Giáo hoàng Phanxicô - Con người của cầu nguyện

PHẦN I

MÙA XUÂN ĐÓ ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA TÔI

Chương 3 : Những ngày khó khăn dưới chế độ độc tài

Con người là một sinh vật chính trị, trong nghĩa cao cả nhất của chữ chính trị. Chúng ta tất cả đều được mời gọi dấn thân vào hành động chính trị để xây dựng dân tộc mình.1

Trong thế kỷ XX, Argentina cũng như nhiều nước châu Mỹ La Tinh khác, đều mang đậm dấu ấn của các chế độ độc tài. Những cuộc lật đổ của quân đội và việc quân đội vi phạm đời sống thường dân, đặc biệt bằng vũ lực là chuyện xảy ra thường xuyên.

DGHPhanxicoConNguoiCuaCauNguyenNền độc tài đầu tiên ở Argentina bắt đầu vào thập niên 1930 dưới sự cầm quyền của Uriburu và nối tiếp là một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Vào năm 1943, các cấp lãnh đạo cao quân đội đã tổ chức một cuộc lật đổ khác, tự xưng là Cách mạng năm 1943. Nền độc tài này kết thúc với sự lên ngôi quyền lực của Juan Domingo Peron, người có lẽ là chính trị gia nổi tiếng nhất của Argentina.

Chủ nghĩa Peron là một hiện tượng chính trị đã bành trướng trong suốt phần còn lại của thế kỷ XX, dưới nhiều dạng tổ chức chính quyền và chính sách xã hội khác nhau. Phong trào này luôn luôn giữ một trọng tâm dân túy rõ ràng và được các nhóm dân nghèo đói nhất ủng hộ rộng rãi. Việc phu nhân của tổng thống Peron là Eva Peron đóng vai trò cao trong lãnh vực chính trị đã cho phép phụ nữ Argentina gia nhập chính trường và thể hiện vai của trò mình trong xã hội một cách rõ ràng hơn.

Năm 1962, một cuộc lật đổ nữa dẫn đến thời độc tài của Jose Marla Guido. Đây là trường hợp đặc biệt vì người dẫn đầu cuộc lật đổ là một thường dân chứ không phải thành viên quân đội. Nền độc tài này cuối cùng cũng về tay một cuộc nổi dậy khác của quân đội. Chỉ trong vòng bốn năm sau, lại xảy ra một cuộc lật đổ khác, lần này cầm đầu là nhà lãnh đạo quân đội Juan Carlos Ongania. Cuộc lật đổ này còn được gọi là Cách mạng Argentina.

Nền độc tài tồi tệ nhất và để lại nhiều vết thương dai dẳng trên đất nước này bắt đầu vào năm 1975, với cái danh tự nhận là Tiến trình Cải tổ Quốc gia. Cuộc chính biến ngày 24 tháng 3 năm 1976, đã lật đổ chính quyền của Maria Estela Martinez de Peron. Suốt sáu năm ròng tiếp theo là nền độc tài của Jorge Rafael Videla với một mức độ đàn áp và tàn độc chưa từng thấy trong lịch sử Argentina.

Việc bắt cóc và giết những người bất đồng quan điểm xảy ra như cơm bữa, cùng với đó là việc bắt trộm một cách có hệ thống con cái của những tù nhân rồi cho các gia đình trong chế độ độc tài nhận làm con nuôi. Dưới danh nghĩa chủ nghĩa tự do và chống lại chủ nghĩa cộng sản, Jorge Rafael Videla và những người ủng hộ đã dựng lên một nền cai trị khủng bố đúng nghĩa. Chế độ này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Giáo hội Công giáo thời ấy, cho dù một trong các nhóm đối đầu lớn nhất với đường lối cai trị của Videla lại là nhóm dòng Tên.

Xét một cách nghiêm túc, như đã nói về dòng Tên ở Chile, dòng ở Argentina và các nước châu Mỹ La tinh khác cũng bắt đầu chuyển sang xu hướng cánh tả rồi dẫn đến các quan điểm cách mạng và các biểu hiện thái độ đấu tranh xã hội. Những gì thánh Alberto Hurtado đã làm ở Chile, như đã được đề cập ở chương trước, càng làm cho dòng Tên tập trung hơn nữa vào việc đấu tranh cho người nghèo và tầng lớp lao động.

