100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh
(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )
Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Bài 76
PHÉP RỬA TỘI - TÁI SINH
Trích Tin Mừng Gioan 3.1-5
Ở Yêrusalem có một cụ già thông thái, quí hiệu là Nicôđêmô. Cụ có chân trong nhóm Biệt phái và là nghị viên trong Thượng Nghị Viện Do thái. Cụ đã từng nghe nhiều về Giêsu Nadarét, nhưng là người thận trọng, cụ ít tin vào những truyện phép mầu. Tuy nhiên, những phép lạ của Nhà tiên tri trẻ tuổi thành Nadarét càng ngày càng được dân chúng đồn vang dậy khắp nơi. Cụ muốn đến gặp tận mặt để hỏi cho rõ. Một đêm đẹp trời, cụ đi tìm Đức Giêsu để được hiểu về đạo lý của Ngài, sợ ban ngày sẽ lộ truyện, các bạn đồng nghiẹp nghi ngờ cụ chạy theo cái mới lạ, nên cụ đến ban đêm, vả lại, ban đêm thường là cho câu chuyện thêm thân mật. Gặp Đức Giêsu, cụ mở đầu câu chuyện cách khiêm tốn :
- Thưa Thày, Thày quả là Người của Chúa, vì không ai làm được những phép lạ như Thày, trừ phi là có Thiên Chúa ở với.
Thấy cụ thẳng thắn, Đức Giêsu đi thẳng vào vấn đề :
- Để vào được Nước Thiên Chúa mà tôi rao báo, phải giữ một điều kiện là phải tái sinh.
Cụ Nicôđêmô mỉm cười bỡ ngỡ :
- Thế nào ? Phải tái sinh ? Ngần này tuổi như tôi mà phải vào bụng mẹ để sinh lại ư ?
Đức Giêsu đáp :
- Thế đấy ! Ai muốn vào Nước Thiên Chúa phải sinh lại cả. Song ông chớ lầm ! Việc sinh lại đây là sinh bởi Chúa Thánh Thần và bằng nước. Vì nếu người ta vào bụng mẹ mà sinh ra, thì đó chỉ là chuyện thuộc phạm vi xác thịt, phạm vi sức lực tự nhiên loài người ; người ấy có sinh cả 100 lần ra lại cách như thế, cũng chỉ lặp lại lần sinh trước, có gì hơn đâu. Còn đây là sự sinh ra bởi bên trên, bởi Thiên Chúa làm, bằng sức lực của Chúa Thánh Thần, thì người sinh lại lần nữa mới trở nên giống Thiên Chúa, có Thần Khí Thiên Chúa, có sự sống Thiên Chúa, ông hiểu được chưa ?
Ông Nicôđêmô cúi đầu ngẫm nghĩ trước một điều quá ư mới mẻ, lạ lùng. Đức Giêsu giúp ông :
- Ông bỡ ngỡ ư ?... Ông có nghe làn gió thoảng qua không ? Đó là một ví dụ cho ông dễ hiểu. Kìa làn gió ấy thổi đi đâu ông có biết không ? Nó xuất phát từ đâu, ông cũng không rõ, song nghe tiếng. Thế thì người sinh ra bởi Thần Khí cũng vậy. Cuộc tái sinh bởi Chúa Thánh Thần làm trong tâm hồn người ta cách thiêng liêng cũng vậy, không ai xem thấy, không biết bắt đầu từ đâu, rồi đi đến đâu, nhưng công hiệu của nó thì người ta vẫn cảm nghiệm được.
Cụ già ngẩng đầu lên. Cụ có vẻ đã hiểu được phần nào :
- A ! Quả thật việc tái sinh là như thế ư ?
Đức Giêsu tiếp lời :
- Chính vậy ! Ông là tiến sĩ trong dân mà không hiểu ư ? Nếu ta nói những chuyện xảy ra dưới đất mà ông không tin, đến lúc Ta nói về những sự trên trời, ông sẽ tin sao được ?
* Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Cụ Nicôđêmô là người thuộc đạo cũ, không hiểu việc tái sinh cũng còn được đi. Chúng ta đây, người Kitô hữu, chúng ta có hiểu không ? Chưa chắc. Tệ hơn, có lẽ ta cũng chẳng để ý tìm hiểu nó nữa kia. Có người trong chúng ta có khi mới nghe nói tái sinh lần này là lần đầu cũng chưa biết chừng ! Ôi ! Chúa chúng ta sẽ nghĩ sao về chúng ta ? Từ trước đến nay, ta sống cái gì ? tư cách nào ?
+ Tại sao có tình trạng trên ?
