Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta
Cha Raniero Cantalamessa |
Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức Tưởng Niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá tại đền thờ Thánh Phêrô trước sự hiện diện của hơn 10,000 anh chị em tín hữu.
Sau bài Thương Khó, cha Raniero Cantalamessa, thuộc dòng Capucinô, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã thuyết giảng về đề tài "Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta". Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ bài thuyết giảng của ngài.
1. Kitô hữu, hãy cẩn trọng trong hành động!
"Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường". (2 Tim 4:3-4).
Lời Thánh Kinh này – và cách riêng là sự ám chỉ đến chuyện ngứa tai muốn nghe bất cứ điều gì mới lạ - đang được thể hiện trong một cách thế mới lạ và đầy ấn tượng trong thời đại chúng ta. Khi chúng ta đang cử hành nơi đây việc tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Cứu Thế, hàng triệu người đang bị quyến rũ bởi những dã sử tài tình để tin rằng Chúa Giêsu Nagiarét chưa từng bị đóng đinh bao giờ. Tại Hoa Kỳ, một cuốn sách bán chạy nhất hiện nay là cuốn Phúc Âm của Thánh Tôma, được trình bày như một cuốn Phúc Âm "đoạn tuyệt chúng ta khỏi chuyện đóng đinh, coi chuyện phục sinh là không cần thiết, và không trình bày với chúng ta một Thiên Chúa tên là Giêsu"[1].
Mấy năm trước đây, Raymond Brown, một học giả Thánh Kinh chuyên về Cuộc Thương Khó viết: "Một nhận thức đáng xấu hổ trong bản chất thâm sâu của con người là hễ càng ly kỳ bao nhiêu thì càng lôi cuốn và càng hốt bạc bấy nhiêu. Những ai không bao giờ bận tâm chịu đọc những lý giải có trách nhiệm về truyền thống đề cập đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh thế nào, chết ra sao, mai táng và sống lại từ trong kẻ chết cách nào, lại tỏ ra hào hứng trước báo cáo về những 'khám phá mới' trong đó Ngài không hề chịu đóng đinh, hay không hề chết, đặc biệt là nếu khám phá ấy còn dẫn đến chuyện Ngài bỏ trốn cùng Maria Mađalêna sang Ấn Độ.., Những giả thuyết này chứng tỏ rằng liên quan đến cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, bất chấp những tin tưởng phổ biến, trí tưởng tượng của con người đi quá xa với sự thật, và thường khi vô tình hay hữu ý tỏ ra có lợi lộc hơn"[2]
Người ta nói nhiều về sự bội phản của Giuđa mà không nhận thức rằng họ đang lặp lại chuyện ấy. Chúa Kitô lại bị bán lần nữa, không phải cho các thủ lĩnh Sanhedrin lấy ba mươi đồng bạc nhưng cho các chủ bút và các chủ tiệm sách để lấy hàng tỉ bạc. Không ai có thể ngăn chặn nổi làn sóng suy đoán này, chẳng những thế còn dẫn đến việc phát hành ngay lập tức một bộ phim nào đó; nhưng sau nhiều năm ưu tư với lịch sử của Kitô Giáo Tiên Khởi, tôi cảm thấy có nghĩa vụ kêu gọi mọi người chú ý đến một sự hiểu nhầm to lớn là nền tảng của tất cả những văn chương dã sử này.
Những ngụy thư mà họ dựa vào là những văn bản đã luôn luôn được biết đến, toàn bộ hay từng phần, nhưng ngay cả các sử gia gay gắt hay thù hận với Kitô Giáo nhất cũng chưa từng dám nghĩ lịch sử đã diễn ra như thế. Cũng tuồng như là trong vòng hai thế kỷ tới đây người ta viết lại lịch sử của ngày hôm nay dựa trên một cuốn tiểu thuyết xuất bản trong thời chúng ta.
