Tài Liệu Khác

ENCUENTRO2000

GẶP GỠ ÐỨC GIÊSU KITÔ SỐNG ÐỘNG

Ðức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận 
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình

(Chuyển ngữ từ bài nói chuyện bằng tiếng Anh của Ðức TGM Nguyễn Văn Thuận tại Ðại hội Encuentro 2000 ở Los Angeles Convention Center vào chiều thứ Năm 06.07.2000)

Các bạn thân mến,

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm độc đáo với các bạn: làm thế nào tôi đã gặp được Ðức Kitô trong ngục tù, nơi tôi đã trải qua hơn 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam, mà không hề bị đem ra xét xử hay kết án. Tôi hoàn toàn cô độc, không một người bạn, không hề gặp gia đình mình, và bị những cặp mắt của hai người lính gác thường xuyên canh chừng. Nhiều khi tôi cảm thấy tuyệt vọng; tôi không còn có thể cầu nguyện được nữa. Không có ân sủng đặc biệt, tôi ắt hẳn đã mất trí rồi.

Những người cùng tù không phải là Kitô hữu thường hỏi tôi: "Ông Giêsu này là ai vậy? Tại sao ông mến người này đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình trong ngục tù?" Lính cầm tù hỏi tôi: "Ông Giêsu có thực không? Ông ta như thế nào? Ðã từng gặp gỡ ông này chưa?" Tôi đã biết Ðức Giêsu trong Kinh Thánh và trong sách vở, nơi đại học và trong lời cầu nguyện, nhưng trong cảnh ngặt nghèo của ngục tù, mọi hình thức bề ngoài đều tan biến, và tôi đã gặp Chúa Giêsu rõ ràng như trong Phúc Âm.

 * * *

Các bạn thân mến, tôi sẽ chia sẻ các bạn một bí mật rất riêng tư của tôi: Tôi đã gặp Ðức Giêsu sống động; Ngài lôi cuốn tôi. Tôi theo Ngài bởi vì tôi yêu những khuyết điểm của Ngài. Tôi có thể kể ra ít nhất là 10 khuyết điểm, nhưng vì thời gian ngắn ngủi, tôi sẽ kể cho các bạn biết chỉ 5 khuyết điểm của Chúa Giêsu.

Khuyết điểm thứ 1: Chúa Giêsu kém trí nhớ (Lc 22:42-43)

 

Khi hấp hối trên thập giá, Chúa Giêsu nghe giọng nói của người trộm bên phải: "Lạy Chúa, hãy nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc Ngài". Nếu là tôi, tôi hẳn đã trả lời: "Ta không quên ngươi, nhưng ngươi phải trả nợ tội ác đã phạm bằng cách ở 20 năm trong luyện ngục". Trái lại, Chúa Giêsu nói: "Hôm nay ngươi sẽ ở trên Thiên đàng với Ta". Chúa Giêsu quên mọi tội lỗi của người trộm. Như đối với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu không hề chất vấn cô ta về cuộc sống tai tiếng trong quá khứ. Ngài chỉ nói với cô: "Tội con đã được tha bởi vì con yêu nhiều." Khi người cha thấy người con hoang đàng về nhà, ông ta chạy ra gặp, ôm lấy và ngay cả không cho người con có giờ thốt lên lời đã được chuẩn bị sẵn. Người cha gọi các đầy tớ và nói: "Hãy giết con bò béo để thết tiệc con ta. Người con đã chết của ta nay đã hoàn sinh." Chúa Giêsu không có trí nhớ như tôi. Ngài không chỉ tha thứ, ngài quên tất cả.

Khuyết điểm thứ 2: Chúa Giêsu không giỏi toán (Lc 15:4-7)

Nếu Chúa Giêsu thi toán, chắc Ngài rớt quá. Một người mục đồng có một trăm con cừu; một con đi lạc. Không nghĩ ngợi gì cả, người mục đồng đó đi kiếm con đi lạc, để 99 con khác ở lại. Khi tìm thấy con chiên lạc, anh ta đặt trên vai mình. Ðối với Chúa Giêsu, 1 con bằng 99 con, có lẽ còn hơn thế nữa! Ai mà có thể chấp nhận được điều này chứ? Khi cứu con chiên lạc, không gì có thể ngăn Chúa Giêsu: nguy hiểm, mệt nhọc,. Các bạn cũng hãy suy nghĩ về cử chỉ thương xót của Chúa Giêsu khi ngài ngồi bên bờ giếng Giacóp để kiếm người phụ nữ Samaria hay khi Chúa Giêsu tự mời mình về nhà ông Giakêu! Thật là đơn giản. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho người tội lỗi thật lạ lùng biết bao!

