100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 74
THẾ NÀO LÀ CỨU CHUỘC ?

Ta đã thấy loài người chúng ta mắc tội tổ tông và các tội riêng mình làm, cho nên tất cả nhân loại ta rơi vào tình trạng hư mất, không có sự sống Thiên Chúa. Chúa đã lập hai kế hoạch để cứu chuộc chúng ta khỏi tình trạng hư mất ấy. Nếu anh chị em ta hiểu thật đúng việc cứu chuộc, lúc ấy ta mới hiểu Bí Tích Rửa tội được, vì Bí Tích Rửa tội là cái đến để chuyển ơn cứu chuộc kia tới cho ta.

Trích thư 1 Corintô, ch.6

Anh em hãy tránh tà dâm ! Phàm mọi tội người ta phạm, thì đều ở ngoài thân xác ; còn kẻ tà dâm thì có tội phạm đến chính thân xác mình. Vì anh em không biết sao ? Thân mình anh em (bây giờ đã) là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (ngự) trong anh em ; anh em đã chịu lấy (Ngài) từ Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về mình nữa. Anh em đã được mua chuộc, giá cả hẳn hoi ! Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân mình anh em !

*          Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Trích đoạn Kinh Thánh trên, chúng tôi không có ý bàn giải về tội tà dâm, nhưng về việc cứu chuộc. Tại sao như thế ? Vì Thánh Phaolô cho biết : Thân mình của chúng ta đã được mua chuộc lại bởi máu đào của Đức Giêsu đổ ra trên thập giá ; do đó, thân mình của ta không còn thuộc về ta nữa. Nó thuộc về người khác rồi, tức thuộc về Đức Kitô rồi, Ngài đã mua chuộc nó lại để dùng làm Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự. Cho nên, từ nay, ta sống là để làm vinh danh Thiên Chúa, chứ không để phạm tội nữa. Cũng y như người ta mua một cái nhà lớn, chuộc nó bằng một món tiền lớn, là để làm nhà thờ, mà nhà thờ là nơi thánh, dùng để ngợi khen, cầu nguyện, tế lễ, chứ không còn được phép dùng vào việc phàm tục nào khác, chẳng hạn như chất hàng, buôn bán, làm phòng ngủ... ; huống hồ để làm nơi phạm tội ở đó ! Nghe ở đoạn Kinh Thánh này có câu “mua chuộc”, ta đâm thắc mắc : việc cứu chuộc có phải là một việc chuộc lại bằng một cái giá đắt không ? Thưa : Không ! Ủa, thế sao Thánh Kinh ở đoạn trên, và còn ở nhiều đoạn khác nói rõ : là chuộc lại, và bằng một cái giá đắt cơ mà, chẳng hạn ở Mt 20.28 : “Con Người đến không để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” ? Thưa : đó là một cách nói bình dân, một hình ảnh thô thiển để cho người ít học, bình dân nhất đều có thể hiểu. Nhưng việc cứu chuộc không được hiểu như một việc đem một cái giá mà mua lại. Hình ảnh ấy không được hiểu sát nghĩa đen như thế, song có ý nói rằng : Chúa đã phải cực khổ, khó nhọc lớn lao, nặng nề đến thế nào để cứu rỗi ta (cũng giống như khi ta nói : tôi đã thi đậu, song với một giá rất đắt, tức là phải hi sinh nhiều)...

Vậy thực chất, phải hiểu việc cứu chuộc, hoặc cứu rỗi ấy như thế nào mới đúng ? Chúng ta sẽ nhờ các nhà thần học ngày nay dạy chúng ta, cách riêng nhờ Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, nhờ các lời giảng dạy của Cha viết trong tập Kê-rích-ma II, chương dạy về sự chết cứu chuộc của Chúa Giêsu. Cha Thuấn viết : Nếu hiểu đó là một giá chuộc, thì một khi Đức Giêsu đã thanh toán sòng phẳng, giá cả đã trả hẳn hoi, tại sao Thiên Chúa lại không ban thiên đàng cho chúng ta? Thế thì Người không làm trọn phép công bằng, Người đã không tha thứ hẳn ; ngược lại, Người mắc nợ ta vì cầm tiền chuộc rồi mà không sòng phẳng. Trả giá như vậy rồi, Hội Thánh còn cần làm gì, các Bí Tích chẳng còn cần nữa. Xem ra giá cả đã xong, mà thực ra chẳng xong gì cả ! Hơn nữa, nếu việc cứu chuộc ta là việc mua bán như thế, hóa ra ta chỉ là một đồ vật thôi sao ?

