100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

100 Bài Giáo Lý Kinh Thánh

(GIỜ ĐỀN TẠ CỦA GIA ĐÌNH )

Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn biên soạn
(Lưu hành nội bộ) 1999

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


Bài 76_4

ĐẠO BUỒN HAY ĐẠO VUI ?:

Trích Tin Mừng Luca, ch.24

Chiều Chúa nhật phục sinh, trên con đường đi về Em-mau, một làng cách Yêrusalem chừng 11 cây số, hai bộ hành vừa đi vừa chuyện trò, nhưng coi bộ họ buồn bã thất vọng. Chính lúc đó, Đức Giêsu phục sinh đến nhập bọn đi cùng, nhưng họ không nhận ra Ngài. Nỗi buồn, nỗi sợ và thất vọng đã bưng mắt họ lại. Ngài bắt đầu câu chuyện :

-           Các ông nói chuyện gì với nhau mà coi bộ buồn bã vậy ?

Một trong hai người, tên là Klê-ô-pha đáp :

-           Ông không biết gì về các biến cố xảy ra mấy ngày nay sao ? Này nhé : ông Giêsu làng Nadarét thật là một vị tiên tri có quyền năng làm nhiều phép lạ và đầy uy quyền khi giảng dạy. Thế rồi Ngài bị bắt, bị đóng đinh trên thập tự giá. Phần chúng tôi, hi vọng tiêu tan thành mây khói, vì chúng tôi tưởng Ngài sẽ giải phóng cho dân Israen. Thế mà, đã ba ngày qua rồi, kể từ hôm Ngài chết. Nói cho đúng, có vài người đàn bà kể lại những chuyện làm chúng tôi hoảng hồn : họ nói họ tới viếng mồ, thì không thấy xác Ngài, mà chỉ thấy các thiên thần hiện ra nói Ngài đã sống lại ! (Ôi miệng đàn bà ấy mà, tin làm sao được). Ấy thế mà cũng có vài ông trong nhóm môn đồ đã nghe theo và đi ra mồ, và đã thấy mồ trống như mấy bà nói, còn Đức Giêsu thì họ chẳng thấy đâu. Thiên thần cũng chẳng thấy nốt !

Bấy giờ, Đức Giêsu nói cùng họ :

-           Ôi, mấy kẻ ngu độn và lòng trí chậm tin vào lời Kinh Thánh đã báo trước là Đức Kitô phải chịu khổ nạn để được vào vinh quang.

Hai người ấy ngẩn mặt ra, có vẻ họ muốn nói : Có lời Kinh Thánh nào nói như vậy đâu ? Thế là Ngài lấy từ sách ông Môsê viết, rồi sách các tiên tri nói, mà dẫn giải cho họ các điều viết về Đức Kitô trong suốt bộ Kinh Thánh.

Cả ba đến gần làng Em-mau, nhưng Ngài làm như thể còn phải đi xa hơn. Họ cố nài Ngài vào nghỉ chân và dùng bữa tại nhà họ. Vả lại, trời đã về chiều, khách bộ hành đơn độc có thể sẽ gặp trộm cướp dọc đường..., nên Ngài đã vào nhà ở lại với họ. Và đang khi ngồi vào bàn ăn, Ngài cầm lấy bánh, chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho họ, thì mắt họ mở ra và họ nhận biết Ngài... Nhưng Ngài đã bỏ họ đấy mà khuất mắt họ. Lúc ấy, họ mới thú nhận với nhau :

-           Chúa đó, thảo nào, lòng chúng ta đã chẳng cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài giải nghĩa Kinh Thánh cho ta đấy ư ?

Quá vui mừng vì được thấy Chúa, ngay giờ ấy, tức tốc họ bỏ bàn ăn, quay trở lại Yêrusalem, thì gặp các môn đồ còn đang tề tựu đó, họ liền thuật lại các việc Chúa giảng giải lời Kinh Thánh lúc đi dọc đàng và làm sao họ đã nhận biết Ngài lúc bẻ bánh.

