100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 66
MẶT CHÌM MẶT NỔI CỦA BÍ TÍCH
Trích Tin Mừng Thánh Máccô, ch.5
Cùng với các môn đệ, Đức Giêsu đi đến nhà ông Trưởng Hội Đường, tên là Yai-rô, có đông dân chúng theo Ngài. Trong đoàn lũ ấy, có một phụ nữ bị bệnh mất máu đã 12 năm, bà đã đi chữa ở một số đông thày thuốc, nhưng tiền thì mất tật vẫn còn, lại ra tệ hơn nữa. Trong cơn khốn khổ ấy, hôm nay, bà được nghe đồn về Đức Giêsu, bà bỗng chợt nghĩ :
- Dẫu tôi chỉ rờ được áo choàng của Ngài, tôi cũng được cứu chữa !
Không chần chừ, bà chen vào đám đông, để gần Đấng Cứu Thế và rờ áo choàng của Ngài. Tức khắc, dòng máu đang chảy liền ngưng. Bà biết nơi thân mình đã được lành bệnh rồi. Bà đang khoan khoái vì mưu mẹo của mình thành công, thì chính lúc đó, Đức Giêsu quay lại nhìn đám dân chúng sau lưng và hỏi với giọng nghiêm nghị:
- Ai đã rờ áo Ta ?
Mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau. Các môn đệ mới nói với Ngài :
- Dân chúng chen lấn chung quanh Thày tứ phía như thế này, mà Thày hỏi ai rờ đến Thày sao ?
Đức Giêsu đáp :
- Có kẻ đã rờ đến áo Ta một cách cố ý, vì Ta thấy có sức nhiệm từ mình Ta xuất ra làm một phép lạ !
Nói xong, Ngài ngó quanh như để tìm ra kẻ đã làm thế. Tia mắt Ngài chiếu thẳng vào người phụ nữ vừa được lành bệnh. Biết không còn có thể trốn tránh, bà ấy run sợ, đến sấp mình trước mặt Ngài và nói cho Ngài biết tất cả sự thật đã xảy ra cho bà. Thay vì trách mắng sự liều lĩnh của bà, Thày nhân lành lại nói :
- Đừng sợ ! Lòng tin của con đã cứu chữa con. Hãy đi bằng yên và lành hẳn tật nguyền của con !
* Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Ở đây, ta thấy có ba chuyện. Một : việc sờ áo bên ngoài, hai : lòng tin bên trong, ba : sức nhiệm mầu từ Chúa xuất ra chữa bà ấy lành. Tự nó, việc sờ cái áo không thể có sức chữa lành. Chính quyền lực nhiệm mầu bên trong của Chúa chữa lành, nhưng lại như thể chuyền qua cái áo ấy mà chữa. Nhưng nếu bà ta không có lòng tin, thì sức nhiệm mầu của Chúa sẽ không chuyền qua, cho dù có sờ áo đến trăm lần. Thực vậy, dân chúng chen lấn đụng chạm đến áo Chúa có hàng trăm lần, mà không thấy ai được ơn gì. Vậy, lòng tin mới mở được sức nhiệm mầu và nhận được ơn chữa lành.
Giai thoại này là hình bóng cho thấy về Bí Tích cũng vậy, có ba chuyện : một, mặt nổi bề ngoài là các dấu tích : như nước, rượu, dầu xức... ; hai, mặt chìm bên trong : ơn thánh Chúa ; ba, lòng tin của người đến lãnh Bí Tích. Người đến lãnh Bí Tích, thì bên ngoài thấy họ làm một cử chỉ, chẳng hạn : lãnh hình bánh, lãnh dầu xức... Còn bên trong, Thiên Chúa chuyền ơn thánh, sự sống Thiên Chúa, thịt mình Chúa Kitô, hoặc sức mạnh của Chúa Thánh Thần..., tùy theo Bí Tích. Nhưng họ chỉ lãnh được các ơn thần linh ấy, nếu họ có lòng tin, lòng sốt sắng, lòng khao khát.
Điều mà chúng ta phải học, đó là : phải vượt lên ý nghĩ đi lãnh Bí Tích là lãnh cách thụ động một ơn gì đó, để đạt tới ý nghĩ cốt yếu này : Thiên Chúa can thiệp vào đời ta và làm một hành động cứu độ nơi ta. Nói cách khác : Bí Tích là một biến cố đổi đời ta, chứ không chỉ là lãnh một ơn nho nhỏ gì đó.
Bây giờ, ta thử tìm hiểu điều đó. Trước hết, xin anh chị em đừng thối chí vì mấy bài kỳ này hơi khó và khô khan. Chúng ta đang học giáo lý mà ; mà giáo lý cấp cao nay ta đang học lại gọi là thần học cơ đấy !
