Tôi vào chùa tu học. Từ khi còn bé tôi đã thắc mắc tại sao linh hồn người chết có thể về ăn đồ cúng? Tại sao khi sống thì người ta bất lực nhưng sau khi chết thì linh thiêng và có thể phù hộ hoặc gieo họa cho bà con thân quyến? Những thắc mắc này thúc đẩy tôi vào chùa tu học.
Trong chùa có bàn thờ một vị Bồ tát có nét mặt dữ tợn, cái lưỡi của ông dài hơn lưỡi rắn. Tên ông là Tiêu Diện Đại Sĩ. Theo giáo lý nhà chùa thì đây là vị thần cai trị các linh hồn vất vưởng đói rách không được ai cúng thức ăn. Mỗi buổi chiều nhà chùa cúng một bát cháo lỏng đặt ngay bàn thờ ông Tiêu Diện và tụng bài kinh Thí Thực. Niềm tin này rất thich hợp với người bình dân Việt Nam.
Tôi đã học giáo lý đạo Phật để tìm giải đáp, nhưng càng học càng có thêm những thắc mắc khó giải thích hơn. Ví dụ có chùa chuyên làm bùa Quang Minh và bùa Hải hội, để giải oan cho những linh hồn nghiệp nặng, chết nhầm vào ngày xấu. Ngày nay nhiều chùa bói toán xin quẻ. Là một tu sĩ tôi phải học nhiều giới cấm. Càng nhiều giới cấm người ta càng dễ phạm giới. Vì thế có một giới cấm đặc biệt là tu sĩ cấp dưới không được tò mò giới luật của tu sĩ cấp trên. Mỗi sáng thức dậy, ai quên đọc câu thần chú trước khi đặt chân xuống đất là mắc tội sát sanh, vì vô ý đạp chết côn trùng trong ngày đó. Hoặc quên đọc câu thần chú uống nước, là mắc tội ăn thịt 8 vạn bốn ngàn con vi khuẩn trong một ly nước. Cạo đầu mà không đọc thần chú cũng có tội. Ở chùa ăn nhiều rau. Lắm lần tôi thấy sâu chết trong rau muống luộc. Luộc những nồi rau to tướng như thế là giết rất nhiều sinh vật, thế nhưng không ai học câu thần chú luộc rau cả.
Ngày xưa Đức Phật cấm nam tu sĩ đứng tiểu tiện, nhưng sau đó dân chúng tưởng rằng tất cả đệ tử của Phật là phụ nữ, Đức Phật phải hủy giới cấm ấy để tránh hiểu lầm. Vì giới luật nhà tu quá chi li, nên không ai giữ được trọn vẹn một giới luật nào cả. Chẳng ai muốn tiết lộ sự phạm giới của mình. Đáng tiếc là đạo Phật không nhìn nhận một cách minh bạch về vấn đề tội lỗi. Để phá chấp người tu sĩ cấp cao, học về ý nghĩa của sự phi giới và cao hơn nữa là vô phi giới. Mỗi khi ăn cơm, người tu hành đọc ba câu thề nguyện mà không một ai tin mình làm được. Thậm chí người ta đọc quen đến nỗi không cần một ý niệm tha thiết chân thành. Một là từ bỏ tất cả việc ác (nguyện đoạn nhất thiết ác) . Hai là làm trọn tất cả việc lành (nguyện tu nhất thiết thiện). Ba là hóa độ tất cả chúng sanh (thề độ nhất thiết chúng sanh).
