Lời Chứng
Sydney, ngày 18 tháng 7, năm 2008 (CAN). - Giới trẻ tụ họp lại sáng Thứ Sáu để nghe ĐTGM Chaput nói về Chúa Thánh Thần và nhiệm vụ của các Kitô hữu phải trở thành những nhà truyền giáo nhận được một thách đố là không còn sống trong các "xóm nhà lá Công Giáo" nữa.
 

Mở đầu bài giáo lý của ngài với câu hỏi, "Có bao nhiêu người trong các con nghĩ mình là cha hay mẹ thiêng liêng?" ĐTGM Chaput đã nói rằng có vấn đề là, "Một số người Công Giáo, ngay cả người trẻ như chúng con, thích một loại "xóm nhà lá Công Giáo".

ĐTGM nói rằng có hai nguyên nhân tạo nên thái độ này: "Trước hết, có những người Công Giáo cảm thấy mình 'gần như sẵn sàng' để truyền giáo" và "rồi có những người cho rằng mình không phải 'người của đại chúng'".

Đối với những người nghĩ rằng mình chưa được sửa soạn đủ để truyền giáo, ĐTGM Chaput đưa ra lời Thiên Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia, là người nói rằng mình còn 'quá trẻ' để nói tiên tri. Những ai cảm thấy ngại ngùng khi làm nhân chứng cho Đức Kitô phải đồng ý với Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Timôthê, trong đó ngài nói, "Con hãy rao giảng Chúa, luôn kiên tâm, khi thuận tiện cũng như bất tiện".

ĐTGM nói rằng có nhiều lý do để bào chữa cho việc không truyền giáo, nhưng điểm chính yếu của vần đề là tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi để thành Tông Đồ.

Thành một Tông Đồ nghĩa là gì?

Theo ĐTGM Chaput, thành một tông đồ "thực sự có nghĩa là một việc gần như là một 'đại biểu' ... một đại biểu của Đức Kitô ... không phải là một người chỉ nói về một giáo điều đặc biệt hoặc đọc một sứ điệp, nhưng là người làm chứng về những gì mà người ấy đã kinh nghiệm được".

Ngài nói với các thính giả, "Bản chất của sứ mệnh của các Tông Đồ được giải thích cách rõ ràng ở Chương 10 của Tin Mừng Thánh Matthêu. Cha nài xin chúng con hãy đọc lại đoạn Tin Mừng đó và dựa vào đấy mà xét mình."

Sau đó ĐTGM Denver tiếp tục bằng cách nhấn mạnh đến những đặc tính của một Tông Đồ được tìm thấy trong Chương 10 của Tin Mừng Matthêu.

"Thứ nhất, người Tông Đồ ý thức rằng sứ vụ của mình được chính Chúa Giêsu trao phó,... Thứ nhì, người Tông Đồ được mời gọi để tín thác vào Thiên Chúa mà không đặt điều kiện trước, và đặc biệt là không đặt tin tưởng vào các xắp đặt hay các phương pháp của mình. ...Thứ ba, các gian khổ và ngay cả ngược đãi đến với 'lãnh vực' thành Tông Đồ. ... Thứ Tư, trong đoạn này của Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu nói rằng Người sẽ luôn ở cùng chúng ta để che chở chúng ta... và Thứ Năm: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải lớn tiếng, can đảm, và rõ ràng khi công bố Tin Mừng; Người cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể phản bội hoặc lẩn tránh những đòi hỏi dứt khoát của Tin Mừng.

Thắng vượt những thách đố của việc làm Tông Đồ

Trong khi giải thích mỗi nét trong các điểm này, ĐTGM chia sẻ những kinh nghiệm riêng của ngài với giới trẻ và làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm mà nhiều người đang có.

Về đề tài tín thác mà không đặt điều kiện trước, ngài nói, "Dĩ nhiên là những phương pháp và xắp đặt tốt có thể có ích. Điều Chúa Giêsu muốn nói là chúng ta không nên đặt hết niềm tin của mình vào chúng, mà phải đặt vào con người Đức Chúa Giêsu Kitô."