Cái sai lầm to lớn là người ta đang dùng những văn bản này để buộc chúng phải nói ngược lại với những gì chúng muốn diễn tả. Những văn bản này là một phần của văn chương ngộ đạo [Phái Ngộ Đạo Gnosticism là lạc giáo chủ trương gần với Phật Giáo cho rằng thế gian này chỉ là ảo ảnh và người ta có thể đạt đến ơn cứu độ chỉ bằng sự hiểu biết - chú thích của người dịch] trong thế kỷ thứ hai và thứ ba. Viễn kiến của phái ngộ đạo – một thứ tổng hợp của thuyết nhị nguyên Platon và các học thuyết Đông Phương, được khoác vỏ bên ngoài bằng những tư tưởng Thánh Kinh – chủ trương rằng thế giới vật chất chỉ là một ảo ảnh, và là tác phẩm của một Thượng Đế thời Cựu Ước, một thần dữ, hay chí ít cũng là một thần không quan trọng; và rằng Chúa Kitô không hề chết trên thánh giá, vì ngài không hề mặc lấy thân xác loài người, trừ ra vẻ bên ngoài, vì thân xác con người không xứng đáng với Thiên Chúa (Docetism) [Docetism: lạc giáo chủ trương Chúa Giêsu không mặc lấy thân xác loài người, hình dáng con người của Ngài đứng trước các môn đệ và những người cùng thời chỉ là ảo ảnh].
Theo Phúc Âm của Giuđa, được nói nhiều đến trong những ngày gần đây, chính Chúa Giêsu đã truyền cho môn đệ này hãy phản bội Ngài ngõ hầu qua cái chết thần khí bên trong Ngài có thể được giải thoát khỏi vỏ bọc thể xác và tái thăng hoa về trời. Nói kiểu đó sẽ dẫn đến việc tránh không nên có hôn nhân hướng đến sinh sản. Vì người phụ nữ chỉ có thể được giải thoát nếu "nguyên lý nữ tính - feminine principle (thelus)" hoá thân bởi bà được chuyển hóa thành nguyên lý nam tính, nghĩa là, nếu bà ngưng không là phụ nữ nữa.[3]
Điều khôi hài là nhiều người ngày nay tin rằng họ thấy trong những bản văn này sự suy tôn nguyên lý nữ tính, suy tôn tính dục, suy tôn sự hưởng lạc đầy đủ và phóng túng của thế giới vật chất, trái với huấn quyền chính thức của Hội Thánh thường tỏ ra ngăn trở tất cả những điều này! Một sai lầm tương tự cũng được ghi nhận ở đây liên quan đến thuyết đầu thai. Thuyết này được các tôn giáo Đông Phương trình bày như một thứ hình phạt vì những tội lỗi trước đây đã phạm và người ta phải cố hết sức mình chấm dứt cái vòng luân hồi này. Thuyết này lại được chấp nhận tại Phương Tây với sự hớn hở vui mừng vì triển vọng kỳ diệu là được sống và hưởng thụ cái thế giới này mãi mãi.
Trên đây là những vấn nạn lẽ ra không nên đề cập đến nơi đây và trong ngày này, nhưng chúng ta không thể cho phép sự im lặng của các tín hữu được hiểu như là sự xấu hổ và niềm tin (hay sự ngu xuẩn?) của hàng triệu con người bị lèo lái điên dại bởi các phương tiện truyền thông, mà không kêu gào lên một tiếng phản đối, không chỉ nhân danh đức tin nhưng còn vì lý lẽ thông thường và một lý trí lành mạnh. Giờ phút này, tôi tin rằng, thật thích hợp để nghe lại lời cảnh cáo của Dante Alighieri:
Kitô hữu, cẩn trọng trong hành động:
Đừng như một cọng lông chim trước gió,
Cũng đừng nghĩ rằng nước nào cũng thanh tẩy được mình.
Anh chị em có Tân và Cựu Ước
Và các Mục Tử của Hội Thánh hướng dẫn;
Hãy coi đó là tất cả điều cần cho ơn cứu độ...