Năm 1954, Giáo hoàng Pio XII ra lệnh cho các linh mục đang tại nhiệm trở về các giáo xứ của mình và yêu cầu họ ngưng các việc đấu tranh chính trị.Dù thế, điều này vẫn không ngăn được sự phát triển của thần học giải phóng sẽ xuất hiện trong vài năm về sau. Thần học giải phóng có nguồn gốc từ Brazil và phát triển mạnh trong các phong trào giáo dân Công giáo để mưu cầu một xã hội công bằng. Năm 1957, một phong trào nâng cao ý thức bắt đầu khơi động ở Brazil. Các linh mục bắt đầu giáo dục chính trị cho các tầng lớp nhân dân đang bị tước đoạt quyền bầu cử, và giúp họ xóa nạn mù chữ.

Đến năm 1965, Đề án Mục vụ Quốc gia Thứ nhất được ra đời ở Brazil. Việc hai linh mục châu Âu đặt chân đến đây vào thời khắc nổi dậy chính trị này là chìa khóa cho sự phát triển của thần học giải phóng. Emmanuel Suhard từ Pháp, và tu sĩ dòng Đa Minh Jacques Loew, bắt đầu làm việc trong các nhà máy để xem cuộc sống của tầng lớp lao động Brazil như thế nào. Tư tưởng của thần học giải phóng mang nguyên tắc căn bản của chọn lựa ưu tiên cho người nghèo, sự kết hợp của ơn cứu độ Kitô giáo với tự do xã hội và kinh tế, cũng như loại trừ bóc lột, cùng với những ý tưởng khác.

Vào năm 1976, khi nền độc tài của Videla bắt đầu, Jorge Mario Bergoglio đã là giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina. Giám tỉnh là một vị trí được tổng quyền Dòng Tên ở Roma bổ nhiệm trực tiếp. Người được bổ nhiệm chỉ được giữ vị trí này trong vòng vài năm, và thẩm quyền của chức vụ này trên những người phụ thuộc cũng gần giống với quyền hạn của giám mục trong hàng giáo phẩm giáo hội Công giáo. Trách nhiệm của một giám tỉnh Dòng Tên bao gồm việc thăm viếng các thành viên và tổ chức cũng như chủ trì công hội tỉnh dòng.

Jorge Mario Bergoglio là giám tỉnh suốt những năm khốc liệt nhất của thời độc tài, khoảng thời gian có hai tu sĩ dòng Tên bị bắt cóc. Bergoglio đã yêu cầu hai tu sĩ dòng Tên tích cực nhất trong đấu tranh giai cấp, là Orlando Yorio và Franz Jalics thôi không lao động trong các khu ổ chuột của người nghèo, nhưng họ từ chối. Cùng với những thành viên khác trong dòng, Bergoglio không hoàn toàn đồng ý với phong trào thần học giải phóng, và với sự bất vâng phục của hai linh mục này, ngài đã báo với chính quyền quân phiệt rằng Yorio và Jalics không còn nằm dưới sự bảo vệ của giáo hội Công giáo nữa. Quân đội đã tận dụng cơ hội này để bắt cóc họ. Một mặt, khi từ bỏ sự bảo vệ cho hai đồng bạn tu sĩ dòng Tên của mình, Bergoglio đã đặt họ dưới sự khoan dung không tưởng của một chế độ vô lương và đàn áp.

Xét mặt khác, Bergoglio bị cáo buộc là gần như có mối quan hệ khắng khít với một số thành viên nào đó của hội đồng quân phiệt. Một điều đáng chú ý là trong quyển sách El jesuita (Tôi tin tưởng ở con người), người sau này sẽ là hồng y của Argentina đã đồng ý sẵn lòng nói về sự giúp đỡ và hỗ trợ của ngài cho nhiều linh mục trong thời độc tài của Videla. Ngài nhắc đến việc che giấu một số trong họ tại trường Maximo của Dòng Tên:

Tôi không thể nhớ chính xác bao nhiêu người, nhưng khá là ít mà thôi. Sau cái chết của Đức cha Enrique Angelelli (giám mục của La Rioja, nổi danh với sự dấn thân cho người nghèo), tôi che giấu ở trường Maximo ba chủng sinh thần học của giáo phận La Rioja.3

Một lần khác, ngài kể về việc đã giúp một thanh niên trốn thoát bằng thẻ chứng minh của ngài. Ngài cũng lên tiếng cho một vài người khác bị bắt cóc, ít nhất là hai lần, một lần trước mặt Videla và lần khác là với Đô đốc Emilio Massera. Trước hết là cuộc nói chuyện với Videla, Jorge Mario dường như đã bảo với cha tuyên úy của Videla, yêu cầu giúp ngài thuyết phục ông. Ngài nhờ cha tuyên úy giả vờ bị đau, để ngài có thể là người thay ông cử hành thánh lễ. Sau thánh lễ với gia đình Videla, Bergoglio yêu cầu được nói chuyện với ông ta.

