Những người sản xuất vũ khí, tham nhũng, và buôn nô lệ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa
vaticaninsider.lastampa.it, Iacopo Scaramuzzi, 11-6-2014
Cuối buổi tiếp kiến với đề tài chính là “Ơn kính sợ Thiên Chúa”, giáo hoàng đã lên tiếng kêu gọi chống lại nạn bóc lột lao động trẻ em: “Hàng chục triệu trẻ em đang phải chịu nhiều loại nô lệ và bóc lột, cũng như bị xâm hại, ngược đãi, và phân biệt đối xử.”
Những người sản xuất vũ khí, những người bóc lột “lao động nô lệ”, những người tham nhũng, rồi cũng đến một ngày, “phải trả lẽ trước mặt Chúa”. Giáo hoàng Phanxicô nói tại buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, với lời kết thúc kêu gọi chống lại nạn bóc lột lao động trẻ em.
Giáo hoàng kết thúc bài nói chuyện ngày thứ tư với chủ đề “Ơn kính sợ Thiên Chúa”, một loạt suy tư về bảy “ơn Chúa Thánh Thần”. Mở đầu, ngài nói, kính sợ Thiên Chúa “không có nghĩa là sợ hãi Thiên Chúa, không, không phải vậy! Chúng ta biết Chúa là Cha, Đấng yêu thương chúng ta và muốn cho chúng ta được cứu độ, Đấng luôn tha thứ, luôn luôn tha thứ! Vậy nên chẳng có lý do gì để sợ hãi Ngài! Nhưng, kính sợ Thiên Chúa là ơn ban từ Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc chúng ta nhớ rằng mình nhỏ bé đến thế nào trước Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và rằng ơn ích của chúng ta nằm nơi tinh thần quy phục với lòng khiêm hạ, kính trọng và tin tưởng trong tay Ngài. Đây chính là kính sợ Thiên Chúa: từ bỏ bản thân để ở trong sự tốt lành của Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta biết bao.” “Kính sợ Thiên Chúa”, nói cách khác là, “mở lòng” để chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi sự là nhờ ơn Chúa và rằng sức mạnh thực sự của chúng ta nằm ở việc đi theo Chúa Giêsu, và để Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài.” Nghĩa là quả tim mở rộng, “để lòng bao dung, thương xót, tốt lành, và ân cần của Cha đến với chúng ta. Vì chúng ta là những đứa con được yêu thương vô cùng.”
Nhưng, giáo hoàng nói, “ơn kính sợ Thiên Chúa cũng là tiếng chuông báo động cho sự ngoan cố sống trong tội lỗi. Khi người ta sống xấu xa, phạm thượng chống lại Thiên Chúa, bằng hành động bóc lột người khác, khi họ áp bức người khác, khi chỉ sống vì đồng tiền, vì quyền thế, hay những thứ phù hoa danh vọng, thì lòng kính sợ Thiên Chúa lên tiếng báo cho chúng ta biết: “Hãy cẩn thận, với tất cả quyền thế, tất cả tiền bạc, tất cả danh vọng, và đủ mọi phù hoa này, ngươi sẽ không hạnh phúc!” Không một ai – giáo hoàng nhắc lại với tiếng đồng thanh của các tín hữu đang tề tựu kín Quảng trường Thánh Phêrô – có thể đem theo mình được cái gì về bên kia thế giới, tiền bạc, quyền thế, phù hoa, hay danh vọng, không một cái gì hết! Chúng ta chỉ có thể đem theo tình yêu mà Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta, sự trìu mến của Ngài mà chúng ta đã chấp thuận và đón nhận bằng yêu mến. Và chúng ta có thể đem theo những gì mà chúng ta đã làm cho người khác. Tôi nghĩ về những người đáng phải có trách nhiệm với tha