Sống tha thứ và hòa giải trong Chúa Thánh Linh
Thưa quý vị,
Nói về quan hệ với miền Trung Đông, đặc biệt với thế giới Hồi Giáo, một nhà báo, bình luận gia của một tờ báo lớn phương Tây đã viết: “Làm thế nào chúng ta có thể nói chuyện với các dân tộc nhận mình có quan hệ trực tiếp với Thượng Đế?”. Nhà báo vô tình nhận xét về hiện trạng của các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng có quan hệ ấy. Đó là Đức Thánh Linh mà hôm nay là lễ của Ngài. Lễ của Thiên Chúa tình yêu đích thực và duy nhất.
Nhưng xin hãy tưởng tượng: tình yêu sẽ như thế nào khi thể hiện hữu hình cho người ta thấy? Tông đồ công vụ kể: “Khi đến ngày lễ ngũ tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho ”. Như vậy hình dáng của Tình Yêu là cái lưỡi, lưỡi bày tỏ trái tim ra bên ngoài. Trước hết chỉ có một lưỡi, sau đó phân tán thành nhiều và cư ngụ trên mỗi người. Phải chăng đó là thần khí của sự thật mà Đức Kitô đã hứa? Như vậy tình yêu là sự thật trong hành động mà chúng ta đã suy niệm ở CN V Phục Sinh vừa qua về bổn phận của các tín hữu phải chuyển tải cho thiên hạ qua dây siêu dẫn (superconductor). Dây siêu dẫn không làm hao hụt năng lượng khi phân phối điện năng (tức hiệu suất điện trở bằng zero từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ). Người tín hữu chuyển tải sự thật và tìnhh yêu Thiên Chúa cho thế giới cũng phải trong trạng thái tuyệt đối như vậy.
Cho nên Thánh Thần ngự xuống bằng tiếng gió mạnh và xuất hiện như hình lưỡi lửa. Gió mạnh là năng lượng không trông thấy được, nhưng thổi đến đâu là hiệu quả đến đó. Lưỡi lửa tượng trưng cho tình yêu nồng cháy diễn tả cảm tình yêu mến của con tim. Liệu người tín hữu nào lại không khao khát hiện diện trong ngày lễ ngũ tuần? Năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xuất hiện trên truyền hình toàn cầu buổi chiều hôm trước ngày lễ ngũ tuần và khắp mọi ngôn ngữ đều có thể nghe Ngài cầu nguyện. Một hình ảnh tuyệt đẹp diễn tả lại lễ hiện xuống ngày khởi đầu giáo hội.
Cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay đều diễn tả hành động của Chúa Thánh Linh trong vai trò hướng dẫn sự thật và tình yêu. Bài công vụ tiếp tục viết: “Nào là những người Roma đến đây, nào là người Do Thái cũng như người đạo theo, là người đảo Creta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”. Kỳ công nào nếu không phải là việc làm của tình yêu và sự thật về Thiên Chúa, và thân phận con người nơi Đức Giêsu Kitô? Nghĩa là Thánh Thần ngự xuống trên họ, làm thay đổi, kiện cường và sai họ đi khắp thế gian thu nhận môn đệ về cho Thiên Chúa. Đức Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn mỗi tín hữu tiên khởi, như trong chúng ta hôm nay, chia sẻ cho họ đoàn sủng, sứ vụ và phục vụ. Biến họ thành các dây điện siêu dẫn, tức không điện trở. Chẳng lạ gì họ thâu lượm được nhiều kết quả.