Một trong những lý do chính là tại các người dạy giáo lý hoặc giảng dạy cho ta không nói về vấn đề ấy. Họ thường nói về phép rửa tội. Thế là chúng ta đâm ra coi đó như một lễ nghi, một tục lệ, làm một lần thế là xong ! Người thì cử hành lễ nghi ấy lúc nhỏ tí ti, mới sinh ra ; người khác lúc lớn, học đạo và chịu phép rửa tội như là một lễ nghi kết thúc kỳ học đạo. Lễ nghi xong, ta thở phào nhẹ nhõm, từ nay, ta sống sao kệ ta, chỉ cần đi dự lễ, đọc kinh, có tội thì xưng... Nghĩ như thế, thật là tai hại..., chẳng khác gì coi Phép Rửa như một cái vé, vào đến cửa rạp, đưa cho người soát vé, họ cầm lấy coi rồi xé ngang, cho phép ta được vào rạp, thế là xong, chiếc vé ấy chỉ còn việc nhét vào túi hay vứt vào sọt rác : thủ tục đã xong !
+ Nhưng nếu như bài Phúc Âm ta đọc trên đây, chính Đức Giêsu dạy cho ta rằng đó là một việc sinh ra, chứ không hề bảo đó là một lễ nghi, thì ta nghĩ sao ? Có ai coi việc sinh ra là một lễ nghi đâu ? Ta cứ nghĩ đến một đứa trẻ vừa sinh ra, hoàn toàn đó không phải một lễ nghi hay thủ tục, làm xong là thôi. Trái lại, nó là một biến cố độc nhất : một con người sinh ra, một con người mới được ra ánh sáng mặt trời. Đó là một cuộc sống bắt đầu, và từ phút giây đó nó phát triển, nó là một sự sống, nó bắt đầu một cuộc đời... cứ phát triển mãi cho đến ngày thành nhân, vĩ nhân, anh hùng... Không phải chúng tôi sẽ khuyên anh chị em nên thay đổi cách nghĩ đâu, vì đã rõ : đây chính là lời dạy của Chúa chúng ta : phải tái sinh mới vào Nước Trời. Chúa không bảo đây là một lễ nghi, một thủ tục ; song bảo : đây là một cuộc sinh ra thiêng liêng và bắt đầu một cuộc sống : chúng ta mỗi người sinh lại cách bí nhiệm bởi Chúa Thánh Thần, và từ nay, ta tiếp tục phát triển lớn lên, thành nhân..., trưởng thành trước Chúa.
+ Chúng ta thử diễn tả việc tái sinh ấy bằng hình ảnh giọt máu. Người ta thường nói : “Thằng X. là giọt máu của ông đó!” Đúng thế, con cái là do một giọt máu của cha mẹ truyền vào chúng. Cứ thử máu là biết. Thì đây, khi Thiên Chúa sinh ta lại, để từ nay, ta thực là con cái Thiên Chúa, Người cũng truyền vào ta một giọt máu. Giọt máu ấy ví như là Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa ban xuống trong ta, thế là ta có cùng một máu với Thiên Chúa, có Thần Khí của Thiên Chúa. Vì bản tính của “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4.24). Người lấy chút Thần Khí của Người truyền sang cho ta. Vậy khi Thiên Chúa thấy ai có máu Người, mới nhận họ làm con cái, và cho họ được vào ở nhà Người. Vì thế, Đức Giêsu nói : “Phải tái sinh bởi Thiên Chúa mới vào được Nước Trời”, vì Nước Trời là nhà của Thiên Chúa.
Hình ảnh giọt máu này không xa sự thật lắm đâu ! Ta hãy nghe Thánh Kinh nói : “Phàm ai sinh bởi Thiên Chúa thì không làm sự tội, vì mầm giống của Người lưu lại trong kẻ ấy” (Thư 1 Ga 3.9). Nhưng nhà chú giải cắt nghĩa : mầm giống ấy là Chúa Thánh Thần : trên kia, ta ví Chúa Thánh Thần như giọt máu, ở đây, Kinh Thánh nói Ngài là mầm giống, chẳng phải gần giống nhau sao ?
