THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ
(Mt 16, 13-19)
HAI CỘT TRỤ CỦA GIÁO HỘI
Vẫn có một cái gì đó như nghịch lý và hết sức ngạc nhiên :” Một Phêrô chối Chúa ba lần. Một Phaolô bắt bớ Giáo Hội của Chúa “, thế mà Phêrô lại trở thành tông đồ trưởng và làm đầu Hội Thánh hoàn vũ, còn Phaolô trở nên vị tông đồ dân ngọai hết sức đặc biệt và nhiệt thành. Cái trớ trêu của con người, của thế gian vẫn là điều gì con người cho là khôn ngoan, Thiên Chúa lại cho là khờ dại và cái gì được con người gán ghép cho là dại khờ thì lại trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Bài học ấy, xem ra đúng ở đây: “ Đúng với trường hợp của Phêrô và Phaolô “.
HAI CON NGƯỜI. HAI CUỘC ĐỜI:
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, có lẽ, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có những câu chuyện, những dụ ngôn, những ví dụ làm cho ta cảm động đến rơi lệ, lại có những trường hợp làm ta dở mếu, dở khóc, dở cười…Chúa Giêsu dậy ta những bài học hết sức thực tế xẩy ra chung quanh cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn, Phêrô, một tông đồ đã đi theo Chúa từ những giây phút đầu khi Chúa bắt đầu sứ vụ công khai. Tin Mừng Matthêu viết :” Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông :” Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ( Mt 4, 18-19).
Thánh Phaolô phải mãi sau khi Chúa Giêsu phục sinh, khi ông đang hăm hở, hăng say bắt bớ các môn đệ, các tín hữu của Chúa, rồi ông bị Chúa đánh ngã ngựa và mù lòa trên đường đi Đamas. Thánh Phêrô đã chấp nhận sự yếu đuối của mình, chối Chúa ba lần, nhưng Phêrô đã hiểu được ánh mắt nhân hiền của Chúa, đã hiểu được lòng thương xót vô bờ của Chúa Giêsu. Phêrô đã khóc lóc, ăn năn sám hối, quay trở về với Chúa. Chúa tha thứ và vẫn tin tưởng, yêu thương ông, đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Phaolô khi ngã ngựa té nhào, khi cảm thấy thân phận yếu đuối, đôi mắt mù lòa, đã thưa với Giêsu :” Lạy Ngài, Ngài là ai ?” ( Cv 9, 5 ). Chúa đã chọn Phaolô làm tông đồ cho các dân ngoại như lời Chúa phán với Khanania :” …Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngọai, các vua chúa và con cái Irsaren “( Cv 9, 15 ). Phêrô và Phaolô là hai người khác biệt nhau, hai tính khí khác nhau, hai trình độ, hai nền giáo dục đào tạo của hai gia đình khác nhau. Phêrô xuất thân trong giới lao động, làm nghề chài lưới biển, còn Phaolô xuất thân từ một gia đình giàu có, thượng lưu, học thức. Tuy nhiên, cả hai đã vì tình yêu hòan toàn dành để cho Chúa, cho Giáo Hội, cho tha nhân, do đó họ quên đi mọi bất đồng để tất cả dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và tha nhân.
PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ LÀ HAI TRỤ CỘT VỮNG BỀN CỦA HỘI THÁNH:
Đi theo Chúa Giêsu, được Chúa tin tưởng, yêu thương, cất nhắc làm đầu Giáo Hội hoàn vũ, Phêrô đã hết lòng chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Hội Thánh. Phêrô là Kêpha, tức đá tảng Chúa dùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian. Với bao nhiêu sóng gió, con thuyền của Giáo Hội vẫn đến bến bình an. Phêrô vẫn vững tay chèo, vững tay lái. Phaolô trở lại đạo, kiên vững trong lòng tin, hăng say loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hai thánh Phêrô và Phaolô đã luôn bổ túc cho nhau để làm cho Hội Thánh sống động nhờ lời rao giảng của hai Ngài. Các Ngài đã trở nên nền tảng vững chắc của Hội Thánh sơ khai.
Với công đức lớn lao, với tấm gương đức tin sâu xa, hai thánh Phêrô và Phaolô đã dậy cho nhiều người sống đức tin và nhận ra Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa của họ. Cả hai thánh đã được vinh dự chết tử vì đạo tại Roma. Thánh Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.
Hôm nay, chúng ta cũng mừng mầu nhiệm Giáo Hội được xây dựng trên nền móng của các Ngài. Chúng ta cầu xin các Ngài bầu cử cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta luôn vững lòng tin nhờ lời giảng dậy của các Ngài và nhờ gương sáng của các Ngài để lại hầu chúng ta luôn sống trong tình hiệp nhất, yêu thương và bác ái như Chúa Giêsu đã cầu xin:” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “ ( Ga 17, 23 ).
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin. Xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ).
Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT