Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em
Chú Giải Thánh Thư 1 Cor 3: 9b-11; 16-17
Thành phố Côrinthô là một thành phố ăn chơi của người Hy Lạp. Thánh Phaolô đã từ Athen đến Côrinthô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ngài. Ngài cư ngụ ở đó khoảng 18 tháng, vừa làm việc vừa giảng dạy cho họ. Sau khi rời họ, ngài đã nghe biết những chuyện không hay xảy ra giữa họ vì có những vị thầy hay tiên tri giả đã dạy họ những điều sai lầm và gây chia rẽ. Đồng thời cũng có những gương mù về luân lý nơi họ, nên ngài đã viết thư này cho họ từ Êphêxô vào khoảng năm 57 để nhắc lại các giáo huấn của ngài, để khuyên bảo và để cảnh cáo họ. Trong chương này Thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Côrinthô rằng các Tông Đồ chỉ là những thừa tác viên của Đức Kitô và thi hành phận sự mà Chúa trao phó. Cho nên họ không có lý do gì để phải về phe Tông Đồ này hay Tông Đồ khác mà chia rễ nhau vì tất cả đều thuộc về Đức Kitô. Họ là thửa ruộng của Thiên Chúa, là tòa nhà của Thiên Chúa, chứ không phải của Apôllô, Phaolô hay Kêpha. Còn hơn một tòa nhà, họ là Đền Thờ của Thiên Chúa.
Câu 9b. anh em là toà nhà của Thiên Chúa.
Theo Giáo Lý vủa Hội Thánh Công Giáo thì “Hội Thánh cũng thường được gọi là ‘toà nhà của Thiên Chúa’” (1Cr 3: 9) (GLCG 755). Vì thế Thánh Phaolô gọi Hội Thánh tại Côrinthô là tòa nhà của Thiên Chúa chứ không phải của riêng Phaolô hay Apôllô. Vị kiến trúc sư đầu tiên của Hội Thánh là Thiên Chúa; và người thừa hành là các Tông Đồ như Thánh Phaolô và các nhà truyền giáo khác. Mỗi người trong chúng ta cũng vừa là những viên gạch xây Hội Thánh, đồng thời cũng là những ngôi nhà của Thiên Chúa.
Những ngôi nhà này không phải là những căn nhà cho thuê nhưng là nơi Thiên Chúa chiếm hữu và ngự trị như xưa kia ngài ngự trị nơi Hội Mạc hay Đền Thờ Giêrusalem.
Câu 10. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào?
Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi… Tuy là người thành lập ra nhiều cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhưng Thánh Phaolô không bao giờ cho đó là công sức của ngài, mà là nhờ ân sủng Thiên Chúa ban cho ngài. Ngài cũng muốn tất cà chúng ta ý thức điều này trong khi làm việc tông đồ: “Vậy Apôllô là gì? Phaolô là gì? Chỉ là những thừa tác viên mà qua họ anh em tin, theo khả năng Chúa ban cho mỗi người (chúng tôi). Tôi đã trồng, Apôllô đã tưới, nhưng Thiên Chúa đã làm cho lớn lên. Vì vậy, kẻ trồng hay người tưới không là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới quan trọng” (1 Cor 3: 5-7). Nếu tất cả những người phục vụ các cộng đồng và các giáo xứ hôm nay ý thức được điều này thì đâu có việc tranh nhau chức quyền, danh vọng; đâu có việc bè phái, chia rẽ và chống đối nhau.
… tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên... Chữ architekton của Hy Lạp cũng có thể được dịch là “một thợ xây chính” thay vì “một kiên trúc sư”, vì thế mà hầu hết các bản tiếng Anh dịch là “master builder”. Như đã nói ở trên, vị kiến trúc sư đầu tiên là Thiên Chúa. Các thừa tác viên của Ngài được ủy thác để xây Hội Thánh không những chỉ Hội Thánh hoàn vũ, hay Hội Thánh địa phương, nhưng cả Hội Thánh trong tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa là Đấng vô hình, đã dùng con người để làm những việc hữu hình. Nhưng Ngài muốn chúng ta hợp tác với nhau, mỗi người làm một công tác khác nhau. Chỉ có những người kiêu ngạo mới nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả mà không cần sư hợp tác của người khác.
