Tân Sáng Thế! Chính vì vậy mà Giáo Lý viết về Lời ''phi thời gian'' như sau: ''Con hằng hữu của Thiên Chúa đã làm người… Le Fils éternel de Dieu fait homme...'' (G.Lý, số 423: Chữ ''éternel: hằng hữu'' có nghĩa ''không đầu, không cuối, phi thời gian: qui n'a ni commencement, ni fin, qui est hors du temps ou intemporel''!) Ở số 241, Giáo Lý cũng chứng minh như thế: ''Bởi vậy các tông đồ tuyên xưng Chúa Giê-su là Lời ở trong Cha từ ban đầu cho nên là Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là vinh quang rực rỡ và chân dung (effigie: portrait) bản thể của Thiên Chúa.''
Còn chữ ''ban đầu'' trong Sáng Thế Ký mới đồng nghĩa với ''Lúc khởi đầu của việc sáng tạo'', tức là ''hữu thời gian''! Cho nên các nhà bác học ước tính được tuổi Vũ Trụ là 15 đến 20 tỷ năm! Giáo Lý số 290, 291 nói về khái niệm ''ban đầu'' trong Cựu Ước như sau: ''Lúc khởi đầu, Thiên Chúa dựng nên trời và đất: Thiên Chúa Hằng Hữu cho khởi đầu tất cả những gì hiện hữu ở ngoài Ngài...Tân Ước mạc khải rằng Thiên Chúa dựng nên mọi sự nhờ Lời Hằng Hữu, Con yêu dấu của Ngài.''Giáo Lý số 54 cũng khẳng định chữ ''lúc khởi đầu'' của giai đoạn mạc khải trong Cựu Ước như sau: ''Ngay từ lúc khởi đầu, Ngài đã tỏ chính mình ra cho tổ tông của chúng ta.''
Loài người thì bị giới hạn bởi ''không gian và thời gian'' nên Thiên Chúa ''phải'' dùng ngôn ngữ của họ để phán với Tiên Tri Ysaya, 44,6: ''Ta là Đầu Hết và Cuối Hết.'' Với TĐ Gioan, LỜI LÀM NGƯỜI cũng phán như thế.
Chữ ''Đầu Hết'', theo nghĩa Kinh Thánh, là ''Nguyên Lý, Nguồn Gốc: Principe, Origine'' của mọi thọ tạo hữu hình và vô hình như Thiên Thần. Cho nên, Kinh Sáng Danh dạy chúng ta tuyên xưng: ''có trước vô cùng: ante omnia saecula.'' Thánh Phaolô cũng viết về LỜI trong Cô-lô-xê 1,15-20: ''Ngài là TRƯỞNG TỬ cho/của mọi thọ tạo. Ngài có trước mọi sự, và mọi sự tồn tại trong Ngài vì, trong Ngài, mọi sự được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài.''
Rõ ràng như thế mà Chứng Nhân Giê-hô-va dám lộng ngôn, phạm thượng: ''xếp'' Ngài vào nằm chung giữa phạm trù thọ tạo! LỜI là NGUYÊN LÝ SÁNG THẾ như trong Cựu Ước, như TĐ Gioan tái khẳng định trong Tân Ước: ''Không LỜI thì không có gì được tạo dựng.'' Đành rành hơn nữa trong câu sau đây: ''Nhờ Lời Gia-vê (Lời Thiên Chúa Hằng Hữu) mà các tầng trời được dựng nên, nhờ khí miệng Ngài mà có hết thảy các cơ binh.'' (ThánhVịnh 33,6). Vì lẽ đó mà TĐ Gioan tuyên xưng: ''Và Lời ở trong Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa.'' Trong Khải Huyền, Thánh Nhân cũng ghi: ''Lời là Danh Xưng của Thiên Chúa.''
Như vậy, Lời cũng là Đấng-Tạo-Hóa, Đồng-Tác-Giả, đồng quyền năng với Cha: ''Điều gì Ngài làm thì Con cũng làm như thế.'' (Gioan 5,19). Động từ ''làm'' (cả hai lần) đều ở thì hiện tại, tức là TĐ Gioan muốn khẳng định rằng từ trước đến giờ và đến muôn đời Cha-Con ''bất khả phân ly'' trong Toàn Trí (Omniscientia) và Toàn Năng (Omnipotentia).
