100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH)
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 70
LỜI SƯỞI ẤM TÂM HỒN
Trích Tin Mừng Thánh Gioan, ch.24
Chiều hôm ấy, có hai môn đồ đang đi về làng Em-mau, cách thủ đô Yêrusalem 11 cây số ; vừa đi, họ vừa chuyện vãn với nhau về các việc mới xảy ra liên quan đến cuộc Thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Đang lúc đó, chính Đức Giêsu đến gặp họ và đi cùng, nhưng họ không nhận ra Ngài. Ngài hỏi :
- Các ông nói chuyện gì cùng nhau mà thấy buồn bã vậy ?
Một người tên là Klê-ô-pha đáp :
- Duy chỉ mình ông là người ở Yêrusalem không hay biết các việc xảy ra mấy ngày vừa qua sao ?
Ngài hỏi :
- Việc gì vậy ?
Họ đáp :
- Việc ông Yêsu Nadarét : ông thật là một vị tiên tri có quyền năng làm nhiều phép lạ và đầy uy lực giảng dạy, thế mà không biết tại sao hàng lãnh đạo của chúng tôi lại lên án tử hình và đã đóng đinh Ngài. Phần chúng tôi, chúng tôi đã hi vọng rằng : chính Ngài là Vị giải phóng Israen. Thế mà, đã ba ngày rồi kể từ hôm Ngài chết. Quả thực, có vài người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi hoảng hồn : họ nói họ tới mồ, thì không còn thấy xác Ngài, mà lại thấy các thiên thần hiện ra nói rằng Ngài đã sống lại. Nghe lời các bà, vài ông trong nhóm chúng tôi đã đi tới mồ, và đã thấy mồ trống như mấy bà nói, còn Đức Giêsu thì họ không thấy.
Bấy giờ, Ngài nói cùng họ :
- Ôi ! Những kẻ ngu độn và lòng trí chậm tin vào lời các tiên tri báo trước rằng : “Đức Kitô phải chịu khổ nạn đã rồi mới vào vinh quang !”.
Rồi khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ các điều đã viết về Đức Kitô trong suốt bộ Kinh Thánh. Cả ba đến gần làng Em-mau, nhưng Ngài làm như thể còn phải đi xa hơn. Họ cố nài ép Ngài :
- Hãy nghỉ chân tại nhà chúng tôi, vì trời đã về chiều, đi đường sẽ nguy hiểm vì trộm cướp.
Nên Ngài đã vào nhà ở lại với họ. Và đang khi ngồi bàn ăn, Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra, Ngài trao cho họ, thì mắt họ mở ra và họ nhận biết Ngài..., nhưng Ngài đã bỏ họ mà biến đi. Và họ nói cùng nhau :
- Lòng chúng ta đã chẳng cháy bừng lửa sốt nóng lúc dọc đàng Ngài giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đó ư ?
Ngay giờ ấy, bỏ bàn ăn, họ quay trở lại Yêrusalem gặp các môn đồ còn đang tề tựu, để thuật lại các việc xảy ra dọc đàng và làm sao họ đã nhận biết Ngài lúc bẻ bánh.
* Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
“Chẳng phải lòng chúng tôi đã cháy bừng lửa sốt nóng lúc Ngài giảng giải Kinh Thánh cho ta nghe đó ư ?”. Lời hai môn đệ Em-mau đã vang lên như một sự thực đã hai mươi thế kỷ nay, và sẽ còn vang lên mãi như một sự thực cho đến tận thế : hễ ai nghe lời Kinh Thánh cách thành tâm, sẽ thấy tâm hồn mình được sưởi ấm, tâm trí nên sáng suốt, sống bình an, vui tươi và hạnh phúc. Cứ xem hai môn đệ Em-mau, lúc đầu âu sầu, thất vọng não nề, họ đã mất hi vọng, bao công lao bỏ nhà cửa, vợ con, nghề nghiệp đi theo Đức Giêsu, những tưởng Ngài sẽ làm nên đại sự, nhưng Ngài đã bị tử hình... Thế là hết ! Nghe ngóng vài ngày chẳng thấy gì, họ quay về làng cũ, nối lại nghề xưa...
Thế mà, lúc sau đó, khi được Đức Giêsu dẫn giải Kinh Thánh, họ phải thú nhận : lòng họ nóng bừng lên, đức tin đã tắt nay lại bừng sáng, hi vọng tiêu ma nay nhóm lại, họ hăng hái đi ngay trong tối đó - đường xá ngày xưa nguy hiểm, cướp bóc về đêm - để trút hết nỗi mừng đang bùng vỡ trong con tim họ.
