Một Thượng Hội Đồng ngoại thường
Đóng góp của Á Châu (7)
Kerygma, cuộc đối thoại giữa Chúa Kitô và tín hữu
Đức cha Peter LIU CHENG-CHUNG, giám mục Kaohsiung, Trung Hoa (Đài Loan?) cho hay muốn cho việc rao giảng Lời Chúa (Kerygma) trở thành một cuộc đối thoại thực sự giữa Chúa Kitô và tín hữu, thì cần phải nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong việc công bố Lời Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần ban cho mọi Kitô hữu các đặc sủng để họ đóng góp cho các giáo hội địa phương.
Ngài thức giục các mục tử phải quan tâm đến các cộng đồng nhỏ cấp giáo xứ. Theo ngài, chính trong các nhóm nhỏ này, Lời Chúa trở thành một thực thể sống động. Vì tín hữu trong các cộng đoàn này thường cử hành Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ bí tích là môi trường họ trực tiếp đối thoại với Thiên Chúa, nhất là trong Phép Thánh Thể.
Muốn thế, cần có hình thức giáo lý thực tiễn và cụ thể để tinh thần Thánh Kinh được nội tâm hóa, được thử nghiệm và được duy trì trong lúc thử thách.
Thuộc lòng Thánh Kinh
Trong phiên khoáng đại thứ 6, Đức cha Vincent RI PYUNG-HO, giám mục Jeonju, Đại Hàn, cho hay: Người Thệ phản có cái hay là thuộc lòng Thánh Kinh, có thể trích dẫn chính xác Thánh Kinh, còn người Công Giáo chúng ta ít khi làm được như họ. Lời Chúa
trở thành hành trang tâm trí để họ đương đầu với các vấn đề ở đời. Từ đó, ngài đặt câu hỏi: liệu chúng ta có nên đưa một số đoạn Thánh Kinh vào khoa giáo lý của ta để giáo dân học thuộc lòng chăng?
Ngài cũng nhận xét một điều nữa: người thệ phản trích dẫn Thánh Kinh, còn người Công Giáo chúng ta thì có thói quen rút ra những chủ đề trừu tượng nói là của Thánh Kinh, và điều đó thấy khá rõ trong một số bài giảng của ta: các vị giảng thuyết của ta đọc đoạn Sách Thánh ngày Chúa Nhật, sau đó rút gọn đoạn văn ấy vào một chủ đề nào đó rồi khai triển chủ đề ấy mà không thèm quy chiếu chi tới đoạn Sách Thánh kia nữa! Qua cách đó, ta đã biến nhà kể truyện vĩ đại là Chúa Giêsu thành một ông thầy dạy đời đầy buồn tẻ và nghèo nàn; ta đã biến sức mạnh của Lời Chúa thành môn đại số học đầy trừu tượng.
Ngài kể cho THĐ nghe câu truyện của chính ngài: kể từ khi được cử nhiệm làm giám mục năm 1990 đến nay, ngài luôn cố gắng học thuộc lòng các đoạn Sách Thánh của thánh lễ hàng ngày và trong các bài giảng của mình, ngài để cho Lời Chúa tự gióng lên tiếng nói của nó, và giáo dân của ngài đã trực tiếp lãnh hội được Lời Chúa.
Ngài cũng trưng dẫn gương Đức Mẹ, “Đức Mẹ ghi nhớ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Muốn suy đi nghĩ lại, tất nhiên Đức Mẹ đã thuộc lòng mọi điều ấy.
Đọc Lời Chúa không đủ
Tại phiên khoáng đại thứ 8, Đức cha Joseph Mitsuaki TAKAMI, P.S.S., Tổng giám mục Nagasaki, Nhật Bản, nhận xét rằng xét chung, tín hữu chưa để cho sức mạnh đầy động năng của Sách Thánh thực sự sống động trong tâm hồn họ.
