Chúa Nhật 3 Phục Sinh Năm A
Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.
Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.
Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.
1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một "Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói". Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông "Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy". Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.
2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.
Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.
3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.
Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.
Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.
Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2. Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3. Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4. Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?