Thời Điểm Và Văn Hóa Niềm Tin:
Từ Sức Đột Biến Kỳ Lạ Đến Hiện Tượng Té Ngã Trong Khóa Thánh Linh
Cô bé Akiane với những bức tranh vẽ kỳ lạ đã như chất xúc tác khiến tôi đi tìm hiểu thêm về sức đột biến do ánh sáng từ trời qua hiện tượng Hàn Mặc Tử và nhiều trường hợp khác. Trong bức tranh "Lật Ngược Xuống, Lật Trong Ra" (Upside Down, Inside Out) bên cạnh đây, Akiane có ý diễn tả rằng "tất cả chúng ta cũng giống như những cây cảnh trong tranh là có nhiều cá tính và mục tiêu khác nhau. Chúng ta cần những khác biệt để nối kết chứ không phải để phân cách. Nhưng trên hết, chúng ta cần ánh sáng. Không có ánh sáng, chúng ta sẽ bị héo tàn dù có được cấy trong những bình mắc tiền đẹp đẽ."
Nhà văn Karanzakis đã kể lại câu chuyện về một chuyến đi thăm cứu trợ nơi một hòn đảo bên Hy-lạp. Thời gian đó, ông bị trầm cảm xuống tinh thần tột độ vì quá nhiều vấn đề vượt quá tầm tay, giải quyết cái này chưa xong thì cái khác tệ hơn đã nhào tới!
Hôm đó đang đứng ở đầu tầu đi tới hòn đảo đang bị nạn với bao điều làm nhức óc, bỗng Karanzakis thấy một con cá voi rất lớn phóng mình lên cao khỏi mặt nước ngay trước mặt một cách nhẹ nhàng sảng khoái và nghệ thuật hơn xa một nhà thể dục thẩm mỹ. Tự nhiên cái bao nhiêu u uẩn trong đầu Karanzakis biến mất. Ông chợt cảm nhận ở đời này còn có một lực lớn hơn tính toán lắng lo của thế nhân. Chính lúc đó ông thấy sức con người thật nhỏ bé hạn hẹp so với trời đất bao la kia, và tâm ông tự nhiên được nâng lên vào một chiều kích mới, vượt lên khỏi những tù túng ngột ngạt!
CẢM NGHIỆM CHOÁNG NGỢP
David Mangan và Patti Gallagher Mansfield là hai người đầu tiên khơi dậy phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công giáo Mỹ đã trải nghiệm được hiện tượng té ngã, không phải do ai đặt tay hay yếu tố tâm lý nào cả. Trải nghiệm này được chính Patti Gallagher Mansfield kể lại trong cuốn Ngày Hiện Xuống Mới (As By A New Pentecost). Đó là cảm nghiệm lần đầu tiên thấy được Chúa hiện diện đầy uy linh, ánh sáng chói loà choáng ngợp khiến mình phải kinh hoàng run rẩy và té sấp xuống, y như cảm nghiệm của ba tông đồ trên núi Tabor: "Các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất." (Mt 17:6)
Dịp đó một nhóm sinh viên đại học Duquesne ở Pittsburg bang Pennsylvania tổ chức một cuối tuần tĩnh tâm từ ngày 17-19 tháng 2 năm 1967, đặc biệt về Chúa Thánh Thần với 4 chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ.