Vậy có hai mặt : mặt chìm và mặt nổi, như trên đã cắt nghĩa :
1/ Mặt nổi thì dễ hiểu : khi ta đi chịu Phép Bí Tích, ta thấy Thày cả trao hình bánh, rượu cho ta chịu lấy ; hoặc khi đi xưng tội, ta thú tội rồi, linh mục giơ tay và đọc lời xá giải ; hoặc khi chịu phép Hôn Phối,thì hai bên nam nữ trao nhẫn và nói lời cam kết coi nhau là vợ chồng... Các Bí Tích khác cũng giống vậy. Đó chỉ là những dấu tích bề ngoài, các nghi tiết thấy được, do Chúa và Giáo Hội ấn định ; nhờ đó, Thiên Chúa thông chuyền ơn thánh, tình yêu và sự cứu độ của Người cho ta bên trong.
2/ Mặt chìm : Đã chìm là ở sâu bên dưới hoặc ở bên trong, ta không thể lấy giác quan nhận thấy được. Cái chìm ấy, nói nôm na là ơn thánh, song như đã nói trên, cách nói nôm na ấy dễ làm ta lầm tưởng mà coi nó chỉ là một cái gì, một vật gì Chúa ban, ta lãnh cách thụ động. Kỳ thực, ta phải coi đó là một biến cố, một sự can thiệp của Thiên Chúa làm trong con người của ta, để cứu độ ta. Đây nhé, ta thử lấy đoạn thư Rm 6.1-11, ta sẽ thấy Thánh Phaolô dạy rằng : Bí Tích rửa tội là một sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa, biến đổi con người từ tình trạng tội lỗi và hư mất, sang tình trạng sống lại và sống một đời mới :
“Vậy, nhờ phép Thanh tẩy, ta được mai táng làm một với Đức Giêsu trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới”.
• Đọc câu Kinh Thánh ấy, anh chị em phải thấy ở trong Phép Rửa tội, Chúa Cha làm một hành động nhiệm mầu, lớn lao, thay đổi thân phận con người. Một giáo sư thần học rất lừng danh nói : “Trong Bí Tích này, một cái gì đã được thực hiện, một bước đã đi mà không bao giờ có thể lùi lại : trước đó, một người không phải là thành viên của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, bây giờ là thành viên”, nghĩa là trước kia, hắn là kẻ ngoại, mà số phận là phải trầm luân hỏa ngục, nay trở nên Con yêu dấu của Thiên Chúa. “Nếu sau đó, người ấy hóa ra bất trung, việc ấy sẽ không phải là một sự trở lui lại thân phận ngoại đạo cũ nữa. Một cái gì đã được thực hiện rõ rệt, nếu nó sa xuống hỏa ngục, thì cũng với tư cách là con Thiên Chúa mà sa đọa. Một biến cố đã xảy ra trong con người nội tâm : đó là người ấy bước vào trong Chúa Kitô, giờ đây ở trong Đức Kitô”. Thánh Gioan Kim Khẩu dạy người dự tòng rằng : Sau khi rửa tội, Thiên Chúa đã chôn vùi con người cũ và phục sinh họ thành một người mới, tái tạo họ thành một tạo vật mới...”. Một thánh khác, Thêôđô, dạy : “Con được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ...được sinh ra lại và trở nên hoàn toàn khác hẳn”. Đó ta nghe chưa ? Một biến cố, một sự mới lạ, kỳ diệu xảy ra trong ta, đổi thân phận con người ta từ đen ra trắng, từ ngoại đạo thành con Nước Trời.
• Xin nêu một ví dụ nữa về phép xá giải. Cũng vậy, người tội lỗi là con chiên lạc, một đứa con hoang đàng, nay được trở về ràn, được về lại nhà Cha, và Cha đón tiếp, mừng rỡ, ôm con vào lòng hôn lấy hôn để, xỏ nhẫn vào tay, đi giầy vào chân, mở tiệc mừng và cả thần thánh trên trời đều mừng vui (ta nhớ lại bài Phúc Âm Tình phụ tử và đứa con hoang đàng) : đó là một biến cố, một sự hòa giải giữa hai cha con. Ta thấy đó, đâu phải là một việc rửa giặt sơ sài, tẩy uế tội phạm qua loa, một sự đổ rác vào thùng, cho lương tâm nhẹ nhàng, bớt cắn rứt. Trái lại, đây là một biến cố mãnh liệt, trong đó, quyền năng cứu độ của Máu Chúa Giêsu đụng đến thân phận người tội lỗi và cải hóa thân phận đó, để nó được đứng vào hàng ngũ những kẻ được cứu độ.