Ngài cho hay điều quan trọng là phải hiểu Thánh Kinh, liên hệ nó với đời sống ta, chia sẻ nó với người khác và đem nó ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày. Ngài thấy THĐ nên yêu cầu Đức Thánh Cha “mạnh mẽ khuyến cáo tín hữu khắp thế giới đọc, suy niệm và chia sẻ Thánh Kinh với nhau”. Thứ hai, nên phát hành một cuốn giải thích chi tiết các phương pháp hiện hành trong việc chia sẻ Thánh Kinh, có đánh giá từng phương pháp để tín hữu tự ý chọn lựa phương pháp nào thích hợp với điều kiện sống của họ.
Sức mạnh xây dựng cộng đoàn
Cũng trong phiên khoáng đại thứ 8, Đức cha Charles SORENG, S.J., Giám mục Hazaribag, Ấn Độ cho hay ngài xuất thân từ một tôn giáo có tính bộ lạc tại Ấn. Tôn giáo này tin rằng Thượng Đế tự tỏ bày mình ra trong thiên nhiên. Bởi thế họ rất dễ chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Con Đấng Tối Cao. Hiện tại Ấn, có tới khoảng gần hai triệu người Công Giáo cùng nguồn gốc như ngài sống rải rác đó đây khắp cả nước. Họ nhấn mạnh nhiều hơn đến tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải tình yêu của Chúa Cha dành cho mọi người bằng chữa lành, yêu thương, giáo huấn và dụ ngôn. Sứ mệnh của Chúa Kitô là công bố Nước Thiên Chúa, Nước của công lý, hòa bình và hân hoan trong Chúa Thánh Thần (Rm. 14: 17). Lãnh đạo Nước này lại là một thứ lãnh đạo tôi tớ qua gương sáng Chúa Giêsu rửa chân cho môn đệ (Mc 10: 42-45).
Theo Đức cha, chính nhờ yêu thương, mà Lời Chúa có sức mạnh xây dựng cộng đoàn, vì tạo nên hiệp thông giữa những người anh em cùng nghe và thực hành Lời ấy, dù họ thuộc đủ mọi văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
Chú giải và thần học
Phần Đức cha Pablo Virgilio S. DAVID, Giám mục phụ tá San Fernando, Phi Luật Tân, ngài nhấn mạnh đến mối căng thẳng giữa chú giải và thân học. Ngài cho hay: trong khi thần học nhấn mạnh đến sức mạnh của Lời Chúa, thì khoa chú giải nhắc ta nhớ đến tính khiêm hạ của Lời Chúa.
Ngài giải thích: đôi khi tín hữu cảm thấy khó mà chấp nhận được nhiều đoạn Thánh Kinh rõ ràng có tính bạo lực, kỳ thị, tàn ác, bội phản…Nhưng ta vẫn không loại những đoạn ấy ra khỏi quy điển Thánh Kinh. Lại còn nhiều khi trống đánh xuôi kèn thổi ngược nữa, như có đoạn bênh vực sự sống lại, nhưng có đoạn lại chối bỏ sự sống lại ấy, có đoạn còn coi Xatan là thành phần của triều thần thiên quốc; có đoạn coi sự ác là kết quả của tội lỗi con người, có đoạn lại coi sự ác là một cái bệnh và con người là nạn nhân chỉ còn biết trông vào sự tha thứ của Chúa; có đoạn nhấn mạnh đến ơn thánh Chúa, có đọan lại nhấn mạnh đến cố gắng của con người.
Lên xuống, thần nhân, cao cả hèn hạ đều là các khía cạnh khác nhau quanh mầu nhiệm mạc khải Thiên Chúa, quanh Lời Chúa dưới hình thức lời con người. Cho nên ta cần cả thần học và chú giải và nhất là cần đến các mục tử trong việc giữ cho ta luôn khiêm hạ, luôn biết lắng nghe và tự bỏ mình đi mà tập chú vào Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, là sức mạnh trong yếu đuối, khôn ngoan trong khờ dại, hiển dương trong nhục mạ.
Các thách thức ngẹt thở
Đức cha Charles Maung BO, S.D.B., Tổng giám mục Yangon, Miến Điện đề cập tới các thách thức nghẹt thở mà một số miền trên thế giới đang gặp phải trong sứ mệnh công bố Lời Chúa. Chắc hẳn ngài có ý nói tới quê hương của ngài?
