(từ cuốn "The Imitation of Christ" do Aloysius Croft dịch từ nguyên bản tiếng La Tinh)
Cuốn 1: NHỮNG TƯ TƯỞNG HỮU ÍCH CHO ĐỜI SỐNG CỦA LINH HỒN
Chương 3: Học Thuyết Chân Lý
Phúc cho ai được chân lý thể hiện nơi người ấy, không bằng dấu chỉ hay lời nói phai nhạt, nhưng thực sự là như vậy. Quan điểm, giác quan của chúng ta thường hay lừa dối chúng ta và ít khi chúng ta nhận ra điều đó.
Có tốt gì khi thảo luận nhiều về các vấn đề phức tạp và mơ hồ khi sự thiếu hiểu biết về các điều ấy không tố cáo chúng ta trong Ngày Phán Xét? Thật nực cười khi bỏ qua những điều có lợi và cần thiết nhưng lại quá lưu tâm đến những điều không liên quan và có hại.
Chúng ta có mắt nhưng lại không thấy.
Như thế, chúng ta phải làm gì với những thắc mắc của triết học? Người mà Ngôi Lời Hằng Hữu nói với thì không bị ràng buộc bởi lý thuyết. Vì từ Lời này mà có mọi sự và mọi sự nói về Người--Đấng Nguyên Thủy cũng nói với chúng ta. Không có Lời này, không ai hiểu và phán đoán đúng. Ai mà từ Lời ấy phát sinh mọi sự, ai truy nguyên mọi sự từ Lời và nhìn thấy mọi sự trong Lời, người ấy có thể an ổn tâm hồn và giữ được bình an với Thiên Chúa.
Ôi lậy Chúa, Ngài là chân lý, xin giúp con nên một với Ngài trong tình yêu vĩnh cửu. Con thường kiệt quệ vì những điều được nghe và được đọc, nhưng trong Ngài là tất cả những gì con ao ước. Giới trí thức hãy im đi, mọi tạo vật hãy câm nín trước Ngài; chỉ một mình Ngài nói với con.
Càng chế ngự mình và tâm hồn càng bình dị bao nhiêu, người ta càng dễ hiểu những điều cao siêu, vì họ được ánh sáng hiểu biết từ trên cao. Một tinh thần thanh khiết, đơn sơ, và bền bỉ thì không bị sao nhãng bởi công việc, vì người ta thi hành việc đó để vinh danh Thiên Chúa. Và vì muốn sự bình an nội tâm nên họ không tìm kiếm mục đích ích kỷ trong mọi sự. Thật vậy, còn điều gì phiền hà và khổ sở hơn là những khao khát bất trị của tâm hồn?
Một người tốt lành và đạo đức sắp đặt điều phải làm không theo xu hướng xấu xa nhưng theo tiếng gọi của lý trí đúng đắn. Có phải người cố làm chủ chính mình là người buộc phải chiến đấu nhiều hơn? Vậy, đây phải là mục đích của chúng ta: chiến thắng chính mình, trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày, thăng tiến nhân đức.
Mọi sự tuyệt hảo ở đời này đều pha trộn ít nhiều sự bất hảo và không có sự hiểu biết nào của chúng ta mà không có chỗ u tối. Khiêm tốn nhận biết mình là con đường chắc chắn đến với Thiên Chúa hơn là hăng say tìm kiếm kiến thức. Không phải vì kiến thức, hay sự hiểu biết được coi là xấu xa, tự nó tốt lành và vì thế được Thiên Chúa phong ban; nhưng phải luôn luôn mong muốn một lương tâm trong sạch và đời sống nhân đức. Nhiều người sai lạc và không đạt được gì vì họ cố trở nên uyên bác hơn là sống tốt.
Nếu người ta lo lắng đến việc nhổ tận gốc mọi thói xấu và gieo trồng các nhân đức khi họ bàn thảo về các vấn đề, sẽ không còn nhiều sự dữ và điều tiếng xấu trong thế gian, hay sự lỏng lẻo trong các tổ chức tôn giáo. Vào ngày phán xét, chắc chắn rằng chúng ta sẽ không được hỏi về những gì chúng ta đọc nhưng về những gì chúng ta làm; không phải những gì hay ho chúng ta nói nhưng về kiểu cách chúng ta sống.
Hãy cho tôi biết những bậc thầy mà bạn biết rõ khi còn sống và họ nổi tiếng về học thuật, bây giờ họ ở đâu? Những người khác đã chiếm chỗ của họ và tôi không biết những người này có nghĩ gì đến những người đi trước hay không. Khi còn sống, dường như họ đáng kể; bây giờ ít ai nghĩ đến họ. Vinh dự thế gian thật chóng qua biết chừng nào! Phải chi đời sống của họ cùng nhịp bước với điều họ hiểu biết thì sự học hỏi của họ đã có giá trị.
Biết bao người đang hư mất vì kiến thức phù vân của thế gian mà lại ít lo lắng đến việc phục vụ Thiên Chúa. Họ trở nên phù phiếm trong sự cao ngạo của họ vì muốn được vĩ đại hơn là khiêm tốn.
Người thực sự vĩ đại là người rất mực bác ái. Người thực sự vĩ đại thì thấy mình nhỏ bé và không coi danh vọng là điều đáng kể. Người thực sự khôn ngoan sẽ coi những điều thế gian là điên dại để họ có thể tiến đến Đức Kitô. Người thực thi thánh ý Chúa và không thiết gì đến chính mình thì thực sự rất hiểu biết. Chân Lý