Nhưng chúng ta, chúng ta nghĩ thầm : họ được Đức Giêsu đích thân đến đi cùng và giảng giải Kinh Thánh, chúng tôi đâu có được Ngài hiện đến dạy đâu...
Hãy nghe lời Đức Giêsu đáp : “Ta đứng ở cửa và gõ, ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào với nó và Ta sẽ dùng bữa tối với nó và nó với Ta” (Kh 3.20). Đức Giêsu vẫn luôn đứng bên cửa lòng ta, Ngài vẫn gõ để ta mở cửa cho Ngài vào với ta. Như vậy đã rõ không phải Ngài không đến với ta, mà chính ta không mở cửa và không mời Ngài vào. Cũng như hai môn đệ Em-mau, nếu lúc ấy họ từ chối không cho Đức Giêsu đi cùng, thì sao họ có phút ấm lòng như thế ?
1/ Vậy, lúc chúng ta đọc Kinh Thánh một mình hay ở nhà thờ, nếu chúng ta mở tai linh hồn ra cho Chúa vào, Chúa sẽ đích thân nói với ta những điều làm ta được an ủi, phấn khích. Chúa vẫn đích thân nói với mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Đức Kitô nói với ta không phải như một người bạn ở xa liên lạc bằng thư từ, bởi vì Kinh Thánh nói : “Thiên Chúa đâu có ở xa chúng ta” (Cv 17.27) và câu khác nói : “Đức Kitô ở ngay trong lòng ta” (Ep 3.17). Thánh Aogutinô bảo : “Ta hãy nghe Tin Mừng như Đức Kitô đang ở giữa ta”, “Phúc Âm là chính miệng Đức Kitô đang nói”. Với người có lòng tin, chúng ta nghe đọc Kinh Thánh, nhưng kỳ thực là tiếng Đức Kitô đang nói với ta. Vì thế ta nói : “Đó là Lời Chúa ! Tạ ơn Chúa !”.
Chúng ta thường thích nghe truyện các thánh, hay khá hơn thích đọc sách tu đức, đạo đức. Đành rằng nó viết dễ hiểu hơn, nhưng đó là Lời Chúa đã loãng ra rồi, ở các sách đó, ta chỉ còn nghe thấy tiếng vọng yếu ớt của chính lời Đức Kitô. Vì thế, chị Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, không còn thích đọc các sách tu đức, thiêng liêng lạt lẽo của loài người viết, chị quyết định chỉ đọc Sách Thánh thôi. Nhưng thời ấy, Sách Thánh bằng tiếng La tinh, và không in ra cho bổn đạo dùng, chỉ có những đoạn trích đăng trong các sách lễ quanh năm là được dịch ra tiếng bản quốc. Thế là chị Têrêsa chịu khó chép tất cả các đoạn đó, làm thành một tập riêng. Lúc chị qua đời, người ta tìm thấy tập vở chép các đoạn Kinh Thánh trong túi trên ngực chị. Các đoạn Kinh Thánh ấy đã là lương thực nuôi tâm hồn chị, đã là kim chỉ nam, là la bàn chỉ hướng cho cuộc đời chị, cách riêng chỉ cho chị con đường thơ ấu thiêng liêng, đã làm chị mau chóng nên thánh thiện tuyệt đối, con đường ấy đã nổi tiếng khắp thế giới, đã đưa bao tâm hồn mau nên thánh như chị.
2/ Lời Chúa có mãnh lực lạ lùng lắm : Cứ so sánh một chút : tại sao có câu :
“Roi song đánh đoạn thì thôi,
Một lời xiết cạnh muôn đời không quên”
Lời người ta, ví như roi song, roi mây đánh đau lắm, nhưng roi mây, roi song có đau, một lúc là hết ; còn lời cay chua, châm biếm, đến muôn đời còn làm ta đau. Vậy lời nói của loài người cao thượng hay tầm thường, an ủi hay thóa mạ, đều có sức mạnh tâm lý thấu đến tâm can ta, có thể làm ta trở thành xấu, hay ngược lại làm ta biến đổi thành người tốt, huống nữa là lời của Chúa Tể càn khôn, Đấng phép tắc vô cùng. Vì vậy, Kinh Thánh dạy : “Lời Chúa sắc bén như gươm hai lưỡi, đâm thấu suốt tâm can...” (Hr 4.12).