Chuyện phi lý trên đây, đã được xây dựng thành một giáo lý mà ta thường được nghe giảng dạy. Giáo lý xưa ấy tóm tắt như sau :

Có cứu chuộc vì loài người đã phạm tội, mà lại phạm đến Thiên Chúa, Đấng Cao trọng vô cùng, thì đó là một tội nặng và lớn lao hết sức. Làm sao con người là loài phàm hèn có thể đền tội cho xứng. Vậy phải có một người nào lập một công nghiệp lớn lao vô cùng mới đền nổi. Đó chính là Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Ngài phải  xuống thế làm người với tư cách là Thiên Chúa thì mọi việc Ngài làm đều giá trị vô cùng ; còn với tư cách là người trong nhân loại, Ngài đứng ra đền thay cho loài người là các em của Ngài. Đức Giêsu có thể làm một việc nhỏ cũng đủ đền tội cho ta, vì dù nhỏ, việc Ngài làm cũng có giá trị vô cùng, nhưng để cho thấy sự công bình, thẳng nhặt của Thiên Chúa và cho thấy tội của loài người xúc phạm đến Thiên Chúa lớn lao chừng nào, thì Đức Giêsu phải hi sinh chịu nạn, chịu chết vô cùng đau đớn, sỉ nhục, mà đặt vào cán cân công bằng Thiên Chúa : như thế là tội được đền, giá cả sòng phẳng, làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thỏa mãn sự công bằng của Người : thế là loài người chuộc tội đúng pháp lý vậy.

Giáo lý ấy đặt nặng tính cách pháp lý, song ta phải nhận rằng : nghe thì mạch lạc lắm, nhưng nếu phân tách kỹ và đem đối chiếu với Kinh Thánh, thì nó tỏ ra rất khiếm khuyết, không thể chấp nhận được.

1/         Khiếm khuyết trước nhất là coi việc cứu độ chỉ như để làm thỏa cơn giận của Chúa một cách công bằng, qua việc đền tội thay cho ta. Có vẻ có sự báo thù nào đó : “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Mt 5.38). Thiên Chúa bị xúc phạm bởi tội, thì phải làm nguôi giận Người bằng một cái chết của kẻ xúc phạm (Chúa Giêsu chịu chết thay cho ta), thế là thỏa mãn, công bằng : thật ngược với lời dạy tha thứ... Ơn cứu độ đâu có nguyên chỉ là từng đó, mà còn là một cái gì tích cực hơn nhiều, quí giá hơn nhiều : là tha thứ và ban cho ta sự sống Thiên Chúa. Đây lời Kinh Thánh dạy :

“Khi xưa, ta còn sống theo xác thịt tội lỗi, thì các dục tình tội lỗi hoạt động nơi thân mình ta phát sinh ra những hậu quả là sự chết ; nhưng nay, nhờ thân mình Chúa Kitô hi sinh chịu chết, thì anh em thuộc về Ngài, cốt để ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa” (Rm 7.4).

“Những ai chiều theo xác thịt, thì thích thú những điều xác thịt, những ai theo Thần Khí, thì thích thú những điều thuộc Thần Khí. Nhưng thích thú những điều xác thịt là chết, còn thích thú những điều Thần Khí là sống và bình an” (Rm 8.5-6). “Khi Đấng cứu thoát ta hiển linh, thì Người đã cứu ta... nhờ phép Rửa tái sinh và sự canh tân đổi mới của Chúa Thánh Thần” (Tt 3.4-5).

Xét như vậy, việc cứu chữa không phải là một sự mua chuộc đơn giản, trả giá sòng phẳng là xong, nhưng là một cuộc biến đổi toàn diện con người cũ, chiều theo tính xác thịt, các đam mê tội lỗi, mà được sự sống mới : con người cũ phải bị diệt cho chết đi, để cho con người mới sống ở đó, đúng như Thánh Phaolô nói : “Tôi sống, nhưng từ nay không còn phải tôi (= con người cũ của tôi), nhưng Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2.20).

Vì tội là gì ? Là thiếu mất sự sống của Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy : “Mọi người đều đã phạm tội và khuyết mất vinh quang Thiên Chúa”. Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống bên trong của Thiên Chúa. Như thế, làm sao loài người có thể trả giá để mua hoặc chuộc lại, trừ phi chính Thiên Chúa ban lại và cho ta nhập vào lại trong vinh quang của Người. Cho nên, Đức Giêsu đã xuống thế, đã sống vâng phục Cha mọi đàng (cho đến chết cũng vâng), chứ không sống theo tính xác thịt. Ngài đã nên người đầu tiên thánh thiện, thành toàn, đẹp ý Cha, để cho ta nhập vào Ngài bởi tin, ta được thông chia sự thánh thiện của Ngài (Hr 5.8t; Ph 2.9) .