Khuyết điểm thứ 3: Chúa Giêsu không biết luận lý (Lc 15:8-10)

 

Một đêm kia, có người phụ nữ có 10 đồng bạc mà mất 1 đồng. Thế là bà ta thắp đèn kiếm cho được. Khi kiếm ra, bà ta mời hàng xóm đến và nói: "Hãy vui mừng với tôi, bởi vì tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi đã đánh mất". Thật là phi lý khi phải mất cả đêm tìm kiếm 1 đồng bạc và rồi mở tiệc giữa đêm để mừng vì đã tìm thấy. Hơn thế nữa, khi mời bạn bè đến chung vui với mình, bà ta tiêu tốn hơn 1 đồng bạc. Ngay cả 10 đồng bạc cũng không trả nổi chi phí bữa tiệc. Ở đây, chúng ta có thể nói như triết gia Pascal: "Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không hiểu được". Ắt hẳn hợp lý hơn nếu người phụ nữ đi ngủ và tìm kiếm đồng bạc đánh mất vào ban ngày. Nhưng đối với Chúa Giêsu, tìm kiếm kẻ thất lạc là sự ưu tiên. Ngài không thể để mất một giây phút. Chúa Giêsu đã tiết lộ bí mật tâm hồn Ngài: "Vui mừng ắt ran lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải."

 

Khuyết điểm thứ 4: Chúa Giêsu là một người phiêu lưu

 

Một người quảng cáo cho công ty hay một nhà chính trị tìm cách để được bầu lên luôn chuẩn bị cho mình một chương trình rất chính xác với nhiều hứa hẹn. Chúa Giêsu hứa hẹn chỉ gian lao và bắt bớ cho những ai theo Ngài. Ngài cảnh báo họ: "Con Người không có nơi gối đầu" (Mt 8:20). Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Ngài nói với họ "Ðừng mang gì đi đường, không gậy, không bị, không bánh, không tiền bạc, cũng đừng có hai áo" (Lc 9:13). Ngài còn bảo là họ sẽ được chúc phúc "khi người ta sỉ nhục và bắt bớ, đặt điều nói xấu đủ điều về các ngươi một cách lếu láo vì cớ Ta. Hãy vui sướng và hân hoan, vì phần thưởng các ngươi lớn thật ở trên trời" (Mt 5:11-12).

Trong tình trạng ngặt nghèo cùng cực này, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi đâu? Họ đã đi xa cỡ nào? Họ phải mang ơn cứu độ "cho đến cùng mặt đất" (Cv 13:47). Các bạn có bao giờ nghe về một kẻ phiêu lưu như thế và lời của người đó: "Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày, cho đến tận thế" (Mt 28:20). Chúng ta đúng là những môn đệ của Chúa Giêsu khi chúng ta theo Ngài cho đến tận thế. Chúng ta là những thành viên của hội các kẻ phiêu lưu của Ngài, không có địa chỉ, không có số điện thoại, không có fax hay điểm lưới (website).

Khuyết điểm thứ 5: Chúa Giêsu không biết kinh tế tài chánh

 

"Nước Trời giống như một gia chủ, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông. Sau khi đã thuận giá với thợ là một quan tiền một ngày, ông sai họ vào vườn nho của ông. Lối giờ thứ mười một, ông đi ra và thấy có những người khác còn đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày vô công rỗi nghề như thế?’ Họ đáp: ‘Ấy vì không có ai thuê chúng tôi cả.’ Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người cai việc: ‘Ông gọi thợ lại và trả trọn công cho mọi người khởi từ cuối hết cho đến đầu hết’. Khi những người vào làm lối giờ thứ mười một đến, và họ lãnh mỗi người một quan tiền. Khi hạng đầu hết đến, họ cầm chắc là họ sẽ lĩnh nhiều hơn. Nhưng cả họ nữa, họ cũng chỉ lãnh mỗi người một quan. Lãnh xong, họ kêu ca trách gia chủ. Nhưng chủ bảo một người trong bọn: ‘Này bạn, tôi không xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thuận giá một quan với tôi sao?.’" (Mt 20:1-13).