3/ Thấu suốt như thế để làm gì ? Không phải để làm ta khổ vô ích, song nó vạch rõ các hang hốc tối tăm, ích kỷ, tội lỗi của ta, nó làm cho chính ta thấy rõ sự khốn hèn của ta, để ta sửa chữa, mà khỏi nguy hiểm phần hồn, cho ta được cứu rỗi. Bắt đầu rất khó chịu, nhưng sau từ từ sẽ thấy bình an, vui sướng. Lời Chúa lúc ấy sẽ sinh an ủi trong tâm hồn ; nên Thánh Phaolô viết : “Tất cả những điều được viết ra là để giáo huấn chúng ta, hầu nhờ sự kiên nhẫn theo Chúa, và nhờ niềm an ủi của Thánh Kinh ban cho, mà ta được nức lòng trông cậy” sẽ được phúc trường sinh đời đời (Rm 15.4). Thánh Kinh ban an ủi, hân hoan, những khoái trá tinh khiết, những ủi an nuôi dưỡng lòng tin cậy, những nâng đỡ, khích lệ khiến sách Ma-ca-bê đã phải viết : “Chúng tôi chẳng cần gì và cần ai cả, bởi để an ủi, chúng tôi đã có Sách Thánh đang ở trong tay chúng tôi”.
4/ Các thánh giáo phụ đã tìm kiếm hết mọi hình ảnh để tả vẻ giàu có phong phú của Kinh Thánh. Thánh Giê-rô-ni-mô nói : “Lời Tin Mừng thật là của ăn và của uống, là thứ bánh đầy chất bổ béo”. Thánh Am-brô-xi-ô nói : “Thánh Kinh là thuốc chữa hết mọi bệnh tật”. “Hãy cầm lấy Thánh Kinh mà uống, trong đó có thuốc chữa cho tất cả mọi bệnh tật”, đó là lời Thánh Ao-gu-ti-nô. Còn Thánh A-tha-na-xi-ô bảo : “Kinh Thánh làm cho cừu địch của ta phải tẩu thoát (giống như hồi Đức Giêsu bị cám dỗ, Chúa cũng dùng một câu Kinh Thánh làm cho ma quỉ phải xéo đi). Tại sao vậy ? Tại vì trong Kinh Thánh có Chúa hiện diện, và ma quỉ không thể chịu được sự hiện diện này, nên nó phải kêu lên : Xin Ngài đừng phá việc chúng tôi trước thời đã định”.
5/ Nhưng người công giáo tôn thờ Thánh Thể rất siêng năng, nhưng coi thường Sách Thánh. Nhưng họ đã lầm, vì nếu họ không nghe Lời Chúa để hiểu và thêm mạnh tin, thì họ không đủ tâm trạng để đón nhận Thánh Thể cách xứng hợp và có ơn ích. Bí quyết mở lòng người ta đón nhận Thánh Thể, đó là Thánh Kinh. Do đó, biết bao nhiêu tín hữu coi thường Lời Chúa, cứ đi chịu Thánh Thể suốt bao năm trường, mà có thấy tốt lành, đạo đức gì hơn đâu !
Tin Mừng Thánh Gioan có câu : “Ai bởi Thiên Chúa thì nghe lời Thiên Chúa” (8.47). Bởi Thiên Chúa là sinh bởi Thiên Chúa, thuộc về con cái Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa. Vì khi ta tôn kính, trọng vọng ai, ta sung sướng nghe lời người ấy. Kìa xem một cô gái đang yêu, cô chú ý nghe từng lời, từng chữ của người yêu, rồi cô nhớ lấy hết, kể lại cho bạn nghe : Anh ấy bảo tao thế này, thế nọ... Kìa xem con cái hiếu thảo, lời nào của cha mẹ, họ cũng lấy làm trọng... Hãy xem cô Maria, em bà Mat-ta, cô ngồi hàng giờ dưới chân Chúa, nghe lời Chúa, đến nỗi Chúa phải khen : “Maria đã chọn phần tối hảo, nó sẽ không bao giờ bị mất phần ấy cả” ; ý nói : cô đã yêu mến và tôn trọng Chúa, Chúa sẽ không bao giờ để cô mất phần thưởng đời đời.