2/         Vả lại, nếu nói chuộc lại bằng một giá, thì giá ấy sẽ trả vào tay ai ? Có một thời, người ta đưa ra câu trả lời khá kỳ quặc : trả giá cho ma quỉ, kẻ đang cầm giữ ta làm nô lệ. Lời giải này phải bỏ, vì tính chất kỳ quái của nó. Thiên Chúa không thể mắc nợ gì với nó mà Chúa Giêsu phải trả cho nó. Cho nên, chúng tôi xin nhắc lại điều đã nói trên : trả giá chuộc chỉ là một hình ảnh, cốt ý nói việc cứu chuộc đã được thực hiện với giá lớn lao, cực khổ thế nào.

Có người khác lại nói : trả giá cho Chúa Cha, để làm thỏa mãn công bằng, làm nguôi cơn giận Người và kéo xuống trên chúng ta ơn huệ của Người. Lời giải này nghĩ Thiên Chúa giống như các thần minh ngoại đạo, do ảnh hưởng ngoại giáo tiêm nhiễm vào đạo Kitô, những ông thầy ấy được cúng tế ngon lành thì thôi, chứ tế lễ không đủ thì giận dữ, phá phách, cho ôn dịch, mất  mùa... Nghĩ theo kiểu đó, chẳng khác gì coi Thiên Chúa là một tên bạo chúa tàn ác, mà Đức Giêsu phải mua chuộc bằng quà cáp, tặng vật, lễ vật, không thì Người nổi cơn lôi đình lên lại khốn. Kinh Thánh không dạy ta như vậy, trái lại, dạy ta rằng : Thiên Chúa là Cha mong con hoang đàng trở về, và Người là Đấng đã yêu thương ta trước (1Ga 4.10). Câu khẳng định này của Kinh Thánh thật rõ ràng : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4.8,16).

Chính Thiên Chúa đã chọn ta từ trước khi tạo thiên lập địa (Ep 1.4), tức là trước khi ta sinh ra trên đời, trước cả khi ta phạm tội hay lập công phúc gì. Chẳng lẽ các câu Kinh Thánh ấy là nói xạo ? Vậy, Thiên Chúa đã yêu thương ta trước và muốn chọn ta để ban sự sống cho ta trước, chứ đâu có chờ đến sau khi ta phạm tội, đền tội làm nguôi cơn giận của Người, rồi Người mới thương ta.

Mà ngay cả việc sai Đức Giêsu đến thế gian để dạy dỗ ta và chịu chết cho ta, cũng là sáng kiến của Thiên Chúa nghĩ ra trước. Lời Kinh Thánh dạy : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi đã thí ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Người Con này, thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời”.

Bài học hôm nay hơi khó, song rất cần thiết, giúp ta hiểu đúng hơn ơn cứu chuộc. Kỳ sau, chúng ta sẽ xem : cứu chuộc là sự biến đổi, vậy biến đổi cái gì và thế nào. Kỳ này, chỉ cần ta hiểu là cứu chuộc không phải là trả một giá, theo pháp lý, thế là xong, sòng phẳng rồi. Quan niệm này chỉ là một hình ảnh thô thiển và không nói đúng thực chất của ơn cứu chuộc.

Tích truyện

Thằng quỉ làm dấu thánh giá

Va-len mồ côi cha từ lúc lên năm, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Ngày ngày, cậu phải vào các tiệm ăn đánh giầy cho khách. Mỗi lần khách trả tiền, cậu đều làm dấu thánh giá tỏ lòng cám ơn Chúa. Tụi bạn nom thấy thế, nhiều lần to nhỏ chê bai :

-           Gạo thì không lo mà lo giữ đạo !

Mặc kệ, Va-len vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy. Đức Khổng Tử đã chẳng nói : “Học đạo ba năm mà không lo đến cơm gạo có thể thiếu, thật người đó hiếm có !”

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ khu phố mượn đóng vai thằng quỉ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt. Sang màn hai, trời đột ngột đổ mưa, sấm sét ầm ầm. Như bao lần trước, “thằng quỉ” trên sân khấu quên mất mình đang đóng kịch, vội quì gối làm dấu thánh giá. Khán giả cười rộ lên, tưởng thằng quỉ làm hề, không ngờ Va-len cầu nguyện thật.

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Va-len ăn học. Đến sau, Va-len đỗ tiến sĩ lúc 30 tuổi.