Nếu Chúa Giêsu được gọi làm quản lý cho một cộng đoàn hay làm quản trị cho một xí nghiệp, những nơi này sẽ phá sản, bởi vì Ngài sẽ trả cùng mức lương cho người bắt đầu làm việc từ buổi sáng và người bắt đầu lúc ban chiều! Phải chăng Ngài lầm lẫn? Phải chăng Ngài tính toán lộn? Không, Ngài cố ý làm thế: "Bạn hãy lấy phần bạn mà đi. Còn việc cho người cuối hết này bằng bạn, tôi muốn thế. Hay mắt bạn lườm nguýt vì tôi tốt lành?" (Mt 20:14-15).

Các bạn ngạc nhiên tại sao Chúa Giêsu có những khuyết điểm này. Bởi vì Ngài là Tình Yêu (1 Ga 4:16). Tình yêu chân thật không luận lý, không tính toán, không đo lường, không đặt chướng ngại, không ra điều kiện, không lập biên giới và không nhớ đến các lỗi phạm.

Tôi yêu những khuyết điểm này của Chúa Giêsu, và câu "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1 Gn 4:16) trở nên mấu chốt cho đời tôi. Yêu Chúa hết lòng chưa đủ. Tôi cũng phải hành động tương xứng và tóm gọn mọi sự trong một ý niệm đơn giản và năng động này. Vào một ngày mưa trong nhà tù, thình lình một điều gì đó như tiếng sét ập trong trí tôi: Chúa Giêsu là "Thiên Chúa và là Tất Cả của tôi" (Deus meus et omnia). Chúng ta yêu thương mọi người và mọi sự trong Chúa Giêsu. Ðây là sự biện phân tốt nhất (1 Cor 12:10).

* * *

Triết gia Pascal từng nói: "Khi người ta khám phá Ðức Kitô, người ta cũng hiểu về con người." Khi tôi gặp Chúa Giêsu, tôi cũng gặp Ngài nơi kẻ thù.

Vào một ngày mưa trong vùng núi Vĩnh Phú, tôi được gọi đi cưa gỗ. Tôi xin người lính gác: "Tôi có thể xin anh một điều được không?"

"Gì vậy? Ông muốn tôi làm gì?"

"Tôi muốn cưa một miếng gỗ theo hình thánh giá."

"Ông không biết ở trại nghiêm cấm mọi dấu chỉ tôn giáo sao?"

"Tôi biết, nhưng chúng ta là bạn và tôi sẽ giấu kín."

"Vô cùng nguy hiểm cho ông và tôi."

"Anh nhắm mắt đi cho tôi làm. Tôi sẽ cẩn thận hết sức." Anh ta quay lưng, bỏ tôi lại một mình. Tôi đã cưa làm thánh giá, và tôi giấu trong một cục xà phòng cho đến ngày tôi được tự do. Với một miếng bọc kim loại, miếng gỗ này trở nên thánh giá giám mục của tôi.

Tại một nhà tù khác, tôi xin người lính gác - anh ta đã thành bạn của tôi rồi - một sợi dây điện. Anh ta ngạc nhiên.

"Trong trường công an, tôi học được khi một tù nhân muốn sợi dây điện có nghĩa là muốn tự tử."

Tôi giải thích cho anh ta là linh mục Công Giáo không có tự tử.

"Nhưng ông dùng dây điện làm gì?"

"Tôi muốn làm một sợi dây để tôi mang thánh giá."

"Dây điện mà làm dây mang tượng thánh giá? Không thể làm được!"

"Anh cứ cho tôi mượn hai cái kềm nhỏ, tôi sẽ làm cho anh xem."

"Nguy hiểm lắm đấy!"

"Nhưng chúng ta là bạn mà!"