Hãy là những con người, chứ đừng là cừu non ngơ ngác.[4]
2. Thương Khó có trước Nhập Thể!
Nhưng chúng ta hãy dẹp những chuyện ly kỳ đó sang một bên. Chúng có cùng một lời giải thích chung: Chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông và các phương tiện truyền thông hứng thú với tiểu thuyết nhiều hơn là sự thật. Chúng ta hãy chú tâm vào mầu nhiệm đang được cử hành. Cách tốt nhất để suy niệm trong năm nay về mầu nhiệm ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là đọc lại toàn bộ phần đầu thông điệp của Đức Thánh Cha "Thiên Chúa là Tình Yêu". Không thể thực hiện điều đó nơi đây, tôi xin tối thiểu được bình luận về một vài đoạn có liên quan trực tiếp hơn với mầu nhiệm ngày hôm nay. Chúng ta đọc thấy trong thông điệp:
"Khi chiêm niệm cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu của Chúa Kitô chúng ta có thể hiểu được điểm khởi hành của Thông Điệp này 'Thiên Chúa là tình yêu'. Chính đó là điểm để chiêm niệm chân lý này. Định nghĩa tình yêu của chúng ta cần phải bắt đầu từ đó. Trong chiêm niệm này, người Kitô hữu khám phá ra con đường theo đó cuộc sống và tình yêu của mình phải dõi bước theo." [5]
Chính thế, Thiên Chúa là tình yêu! Người ta nói rằng nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản còn lại; và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang còn lại, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được: và nếu dòng đó từ Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan trong đó viết "Thiên Chúa là tình yêu!" thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó.
Tôi sống thuở thiếu thời trong một túp nhà tranh chỉ cách đường dây điện cao thế có vài mét, nhưng chúng tôi sống trong bóng đêm, hay dưới ánh sáng của những ngọn đèn cầy. Giữa chúng tôi và đường giây điện là một đường ray xe lửa, và trong khi chiến tranh đang tiếp diễn, không ai buồn nghĩ đến chuyện khắc phục trở ngại này. Điều này cũng xảy đến với tình yêu của Thiên Chúa: tình yêu của Ngài ở đó, trong tầm với của chúng ta, có thể chiếu sáng và sưởi ấm mọi thứ trong đời ta, nhưng chúng ta cứ sống trong bóng đêm và lạnh lẽo. Đó là lý do chân thật duy nhất cho sự đau buồn trong cuộc đời.
Thiên Chúa là tình yêu, và thập giá của Chúa Kitô là minh chứng, là dẫn chứng lịch sử tối thượng. Nicholas Cabasilas, một tác giả Đông Phương, cho rằng có hai cách thể hiện tình yêu với người khác. Cách thứ nhất bao gồm làm điều tốt cho người mình yêu, tặng quà cho họ; cách thứ hai đòi hỏi hy sinh hơn nhiều, bao gồm sự đau khổ vì người mình yêu. Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng cách thứ nhất, với một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên ta, Chúa tuôn đổ trên ta những hồng ân bên trong và bên ngoài chúng ta; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau khi cứu chuộc ta, khi Ngài nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau khổ vì ta trong cách thế đau đớn nhất, để minh chứng cho ta thấy tình yêu của Ngài.[6] Do đó, chính nơi thập giá ta phải chiêm ngắm sự thật rằng "Thiên Chúa là tình yêu".
Chữ "passion" (thương khó) có hai nghĩa: Nó chỉ định một tình yêu tha thiết, "passionate", hay một đau thương. Có sự giao lưu giữa hai điều này và kinh nghiệm hàng ngày cho thấy chúng qua lại với nhau dễ dàng thế nào. Cũng thế, và trên hết, nơi Thiên Chúa, có một tình yêu tha thiết mà Origen đã viết rằng tình yêu này xảy ra trước việc nhập thể. Chính Thiên Chúa luôn dưỡng nuôi trong lòng một "tình yêu tha thiết" đối với nhân loại mà đến thời viên mãn, Ngài đã xuống thế làm người và chịu đau khổ vì chúng ta.[7]
3. Ba thứ bậc của sự cao trọng
Thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" chỉ ra một cách thức mới trong việc bảo vệ đức tin Công Giáo, có lẽ là cách thức khả thi duy nhất ngày nay và chắc chắn là hiệu quả nhất. Nó không đối chọi những giá trị siêu nhiên với những giá trị tự nhiên, tình yêu Chúa với tình yêu nhân loại, bác ái và tình ái, nhưng chỉ ra sự hài hòa nguyên tuyền cần phải liên tục được khám phá và hàn gắn vì tội lỗi và sự yếu đuối nhân loại. Thánh Kinh không chỉ trùng hợp với những lý tưởng của nhân loại, mà trong nghĩa nhìn nhận chúng, Thánh Kinh tái lập, thăng hoa và bảo vệ chúng. Thánh Kinh không loại trừ tình ái khỏi cuộc sống nhưng trái lại, Thánh Kinh loại trừ nọc độc vị kỷ trong tình ái.
