Học Thánh Kinh không phải chỉ để biết về Thánh Kinh như những học giả, hay để khoe khoang. Mục đích của việc học Thánh Kinh là để hiểu biết Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Trong bài 5 khi bàn về Lời Chúa trong Đời Sống Kitô hữu, chúng ta đã nói qua về lectio divina. Lection divina là phương pháp đọc Thánh Kinh nhằm mục đich hiệp thông với Thiên Chúa và gia tăng sự hiểu biết về Lời Chúa. Đó là một cách cầu nguyện bằng Thánh Kinh mà trong đó một người phải học, suy đi nghĩ lại, lắng nghe và cầu nguyện bằng Lời Thiên Chúa. Phương pháp này đã được dùng ngay từ đầu thế kỷ thứ 3. Đến thế kỷ thứ 6, nó đã trở thành thông dụng nhờ Thánh Bênêđictô. Mục đích của lectio divina là giúp chúng ta tìm thấy và đối thoại với Thiên Chúa trong Thánh Kinh, và nhờ đó chúng ta cũng tìm thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên và tha nhân.
Đại Cương về Phương Pháp Linh Đạo
Khi đi vào phạm vi linh đạo của Thánh Kinh, người ta đi qua nghĩa văn tự của bản văn Thánh Kinh mà đến nghĩa thiêng liêng. Theo tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh năm 1994, nghĩa văn tự của Thánh Kinh không phải là nghĩa đen như lối hiểu biết của phái Cơ Bản, nhưng là nghĩa được diễn tả cách trực tiếp bởi các thánh sử, một nghĩa được hiểu theo phương pháp phân tích lịch sử và văn chương của bản văn. Nghĩa thiêng liêng được hiểu là “nghĩa được diễn tả bởi bản văn Thánh Kinh khi đọc dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong khung cảnh của Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô và đời sống mới phát sinh từ Mầu Nhiệm ấy” (GTTKTHT II, B.2)
Như thế, có một phạm vi linh đạo trong của các bản văn Thánh Kinh, và người ta có thể tìm thấy ý nghĩa thiêng liêng khi đi vào phạm vi này. Trong khi một người đi vào phạm vi lịch sử qua việc học hỏi và điều nghiên lịch sử, thì người khác có thể đi vào phạm vi linh đạo của Thánh Kinh qua Niềm Tin vào Đức Kitô và mở lòng ra đón nhận ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Phải, nếu có những phương pháp để nghiên cứu Thánh Kinh theo lịch sử, thì cũng có phương pháp đọc Thánh Kinh giúp cho người đọc đi vào ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh. Đương nhiên là phương pháp đưa một người vào vòng ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và đi sâu vào những cảm nghiệm của đời sống mới trong Đức Kitô phải rất khác các phương pháp đọc Thánh Kinh khác. Phương pháp đọc Thánh Kinh theo linh đạo này được truyền thống Công Giáo gọi là lectio divina.
Từ ngày lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã không ngừng nhắc nhở chúng ta về việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh qua phương pháp lectio divina. Ngày 16 tháng 9, 2005, ĐTC đã nói rằng: “Nếu việc thực hành lectio divina được phổ biến cách hiệu quả, cha xác tín rằng nó sẽ đem đến cho Hội Thánh một Mùa Xuân thiêng liêng”.
Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa được tổ chức tại Rôma vào thang mười năm 2008, các Nghị Phụ đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện theo phương pháp lectio divina. Và các ngài tóm tắt trong sứ điệp gửi toàn thể dân Chúa khi kết thúc Thượng Hội Đồng như sau:
“Cột trụ thứ ba của ngôi nhà thiêng liêng của Hội Thánh, ngôi nhà của Lời Chúa, được tạo thành bởi cầu nguyện, được dệt “bằng Thánh Vịnh và thánh thi và bằng thánh ca được linh hứng” như Thánh Phaolô nhắc nhở (Col 3:16). Điều tự nhiên là chỗ đứng ưu tiên của Phụng Vụ Giờ Kinh (Kinh Nhật Tụng), lời cầu nguyện ưu tú của Hội Thánh nhằm mục đích đem lại nhịp điệu cho những ngày và mùa của năm Kitô giáo, cung cấp thức ăn tinh thần cho các tín hữu, nhất là nhờ việc hát Thánh Vịnh. Bên cạnh lời cầu nguyện này và việc cộng đoàn cử hành Lời Chúa, truyền thống đã đưa ra việc thực hành lectio divina (Đọc Lời Chúa), là một cách vừa đọc Thánh Kinh vừa cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần, một cách có thể mở ra cho các tín hữu kho tàng của Lời Chúa, và cũng tạo ra một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Lời sống động của Thiên Chúa.” (số 9)
Phương pháp cầu nguyện bằng Thánh Kinh theo lectio divina có 4 giai đoạn:
1. Lectio (Đọc) -- Chậm rãi đọc bản văn với sự chú ý và tâm hồn cùng đầu óc cởi mở. Việc đọc này sẽ gợi lên câu hỏi giúp chúng ta hiểu biết đúng về nội dung thật sự của đoạn văn: Đoạn văn Thánh Kinh này tự nó muốn nói gì?
