CHÚA THÁNH THẦN NƠI ĐỨC KITÔ
Chúa Thánh Thần không tự tỏ mình ra, hay có chăng thì cũng chỉ qua các hành động của Người mà thôi. Hành động của Người tỏ hiện trong Hội thánh và nhất là trong cuộc đời của Đức Ki-tô.
Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà
Ngày thiên sứ báo tin cho Đức Ma-ri-a là Người sẽ thụ thai và sinh một con trai, Đức Mẹ đã vô cùng bối rối. Nhưng liền sau đó, thiên sứ đã trấn an Người và nói : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà." (Lc 1,35) bởi vì "Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần." (Mt 1,20).
Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Ma-ri-a để Đức Ma-ri-a trở thành người mẹ đồng trinh của Con Thiên Chúa. Đây là một biến cố lạ lùng, vô tiền khoáng hậu. Sở dĩ có biến cố phi thường này cũng là vì Đức Ki-tô, để chuẩn bị cho mầu nhiệm nhập thể của Người.
Các tầng trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người.
Lại một biến cố quan trọng khác, khi Đức Ki-tô bắt đầu ra truyền đạo. Biến cố này cũng ghi dấu sâu đậm của Chúa Thánh Thần trên đời sống của Người. Cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại biến cố này : Mt 3,16 ;Mc 1,10 ; Lc 3,21-22 và Ga 1,32-34. Một lần nữa Chúa Thánh Thần hiện xuống để Đức Giê-su được nhận biết và hành động như Đấng Mê-si-a. Nhưng không phải đợi tới lúc này, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần mới xuất hiện, mà thực ra Người vẫn ngự tự đời đời nơi Đức Giê-su và từ khi Đức Giê-su là bào thai rồi. Lần này Chúa Thánh Thần ngự đến vào giai đoạn khởi đầu cuộc đời truyền đạo của Đức Ki-tô là muốn làm nổi bật chiều kích mới của một sứ vụ mới, cũng giống như cộng đồng Giê-ru-sa-lem nhận được Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,4.38) và lại được Chúa Thánh Thần viếng thăm một lần nữa, sau cơn bách hại đầu tiên, để thi hành một sứ vụ mới : "Ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa." (Cv 4,31)
Thần Khí Chúa ngự trên tôi
Trong hội đường Na-da-rét, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đọc một đoạn sách I-sai-a trong đó có câu vừa trích dẫn : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn..." (Lc 4,18-19)
Trong Cựu Ước, xức dầu là cử chỉ lựa chọn để giao cho một chức vụ quan trọng. Chỉ vua, ngôn sứ và tư tế mới được xức dầu. Người được xức dầu là người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm công việc Người giao phó. Ngôn sứ Sa-mu-en xưa đã xức dầu cho Đa-vít. Sau khi Đa-vít được xức dầu, Thần Khí Chúa đã đổ xuống trên cậu. Đối với Đa-vít, xức dầu bên ngoài là dấu chỉ Thần Khí được ban xuống bên trong ; còn đối với Đức Giê-su không có dấu hiệu gì bên ngoài chứng tỏ Thần Khí đã được ban xuống trên Người, ngoài dấu hiệu chim bồ câu trong ngày Người chịu phép rửa. Sở dĩ như vậy, vì Cha Người đã ban Thần Khí cho Người ở mức vô cùng sung mãn : "Vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn." (Ga 3,34). Vì thế câu của ngôn sứ I-sai-a có thể được diễn nghĩa như sau : từng giây từng phút trong đời mình, Đức Ki-tô hằng được Thần Khí linh hoạt và thúc đẩy. Và Người có thể nói : "Thần Khí của Cha ở trên tôi, bởi vì Người đã làm cho tôi thành Ki-tô, người được xức dầu." Do đấy, cũng có thể tóm gọn câu của ngôn sứ I-sai-a nói trên thành một mệnh đề về việc truyền giáo và những người được thừa hưởng ân huệ truyền giáo như sau :
Nội dung truyền giáo là dem Tin Mừng, loan báo ơn cứu độ và làm cho sáng mắt, trả lại tự do, loan báo một năm hồng phúc. Những người được thừa hưởng là những người nghèo, người tù tội, người mù, người bị áp bức.
Khi dạy đạo cho ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô đã nhắc cho ông phép rửa của Đức Giê-su và cho ông biết : "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người." (Cv 10,38). Đức Giê-su được gọi là Ki-tô. Ki-tô là Đấng được xức dầu. Từ này bao hàm trọn vẹn đức tin của chúng ta, vừa chỉ Đức Giê-su, vừa gắn liền Đức Giê-su với Chúa Cha là Đấng xức dầu thánh hiến và sai Người đi, đồng thời cũng chỉ Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho Người nói năng và hành động.
Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa
Cả ba Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca đều thuật lại phép rửa của Đức Giê-su và nói đến thời gian Người ở trong hoang địa và bị quỷ Xa-tan cám dỗ. Thánh Thần đưa Người vào hoang địa và để cho Người bị cám dỗ. Tại đây Chúa Thánh Thần đã hoạt động quyết liệt nơi con người Đức Giê-su. Lần lượt Đức Giê-su đã phải đối phó với mọi hình dạng của sự dữ. Trước khi ra tay hành động, Người đã chiến đấu chống lại kẻ là hiện thân của sự dữ. Người đã chiến thắng trong cuộc đối đầu này, nhưng kẻ thù của Người vẫn chưa chịu thua và còn đeo đuổi Người mãi cho đến khi Người chịu khổ hình. Như vậy trong hai thời điểm : chịu phép rửa và bị cám dỗ đã cô đọng lại tất cả phần cốt yếu cuộc đời Đức Giê-su, nghĩa là :
- Chúa Thánh Thần ngự nơi Người : Người là Con chí ái của Chúa Cha.
- Chúa Thánh Thần hành động nơi Người : Người có mặt ở trần gian để đánh bại sự dữ.
Nơi Đức Ki-tô, Thánh Thần xuất hiện như sức mạnh chiến thắng, vì xua trừ được quỷ dữ (Mt 12,28). Thần Khí và sức mạnh liên kết chặt chẽ với nhau (Cv 10,38 ; 1Cr 2,4 ; Ep 3,16). Chúng ta nên nhớ những đoạn này khi nghĩ đến Chúa Thánh Thần là bạn nghĩa thiết của tâm hồn chúng ta, để thêm tin tưởng vào quyền năng và sức mạnh của Người. Người vừa mạnh mẽ lại vừa dịu dàng như làn gió. Người dịu dàng nhưng không mềm yếu.
Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng
Cũng như ông Gio-an Tẩy Giả "đã nhảy lên vui sướng" (Lc 1,44) thì Đức Giê-su cũng "hớn hở vui mừng" (Lc 10,21) dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Người nói :
"Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha." (Lc 10,21).
Đức Giê-su vui và từ niềm vui do Chúa Thánh Thần tác động này, Người còn nói thêm mấy câu và những câu đó cho thấy sự thân mật rất thâm sâu giữa Chúa Cha và Người :
"Không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."(Lc 10,22).
Chúa Thánh Thần trong cuộc Thương khó và Phục sinh của Đức Ki-tô
Bên ngoài xem như Chúa Thánh Thần vắng bóng trong cuộc Thương khó của Đức Ki-tô, để cho bản tính nhân loại của Đức Ki-tô phải vật lộn với đau khổ và cô đơn cũng như nhục nhằn và tủi hổ. Nhưng đọc thư Do Thái, nhất là câu : "Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa," (Dt 9,14) người ta không thể nghĩ như thế được.
Đức Ki-tô có chịu nhục nhằn đau khổ thì đó cũng là do Chúa Thánh Thần thúc đẩy để trở nên của lễ vẹn toàn. Vì vậy trong cuộc Thương khó, Chúa Thánh Thần hiện diện một cách linh thiêng, nhiệm mầu, kín đáo.
Các tác giả đều tường thuật cuộc Thương khó và cho biết khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Ki-tô đã thốt ra một tiếng kêu lớn.
Hơi thở của con người là sinh khí. Hơi thở đó từ Thiên Chúa mà ra. Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa thở sinh khí vào con người và con người có sự sống. Hơi thở bắt đầu từ Thiên Chúa và cũng trở về cùng Thiên Chúa. Vì vậy trong Thánh vịnh mới có câu : "Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con." (Tv 30,6). Hồn con ở đây là hơi thở. Trong Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, hơi thở cũng là Thần Khí. Người trở về cùng Chúa Cha, sau khi đã hiến mình làm lễ tế. Người trao cho Chúa Cha tất cả những gì thuộc về Người : đời sống của Người cũng như Thần Khí ngự nơi Người. Thánh Gio-an đã diễn tả giây phút lìa đời của Đức Ki-tô một cách rất trang trọng :
"Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : "Thế là đã hoàn tất !" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí." Ga 19,29-30).
Như vậy là có Chúa Thánh Thần trong cuộc Thương khó của Đức Ki-tô và cũng có Chúa Thánh Thần trong cuộc Phục sinh của Người. Chúa Thánh Thần làm cho Đức Ki-tô phục sinh cũng như làm cho Người thành bào thai trong lòng Đức Trinh Nữ, nhờ vậy, Người được đầy quyền năng xứng với địa vị là Con Thiên Chúa và là Chúa Ki-tô. "Xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng." (Rm 1,4).
Bởi thế, khi nói đến Chúa Thánh Thần nơi Đức Ki-tô là nói đến những điều sau đây :
- Chúa Con xuống trần gian.
- Đức Giê-su trở thành "Ki-tô" và được Chúa Cha sai đi làm sứ vụ.
- Đức Ki-tô đối đầu với sự dữ và chiến thắng vẻ vang.
- Người Con chí ái hân hoan kết hiệp mật thiết với Cha mình.
- Đấng bị đóng đinh hy sinh mạng sống và trao lại Thần Khí cho Hội thánh.
- Đức Giê-su chỗi dậy từ trong kẻ chết và lãnh nhận đầy đủ tước vị là Chúa.
Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy công trình lớn lao của Chúa Thánh Thần, khiến chúng ta không thể coi thường và dửng dưng với Người được, mà phải gắn bó và đặt hết lòng tin tưởng nơi Người.
Đỗ Xuân Quế, Lm.