Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 14
TINH THẦN NGHÈO KHÓ GIỮA GIÀU SANG

“Phúc cho kẻ có lòng khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Vậy thì khốn cho kẻ có óc giàu sang vì hỏa ngục ghê sợ là phần của họ. Kẻ có óc giàu sang là kẻ  đem sự giàu sang vào trong óc mình, hay đặt tất cả trí óc mình vào sự giàu sang. Kẻ có lòng nghèo khó, là kẻ không để của cải vào trong đầu óc mình cũng như không đặt tất cả tâm trí mình trong của cải. Chim bói cá làm tổ to bằng quả lê, mà chỉ đục một cửa nhỏ nhìn lên trời ; chúng đặt tổ bên bờ biển, song tổ kín và chắc, sóng có đập, nước cũng không thể vào trong được, nên chúng ở giữa biển mà vẫn làm chủ được tình thế.

Hỡi Philôtê thân mến, trái tim con cũng phải như vậy, mở phía cõi trời và đóng kín không cho của cải và các sự mau qua lọt vào. Nếu con có của cải, làm sao cho lòng con không dính bén, và luôn vượt lên trên. Làm sao ở giữa của cải nó vẫn như không có gì và làm chủ trên của cải. Không, con đừng đặt tâm trí cao quí trong các vật hèn thế tục, đem nó vượt lên trên của cải, chứ không phải của cải trên nó.

Có thuốc độc thì khác bị ngộ độc. Các dược sĩ luôn có sẵn mọi thứ thuốc để dùng trong những trường hợp cần thiết, song không phải vì thế mà họ bị trúng độc, vì họ không có thuốc độc trong thân thể họ, nhưng để ngoài tủ hàng. Con cũng có thể có của cải, song đừng bị trúng độc vì nó : Đó là khi con có của cải trong nhà, hay trong túi, nhưng không để nó trong lòng. Giàu của cải song lòng nghèo dính bén : đó là vạn phúc cho người Kitô hữu, vì như thế, hưởng những tiện nghi do sự giàu có đem lại cho đời này, và cũng công trạng của đức nghèo khó cho đời sau.

Buồn thay, Philôtê, không có ai xưng mình hà tiện, ai cũng phủ nhận tính bần tiện và hèn hạ ấy. Song người ta tự bào chữa là phải lo trách nhiệm cho con cái, là đức khôn ngoan đòi phải dự trữ tiền của sẵn mà không bao giờ cho là quá đủ cả, luôn người ta thấy cần phải có thêm. Ngay cả người hà tiện nhất cũng không thú nhận mình hà tiện, trong thâm tâm họ tự nghĩ họ đâu có hà tiện. Hà tiện thật là một cơn sốt lạ kỳ, càng sốt nặng càng không cảm thấy gì nữa. Ông Maisen thấy lửa thánh bốc cháy trong bụi gai mà không thiêu bụi gai ra tro ; nhưng lửa đê hèn của tính hà tiện, trái lại, thiêu hủy hao mòn kẻ hà tiện song không bốc cháy lên. Ở giữa lửa cháy bỏng, họ lại khoe được mát mẻ êm ái nhất đời ; cái thèm khát vô độ của họ, họ cho là khát tự nhiên êm dịu.

Nếu con thấy mình thèm muốn và lo lắng xao xuyến cho có những của mà con không có, thì dù con có biện bạch là không muốn có của cải ấy cách bất công cũng bằng vô ích, con thật là kẻ hà tiện rồi. Kẻ thèm muốn và lo lắng bồn chồn được uống nước, thì dù chỉ muốn uống nước lã thôi họ cũng tỏ ra có cơn sốt trong người rồi.

Ôi Philôtê, tôi không biết : ước ao được cách công bình của cải mà người khác đang làm chủ có phải là ước ao ngay chính không ? vì với cái ước ao ấy, ta muốn lợi cho ta mà bất lợi cho người khác. Kẻ đang làm chủ của cách công bình lại chẳng có lý để giữ lấy nó hơn là ta để ước ao được nó cách công bình ư ? Tại sao ta lại muốn đem lòng ao ước của cải họ có để họ phải mất nó đi ? Cho dẫu cái ước muốn ấy không bất chính, thì nó cũng còn bác ái nữa ; vì ta không muốn kẻ khác ước mong được cái mà hiện thời ta muốn giữ lấy cách chính đáng. Đó là tội của A-kháp : muốn được vườn nho của Na-bô cách hợp lý, đang khi Na-bô muốn giữ lấy một cách còn hợp lẽ hơn nữa. A-kháp thèm muốn, nóng nảy bồn chồn, vì thế ông đã xúc phạm tới Thiên Chúa.

Philôtê thân mến, con hãy đợi khi người kia bắt đầu muốn bỏ hẵng ước ao của cải của họ. Lúc ấy, cái muốn bỏ của họ làm cho ước ao con không những ngay chính, mà còn bác ái. Phải, tôi nguyện chúc cho con luôn chăm lo tăng tài sản và của cải, miễn là đừng làm một cách bất công, nhưng cách êm ái và bác ái.

Nếu con quá quyến luyến những của con có, nếu con quá bận bịu vì đó, để lòng con vào đó, và trí luôn nghĩ về đó, và quá sợ hãi lo lắng mất của ấy, thì con hãy nghe tôi, con còn đang bị bệnh sốt : kẻ đang sốt hấp tấp uống nước người ta đưa với cái vẻ mà người khỏe mạnh không có. Trong một chuyện mà ta không mấy tha thiết, không thế có vui thích nhiều được. Nếu có khi nào con mất của, và con thấy lòng con âu sầu não nề, thì hỡi Philôtê, con hãy tin là con quyến luyến các của ấy lắm. Vì không có gì bộc lộ lòng ta quyến luyến của cải bị mất bằng sự buồn bã khi ta mất của  ấy.

Vậy con đừng bao giờ cố tình ước ao của mà con không có. Cũng đừng quá trìu mến của cải mà con đang có. Đừng quá âu sầu vì mất của. Như thế con mới có thể tự nhận mình là người dù có giàu của cải song tinh thần vẫn nghèo khó, như vậy con mới có phúc, “vì Nước Trời là của con”.

--- o0o ---