• Về Bí Tích Thánh Thể cũng vậy : khi ta đi dâng lễ và lên rước lễ, thì đâu có phải chỉ là đi xin ơn, càng tệ hơn là làm một thủ thục Giáo Hội buộc, để khỏi mắc tội trọng. Trái lại, đó là đi đến hiệp cùng Chúa Giêsu mà tế lễ : đây là một tế hiến cao cả, lớn hơn cả tế lễ trời đất của dân ngoại, tế đàn Nam Giao của các Vua bên Tàu và Việt Nam ở Huế.
Đây là cuộc tế lễ trên núi Gôn-gô-tha xưa được “tái hiện” trên bàn thờ, ta được cùng Chúa Giêsu dâng lên Cha cái tế lễ đổ máu đào ấy để tru diệt tội lỗi của cả trần gian, như trong Tin Mừng nói : “Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng trừ khử tội lỗi của thế gian”. Nhờ tế lễ ấy, ma quỉ bị đánh bại, tội lỗi hết làm chủ trên ta. Rồi đến lúc rước lễ, ta được ngồi vào bàn tiệc, được thông hiệp, kết buộc với Chúa Giêsu, để như cành kết buộc vào cây thì nhựa sống của cây tràn sang mà làm nhành cây không khô héo, đáng vứt vào lò lửa, mà trái lại, được tươi tốt, sinh hoa kết trái cho sự sống đời đời.
Các Bí Tích khác cũng thế, khỏi nói dài dòng, tuy mỗi Bí Tích lại mang sắc thái khác nhau...
• Tóm lại, ta thấy ở bề chìm trong nội tâm, Bí Tích là những biến cố lịch sử, trong đó quyền năng cứu độ và yêu thương của Thiên Chúa đến tìm gặp người ta, để rứt họ ra khỏi thân phận tội lỗi và đưa họ vào trong cuộc sống thần linh, thân mật với Thiên Chúa. Vậy Bí Tích là một cái gì ăn vào đời sống, chứ không phải là sự phân phát ơn sủng đơn thuần, như kiểu rót nước vào chén ; nhưng là một sáng kiến, một tác động của Thiên Chúa can thiệp vào vận mạng siêu nhiên của người tín hữu.
Thế còn phần ta, ta làm gì ?
Mấy bài kỳ trước đã nói rồi : ta phải tích cực tham gia - một sự đáp ứng, một sự đón nhận, biểu lộ bằng đức tin. Cứ nhìn gương ông A-bra-ham : Thiên Chúa can thiệp vào đời ông, hứa cho ông nào làm Tổ phụ một dân đông đúc, cho ông đất hứa làm cơ nghiệp,... A-bra-ham đã đáp ứng lại thế nào ? Bằng niềm tin cụ thể và hoạt động. Đây, Chúa phán : “Hãy bỏ quê hương, nhà cửa... Hãy đi đến một nơi xa Ta sẽ chỉ cho sau !”. Thế là ông tin, bỏ cả, lên đường đi, và Kinh Thánh cho biết là ông đi mà không biết mình đi đâu, vì Chúa chỉ nói : đến nơi mà ta sẽ chỉ cho sau. Lúc khác, Chúa hứa cho ông một dòng dõi đông đúc, thế mà, khi ông có được một cậu con trai là I-sa-ác, thì Chúa bảo phải đem lên núi kia, giết đi mà tế Chúa. A-bra-ham đã vững tin và làm theo, vì ông tin Chúa hứa cho một dòng dõi, vậy mất I-sa-ác, Chúa sẽ cho đứa con khác, nên ông cứ làm theo lời Chúa phán.
Gương Đức Mẹ Maria cũng vậy. Điều này anh chị em đã biết nhiều rồi.
Tích truyện
Như trên đã nói : Bí Tích là biến cố, làm rồi thì không hồi lại, hoặc xóa bỏ đi. Giáo Hội mới dùng một hình ảnh để cho dễ hiểu rằng : đó là một ấn tích không thể xóa bỏ cho đến đời đời. Vì thế, có ông Hoàng Đế Rôma ngày xưa, tên là Giu-li-a-nô bội giáo, biết rằng Phép Rửa và Thêm Sức ghi ấn tín trên mình, nên sau khi bỏ đạo, ông ta muốn xóa ấn tích ấy, ông lấy đá cạo da trán, và cho giết bò dê tế thần để làm nhục Chúa, rồi lấy máu ấy tưới dội lên cả thân thể. Nhưng ông ta quên rằng : đấy là ấn tích thiêng liêng, một lần ghi vào bề sâu của tâm hồn thì chẳng có gì vật chất xóa nổi, cho dù ông đã chối đạo công khai.