Khóa bắt đầu cũng như hầu hết các buổi tĩnh tâm, nhưng đến tối thứ bảy thì xảy ra một vài chuyện khác thường: hệ thống nước bị bể và không thể có thợ đến sửa cho đến sáng thứ hai. Điều này có nghĩa là bắt buộc phải kết thúc khóa ngay tối thứ bảy thay vì đến chiều Chúa nhật. Mọi người cầu nguyện tha thiết với một niềm tin chắc chắn Chúa sẽ cho (expectant faith). David Mangan kể lại:
"Chưa bao giờ chúng tôi cầu nguyện cho một nhu cầu cần phải được giải quyết tại chỗ ngay như thế. Nhưng khi tôi cầu nguyện, tôi đã cảm được một điều gì bất thường sắp xảy ra... Khi chúng tôi cầu nguyện xong, tôi đi thẳng vào nhà bếp và mở vòi nước. Thật lạ lùng, nước chảy ra ào ào mạnh hơn cả lúc trước. Tôi rất phấn khởi về chuyện này nên trở lại ngay nhà nguyện để cảm tạ Chúa. Tôi không hề chuẩn bị trước cho những gì sắp xảy ra. Khi tôi vừa bước chân vào nhà nguyện (có đặt Mình Thánh Chúa), tôi liền cảm thấy sự hiện diện của Chúa vô cùng mạnh mẽ khiến tôi cúi xuống thờ lạy và té nằm ngay xuống sàn nhà. Lúc ấy tôi chưa dám chắc là tôi nằm xuống hay Chúa đặt tôi nằm xuống đó. Tôi chỉ cảm thấy đó là nơi vô cùng linh thiêng, và tôi chìm đắm trong sự thờ lạy Chúa mà tôi chưa bao giờ có được như vậy. Một lúc sau tôi ra khỏi nhà nguyện, hai chân bước đi hơi lảo đảo vì sự xúc động mạnh khi gặp gỡ Chúa. Tôi đi tìm kiếm những người khác, và chỉ vừa đủ sức bước xuống cầu thang cho khỏi bị té. Nhưng tôi lại bắt đầu cảm thấy nghi ngờ, nên tôi quyết định trở lại nhà thờ một lần nữa xem sao. Khi tôi vửa bước vào thì chao ôi, tôi lại bị té nhào xuống sàn nhà một lần nữa. Tôi hoàn toàn chìm ngập trong sự hiện diện của Chúa. Hồi lâu rôi ngồi dậy (vì hơi sợ nên không dám đứng lên) và tiếp tục cầu nguyện. Tôi nhận ra đây đúng là câu trả lời cho sự cầu xin canh tân bí tích Thêm Sức của tôi, và bây giờ tôi đã nhận được "chất nổ cực mạnh" (tức là quyền năng từ nguyên ngữ Hy lạp) mà tôi đã nghe nói. Một lúc sau tôi đứng dậy bước ra ngoài, nhưng lại vẫn còn nghi ngờ, nên tôi lại trở vào nhà nguyện để thử xem lần nữa, và cũng tại nơi đó, tôi lại bị té xuống thêm hàng chục lần giống như trước. Tôi không thể nào hiểu được tại sao như vậy, nhưng tôi cam đoan đó là sự thật..."
TÁC ĐỘNG TÂM LÝ HAY DO LỰC SÁNG TỪ TRỜI?
Có dịp tham dự những buổi cầu nguyện Canh Tân Đặc Sủng với người Mỹ từ khoảng năm 1980, tôi cũng đã từng đặt ra một số vấn nạn về hiện tượng đang khi đặt tay cầu nguyện thì nhiều người té ngã xuống. Làm sao để biết rằng đó là tác động của "nghỉ ngơi trong Chúa Thánh Thần" hay chỉ là một hiện tượng tâm lý? Biết đâu có người lạm dụng lấy tay đẩy cho người ta té ngã chứ có phải ơn Thánh Thần nào! Rồi khi té xuống thì nói ú ớ lảm nhảm như lên đồng chứ chắc gì là tiếng lạ. Khó mà tin được và cũng khó mà giải thích cho thích đáng!
Nhưng từ khi học trường linh hướng Canh Tân Đặc Sủng (School for Charismatic Spiritual Directors) tại Pecos, New Mexico vào những năm 1985-1986, tôi đã có dịp cảm nhận trực tiếp và làm chứng về hiện tượng té ngã cũng như nói tiếng lạ. Thực ra mà nói, nếu chỉ đứng ở ngoài mà quan sát và "suy đoán" thì khó mà nắm bắt được cốt lõi của hiện tượng này. Mà càng suy đoán như tôi đã từng làm thì xem ra lại càng dễ giống như kiểu sờ vào đuôi hay tai voi mà tưởng đã nói đúng con voi nó là cái chổi hay cái buồm! Rồi suy diễn tiếp là chuyện té ngã không biết có phải do Thần Khí Chúa hay do ma quỉ gạt gẫm hoặc là chỉ bày ra thôi?! Và sau đó là những lời "khuyên" đề phòng và ngăn ngừa hơn là những hứng khởi niềm vui tạ ơn cần "phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa" (2Timôthê 1:6) để giáo hội mang được chất thần đầy sinh động chứ không phải chỉ là cái khung cơ chế và lễ nghi.