Dường như Bergoglio đã can thiệp cho một số linh mục đã bị bỏ tù, đồng thời ngài cũng giúp đỡ trong việc tìm kiếm một thanh niên ở căn cứ không quân San Miguel.4 Ngài kể lại với nhà báo phỏng vấn ngài một trong những trường hợp đáng nhớ hơn nữa:

Tôi nhớ có lần bà Esther Belestrino de Careaga đưa một bà đến gặp tôi. Esther là quản lý phòng thí nghiệm, đã dạy tôi nhiều về chính trị. Về sau bà bị bắt cóc và giết hại, thi hài của bà được chôn cất ở nhà thờ Santa Cruz ở Buenos Aires. Bà khách đến từ Avellaneda, ở khu vực được gọi là một Buenos Aires vĩ đại hơn, bà có hai con trai vừa mới kết hôn được hai hay ba năm. Cả hai bị liệt vào thành phần công nhân chiến sĩ cộng sản và đều đã bị bắt cóc. Là góa phụ, hai đứa con là gia tài duy nhất bà có trên cõi đời này. Bà khóc thảm thiết! Tôi không bao giờ quên hình ảnh này. Tôi đã điều tra đôi chút nhưng chẳng đến đâu, và tôi thường tự trách mình vì đã không làm nhiều hơn.5

Có lẽ đây là câu hỏi chính: Liệu ngài đã chưa làm đủ? Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình, chúng ta sẽ làm gì nếu điều đó đe dọa đến mạng sống của mình?

Bergoglio cũng có phần trong một vụ mà ngài đã can thiệp và đạt được kết quả là giải phóng được một thanh niên.6 Dù đã cố gắng để giúp đỡ nhiều linh mục, nhưng ngài không công khai sự can thiệp của mình, mặc cho những lời cáo buộc ngài cộng tác với chế độ độc tài. Những ví dụ trên liệu có đủ để biện hộ cho những gì đã xảy ra với hai anh em trong dòng là Yorio và Jalics không? Ngài cũng đã lên tiếng về việc này.

Để trả lời cho chất vấn này, tôi phải giải thích rằng họ đang làm việc để thành lập một dòng mới, và họ đã giao bản phác thảo Luật dòng ban đầu cho các đức ông Pironio, Zazpes, and Serra. Tôi vẫn còn giữ bản sao mà họ đã đưa cho tôi. Tổng quyền Dòng Tên thời đó là cha Arrupe, đã nói là họ nên chọn lựa giữa cộng đoàn mà họ đang sống và Dòng Tên, rồi ngài truyền cho họ đổi cộng đoàn mà trở về với dòng. Nhưng do họ khăng khăng với dự án của mình, và bất đồng nữa, nên họ yêu cầu được rời dòng. Đó là một quy trình nội bộ kéo dài đến hơn một năm. Tôi chỉ là người giải quyết phần cuối cùng trong việc chuyển dòng của họ... Do có tin đồn về một cuộc lật đổ sắp xảy ra, tôi đã cảnh báo họ phải rất cẩn thận. Tôi còn nhớ là tôi đã đồng ý cho họ, nếu cần thiết để bảo vệ mình, hãy đến ở lại nhà dòng.7

Phần đầu câu trả lời của ngài về vấn đề phức tạp trong vụ bắt cóc hai tu sĩ dòng Tên, Bergoglio rõ ràng đã cố gắng giải thích tình thế của hai linh mục này và những chọn lựa đưa ra cho họ trước khi họ bỏ dòng. Hai vị đã bác bỏ các chọn lựa, tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm thay vì rời bỏ giáo dân, dù hành động của họ có thể khiến họ mất mạng. Sau khi họ mất tích, Bergoglio dường như đã điều đình hai lần: một lần với Videla và lần khác với Massera. Ngài giải thích,

Yorio và Jalics sống ở Bajo Flores, phụ cận Rivadavio. Tôi không bao giờ tin là họ tham dự vào những “hoạt động lật đổ” theo như lời tố cáo, mà đúng thực là vậy. Nhưng do mối quan hệ của họ với một vài linh mục ở các khu phố ổ chuột nên họ trở thành mục tiêu cho cuộc săn lùng kiểu hoang tưởng sợ hãi của chính quyền. Vì sống ở vùng phụ cận Rivadavio, nên họ bị bắt cóc trong thời gian quân đội càn quét khu vực này... 