Khi học đến giáo lý cao siêu, tôi được dạy rằng không có tội lỗi, không ai tha tội cho ai, không có địa ngục, không có niết bàn, không ai dựng nên vũ trụ vạn vật mà chỉ do tâm con người tạo ra. Giáo lý nhà Phật không tin vào Đấng Tạo Hóa, không tin nguyên nhân khởi đầu, mà chỉ tin vào lý nhân duyên điệp trùng tiếp nối, khiến vạn vật lưu chuyển như là đang hiện hữu. Vạn vật vốn là vô thủy vô chung, không có cái gì vĩnh cửu (vô thường). Tâm con người chấp vào đâu thì có vào đó, chứ thật ra chẳng có cái gì hiện hữu thật sự. Ngay cả tôi đây cũng không phải là tôi. Phần đông tín đồ Phật giáo không hiểu giáo lý của Phật, mà chỉ nghe theo các vị tu sĩ. Đạo Phật cho rằng đời là bể khổ. Có tám nguyên nhân chính gây ra đau khổ: Sinh khổ, Lão khổ, Bịnh khổ, Tử khổ, thương yêu mà không được gần nhau là khổ (ái biệt ly khổ), ghét nhau mà phải gần nhau là khổ (oán tăng hội khổ), Ước muốn không thành là khổ (cầu bất đắc khổ), Thân thể và tâm hồn mất thăng bằng là khổ (ngủ ấm thạnh khổ).
Giáo lý quan trọng đầu tiên của đạo Phật là Chân Lý Của Sự Đau Khổ. Muốn diệt đau khổ thì phải diệt sanh sản (diệt dục), diệt già nua (diệt lão), diệt bịnh tật, diệt sự chết. Nhưng chưa đủ, còn phải diệt thương yêu (ái nghiệp), diệt ham muốn (tham), diệt giận hờn (sân si). Muốn diệt khổ tuyệt đối thì phải diệt luôn cả ý muốn thành Phật (vì ai muốn thành Phật là còn tham). Đạo Phật tin vào luật quả báo thiện ác, nhưng không chấp nhận ai là đấng tạo ra luật quả báo thiện ác công minh, cũng không giải thích luật nhân quả công minh này từ đâu mà ra.
Tôi cần mẫn học từng bậc, đến khi tốt nghiệp trường đào tạo tăng tài Phật Học Viện Nha Trang. Tôi tự cảm thấy mình đi tu như thế vẫn không tiêu diệt bớt tội lỗi trong tôi. Chưa kịp tiêu diệt tội cũ, tội mới ló mặt ra trong tôi. Nếu có địa ngục, chắc tôi phải vào trước nhất. Làm một ông thầy tu phải biết che dấu tội lỗi để được các đệ tử thờ lạy khi mình còn sống. Người tu hành sau khi đã lên đến bực Đại Đức, thì khó hoàn tục vì được sự kính trọng quá cao và hưởng nhiều ưu đãi quá lớn.
Tôi cởi áo nhà tu. Tự xét lấy mình, tôi đã từng thất vọng trong con đường tu. Đã có khi tôi cảm thấy cần tìm một cái chết, để giảỉ quyết ngõ bí trong tâm hồn mình. Nhưng sau bao năm quen sống trong chiêc áo tu hành, tôi trở thành người thanh niên khờ khạo, vụng về, không thăng bằng và thất bại. Ý nghĩ tự tử càng dễ xuất hiện trong tôi. Một cuộc đời rắc rối đầy rủi ro và thất bại như thế thì chẳng có gì đáng sống nếu theo con mắt phàm tục.