Hãy để thánh thần tỏ rõ Đức Giêsu trong mỗi người rao giảng, linh mục cũng như tu sĩ, giáo dân để thiên hạ trông thấy những kỳ công của Thiên Chúa và khâm phục, cảm tạ Ngài. Vì thế, bài Phúc Âm thuật lại Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí, mạnh dạn rao giảng cho thế gian: “Đến đây chúng ta thấy rõ câu trả lời cho nghi vấn trên: tình yêu khả thị sẽ như thế nào?”. Chúa Cha tỏ tình yêu và sự thật và tình yêu của Ngài cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô hứa sai Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta sống sự thật và tình yêu ấy. Thánh Thần linh hứng cho Hội Thánh viết Phúc Âm, dạy dỗ chân lý mạc khải. Hôm nay Thánh Thần hiện hình để cho biết Ngài có mặt trong Giáo Hội, trong từng linh hồn tín hữu tin kính Đức Kitô, biến toàn bộ thành dây siêu dẫn của Thiên Chúa.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nghĩ sao đây? Vấn đề đúng là như vậy. Vì khi sống gió nổi lên trong lòng hội thánh về đức tin. Các tông đồ đã cho hay sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Kitô trong công nghị đầu tiên ở Giêrusalem: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định rằng: không nên đặt thêm gánh nặng ngoài những chi cần thiết trên vai họ, gánh nặng mà cha ông chúng ta cũng không mang nổi”. Rõ ràng các tông đồ đã khẳng định Thánh Thần đang dẫn dắt Hội Thánh Chúa, chúng ta dám xác tín như vậy không? Thánh Thần là thần khí của sự thật và tình yêu, luôn âm thầm hướng dẫn hội thánh trong suy nghĩ, học thuyết một cách không sai lầm, chứ không nông nổi tuyên bố lung tung như các diễn giả thời nay. Thánh Irênêo viết về Hội Thánh tiên khởi: “Ở đâu có Hội Thánh, ở đấy có Thánh Thần, ở đâu có Thánh Thần, ở đấy có Giáo Hội”. Chúng ta nên suy nghĩ câu nói ấy để hành xử cho tốt, kẻo gây nhiều thiệt hại cho Giáo Hội.
Ở miền nam Hoa Kỳ, giáo dân có câu châm ngôn: “God has no grandchildren” (Thiên Chúa không có cháu chắt). Ý nói đức tin không phải là của gia bảo, hay đơn thuốc gia truyền, đời nọ thừa kế đời kia, từ đời ông cho đến đời cha, rồi con cái cháu chắt. Dĩ nhiên chúng ta phải giáo dục đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Nhưng các tín hữu thời nay không phải là các hậu duệ của các tín hữu tiên khởi, của thế hệ Hội Thánh trực tiếp lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Không phải vậy. Hội Thánh bây giờ vẫn là Giáo Hội “tiên khởi” được Chúa Thánh Thần sinh ra qua bí tích rửa tội và được sai đi rao giảng tin mừng cho thế hệ mình. Chỉ khác nhau về thời gian. Chúng ta không được phép nuối tiếc: giả như tôi có mặt lúc bấy giờ. Phép thanh tẩy, các bí tích mà tín hữu lãnh nhận, Chúa Thánh Linh ngự xuống trong ngày hôm nay vẫn y nguyên như thời các tông đồ, mới mẻ và tinh tuyền, đầy sức sống và ơn thánh. Thiên Chúa không có cháu chắt, toàn bộ là con, là thế hệ tiên khởi, sinh ra trong thần khí Chúa.
Điều rõ nét là phúc âm hôm nay, Gioan cho chúng ta hay: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đế, đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em … Nói xong Người thổi hơi vào các ông và nói: anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Cả một sự tạo dựng mới. Nhân loại lại trở về ân huệ cũ: hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa. Lần này thì không ai làm hư hỏng được nữa, vì Adam chính là Con Thiên Chúa, đức Giêsu Kitô. Các tông đồ, mặc dù được trao sứ mệnh ra đi rao giảng tin mừng cho nhân loại, nhưng vẫn sợ sệt, phần vì lãnh đạo Do Thái đe doạ, phần vì xấu hổ đã phản bội thầy. Vì thế Chúa làm hoà trước: bình an cho anh em. Ngài nói tới hai lần trong một đoạn văn ngắn, để đảm bảo với các ông sự tha thứ của Ngài. Sau đó Ngài sai các ông đi rao giảng cho thế gian. Nhưng chẳng thể tha thứ được nếu không có tình yêu. Ở đây là vai trò của Thánh Linh. Và hơn thở của Thiên Chúa chính là Thánh Linh: “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Thánh Linh không loại trừ ai, ngoài những kẻ từ chối tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày nay chúng ta cũng cần Chúa tha thứ: bình an cho anh em. Vì chúng ta cũng đã phản bội. Lòng chúng ta cũng đầy xao xuyến lo âu vì tội lỗi cũ, những tội còn ghê gớm hơn là các tội của các tông đồ, vì dầu sao các ông hèn nhát là do không đủ kiến thức. Còn chúng ta, được học hỏi, biết rõ Chúa, nhưng vẫn chối bỏ tình yêu của Ngài vì dục tình, vì chạy theo thế gian, rồi biện minh bằng những lý lẽ ngô nghê. Bình an cho anh em. Chúng ta cũng cần Chúa tha thứ và đảm bảo như vậy. Ngõ hầu cảm thấy được làm hoà với Thượng Đế, được tạo dựng lại. Làm những thụ tạo mới qua lời Chúa như các tông đồ. Con người đầy tội lỗi, hèn nhát, mù tối, nguội lạnh, thoả hiệp với thế gian, bây giờ được tha thứ và can đảm để bắt đầu một cuộc sống mới trong “ngày thứ nhất” như các môn đệ xưa mà nhận lãnh Thánh Thần qua hơi thở của Đức Kitô.