*          Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Nếu anh chị em chưa quên, thì đã có một lần, ta đọc bài Kinh Thánh này (x. bài 70), song đem dẫn giải về một ý khác. Còn kỳ này là cốt ý cho hiểu : không đọc và suy gẫm lời Chúa, đời sống đạo sẽ buồn sầu, không có hân hoan... Sự tích hai môn đệ Em-mau không chỉ là chuyện riêng của hai người, vì sách Thánh được viết ra là cho tất cả Giáo Hội và cho từng người chúng ta. Điều đã xảy ra cho họ, Chúa muốn bảo là cũng xảy ra cho ta. Đã từ lâu, chẳng phải mỗi người chúng ta thường đã quá chú ý đến tội lỗi của mình, miệng luôn rền rĩ than van xin Chúa tha tội, trong trí, trong lòng lúc nào cũng bị ám ảnh bởi tội, luôn sống trong lo buồn, âu sầu..., sợ Chúa phán xét, sợ rơi xuống hỏa ngục, mất linh hồn ? Chẳng phải là một cái đạo sợ hãi, âu sầu đó ư ? Đành rằng - chúng tôi xin khẳng định một lần cho rõ - chúng ta cũng phải lo sợ phạm tội, và khi đã lỡ phạm tội rồi, thì phải lo buồn ăn năn, hối cải vì đã làm mất lòng Cha nhân ái. Nhưng không thể để cho hầu như tất cả cuộc sống ta bị bao trùm bởi không khí tội lỗi ám ảnh, khiến cho đời ta âu sầu, ảm đạm hoài mãi ! Cứ xem trong các kinh ta đọc, ngay cả trong bản kinh Thánh Lễ, quá nhiều lần van xin tha tội... Chúng tôi có một kinh nghiệm này là hễ mời một người nào tự phát cầu nguyện là y như sẽ nói : “Lạy Chúa, chúng con là kẻ có tội...”, rồi “Chúng con buồn vì đã xúc phạm đến Chúa...”, rồi “Xin Chúa tha tội chúng con, chúng con không xứng đáng...”, sau đó là xin ơn... Hầu như ai cũng đã thuộc lòng mấy câu buồn tẻ đó... riết cũng đâm nhàm. - Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì từ nhỏ, người ta đã cứ chõ vào tai ta những câu đại loại như thế ! Đạo như thế thật buồn. Một đạo bao trùm bởi lo sợ. Thánh Gioan viết : Đó là đạo thiếu lòng mến, “vì nơi lòng mến không có sợ hãi, trái lại, lòng mến trọn hảo thì không còn sợ hãi nữa, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và kẻ sống đạo mà sợ hãi, ắt là chưa trọn hảo trong lòng mến Chúa” (Thư 1 Ga 4.17-18).

Thứ đạo ấy là đạo trước phục sinh, thứ đạo mùa Thương Khó, không biết đến phục sinh, cho dù Chúa đã sống lại từ 2.000 năm. Đạo đó của chúng ta giống hệt hai môn đệ Em-mau, Chúa đã sống lại rồi, mà họ vẫn còn buồn rầu, sợ hãi, đến nỗi chính Chúa phục sinh đến bên họ và hỏi : “Chuyện gì vậy ? mà sao bộ mặt mấy ông buồn rầu, ảo não làm vậy ?”. Thế là họ kể ra nỗi buồn, nỗi thất vọng của họ... Thày chúng tôi chết rồi ! Thế là hết !... Chúng tôi quay trở về làng cũ đây... Họ đáng bị Đức Giêsu trách mắng (và cả chúng ta cũng đáng) : “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi lời Kinh Thánh đã nói !”

Qua lời trách của Đức Giêsu phục sinh, ta vỡ lẽ ra rằng : nếu ta sống đạo buồn bã, lo sợ là chỉ vì ngu độn và chậm tin vào lời Kinh Thánh, nói khác đi, vì không đọc sách Thánh để thấy thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm cho ta vì lòng thương vô bờ, nên ta cứ co quắp lại nghĩ về mình, nghĩ về sự bất xứng, tồi tệ của mình, về tội lỗi mình, nên không thể vui mừng, hân hoan tạ ơn, ngợi khen Chúa được, không tìm trong đạo niềm hạnh phúc được !!!

