Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 2

Gồm những chỉ dẫn về nguyện ngắm và các Bí Tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa.

 CHƯƠNG 13

CÁC KHÁT VỌNG, LỜI NGUYỆN TẮT VÀ Ý TƯỞNG LÀNH THÁNH

Ta ẩn mình nơi Chúa vì ta khát khao Ngài, và khao khát Ngài là để đến ẩn mình trong Ngài. Nên lòng khát vọng về Chúa và sự tĩnh tâm thiêng liêng nâng đỡ nhau cả hai đều do những ý tưởng lành thánh phát sinh ra.

Vậy, Phi-lô-tê, con hãy luôn khát vọng về Chúa nhờ đem lòng tưởng nhớ vắn tắt nhưng nóng nảy : Con hãy chiêm ngưỡng vẻ mỹ lệ của Ngài ; kêu cầu Ngài trợ giúp ; con hãy dùng trí khôn đến sấp mình dưới chân thập giá, thờ lạy lòng nhân hậu Chúa ; hãy hỏi Ngài về vấn đề phần rỗi con ; dâng cho Ngài hồn con mỗi ngày trăm ngàn lần ; chiêm ngắm vẻ hiền từ của Chúa. Đưa tay cho Chúa nắm lấy để dẫn dắt con như con trẻ đưa cho cha nó. Hãy đặt Ngài trên ngực con như bó hoa thơm, hãy trông Ngài trong hồn con như ngọn cờ… Con hãy để lòng làm muôn ngàn tâm tình giống vậy, hầu tăng thêm lửa mến Chúa nơi con và thúc giục con yêu mến say mê trong êm ái Người Bạn Tình chí thánh ấy. Đó là ta dâng lên những lời nguyện tắt mà thánh cả Au-gu-ti-nô đã khuyên bà Pro-ba đạo đức rất kỹ lưỡng. Phi-lô-tê, nếu tâm trí ta tập quen tiếp xúc tư riêng và thân mật với Chúa, nó sẽ được thấm nhuần các đức hoàn thiện của Ngài. Việc đạo đức này không có gì khó. Nó có thể đi đôi với mọi công việc và hoạt động của ta mà không phá rối. Vì khi ta tĩnh tâm lại hoặc khi lòng trào dâng các khát vọng nói trên kia, thì đó chỉ là những việc làm vắn tắt, ngắn ngủi, không cản trở ta thi hành phận sự chút nào cả ; trái lại nó còn giúp thêm là đàng khác. Người lữ hành, uống vài hớp rượu cho tinh thần phấn chấn và cho cổ dịu mát, dù có phải dừng chân đôi phút vì đó, thì không phải là chấm dứt hành trình ; trái lại lấy sức thêm mà đi nốt đoạn đường cách nhanh chóng và dễ dàng hơn : ông dừng lại là để đi mau hơn.

Có nhiều người thu thập rất nhiều lời than thở ngoài miệng. Những lời ấy rất hữu ích. Song theo ý tôi con không nên gò ép mình theo một công thức nào cả, tốt hơn con thầm thĩ trong lòng hay nói ra ngoài miệng những lời do tình mến thúc đẩy con ngay lúc ấy, tình mến sẽ gợi lên dồi dào theo lòng con sở nguyện. Đã hẳn có những lời có hiệu lực đặc biệt làm cho lòng ta vui thỏa, tỷ dụ : những lời than thở rải rác rất nhiều trong các Ca vịnh của Đa-vít, những lời kêu cầu danh Chúa Giêsu, và những câu thắm thiết trong sách Nhã ca. Những thánh ca cũng thế, miễn là phải để tâm mà hát.

Sau nữa, như trong ái tình nhân loại, tâm tư người đang yêu thương tự nhiên luôn hướng về người yêu, lòng dạt dào thương mến miệng ca tụng người yêu không ngớt. Nếu xa cách, họ không quên bộc lộ yêu thương qua thư từ, gặp thân cây nào cũng khắc tên người yêu vào ; thì những người yêu mến Chúa cũng không ngừng nhớ tưởng đến Ngài, hồi hộp khát khao Ngài và nói về Ngài. Nếu có thể được, họ muốn khắc tên cực trọng Chúa Giêsu trên ngực mọi người. Mọi vật đều gợi họ nhớ đến Ngài. Không tạo vật nào không tán dương Đấng Chí ái trước mặt họ. Thánh Au-gu-ti-nô lặp lại lời Thánh An-tôn : Muôn vật trên đời nói cho họ tiếng nói lặng lẽ nhưng dễ hiểu, về tình yêu họ. Mọi sự đều thúc giục họ có những ý nghĩ tốt lành từ đó phát sinh bao luyến nhớ và khát khao Chúa”. Đây vài ví dụ : Thánh Grê-go-ri-ô, Giám mục thành Na-di-ăng có kể lại cho các bổn đạo Ngài : Một hôm đang dạo chơi trên bờ biển, ngắm các làn sóng sô nhau đổ lên bãi cát, rồi để lại những vỏ sò, vỏ hến, cọng cỏ, ốc con và những vật linh tinh như thế mà biển thải ra hay nói thô hơn, mửa lên bờ. Rồi những đợt sóng biển khác lại hớp đi một phần những vật đó đang khi các tảng đá quanh đó vẫn trơ trơ trước sức sóng đập dữ dội. Xem cảnh đó, Ngài có ý tưởng đẹp này, những kẻ hèn yếu như vỏ sò, hến, cọng cỏ, để mình bị lôi cuốn lúc này vào cơn buồn, lúc khác vào niềm yên ủi, theo các may rủi của đợt sóng ; còn người can đảm luôn vững vàng không lay chuyển ngay cả trước bão tố. Nghĩ thế ngài nói lên những lời than thở của Đa-vít rằng : “Lạy Chúa, xin cứu con, sóng nước tràn ngập tâm hồn con. Lạy Chúa, cứu con khỏi vực sâu đáy nước ! Con bị ngập trong sóng nước, dông bão đã nhận chìm con” (Ca vịnh 68, 2-3, 5, 3). Chính lúc đó, ngài đang buồn vì Ma-xi-mô uy hiếp tòa Giám mục của Ngài. Tỷ dụ khác : Thánh Fun-giăng-xiô, Giám mục thành Ru-pê (Ruspê) đến dự buổi diễn giảng do vua Théo-đô-ric, vua dân Gôth, nói trong Đại hội hàng quý tộc La-mã. Nhìn thấy vẻ sang trọng uy nghiêm của các lãnh chúa đang an tọa theo cấp bậc, ngài đã thốt lên : “Ôi lạy Chúa, thành đô Giê-ru-sa-lem trên trời hẳn phải huy hoàng biết bao ! Ở trần gian những kẻ ham chuộng hư hèn còn uy nghi sáng chói như thế thì đời sau, những người chiêm vọng sự Chân Thật sẽ vinh hiển đến thế nào !”.

Người ta còn kể : Thánh An-xen-mô, tổng Giám mục thành Căn-tóc-bê-ry mà xứ sở chúng ta có cái vinh dự làm nơi sinh trưởng của ngài1 là vị rất nổi tiếng về khoa thực hành các ý tưởng tốt lành này. Một hôm, thánh Giám mục cưỡi ngựa đi đường, bỗng có chú thỏ con bị chó săn đuổi, chạy lại nấp vào dưới bụng ngựa, để náu thân tránh nguy đang đe dọa. Bầy chó vây quanh sủa ầm ỹ, mà không dám xấn vào nơi trú ẩn bất khả xâm phạm của con mồi, thật là một cảnh hy hữu làm phì cười tất cả đoàn tùng hành. Đang khi đó, thánh An-xen-mô sa nước mắt và nói : “Các người cười hả ! Con vật khốn nạn nó không cười. Tôi nghĩ đến các thù địch của các linh hồn đang đuổi bắt và lôi kéo nó qua mọi đường lối của tội lỗi, đang rình nó tại khe đá sự chết để chộp lấy và cấu xé. Còn linh hồn ấy run sợ tìm khắp nơi một bàn tay cứu giúp và nơi trú ẩn. Nếu nó không tìm thấy, kẻ thù sẽ cười khoái trá lắm”. Thánh nhân nói đoạn, ngài tiếp tục vừa đi vừa thở dài. Vua Con-tan-ti-nô Cả viết thư cho Thánh An-tôn với lời lẽ rất cung kính, đến nỗi các tu sĩ quanh người đều bỡ ngỡ hết sức. Thánh nhân nói với họ : “Anh em ngưỡng mộ một vị vua viết thơ cho người dân ư ? Thế thì ta càng phải ngưỡng mộ Thiên Chúa hằng hữu đã viết luật Ngài cho người phàm hay chết, đặc biệt hơn nữa lại đã đến nói tận miệng cho họ bởi con của Ngài”. Thánh Phan-xi-cô khó khăn khi thấy cừu non giữa đàn dê thì người nói với bạn : “Hãy xem con cừu non này hiền lành biết bao giữa bầy dê ! Chúa chúng ta cũng sống hiền lành và khiêm nhường như thế giữa các người Biệt phái !”. Lần khác, thấy một chiên con đang bị con heo dữ ăn thịt, người vừa khóc vừa nói : “Hỡi chiên nhỏ bé, người diễn lại thảm cảnh Chúa Cứu Chuộc ta chịu chết”.