Chữ ''Cuối Hết'', cũng theo nghĩa Kinh Thánh, là ''Cùng Đích, Cứu Cánh'' (Fin, Destinatum) của mọi thọ tạo. Đã là Alphathì Lời cũng là Ô-mê-ga, tức là Đầu Hết thì cũng là Cuối Hết. (Kh.Huyền 1,8,17,18; 2,8) Alpha là chữ cái đầu của mẫu tự Hy-lạp; Ô-mê-ga là chữ cuối. Trước Alpha, không có chữ cái nào hết! Sau Ô-mê-ga cũng vậy! Thiên Chúa là Đấng ''phi thời gian và không gian'' vì Ngài là Tác Giả của chúng! Lời là Đấng Hằng-Hữu, tức Tự-Hữu như Thiên Chúa đã dạy cho Mai-sen nói với con cái Israel về Ngài: ''Đấng-Hằng-Có sai tôi đến với các người.'' (Xuất Hành 3,14)
Ngoài ra, TĐ Gioan còn ghi lại Lời Chúa Giê-su phán với người Do-Thái như sau: ''Vì nếu các người không tin Ta là Đấng-Hằng-Hữu thì các người sẽ chết trong tội lỗi của các người.'' (Gioan 8,24) Trong cùng đoạn 8, câu 58, TĐ Gioan còn ghi thêm Lời Chúa nói về Ngài khi người Do-Thái thắc mắc rằng Ngài chưa tới năm mươi tuổi thì làm sao thấy được Abraham! Họ lượm đá ném Ngài sau khi vừa nghe câu này: ''Quả thật, quả thật, Ta nói cho các người hay: ''Trước khi có Abraham thì đã có Ta.''
Như vậy, Thầy Giê-su của Gioan và của chúng ta cũng là GIA-VÊ! Vì chữ GIA-VÊ có nghĩa là ''Chính Ta là ĐẤNG-Ở-ĐÓ (Hằng Hữu)'': Ego sum qui sum! - Moi, je suis qui suis! - I, myself, am who I am!... Nhiều Nhà Thần Học Công Giáo và Tin Lành Đức còn dùng chữ tuyệt vời hơn nữa, đó là ''Ich bin der Ich-bin-da!'' vì họ biến mệnh đề ''Ich bin da'' thành ''danh từ kép'' có mạo từ ''der''!
TĐ Gioan còn độc đáo hơn nữa trong cách lập luận: Thánh nhân dùng liên từ ''và'' ở mệnh đề (2) và mệnh đề (3) để tạo sựtương quan hài hòa về mặt ý tưởng giữa cả ba mệnh đề vì chữ ''và'' còn có nghĩa sau đây: ''tức là; nghĩa là; nên; cho nên; vì thế; lẽ tất nhiên.''
Trước khi ''viết lại'' như cách vừa nêu, tôi xin đưa ra thí dụ sau đây:
''Hắn không ra tích sự gì, và là gánh nặng cho chúng tôi.'' = ''Hắn không ra tích sự gì, nghĩa là / nên là, tất nhiên là gánh nặng cho chúng tôi.''; ''Cô ta cầu cứu và mọi người chạy đến.'': không có dấu phẩy. - ''Cô ta cầu cứu, và mọi người chạy đến.'': có dấu phẩy. - ''Cô ta cầu cứu. (!) Và mọi người chạy đến.'': có dấu chấm hay dấu than. Viết cách nào cũng có nghĩa là: ''Cô ta cầu cứu. Cho nên mọi người chạy đến.''
Chữ ''và'', như đã nói, là liên từ phối hợp, dùng để giải thích ý của câu trước, để nêu lên ''hậu quả'' của ''nguyên nhân'' hay là ''lẽ tất nhiên'' của một sự kiện nào đó. Như vậy, tôi ''xin tạm thay'' chữ ''và'' trong ba câu mở đề của TĐ Gioan bằng các chữ khác như sau:
''Ban đầu có Lời, nghĩa là Lời ở trong Thiên-Chúa, cho nên Lời là Thiên-Chúa.''
Lời của Đức Chúa Trời không phải là âm thanh của ''Phát-Ngôn-Viên Giêsu'' như Chứng Nhân Giê-hô-va đã trình bày bằng giấy mực, mang đi, ''bạ đâu phát đó'' để làm cớ cho nhiều người ''nhận'', không thèm đọc, rồi vất ở nơi ô uế! Nhưng Lời cũng là Đầu Hết như Cha. Cha tự hữu (The Self-Existence), tức là ''L'Être, The Being, Das Sein, Der Seiende'', chứ không phải là ''cái trở thành: ''le devenir, the becoming, das Werden'', thì Con cũng ''tự hữu cùng với Cha và trong Cha''!