Anh ta do dự rồi nói: "Ba ngày nữa tôi sẽ trả lời cho anh." Sau ba ngày, anh ta nói với tôi: "Thật khó mà từ chối ông điều gì. Tôi nghĩ thế này, chiều nay tôi sẽ mang đến hai cái kềm nhỏ; từ 7 giờ đến 11 giờ đêm, chúng ta phải xong việc. Tôi sẽ để người lính gác khác đi chơi "Hà Nội về đêm". Nếu anh ấy thấy, anh ta sẽ làm báo cáo nguy hiểm cho cả hai." Chúng tôi cắt sợi dây điện ra từng mảnh như que diêm, chúng tôi nối lại. và đã làm xong dây đeo thánh giá trước 11 giờ.

Hằng ngày tôi mang thánh giá và sợi dây này, không phải để nhắc nhở tôi về ngục tù, nhưng cho thấy niềm xác tín sâu xa của tôi, một điểm qui chiếu mãi mãi đối với tôi: đó là chỉ có tình yêu Kitô mới có thể thay đổi lòng người mà không vũ khí, sự đe doạ hay phương tiện truyền thông nào có thể làm được

* * *

Trong thời buổi toàn cầu hoá ngày nay, thời buổi đem lại rất nhiều hy vọng và ưu tư, được mạnh sức bởi niềm vui được gặp Ðức Kitô sống động, giờ tôi có thể trả lời câu hỏi thú vị và quan trọng của các bạn: Làm thế nào Giáo Hội của thế kỷ 21 giúp chúng ta sống trọn niềm vui và hy vọng?

Ở một đất nước được xây dựng trên những ước mơ của rất nhiều người đến được bờ biển của nó, các bạn hãy cho tôi nói với các bạn về ước mơ của tôi về Giáo Hội. Viễn ảnh của Ðức Thánh Cha Phaolô VI về "một miền đất khổ đau, cùng lúc bi thảm và hùng vĩ" không làm cho tôi bình an. Và do đó tôi mơ tưởng về niềm hy vọng lớn lao.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội là Cửa Thánh mở ra, đón tiếp mọi người với hết niềm cảm thương và nhận ra nỗi đớn đau và sự đau khổ của nhân loại, một Giáo Hội không có ý gì khác ngoài việc an ủi người đau khổ.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội là Lời đem Phúc Âm đến khắp cõi trái đất trong cử điệu công bố, tùng phục Lời Chúa, như một lời hứa của Liên Minh Vĩnh Hằng.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội là Bánh, Thánh Thể, để mọi người hưởng dùng hầu toàn thế giới có thể sống thật sung mãn.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội nung đốt với niềm khát khao hiệp nhất mà Chúa Giêsu mong muốn (xem Ga 17), và Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thể hiện khi ngài mở Cửa Thánh ở Ðền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, quì ở ngưỡng cửa và cầu nguyện trước khi tiến vào cùng với Giám mục Chính Thống, Giáo chủ Anh giáo và các đại diện của nhiều giáo hội Kitô khác.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội lữ hành, Ðoàn Dân Chúa theo sau Ðức Thánh Cha mang cây thánh giá, tiến vào Ðền thờ Thiên Chúa, cầu nguyện và ca hát, để gặp Ðức Kitô Phục Sinh, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta, cùng với Mẹ Maria và các thánh.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội mang trong tim mình Ngọn Lửa Thần Khí. Nơi đâu có Thần Khí, nơi đấy có tự do, có sự đối thoại chân thành với thế giới và đặc biệt với giới trẻ, với người nghèo và người sống ngoài lề xã hội. Nơi đâu có Thần Khí, nơi đó có sự phân định những dấu chỉ của thời đại. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, khí cụ rao giảng Tin Mừng, sẽ hướng dẫn chúng ta phân định giữa vô số thay đổi về mặt xã hội đang diễn ra ngày nay.

Tôi mơ tưởng về một Giáo Hội là chứng tá hy vọng và yêu thương, và diễn tả điều này qua những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Ðức Thánh Cha ôm lấy mọi người không phân biệt một ai.

Vâng, tôi mơ tưởng về một Giáo Hội nơi chúng ta sẽ gặp gỡ Ðức Kitô trong tình yêu của Chúa Cha và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, và sẽ cùng sống trong sự liên kết và khiêm nhường. Giấc mơ của tôi đem lại niềm vui và hy vọng biết bao bởi vì giấc mơ này có thể trở thành hiện thực nếu chúng ta gặp gỡ nhau mà không chút phân biệt trong Chúa Kitô, Ðấng mà tình yêu không hề biết đến ranh giới nào cả.

Trích Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp