Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Tôi Tin Vào Người

Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 

Tôi Tin Vào Người 

Đàm thoại với Jorge Bergoglio 
 
Nguyễn Tùng Lâm dịch

ToiTinVaoNguoi


Chương 1

Bà nội Rosa và áo khoác cổ lông da con cáo

Buổi sáng tháng giêng, năm 1929, khi gia đình Bergoglio đặt chân xuống cảng Buenos Aires thì trời rất nóng. Họ gây chú ý vì đi đầu nhóm là một bà lịch sự, mặc chiếc áo khoác cổ lông da con cáo, đẹp thì đẹp thật nhưng không phù hợp với thời tiết nóng bức và ẩm ướt của thủ đô Á Căn Đình. Không phải bà dở hơi nhưng vì bên trong cái cổ lông cáo này, bà Rosa Bergoglio giấu số tiền bán của cải mà gia đình có được ở Ý để đem qua đây lập nghiệp. Từ Gênes, nước Ý, gia đình Bergoglio đã giữ chỗ trên chiếc tàu Principessa Mafalda, chiếc tàu nổi tiếng trong hoàn cảnh đau buồn vì đó là chuyến đi cuối cùng; do vỏ tàu bị thủng, tàu bị chìm ở mạn bắc Ba Tây, làm hàng trăm người chết. Do giấy tờ kéo dài hơn dự định nên tình huống này đã cứu mạng sống cho cả gia đình. Sau đó gia đình lên con tàu Giulio Cesare để đi.

Họ là những người dân gốc Piémont, bắc Ý, ở ngôi làng gọi là Portacomaro, họ ra đi, để lại sau lưng một đại lục mà cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất chưa băng bó xong, người dân đang còn sợ cho một xung đột thứ nhì  sắp bùng nổ. Họ đến một xứ sở xa chiến tranh và không có những vấn đề kinh tế đang làm xáo trộn ở Âu châu, một xứ sở có một tiềm năng làm việc không bao giờ cạn, lương bổng khá, nền giáo dục áp dụng cho tất cả mọi người và một cơ cấu xã hội thích nghi. Nói theo cách khác, họ đến một xứ sở có bình an và tiến bộ. Khác với phần đông những người di dân khác tạm trú ở “Khách sạn của những người di dân” gần cảng, gia đình Bergoglio đi thẳng đến thị trấn Entre Ríos, Paraná, nơi đã có một vài bà con của gia đình đón chờ.

Nguồn gốc gia đình của đức hồng y, việc di dân đến Buenos Aires, kỷ niệm với cha mẹ và thuở thơ ấu, là những câu chuyện chúng tôi đề cập với đức hồng y Jorge Bergoglio trong phòng họp ở giáo phận Buenos Aires, nơi chúng tôi sẽ gặp trong tất cả các buổi nói chuyện với ngài. Chúng tôi hỏi những câu hỏi đầu tiên và các kỷ niệm cứ thế dồn dập đến: tránh được chuyến đi trên con tàu Principessa Mafalda, cả gia đình đến cảng, lúc đó thân phụ của cha mới hai mươi bốn tuổi, câu chuyện bà nội với cái cổ áo lông cáo, bước đầu ở thị trấn Entre Ríos…

- Vì lý do nào gia đình cha di dân qua Á Căn Đình?

- Ba người anh của ông nội đã đến đây ở từ năm 1922, họ đã dựng lên được một cơ xưởng lát gạch vuông ở Paraná. Họ đã xây một dinh thự Bergoglio cao bốn tầng, căn nhà đầu tiên trong thành phố có thang máy. Căn nhà có một cái vòm rất đẹp, giống như cái vòm của xưởng làm bánh kẹo El Molino de Buenos Aires, và sau đó thì bị dỡ đi. Một ông bác, giám đốc công ty, đã chết vì ung thư, một ông bác khác bắt đầu lại từ số không, công việc làm ăn thịnh vượng và ông nội của tôi đã mượn 2000 pesos để mua một cửa hàng. Cha tôi, khi đó là kế toán trong xưởng lót gạch, ông làm ở khâu quản trị, giúp phân phối vật liệu với một cái giỏ, ông làm ở đó cho đến khi tìm được một việc làm khác. Họ bắt đầu làm lại cuộc đời, một cách tự nhiên giống như những người đến đây đã từng có của cải. Tôi nghĩ điều này chứng tỏ sức mạnh của một giống nòi.

- Gia đình cha không kiếm sống được ở Ý?

