Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội
Tam vị nhất thể: Thiên Chúa Ba Ngôi
Mỗi lần chúng ta bắt đầu cử hành thánh lễ là tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu giống như cử hành Bữa Tiệc Ly vào đêm trước khi Ngài chết cho tội lỗi của chúng ta, với lời của thánh Phaolô:“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13:13). Mầu nhiệm trung tâm của Công giáo là Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa (đồng bản thể). Công đồng đại kết II tại Constantinople năm 381 (TCN) tuyên xưng đức tin của các thánh Tông đồ khi chúng ta đọc: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha”. Thánh Tiến sĩ Giáo hội vĩ đại Athanasiô diễn tả điều này trong tín điều: “Đây là tín điều Công giáo: Chúng ta tôn thờ Một Tình cảm Ba Ngôi và Ba Ngôi hiệp nhất, không thể lầm lẫn ba người hoặc phân chia bản thể; vì Ngôi Cha là một, Ngôi Con là một, Ngôi Ba là một; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một, vinh quang ngang bằng vĩnh hằng uy nghi”.
Kế hoạch của Thiên Chúa là công việc của Ba Ngôi trong Chúa Thánh Thần
Giáo lý Công giáo dạy chúng ta rằng: “Toàn bộ cơ cấu tổ chức của Thiên Chúa [kế hoạch của Thiên Chúa đối với loái người] là công việc chung của cả Ba Ngôi. Vì Ba Ngôi chỉ là Một và bản chất giống nhau cũng chỉ là Một và hoạt động giống nhau”. Chúa Thánh Thần hiện diện qua lịch sử cứu độ từ khởi nguyên cho tới tận cùng. Như vậy, Chúa Thánh Thần được coi là ở giữa Môsê và Ítraen khi họ vượt qua Biển Đỏ và khi sứ thần Gabriel đến với Đức Mẹ, ngài nói: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự trên Chị và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Chị, vì thế Thánh Tử sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. Khi Mẹ Maria làm theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và đi thăm chị họ Êlizabét, thánh Luca nói với chúng ta: “Khi Êlizabét nghe lời chào của Maria, Hài nhi liền nhảy mừng trong lòng. Êlizabé được đầy Chúa Thánh Thần và kêu lớn tiếng: Em có phúc hơn mọi phụ nữ và Con lòng Em đầy phúc lạ”. Thánh Phêrô tuyên xưng ở Mt 16:16, khi Chúa Giêsu hỏi ông nói Ngài là ai, ông thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hàng sống”, và Chúa Giêsu nói đó là những lời đến từ Chúa Cha, chắc chắn nhờ Chúa Thánh Thần. Giáo lý cũng ghi chú: “Mọi người tôn vinh Chúa Cha thì cũng tôn vinh Chúa Con qua Chúa Thánh Thần; những người theo Chúa Kitô cũng vậy vì nhờ Chúa Cha thu hút và Chúa Thánh Thần thúc đẩy” (x. Ga 6: 44; Rm 8: 14). Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài ở trong tình yêu và ở trong Thiên Chúa”. Thiên Chúa có thể trở nên giống như sự trao đổi tình yêu vĩnh hằng – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng đã tiền định Nhiệm thể Chúa Kitô chia sẻ sự trao đổi đó.
Những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu đem lại lời hứa của Chúa Thánh Thần
Trong bài giảng cuối cùng của Ngài với các môn đệ, chương 14 trong phúc âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói: “Những gì anh em xin, hãy nhân danh Thầy mà xin. Nếu anh em yêu mến Thầy và tuân giữ giới răn Thầy truyền ban, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban co anh em Đấng Phù Trở (Paraclete) khác đến ở với anh em luôn mãi, Ngài là Thần Chân Lý, Đấng mà thế gian không chấp nhận, vì thế gian không nhận biết Ngài; nhưng anh em có thể nhận biết Ngài vì Ngài ở trong anh em”. Ngài tiếp tục nói rằng “Đấng Phù Trợ là Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha gởi đến nhân danh Thầy, sẽ dạy bảo anh em mọi điều”. Những điều Chúa Giêsu dạy bảo sẽ không hư mất. Điều đó sẽ được duy trì trong Tông truyền thánh thiện bằng ngôn từ và đa số được viết trong Tân ước, một phần có trong Cựu ước và các sách thánh. Những điều đó hình thành đức tin, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp, được duy trì trong Giáo hội Công giáo từ thời Chúa Giêsu.
Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa
Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, Ngài được Chúa Cha và Chúa Con sai đến để hoàn tất công việc của Chúa Con. Ngài là Đấng Thánh. Chân phước Gioan Phaolô II đã viết: “Hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã giao phó cho Chúa Con trên thế gian” (Ga 17:4), vào ngày Lễ Hiện Xuống, “Chúa Thánh Thần được sai đến để thánh hóa Giáo hội mãi mãi, để các tín hữu có thể đến với Chúa Cha qua Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần” (Ep 2:18). Giáo hội luôn dạy rằng chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy (thông chia sự sống của Thiên Chúa; dấu bề ngoài phát sinh ân sủng bên trong chúng ta). Nước trong bí tích Thánh Tẩy biểu hiện việc tẩy sách tội tổ tông (mọi người đều mắc tội này từ Adam và Eve, cha mẹ đầu tiên của chúng ta).
Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta được đóng ấn Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy. Thực tế này được biểu hiện qua dầu thánh xức trên trán bằng cách vẽ Thánh Giá khi được rửa tội. Bí tích này tẩy xóa sạch dấu-vết-không-thể-tẩy-xóa (indelible character). Sự sống của Thiên Chúa đến với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên “Con Thiên Chúa” và “người thừa kế của Đức Kitô”. Thánh Phêrô so sánh với nước đã cứu ông Nôe khỏi chết, tuyên xưng trong tâm khảm: “Hiện nay phép rửa cứu thoát anh em” (1 Pr 3:21). Chúa Thánh Thần thông ban đức tin, đức cậy và đức ái, làm cho chúng ta có thể phát triển trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân.
Bí tích Hòa giải và Thánh Thể
Chúa Thánh Thần hoạt động trong bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Khi hiện ra với các Tông đồ vào chiều tối ngày lễ Phục sinh, Chúa Giêsu đã thở hơi vào họ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Giáo lý Công giáo nói: “Giáo hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nhờ Thánh Thần và tác động của Ngài nơi các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đã chết và phục sinh, thiết lập cộng đoàn các tín hữu là Nhiệm thể của Ngài.
Trong mỗi thánh lễ, linh mục cầu nguyện, xin Chúa Cha gởi Chúa Thánh Thần đến thánh hóa Bánh Rượu để trở thánh Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa Kitô. Thánh Gioan Damascene (thế kỷ VIII) viết: “Anh chị em xin cho Bánh và Rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô khi tôi nói: Chúa Thánh Thần đến trên họ và hoàn tất những gì qua mỗi lời nói và ý nghĩ… Hãy để điều đó cho anh chị em hiểu rằng đó là nhờ Chúa Thánh Thần, cũng như đó là qua Đức Mẹ và nhờ Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa, qua chính Ngài, đã hóa thành nhục thể”.
Bí tích Thêm sức
Thời Cải cách Tin lành (Protestant Reformation), Luther và các nhà cải cách khác đã từ chối bí tích Thêm Sức (Confirmation). Thời giáo hội sơ khai, Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức được trao ban cùng lúc cho những người nhập đạo. Điều này làm lu mờ sự phân biệt trong tâm trí các nhà cải cách về hai bí tích này. Nhưng Kinh thánh rõ ràng. Chúa Kitô hứa ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi, (x. Ga 14:15-21), Ngài làm cho các tông đồ có thể làm chứng cho sự thật (Ga 15:6) và hoàn thành sau 9 ngày cầu nguyện vào lễ Ngũ Tuần (Pentecost). Sau khi thánh Phêrô và các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Hiện Xuống, một số người thắc mắc: “Chúng ta sẽ làm gì?” Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:37-38).
Chúng ta thấy bí tích này trong Cv 8: 14-17, thánh Phêrô và thánh Gioan đặt tay trên người Samari được rửa tội trước. Bí tích này cho chúng ta những tặng phẩm của Chúa Thánh Thần, đó là thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa (x. Is 11:2-3). Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta là các binh sĩ của Chúa Kitô, được đóng ấn Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô bằng một cách trưởng thành. Với biểu tượng của sức mạnh mới này trong Chúa Thánh Thần, các giám mục thời Trung cổ (Middle Ages) thường trao cho ứng viên một cái vả nhẹ (light slap) lên má, đó là biểu tượng rằng chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ cuộc sống riêng vì đức tin, như nhiều người đã thực hiện trong quá khứ. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, thì ở đó có tự do. Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương. Như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Thiên Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3:17-18). Chúng ta được tiền định để phản ánh vinh quang Thiên Chúa trong đời sống chúng ta bằng cách cố gắng phát triển sự thánh thiện cá nhân, điều mà chỉ khả dĩ đạt được nhờ Hồng ân Thiên Chúa. Như vậy, các bí tích đóng cho chúng ta các dấu ấn Tình yêu Thiên Chúa và phụng sự Ngài, đồng thời nhờ hợp tác với công việc của Ngài nơi chúng ta, cuộc đời chúng ta sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần: yêu thương, vui vẻ, bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5:22-23).
Sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần khả dĩ làm chúng ta trở nên sinh hoa kết trái của Nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Giáo hội. Nhiệm thể Chúa Kitô mà thánh Phaolô đã viết trong Kinh thánh, gồm cả Tân Cựu ước, chư thánh trên trời cũng như các Kitô đã chịu Phép rửa. Thánh Phaolô chú thích rằng chúng ta là Giáo hội được bao trùm bởi các nhân chứng trên trời (Dt 11). Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta thực sự biến đổi cuộc đời chúng ta, giáo hội và thế giới. Thánh Phaolô thúc giục: “Chúng ta sống nhờ Chúa Thánh Thần”. Chúng ta làm điều này khi chúng ta càng biết từ bỏ chính mình, chúng ta càng “bước đi nhờ Chúa Thánh Thần” (Gl 5:25). Sức mạnh này không chỉ giới hạn vào các bí tích. Có một kinh nghiệm được nói tới là “Phép rửa của Chúa Thánh Thần”.