Hỏi : Chúa làm thế nào để chữa bệnh tâm hồn cho hai môn đồ ? Bài Kinh Thánh đáp : bằng cách đơn sơ lấy sách Kinh Thánh, từ sách ông Môsê viết, và hết thảy các sách tiên tri, mà dẫn giải cho họ nghe các điều đã viết về Chúa Giêsu, về kế hoạch cứu độ nhưng không của Thiên Chúa thi hành để cứu độ thế gian. Thế là các ông sau đó thú nhận với nhau : “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng, lúc đi dọc đàng Ngài giải nghĩa Kinh Thánh cho ta nghe đó sao ?”. Thế là tâm họ đổi hẳn, từ buồn rầu, thất vọng, bị thương đau, trở thành vui mừng, hân hoan, sốt nóng, hăng hái, và nhất là họ nhận ra Chúa đã sống lại. Tức tốc ngay tối ấy, không quản ngại nguy hiểm bị cướp bóc trên đường đồi núi hẻo lánh, họ vượt mười mấy cây số trong đêm tối, để trở lại Yêrusalem báo tin đã được gặp Chúa sống lại, được Ngài giảng Thánh Kinh, được Ngài bẻ bánh cho, và được nhận ra Ngài đã sống lại... Qua những nét tả ấy, chúng ta có thể nhận thấy tâm hồn họ đã thay đổi đến mức nào, vui sướng đến mức nào ! Phúc Âm gói trọn trong hai tiếng : Trước đó, đi về làng “bộ mặt ảo não”..., còn sau đó “lòng cháy bừng bừng”.

Bài học Chúa dạy cho ta hôm nay là : đời sống đạo mà không đọc và suy niệm lời Chúa, thì ảo não, buồn sầu, tẻ nhạt. Còn đời sống đạo được thấm lời Chúa, hiểu các việc Chúa làm cho ta, thì vui tươi, hân hoan, sung sướng !

Qua mấy bài về hai phương án cứu độ, ta đã được Kinh Thánh thuật lại cho hiểu Thiên Chúa yêu thương ta dường nào : phương án 1, Chúa ban cho lề luật để tuân giữ mà được sự sống đời đời, song nhận thấy nhân loại không thể giữ trọn được lề luật, nên không ai được công chính hóa, mà hưởng sự sống đời đời, nên Thiên Chúa lại cất công bày ra phương án 2 tuyệt diệu hơn và chắc chắn thành công, là sai chính Con Một xuống cứu độ và chỉ đòi ta tin là được nhập vào Thân mình phục sinh đầy Thần Khí của Đức Giêsu và được xóa sạch mọi tội lỗi, nên công chính, được sự sống đời đời, được làm con Thiên Chúa (mấy lời tóm tắt gọi là để nhắc anh chị em nhớ mấy bài Lời Chúa trước đã trình bày).

Ở đây, khuôn khổ bài này không cho phép chúng ta trích hết các lời Chúa, thuật tất cả những gì Thiên Chúa đã làm vì thương yêu và muốn cứu vớt ta ; chỉ xin trích vài đoạn Kinh Thánh tiêu biểu mà thôi:

+          Với dân Do thái là dân Cựu Ước, vốn ngỗ nghịch, cứng đầu mà Chúa còn nói với họ thế này : “Không phải vì các ngươi là một dân hùng cường, văn minh mà Yavê đem lòng quyến luyến và đã chọn các ngươi... Nhưng vì lòng ta thương các ngươi, nên ta đã giương cánh tay uy quyền làm đủ các dấu thiêng điềm lạ chống lại Pharaô cùng binh tướng họ để cứu các ngươi ra khỏi cảnh làm nô lệ. Và các ngươi biết rằng Thiên Chúa của ngươi là Thần trung tín, Đấng giữ tín nghĩa với những ai yêu mến Người cho đến ngàn đời. Người sẽ chúc lành cho các ngươi, cho các ngươi tăng số, Người sẽ chúc lành cho hoa quả lòng dạ các ngươi và cho hoa quả đất đai : lúa, rượu mộng, dâu tươi, lứa con đàn bò, ổ dê cừu... Ngươi sẽ là kẻ diễm phúc giữa muôn dân. Nơi ngươi sẽ không có đàn bà son sẻ hiếm hoi. Yavê sẽ cất khỏi ngươi mọi thứ bịnh hoạn ; và các thứ ôn thần, dịch tể người Ai cập từng bị, Người sẽ không gửi đến nơi ngươi... Thiên Chúa còn sắp đem ngươi vào đất Hứa, một đất lành lắm khe nước, mạch suối phun trào nơi thung lũng và cả núi non, xứ lúa miến, lúa mạch với nho, vả, lựu, xứ dầu ô liu và mật ong, xứ mà ngươi không phải dè xẻn bánh ăn, nơi mà ngươi không phải thiếu thốn gì, xứ có đá sắt và mỏ đồng... ngươi sẽ ăn và được no nê, và ngươi sẽ vui sướng hân hoan chúc tụng Yavê vì đất lành Người ban cho ngươi...” (sách Thứ luật, 7.7-8.10).

+          Sau đây là bài sấm của tiên tri Ysaia, báo trước về Đức Giêsu sẽ là người Tôi Tớ phục vụ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha để loài người được sống và hạnh phúc :

“Ai tin được điều chúng tôi đã nghe ?... Đó là : Trước nhan Thiên Chúa, Ngài đã mọc lên như một chồi cây, không duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải mến chuộng hay nể vì. Ngài bị khinh khi, và là đồ phế bỏ của người đời, chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa. Trái lại, chính các bệnh tật chúng tôi, Ngài đã mang, chính các đau khổ chúng tôi, Ngài đã vác... Ngài bị đâm thủng vì những sự ngỗ nghịch của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát vì các tội vạ của chúng tôi. Đã giáng xuống Ngài hình phạt đổi lấy bình an cho chúng tôi, và nhờ những vết bầm Ngài chịu, chúng tôi được lành. Chúng tôi hết thảy đã xiêu lạc, như chiên cừu mỗi người quay theo mỗi ngả, nhưng Yavê lại để Ngài phải lụy vì tội vạ chúng tôi. Bị đòn đánh, Ngài chịu đựng không mở miệng than van như cừu im lặng bị dẫn đến lò sát sinh... Ngài đã bị đốn phăng khỏi đất người sống... Nhưng Yavê... đã cho hồi phục kẻ hiến mình làm lễ hi sinh đền tội... Ngài sẽ thấy sự sáng... Ngài sẽ giải án tuyên công nhiều người là chính vì Ngài đã thí mạng mình không màng cái chết... đã mang lấy tội lỗi muôn người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch” (Ysaia 53.).

Ta thấy đó, vì thương, Thiên Chúa đã sai Con Người đến lãnh hết tội lỗi, vạ phạt, bệnh tật, đau khổ của chúng ta hết thảy lên thân mình Ngài để chịu thay, ta còn gì phải lo, ta được nên công chính, được tha thứ hết..., nay ta chỉ còn  biết vui mừng cám đội ơn Chúa và hân hoan chúc tụng Người.

+          Chúa không chỉ là người cha, Chúa còn tự ví mình như người mẹ và thương ta hơn người mẹ thương con : “Trời hãy reo vui ! Đất hãy nhảy mừng, vì Yavê an ủi dân Người, Người chạnh thương những kẻ cùng khốn của Người. Các ngươi đừng nói : Thiên Chúa đã quên tôi, đã bỏ tôi rồi ! Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương với đứa con dạ nó đã cưu mang. Cho dù mẹ có quên con được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên các ngươi. Này Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Ysaia 49.13-16).

+          Có lúc Chúa còn tự ví với người chồng thương vợ tha thiết : “Đừng sợ ! vì ngươi sẽ không phải thẹn thuồng, vì chưng ngươi sẽ quên nỗi tủi thời niên thiếu... Vì Đấng kết duyên với ngươi là Chúa tạo dựng nên ngươi. Yavê các cơ binh trên trời là Người..., vì ngươi ví như thân gái bị bỏ rơi, lòng dạ tơi bời..., nhưng nào ai nỡ rẫy bỏ người vợ cưới hồi thanh xuân... Có đôi lúc (vì tội lỗi ngươi), Ta đã ngoảnh mặt khỏi ngươi một chốc, nhưng Ta lại đoái thương ngươi bởi tình nhân nghĩa muôn đời. Yavê, Đấng chuộc ngươi đã phán như vậy”.

Trước những lời Chúa khẳng định như thế, sao ta còn lo sợ, cứ nhìn vào chính mình, co rúm lại mà sợ hãi, đáng lẽ ta phải cảm kích đến chảy nước mắt ra vì lòng yêu thương nồng nàn đến vậy của Thiên Chúa và từ nay vui mừng, tin cậy, phó thác cho Người hết lòng. Đừng quay nhìn mình mà buồn sầu, lo lắng, hãy nhìn về Thiên Chúa. Việc cứu rỗi linh hồn ta, nói thật ra là việc của Thiên Chúa hơn là việc của ta. Cứ tin thật mạnh và Người sẽ làm mọi sự để cứu ta, Người sẽ biến sự dữ nên lành.

Chúng tôi không thể trích Kinh Thánh nữa, phải cả mấy trăm trang cũng không đủ. Chúng tôi chỉ xin lấy một câu ở Tin Mừng Thánh Gioan để tóm tắt : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đó, đến nỗi đã ban thí Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài, thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời”. Và Thánh Phaolô hỏi ta rằng : “Nếu Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng đã thí ban Ngài chịu chết vì chúng ta hết thảy, làm sao Người còn tiếc gì mà không ban muôn vàn ơn khác cho ta ?” (Rm 8.32), không tiếc Con quí tử Người, Người lại tiếc các ơn nhỏ mọn ví như ba cái lẻ tẻ sao ?

Tóm lại, đọc lời Chúa, suy niệm công việc, tình thương Chúa làm mà sách Thánh thuật lại, chúng ta sẽ như hai môn đệ làng Em-mau : lòng bừng bừng nóng cháy, cuộc đời sống đạo sẽ hân hoan, hạnh phúc, trên môi miệng lúc nào cũng tươi cười, và chỉ còn biết chúc tụng, tạ ơn Chúa, rồi như trẻ thơ, phó thác để Chúa lo mọi sự cho ta.

Tích truyện

Bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt : cánh tay trái của Chúa vẫn còn đóng vào thánh giá, còn cánh tay phải thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành. Gốc tích sự lạ ấy như sau : Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội với linh mục chánh xứ ngay dưới tượng thập giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân có nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngoài việc đền tội nặng, linh mục còn hăm dọa nhiều điều. Người xưng tội buồn rầu, sợ hãi... Xong ít lâu, chứng nào tật đó. Một lần kia, cha ngăm đe :

-           Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông !

Mấy tháng trôi qua, lại lần nữa, tội nhân ấy đến xin tha tội. Nhưng lần này, cha dứt khoát :

-           Ông đừng đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa !

Nhưng lạ lùng thay, khi cha vừa khước từ tội nhân, thì ông bỗng nghe một tiếng thì thầm từ tượng thánh giá. Bàn tay phải của Chúa bỗng rời cây thập giá và ban phép lành xá tội cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm với ông :

-           Sao con lại không xá tội cho người này ? Chính Ta là người đã đổ máu chịu chết thay cho nó, chứ không phải con !

Và tiếp theo là lời từ thánh giá nói với tội nhân :

-           Ta vẫn tha tội cho con, con hãy đi về bình an, và cố gắng đừng phạm tội nữa !

Từ đó, bàn tay phải của Chúa treo trên thập giá cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi loài người đến để ban ơn tha thứ, vì chính Chúa đã gánh lấy tất cả tội lỗi vào thân mình mà chịu đóng đinh chúng vào thập giá, để đổi lấy bình an và hạnh phúc cho loài người.

[Hãy hát một bài tạ ơn tình Chúa yêu ta. Ví dụ : “Xin tri ân, xin tri ân...”, hoặc : “Con xin dâng Ngài lòng cảm mến vô biên, con xin dâng Ngài ôi trái tim dịu hiền...”]