- Nói cho đúng, là không. Ông bà của tôi có một xưởng làm bánh kẹo, nhưng họ muốn đến đây để tìm lại một vài bà con của gia đình. Gia đình có tất cả sáu anh chị em, hai người còn ở Ý, một anh và một chị.

- Ước mong được giữ một gia đình đoàn tụ là một khái niệm rất Âu châu, đặc biệt là với người Ý…

- Đúng. Nhất là đối với tôi, tôi là người hòa đồng nhiều với phong tục tập quán vì tôi sống nép trong vòng tay của ông bà nội. Khi tôi mười ba tuổi, mẹ sinh một em trai thứ nhì, gia đình chúng tôi có năm anh chị em tất cả. Ông bà nội ở bên cạnh để giúp mẹ tôi, mỗi buổi sáng bà nội đem tôi về nhà bà, xế chiều đem tôi về nhà lại. Trong nhà nói chuyện bằng tiếng Piémont, tôi cũng học được ngôn ngữ này. Ông bà rất thương anh chị em tôi, thương tự nhiên một cách ruột thịt, còn tôi, tôi được lợi thế là có thể nói tiếng mẹ đẻ của ông bà, được nghe các kỷ niệm của ông bà.

- Cha mẹ của cha có bị nhớ nhà không?

- Tôi chưa bao giờ thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ cha tôi nhớ nhà; cảm nhận này không xa lạ với ông và chẳng phải tự nhiên mà ông từ chối. Ông không bao giờ nói tiếng Piémont với tôi, ông chỉ nói với ông bà tôi thôi. Đó là một cảm nhận ông giữ kín cho ông, ông để đàng sau mọi chuyện; ông thích nhìn phía trước. Tôi còn nhớ, có một ngày, tôi trả lời bằng tiếng Ý thư của một giáo sư của cha tôi gởi cho tôi ở chủng viện, tiếng Ý của tôi là thứ tiếng Ý khập khễnh. Tôi hỏi cha tôi một vài chữ trong thư, và tôi thấy ông đã mất kiên nhẫn một chút. Ông trả lời thật nhanh rồi bỏ đi ngay. Hình như ở đây, ông không muốn nói về cuộc sống ở bên kia, dù ông có nói chuyện này với ông bà của tôi.

- Người ta nói rằng ở Buenos Aires, người ta không nhìn theo hướng dòng sông vì thành phố được xây cất một phần lớn nhờ người di dân, những người chịu cảnh đau lòng khi ra đi và lưu vong ở đây; họ thích nhìn về hướng thảo nguyên, là hướng tương lai.

- Nguồn gốc của chữ nhớ quê hương – nostalgie – có gốc từ tiếng Hy Lạp nostosalgos, có nghĩa là muốn quay về một nơi, giống như câu chuyện Odyssée. Nó có một chiều kích nhân bản. Đó là câu chuyện Ulysse do Homère kể. Qua câu chuyện này, Homère tả con đường trở về lòng đất, lòng mẹ của quả đất đã cho chúng ta ánh sáng. Tôi nghĩ chúng ta đã đánh mất nỗi nhớ quê hương trong chiều kích nhân loại học. Nhưng chúng ta cũng đánh mất nỗi nhớ này trong bài học về nỗi nhớ mái ấm, khi chúng ta để người già vào các trung tâm, cho họ ba cục băng phiến trong túi, như thử họ là cái áo khoác, cái khăn quàng, như thế cũng có thể nói chiều kích nhớ nhà của chúng ta có một cái gì không lành mạnh, bởi vì tìm lại với ông bà là tìm lại với quá khứ.

- Một khẩn thiết riêng của người di dân…

- Chắc chắn rồi. Không riêng gì người Ý, tất cả người di dân đều đối diện với sự căng thẳng này. Một bậc thầy của nỗi nhớ nhà, nhà thơ người Đức Friedrich Holderlin đã đề tặng một bài thơ cho bà của ông nhân dịp bà bảy mươi tám tuổi, bài thơ bắt đầu như sau: “Bà đã sống qua bao nhiêu chuyện, ôi bà ơi… bà đã sống qua bao nhiêu chuyện…” và kết thúc: “Cầu mong con người không phản bội những gì họ đã hứa với bà, trẻ con.” Tôi còn nhớ rất rõ vì tôi rất mến mộ bà tôi, vì tất cả những gì bà đã cho tôi trong những năm đầu đời của tôi, điều mà tôi biết ơn nơi một trong những quyển sách của tôi. Tôi cũng ngưỡng mộ Nino Costa khi ông nói về những người Piémont qua những vần thơ rất lãng mạn phù với câu chuyện của tôi.