2. Meditatio (Suy Niệm) -- Suy niện về đoạn Thánh Kinh vừa đọc; tập trung tư tưởng vào đoạn Thánh Kinh ấy; đi vào đoạn Thánh Kinh bằng trí tưởng tượng, tự đặt mình vào biến cố hay sứ điệp trong Thánh Kinh. Rồi sau đó tự hỏi mình những câu hỏi như: Đoạn văn Thánh Kinh này muốn nói gì với tôi?
3. Oratio (Cầu Nguyện) -- Đáp lại lời bạn vừa đọc như là một thông điệp Thiên Chúa gửi đến; hướng tâm hồn về Đấng đang nói với bạn qua đoạn Thánh Kinh; nhập cuộc đối thoại thiêng liêng với Thiên Chúa là Tác Giả đoạn Thánh Kinh này. Lúc này chúng ta có thể tự hỏi mình một câu hỏi khác: Tôi phải thưa gì với Chúa để đáp lại Lời Ngài?
4. Contemplatio (Chiêm Nghiệm) -- Im lặng. Hiện diện. Kính mến. Kết hợp. (Đây là mục đích của việc đọc Thánh Kinh theo phương pháp thiêng liêng, một mục đích mà chúng ta có thể cố gắng đạt đến, vì chúng ta có thể chuẩn bị, nhưng điều tối hậu chúng ta chỉ có thể nhận được là một món quà ân sủng. Trong chiêm niệm chúng ta đón nhận, như hồng ân của Thiên Chúa, một cái nhìn trong việc xét lại thực trạng của mình và tự hỏi: Chúa muốn tôi phải hoán cải trí khôn, tâm hồn và đời sống cách nào?
Tác giả về linh đạo, Á Thánh Columba Marmion, tóm tắt bốn giai đoạn của lectio divina như sau:
Chúng ta đọc (lectio)
Dưới đôi mắt của Thiên Chúa (meditatio)
Cho đến khi Ngài chạm đến tâm hồn chúng ta (oratio)
Và nó bùng cháy lên (contemplatio)
[Trích dẫn từ Thelma Hall trong Too Deep for Words: Rediscovering Lectio Divina, (Paulist, 1988) tr. 44 ]
Sự cần thiết của phương pháp đọc Thánh Kinh theo Linh Đạo
Trong giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, chỉ học Thánh Kinh qua sách vở hay trường học mà thôi thì không thể hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh, mà phải cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện xin ơn Chúa thì mới hiểu được các câu trong Thánh Kinh. Chúng ta không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh này một cách hoàn toàn trong phạm vi lịch sử và văn chương được, vì các bản văn ấy cũng thuộc về phạm vi tinh thần. Cách sách này tuy lúc nào cũng thuộc về thế giới của chúng ta, nhưng phải được đọc như do trời ban xuống, siêu vượt dương gian, như là một sự truyền thông và tự tỏ mình ra của Thiên Chúa. Trong diễn từ trước Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh năm 1974 Đức Thánh Cha Phaolô VI ghi chú sự giới hạn của việc nghiên cứu Thánh Kinh theo kinh viện và sự cần thiết của việc mở tâm trí ra đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa: “Cần phải có một sự mở lòng thật sự tuyệt đối với Mầu Nhiệm của Thiên Chúa Tình Yêu, nếu không nhà chú giải sẽ mãi mãi bị mù mờ trong tối tăm bất kể trình độ thức giả của người ấy.”