Vậy, các bạn có bởi Thiên Chúa không ? có thuộc về Chúa không ? Hãy tỏ ra bằng cách ham nghe Lời Chúa. Đó là dấu bạn đang sống trong ơn nghĩa Chúa. Kẻ ham nghe Lời, cũng giống như người cảm thấy đói. Đó là dấu sức khoẻ tốt - Thánh Gioan Kim Khẩu nói vậy - vì kẻ không thấy đói, không thấy thèm ăn là dấu có bệnh. Cũng vậy, ai chán nghe giảng, nghe Lời Chúa thấy mệt mỏi, không thích, người ta kết luận chắc chắn rằng : tình trạng linh hồn ấy không ổn. Họ tránh nghe Lời Chúa như kẻ đau mắt tránh ánh sáng. Hơn thế, họ còn căm tức, chống báng khi có ai đem Lời Chúa đến nói cho họ. Khi ma quỉ muốn lôi kéo một cô hay một cậu thanh niên nào xuống vực thẳm, việc trước hết là nó làm cho họ ghét nghe giảng dạy.
Cho nên, ham nghe Lời Chúa là dấu họ sinh bởi Chúa, là con cái Chúa, thuộc về Chúa. Hơn nữa, còn là dấu họ yêu mến Người. Chắc có bạn nói : Nghe giảng buồn lắm, thể thao hay ciné và vidéo vui thú hơn nhiều : ở đấy thấy nhiều cái mới lạ, hấp dẫn và giải trí, mà chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Thật ra, chẳng ai cấm bạn đi xi-nê, chơi thể thao..., nhưng bạn đừng bỏ việc nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy. Nhiều bạn trẻ quá đòi hỏi : không có linh mục nào giảng vừa ý họ. Bạn đi quá trớn rồi đó ! Làm sao các linh mục phải hết thảy là những nhà hùng biện trứ danh được ? Đừng quên rằng : lời chân lý có giá trị hơn là hùng biện. Vì nếu chỉ đi nghe giảng để tìm cái hay, cái vui trong đó, hoặc tìm những lời lẽ, lý luận hay ho, thì Thánh Phaolô đã cẩn thận dặn rằng : “Coi chừng, nếu anh em đòi như thế, thì hóa ra anh em xây đức tin của mình trên lý lẽ khôn ngoan người đời, chứ không xây trên quyền phép của Thiên Chúa” (1Cr 2.5). Nói cách khác, đó không còn là tin, mà là bị thuyết phục bởi tài hùng biện.
Bạn có muốn tâm hồn bạn không đi lạc hướng mà hỏng mất cuộc đời ? Hãy đọc Lời Chúa ! Bạn có muốn thấy vui tươi mà sống, thấy đời mình có lý nghĩa không ? Hãy chăm đọc hoặc nghe Lời Chúa ! Bạn có muốn được tâm hồn bình an, đầy an ủi, đầy lửa nóng, hăng hái trong yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân không ? Hãy đến với Thánh Kinh ! Lời Chúa sẽ ban cho bạn được tất cả các điều đó. Hai môn đệ Em-mau đã thú nhận : “Lòng chúng ta chẳng đã bừng bừng lên khi nghe Ngài giảng giải Thánh Kinh cho ta đó ư ?”
Tích truyện
Thánh Gioan Vi-a-nê, là cha sở một họ đạo nhà quê, nghèo và nhỏ bé bên Pháp. Ngài giảng rất vụng về, nhiều khi lúng túng quên đầu quên đuôi, có lúc không biết nói gì, đứng đực ra trên tòa giảng rồi khóc. Các bổn đạo có chế nhạo hoặc bỏ đi không ? Không đâu ! Bởi sự thánh thiện của Ngài, bài giảng vụng về, song lại có một sức siêu nhiên đâm thấu lòng họ, làm họ cũng chảy nước mắt ra... Cứ từ từ, làng quê ấy, trước khi Ngài đến làm Cha sở, thì nhậu nhẹt, chơi bời, nhảy nhót, say sưa... ; dần dần, họ đã thay đổi hẳn và trở thành một họ đạo gương mẫu và thánh thiện. Một hôm, có một sĩ quan cao cấp đến nghe Ngài giảng. Người ta hỏi :
- Ông cảm nghĩ về bài giảng làm sao ?
Ông đáp :
- Thường thường, tôi không mấy bằng lòng về cha giảng, nhưng lần này, nghe cha Viane giảng, tôi không mấy bằng lòng về chính tôi.
Ông hối tội và ăn năn trở lại.