Bằng một giọng đầy xúc cảm, Bergoglio đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe một đoạn bằng tiếng Piémont, sau đó cha dịch ra tiếng Tây Ban Nha:

Đa số thời gian, anh ở lại chốn đó,

Làm việc, thành công hay không thành công, dưới sức nóng hực

Và rồi cuối đời trong nấm mộ

Ở một nghĩa trang đầy bóng cây.

Và cha nói tiếp:

“Nỗi nhớ thơ mộng mà nhà thơ Nino mô tả ở đây là nỗi nhớ đã muốn đi và không thể quay trở lại. Cũng có một suy tư hay về nỗi nhớ của người di dân trong một tác phẩm có tên là Il grande esolo của Luigi Orsenigo.

- Cha mẹ của cha quen nhau như thế nào?

- Họ gặp nhau năm 1934 khi đi xem lễ ở khu vực Almagro, ở Buenos Aires nơi họ ở. Năm sau họ làm đám cưới. Mẹ tôi là con gái của một bà người Piémontaise và một ông người Á Căn Đình có nguồn gốc Génois. Tôi còn nhớ một ông chú, ông là người đi đây đi đó nhiều, thích bông đùa, ông dạy cho chúng tôi nhiều bài hát hơi bạo bằng thổ ngữ Génois. Đó là vì sao tôi chỉ biết các câu tiếng Génois mà tôi không thể lập lại bất cứ đâu.

- Cha có chơi với cha mẹ?

- Có chứ, chơi bài birsca và các loại bài khác. Cha tôi chơi basket của câu lạc bộ San Lorenzo, thỉnh thoảng cha dắt chúng tôi đi. Còn với mẹ thì mỗi buổi chiều thứ bảy, chúng tôi ngồi nghe opéra với bà qua đài Radio del Estado (bây giờ là Radio National). Chúng tôi ngồi quay quần chung quanh máy, bà kể cho chúng tôi nghe cốt truyện trước khi vở opéra bắt đầu. Trước khi nghe một đoạn hay, bà báo trước: “Nghe kỹ nhé, họ sắp hát một đoạn rất hay.” Đúng là ba anh em chúng tôi được ngồi với mẹ mỗi buổi chiều thứ bảy, được mẹ mời thưởng thức loại nghệ thuật này thì thật tuyệt vời.

- Anh em của cha ngồi yên? Thật không dễ cho trẻ con ngồi yên nghe loại nhạc này…

- Vậy mà… Thỉnh thoảng khi nghe nửa chừng, chúng tôi bắt đầu chia trí, mẹ tôi nhắc chúng tôi liền; vừa nghe bà vừa giải thích cho chúng tôi. Khi nghe vở Othello, bà nói: “Nghe kỹ, ông ấy sắp giết cô.” Và đó là kỷ niệm tôi nhớ vào tuổi thơ ấu, như tôi đã nói, ông bà nội luôn luôn ở bên cạnh chúng tôi. Hình ảnh ông bà phai mờ trong xã hội nhưng bây giờ hình ảnh này trở lại trong xã hội vì cơn khủng hoảng kinh tế, con cái cần đến ông bà để săn sóc cháu. Và nhất là tôi nhớ cha mẹ chơi bài với chúng tôi, vui đùa và làm bếp…

- Làm bếp?

- Tôi xin giải thích, sau khi sinh lần thứ năm mẹ tôi bị liệt giường, sau đó bà được hồi phục. Nhưng khoảng giữa thời gian đó, khi chúng tôi đi học về, chúng tôi thấy bà ngồi gọt khoai tây, bà để các gia vị bên cạnh, bà giải thích cho chúng tôi phải trộn như thế nào, phải nấu ra sao vì chúng tôi không biết gì, bà nói: “Bây giờ con để cái này, cái kia vào xoong, rồi đặt lên lò…” Cứ thế chúng tôi học nấu ăn. Anh em chúng tôi ai cũng biết nấu ăn, ít nhất là món milanesa.

- Bây giờ cha còn nấu ăn?

- Không, tôi không có thì giờ. Nhưng khi ở Colegio Máximo de San Miguel, ngày chúa nhật không có bà bếp nên tôi nấu cho các sinh viên.

- Cha nấu được chứ?

- Thì cũng chưa ai chết…”