Và nhân vật lừng danh thời đại ta, Phan-xi-cô Bóc-gya, lúc còn là công tước xứ Gan-đi, đi săn bắn mà có nhiều ý tưởng đạo đức. Người có kể lại : “Tôi lấy làm lạ tại sao chim ưng lại về đậu trên nắm tay, chịu để bị bắt và cột vào chiếc sào, còn con người lại cứng cổ không nghe lời Thiên Chúa ? Thánh cả Ba-di-liô nói : “Hoa hồng giữa bụi gai trách mắng nhân loại như sau ! Hỡi các người hay chết ! Các vui thú nhất ở trần gian cũng pha màu buồn bã. Không có gì tinh túy cả : hối tiếc luôn gắn liền với hoan lạc, góa bụa đi theo hôn nhân, lo lắng pha trộn với phong phú, nhàm chán theo sau khoái lạc, và bệnh tật đi kèm sức khỏe”. Thánh nhân tiếp : “Hồng là loại hoa đẹp, song nó làm tôi buồn khi nhớ đến vì tội tôi mà trái đất đã phải trổ sinh gai góc”. Một tâm hồn thánh thiện đã thốt nên lời này khi ngắm dòng suối phản chiếu khung trời lấp lánh sao đêm trong sáng : “Lạy Chúa, các vì sao kia sẽ ở dưới chân con ngày Chúa cho con vào sống nơi thiên cung của Chúa. Như sao trời in hình dưới đất, thì các người dưới đất được in hình trên trời trong nguồn suối Tình Yêu Thiên Chúa”. Một linh hồn khác nhìn thấy dòng sông chảy suy rằng : “Linh hồn tôi sẽ không yên nghỉ bao lâu chưa tìm về trùng dương Thiên Chúa là ngọn nguồn”. Còn thánh Phan-xi-cô quỳ bên dòng suối để cầu nguyện, nhìn thấy vẻ đẹp của dòng suối chảy, người ngất trí nói lên nhiều lần : “Ơn Chúa tôi cũng chảy nhẹ nhàng, dịu dàng như dòng suối nhỏ này” – Một người khác khi nhìn cây trổ hoa, than thở : “Tại sao chỉ mình tôi không đâm bông trong vườn Hội Thánh ?”. Người khác thấy gà con chạy núp cánh mẹ thì cầu rằng : “Ôi lạy Chúa, xin cho con ẩn náu dưới bóng cánh Chúa” – Còn có người khi thấy hoa hướng dương thì kêu xin : “Lạy Chúa bao giờ hồn con mới hướng theo sức hấp dẫn của lòng nhân lành Chúa ?” – và lúc nhìn hoa tử-la-lan đẹp tươi trong vườn, song không hương thơm lại nói : “Các ý nghĩ của tôi cũng giống vậy – nó rất đẹp song không gây hiệu quả gì !”.

Đó, hỡi Phi-lô-tê, con đã thấy cách rút những ý tưởng tốt và các khát vọng thánh thiện ra từ những cái ta gặp trong đời sống tạm này. Khốn cho ai xoay các tạo vật khỏi Thiên Chúa để hướng về tội. Phúc cho kẻ hướng tạo vật đến chúc vinh Đấng Tạo thành, và lợi dụng nét phù du của chúng để làm vinh dự cho chân lý. Thánh Grê-gô-riô Na-diăng nói : “Tôi tập thói quen dùng sự vật để làm ích thiêng liêng cho tôi”. Con hãy đọc hàng chữ thánh Hiê-rô-ni-mô ghi tặng trên mộ của thánh Pao-la : con sẽ phải thán phục, vì ghi lại nhiều ý tưởng và lời than thở thánh thiện mà thánh nữ đã thốt ra trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Chính việc sống thánh đức là ở tại việc tĩnh tâm thiêng liêng và dâng lời nguyện tắt. Mình nó có thể thay thế hết nếu các loại nguyện ngắm khác thiếu đi. Không có nó, hầu như không có phương thế nào bù lại. Không nó, không thể sống đời chiêm vọng, và ngay cả đời hoạt động cũng hỏng đứt. Không nó, nghĩ ngợi sẽ là ngồi không, làm việc sẽ là vướng mắc, vì thế, tôi xin con hết lòng làm việc đạo đức ấy không bao giờ bỏ2.

--- o0o ---

1: ở Aosta, thành Piemont, năm 1033.

2: Gaston Dutil : “Đạo trong đời bạn” (Nhị Bằng dịch) 1963 : Cuốn nhỏ này có thể giúp bạn biết đem đời sống vào cầu nguyện, cũng như đem cầu nguyện vào đời sống nhất là chương III-V- Xem thánh Anphongsô : “Cách tâm sự với Chúa” (Manière pour converser avec Dieu)