Xin lưu ý, Chúa bao giờ cũng làm gương trước rồi mới dạy dỗ sau: Ngài rửa chân cho các môn đệ rồi mới nói: anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải thương yêu và phục vụ lẫn nhau. Phúc Âm hôm nay cũng vậy. Ngài tha thứ và làm hoà với các ông: bình an cho anh em, rồi mới sai các ông đi rao giảng thứ tha. Các tông đồ y hệt chúng ta: yếu đuối và hèn nhát, nhưng có thể tha thứ và rao giảng thứ tha vì họ được hơi thở của Đức Giêsu tạo dựng mới: Thiên Chúa không có cháu chắt, chúng ta không thuộc hàng cháu chắt của đức tin. Chúng ta là con trực tiếp. Vậy thì cũng phải làm như vậy: tha thứ và rao giảng hoà giải cho thế giới đầy những bất ổn, tranh chấp, chia rẽ, đánh nhau, chém giết.
Lưu ý thứ hai là theo như Gioan trong Phúc Âm hôm nay, Chúa không trì hoãn việc tha thứ và hoà giải với các môn đệ. Ngài thực hiện ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi vừa trỗi dậy từ cõi chết. Ngài ban cho họ thần khí tha thứ để họ tiếp tục ngay công việc của Ngài: anh em hãy đi rao giảng và thu thập môn đệ cho thầy. Chúng ta nghĩ thế nào về thái độ của mình; tẩy rửa và làm dây siêu dẫn cho Ngài hay chìm sâu trong nết xấu và đam mê tiện nghi thế gian?
Lưu ý thứ ba là Chúa cho các ông xem các vết thương chân tay và cạnh sườn Ngài. Rao giảng không đơn giản đâu. Nó cũng gây nên các vết thương cho người xây dựng hoà bình. Dĩ nhiên việc xem thấy Chúa phục sinh mang đến cho các tông đồ niềm vui khôn tả, nhưng đi rao giảng, thi hành sứ vụ Ngài trao cũng có nghĩa chịu thương tích. Xin đừng trốn tránh, hoặc lựa chọn những dễ dãi, mà phải cắm mắt nhìn vào các vết thương nơi chân tay và cạnh sườn Chúa. Chúng ta phải trả giá cho việc rao giảng tha thứ và hoà giải. Thực tế đã có nhiều môn đệ trả giá bằng cái chết của mình như xưa nay vẫn thường xảy ra. Chúng ta phải noi gương các vị, ít là từ bỏ những phù phiếm hàng ngày để làm gương.
Dĩ nhiên có những người từ chối tha thứ và hoà giải, và nhiều nữa là khác. Thậm chí cả một quốc gia, một dân tộc. Nhưng chính những quốc gia, dân tộc ấy sẽ lãnh nhận bản án cho mình vì quay mặt đi khỏi tha thứ hoà giải của Chúa. Phần mình, chúng ta phải cố gắng trở nên những dây siêu dẫn (super conductors) không làm hư hao năng lượng thứ tha và hoà giải, tình yêu và sự thật của Thiên Chúa qua tính mê nết xấu của mình. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen.
Tổng hợp theo: Smith & Jude Sicilianô
Lm Thomas Trần Ngọc Túy, OP
VietCatholic News (Thứ Năm 08/05/2008 19:05)