Ngài cho hay, tại các miền đó, nhiệm vụ công bố Tin Mừng đang bị các thế lực đen tối thách thức. Giáo hội của ngài là một giáo hội nghèo chỉ còn mỗi một vinh quang là “biết Chúa Kitô” và được “Lời Chúa nâng đỡ”, một Lời dẫn dân của ngài đến lòng yêu thương tha nhân. Giáo hội của ngài được lời Cha Chung hướng dẫn qua Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu: Giáo hội không thể làm ngơ việc phục vụ bác ái cũng như không quên các Bí Tích và Lời Chúa” (số 22). Nhất là nhân trận bão Nargis: gần 150,000 người chết và 2 triệu người ‘tị nạn’ trên chính quê hương mình.
Ngài cho hay: với ơn Chúa, giáo hội ngài đã đem sự sống lại cho nhiều cộng đoàn. Các nhà thờ trở thành trại tị nạn. Tại các trại đó, giáo dân của ngài chỉ có duy nhất một thứ phụng vụ: chia sẻ Lời Chúa bằng cách sau đó chia sẻ cơm bánh ‘viện trợ’.
Ngài kết luận “Thế giới trở thành bàn thờ và chúng con bẻ chiếc bánh tình thân hữu nhân bản với quần chúng hết sức tả tơi. Phúc âm rao giảng là lương thực cho người nghèo”
Một cuộc đời đầy thánh giá
Trong phiên khoáng đại thứ 10, Đức cha Võ Đức Minh, Giám mục phó của Nha Trang, Việt Nam, đã nhắc lại lịch sử việc tiếp nhận Phúc Âm tại Việt Nam năm 1533 và sau đó là cả một “cuộc đời đầy thánh giá”. Trong cái lũng đầy thánh giá ấy, giống như dân Do Thái xưa, người Công Giáo Việt Nam hiểu rằng chỉ còn Lời Chúa là tồn tại và không bao giờ đánh lừa họ.
Theo ngài, Lời Chúa trong kinh nguyện, trong Đàng Thánh Giá, trong Kinh Truyền Tin, trong các mầu nhiệm Kinh Mân Côi, trong ca vãn, trong sách bổn, trong các việc sùng kính bình dân, á phụng vụ, trong kinh chiều… đã là nguồn an ủi và đầy sức mạnh khiến dân Chúa vững tin và là tụ điểm chính giúp họ khám phá ra tương lai.
Lời Chúa giúp khám phá ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Thánh Giá. Đức cha nhấn mạnh rằng; “Vì Giáo Hội Chúa Kitô ở Việt Nam kinh qua nhiều đau khổ, nên Mầu nhiệm Thánh Giá không những trở thành gần gũi với cuộc sống hàng ngày, mà nó còn là yếu tố chủ chốt sẽ tái kết hiệp dân Chúa thành một”.
Đức cha Minh cho hay: văn hóa thờ cúng tổ tiên khiến tâm hồn người Việt Nam rất được linh hứng bởi Bữa Tiệc Ly, Bởi Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Việc Phục Sinh của Chúa Kitô. Những thử thách của các tổ phụ và tiên tri nhất là của “thánh” Gióp, cũng như của Đức Mẹ, của Thánh Giuse và các Thánh Tông Đồ đã nâng đỡ đức tin của người Công Giáo rất nhiều.
Sau Đức Cha Võ Đức Minh, Đức cha Bejoy Nicephorus D'CRUZE, O.M.I., Giám mục Khulna (BANGLADESH), đã đề cập tới Lời Chúa và Sự Nghèo Khó, cũng như tình trạng bất công và tham nhũng tại quê hương ngài, để kêu gọi ta phải trở nên Giáo Hội của ngưòi nghèo, cũng như dấn thân cho công lý trong cuộc sống công. Ngài cũng đề cập tới thân phận thiểu số của người Công giáo tại Bangladesh để mời gọi đi vào đối thoại liên tôn.