Lúc đầu tôi không có thiện cảm với Kinh Thánh, nhưng lạ thay, càng đọc Kinh Thánh, tôi càng thấy lời dạy của Chúa là rõ ràng và thực tế hơn giáo lý nhà Phật. Kinh Thánh nói về sự sáng tạo vũ trụ và Đấng Sáng Tạo, trong khi đạo Phật dạy rằng không ai dựng nên vũ trụ mênh mông vô lượng này cả, mà chỉ do tâm con người chấp có nên mới có. Kinh Thánh dạy rằng Chúa là tình yêu, trong khi đạo Phật dạy rằng yêu là một sự cảm thọ, là ái nghiệp. Chúa dạy về tội lỗi, nguồn gốc của tội lỗi, quyền năng tha tội và cách giải quyết vấn đề tội lỗi tận gốc để chiến thắng điều ác. Nhưng đạo Phật dạy rằng tội bổn tánh không (tội lỗi vốn là không), không ai tha tội cho ai, con người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi. Chúa dạy phải hiếu kính cha mẹ khi họ còn sống với mình, còn đạo Phật dạy cắt ái từ sở thân (lìa bỏ tình thương cha mẹ) như Đức Thích Ca đã lìa bỏ cha mẹ vợ con, nhưng lại thờ cúng cha mẹ sau khi họ đã qua đời. Chúa dạy chúng ta lấy thân thể mình làm đền thờ Ngài, nhưng Phật giáo dạy sự thờ phụng hình tượng trên bàn thờ gỗ, đá, xi măng. Chúa dạy con người dâng lời cầu nguyện để mở lòng tương giao với Chúa, nhưng Phật giáo dạy dâng nhang đèn, trầm hương lễ vật lên hình tượng, để bày tỏ lòng thành. Chúa mặc khải ơn cứu rỗi để giải phóng con người ra khỏi bản tính tội lỗi trước, rồi sẽ học làm điều lành sau; nhưng Phật giáo dạy rằng con người phải giữ giới cấm, để tự làm cho mình trở nên toàn thiện, không cần ơn thiên thượng.
Trên thực tế, con người dễ làm ác khó làm điều lành. Có những tu sĩ thật tâm tu niệm, họ tự cấm khẩu hàng tháng trời, cũng có vị tự nhập thất giam mình hàng tháng trong phòng kín để ngồi thiền hoặc tụng kinh. Nhưng bản chất của tội lỗi trong con người không thể xóa sạch bằng hành vi hãm mình khổ hạnh. Lắm khi vì hãm mình khổ hạnh, người tu sĩ vấp phải những tội lỗi kỳ cục hơn người ngoài. Trong giới tu sĩ Phật giáo có nhiều người tốt, nhưng người tốt chưa hẳn là người chiến thắng tội lỗi của mình. Thậm chí có người biết mình tu không được, đã từng đốt từng ngón tay để thề nguyện, quyết tâm tu; hoặc tự chặt đứt bộ phận kín của mình, nhưng sau đó vẫn phạm giới rất thê thảm. Chỉ có người quyết chí đi tu mới phải đau lòng khi thấy mình không làm sao tu được. Nhưng đa số tu sĩ khó rời chiêc áo, vì quyền lợi của một bậc tu hành trong Phật giáo quá lớn.
Người Phật tử phải thờ ba ngôi Tam bảo : Phật Bảo (tất cả các Đức Phật), Pháp Bảo (tất cả giáo lý nhà Phật), Tăng Bảo (hàng ngũ tu sĩ). Hồi đó tôi sợ nhất là mình được xếp vào hàng ngũ đáng tôn thờ, vì tôi nghĩ đây là lý do khiến tôi dễ vào địa ngục nhất. Khi ngồi trên cao cho hằng trăm người khác lạy, làm sao người ta thể hiện đức khiêm nhường và vô ngã trong thâm tâm? Cầu nguyện Chúa có kết quả, tôi phải tin .
