“Họ bảo nhau: ‘Ông nầy không phải là con ông Giuse đó sao?’ Người nói với họ: ‘Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!’ Người nói tiếp: ‘Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.’
Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: ‘Vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.’
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành nầy được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4, 22-30)
***
Đoạn Phúc Âm hôm nay tiếp nối đoạn Phúc Âm Chúa nhật tuần trước. Tôi rất thích sự tiếp nối như vậy. Điều đó giúp cho công việc của tôi dễ dàng hơn. Nói cho cùng, cuộc sống là một sự chọn lựa giữa sự trống rỗng và sự viên mãn. Sự chọn lựa tùy thuộc nơi chúng ta.
Khi chúng ta phải chọn lựa, Thiên Chúa không can dự vào. Ngài đã giới hạn ảnh hưởng của Ngài trên toàn bộ tự do của con người. Đó là lý do tại sao Ngài luôn tiếp cận với chúng ta bằng cách mời gọi. Tùy chúng ta quyết định đường hướng phải đi, liên hệ đến sự trống rỗng vô vị hay sự sung mãn của cuộc sống.
Văn hào Nikos Kazoutzakis đã nắm bắt yếu tố lựa chọn đó với hình ảnh thật đậm đà khi viết: “Bạn cầm cây cọ trên tay với những thuốc màu.Bạn hãy vẽ thiên đàng của bạn rồi bước vào.” Rõ ràng văn hào muốn ám chỉ là nếu bạn muốn vẽ hỏa ngục, bạn cứ vẽ đi. Đó là công việc của bạn.
Tuy nhiên, nếu đó là chung cục hành trình cuộc sống của bạn, bạn đừng oán trách cha mẹ, đừng oán trách xã hội, đừng oán trách Giáo Hội và cũng đừng oán trách Chúa nữa. Bạn phải nhận lấy trách nhiệm vì đã tạo nên hỏa ngục cho chính bạn. Đó là cách duy nhất để bạn trở lại với trạng thái bình thường. Trách móc người khác có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái dễ chịu, nhưng điều đó chẳng thay đổi được gì.
Khi tôi làm tuyên úy tại Lao Xá Mountjoy, tôi thường yêu cầu những tù nhân ở đó chấp nhận trách nhiệm đối với những hành động của họ. Một khi chấp nhận như thế, trách nhiệm của bạn có thể vơi đi.
Vì vậy, nếu bạn không muốn cuộc sống trở nên trống rỗng vô vị, giả dối, có vẻ bề ngoài, thiếu thực chất … nếu bạn không chấp nhận hoàn cảnh mà bạn đang sống thì bạn phải thay đổi. Bạn hãy soạn nên một vở kịch mới cho chính bạn. Bạn có năng lực để chọn lựa cuộc sống viên mãn.
Có lần người chị của Thánh Tôma Aquinô hỏi ngài: “Làm thế nào để lên thiên đàng?” Thánh nhân trả lời bằng mấy chữ không thừa không thiếu: “Hãy ao ước đi!”
Quyết định hằng ngày
Bạn còn nhớ chúng ta đã nói gì về hoán cải? Chúng ta đã nói đó là một sự quyết định hằng ngày. Chúng ta đã dùng tấm kiếng soi mặt để làm thí dụ. Chúng ta đã nói: Mỗi sáng mai, việc làm trước tiên là nhìn vào tấm kiếng soi trong khi rửa mặt và nói: “Hôm nay, tôi chọn lựa cuộc sống sung mãn.”
Đó là quyết định chúng ta làm, không chỉ một lần mà thôi, nhưng nhiều lần trong ngày, bởi vì chúng ta bất toàn và hay sai lầm. Chúng ta ngã xuống, chỗi dậy, phủi bụi và tiếp tục đi. Sự thất bại là một cản trở, nhưng không phải là một đại họa. Sự thất bại là một nấc thang bằng đá, chứ không phải một tảng đá chắn đường. Làm thế nào đạt tới sự viên mãn của cuộc sống? Hãy ước muốn đi!
Chúa Giêsu không dùng cụm từ sự viên mãn của cuộc sống. Chính đó là ngôn từ của tôi. Ngôn từ Ngài dùng là: “Tôi đã đến để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức.”
Ai là kẻ nghèo hèn hôm nay đây? Tất cả chúng ta là kẻ nghèo hèn. Chúng ta biết kẻ nghèo hèn là những người sống bằng của bố thí, sống đầu đường xó chợ, những kẻ thất nghiệp, sống bên lề xã hội. Chúng ta đã gặp kẻ nghèo hèn ở nơi thành phố chúng ta đang sống, trong những khu ổ chuột, trong những trại tị nạn. Nhưng kẻ nghèo hèn cũng là những người rơi vào sự trống rỗng của cuộc sống.
Cho phép tôi nêu lên vài câu hỏi. Nơi nào bạn cầu nguyện tốt nhất? Ở đâu bạn có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa? Ở đâu bạn có kinh nghiệm về sự vắng bóng của Ngài? Điều gì nơi Chúa Giêsu đã hấp dẫn bạn? Có phải đó là lòng can đảm, lòng tha thứ, tính độc lập, sự dịu dàng dễ mến, lòng khoan dung?
Những vấn nạn căn bản
Hãy đề cập tới sự mù lòa. Có rất nhiều thứ mù lòa ở góc xó trái đất chúng ta đang sống. Có nhiều người trẻ mù lòa đang trượt té chung quanh chúng ta, trong dòng đời.
Một đám đông tham dự buổi lễ tốt nghiệp tại Đại Học Toronto bị choáng váng khi một sinh viên tốt nghiệp – một sinh viên ưu hạng – vừa nhận lãnh văn bằng, đã xé toạc ngay. Anh tiến tới máy vi âm và cho biết sự giáo dục ở đại học trở nên vô nghĩa đối với anh, bởi vì không đáp ứng những vấn nạn căn bản mà anh và thế hệ của anh đang mong đợi. Hành động của anh xem ra hơi quá đáng, nhưng tôi không chắc có phải quá đáng không.
Khi một người trẻ tuổi hay già nua, lần đầu tiên khám phá ra rằng mình không có giá trị đích thực, có thể đó là một kinh nghiệm có sức tàn phá dữ dội. Người đó có lý do khi nói rằng người ta phải có những câu trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn căn bản trong cuộc sống. Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Tôi đi về đâu? Tất cả những cái đó liên hệ đến điều gì? Có đáng như vậy không?
Một người có lương tri không thể để những câu hỏi đó sang một bên, như thể không quan trọng gì. Đó là những câu hỏi quan trọng hơn tất cả, bởi vì tùy thuộc rất nhiều về phần trả lời. Dante đã cung cấp dữ kiện cho chúng ta suy tư khi ông viết: “Tôi thức dậy trong cánh rừng dày đặc, thật đen tối và không có ánh sáng đưa đường.” “Thức dậy trong bóng tối” là một hình ảnh cực mạnh nói về sự trống rỗng của cuộc sống.
Chúa Giêsu đã phán: “Tôi đến để trả lại tự do cho người bị áp bức.” Ai là người bị áp bức hôm nay đây? Nhiều người trẻ bị đè bẹp bởi những tương giao không lành mạnh. Nhiều người bị giam cầm bởi nghiện ngập ma túy, gian dối, hứa hão, bị áp lực của bạn bè.
Trong nhiều tổ chức, có những nhóm mà người ta không dám phát biểu ý kiến. Không phải vì có những chính sách hay luật lệ chống lại điều đó, nhưng nếu bạn nêu lên một số vấn đề nào đó, bạn sẽ bị trù yếm. Bạn phải xa lìa tổ chức đó hay bạn bè trong nhóm sẽ xem thường bạn.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, người mù lòa và kẻ bị áp bức. Điều đó có nghĩa như thế nào? Điều đó có nghĩa là bóng tối không thể chiến thắng được.
Sự chết chóc, sự bạo hành không thể thắng được. Cũng như sự thất vọng, ma túy, báo thù, đố kỵ… không thể thắng được. Những thứ đó có tiếng nói sau cùng trong ngày, trong giờ phút nào đó, nhưng không thể là tiếng nói cuối cùng của cuộc đời được.
Thứ Sáu Tuần Thánh không thể thắng thế. Cuộc sống không thể dừng lại trên đồi Can-vê. Cuộc sống phải đi vào sự Phục Sinh. Sự Phục Sinh đã chiến thắng!
Nếu có thể được, tôi sẽ trao cho bạn một chiếc áo thun. Đó không phải là chiếc áo thun thông thường. Đó là chiếc áo thun sẽ in khuôn mặt Chúa Giêsu trên đó. Ở bên trên và bên dưới khuôn mặt Ngài sẽ có chữ “Chết”. Và rồi Chúa Giêsu sẽ phán: “Ở đó. Làm đi. Đừng sợ.” Tôi tin tưởng đó là “Tin Mừng” mà Chúa Giêsu loan báo. Ngài loan báo rằng sự sợ hãi, sự thất bại, sự bị loại trừ, đau khổ và chết chóc có thể vượt qua được.
Trong thực tế, Ngài đang phán: “Thầy đã thắng những thứ đó và rồi Thầy cùng con, chúng ta có thể chiến thắng những thứ đó. Cùng nhau chúng ta có thể nói: ‘Ở đó. Làm đi. Đừng sợ.’”
Đó là sứ điệp Ngài muốn chúng ta làm chứng, không phải bởi sự việc chúng ta nói gì, nhưng bởi sự kiện chúng ta là ai. Lời nói sẽ mau quên. Cuộc sống là một sự lặp đi lặp lại không ngừng. Thánh Phan-xi-cô Assisi thường nói: “Hãy rao giảng Tin Mừng luôn luôn. Nếu có thể được, hãy mở miệng ra để rao giảng.”
LM Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