Tài Liệu Khác

Lời Chủ Chăn tháng 9. 2007     

Tự do, nhân quyền, và bổn phận cầu nguyện

    1.  Tự do và nhân quyền phát xuất từ đâu?  Niềm tin Kitô giáo cho người công giáo xác tín rằng tự do và nhân quyền là bẩm sinh, là thiên phú.  Nói cách khác, là quà tặng vô giá Đấng Tạo Hoá Chí Thánh Chí Tôn trao ban cho loài người, cho các dân tộc, vì sự sống và hạnh phúc của họ, và vì danh thánh của Đấng Chí Tôn là Tình Yêu, là cội nguồn và là cùng đích của loài người và mọi loài trên trời dưới đất. 
 
    2.  Do đó Hiến Chương hay Hiến Pháp trên thế giới ghi lại những quyền tự do của loài người trên trái đất nầy, nhằm giúp cho mọi dân tộc ý thức và thống nhất.   Cơ chế và nhân sự trong quyền lực Nhà Nước có nhiệm vụ phục vụ cho công ích của xã hội, nghĩa là tạo mọi điều kiện cần thiết cho mọi thành phần xã hội ý thức tôn trọng tự do và nhân quyền của mình và của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.  
 
    3.  Về nhiệm vụ phục vụ cho công ích,  lịch sử thế giới cho thấy có một số hiện tượng cản trở hoặc đẩy lùi tự do và nhân quyền như sau :  
    (1)  Quyền lực Nhà Nước với những giới hạn của con người chỉ có khả năng tạo ra những điều kiện cần thiết nói trên dần dần với thời gian dài ngắn khác nhau.  Trong lịch sử nước Mỹ, phải mất đi cả trăm năm, phụ nữ mới được quyền đi bầu.  Sau đó, thì nơi nhiều nước khác mất ít thời gian hơn. 
    (2) Vào những thời điểm nhất định, có những Nhà Nước chỉ tạo một số điều kiện nhất định cho một số thành phần xã hội nhất định phát huy tự do và nhân quyền của mình, với những hạn chế hoặc khống chế tự do và nhân quyền của những thành phần khác.  
    (3)  Thực tế đời sống nhiều dân tộc biểu hiện ít nhiều sự thiếu chánh tâm, thiều ý thức và lòng tự trọng, sự thừa tà tâm, thừa lòng tham sân si và tính cực đoan nơi một số người lãnh đạo và quản lý xã hội cũng như nơi một số thành phần khác. 
    (4)  Tất cả những hiện tượng trên tạo ra những đường nét cong queo, méo mó, hụt hẫng, dị dạng  tô điểm cho một bức tranh xã hội màø một nhà văn châm biếm mô tả cách cường điệu như sau:     

                          
    Ngày nay nhân phẩm xuống giá rồi,      Chỉ có thực phẩm lên giá thôi, 
    Lương tâm giá bèo hơn lương thực,        Chân lý chân giò một giá thôi.
 
 
    4.  Vậy khi thấy tự do và nhân quyền bị xâm phạm, khi đối diện với bất công trong xã hội, bổn phận của người công giáo là gì?  Nhìn từ gốc độ người tín hữu trong Giáo Hội công giáo, tôi thấy có hai bổn phận ưu tiên, ưu tiên một là cầu nguyện nhằm rèn luyện cái tâm lương thiện, ưu tiên hai là học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhằm rèn luyện trí tuệ sáng suốt.  Cả hai ưu tiên đều nhằm phát huy tự do và nhân phẩm trước hết nơi bản thân mình.  Sau đó mới có khả năng giúp người khác phát huy nơi bản thân họ.  Lần nầy, tôi xin đề cập đến bổn phận ưu tiên một. 
 
    5.  Bổn phận ưu tiên một là cầu nguyện.  Vì đó là bổn phận số một của Đạo yêu thương, bác ái . Đó là điều Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm suốt đời cho thế giới, đặc biệt cho Ba Lan và VN mà Ngài đặt trong tim của Ngài.  Đức Bênêđitô XVI, trong Thư gởi cho Giáo Hội Công Giáo tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, cũng tha thiết kêu gọi mọi người cầu nguyện.  Lời nguyện chung trong các thánh lễ Chúa Nhật nhắc nhở người tín hữu không ngừng cầu nguyện cho mọi người anh em đồng đạo, đồng bào, đồng loại, cho mọi người lãnh đạo và quản lý đất nước. 
 