Khi đọc Kinh Thánh, tôi thấy lời Chúa dạy rõ ràng và đơn giản. Nếu mình thật lòng thực hành là có thể thấy kết quả đúng hay sai. Lúc đầu tôi chỉ làm thử; nếu đúng tôi tin, nếu sai tôi bỏ Kinh Thánh. Sau khi tôi đã thử cầu nguyện âm thầm một mình, theo lời dạy của Chúa trong sách Gioan: 3:16. Chúa đã ban cho tôi những phép lạ thật kỳ diệu và thật là cụ thể. Bước đầu tiên tôi không dám tin lắm, nhưng nhiều lần cầu nguyện có kết quả tôi phải tin. Ngày nay tôi sống trong Đức Tin của Chúa, sự cầu nguyện và kết quả của sự cầu nguyện chẳng khác gì mình thụ hưởng thức ăn điều độ và hít thở khí trời trong lành, ắt phải có sức khoẻ tốt cho mình mà thôi. Sau khi trở về trong Chúa, tôi được Chúa thay đổi bản tính tội lỗi, để được mặc vào bản tính mới: tự do, nhẹ nhàng, khoan khoái thật là tuyệt vời. Chúa cho tôi đắc thắng tội lỗi mà không kiêu ngạo và Chúa cũng cho tôi thấy cái vực thẳm giữa sự thanh khiết và tội lỗi là rất mong manh, nhưng hai thế giới ấy cách xa nhau lắm. Mỗi ngày sống trong Chúa quả thật là quý báu. Dù bị thế gian hiểu lầm, bị xuyên tạc, tôi vẫn là một người hạnh phúc và yêu quý mọi người. Không thất vọng, không nghi ngờ, tôi vui thỏa từng giờ, từng ngày. Đó là sự bình an, sự yên nghỉ mà Chúa hứa ban cho bất cứ ai muốn đi theo Ngài. Tôi tiếp tục sống với Lời Chúa và nhận được những kết quả vô cùng lớn lao. Khi cầu nguyện linh hồn tôi bình tĩnh, tỉnh táo, nhẹ nhàng, khiêm hạ và thực tế chứ không mù mờ như khi ngồi thiền trước đây. Bản tánh nhân từ thánh khiết của Chúa, được bồi đắp thêm trong con người mới của tôi mỗi ngày rất cụ thể. Đây là những kết quả quý báu, để làm bằng chứng về nước Thiên đàng mai sau như lời Chúa hứa.
Đối chiếu Phật Học và Kinh Thánh, nhất là kinh nghiệm tu hành theo đạo Phật với kết quả kỳ diệu trong Đức Tin Chúa ban cho tôi, tôi nhận thấy rằng Thái tử Tất Đạt Đa là một người thiết tha tìm con đường giải thoát, sau bốn lần ra khỏi cung vua để nhìn thấy cuộc đời toàn là đau khổ. Với bản tính một người Ấn Độ, thái tử đã suy niệm sâu xa về sự huấn tập đức tánh xấu trong con người, nhưng thái tử chưa thấu đạt nguyên nhân của sự huấn tập ấy, là tội lỗi của con người như Kinh Thánh đã nói rõ. Vì thế thái tử cho là nghiệp lực thay vì là tội lỗi. Tiếc thay thời đó Kinh Thánh Cựu Ước chưa được truyền qua Ấn Độ, mặc dù thái tử đã học nhiều tôn giáo khác nhau. Là một người thông minh vượt bực, lại có lương tâm nhạy bén, thái tử Tất Đạt Đa không thỏa mãn với những luồng tư tưởng và tôn giáo nặng thần bí theo văn hóa Ấn Độ. Sáu năm đầu sau khi từ bỏ hoàng cung để quyết chí tu học, thái tử đã thất bại với pháp môn khổ hạnh đầu đà. Rốt cuộc thái tử Tất Đạt Đa cương quyết ngồi thiền bên bờ sông Ni Liên. Ngài thề rằng : Nếu ta không tìm ra chân lý thà chết chứ không đứng dậy khỏi chỗ này. Khi ngồi thiền, thái tử đã thấy những hiện tượng nội tại như ngày nay nhiều người ngồi thiền cũng đã thấy. Từ đó Ngài nghĩ rằng mình đã thành Phật. (Ngày nay nhiều người ngồi thiền cũng đã tự xưng mình đã thành Phật). Giáo lý của Ngài đã bị các thế hệ sau thêm thắt quá nhiều, khiến cho mâu thuẫn và bị mê tín hóa. Ví dụ Phật giáo Việt Nam có nhiều điều không bà con gì với Phật giáo Ấn độ. Các bộ kinh của Phật chỉ được truyền khẩu qua nhiều thế kỷ, trước khi được ghi lại bằng trí nhớ của môn đệ. Đó là lý do khiến kinh Phật bị thất bản và bị thêm thắt thành thiên kinh vạn quyển, khiến nhiều người học đạo đã lạc đường rồi mà vẫn chưa hay biết gì cả, hoặc có biết phần nào cũng cam chịu nhắm mắt đưa chân. Phần đông người ta không đủ can đảm để tự hỏi đâu là chân lý ngoài các nghi thức cố chấp và triết lý mơ hồ. Vì không có chân lý, những mâu thuẫn sờ sờ cũng không ai màng che đậy. Ví dụ nghi thức quy y thì có ba câu thề nguyện, câu đầu là Qui y Phật, tôi thề sẽ không quy y, trời, thần, quỷ vật, nhưng câu nói đầu tiên ở cửa miệng người ta là Cầu Trời, khẩn Phật. Nghĩa là cầu Trời trước, khẩn Phật sau. Còn thờ lạy thì thờ lạy đủ các loại thần mà họ không biết, kể cả thần Quan Công, thần Hộ Pháp, thần chú, thần hoàng thổ địa, thần cô hồn các đẳng.