+ Thiên Chúa nhét mầm giống Thánh Thần, hoặc nói cách hình bóng, Thiên Chúa truyền giọt máu Thánh Thần xuống cho ta hồi nào ? Xin hãy nghe lời Kinh Thánh : “Bởi vì Thiên Chúa coi anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Chúa Giêsu, Con Người đến trong lòng anh em, Thần Khí lúc ấy kêu lên : Abba ! Cha ơi ! Lạy Cha của con” (Thư Galát 4.6). Việc truyền máu ấy xảy ra hồi ta nghe giảng dạy về Chúa Giêsu và ta đáp lại bằng lòng tin, thế là Thiên Chúa nhận ta làm con, bằng cách truyền giọt máu Thần Khí xuống trong lòng ta. Rồi Phép Rửa đến đóng dấu chứng nhận. Nhờ đó, ta mới có phép xưng hô với Thiên Chúa : Lạy Cha, Cha ơi, Cha của chúng con ! Và đáp lại, Thiên Chúa sẽ gọi : Con là con Cha !
Điều này, không đạo nào có thể ban được. Do đó, đừng ai trong chúng ta dại mồm dại miệng nói : đạo nào cũng như đạo nào, vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Không đúng ! Có đạo nào làm cho các tín đồ nên con cái Chúa đâu, trừ đạo Chúa ? Vả lại, có bao giờ Phật bảo họ là con Phật đâu ? Nếu họ tự nhận là Phật tử, thì chỉ là một cách nói ví von thôi, và họ chỉ là đệ tử Phật, chứ không nghe miệng Đức Phật nói họ là con cái bao giờ. Mà cũng không nghe Phật dạy họ gọi ông ấy là cha họ cả. (Sau này, Phật giáo nói: trong con người ai cũng có Phật tánh..., đó là điều người ta thêm vào sau).
Còn chúng ta thì Thánh Kinh nói rõ : “Hãy coi, Thiên Chúa yêu thương chúng ta chừng nào : Người ban cho ta được gọi là con cái Thiên Chúa, - và thực là thế - hiện giờ, ta là con cái Thiên Chúa, cái đó sẽ ra sao, thì chưa được tỏ hiện, nhưng ta biết rằng : một khi Ngài tỏ hiện, thì ta được giống như Ngài” (Thư 1 Ga 3.1-2).
+ Thế là ta được sinh ra trong đời làm con Thiên Chúa. Có thể nói lần tái sinh này mới là sinh ra thật của ta, vì sinh lại cách bí nhiệm là sinh ra để sống và sống đời đời, còn những kẻ chỉ sinh ra bằng bụng mẹ thôi là sinh ra để rồi chết. Vì không có Chúa Thánh Thần là giọt máu, là sự sống Thiên Chúa, thì không vào được Nước Trời hằng sống. Mà không vào Nước Trời là rơi vào tối tăm, vào sự chết đời đời. Vì thế, ta có thể nói tái sinh mới là sinh ra thật, sinh ra để mà sống. Từ nay, ta là con của Thiên Chúa hơn là con của cha mẹ ta. Ta có một tên mới, đó là tên thánh, có cha mẹ mới là Thiên Chúa, có anh em mới là các thiên thần, các thánh, các tín hữu, và trước hết là Đức Giêsu mà Kinh Thánh gọi là “Trưởng Tử của một đoàn em đông đúc” (Rm), có một quê hương mới vĩnh cửu là Nước Trời.
+ Những ai không có giọt máu Thiên Chúa, không được vào Nước Trời. Đến cửa thiên đàng khám không thấy có, thử máu không thấy có, thì đi chỗ khác chơi. Thánh Gioan (8.35) nói : “Con mới được ở lại trong nhà mãi mãi”. Những người các đạo khác họ lầm to, khi họ tưởng cứ tụng kinh, ăn chay trường, tu thân tích đức là lên thiên đường, lên cõi cực lạc trường sinh. Lầm to và mất công toi. Bao công khổ tu, ăn chay, tụng niệm, có khi suốt đời, thành vô ích. Vì Chúa Giêsu xác định rõ : Có tái sinh mới vào Nước Trường sinh.