Thánh Thomas Tiến sĩ (Thomas Aquinas, Lm Dòng Đa Minh) nói rằng Chúa Thánh Thần khả dĩ được trao ban hoặc được gởi đến để cư ngụ trong chúng ta và “làm cho chúng ta nên mới”. Điều này bắt đầu khi nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng Chúa Thánh Thần khả dĩ được trao ban hoặc được gởi đến sau đó như thánh Thomas đã viết: “Việc gởi Chúa Thánh Thần đến cũng làm tăng nhân đức hoặc tăng ân sủng… Việc gởi đến vô hình như vậy được nhận ra trong quá trình tăng ân sủng mà một người chuyển sang hành động mới hoặc tình trạng mới của ân sủng: chẳng hạn, khi một người chuyển vào ân sủng của các việc làm phép lạ, hoặc nói tiên tri hoặc tử đạo, hoặc từ bỏ hết sản nghiệp, hoặc đảm trách việc khó khăn”. Chúa Kitô hứa ban Đấng Phù Trợ được hoàn tất vào lễ Ngũ Tuần đối với các tông đồ và Đức Maria, những người đã hăng say làm “tuần cửu nhật” (cầu nguyện suốt 9 ngày). Phạm vi ngoại hạng này của Chúa Thánh Thần có vẻ được nói đến ở những nơi khác trong sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 4:31; 19:1-7).
Chúa Thánh Thần khả dĩ “làm chúng ta nên mới” khi chúng ta “đầu hàng” Thiên Chúa và phụng sự Ngài toàn tâm toàn ý, đó là việc giúp chúng ta sống thánh thiện riêng (không vậy thì không ai có thể gặp Thiên Chúa) và công việc của giáo hội. Tuy nhiên, điều này không chiếm vị trí của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nhưng là cách mở rộng ra cho sự sống trong Chúa Thánh Thần. Điều này có thể cảm nghiệm nhờ cảm thấy sự viên mãn của tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa, hoặc cảm thấy đầy tràn niềm vui và bình an. Trong Kinh thánh, thi thoảng chúng ta cảm thấy điều đó nhờ tặng phẩm ngôn ngữ. Giáo lý dạy: “Đời sống luân lý của các Kitô hữu được nâng đỡ nhờ các tặng phẩm của Chúa Thánh Thần” giúp chúng ta càng sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Phaolô viết: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8:14, 17).
Tặng phẩm tâm linh
Các tặng phẩm của Chúa Thánh Thần là các khí cụ mạnh mẽ trong công việc của Chúa Thánh Thần nơi giáo hội. Thánh Phaolô viết: “Không ai có thể nói rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa ngoài Chúa Thánh Thần. Có những tặng phẩm khác nhau nhưng đều do một Thánh Thần; có những chức vụ khác nhau nhưng đều do một Thiên Chúa; có những công việc khác nhau nhưng đều do một Thiên Chúa, Đấng hoàn tất mọi sự trong mọi người. Đối với mỗi người, việc biểu hiện Chúa Thánh Thần được trao ban vì lợi ích chung. Người này được ơn khôn ngoan trong cách nói, người kia được khả năng bày tỏ sự hiểu biết. Nhờ Chúa Thánh Thần mà người này được lãnh nhận đức tin; cũng nhờ Chúa Thánh Thần mà người kia được ơn chữa lành, và người khác có khả năng làm phép lạ. Ơn tiên tri được trao cho người này, ơn khác được trao cho người kia. Có người lại được ơn giảng thuyết. Tất cả chúng ta đều chung một Thánh Thần… Không phải ai cũng có tài ăn nói, “nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (x. 1 Cr 12:3-11). Điều mà thánh Phaolô nói đến là Tình Yêu.
Tình yêu là tặng phẩm vĩ đại nhất. Nhưng về tặng phẩm ngôn ngữ? Tôi có phải nói ngôn ngữ của Kitô giáo? Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13:1-2). Về miệng lưỡi, thánh Phaolô nói: “Người nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu. Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi. Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh” (1 Cr 14:2-4). Thánh Phaolô kết luận: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi nói các tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em. Vì thế, các tiếng lạ được dùng làm dấu hiệu, không phải cho những người tin, mà cho những kẻ không tin; còn lời ngôn sứ thì không phải là cho những kẻ không tin, mà cho những người tin” (1 Cr 14:18, 22).
Lương tâm là người bạn tốt nhất
Chúng ta nên nhớ huấn thị của thánh Phaolô: “Nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Gl 6:1). Chúng ta không chỉ gánh vác trách nhiệm của mình mà còn mang gánh nặng của người khác. Ngài nói thêm: “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Gl 6: 7-8).
Trong thư gởi giáo đoàn Galát, thánh Phalô khuyên: “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.” (Gl 6:5-6). Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, ngài thúc giục chúng ta: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18).