Điều đáng ghi chú là năm 1943, Đức Thánh Cha Piô XII đã dùng lời khuyên của Thánh Augustinô để kết luận Tông Thư Divino Afflante Spiritu, một Tông Thư khuyến khích việc dùng phương pháp lịch sử và văn chương để nghiên cứu Thánh Kinh, rằng: “Vậy, các nhà chú giải các Lời Sấm của Thiên Chúa hãy chăm chỉ thi hành công việc thánh này với tất cả tâm hồn của họ. ‘Là họ hãy cầu nguyện để họ có thể hiểu.’"
Sự cần thiết của việc đọc Thánh Kinh theo linh đạo được bén rễ sâu trong sự hiểu biết của Hội Thánh về Thánh Kinh như là phương tiện truyền thông của Thiên Chúa: “Bởi vì trong các sách thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái Ngài và ngỏ lời với họ. Đó là sức mạnh và quyền năng của Lời Chúa có thể nâng đỡ và tăng cường sinh lực cho Hội Thánh, cùng ban sức mạnh Đức Tin cho con cái Hội Thánh, là lương thực cho linh hồn, mạch sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho họ” (Dei Verbum, số 22)
Giới hạn của phương pháp đọc Thánh Kinh theo Linh Đạo
Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo về việc giải thích Thánh Kinh thường cảnh giac chúng ta về việc lạm dụng phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Linh Đạo mà đi đến các giải thích chủ quan hoặc ước đoán, với đặc tính là đi quá xa chủ đích của tác giả trong mọi chi tiết của các câu Thánh Kinh. Tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh cảnh cáo tất cả những giải thích xa lạ với chủ ý đầu tiên của các thánh sử. Người ta có thể tìm thấy ý nghĩa đầy đủ và thâm sâu hơn của các câu Kinh Thánh trong lịch sử cứu độ khi các câu này được thể hiên qua việc Chúa Giêsu xuống thế, nhưng những giải thích theo linh đạo không được tự tách rời khỏi nguồn gốc của nó mà ở đó Lời nguyên thủy của Thiên Chúa được truyền thông trong lịch sử.
Đọc Thánh Kinh theo linh đạo cũng phải tránh các giải thích theo cá nhân. Người ta phải đọc và suy niệm về Thánh Kinh trong Đức Tin của Hội Thánh. Các giải thích theo linh đạo của các Giáo Phụ và các tác giả linh đạo sau này, luôn luôn có giá trị và sáng suốt, mặc dù đôi khi các ngài dùng phép dụ ngôn quá nhiều vì các ngài giải thích Thánh Kinh theo phép loại suy Đức Tin, theo sứ điệp của toàn bộ Thánh Kinh được đọc theo truyền thống quy hướng về Đức Kitô của Hội Thánh.
Kết Luận
Có thể nói được rằng trong tất cả các phương pháp giải thích Thánh Kinh mà chúng ta đã bàn đến, phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Linh Đạo, đặc biệt là việc thực hành lectio divina là phương pháp hiệu nghiệm nhất trong việc giúp chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Thực hành phương pháp này cũng không đòi hỏi sự hiểu biết khoa học hay trí thức về Thánh Kinh cho nên dễ dàng áp dụng cho mọi người. Điều kiện cần thiết khi áp dụng phương pháp này là phải ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và khiêm nhường nhìn nhận thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, chúng ta nên lầm lẫn Phương Pháp Linh Đạo với những giải thích chủ quan về Thánh Kinh phát xuất từ trí tưởng tượng hay phỏng đoán theo lý luận của loài người. Nghĩa thiêng liêng phải dựa trên những sự kiện có thật trong Thánh Kinh, và nội dung của toàn thể Thánh Kinh. Nghĩa thiêng liêng phải quy chiếu về Đức Kitô, phải được đặt căn bản trên các mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, cùng giáo huấn của Huấn Quyền. Tài liệu Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh kết luận rằng: “Những cách giải thích Thánh Kinh theo Linh Đạo, dù trong cộng đồng hay cá nhân, sẽ chỉ khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng thật sự khi được giữ trong những phạm vi này.”
Phaolô Phạm Xuân Khôi