Ở đây Thánh Phaolô nhận rằng ngài chỉ là người đặt nền móng mà thôi. Nhưng trong việc tông đồ, nền móng vững chắc là điều rất quan trọng. Không ai xây một căn nhà đồ sộ trước khi đặt nền móng cả. Thế mà có nhiều người chưa làm việc tông đồ, như dạy Giáo Lý chẳng hạn, được bao nhiêu đã mong thấy kết quả ngay. Khi không thấy kết quả thì chán nản, và muốn bỏ cuộc. Làm như thế là cậy vào sức mình chứ không thật sự cậy vào ân sủng Chúa. Làm như thế là muốn xây xong căn nhà trước khi đào móng, là xây nhà trên cát.
11. Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Đức Kitô.
Về phương diện Đức Tin, chúng ta chỉ có một nền tảng duy nhất là Đức Kitô. Chính vì Đức Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, là Alpha và Ômega của tất cả mọi sự, nên Hội Thánh đã dành năm nay để chúng ta học hỏi về “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ Hội Thánh.” Nhiều người trong chúng ta khi nói đến Lời Chúa thì nghĩ ngay đến Sách Thánh Kinh. Thực ra, Thánh Kinh chỉ là những Lời Chúa được ghi thành văn tự. Lời Chúa còn lớn lao hơn Thánh Kinh nhiều vì Lời Chúa chính là Đức Kitô.
Hội Thánh hữu hình và Hội Thánh trong tâm hồn mỗi tín hữu phải được xây trên nền tảng là Đức Kitô, là nền tảng đã được chính Thiên Chúa xây dựng. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết:
“Chính Đức Kitô đã tự ví Người như viên đá mà các thợ xây nhà loại bỏ, nhưng đã trở nên viên đá góc tường (Mt 21,42) (x.Cv 4,11; 1Pr 2,7; Tv 118,22). Trên nền móng này, các tông đồ đã xây dựng Hội Thánh (1Cr 3, 11) và Hội Thánh được bền vững, liên kết nhờ nền móng đó. Toà nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (1Tm 3,15) nơi Gia đình Người cư ngụ, nơi Thiên Chúa cư ngụ trong Chúa Thánh Thần (Ep 2, 19-22); ‘Lều Tạm của Thiên Chúa giữa loài người’ (Kh 21,3) và nhất là Ðền Thánh, tiêu biểu bằng các đền thờ bằng đá, đã từng được các thánh Giáo phụ ca tụng, và được Phụng Vụ sánh ví rất đúng với Thành Thánh, thành Giêrusalem mới. Thật vậy, trong Hội Thánh tại thế, chúng ta là những viên đá sống động dùng vào việc xây cất (1Pr 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Thành Thánh ấy từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống trong ngày canh tân vũ trụ, "sẵn sàng như hôn thê trang điểm để đón tân lang mình" (Kh 21,1-2) (GLCG 755).
Muốn cho căn nhà Hội Thánh cũng như căn nhà tâm hồn của mỗi tín hữu được vững chắc thì phải xây trên nền tảng Đức Tin vào Đức Kitô, là Đấng Cứu độ chúng ta. Đức tin ấy phải được thể hiện qua đức ái. Vì “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” (Gia 2:17). Hơn nữa, đặc tính của nền móng là phải được đào sâu và phải được chôn vùi. Nếu muốn Đức Kitô làm nền móng của đời mình, của cộng đoàn mình, thì chúng ta cũng cần phải đào sâu về Đức Kitô, nghĩa là phải hiểu biết Người để yêu mến Người một ngày một hơn, phải kết hợp mật thiết với Người. Đồng thời cũng để cho Lời Người thấm nhuần mọi bình diện của đời sống chúng ta. Nếu đời sống Đức Tin không có chiều sâu là chúng ta xây nhà trên nền không vững chắc. Như thế rất khó mà đứng vững trước những phong ba thử thách trên đời.
