Kết luận
Jorge Mario Bergoglio là vị giáo hoàng của thế kỷ mới. Xét trên nhiều góc cạnh, Bênêđictô XVI là khối đá ngăn cản Giáo hội Công giáo cố gắng tìm con đường đến với hiện đại.
Triều giáo hoàng hiện thời phải đối diện với nhiều thách thức phức tạp. Thánh Phêrô, người được tín hữu Công giáo xem là giáo hoàng đầu tiên, đã viết, “Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa. Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta, thì cuối cùng số phận của những kẻ từ chối không chịu tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao?” (1Pr 4, 17) Giáo hội Công giáo cần canh tân đạo đức để đưa ra ánh sáng tất cả mọi chuyện đã bị khơi ra từ vụ Vatileaks và những vụ tai tiếng về ấu dâm. Nhưng Giáo hội cũng cần canh tân tâm linh để đưa thông điệp của mình đến những con người của thế kỷ XXI này.
Jorge Mario Bergoglio phải đối diện với những thách thức khổng lồ. 1,2 tỷ tín hữu, hàng ngàn linh mục, tu sĩ, các trung tâm giáo dục, các trung tâm phục vụ, các trụ sở và tòa nhà giáo hội - tất cả làm nên một gia sản vừa vật chất vừa con người của Giáo hội, nhưng Giáo hoàng Phanxicô đã nói, “nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thì tất cả mọi thứ sẽ đi sai đường. Chúng ta có lẽ sẽ trở thành một Tổ chức phi chính phủ lo việc từ thiện, chứ không phải là Giáo hội, là Tân nương của Thiên Chúa.”1 Đặt Chúa Kitô trở lại trọng tâm của Giáo hội Công giáo có lẽ là mục tiêu chính của tân giáo hoàng. Có thể nói, giáo hội là Chúa Kitô và Chúa Kitô là giáo hội. Những môn đệ Chúa Kitô phải thay đổi thế giới bằng thông điệp của Chúa Kitô, chứ không phải để thế giới thay đổi giáo hội.
Với vị giám mục thành Roma bảy mươi sáu tuổi, có giọng nói Buenos Aires đặc sệt, say mê bóng đá, và có xu hướng xác định mọi chuyện ngay khi vừa thấy, thì chìa khóa cho mọi vấn đề có lẽ chính là cầu nguyện. Nhận cho đúng thì: Giáo hoàng Phanxicô mới thật là giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ XXI. Chính giáo hoàng đã viết trên trang Twitter của mình: “Sức mạnh thật sự là phục vụ. Giáo hoàng phải phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, người yếu thế, người dễ bị tổn thương.”2
Các chú thích:
1. Giáo hoàng Phanxicô, “Thánh lễ cầu cho Giáo hội, ‘Missa Pro Ecclesia’ với các hồng y tham gia bỏ phiếu, Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô,” Ngày 14 tháng 3 năm 2013,
2. Giáo hoàng Phanxicô, @Pontifex, https://twitter.com/Pontifex, Ngày 19 tháng 3 năm 2010.