Một lần kia, trong một nhóm chia sẻ lời Chúa, một thiếu nữ công giáo nghe nói đến đây, tròn xoe mắt ngạc nhiên và hỏi : “Thế sao ? Con tưởng họ có công tu thân luyện tánh, ăn chay, tụng niệm, từ bi hỉ xả, thì họ cũng được Chúa cho lên thiên đàng chứ ?”. Chúng tôi phải mất công lắm mới làm cho cô ấy hiểu được rằng : các nỗ lực tu thân luyện tánh kia không đủ để vào Nước Trời. Đức Giêsu nói rõ : “Phải tái sinh mới được vào”. Ông Nicôđêmô trong bài Kinh Thánh trên đây chẳng đạo đức siêu đẳng ư ? Ông thuộc nhóm Biệt phái, tức cũng ví như các tu sĩ bây giờ : cầu nguyện ngày ba lần, ăn chay tuần hai lần, giữ 10 điều răn không trách cứ vào đâu được, làm phúc bố thí... và còn nhiều điều phúc đức nữa, không kể hết ra đây được. Mà khi đến hỏi Đức Giêsu, Ngài trả lời không đủ, phải tái sinh. Ông ấy còn là tiến sĩ dạy người ta về đạo, ông là người nhân đức và thông thái đến nỗi được chọn vào Thượng nghị viện là Hội đồng tối cao của Israen... Thử hỏi : ngay chúng ta đây, và ngay cả các tu sĩ, linh mục của ta, xét nguyên về mặt tu thân tích đức, dễ mấy ai bằng ? Thế mà Chúa dạy không đủ đấy, phải tái sinh. Huống chi mấy người các đạo khác. Tại sao vậy ? Vì lẽ đơn giản mà trên kia ta đã nói : tái sinh là Thiên Chúa ban Thánh Thần, làm cho người ấy có Thần Khí Thiên Chúa ví như có giọt máu của Chúa, làm con Chúa, mà làm con thì mới được vào nhà của Chúa, ở với Chúa, hưởng gia tài của Chúa ! Chúng ta thử lấy một ví dụ : Nếu có đứa trẻ nào cầu bơ cầu bất đến trước cửa nhà anh chị em, nó nói : Tôi có tập võ giỏi, tôi học hành chăm chỉ, tôi ngoan, tôi tốt, rồi nó nói : vậy ông bà phải cho tôi vào ở trong nhà ông bà ! Anh chị em có cho không ? Anh chị em lại chẳng trả lời nó rằng : Con có mọi đức tính ấy thì quí lắm, song con không có giọt máu của chúng ta, con đâu có phải là con mà đòi vào ở với chúng ta, rồi đòi phải chia gia tài cho con thừa kế ư ? Đâu có được ! Không phải con chúng ta thì con vô nhà bố mẹ con mà ở ! Thế đó ! Chúa cũng nói với các người không có đạo, hoặc người các đạo khác như vậy.
Thế còn đối với chúng ta, theo danh nghĩa là Kitô hữu, có đạo thì sao ? Phải phân biệt : Kitô hữu thật và giả ! Có người chỉ là Kitô hữu bởi danh nghĩa chứ thực không là thế. Làm sao biết được ? Biết được chứ ! Đức Giêsu đã nói cách biết trong bài Tin Mừng trên kia : Gió từ đâu tới, sẽ đi đâu, ta không biết, vì là chuyện mắt thường không thấy, nhưng ta nghe được tiếng nó, thì người sinh ra bởi Thần Khí cũng vậy: Cuộc tái sinh thiêng liêng Chúa Thánh Thần làm thì người ta không thấy, nhưng công hiệu của nó, hậu quả của nó thì người ta vẫn có thể nghiệm thấy được. Nó tỏ ra trong đời sống, trong hạnh kiểm, trong cử chỉ, trong lời ăn tiếng nói, trong mọi hoàn cảnh. Những Kitô hữu nào đích thật, tức là đã được tái sinh, thì đời sống và hạnh kiểm họ bày tỏ ra, họ sống xứng đáng như con cái Thiên Chúa, tốt lành, bình an, yêu thương, tiết độ, hiền từ... như Cha mình là Thiên Chúa : “Các con hãy nên trọn lành giống cha các con trên trời”. Còn các Kitô hữu giả thì chỉ chịu phép Rửa như một thủ tục, một lễ nghi, chứ không tái sinh, không là con Chúa, nên đời sống họ bày tỏ ra toàn những tính hư nết xấu : nhậu nhẹt say sưa, tham lam, gian dối, dâm dục, phóng đãng, mê tín dị đoan, đồng bóng, chửi rủa, đánh nhau, chia bè kết đảng, hằn thù, kình địch... Thiên Chúa đâu có chút nào như thế, mà họ như thế thì họ không là con, vì con phải giống Cha. Thế thì đối với Kitô hữu giả này, dù có chịu phép Rửa tội, mà không tái sinh, thì Chúa cũng phán bảo với họ : con không là con Ta, vậy không vào Nước Trời. Nước Trời là vương quốc, là nơi ở của những ai sống theo Thần Khí. Còn ngươi, ngươi chỉ có cái lễ nghi rửa tội, mà không tái sinh, không có Thần Khí, chỉ có toàn các việc xác thịt, trần tục, ô uế... ngươi vẫn hoàn là một người vô đạo. Không có chỗ cho ngươi trong Nước Trời.