Có đời thuở nào mình lại đi bàn chuyện chữa trị đặc sủng, ra như cũng răn đe Chúa sao lại đi cho cái loại ơn đáng nghi ngờ vậy?! Đành rằng ở lĩnh vực nào mà chả có những lạm dụng và sai trệch. Ngay cả đặc sủng cao trọng là tông đồ, trong số 12 giám mục đầu tiên do chính Chúa Giêsu chọn mà cũng đã có một người "dổm" là Giuđa Iscariot! Chả lẽ chỉ chú tâm vào sự răn đe?!
Có người cũng "suy đoán" và sợ đó chỉ là hậu quả như bị kích động tâm lý thái quá mà nảy sinh hiện tượng này nên đã hỏi linh mục Emiliano Tardif là người được ơn chữa lành nhiều trường hợp rất lạ lùng, thì được trả lời trong cuốn "Đức Yêsu là Đấng Thiên Sai" (hiện đang có trên Tủ Sách Dũng Lạc www.dunglac.org):
"Các ký lục và Biệt phái cũng coi là thái quá những lời tung hô "Hosanna" dành cho con vua Đavít. Tôi tự hỏi: tại sao ở sân vận động dân chúng có thể la hò và phấn khởi trước cuộc thắng trận của đội banh mà họ cổ động, mà lại không biểu lộ xúc động của họ trước Đấng duy nhất đã toàn thắng sự chết? Tại sao người ta có thể khóc vì xúc động trước tài năng xuất chúng của một nghệ sĩ mà lại không thể khóc vì hân hoan trước vị Chúa của các chúa? Đành rằng có một vài người đã đi quá mức trong khi biểu lộ xúc cảm... nhưng tôi thích gặp những người phấn khích như thế còn hơn là gặp những xác chết. Người ta có thể sửa đổi và giáo hóa một kẻ khích động, nhưng kẻ đã chết thì còn làm gì được?" (trang 106)
Có lần tôi có cảm giác rờn rợn như ở trong một nghĩa địa chiều tà khi bước chân vào một nhà thờ mà thấy một số người đi lễ hát bài "con sẽ hân hoan tiến vào cung thánh" với mặt mũi ủ dột uể oải và cử chỉ thì không biểu lộ một chút sinh khí nào!
BƯỚC VÀO MỘT CHIỀU KÍCH MỚI CỦA TÂM LINH
Trước đây có dịp đọc những cuốn sách nói về chiều kích thứ tư của ý thức, tôi cũng tạm hiểu một cách lõm bõm vậy! Hình học không gian diễn tả ba chiều là chiều ngang, chiều dọc và chiều đứng. Hình học này mang chất tĩnh như những định luật từ Isaac Newton với nhãn quan vật lý cá biệt “những cù lao” theo kiểu diễn tả của Hàn Mặc Tử. Vậy mà Albert Einstein đã nói tới hình học mang chất động bốn chiều, là chiều không gian gặp chiều thời gian. Và bây giờ là vật lý lượng tử "quantum physics", dịch cho dễ hiểu là vật lý vũ trụ nhất thể: Mọi sự và mọi loài xuất phát và “qui tụ thâu về trong một mối,” đều liên hệ tới nhau vì chia sẻ cùng một lực sống như những giọt nước trong biển lực bao la.
Sự vật đứng yên sao được khi cả trái đất này cùng với thái dương hệ đang chạy về hướng chòm sao Hercules với một tốc độ nhanh kinh khủng là 12 dặm mỗi giây, tức 43 ngàn dặm mỗi giờ.