Trong tác phẩm nổi tiếng "Pensées."[8], Pascal cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Thứ nhất là thứ bậc liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ lực sĩ hay dung nhan xinh đẹp. Đó là một giá trị không nên xem thường nhưng đó chỉ là thứ hạng thấp nhất. Trên đó là thứ bậc của tài năng ưu việt và trí thông minh mà những triết gia, những nhà phát minh, những khoa học gia, những nghệ sĩ và nhà thơ trở nên nổi bật. Đây là một bậc với một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm vào hay trừ ra điều gì từ những thiên tài. Những dị dạng thể lý trên những con người này không lấy đi điều gì từ vẻ đẹp của những suy tư của Socrates, hay những vần thơ của Leopardi.
Giá trị của tài năng chắc chắn là cao hơn cái trước, nhưng đó cũng chưa phải là cao nhất. Trên nó còn một thứ bậc cao hơn, và đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt (Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng). Gounod cho rằng một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng. Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm gì hay bớt đi điều gì khỏi một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác.
Đức tin Kitô thuộc về bậc thứ ba này. Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Tông Đồ Phêrô khi ngài mới đến Rôma: Nhã Điển đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, tôn giáo của ông đem lại điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu! Tình yêu là thứ mong manh nhất trên trần đời; nó hình tượng, và nó giống như trẻ nhỏ. Nó có thể bị giết dễ dàng như chúng ta đã thấy trong bàng hoàng việc giết chết một trẻ nhỏ dễ đến mức nào trong thời đại hôm nay. Nhưng quyền lực và khôn ngoan, nghĩa là sức mạnh và tài năng, trở thành cái gì nếu không có tình yêu và lòng tốt? Chúng trở thành Auschwitz, Hiroshima và Nagasaki và tất cả những thứ khác mà chúng ta biết rất rõ.
4. Tình yêu thứ tha
Thông điệp viết tiếp: "Chúng ta đã thấy rằng eros của Thiên Chúa dành cho loài người cũng hoàn toàn là agape. Điều này không chỉ vì tình yêu này được trao ban một cách rất hào phóng, nhưng không, nhưng còn vì đó là một tình yêu tha thứ. (số. 10).
Phẩm chất tình yêu này được phản chiếu ở mức cao nhất trong mầu nhiệm thánh giá. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" Đức Giêsu đã nói nơi bàn Tiệc Ly (Ga 15:13). Ta có thể kêu lên: Lạy Chúa có một tình yêu còn cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Đó là tình Chúa! Ngài không thí mạng sống cho bạn hữu nhưng cho kẻ thù của mình! Thánh Phaolô thốt lên "Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi" (Rm 5:7-8).
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để khám ra điều tương phản chỉ là hiển nhiên. Chữ "bạn" trong nghĩa tích cực chỉ định những ai thương mình, nhưng trong nghĩa tiêu cực nó chỉ định những ai mình thương. Chúa Giêsu gọi Giuđa là "bạn" (Mt 26:50) không phải vì Giuđa thương Ngài, nhưng vì Ngài thương Giuđa! Không một tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì kẻ thù, coi họ như bạn hữu: đó là ý nghĩa của lời Chúa. Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của nhân loại.