nhân nhưng lại để mình tham nhũng thối nát: nhưng các bạn có nghĩ một người thối nát sẽ được hạnh phúc trong đời sau không? Không! Tất cả những thành quả từ thói tham nhũng đã làm thối nát tâm hồn người đó, và sẽ thật khó để đến được với Chúa. Tôi nghĩ về những người buôn người và nô lệ lao động: bạn có nghĩ những người này có mang tình yêu Thiên Chúa trong lòng không, những người đi bán buôn người, những người trục lợi bằng bắt người khác nô lệ lao động? Không! Những người không có lòng kính sợ Thiên Chúa, thì không hạnh phúc, họ không được hạnh phúc.” “Tôi nghĩ”, ngài nhắc lại một lần nữa, “về những người sản xuất vũ khi để kích động chiến tranh… các bạn nghĩ xem, đó là kiểu gì vậy! Tôi chắc rằng – giáo hoàng nhìn xuống các giáo dân – nếu tôi hỏi các bạn là: có bao nhiều người trong các bạn là người sản xuất vũ khí? Thì sẽ không có ai, không một ai, vì những người như thế không đến để nghe Lời Chúa. Họ sản xuất sự chết, họ buôn bán sự chết, họ xây dựng hệ thống phân phối sự chết. Có lẽ lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ cho họ hiểu ra rằng rồi sẽ đến một ngày tất cả sẽ chấm hết và họ phải trả lẽ trước mặt Chúa.”
Sau hai ngày “ốm nhẹ” đã làm cho Đức Phanxicô phải hủy một vài cuộc hẹn đã dự trù, hôm nay ngài đã xuất hiện ở buổi tiếp kiến chung. Đầu tiên ngài dừng ở Hội trường Phaolô VI, trước khi lên xe jeep để đến Quảng trường Thánh Phêrô thăm hỏi những người bệnh, rồi sau đó tiếp kiến qua màn hình, vì thời tiết quá nóng. Cuối buổi tiếp kiến, ngài đã lên tiếng kêu gọi theo tinh thần của Ngày Thế giới Chống nạn bóc lột lao động trẻ em sẽ được tổ chức vào ngày mai 12-6.
“Hàng chục triệu trẻ em… xin anh chị em nghe kỹ: hàng chục triệu trẻ em đang bị ép buộc phải làm việc trong những điều kiện mất phẩm giá, phải chịu nhiều kiểu nô lệ và bóc lột, cũng như bị xâm hại, đối xử tệ bạc, và phân biệt đối xử. Tôi thiết tha hy vọng cộng đồng thế giới có thể tăng cường thêm các bảo vệ của xã hội cho trẻ em, để triệt tận gốc tai họa. Chúng ta hãy làm mới lại cam kết của mình, đặc biệt là trong các gia đình, để bảo đảm rằng phẩm giá của tất cả trẻ em được tôn trọng và các em có thể lớn lên lành mạnh. Một tuổi thơ có hy vọng sẽ làm cho các em có cái nhìn tin tưởng vào cuộc đời và vào tương lai. Tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã mang Hài đồng Giêsu trên tay, hãy cầu với Mẹ cho các bé trai, bé gái đang bị bóc lột và xâm hại.” Và với lời kêu gọi, Đức Phanxicô đưa tay lên: “Tất cả hãy cùng nhau chống lại nạn bóc lột lao động trẻ em.”
Khi chào tạm biệt, giáo hoàng có nhắc đến những người tham dự hội nghị đạo đức và tài chính tại Augustinian (với chủ đề “ngày nay, tài chính thực sự cần có đạo đức”), nhắc đến các tín hữu tại Castel San Giovanni nhân lễ mừng bách niên sinh nhật của hồng y Casaroli (‘Casaroli, một người tốt!’, theo lời giáo hoàng), và nhắc đến các công nhân của nhà máy Fiat tại Pomigliano d”Arco đã đến để tặng ngài một chiếc Panda, loại xe duy nhất ngài dùng trong chuyến đi thăm thành Axixi.
J.B. Thái Hòa dịch