Thì ra tôi vốn suy đoán theo cái đầu óc hạn hẹp của mình trong không gian ba chiều hay chỉ nằm lì trong chiều kích thứ ba của ý thức, và như vậy chắc chắn tôi chỉ sờ được cái đuôi con voi thôi! Bước vào một chiều kích mới do thần lực tác động là một cảm nghiệm choáng ngợp, nhiều khi làm té ngã, vì ngay cả cái mình vốn gọi là "bản ngã" tù túng hẹp hòi này cũng bị hay được phá vỡ mà mở vào một "không gian mới, không còn trời, không còn đất, không còn chính tôi" như có lần tôi cảm nghiệm như vậy trong cõi trống sa mạc Arizona. Khi cái bản ngã được phá vỡ thì té ngã cũng là chuyện tự nhiên thôi, thấy lâng lâng ngây ngất. Nhiều người cũng đã có được cảm nghiệm này trong những khóa Thánh Linh. Đó là lúc "đầu phục" làm “phép dìm” cái to vo nhỏ bé của con người mình vào biển tình Đấng cao cả uy linh. Choáng ngợp là vậy.
Thần Khí Chúa tác động, biến đổi mỗi người một cách khác nhau. Có người bị hay được té ngã, có người thì không, nhưng tâm tình thì khá giống nhau: thấy mình bước vào một chiều kích mới của tâm linh. Như vậy không phải chỉ té ngã mới là được ơn, vì té ngã cũng chỉ là một dấu chỉ, chứ không phải là đối tượng kiếm tìm. Vì thế đối tượng phải là kiếm tìm thiên nhan Chúa, kiểu "run như run thần tử thấy long nhan, run như run hơi thở chạm tơ vàng, nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến" của Hàn Mặc Tử.
CÓ TIN VÀO CẦU NGUYỆN CHỮA LÀNH KHÔNG?
Khi nghe ngóng về một số chuyện xảy ra trong các khóa Thánh Linh, một bác sĩ vùng tôi đã hỏi: "Cha có tin rằng việc đặt tay cầu nguyện mà chữa khỏi bệnh?"
Tôi liền nói ngay: "Sao tôi lại phải tin khi mắt mình thấy người ta được ơn khỏi bệnh ngay trước mắt trong những giờ cầu nguyện chữa lành? Vậy ông có tin rằng Chúa Giêsu vẫn đang có mặt trong Thánh Thể không? Nếu Ngài đang có mặt với tất cả quyền năng Thần Khí thì tại sao không có chuyện chữa lành? Ngài đã sống lại và đang ở giữa chúng ta. Ngài mới là người chữa bệnh, còn tất cả những người đặt tay cầu nguyện chỉ là những người phàm thôi, nhưng biết tin như vậy. Nếu chúng ta không thấy được Chúa đang có mặt và hành động y như xưa tại Do thái thì quả thật chúng ta đang thờ một vị Thiên Chúa chết, và việc chúng ta đi tế lễ thờ phượng cũng chỉ là một thủ tục không hồn."
Chuyện được ơn chữa lành cũng như chuyện té ngã, chỉ là hoa trái của con mắt tin thấy được Chúa đang hiện diện. Một lời chứng rất rõ tại nhà thở tôi phụ trách, là cách đây mấy năm, những lễ ngày thường thật thưa thớt như chợ chiều. Vậy mà sau những khóa Thánh Linh thì những thánh lễ ngay cả ngày thường cũng đông người và sinh động. Có những tâm hồn được ơn biến đổi thật kỳ diệu. Và tôi cũng chứng kiến sự kiện xảy ra trong các thánh lễ chữa lành kéo dài cả trên hai tiếng. Trong các lễ như vậy, không có việc đặt tay cầu nguyện mà chỉ chú tâm vào việc rước lễ thật chậm lại, với con mắt tin chắc chắn đang đụng chạm vào Chúa để cảm nghiệm thần lực Chúa chuyển vào mình, thì rất nhiều người cũng té ngã xuống. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là từ đó bầu khí cộng đoàn thay đổi rất nhiều. Giáo dân ham mộ Thánh Thể, những giờ cầu nguyện mỗi tuần thật đông đảo người tham dự.
SỨC ĐỘT BIẾN TỪ MỘT CẢM NGHIỆM (Phục Sinh)
Như con bướm vụt bay lên từ miền sâu bọ,
từ hoàng hôn thập giá thử thách cam go,
Thần Khí Chúa biến đổi để bình minh phục sinh bừng dậy.