Đức cha John HA TIONG HOCK, Tổng giám mục Kuching (MALAYSIA), nhấn mạnh đến việc huấn luyện một nền tu đức Thánh Kinh cho các chủng sinh giúp họ thực sự gặp gỡ Chúa Kitô, Lời đã thành nhục thân của Thiên Chúa. Phải làm sao có được các linh mục có tâm thức về Lời Chúa, biết lấy Lời Chúa làm trung tâm, thì Lời ấy mới có chỗ đứng đúng đắn trong đời sống và thừa tác vụ của Giáo Hội.
Còn Đức cha Varghese CHAKKALAKAL, Giám mục Kannur (INDIA), tự hỏi phải nói ra sao với cái thế giới đang bị xâu xé bởi chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa duy lý vô tôn giáo, chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng lạc và đầy lo âu, bất công và bạo động, kỳ thị chủng tộc, duy đẳng cấp, kỳ thị phái tính, một thế giới đang bị truyền thông thao túng, một thứ truyền thông do kim tiền kiểm soát?
Câu trả lời, theo ngài, là phải công bố Lời yêu thương. Sứ điệp Kitô giáo có thể tóm lại trong ba câu sau: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa yêu bạn, và tôi cũng yêu bạn.
Tinh thần hài hước kết thúc tuần lễ đầu
Cha Rosica, một trong “ngũ nhân bang” tùy viên báo chí của THĐ cho hay THĐ đã kết thúc tuần lễ đầu trong một bầu khí hài hước, đầy tình huynh đệ và nhân ái.
Đức tổng giám mục tổng thư ký thông báo một cách ví von chương trình làm việc cho đến tận “đêm Thứ Bẩy” không như các “anh cả” (ám chỉ người Do Thái) được hưởng ngày Sabát lúc mặt trời lặn. Thông báo của ngài được Đức Hồng Y Joachim Meisner của Cologne nhận định là “contra naturam” (phản tự nhiên). Nhận định của Đức Hồng Y được nhiều nghị phụ “hưởng ứng”. Nhờ thế, cuộc họp đã được kết thúc lúc 7 giờ kém 5 phút!
Đức tổng giám mục của Cameroon cũng không kém hài hước, vì lúc bắt đầu tham luận, ngài “thưa thốt” như sau: “Kính thưa Đức Thánh Cha khiếm diện, thưa các giám mục anh em thân thương…”. Nghe thấy thế, Đức tổng giám mục tổng thư ký vội nắm lấy máy vi âm và giải thích “tuy khiếm diện nhưng Ngài (ĐGH) đọc mọi lời của chúng ta”. Khiến các nghị phụ phá lên cười vui vẻ.
Nếu phải kể đến các “ngôi sao” của THĐ trong tuần lễ đầu, thì cha Rosica không ngại kể tên Đức cha Tagle của Phi Luật Tân với bài tham luận tuy ngắn nhưng hết sức xúc tích, được nhiều nghị phụ trích dẫn cả tuần. Bài này nhấn mạnh tới việc không những Chúa nói mà Người còn biết lắng nghe, nhất là nghe người nghèo. Cha cho rằng những lời xúc tích của Đức cha sẽ được nhiều người nhớ, nhắc tới và đọc đi đọc lại trong nhiều năm tới.
Bài tham luận đáng lưu ý thứ hai là bài chia sẻ của Đức cha Anton Just của Latvia về vị linh mục bị bách hại vì Thánh Kinh, bài tham luận đã làm nhiều nghị phụ gần cha Rosita khóc. Chính cha cũng không cầm được nước mắt. Toàn thể THĐ đã vỗ tay tán thưởng. Trong khi tại nhiều Giáo Hội, người ta tranh chấp nhau vì một vài vấn đề hết sức tầm phào về Thánh Kinh, thì nhiều người đồng đạo của chúng ta đang hy sinh thân mình vì Thánh Kinh ấy.
Đối với cha Rosita, tuần lễ đầu của THĐ đã phản ảnh đầy đủ buổi họp mặt trên Thượng Lầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần ngày trước. Người thấm nhiễm Thần Trí Yêu Thương luôn dùng tâm nói với tâm (Cor ad Cor theo kiểu nói bất hủ của ĐHY Newman).
Vũ Văn An