Chữ Latinh ''apud'' trong câu ''et verbum erat apud Deum'' dịch sang tiếng Đức là ''bei'', tương đương với chữ Pháp ''en, dans'', với chữ Anh ''in, within, inside'' về mặt tinh thần, siêu nhiên và thần học, rõ ý hơn chữ ''nơi, cùng, auprès de, with...''Cha-Con đồng Bản Tính Thiên Chúa, khác với cha-con dưới đất! Đó là Mầu Nhiệm Nhất Thể: ''Ta với Cha là một. =Ego et Pater unus sumus. Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha. =Pater in me est, et ego in Patre. (Gioan 10, 30, 38) Tông Đồ Philip thưa với Chúa: ''Xin Ngài tỏ cho chúng con thấy Cha. Thế là đủ cho chúng con.'' Chúa Giêsu liền trả lời cho ông ta:''Ai thấy Ta là đã thấy Cha … Con không tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao?'' (Gio. 14,10)
TĐ Gioan còn khẳng định như sau: ''Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ; chính Con Một ở trong lòng Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Ngài.'' (Deum nemo vidit umquam; unigenitus filius, qui est in sinu patris, ipse enarravit.) Chữ ''ở, est '', dùng ở thì''hiện tại'', có nghĩa là ''hôm qua, hôm nay, ngày mai và vĩnh cửu!'' Chứng Nhân Giê-hô-va cố tình thêm mạo từ “ một: un, a, ein” vào chữ ''dieu, god, Gott''! Hai chữ Pháp, Anh còn ''bị'' họ viết ''nhỏ'' để dịch là: ''Và Lời cũng là một vị thần''!!! Đó cũng là lý do biện minh cho danh xưng ''Chứng Nhân Giê-hô-va'' chứ không phải ''Chứng Nhân Giêsu'' như các Ngài trong Công Vụ Tông Đồ (Xin xem phần nhập đề của C.V.T.Đ, câu 8.) Họ tự xem mình là thiểu số ưu việt được biệt chọn (6 triệu), còn hằng tỷ Ki-tô hữu khác và tín đồ Tôn Giáo khác ''đều nằm dưới quyền lực của Xa-tan.'' Họ cho rằng Giáo Hoàng là người mù dẫn người mù, đọc Kinh Thánh mà không hiểu. Họ còn đổi nhiều từ, thêm nhiều chữ, diễn giải sai về Khải Huyền theo TĐ Gioan. Họ xuyên tạc trắng trợn Lời Chúa để chứng minh rằng Giê su không phải là Thiên Chúa. Họ bảo chữ ''Chúa'' dành cho Giêsu chẳng qua là tước hiệu như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn… mà thôi. Việc họ làm phù hợp với điều mà Gioan cảnh cáo ở cuối Khải Huyền, 22,18,19: ''Ai thêm gì vào trong Sách này thì Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên kẻ ấy những tai ương viết trong Sách . Và ai...''
Dù vẫn tin Giêsu là Thiên Chúa, Lạc Giáo Mormon còn ''bịa'' ra tiên tri nọ, thiên thần kia và Giao Ước thứ hai của ''Giêsu-Kitô''. (The Book of Mormon Another Testament of Jesus Christ) Về vấn đề bịa đặt này, xin đọc lời chúc dữ của Thánh Phaolô trong Galat 1,8 thật tuyệt vời như sau để đừng tin theo họ: ''Nếu như ngay cả chúng tôi, hay một thiên thần nào đó từ trời xuống giảng tin mừng khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh-chị-em thì nó là kẻ đáng bị chúc dữ!''
Lời (Logos) mà TĐ Gioan làm chứng cũng là Lời mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: ''Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật: Deum verum de Deo vero'', là Lời mà Đức Giáo Hoàng đương kim đã rao giảng cho mọi người, đặc biệt là để cảnh thức người Hồi Giáo qua bài Diễn Văn bất hủ ở Regenburg, Đức Quốc: ''Thiên Chúa Thật là Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Logos, đã và đang hành động vì yêu chúng ta. Không hành động với Logos là trái ngược lại Bản Tính Thiên Chúa…''
Tóm lại, Lời cũng là Thiên Chúa trong Cựu Ước và Trong Tân Ước: ''Và Lời đã trở thành xác thịt và...và...và...'' Lời cũng được phụng thờ như Cha: Trước Danh Giêsu, trên trời, dưới đất phải quỳ gối. ( Phil.2.10) Tự miệng Ta xuất ra chân lý...Trước mặt Ta, mọi gối phải quỳ lạy..., mọi miệng lưỡi phải tuyên thệ: Chỉ trong Gia-vê mới có sự cứu độ và chở che. (Ysaya 45: 22-25)
Ghi chú:
Nguyên văn Latinh: ''Ave gratia plena'' là lời Sứ Thần Gabriel đến kính chào Trinh Nữ. Hai chữ ''gratia plena'' được dùng theo ''phép hô khởi'' hay ''hô khởi cách'' (vocatif: ''mot mis en apostrophe'' khi phân tích tự loại văn phạm: analyse grammaticale). Cho nên, có nhiều bản dịch như sau: ''Réjouissez-vous, pleine grâce.'' (Pháp) ''Sei gegrüßt, (du) Begnadete.'' (Đức) ''Hail, O highly favoured.'' (Anh). Chữ ''Begnadete'' của tiếng Đức là danh từ nên được viết hoa. Có bản thêm chữ ''du'' tức là ''toi, vous, you'' để làm nổi bậc Thánh Danh được gọi. Chữ ''highly'' là trạng từ bổ nghĩa cho phân từ (participle) hay tính từ ''favoured''. Sau chữ ''Hail, O'', tính từ ''favoured'' được dùng làm danh từ: used as a noun.
Trong lời chào, Thiên Sứ không dùng Danh Xưng Maria. Sau này, Giáo Hội thêm chữ ''Maria'' trong Kinh Kính Mầng như sau: ''Ave Maria, gratia plena: Dominus tecum: Benedicta tu in mulieribus...'' Như vậy, chữ ''Maria'' là ''hô khởi cách''; còn ''gratia plena'' là ''đồng vị'' với ''Maria'' (apposition à Maria). Chúng ta cần để ý đến hai lần ''hai dấu chấm'' (:) vốn có giá trị là nêu lý do và hậu quả. Xin viết rõ hơn như sau: ''Kính Mầng Maria, Ân Phúc Đầy vì Thiên Chúa ở cùng Cô (Bà) cho nênCô (Bà) chính là Hồng Ân trong nữ giới. Xin để ý đến chữ ''tu'' là đại từ nhấn mạnh, làm nổi bậc Đấng Ân Phúc Đầy !
Hồi còn đi học, tôi hỏi Cha Jean Oxarango, Giáo Sư Văn Chương Pháp, Ngữ Học và Ngữ Âm Học và Cha Nguyễn Văn Thích, Giáo Sư Hán Văn: Thưa Cha, tại sao Giáo Hội Công Giáo Pháp dịch câu Latinh sang tiếng Pháp là ''Je vous salue Marie, pleine de grâce'' thay vì: ''Je vous salue Marie, pleine grâce'' ? Con thấy tiếng Latinh không ghi: ''Ave Maria, plena gratiae'' như trong bài hát: Salve Mater … Mater plena sanctae laetitiae, O Maria.'' Người Pháp nói, viết: ''pleine lune'' (trăng đầy) khác với ''plein de lune'' (đầy ánh trăng).
Cả hai Cha đều đồng ý với tôi: Sau ''plenus, plena, plenum'' thì danh từ ở génitif. Có khi là ''ablatif'', nhưng rất hiếm. Ví dụ: ''Pleini sunt caeli et terra gloria tua.'' Hai ngài cũng nghĩ rằng ''Je vous salue, (Marie), pleine grâce: Kính mầng (Maria) Ân Phúc Đầy'' là đúng Ý Chúa đã truyền cho Thiên sứ xuống kính chào Trinh Nữ sắp làm MẸ THIÊN CHÚA như Lời Ngài đã loan báo trong Cựu Ước: Lời kính chào Trinh Nữ là Tin Mừng sẽ được thực hiện ngay lập tức. Đó là Tin Vui Mới Nhất cho Giêrusalem, cho Thiếu Nữ Sion, ấy là Thánh-Mẫu-của-Giêsu được dịch nghĩa là ''Thiên Chúa Cứu Chuộc'' ! ! ! (Xem Sophonia 3,14; Dacaria 9,9)