Khi nói về gian khổ và ngược đãi ngài quan sát, "Chúng ta đang sống trong một thế giới coi đau khổ như lời chúc dữ phải tránh bằng mọi giá. Nhưng hãy nhớ lời cảnh cáo của Chúa Giêsu rằng chúng ta không thể tránh được những gian khổ, tẩy chay và ngược đãi bởi thế gian. ...Các con và cha phải cảm thấy được khuyến khích, thay vì thất bại, vì những thử thách chắc chắn sẽ xảy đến với chúng ta."

Khi nghĩ vế 38 năm phục vụ như một linh mục, ĐTGM nói thế này về việc Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi con cái của Người: "Cha có thể bảo đảm với các con rằng Chúa Giêsu không bao giờ thất hứa; Người không bao giờ thất hứa."

ĐTGM Chaput dành nhiều thì giờ để suy tư về nhu cầu phải can đảm trong việc công bố Tin Mừng mà không che giấu những đòi hỏi của nó. Ngài giải thích cho giới trẻ rằng, Chương 10 Tin Mừng Matthêu cho chúng ta thấy rằng "kẻ thù đáng kể nhất của các Tông Đồ là sự sợ hãi. Thực ra, sợ hãi là một nguy hiểm bị người ta đánh giá thấp nhất nhưng lại nguy hiểm chết người nhất trong thời đại chúng ta, nhất là đối với thế hệ chúng con".

ĐTGM Chaput dạy rằng chính vì là một thị nhân mà ĐTC Gioan Phaolô II có thể cung cấp cho cúng ta một thuốc giải độc cho bệnh tê liệt vì sợ hãi này: "Hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô!" Nếu các Kitô hữu làm theo lời khuyên này, họ sẽ được Chúa Thánh Thần biến đổi như các Tông Đồ đã được biến đổi. Ngài nói, chỉ có sự sợ hãi của chúng ta đã ngăn cản không cho Thiên Chúa đổ tràn quyền năng của Ngài vào đời sống chúng ta.

ĐTGM giải thích cho những người hành hương Đại Hội Giới trẻ Thế Giới rằng, "'Không sợ' không có nghĩa là làm bộ không sợ hãi. Can đảm có nghĩa là thắng sợ hãi bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phaolô và các nhà truyền giáo vĩ đại đã làm, bởi vì việc công bố chân lý của Đức Chúa Giêsu Kitô có thể được trả bằng bất cứ giá nào".

Bằng cách nhắc cho khách hành hương khẩu hiệu của ĐTC Gioan Phaolô II "Đừng Sợ", ĐTGM Chaput đưa ra một suy niệm ngắn về những lời cuối cùng của ĐTC trên giường bệnh: "Cha đã đi tìm các con, và bây giờ các con đến với cha, và cha cám ơn các con".

ĐTGM nhắc lại rằng những lời này được nói "với đám đông, đặc biệt là những người trẻ, đã tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô khi biết tin những giờ cuối của đời ngài. Ở ngay cuối cuộc đời, sau khi đã đi khắp thế giới để tìm tất cả các đàn chiên, đặc biệt là những chiên lạc, thì đàn chiên lại đến với ngài. Thật là một cách phi thường để gặp gỡ ở cuối đời của các con." Ngài thách thức giới trẻ: "Các con hãy nghĩ đến cách các con sẽ đón chào cái chết của chính mình, để các con có thể chọn lựa đúng trong việc sống cuộc đời các con cách chân thật và trọn vẹn trong tình bằng hữu với Thiên Chúa."

"Cha hết lòng cầu xin rằng Chúa Thánh Thần sẽ đánh thức và đổ đầy trong các con niềm vui và quyền năng của Ngài, để các con khi rời Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này được đổi mới, thêm sức và can đảm trở thành những tông đồ của Đức Chúa Giêsu Kitô".

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