Rất may sau một thời gian ngắn họ được thả ra, trước hết vì không thể kết tội họ được gì, thứ hai là vì chúng tôi đã nhanh chóng hành động. Đêm biết tin về việc bắt cóc, tôi xắn tay làm việc ngay và rất bận rộn lo việc này.8

Một vài người cáo buộc Bergoglio ủng hộ hệ tư tưởng của chế độ độc tài và ủng hộ việc bắt cóc các linh mục qua việc bỏ đi sự bảo vệ của Dòng Tên khỏi họ, nhưng Bergoglio luôn bác bỏ những lời buộc tội này. Alicia Oliveira, nữ thẩm phán về tội ác ở Buenos Aires, đã xác nhận những nỗ lực của Bergoglio nhằm giúp đỡ những người bị chế độc độc tài bắt cóc. Bà đã làm chứng rằng Bergoglio đã đến gặp bà để nói chuyện về trường hợp của một vài người mà ngài đang cố gắng bảo vệ thời đó:

Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1974 hay 1975, Bergoglio đã đến gặp tôi để bàn về vấn đề của một số người và chúng tôi nói chuyện khá hợp ý nhau... 

Có một lần, chúng tôi bàn về khả năng xảy ra một cuộc lật đổ sắp tới. Bergoglio là giám tỉnh Dòng Tên chắc chắn nắm nhiều tin tức hơn tôi...

Ngài lo lắng về những gì ngài nghĩ là sẽ xảy ra. Biết tôi tận tụy với nhân quyền, ngài lo ngại cho tính mạng của tôi. Thậm chí ngài còn gợi ý tôi đến trú ngụ ở trường Maximo một thời gian. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi trả lời với một câu nói đùa đáng buồn kinh khủng vì tôi nghĩ đến các chuyện đang xảy ra trên đất nước này: “Tôi thà bị quân đội bắt cóc còn hơn là đến ở với mấy ông linh mục!”9

Adolfo Perez Esquivel, người Argentina đoạt giải Nobel Hòa bình, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình với BBC, đã dứt khoát bác bỏ các cáo buộc chống lại Bergoglio: “Một vài linh mục đã đồng lõa với chế độ độc tài Argentina, nhưng Bergoglio thì không.”10 Bằng chứng cho việc này rất chắc chắn. Nhiều người đã làm chứng là mình được Bergoglio bảo vệ trong thời chế độ độc tài.

Đối diện với những cáo buộc từ giới truyền thông về sự hợp tác giữa Bergoglio với Videla, cha Franz Jalics, một trong hai tu sĩ dòng Tên bị bắt cóc, đã tuyên bố, “Sự thực là: Orlando Yorio và tôi không bị cha Bergoglio tố cáo.”11 Chế độ độc tài thập niên 1970 ở Argentina đã độc ác tàn phá và hủy hoại, không ai chấp nhận tội ác của họ kể cả lòng khoan dung của tôn giáo. Và chính Bergoglio đã lên án tư tưởng giết người dưới danh nghĩa tôn giáo đang lan rộng này: “Giết người dưới danh nghĩa Thiên Chúa là phạm thượng.”12

Các chú thích:

1. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011)

2. Tông huấn Humani generis do đức giáo hoàng by Pius XII viết ngày 12-08-1950.

3. Tôi tin tưởng ở con người: El jesuita; đối thoại giữa hồng y Jorge Bergoglio với Sergio Rubinc và Francesca Ambrogetti (Buenos Aires: Vergara, 2010.

4. Như trên.

5. Như trên.

6. Như trên.

7. Như trên..

8. Như trên.

9. Như trên.

10. Diario El Mundo, 14-03-2013, http://elmundo.com.sv/el-papa -francisco-sera-peronista.

11. New York Times, 21-03-2013

http://www.nytimes.com/2013/03/22/world/americas/jesuit -priest-rejects-popes-connection-to-kidnapping.html?_r=0.

12. Từ trên trời xuống duới thế: Đối thoại giữa Jorge Bergoglio và Abraham Skorka, (Buenos Aires: Sudamericana, 2011).