Kinh nghiệm theo Chúa của tôi . Sau khi tin Chúa, mọi thắc mắc của tôi đã được Kinh Thánh giải đáp cả ba mặt: thân thể, tâm trí và tâm linh. Tôi đã nhận được nhiều phép lạ lớn lao. Bản thân tôi được Ngài chữa lành bịnh. Những thói hư tật xấu của tôi được loại bỏ, để được thay thế vào những đức tánh mới mẻ, nhân từ, thánh khiết từ Chúa mà tôi không cần phải khổ công tu luyện như trước đây. Giải đáp lớn nhất đối với tôi là sự hiện diện của Chúa Thánh thần trong con người vốn tầm thường yếu đuối của tôi, để làm cho tôi nên mạnh mẽ. Chúa đã cho tôi kinh nghiệm sống để biết Kinh Thánh là Lời sống trong năng quyền của Chúa Thánh Thần chứ không phải là lý thuyết suông. Để mạc khải ơn tha thứ, trước hết Ngài đã tha tội cho tôi. Để mạc khải tình yêu thiêng liêng, trước hết Ngài đã yêu tôi và gánh chịu tội lỗi cho tôi trên thập giá. Tình yêu của Chúa là một bản tính thực tế đầy hiệu năng trong cuộc sống thường nhật, chứ không chỉ là một sự diễn tả bằng lời nói hay chữ viết. Với những bằng chứng thực tế này, tôi quả quyết tiếp tục vui mừng và tin cậy Chúa như những gì Ngài dạy trong Kinh Thánh, dù hôm nay tôi chưa nhìn thấy hết. Chúng ta có thể tu và sửa cái phong cách bề ngoài cho tốt đẹp, nhưng bản tính tội lỗi bên trong thì không thể nào tự sửa chữa được.
Vì thế Ngài ban Con Một của Ngài đến thế gian để gánh cái ách tội lỗi cho chúng ta. Điều đáng tiếc là còn nhiều người đang khước từ ơn cứu rỗi của Chúa. Ai muốn giải quyết nguồn gốc tội lỗi thì phải quay về với Đấng dựng nên chúng ta. Ngài có quyền xét đoán chúng ta và cũng có quyền tha thứ cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Ảnh Tượng của Ngài, nhưng chúng ta phạm tội nên đã đánh mất Ảnh Tượng thiêng liêng của Ngài.
Tôi thành tâm tha thiết kêu gọi anh chị em từ mọi tôn giáo, văn hóa và dân tộc nên mạnh dạn trở về trong Chúa để nhận ơn tha tội, để được tái sinh, để được sống đời đời và được nhận lại bản tính nhân lành của Cha thiêng thượng.
Giuse Bartolomeo Bùi Ngọc Thắng.
21226 Somerset Park Ln
Katy, TX 77450.
(713) 820 - 1470