Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 2

Gồm những chỉ dẫn về nguyện ngắm và các Bí Tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa.

 CHƯƠNG 02

PHƯƠNG PHÁP VẪN GIÚP SUY NGẮM VIỆC CHUẨN BỊ : 
TRƯỚC HẾT: NHỚ MÌNH TRƯỚC MẶT CHÚA (*)

Có khi con chưa biết làm thế nào để suy ngắm, phải không Philôtê ? Buồn thay, đó là điều mà ở thời đại ta ít người biết. Vì vậy, tôi sẽ trình bày một phương pháp đơn sơ và vắn tắt giúp suy ngắm, cho đến khi nhờ đọc các sách hay về điều đó và nhờ thực hành nhiều con sẽ am hiểu rộng rãi hơn. Tôi nói trước hết về việc “chuẩn bị”, gồm hai điểm : điểm nhất là đặt mình trước mặt Thiên Chúa, điểm hai là cầu khẩn Ngài hộ giúp.

Để biết mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đề nghị bốn phương thế chính, con có thể dùng lúc buổi đầu.

Phương thế thứ nhất là suy tưởng mạnh mẽ và chăm chú đến sự hiện diện phổ biến của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và trong mọi sự. Không có chỗ nào, vật nào ở trần gian này mà Ngài không có mặt ở đó thật thành ra, như chim bay đâu cũng gặp không khí, thì ta đi đâu, ở đâu, ta vẫn thấy Ngài có mặt ở đó. Ai cũng biết chân lý ấy, song không chú ý mà sống. Người mù dù không nhìn thấy vua, song khi được biết có ngài ở trước mặt, họ sẽ thủ lễ. Nhưng chừng nào họ không nhìn thấy ngài, họ cũng dễ dàng quên ngài có mặt. Mà khi dễ quên càng dễ quên tôn kính và giữ lễ hơn nữa. Buồn thay ! Phi-lô-tê, chúng ta không thấy Thiên Chúa hiện diện với ta, và dù đức tin dạy ta là Ngài có mặt, thì vì ta không thấy bằng mắt, ta thường quên và ăn ở như thể Thiên Chúa ở rất xa ta. Và tuy biết Ngài có mặt trong mọi vật mà chỉ vì không nghĩ tới, thì ta ra như không biết vậy. Vì thế, thoạt đầu suy ngắm, phải giục linh hồn chú ý suy nghĩ đến sự có mặt của Thiên Chúa. Đó là cảm nghĩ của Đa-vít trong câu ca vịnh này : “Lạy Chúa, nếu con lên trời, Chúa ở đó, nếu con xuống âm ngục, Chúa cũng ở đó” (Ca vịnh 138, 8). Và ta cũng dùng lời của Gia-cóp, khi ông thấy thang lạ : “Ôi, nơi này đáng kính sợ ! Thiên Chúa, ngự ở đây, mà tôi không biết” (Sách Sáng Thế 28, 17). Ông muốn nói là ông không nghĩ đến, vì hẳn ông không thể không biết rằng Thiên Chúa ở trong mọi sự và mọi nơi. Vậy khi suy ngắm con phải hết lòng và nói với lòng rằng : “Hỡi lòng tôi, hỡi lòng tôi, Thiên Chúa thật ở nơi đây”.

Phương thế thứ hai giúp đặt mình trước mặt Thiên Chúa, là không chỉ nghĩ Chúa đang ở nơi ta đang ở song cách đặc biệt Ngài ngự trong lòng con, ở thẳm sâu trong trí con. Bởi vì có mặt đó, Ngài ban cho nó sức sống và sức sinh hoạt. Cho nên Ngài ở đó như tim của tim con , trí của trí con. Như hồn ở khắp cả thân thể, có mặt ở tất cả mọi phần thân thể song ở trong tim một cách đặc biệt, Thiên Chúa cũng vậy, Ngài có mặt trong mọi sự, song ngự cách đặc biệt trong lòng ta. Vì vậy Đa-vít gọi Chúa : “Thiên Chúa của lòng Ngài”, và thánh Phaolô nói : “ta sống, ta cử động, ta ở trong Thiên Chúa” (Công vụ 17, 28). Khi suy niệm chân lý ấy con hãy giục lòng tôn kính mạnh mẽ vì Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng con cách mật thiết như thế.

Phương thế thứ ba là chiêm ngắm Chúa Cứu Thế, Đấng từ trời nhìn xuống mọi người thế gian, cách riêng các Kitô hữu là con cái Người, và cách đặc biệt những kẻ đang cầu nguyện. Người lưu ý đến những hành động và cử chỉ của họ. Đây không là tưởng tượng, song là chân lý. Vì dù ta không thấy Người, song từ trên đó Người nhìn ta. Thánh Tê-pha-nô thấy Người như thế lúc ông chịu tử đạo. Do đó, ta có thể nói, cùng với vị hôn thê của Chúa : “Kìa Người đang nấp sau tường, nhìn qua cửa sổ, ngó qua sông đào” (Nhã ca 2, 9).

Phương thế thứ tư là dùng trí tưởng tượng hình dung Chúa Cứu Thế mặc xác phàm như đang ở bên ta, theo cách ta thường hình dung các bạn hữu ta khi nói : “Tôi hình dung thấy người này… người kia đang làm cái này cái nọ, tôi hình như thấy họ…” hoặc điều gì giống vậy. Song nếu có Thánh Thể trên bàn thờ, thì sự hiện diện lại là thực sự, chứ không phải chỉ nhờ tưởng tượng. Vì hình bánh có thể ví như tấm màn sau đó Chúa thật có mặt, nhìn ngó ta, dù ta không thấy hình Người trong dáng thật của Người.


Vậy con hãy dùng một trong bốn phương thế ấy để đặt hồn con trước mặt Chúa trước khi suy ngắm. Đừng dùng tất cả một lượt, nhưng mỗi lần một cái thôi. Dùng cách vắt tắt và đơn sơ.

Chú Thích:

(*) Những điểm bàn rộng ở đây đã được tác giả cho thực hành ở trên kia, xem phần 1, chương 9 – 18.

--- o0o ---