Đó là lợi thế khủng khiếp của con cái trước cha (hay mẹ) chúng.
Chúng ta cần suy tư theo cách này, đặc biệt, tình yêu của Chúa Kitô trên thánh giá có thể giúp con người ngày nay tìm thấy, "định hướng của cuộc sống và tình yêu" như thông điệp đã nói.
Đó là một tình yêu thương xót, một tình yêu thứ tha và tha thứ,
không muốn tiêu diệt kẻ thù, nhưng tiêu diệt lòng thù hận nếu có. (x Ep 2:16).
Tiên tri Giêrêmia, người gần Chúa Kitô chịu thương khó nhất trong số các tiên tri, đã cầu nguyện với Thiên Chúa rằng:
"xin cho tôi thấy được cơn thịnh nộ đổ trên đầu chúng" (Gr 11:20);
Chúa Giêsu khi hấp hối nói rằng
"Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc 23:34).
Chính lòng thương xót này và khả năng tha thứ là điều chúng ta cần đến ngày nay để tránh đừng trượt xa hơn nữa vào hố sâu bạo lực toàn cầu. Thánh Tông Đồ Phaolô viết cho dân thành Côlôsê
"Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.
Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.
Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia.
Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau" (Cl 3:12-13).
Có lòng thương xót nghĩa là động lòng trắc ẩn (misereor) trong lòng (cordis) đối với kẻ thù ta, để hiểu căn cơ những gì tất cả chúng ta đã gây ra và từ đó mà tha thứ cho nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bằng một phép lạ lịch sử nào đó mà hai dân tộc Cận Đông đang chiến tranh với nhau hàng thập niên, nay thay vì đổ lỗi cho nhau, bắt đầu nghĩ đến những đau thương của kẻ khác, và động lòng trắc ẩn với nhau. Bức tường chia cách giữa họ không còn cần thiết nữa. Điều này cũng phải được đề cập đến đối với bao nhiêu những cuộc xung đột đang tiếp diễn trên thế giới bao gồm cả những xung đột giữa các tôn giáo và các hệ phái Kitô Giáo.
Những vần thơ của Pascoli thật đúng biết bao:
"Loài người ơi, trong trái đất kiệt quệ này
hòa bình là một mầu nhiệm cao cả dường nào"[10].
Một số phận chết chóc chung bao trùm tất cả.
Nhân loại bị chôn vùi trong trong bóng đêm mịt mù
và oằn oại dưới quá nhiều đau khổ
đến mức chúng ta cần phải có lòng trắc ẩn và liên đới với nhau.
5. Nghĩa vụ yêu thương
Có một giáo huấn nữa cho chúng ta đến từ tình yêu Thiên Chúa đã thể hiện trên thập giá Chúa Kitô. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật trung tín và trường cữu, lời Thiên Chúa nói cùng con người qua các tiên tri: "Ta hằng yêu con với một tình yêu vĩnh hằng" (Gr 31:3); và lần khác: "Ta quyết không hề bội tín thất trung" (Tv 89:34). Thiên Chúa đã buộc Ngài vào một tình yêu muôn thuở; Ngài tự tước đoạt tự do thối lui của Ngài. Đây là ý nghĩa sâu sắc của Giao Ước mà trong Chúa Kitô đã trở nên "mới mẻ và vĩnh hằng".
Những câu hỏi thường được nêu ra trong xã hội chúng ta ngày nay là mối quan hệ giữa tình yêu của hai người trẻ và luật hôn nhân; tình yêu cần đến điều gì; những gì là hấp tấp và tự phát mà cần phải "buộc" lại. Từ đó nảy sinh ra con số đông đảo hơn bao giờ những người từ chối định chế hôn nhân và chọn cái gọi là tình yêu tự do, hay đơn giản hơn, de-facto, sống chung không ràng buộc.
Chỉ khi nào người ta nhận ra quan hệ sâu sắc và thiết yếu tồn tại giữa lề luật và tình yêu, giữa quyết định và cơ chế, người ta mới có thể đáp trả thích đáng cho những câu hỏi này và mang đến cho những người trẻ một lý do thuyết phục để bị "buộc" vào trong tình yêu muôn thuở và không ngại biến tình yêu thành một "nghĩa vụ".
