Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 04

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG BÊN NGOÀI

Tiên tri Ê-li-dêu nói với bà góa nghèo khổ : “Hãy mượn nhiều bình không rồi đổ dầu vào” (Sử Ký II, đoạn 4, 3-4). Muốn nhận được ơn Chúa vào lòng, lòng cần phải trống rỗng những hư vinh về chính mình. Con chim vọ khi vừa kêu vừa nhìn các chim săn mồi, thì làm cho chúng tê liệt không biết bởi một sức gì bí mật. Vì vậy chim câu yêu nó hơn hết các loài chim khác và đến sống cạnh nó để được bình an. Khiêm nhường cũng thế ! nó đuổi Satan, gìn giữ trong hồn ta ơn nghĩa và ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, các thánh, nhất là Vị Vua các thánh và Mẹ Ngài, tôn trọng và yêu quý đức này hơn tất cả mọi luân đức1.

Ta gọi cái vinh quang mà người ta tự ban cho mình là hư vinh vì ta không có, hay nếu có song không phải của ta, hoặc nếu ta có như là của ta song không đáng ta tự phụ. Sự sang quý của dòng dõi, được kẻ lớn mến chuộng, được dân chúng ưa thích, đó là những cái ta không có, nhưng chỉ có ở nơi các bậc tiền bối ta, hoặc do sự kính nể của kẻ khác. Có người hãnh diện và kiêu căng vì cưỡi ngựa quý, vì có một chùm lông xù trên mũ, vì áo quần sang trọng, nhưng ai chẳng cho đó là ngớ ngẩn. Nếu có vẻ vang thì vẻ vang cho con ngựa cho con chim, cho người thợ may. Vay mượn từ một con ngựa, một mớ lông, một tấm áo, chút khen ngợi của người ta, chẳng phải là một cử chỉ ti tiện sao ? những người khác so sánh, đánh giá nhau vì những bộ ria xoăn, những bộ râu mượt, vì những lọn tóc quăn, vì những bàn tay thanh lịch, vì biết nhảy, biết chơi, biết hát, như thế chẳng là bần tiện vì muốn đề cao mình, và làm tăng thanh danh mình bởi những vật phù phiếm, nhăng nhít ấy sao ? Có kẻ vì có chút học thức muốn được tôn trọng, kính nể, như thể mọi người phải đến học hỏi họ và lạy họ làm sư phụ… Chính vì thế, người ta tặng họ biệt hiệu “mô phạm rởm”. Còn kẻ khác nữa thì vênh vênh tự đắc khi thấy mình xinh đẹp và tưởng cả thế giới đều chạy theo tán tỉnh mình. Tất cả các cái đó là tầm phào lố bịch và vô lý quá chừng. Còn cái vẻ vang bởi đó mà ra là thứ vẻ vang hão huyền lố lăng và vô lối.

Người đời nhìn biết cái tốt thật như người sành biết dầu thơm chính hiệu. Người ta thử dầu thơm bằng cách nhỏ vài giọt vào nước, nếu nó chìm xuống đáy, thì đó là dầu hảo hạng và quý. Cũng vậy, muốn biết một người có thật khôn ngoan, thông thái, đại độ, cao thượng không, phải xem các đức ấy có mang dấu khiêm nhường, nhũn nhặn và phục tùng không lúc ấy mới thực là đức chân chính. Nhưng nếu chúng muốn vươn lên, muốn cho mọi người thấy, đó là đức giả hiệu, càng giả vì càng phô trương bên ngoài. Những hạt ngọc trai nảy nở và nuôi giữa gió và tiếng sấm sét chỉ có vỏ là ngọc còn bên trong rỗng tuếch. Các nhân đức và đức tính tốt của người ta cũng vậy, nếu nó nảy nở và nuôi dưỡng trong kiêu ngạo, trong khoác lác và trong khoe khoang chỉ có cái vỏ là nhân đức còn không có thực chất, không có tủy, không chắc.

Danh giá, cấp bậc, chức quyền cũng như củ nghệ, càng bị chà đạp càng xinh tốt, xum xuê. Vinh dự vì có sắc đẹp sẽ tiêu ma nếu ta đâm tự đắc. Sắc đẹp muốn cho có duyên dáng cần phải để tự nhiên. Học lực sẽ đem đến tủi hổ, nếu nó làm ta đâm hách và biến thành thông thái rởm. Nếu ta ráo riết chi ly vế cấp bậc, chỗ ăn chỗ ngồi, chức tước, chúng làm các cái đó thành đê tiện và đáng ghét, ấy là chưa kể ta đưa các đức tính ta làm đầu đề cho người ta đàm tiếu, soi mói và công kích.

Vì danh vọng chỉ tốt đẹp khi ta lãnh như một ơn hụê, nếu ta đòi hỏi, tìm kiếm và chạy chọt, nó sẽ thành đáng ghét. Khi con công xòe đuôi để người ta nhìn, nó phô trương cả mình nó nữa, làm cho người ta xem thấy cả những cái xâu của nó. Hoa chỉ đẹp khi trồng dưới đất, nếu đem mân mê nó sẽ héo tàn. Cũng như hương cây ngài sâm ngửi xa xa và thoảng qua thì thấy thơm dễ chịu, nhưng ai ngửi gần và lâu sẽ bị ngất xỉu và lâm bệnh 2. Thì đây, danh vọng ban an ủi êm ái cho ai ngửi nó xa xa và thoảng qua, không quá tha thiết vồ vập với nó lắm. Nhưng yêu thích và ước mơ, danh vọng chỉ còn đáng khinh chê, ghét bỏ vô cùng.

Yêu quý và theo đuổi nhân đức, là bắt đầu làm ta nên người nhân đức ; nhưng đeo đuổi và yêu thích danh vọng làm ta đáng khinh, đáng trách. Các tâm hồn cao thượng không có dây vào những lố lăng về cấp bậc, danh vọng, khúm núm ấy, họ có nhiều chuyện khác phải làm. Đấy là việc của bọn người ăn không ngồi rỗi. Ai đã có ngọc trai không màng đến vỏ, người theo đàng nhân đức không hám danh vọng. Đã hẳn, mỗi người có thể sống và giữ chức bậc mình mà không mất khiêm nhường, miễn là sống cách tự nhiên không ham hố. Người đi Pê-ru (Pérou) trở về, ngoài số vàng bạc họ thu thập được, còn mang theo khỉ và vẹt về nữa, vì chúng không đắt mấy và cũng không làm nặng thuyền. Người sống thánh đức cũng không từ bỏ các chức bậc và danh giá họ có, với điều kiện đừng là những gánh nặng bắt họ quá lo lắng và để tâm, mà gây nên những xao xuyến, những âu lo, tranh giành hay kiện tụng. Ở đây, tôi có ý nói đến những người có địa vị thuộc công ích, hoặc đôi trường hợp riêng có thể có hậu quả lớn lao. Ở hoàn cảnh này người nào phải giữ lấy địa vị của người nấy với khôn ngoan dè dặt, đi đôi với lòng bác ái và lịch thiệp.


1 Luân đức là các nhân đức luân lý : như nghèo khó, thanh tịnh, khiêm nhường v.v… khác với thần đức là các nhân đức thần giao như tin, cậy, mến, nghĩa là khi ta tin, cậy, mến, ta trực tiếp lấy Chúa làm đối tượng của lòng tin, cậy, mến của ta, ta trực tiếp giao cảm với Thiên Chúa. Còn nhân đức là ta hành động trực tiếp trên các sự vật ngoài Thiên Chúa song vì Thiên Chúa.

2 Đây là một tin tưởng bình dân thời đó.

--- o0o ---