    6.  Người tín hữu thành tâm cầu nguyện vì họ tin rằng Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng tự do và nhân quyền cho con người, Ngài cũng ban cho họ ánh sáng và sức mạnh giúp họ ý thức tự trọng và tôn trọng tự do và nhân quyền của bản thân, của mọi người anh em đồng bào và đồng loại.  Người tín hữu chuyên cần cầu nguyện vì họ tin rằng Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong tiến trình đổi mới lòng dạ con người, biến đổi tà tâm, ác tâm, dã tâm thành chánh tâm, thiện tâm, thành tâm.  Một sự biến đổi mà nhà trường, nhà tù, nhà chính trị trong nhiều thập niên qua đã không tạo ra được.  Nếu nhà thờ không cộng tác với Chúa Thánh Thần để góp phần tạo nên sự biến đổi nầy, thì nhà thờ có mặt trong xã hội ngày nay để làm gì? 
 
    7.  Tôi nhớ lại câu chuyện cầu nguyện của một bà lão mà hơn nữa thế kỷ trước tôi học được từ một nền văn hoá cổ.  Trong cuộc đời bà, bà chứng kiến nhiều cảnh tương tàn, tù đày, đổ máu, tang thương do những bạo chúa tham quyền, mê đắm danh lợi thú, gây ra cho đồng bào của bà.  Vì tin rằng với lời cầu nguyện thì không có gì là không thể được, ngày ngày bà lên đền thờ cầu nguyện cho người lãnh đạo đất nước của bà.  Lúc đầu, bà cầu cho họ mau chết cho nhân dân đỡ khổ.  Họ chết rồi, bà lại thấy nổi lên những tên hung thần khác tàn bạo hơn những tên trước.  Với kinh nghiệm đó, sau nầy bà cầu cho người lãnh đạo sống lâu để thần linh có thời giờ thay đổi lòng dạ của họ.  Kinh nghiệm nầy, bà kể lại cho người lãnh đạo đích thân đến tra vấn lý do ngày ngày bà lên đền thờ cầu nguyện cho ông. Tâm sự của bà mở đầu cho quá trình biến đổi của ông.   
 
    8.  Lịch sử giải phóng nô lệ da đen của nước Mỹ và lịch sử thập niên qua của Ruanđa là những bài học đi tìm cái ngọn của tự do và nhân quyền, nhưng bà lão cầu nguyện thì tìm đến tận gốc.  Vậy, khi người tín hữu chân chính muốn dấn thân hành động vì tự do và nhân quyền,  hãy hành động sau khi đã cầu nguyện và học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.  
 
    9.  Cầu nguyện và học hỏi giúp cho con người hành động với tâm hồn tự do, thanh thản, bình an, sáng suốt và khôn ngoan, hành động với tình bác ái Chúa dạy, với xác tín mọi người là con một Cha, là anh em một nhà.  Có những người anh em sống với chánh tâm thì dạy mình biết điều phải làm, cần làm, điều cần phải noi theo.  Nhưng cũng có những người anh em sống với tà tâm thì dạy mình biết điều không nên làm, điều không được làm, điều phải xa lánh.  Cầu nguyện và học hỏi còn giúp cho mỗi người tránh được hành động theo động cơ của tà tâm, của lòng tham sân si, của hận thù, của những thói đời mang quáng tính đối kháng, loại trừ hoặc sát hại lẫn nhau, cũng là một hình thức xâm phạm tự do và xúc phạm nhân sinh, nhân phẩm và nhân quyền của nhau.  
 
    Ngày Lễ kính Thánh Giacôbê Tông đồ, 
    Giám mục  đầu tiên tử đạo 
     25. 7. 2007 
    Gioan B. Phạm Minh Mẫn 
    Hồng Y Tổng Giám mục