Một triết gia, người sau Plato, đã viết những điều đẹp nhất về tình yêu, nói: "Chỉ khi nghĩa vụ yêu thương tồn tại, chỉ khi ấy tình yêu mới được bảo đảm lâu dài chống lại mọi đổi thay; được giải thoát mãi mãi trong sự độc lập được chúc phúc; được bảo đảm trong sự thánh thiện vĩnh hằng chống lại bất kỳ âu lo"[11] Ý nghĩa của những lời này là với những người đang yêu, càng yêu bao nhiêu càng lo sợ thảm họa tình yêu vỗ cánh bay xa. Một hiểm nguy không đến từ những người khác nhưng từ chính mình.
Anh ta biết rõ sự kiện là anh ta thay đổi và rằng ngày mai, hỡi ôi, anh ta có thể mệt mỏi và không còn yêu nữa hay muốn thay đổi đối tượng tình yêu của mình. Và, giờ đây, đang lúc còn chìm trong ánh sáng của tình yêu, anh ta thấy rõ cái mất đi mãi mãi sự đổi thay đó sẽ dẫn đến, vì thế anh ta bảo vệ chính mình bằng cách tự "buộc" mình vào tình yêu với sự ràng buộc của bổn phận, và vì thế bỏ neo mãi mãi tình yêu hiện nay của mình.
Ulysses muốn trở lại để thấy lại quê nhà và vợ mình lần nữa, nhưng anh ta phải vượt qua vịnh Sirens nơi có những mỹ nhân ngư quyến rũ với những điệu ca hầu lôi kéo những con thuyền va vào bờ đá. Anh ta đã làm gì? Anh tự cột mình vào cột buồm sau khi nhét kín sáp đầy hai lỗ tai những bạn thuyền. Khi đến vịnh Sirens, bị quyến rũ, anh ta la lên để được nới lỏng ra hầu đến với các nàng tiên cá nhưng các bạn thuyền không nghe thấy anh ta nói gì và như thế anh ta đã có thể thấy lại quê hương, và lại được ôm vào lòng hiền thê cùng con trai của mình.[12] Đó là một huyền thoại, nhưng nó giúp chúng ta hiểu được lý do của hôn nhân "bất khả phân ly", và trên một bình diện khác là những lời tuyên khấn.
Nghĩa vụ yêu thương bảo vệ tình yêu khỏi "âu lo" và giữ nó "được chúc phúc và độc lập" theo nghĩa là nó bảo vệ con người khỏi lo âu không thể yêu mãi mãi. Triết gia này cũng từng nói hãy chỉ cho tôi một người thực sự đang yêu, và anh ta sẽ bảo cho bạn thấy nếu trong tình yêu có sự đối nghịch nào giữa nghĩa vụ và hoan lạc; và ý nghĩ "phải" yêu suốt đời có đem lại sự sợ hãi và đau khổ cho người đang yêu không, hay trái lại đó lại là đỉnh cao của vui mừng và hạnh phúc.
Một ngày trong Tuần Thánh, khi hiện ra cùng Chân Phước Angela thành Foligno, Đức Kitô nói với Chân Phước một lời danh tiếng: "Tình Ta yêu con không phải trò đùa!" [13] Thật vậy, Đức Kitô đã không yêu chúng ta cách giỡn chơi. Có một chiều kích đùa cợt và giỡn chơi trong tình yêu, nhưng chính tình yêu không phải là trò đùa; đó là điều chân thành nhất và gây ra nhiều hệ lụy nhất trong thế giới này; cuộc sống con người tùy thuộc vào nó. Aeschylus so sánh tình yêu với sư tử con nuôi trong nhà "lúc đầu thì ngoan ngoãn và hiền lành còn hơn trẻ con" đến nỗi người ta có thể đùa chơi với nó nhưng một khi khôn lớn, nó có thể giết hại và nhuộm máu ngôi nhà.[14]
Những suy tư này không đủ để thay đổi nền văn hóa tôn thờ tự do đổi thay và sự bồng bột nhất thời, khi cái thói "xài xong rồi bỏ" được áp dụng ngay cả trong tình yêu. (Cuộc đời, chẳng may, sẽ hành xử như thế nếu cuối cùng chúng ta thấy mình trắng tay với nỗi buồn chẳng xây đắp được gì lâu dài với tình yêu). Nhưng điều này ít nhất cũng giúp khẳng định sự tốt lành và vẻ đẹp trong lựa chọn của những ai quyết định sống tình yêu giữa một người nam và một người nữ theo kế hoạch của Thiên Chúa, và giúp lôi kéo nhiều người trẻ đạt đến cùng một lựa chọn như thế.