Một đặc tính quan trọng thứ nhì của nền móng là phải xây nhà theo hình thể của nền nhà. Căn nhà phải được đặt hoàn toàn trên nền, phải có hình dạng của nền. Nếu nền móng của cuộc đời chúng ta là Đức Kitô thì chúng ta cũng phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người, là sơ đồ được vẽ trên nền. Xây cuộc đời hay cộng đoàn chúng ta khác hình thể của nền, hoặc xây ngoài nền, thì ngôi nhà thiêng liêng của chúng ta chẳng sớm thì muộn cũng sẽ xụp đổ.
Câu 16. Anh em không biết anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?
Anh em không biết anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa… Sau khi đã nói về những thợ xây được Thiên Chúa dùng để xây ngôi nhà thiêng liêng, Thánh Phaolô nói đến nhiệm vụ của mọi người là những Đền Thờ sống động của Thiên Chúa. Mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa ngự. Không những chỉ linh hồn mà cả thân xác chúng ta cũng là Đền Thờ: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng đang ngự trong anh em, là Ðấng anh em nhận được từ Thiên Chúa sao? Như thế, anh em không còn thuộc về mình nữa, vì anh em đã được mua bằng một giá đắt; cho nên anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cor 6:19-20). Vì thế chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn ngôi Đền Thờ này trong một Đức Tin tinh tuyền và một đời sống luân lý trong sạch. Tránh xa những tông đồ giả là những người dạy những giáo thuyết sai lầm. Bao lâu chúng ta sống trong ân nghĩa Chúa, tức là không mắc tội trọng, bấy lâu Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.
Thánh Cyprianô nói: “Chúng ta hãy chứng tỏ bằng đời sống của mình rằng mình là Đền Thờ Thiên Chúa, để mọi người thấy Thiên Chúa ngự trong chúng ta, ngõ hầu chúng ta là những người bắt đầu thuộc về Thiên Quốc và Thần Khí, sẽ không nghĩ và làm gì ngoài những việc thuộc về Thiên Quốc và Thần Khí” (de Orat. Domin.).
Sách Giáo Lý Công Giáo viết:
“’Tinh thần hay linh hồn tương quan với chi thể thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Ðức Kitô, với Thân thể Người, là Hội Thánh’ (T.Âu-tinh, Sermo 267,4). ‘Chính nhờ Thánh Thần của Ðức Kitô, như một nguyên lý tiềm ẩn, mà tất cả các phần của Thân Thể được nối kết với nhau cũng như với Ðầu, vì Người hiện diện trọn vẹn nơi Ðầu, trọn vẹn nơi Thân thể, trọn vẹn nơi mỗi một chi thể’ (x. Piô XII, Thông điêp Thánh Thể; DS 3808). Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở nên ‘Ðền Thờ của Thiên Chúa hằng sống’ (2 Cr 6:16) (x. 1Cr 3:16-17; Ep 2:21)” (GLCG 797).
Theo Thánh Bernađô thì một linh hồn được cung hiến giống như một Đền Thờ của Thiên Chúa. Ngài nói rằng có năm điều được thấy trong một buổi lễ cung hiến là rẩy nước thánh, làm dấu Thánh Giá, xức dầu, nến sáng, và phép lành. Và cả năm điều này đều xảy ra trong việc cung hiến linh hồn cho Thiên Chúa (x. Sermo 1 de Dedic. Eccl.) trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.
17. Nếu ai xúc phạm tới Đền Thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì Đền Thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là Đền Thờ ấy.
Nếu ai xúc phạm tới Đền Thờ của Thiên Chúa… Có nhiều cách để xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa. Như chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán. Và Chúa Giêsu đã nổi giận đến nỗi Người phải lấy dây thắt thành roi để đánh đuởi họ và lật đổ bàn ghế của họ. Ngày nay có nhiều nơi cũng dùng Thánh Đường để buôn thần bán thánh, nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền Thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.
Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là chi thể của Đức Kitô sao? Tôi sẽ lấy chi thể của Đức Kitô mà làm nó thành chi thể của một gái điếm sao? Không đời nào! Anh em không biết rằng ăn ở với một gái điếm là nên một thân xác với cô ta sao? Vì có lời rằng ‘cả hai sẽ nên một thân xác’ Nhưng ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần” (1 Cor 6:15-17), vì thân xác chúng ta là chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô, là Hội Thánh, là Đền Thờ của Thiên Chúa, nên khi chúng ta làm ô uế thân xác mình là chúng ta xúc phạm đến Đền Thờ Thiên Chúa. Tương tự, thân xác người khác cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa, và xúc phạm đến thân xác họ là xúc phạm đến Đền Thờ Thiên Chúa.
Phá thai cũng là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền Thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền Thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài và đã truyền chính hơi thở của Ngài vào chúng.
Nhân danh Thiên Chúa mà kéo bẻ, kéo phái, mà tranh chấp, cãi cọ, xỉ nhục nhau cũng là xúc phạm đến Đền Thờ Thiên Chúa. Làm như thế là chúng ta không sống theo Thánh Thần mà theo xác thịt: “Bao lâu còn ghen tương và tranh chấp giữa anh em, thì anh em không phải là còn đang sống theo tính xác thịt, và cư xử như những người tầm thường sao? Vì khi người này nói, “Tôi là người của ông Phaolô”, và người khác, “Tôi là người của ông Apôllô”, thì anh em không chỉ là người phàm sao?” (1 Cor 3:3-4).
Linh hồn cũng là Đền Thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền Thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mt 18:6; Mc 9:42; Lc 17:2), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm. Có nhiều người nghĩ rằng mình không làm hại ai là đủ rồi. Thật ra những người có trách nhiêm giáo dục và hướng dẫn người khác, như các linh mục, các phụ huynh, các thầy cô… mà lơ là bổn phận của mình, cũng là xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa vì mình không chu toàn bổn phận bảo trì và xây dựng những ngôi Đền Thờ mà Thiên Chúa đã trao cho mình.
Ngoài ra, Thánh Phaolô cũng có ý nói đến những người rao truyền những lạc thuyết trong dân làm cho họ xa lìa những giáo huấn chân chính. Nhiều khi chúng ta không có ý giảng dạy sai lầm, nhưng vì không chịu học hỏi, hoặc vì dạy theo ý mình chứ không theo giáo huấn của Hội Thánh, chúng ta cũng trở thành những người rao truyền lạc thuyết. Cho nên, những ai dạy Giáo Lý phải luôn luôn tâm niệm như Đức Kitô rằng: “Giáo huấn của Tôi không phải là của chính Tôi, nhưng là của Ðấng đã sai Tôi…. Ai giảng dạy theo ý mình, thì tìm vinh quang cho chính mình. Nhưng ai tìm vinh quang cho Ðấng đã sai mình, người đó là người chân thật, và nơi người đó không có điều gì gian dối” (Ga 7:16-19).
Kết Luận
Chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa. Từ Đền Thờ đó, Thiên Chúa cho chảy ra Nước Hằng Sống để tẩy rửa, chữa lành và nuôi sống thế gian làm cho nó nên trong sạch. Chúng ta chính là những dòng nước ấy. Sau mỗi lần đến Bàn Tiệc Thánh, Thiên Chúa không giữ chúng ta mãi ở trong Đền Thờ, nhưng sai chúng ta vào thế gian để làm những tác nhân của Ngài mà thánh hóa thế gian, như những dòng nước mà ngôn sứ Êdêkiên nói trong Bài Đọc I. Cách sống thường nhật của chúng ta có thực sự góp phần vào việc canh tân bộ mặt trái đất của Chúa Thánh Thần không? Hay là chúng ta để cho dòng nước tinh tuyền mà Chúa trao cho chúng ta bị thế gian làm cho ra vẩn đục và ô nhiễm?
Lạy Chúa xin cho con luôn ý thức rẳng tất cả những việc tốt lành con làm được là nhờ hồng ân Chúa, là nhờ Chúa Thánh Thần đang ở cùng con, như ở trong Đền Thờ của Chúa. Xin cho con biết kính trọng chính bản thân con và kính trọng những người khác như kính trọng chính Thân Thể Chúa, vì tất cả chúng con đều là Đền Thờ của Chúa. Amen.
Phaolô Phạm Xuân Khôi