(Một hôm đi dạo trong vườn sau nhà, tôi thấy một con ve sầu đong đưa trước gió, nhưng nhìn kỹ thì chỉ là một cái xác... bên cạnh một nụ hoa mới vừa nở. Đúng là Mồ Trống và Phục Sinh)
Trong Kinh Thánh thì các môn đệ đã có những cảm nghiệm này, khiến ai chỉ nhìn từ bên ngoài thì "suy đoán" ngay: Chắc bọn họ làm sao rồi ấy, họ "say bứ rượu rồi" (CVTĐ 2:13). Bản New American Bible là bản dịch chính thức của phụng vụ bên Mỹ thì dịch là "họ quá chén rượu mới" (too much new wine) cũng có nghĩa là đầy Thần Khí. “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong nước Thiên Chúa (Mc 14:25). Khi đón nhận rượu mới là Thần Khí trong mỗi thánh lễ là tiệc Nước Trời thì đúng là cảm nghiệm Thiên đàng đây rồi!
Như vậy không còn phải là chuyện chú tâm vào việc té ngã hay không té ngã, đặt tay hay không đặt tay, mà là cảm nghiệm bị choáng ngợp bởi ánh sáng uy linh chan hòa của Đấng đang sống, đang hiện diện thực sự.
Bốn thánh sử đều kể về biến cố Phục Sinh với một vài cảm nhận mang nét đặc sắc khác nhau. Thánh Mat-thêu thì diễn tả nét uy linh: "Thình lình đất rung chuyển dữ dội, thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi... Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin..." (Mt 28:2-4, 8)
Cảm nghiệm trên rất giống Hàn Mặc Tử khi gặp ánh sáng chói lòa từ trên cao. Cái run hay cái rung chuyển tới mức như kinh hoàng dễ sợ nhưng lại "rất đỗi vui mừng" vì chạm được tới cảm nghiệm tình thương "thấm nhuần ơn trìu mến". Hàn Mặc Tử diễn lại rất linh động trong bài thơ "Thánh Nữ Đồng Trinh Maria" là sức đột biến kỳ lạ từ cơn giẫy giụa:
Maria, linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
PHÚT ĐỘT BIẾN DO LỰC SÁNG TÌNH THƯƠNG
Chiến thắng của niềm vui vượt đau khổ là câu chuyện của bức tranh này. Không có một bức tranh nào mà Akiane phải chuyển đổi tâm tình nhiều như một diễn tiến chiếu chậm lại "slow motion" như bức này. "Lúc đầu, con vẽ con cò với cái cổ cúi xuống và trông vẻ buồn thảm. Rồi con nâng đầu nó lên để can đảm đối diện với cuộc sống."
Con cò đã được đột biến do ánh sáng, chứ không phảỉ do toan tính lắng lo của thế nhân. Mồ tối biến tan. Thần chết đã bị đánh bại. Alleluia.
Alleuia từ nguyên ngữ Do thái không phải là một lời đọc, mà là một tiếng hò reo chiến thắng "vui mừng qua đỗi".
Vâng, con tạ ơn Chúa, vì Chúa đang tác động con, nhất là khi con bước chân váo nhà thờ, nâng tâm hồn lên vào chiều kích thứ tư của ý thức. Mắt con liền được mở ra. Chắc chắn con cũng sẽ được choáng ngợp do ánh sáng tình thương được sự hiện diện huy hoàng uy linh đầy quyền năng của Chúa. Và đầu con cũng đang được nâng lên trong một lực đột biến.
Chúa Giêsu đã đã sống lại, đang sống và hành động trong cuộc sống của con lúc này. Chúa đang hiện ra trước mặt con đây, và “con sấp mình xuống trước mặt Chúa.” Niềm vui òa vỡ với tiếng reo hò vang dội làm rung chuyển lay động con tim: Alleluia.
Lm. Trần Cao Tường
Mời vào trang mạng văn hóa & niềm tin: www.dunglac.org và những bài viết và tác phẩm của Lm. Trần Cao Tường.