Không còn gì nói thêm ngoài việc hòa nhịp cùng Thánh Phaolô trong bài thánh ca ca ngợi tình yêu chiến thắng của Thiên Chúa. Thánh nhân mời gọi chúng ta cùng với ngài đạt đến một kinh nghiệm chữa lành nội tâm. Thánh nhân nghĩ đến những điều tiêu cực và những lúc gay go của đời ngài: gian truân, phiền muộn, bách hại, đói khát, trần truồng, nguy hiểm và gươm giáo. Ngài suy tư về những điều này trong ánh sáng của xác tín về tình yêu của Thiên Chúa và la lên: "Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta!".
Hãy hướng mắt nhìn lên; từ cuộc sống cá nhân mình nhìn ra thế giới chung quanh và đích điểm của nhân loại trên hoàn cầu, và lần nữa chúng ta reo lên với cùng một niềm xác tín hân hoan: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta." (Rm 8:37-39).
Chúng ta lặp lại lời mời gọi này của thánh nhân, trong ngày Thứ Sáu Thương Khó này, và chúng ta lặp lại những lời ngài bảo chúng ta trong khi chúng ta tôn vinh thánh giá Chúa Kitô.
Toàn bộ bài giảng lừng danh của cha Raniero Cantalamessa ngày thứ Sáu Tuần Thánh
J.B. Đặng Minh An dịch 4/16/2006
* * *
[1] H. Bloom, trong lời phi lộ kèm theo ấn bản M. Meyer's edition, The Gospel of Thomas, Harper, San Francisco, s.d., p. 125.
[2] R. Brown, The Death of the Messiah, II, New York, 1998, pp. 1092-1096
[3] x logion 114 in The Gospel of Thomas, ed, Mayer, p. 63); trong ngụy thư của người Ai Cập, Chúa Giêsu nói: "Ta phải hủy diệt công việc của những người phụ nữ" (x. Clemens of Al., Stromata, III, 63). Điều này giải thích tại sao Phúc Âm Thánh Tôma trở thành phúc âm của người theo phái Manichea, trong khi nó bị tấn công dữ dội bởi các tác giả Giáo Hội (chẳng hạn, bởi Hippolytus thành Rôma), người bảo vệ sự tốt lành của hôn nhân và tạo dựng nói chung
[4] Paradiso, V, 73-80.
[5] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. "Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu" 12.
[6] X. N. Cabasilas, Đời sống trong Chúa Kitô, VI, 2 (PG 150, 645).
[7] X. Origen, Những bài suy niệm về tiên tri Ezekiel, 6,6 (GCS, 1925, p. 384 f).
[8] X. B. Pascal, "Pensées," 793, ed. Brunschvicg.
[9] Henryk Sienkiewicz, Quo Vadis, chapt. 33.
[10] Giovanni Pascoli, "I due fanciulli."
[11] S. Kierkegaard, Những hành vi yêu thương, I, 2, 40, ed. bởi C. Fabro, Milan, 1983, p. 177 ff.
[12] X. Odyssey, XII.
[13] Hạnh tích Chân Phước Angela Thành Foligno, Instructio 23 (ed. Quaracchi, Grottaferrata, 1985, p. 612).
[14] Aeschylus, Agamemnon, vv. 717 ff.