Vậy hỡi anh chị em đang làm việc đền tạ, bài hôm nay rất quan trọng, ta hãy suy đi gẫm lại để thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống. Ta xin Chúa thứ tha lối sống cũ chưa tái sinh, và nếu ta xin ơn tái sinh, Chúa sẽ ban lại cho ta. Cách nào ? Kỳ khác ta sẽ bàn. Nhưng nên nhớ, - phải nói ngay ở đây - không phải chỉ sám hối, ăn năn, đi xưng tội là Chúa Cha ban lại ơn tái sinh đâu. Còn cần một hai điều quan trọng hơn nữa mà ta sẽ xem sau.
Tích truyện
Vào một đêm cuối năm, trời tối dần và tuyết cứ mãi rơi. Có một cô bé đầu trần, chân đất, đi dọc theo đường phố. Tay cô cầm bó diêm đem đi bán. Suốt ngày, chẳng ai mua dùm cô. Cô bé đói rét, thất thểu những bước đi run rẩy trông thật tội nghiệp. Cuối cùng, cô uể oải ngồi phệt xuống góc tường. Cô bé không dám về nhà, bố sẽ đánh chết vì không đem được chút tiền về mua bánh mì. Ngồi một lát thì lạnh cóng, cô bé nghĩ rằng có thể sưởi ấm đôi tay bằng cách bật một que diêm. Que diêm bùng cháy một ánh lửa rực rỡ..., cô tưởng tượng như mình đang ngồi trước một lò sưởi tuyệt đẹp, cô duỗi đôi chân mong nó được sưởi ấm đôi chút, nhưng xui xẻo, ánh lửa tắt ngấm, lò sưởi biến mất. Cô bật một que diêm nữa, ánh lửa rọi vào bức tường, dường như cô bé thấy trong bức tường giống như một căn phòng ấm áp, có trải khăn bàn trắng, trên bàn có những bát đĩa sứ, ở giữa lại có một con ngỗng quay vàng óng, bốc lên mùi thơm phức, sốt nóng. Nhưng que diêm cháy hết lại vụt tắt, trước mặt cô bé chỉ còn bức tường lạnh lẽo. Một que diêm nữa, lần này cô bé thấy mình ngồi trước một cây Noel to lớn, lộng lẫy, đủ ánh đèn màu sắc lung linh. Cô muốn đưa tay sờ cây Noel, song que diêm lại tắt. Những ánh sao trên cây Noel bay dần lên trời. Cùng lúc ấy, một ánh sao băng, sẹt một vệt sáng trên nền trời, cô bỗng nhớ đến bà ngoại, vì bà thường kể rằng : khi một vì sao rơi, ắt có một linh hồn bay lên thiên đàng. Cô chợt nhớ bà ngoại, người duy nhất trên đời yêu thương cô, nhưng bà đã qua đời. Cô đánh que diêm khác, và chao ôi ! Khi ánh lửa bừng sáng, cô bé thấy bà ngoại yêu dấu đang đứng giữa vầng hào quang mỉm cười nhìn cô. Cô bé kêu lên :
- Bà ơi ! Bà cho cháu theo với ! Cháu sợ khi diêm tắt, bà lại biến mất như lò sưởi, bữa ăn ngon và cây Noel lúc nãy thôi.
Và cô bé vội vàng quẹt tất cả những que diêm còn lại, như muốn giữ bà yêu dấu ở lại. Những que diêm sáng rực đến nỗi bầu trời bừng lên trong đêm như có mặt trời mọc. Và bà của cô chưa bao giờ lại đẹp như lúc này. Bà ôm cô vào lòng. Trong cảnh rực rỡ ngập tràn hạnh phúc ấy, hai bà cháu bay lên trời, xa dần trần gian để đến nơi mà hai người không còn cảm thấy đói lạnh và khổ đau nữa...
Sáng hôm sau, một ngày đầu năm giá lạnh, ở góc đường ấy, người ta thấy một cô bé bán diêm, gương mặt tái mét nhưng đôi môi vẫn mỉm cười. Cô ngồi dựa tường, tuyết phủ kín nửa người và đã bị chết cóng trong cái đêm cuối năm sương tuyết lạnh lùng ấy. Thiên hạ bảo nhau khi thấy tàn những que diêm còn vương vãi :
- Cô bé đã cố sưởi ấm cho mình đấy, song tội nghiệp... ! nó đã chết vì đói và lạnh !
Nhưng có ai ngờ : cô bé đã nhìn thấy những hình ảnh tuyệt vời và lộng lẫy như một giấc mơ. Cô bé đã cùng bà ngoại bước vào một nơi ngập tràn hạnh phúc.
(Phỏng theo tạp chí “Kiến thức ngày nay”, số 51, ngày 1-1-1991).